Chương 2.1
Mathidle tỉnh lại khi trời chưa sáng hẳn. Trong đêm, người ta đã đưa cô xuống phòng điều trị, nơi cô bắt đầu cảm thấy buồn chán. Từ mười lăm tháng nay, cường độ hoạt động căng thẳng đã là cách duy nhất để chống lại những chất cặn bã tồn tại từ một lối sống trong quá khứ, cái thời mà những tiệc rượu tràn trề thất vọng và các chất gây nghiện đã hoàn toàn chế ngự cô. Ánh đèn ne-ong nhấp nháy trên đầu khiến cô nhớ lại những giờ dài đằng đẵng chống chọi lại với cơn nghiện giày vò khiến ruột gan cô đau đớn không tả xiết. Đó là ký ức về những ngày khốn khổ khi Zofia mà không vẫn quen gọi là thiên thần hộ mệnh của mình, đã phải giữ chặt lấy tay cô. Để tồn tại, cô đã vò xé than thể mình, tự cào cấu cho tới rách da để tạo ra những vết thương mới át đi những hình phạt của các thú vui tội lỗi trong quá khứ.
Đôi khi cô vẫn như cảm thấy phía sau đầu nhói đau bởi những vết tụ máu, dấu vết còn lại từ những đêm vật vảtrong những cơn đau đớn tột cùng. Cô nhìn vào mặt trong khuỷa tay, những vết thâm do mặt kim để lại đã mờ dần từ tuần này sang tuần khác, bằng chứng cho sự ân hận của cô. Chỉ còn một nốt tím duy nhất nằm trên đường ven như nhắc nhở đó đã từng là lối vào của một cái chết chậm rãi. Zofia đẩy cửa vào phòng.
- Đúng lúc quá, - cô vừa nói vừa để bó hoa mẫu đơn lên bàn kê đầu giường.
- Đúng lúc là sao? - Mathilde hỏi.
- Chị đã nhìn thấy mặt em lúc bước chân vào đây, tinh thần em có vẻ như sắp có biến động hay giông tố. Chị đi hỏi y tá xem có lọ cắm hoa không đây.
- Ở lại đây với em. - Mathilde nói, giọng lạc đi.
- Những bông hoa mẫu đơn cũng nóng ruột chẳng kém em, chúng cần rất nhiều nước, cứ ngồi đấy, chị sẽ quay lại ngay.
Còn lại một mình trong phòng, Mathilde ngắm những bong hoa. Cô giơ bàn tay không bị thương ra vuốt ve những chiếc nhụy mịn như tơ. Những cánh hoa mẫu đơn mượt như lông mèo, Mathilde vô cùng yêu mèo. Zofia quay trở lại với một xô đầy nước, cắt ngang dòng suy nghĩ mơ mộng của bạn.
- Họ chỉ có cái này thôi; cũng chẳng sao, loài hoa này cũng không phải kén chọn lắm.
- Đây là loại hoa em thích nhất.
- Chị biết.
- Làm thế nào chị tìm được chúng vào mùa này?
- Bí mật!
Zofia nhìn bên chân bó bột rồi lại nhìn chiếc kẹp dùng để cố định cánh tay bạn. Mathilde bắt gặp cái nhìn của cô.
- Chị vẫn không hề hấn gì sao? Thật ra chuyện gì đã xảy ra vậy nhỉ? Em hoàn toàn chẳng nhớ gì cả. Chị em mình đang nói chuyện, rồi chị đứng dậy, còn em thì vẫn ngồi đó, và rồi sau đó tất cả đều chìm trong bóng tối.
- Không... gas đã bị rò rỉ từ lớp trần giả trong nhà hàng! Em sẽ phải ở lại đây bao lâu?
Các bác sĩ có thể cho phép Mathilde xuất viện ngay ngày mai, nhưng cô không đủ tiền thuê người giúp việc tại nhà mà tình trạng của cô hiện chưa thể tự làm gì được. Khi Zofia chuẩn bị ra về, Mathilde trào nước mắt.
- Đừng bỏ em lại đây, mùi thuốc sát trùng làm em phát điên mất. Em đã trả giá đủ rồi, em thề với chị. Em không chịu được nữa rồi. Em vô cùng sợ bị chìm đắm thêm một lần nữa, đến nỗi em đã phải giả vờ uống những viên thuốc an thần mà họ phát cho em. Em biết em là một gánh nặng đối với chị, nhưng hãy đưa em ra khỏi đây, Zofia, ngay bây giờ!
Zofia quay lại bên bạn và vuốt trán cô để an ủi và xoa dịu cơn kích động đang làm toàn thân cô run lên. Cô hứa với Mathilde sẽ làm hết sức mình để sớm tìm ra một giải pháp. Cô sẽ quay lại thăm vào cuối buổi chiều.
