Chương 21
Quảng trường trước toà nhà thị chính đen đặc những người là người. Tay xách làn, tôi lôi Nguyệt Châu theo. Chị tôi cứ kèo nhèo nào là bị chen lấn, nào là giá lương thực đắt đỏ, nào là hiếm thịt thú rừng. Lắm lời và cáu kỉnh, chị than phiền về tất cả các thứ chúng tôi mua. Tôi bực mình vì những thứ thở than không dứt, chỉ mong rủ chị đi cho nhanh.
Từ ba năm nay, cuộc đời chị như một dòng sông tuyệt vọng. Tôi tiếc biết bao nhiêu bà chị ngày xưa với mớ tóc đen huyền tết thành hai cái đuôi am và buộc nơ màu đỏ chót. Chị đi đi lại lại, xoay tròn, ngồi xuống đứng lên liên tục. Tiếng cười giòn giã của chị làm cả nhà phát nhức cả đầu.
Nay thì vài sợi tóc uốn lọt qua vành mũ trùm và đung đưa trên gò má tái nhợt của chị. Tóc mất đi vẻ óng mượt cũng ủ rũ như con người chị.
Tôi lắc tay chị:
- Này, thế chị ly dị đi!
Chị mở tròn đôi mắt một mí xinh đẹp. Nước mắt ứa ra:
- Em ơi, anh ấy trước đây yêu chị lắm!... Anh ấy thề cả đời chỉ có mình chị mà thôi!... Chị không tin là anh ấy đã quên lời thề. Nó còn mạnh hơn cả anh ấy... Tối hôm qua, chị đi theo anh ấy... Anh ấy vào rạp hát với một con rởm đời, đồ đàn bà hư hỏng, để cho trai sờ vuốt ngay trong ghế lô...
Tôi chẳng biết nói thế nào. Phong tục mới lên án chế độ đa thê nhưng đàn ông vẫn rất lang chạ, còn phụ nữ nào đã thoát khỏi những khốn khổ. Cha mẹ chúng tôi là những người tân tiến. Ở cái thời buổi mà phong tục truyền thống và lối sống hiện đại vẫn còn đang tranh giành ưu thế, ba mẹ đã khuyến khích chị cưới người đàn ông chị yêu. Cuộc hôn nhân vì tình ấy quả là một nỗi bất hạnh lớn.
Người đi đường ngoái cổ nhìn theo chúng tôi. Nguyệt Châu nức nở mà chẳng biết rằng mình lố bịch. May quá có một bác xích lô chạy qua. Tôi gọi ông ta lại, bắt chị lên xe và nhờ đưa bà chị về nhà. Chị tôi quá đau đớn nên để mặc người ta đưa đi.
Tôi tiếp tục mua các thứ mẹ dặn. Sáng chủ nhật nào cũng vậy, nông dân và thợ săn trong vùng đều ra chợ. Họ đi suốt đêm và chờ dưới chân thành cho tới khi cổng thành mở. Tôi mua xong hết các thứ khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Sớm nay tuyết tan và mọi người phải lội trong thứ bùn lạnh lép nhép. Tôi đi về phía một quán trà. Trước cửa có một cái lò đã nhóm, tôi ngồi trước quầy và gọi trà hạnh nhân hạt dẻ. Bồi bàn vội vàng phục vụ : ấm trà to đùng vẽ rồng phượng rót tia nước nóng bỏng từ cách xa cả mét vào bát trà của tôi. Sau lưng tôi, có ai đó cất giọng hát:
« Làng tôi nằm trong lũng sông Amua
Bên một rừng thông
Sao tôi quên được vẻ đẹp của làng tôi?
Mẹ tôi, các chị em tôi,
Sao tôi bỏ được vào tay quân thù? »
Đám đông rùng mình. Bài hát bị cấm. Ai hát sẽ bị bỏ tù. Tôi chỉ thấy các ánh mắt ngạc nhiên, nhiều gương mặt tái đi. Cách tôi chừng mươi bước, kẻ can đảm nhất lại hát, và rồi có nhiều giọng khác hòa theo. Càng ngày càng nhiều người cùng đồng thanh và tiếng hát vang lên khắp chợ.
Cảnh sát huýt còi. Có tiếng súng nổ. Liền sau tín hiệu đó, một người nông dân đang chồm hỗm đằng sau giỏ trứng đứng dậy, tay anh ta cầm súng lục. Cách đó một quãng, một người khác lôi súng từ dưới các bó rơm để phân phát cho mọi người. Đàn ông mang vũ khí chạy ngược về phía tòa thị chính, vừa chạy vừa xô đẩy người đi đường. Quán trà bị xô sụp xuống trong tiếng ầm ấm điếc cả tai. Đám đông cuốn tôi đi.
