Gửi bài:

Chương 24

Chúng tôi lặng lẽ đi qua những đường làng nhỏ hẹp. Các nhà không đèn lửa đổ bóng sẫm đen trong đêm. Đâu đây, một con chó sủa hoang và một con bò thở dài. Từ đằng xa, vẳng theo gió đến chúng tôi tiếng lanh tanh vui nhộn của những cái lục lạc đàn lia, nhún nhảy những tia nước nghịch ngợm của vòi phun.

- Zorba, tôi nói để phá vỡ im lặng nặng nề, có phải gió nam không nhỉ?

Nhưng Zorba vẫn bước tiếp ở đằng trước, không trả lời, tay xách lồng vẹt như cây đèn lồng. Đến bãi biển, lão quay lại hỏi:

- Sếp có đói không?

- Không, Zorba ạ.

- Sếp có buồn ngủ không?

- Không.

- Tôi cũng thế. Ta ngồi trên bãi sỏi một lát chăng? Tôi có điều muốn hỏi sếp.

Cả hai chúng tôi đều mệt nhưng không ai muốn ngủ. Chúng tôi không đành lòng để mất nỗi chua xót của những giờ qua và ngủ lúc này, đối với chúng tôi tựa như chạy trốn trong giờ phút hiểm nghèo. Cho nên chúng tôi xấu hổ không dám đi nằm.

Chúng tôi ngồi bên bờ biển. Zorba đặt lồng vẹt giữa hai đầu gối và im lặng một lúc. Một chòm sao dễ sợ từ sau trái núi ló ra trên bầu trời, một con quái vật vô số mắt, đuôi xoắn trôn ốc. Thỉnh thoảng một vì sao tách ra và rụng xuống .

Zorba nhìn trời, miệng há hốc trong một trạng thái ngây ngất như thể lần đầu tiên nhìn thấy vậy.

- Không biết trên ấy ra thế nào nhỉ? Lão lẩm bẩm.

Một lát sau lão quyết định nói:

- Sếp có thể nói cho tôi biết mọi sự này nghĩa là gì không? Giọng lão nghe sâu thẳm và khẩn thiết trong đêm nồng. Ai đã tạo ra chúng? Tại sao? Và nhất là - đến đây giọng Zorba run lên vì giận dữ và sợ hãi - tại sao người ta phải chết?

- Tôi không biết Zorba ạ, tôi trả lời, lòng những xấu hổ như thể có người hỏi điều đơn giản nhất, điều chủ yếu nhất mà mình cũng không giải thích được.

- Sếp không biết? Zorba tròn mắt ngạc nhiên giống hệt vẻ mặt lão vào cái đêm tôi thú thật là mình không biết nhảy.

Lão im lặng một lát rồi đột nhiên la toáng lên:

- Vậy thì tất cả những quyển sách chết tiệt ông đã đọc ích lợi gì? Tại sao ông lại đọc những thứ ấy? Nếu chúng không nói về cái điều ấy thì còn nói cái gì?

- Về sự lúng túng của loài người không giải đáp được câu hỏi bác vừa đặt ra với tôi, Zorba ạ.

- Ồ, trời phạt sự lúng túng của họ. Lão kêu lên, tức tối giậm chân xuống đất.

Những tiếng động đó làm con vẹt giật mình.

- Canavaro. Canavaro. Nó kêu như cầu cứu.

- Câm. Mày nữa. Zorba quát, nắm tay đấm vào cái lồng.

Lão quay lại phía tôi.

- Tôi muốn sếp nói cho tôi hay chúng ta từ đâu tới và rồi chúng ta đi đâu. Suốt bao năm ròng rã tiêu hao sức lực vì những cuốn hắc thư ma thuật, chắc sếp đã phải ngốn tới năm chục tấn giấy chứ không ít. Mà ông đã rút ra được cái gì?

Giọng lão khổ não xót xa đến nỗi lòng tôi quặn đau.

Ôi tôi xiết bao muốn có thể trả lời lão.