Sau khi ra khỏi bệnh viện, Zofia ra khu cảng, một ngày bận rộn đang chờ đón cô. Thời gian trôi rất nhanh: cô có một nhiệm vụ phải hoàn thành và một vài người cần tới sự che chở của cô mà cô không thể bỏ rơi. Cô phải tới thăm người bạn già vô gia cư của mình. Jules đã tách mình khỏi thế giới mà chưa bao giờ biết được con đường nào đã đưa ông tới gầm cầu nhánh số 7 mà ông đã chọn làm nơi cư trú của mình... Chỉ là một chuỗi bất hạnh mà cuộc sống đã dành cho ông. Một đợt cắt giảm nhân sự tại chỗ làm đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông. Một lá thư đơn giản đã được gửi đến báo tin ông không còn là thành viên của một công ty lớn mà ông đã cống hiến cả cuộc đời mình.
Ở tuổi năm mơi tám, con người ta vẫn còn rất trẻ... và ngay cả khi các công ty mỹ phẩm đồng loạt tuyên bố rằng khi tuổi sáu mươi đến gần, con người vẫn còn cả cuộc đời ở phía trước nếu biết trân trọng vẻ đẹp của chính mình, thì bộ phận nhân sự của công ty ông lại chẳng hề tin vào điều đó khi họ đánh giá khả năng cống hiến của các nhân viên. Chính vì thế mà Jules Minsky đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Một nhân viên bảo vệ đã tịch thu tấm thẻ ra vào tòa nhà nơi ông đã trải qua nhiều thời gian trong đời hơn cả trong chính ngôi nhà của ông. Không nói với ông một lời, một người đàn ông mặc đồng phục đã tháp tùng ông vào tận phòng làm việc. Dưới ánh nhìn câm lặng của các đồng nghiệp, ông đã thu dọn đồ đạc của mình. Vào một ngày trời mưa tầm tã, Jules đã ra đi, hành lý duy nhất mang theo là một hộp giấy đựng đồ đạc cá nhân, sau ba mươi hai năm trời trung thành cống hiên.
Cuộc đời của Jules Minsky, nhà thống kê say mê nghiên cứu toán học ứng dụng, cuối cùng đã gói gọn trong những phép tính số học đơn giản và không hoàn chỉnh: một phép cộng những ngày cuối tuần cắm đầu vào những tập hồ sơ mà quên đi cuộc sống của chính mình; một phép chia bị áp đặt bởi quyền lợi của những người sử dụng sức lao động của ông (ai cũng tự hào vì được làm việc cho họ, các nhân viên coi nhau như thành viên của một gia đình lớn trong đó mỗi người đều có một vị trí để bám trụ và một trách nhiệm riêng phải hoàn thành); một phép nhân những sự nhục mạ và những ý tưởng bị gạt bỏ bởi một số người nắm quyền lực không chính thống; và cuối cùng là một phép trừ quyền được kết thúc sự nghiệp của mình một cách xứng đáng. Giống như một phép cầu phương của đường tròn, sự tồn tại của Jules đã bị quy về một phương trình vô nghiệm với đầy những bất công.
Suốt quãng đời tuổi thơ, Jules Minsky vẫn thường thích lân la tới những bãi thải sắt vụn, nơi những chiếc máy ép khổng lồ đang nghiến bẹp xác những chiếc ô tô cũ. Để xua đi nỗi cô đơn luôn ám ảnh ông trong những đêm dài, ông vẫn thường hình dung về cuộc sống đầy đủ của anh chàng chuyên viên mới đã phá hoại sự nghiệp của mình và "đánh giá" rằng anh ta chỉ đáng là một thứ đồng nát. Các thẻ tín dụng của ông đã bị phong tỏa vào mùa thu, tài khoản của ông trong ngân hàng đã không thể qua khỏi mùa đông, và ông đã phải từ bỏ căn nhà của mình trong mùa xuân. Mùa hè tiếp đó, ông đã phải hy sinh tất cả cho một đam mê lớn bằng cách dốc hết tiền cho một chuyến du lịch cuối cùng. Rồi chẳng biết từ bao giờ, một con người mang tên Jules Minsky đã chọn gầm cầu nhánh số 7, ngay dưới bến số 80 của khu cảng thương mại San Francisco, làm nơi cu trú của mình. Chẳng mấy chốc ông sẽ có thể kỷ niệm mười năm sống dưới bầu trời đầy sao sáng. Ông luôn sẵn lòng kể cho bất kỳ ai muốn nghe rằng vào cái ngày ông phải rời bỏ mọi thứ, thật sự ông đã chẳng hề cảm thấy gì.