Người thì khóc, người thì kêu, người thì gào thét. Không phân biệt nổi ai đang tiến lên để tấn công quân lính của chính phủ và ai đang lùi lại để chạy trốn. Làn sóng người xô tôi về phía hàng rào toà thị chính nơi súng càng nổ dữ dội hơn. Tôi cố chống cự lại nhưng xung quanh mọi người quá kích động nen chẳng đếm xỉa gì đến tôi. Tôi vấp phải một xác người và ngã xuống. Tay tôi vuốt qua một chiếc áo vét lạnh ngắt và ươn ướt. Một viên cảnh sát đã bị đâm chết giương cặp mắt lồi ra nhìn tôi trừng trừng. Tôi gượng dậy. Một người nông dân đang vung vẩy súng thúc cùi tay vào người làm tôi lại ngã đè xuống cái xác. Tôi thét lên.
Có một thanh niên cúi xuống chìa tay cho tôi nắm.
Anh ta kéo tôi về phía mình. Anh sinh viên có nước da ngăm ngăm mỉm cười với tôi.
- Đi theo tôi, anh bảo.
Anh gật đầu ra hiệu cho một sinh viên khác. Anh này nhìn tôi một cách cao ngạo rồi túm lấy tay kia; Cả hai đỡ tôi và rẽ đám đông đi ra.
Trong phố, đánh nhau vẫn còn ác liệt. Hai sinh viên chạy thật nhanh, lôi tôi đi theo. Dường như họ biết trước những đồn cảnh sát bị quân nổi loạn tấn công, họ tránh được những chỗ đánh nhau và cuối cùng cũng dừng lại trước lối vào một khu nhà lớn.
Một người mở cửa. Khu vườn hoang trước mặt anh ta đã lấm tấm điểm hoa xuyên tuyết. Ngôi nhà xây theo kiểu Âu có vòm bán nguyệt và cửa sổ hình thoi.
- Đây là nhà của Kinh, anh sinh viên nước da ngăm ngăm giới thiệu anh bạn. Còn anh là Mẫn.
Mẫn giải thích là chủ nhà, dì của Kinh, đã rời thành phố đến Nam Kinh và Kinh rất vui mừng được nhận chân giữ nhà.
Giọng anh trẻ trung và trầm ấm, giống như giọng người lúc nãy hát.
- Thế còn em?
Tôi tự giới thiệu và hỏi xem tôi có thể gọi điện được không.
Kinh sốt ruột nói:
- Chắc quân kháng chiến đã cắt đường dây rồi.
Nhìn thấy vẻ thất vọng trên mặt tôi, Mẫn bèn nói sẽ cố thử xem sao.
Trong phòng khách, các bức tranh đã treo trước đây, và sàn nhà bằng gỗ sơn đỏ còn hằn dấu các đồ gỗ đã được mang đi. Trong thư viện, hàn trăm quyển sách vẫn được xếp ngăn nắp trên giá, còn có một đống sách khác vứt ngổn ngang chồng chất dưới đất. Trên các bàn thấp, nhiều chiếc gạt tàn còn đầy đầu mẩu thuốc lá, tách đĩa bẩn, báo chí bị vò nhầu. Dường như một cuộc họp đã diễn ra đêm qua ở đây.
Mẫn mở cửa thông sang buồng ngủ có một chiếc giường phủ chăn lụa đỏ thêu hoa cúc đại đóa. Anh ta nhấc chiếc máy nghe trên giá nhưng không gọi được.
- Anh sẽ đưa em về khi nào yên yên, anh nói giọng ấm áp. Em ở đây an toàn rồi. Có đói không? Ra giúp anh nấu cái gì đi.
Trong khi Mẫn nấu mì, nhặt rau, thái thịt, Kinh vẫn ngồi trên chiếc ghế kê bên cửa sổ, lắng tai nghe từng tiếng động bên ngoài. Có tiếng súng thỉnh thoảng vọng lại. Mỗi khi súng nổ, trên môi Kinh thoảng nụ cười giễu cợt. Tôi không biết thành phố của tôi rồi sẽ ra sao. Tôi cho rằng những nông dân cải trang này là thành viên của Tổ chức kháng chiến chống quân Nhật. Báo nói rằng quân cướp này đốt phá, cướp bóc, bắt cóc người thành phố và dùng tiền chuộc để mua súng của người Nga. Tôi lo lắng cho cha mẹ, cho Nguyệt Châu chắc đang lạc trong phố trên chiếc xích lô. Tôi hết ngồi lại đứng, đi đi lại lại, lật vài trang sách rồi ngồi phịch xuống trên một chiếc ghế khác trước mặt Kinh.