Trong thâm tâm, tôi cảm thấy rằng đỉnh cao nhất con người có thể đạt tới không phải là kiến thức, hay đức hạnh, cũng chẳng phải Thiện Tâm hay Chiến Thắng, mà là một cái gì còn vĩ đại hơn, anh hùng hơn và tuyệt vọng hơn: nỗi kinh sợ Thiêng Liêng.

- Sếp không trả lời được ư? Zorba lo âu hỏi.

Tôi cố nói cho người bạn đồng hành của mình hiểu ý nghĩa của nỗi "Kinh Sợ Thiêng Liêng" như tôi quan niệm.

- Chúng ta là những ấu trùng nhỏ bé, những ấu trùng bé tí tẹo trên chiếc lá nhỏ nhoi của một cái cây cực lớn.

Chiếc lá nhỏ ấy là trái đất. Các lá khác là những vì sao bác vẫn thấy chuyển vần trong đêm. Chúng ta dò dẫm đi trên chiếc lá nhỏ ấy, lo lắng xem xét nó thật kỹ lưỡng. Chúng ta nghĩ nó xem nó thơm tho hay hôi thối. Chúng ta nếm thử nó và thấy ăn được. Chúng ta nện lên nó và nó kêu như một vật sống. Một số - những người dũng cảm nhất - ra tới tận mép lá. Từ điểm ấy, chúng ta vươn mình ra, nhìn chằm chằm vào cảnh hỗn mang. Chúng ta run sợ. Chúng ta đoán có một vực thẳm hãi hùng nằm mé dưới chúng ta. Xa xa, vẳng tới chúng ta tiếng lao xao những chiếc lá khác của cái cây vĩ đại, chúng ta cảm thấy nhựa từ rễ dâng lên tới chiếc lá của chúng ta và tim chúng ta nở nang lên. Cúi mình như vậy trên cái vực thẳm khủng khiếp với tất cả thể xác và tâm hồn, chúng ta run lên kinh hoàng. Từ lúc đó khởi đầu...

Tôi dừng lại. Tôi định nói: Từ lúc đó, khởi đầu thi ca, song chắc Zorba không hiểu. Tôi dừng bặt.

- Khởi đầu cái gì? Zorba hỏi, giọng lo âu. Tại sao, sếp dừng lại?

- Khởi đầu nguy cơ lớn, Zorba ạ. Người choáng váng, mê sảng, kẻ hoảng sợ, họ cố tìm một lời giải đáp để trấn an lòng mình và thốt lên: Thượng đế. Lại có những kẻ khác, từ mép lá, bình tĩnh và dũng cảm nhìn xuống vực mà rằng: Tôi thích thế.

Zorba suy nghĩ hồi lâu. Lão căng óc cố hiểu cho ra.

- Sếp biết đây, cuối cùng lão nói, tôi luôn nghĩ đến cái chết từng giây từng phút. Tôi nhìn thẳng vào nó mà không hề sợ hãi. Nhưng không bao giờ, không bao giờ tôi nói tôi thích nó. Không, tôi không thích nó ít nào cả. Tôi không ưng.

Lão im lặng, nhưng chỉ một thoáng lại bùng lên.

- Không, tôi không thuộc loại chìa cổ ra cho Thần Chết như một con cừu mà rằng: Xin ngài làm ơn cắt cổ tôi đi Thần Chết, tôi muốn lên thẳng Thiên đàng.

Tôi nghe Zorba nói mà lòng bối rối. Bậc hiền nhân nào đã dạy môn đồ sẵn sàng làm những gì luật pháp ra lệnh phải làm. Và phải tuân theo sự cần thiết, biến cái tất yếu thành một điều được thực hiện một cách tự nguyện? Đó có lẽ là cách duy nhất để đưa con người đi đến giải thoát. Một cách thảm bại, nhưng không có con đường nào khác.

Nhưng còn sự nổi loạn thì sao? Đó phải chăng là phản ứng kiêu hãnh mang tính chất Đông Ki sốt của loài người phù hợp với quy luật bên trong của tâm hồn, để phủ nhận tất cả những gì đang hiện hữu và tạo ra một thế giới mới theo quy luật của trái tim mình, ngược với quy luật phi nhân của tự nhiên - một thế giới trong sáng hơn, tốt hơn và đạo đức hơn thế giới hiện tại?