Zofia nhìn vết thương đang rỉ nước dưới chỗ toạc của ống quần bằng vải tuýt len kẻ ô vuông.
- Bác Jules, bác phải đi khám chân bác đi!
- Ôi thôi, cháu đừng nhiều chuyện nữa, cái chân này có sao đâu!
- Nếu bác không rửa vết thương ấy ngay, chỉ trong vòng một tuần nó sẽ nhiễm trùng và gây hoại thư, bác biết rõ điều đó mà!
- Ta đã phải chịu đựng vết thương lớn nhất trong cuộc đời rồi, con gái ạ. Thêm hay bớt một vết thương nữa thì có sá gì! Hơn nữa, từ bao lâu nay ta vẫn cầu Chúa tới đưa ta đi, có lẽ ta cũng nên hợp tác với Người một chút chứ. Nếu mỗi lần có chuyện gì ta cũng vội càng chạy chữa ngay, thì việc gì còn phải khẩn nài số phận đưa ta rời khỏi mặt đất đáng nguyền rủa này! Cháu thấy không, cái vết thương này có thể sẽ là vé vào cửa của thế giới bên kia đấy.
- Ai đã nhồi nhét những ý nghĩ ngốc nghếch ấy vào đầu bác vậy?
- Chẳng ai cả, nhưng đúng là có một gã trai trẻ thường lảng vảng ở đây rất đồng tình với ý kiến đó của ta. Ta rất thích tán phét với gã. Mỗi lần nhìn thấy gã, ta như nhìn thấy hình ảnh của mình thời trai trẻ. Gã mặc đúng những bộ quần áo mà ta vẫn thường mặc cái thời mà ta chưa phải khoác bộ cánh rác bươm để thòi cả những gì trong túi ra ngoài. Ta dạy cho gã những điều hay, còn gã thì truyền cho ta những lời u ám, một cuộc trao đổi có đi có lại, cháu thấy không, và điều đó làm ta khuây khỏa.
Không có tường bao quanh, cũng chẳng có mái che, không ai để thù hận, không có thức ăn để trước cửa mà cũng chẳng có những chấn song sắt để mơ tưởng sẽ cưa đi để vượt ngục... hoàn cảnh sống của Jules Minsky còn tồi tệ hơn cả của một tù nhân. Mơ ước có thể trở thành xa xỉ khi người ta phải vật lộn với cuộc sống. Ban ngày, phải bới rác tìm thức ăn, mùa đông, phải đi bộ không ngừng để chống lại liên minh chết chóc giữa cái lạnh và cơn buồn ngủ.
- Bác Jules, cháu sẽ đưa bác tới nhà tình thương!
- Ta cứ tưởng cháu làm việc trong đội bảo an của cảng, chứ có phải cho Đội Cứu trợ Tình thương đâu!
Zofia phải dùng hết sức kéo cánh tay của người hành khất để lôi ông đứng dậy. Ông chẳng hề muốn nhượng bộ song cuối cùng cũng đành theo cô ra tới xe. Cô mở cửa xe, Jules đứng vuốt râu, ngập ngừng. Zofia nhìn ông, im lặng. Những nếp nhăn hài hòa quanh đôi mắt màu xanh nước biển bộc lộ một tâm hồn giàu cảm xúc. Quanh đôi môi dày luôn mỉm cười của ông như hiện lên những hình vẽ về một cuộc sống mà sự nghèo đói chỉ tồn tại ở dáng vẻ bên ngoài.
- Xe của cháu sẽ bốc mùi mất thôi, vì cái chân đáng nguyền rủa này mà đã nhiêu ngày nay ta chẳng thể lết tới chỗ có thể tắm rửa được!
- Bác Jules ạ, nếu người ta bảo tiền bạc không có mùi thì một chút nghèo khổ làm sao có thể bốc mùi được? Bác đừng tranh luận nữa và lên xe đi!
Sau khi đã gửi ông vào nhà tình thương, cô quay lại bến cảng. Dọc đường, cô ghé về nhà gặp bà Sheridan : cô có một việc quan trọng cần nhờ tới bà. Cô gặp bà ngay ngoài hiên. Reine đang cần mua một vài thứ trong cái thành phố nổi tiếng với những con phố dốc ngược mà mỗi bước đi quả là một thách thức đối với một người có tuổi, gặp được Zofia vào giờ này quả là một điều kỳ diệu đối với bà. Zofia đề nghị bà lên xe rồi vội vã chạy lên nhà mình. Cô vào phòng, liếc qua hộp thư thoại và nhận thấy không có một tin nhắn nào để lại cho mình nên lại vội vàng chạy xuống. Trên đường đi, cô kể chuyện cho Reine nghe, bà đồng ý cho Mathilde ở nhờ cho tới khi cô bình phục. Chỉ cần tìm được cách đưa cô lên tầng trên và một vài cánh tay khỏe mạnh để lôi chiếc giường sắt từ phòng áp mái xuống.