Tôi cũng lắng nghe từng tiếng động như anh ta.
Chỉ có Mẫn có vẻ bình tĩnh. Anh huýt sáo một điệu ôpêra.
Chiếc nồi toả mùi thơm phức. Rồi Mẫn bưng cho tôi một bát mì to ịch nấu với thịt bò và rau cải muối. Anh chìa cho tôi một đôi đũa.
Lúc đó tôi mới nhớ ra là mọi người ở nhà đang chờ để mừng sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi.
Chương 22.
Ở Cáp Nhĩ Tân, nắng như xói vào mắt.
Mùa xuân, trong tiếng gầm trầm trầm liên miên, hàng ngàn vạn tảng băng đâm vào nhau, nhấp nhô và biến mất trong bọt sóng sông Amua.
Một tay lái buôn giàu có vừa cho dựng trong trung tâm thành phố một gian hàng xổ số. Trên một cái sàn gỗ cao, kết quả xổ sô đang được xướng lên. Bên những người giàu bận đồ lông thú, có những kẻ ăn mày không đủ vải che thân đang run rẩy. Ăn trộm, lưu manh, lính, sinh viên, tư sản, đĩ điếm, cả thành phố đều tới đây và sốt ruột chờ đợi. Đột nhiên, thông báo được điểm bằng tiếng than khóc và tiếng reo mừng của đám đông. Những cuộc xô xát bắt đầu. Chồng đánh vợ vì đã thay đổi số cược, những kẻ vừa đặt cửa đồng xu cuối cùng doạ sẽ tự vẫn. Cũng có cả những tay cho vay đang đòi tiền nợ, hay những kẻ thắng xổ số nhưng lại không tìm thấy vé đâu.
Chưa bao giờ tôi thấy có nơi nào mà kẻ giầu lại nghi ngại sự giàu sang của mình đến thế còn kẻ nghèo lại tuyệt vọng đấu tranh chống lại cảnh khốn cùng. Sự bê trệ của đám dân này khiến tôi càng tin chắc rằng đế quốc Trung Hoa đang chìm đi trong hỗn loạn, không thể nào lật ngược được xu thế này. Nền văn minh lâu đời này đã co lại dưới triều đại Mãn Châu, chối bỏ sự mở cửa, khoa học và hiện đại. Ngày hôm nay nó đã trở thành miếng mồi ngon của các cường quốc Châu Âu, nó đang sống sót bằng cách nhường dần đất đai và tự chủ của mình.
Chỉ có người Nhật chúng tôi, thừa kế được một nền văn minh Trung Hoa thuần khiết (1), không pha trộn, mới có thể giải phóng cho họ khỏi ách đô hộ Châu Âu. Chúng tôi đem lại cho dân họ hòa bình và lòng tự trọng.
Chúng tôi là cứu tinh của họ.
--------------
(1). Từ thế kỷ VI, Phật giáo và văn hóa Trung Hoa thâm nhập vào triều đình Yamato. Năm 604, ông hoàng Sôtôku cử một sứ thần chính thức tới kinh đô Tràng An (nay là Tây An) Trung Quốc. Năm 645, triều đình Yamato quyết định xây dựng Nhật Bản theo mô hình của triều đình nhà Đường. Chữ viết Nhật Bản bắt chước theo chữ tượng hình Trung Hoa. Các rối loạn chính trị trong triều đình nhà Đường và việc quân tác ta xâm lấn khiến người Nhật quyết định rút sứ thần của họ ở Trung Hoa về vào năm 838. Từ đó văn hóa Nhật phát triển độc lập với văn hóa châu lục.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
- Chương 47
- Chương 48
- Chương 49
- Chương 50
- Chương 51
- Chương 52
- Chương 53
- Chương 54
- Chương 55
- Chương 56
- Chương 57
- Chương 58
- Chương 59
- Chương 60
- Chương 61
- Chương 62
- Chương 63
- Chương 64
- Chương 65
- Chương 66
- Chương 67
- Chương 68
- Chương 69
- Chương 70
- Chương 71
- Chương 72
- Chương 73
- Chương 74
- Chương 75
- Chương 76
- Chương 77
- Chương 78
- Chương 79
- Chương 80
- Chương 81
- Chương 82
- Chương 83
- Chương 84
- Chương 85
- Chương 86
- Chương 87
- Chương 88
- Chương 89
- Chương 90
- Chương 91
- Chương 92