Ngồi thoải mái trong quán cà phê tại số 666 Phố Chợ, Lucas nguệch ngoạc vài con tính lên mặt bàn bằng foóc-mi-ca. Hắn vừa thu xếp được một công việc mới trong tập đoàn bất động sản lớn nhất California. Hắn nhúng chiếc bánh ngọt thứ bảy vào tách cà phê kem, chúi đầu vào mỗi cuốn sách rất hay kể chuyện về sự phát triển của Silicon Valley: Một dải đất rộng, chỉ trong vòng ba mươi năm đã trở thành trung tâm chiến lược hàng đầu thế giới về công nghệ cao và được coi là lá phổi của tin học toàn cầu. Đối với một chuyên gia về thay đổi lý lịch như hắn, để được nhận vào làm chỉ là một việc đơn giản đến mức nhàm chán, song hắn đã bắt đầu phát cuồng vì háo hức chuẩn bị cho một kế hoạch xảo quyệt.
Hôm trước, trên chuyến bay từ New York, một bài báo trong tờ San Francisco Chronicle nói về tập đoàn bất động sản A&H đã thu hút sự chú ý của Lucas: bộ mặt béo múp của ngài phó tổng giám đốc đã gần như choán hết ống kính trong bức ảnh minh họa. Ed Heurt, chữ H trong A&H, người chỉ giỏi vênh vang trong các buổi phỏng vấn hay các cuộc họp báo, đã không ngớt tán dương những đóng góp to lớn của tập đoàn mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế khu vực. Con người này từ hai mươi năm nay đã nhòm ngó ghế nghị sĩ nên không bỏ qua một cơ hội nào xuất hiện trước công chúng. Ông ta đang chuẩn bị khánh thành một các rất hoành tráng mùa câu cua bể vào Chủ nhật tới. Chính trong dịp này Lucas đã gặp Ed Heurt.
Cuốn sổ điện thoại đầy ấn tượng với tên và địa chỉ liên lạc của các nhân vật quyền lực mà Lucas đã khéo kéo nhắc tới trong cuộc trò chuyện đã khiến hắn trở thành người xứng đáng với chức danh cố vấn phó tổng giám đốc vừa mới được lập ra cho hắn. Cơ chế hoạt động của chủ nghĩa cơ hội không có gì là bí mật đối với Ed Heurt và một thỏa thuận đã được thông qua ngay trước khi nhân vật số hai của tập đoàn kịp nuốt gọn chiếc càng cua bể được chấm đẫm xốt mayonne trộn nghệ và làm nước xốt dây đầy ra ngực áo vét.
Lúc này là mười một giờ sáng, và trong một giờ nữa Ed sẽ giới thiệu Lucas với người cùng hùn vốn của ông ta, Antonio Andric, chủ tịch tập đoàn.
Chữ A trong A&H, với cánh tay sắt bọc nhung, điều hành hệ thống kinh doanh rộng lớn mà ông ta đã khéo léo gây dựng trong nhiều năm. Năng khiếu bẩm sinh về kinh doanh địa ốc cộng với sự miệt mài khó ai bì kịp trong công việc đã giúp Antonio Andric phát triển được một tập đoàn khổng lồ với hơn ba trăm nhân viên môi giới và cũng khoảng chừng ấy nhân viên kế toán, luật sư, trợ lý.
Lucas ngập ngừng trước khi quyết định dừng lại ở chiếc bánh ngọt thứ tám. Hắn búng ngón cái gọi một tách cà phê cappucino. Vừa gặm chiếc bút phớt màu đen trong tay, hắn vừa tra cứu tập giấy trước mặt và tiếp tục suy nghĩ. Những số liệu thống kê mà hắn lấy được từ phòng dữ liệu tin học của A&H thật đáng kinh ngạc.
Vừa nhúng chiếc bánh vào tách sô-cô-la, hắn vửa rút ra kết luận rằng không có cách nào có thể thuê, bán hoặc mua một tòa nhà hay một mảnh đất trong khắp thung lũng mà không phải giao dịch với tập đoàn mà kể từ tối hôm qua hắn đã trở thành một nhân sự. Tấm biển quảng cáo cùng với khẩu hiệu trứ danh của tập đoàn: "Bất động sản thông minh" đã giúp hắn hoàn thiện kế hoạch.