Zorba nhìn tôi, thấy tôi không còn gì để nói với lão nữa, cầm cái lồng thật khẽ khàng để khỏi làm con vẹt thức giấc, đặt nó cạnh đầu mình và nằm duỗi dài trên lớp sỏi:

- Chúc sếp ngủ ngon, lão nói. Thế là đủ.

Một cơn gió nam mạnh từ Châu Phi thổi đến. làm rau quả cùng những bộ ngực người Crete căng mọng và lớn lên. Tôi cảm thấy cơn gió ấy trên trán, môi và cổ, và như một trái cây, óc tôi cũng nở răng rắc. Tôi không ngủ được và cũng không muốn ngủ. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì hết. Chỉ cảm thấy một cái gì, một người nào đó đang trưởng thành trong tôi giữa đêm nồng. Tôi tỉnh táo sống qua một kinh nghiệm rất đỗi kỳ lạ: tôi trông thấy bản thân mình thay đổi. Một điều vốn chỉ thường xảy ra ở nơi sâu thẳm tối tăm nhất trong lòng ta, lần này đang diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay trước mắt tôi. Thu mình bên bờ biển, tôi quan sát diễn biến của phép lạ ấy.

Sao mờ dần, trời sáng dần và trên nền sáng ấy, núi non, cây cối và chim hải âu hiện ra như những nét phác họa thanh nhã bằng mực.

Rạng đông.

Mấy ngày trôi qua. Lúa đã chín và những bông nặng oằn xuống dưới trọng lượng của hạt. Trên rặng ô-liu, ve sầu cưa vào không khí và côn trùng lấp loáng bay vo vo trong ánh nắng thiêu đốt. Hơi nước từ biển bốc lên.

Sáng sáng, Zorba lặng lẽ đi vào núi từ tinh mơ. Công việc đặt dây cáp sắp kết thúc. Các cột đã đâu vào đấy, cáp đã căng xong và các ròng rọc đã gắn chắc. Sẩm tối Zorba đi làm về, mệt lử. Lão nhóm lửa, làm bữa và chúng tôi ăn tối. Chúng tôi thận trọng tránh đánh thức những con quỷ đang ngủ trong chúng tôi - cái chết và nỗi sợ. Chúng tôi tuyệt đối không nói chuyện về nàng góa, hoặc mađam Hortense, hoặc Thượng đế. Chỉ lặng lẽ nhìn ra biển đăm đăm.

Vì Zorba một mực im lặng, những câu hỏi vĩnh cửu nhưng hão huyền lại một lần nữa nổi dậy trong tôi. Một lần nữa, ngực tôi lại tràn đầy khổ đau. Cái thế giới này là gì? Tôi tự hỏi. Mục đích của nó là gì và bằng cách nào chúng ta có thể góp phần đạt tới mục đích đó trong cuộc đời phù du của chúng ta? Mục đích của con người và vật chất là tạo ra niềm vui, theo Zorba - những người khác thì bảo là: tạo ra tinh thần, song chung quy vẫn là thế, trên một bình diện khác. Nhưng tại sao? Nhằm mục tiêu nào? Và khi thể xác tiêu tan thì cái ta thường gọi là linh hồn có còn lại chút gì không? Hay chẳng sót lại gì? Và phải chăng khát vọng khôn nguôi của chúng ta hướng tới bất tử bắt nguồn không phải từ sự việc là chúng ta bất tử, mà từ thực tế là trong cuộc đời ngắn tày gang của chúng ta, chúng ta phục vụ cho một cái gì bất tử.

Một hôm, tôi trở dậy, tắm rửa và dường như đất cũng vừa mới dậy và tẩy trần. Nó rực rỡ tựa hồ mới được tạo sinh. Tôi đi vào làng. Bên trái tôi, biển màu xanh chàm lặng tờ, bên phải xa xa, lấp lánh những cánh đồng lúa mì như một đạo quân vung hàng ngàn lưỡi giáo óng vàng. Tôi đi ngang Cây Vả Tình Nương phủ đầy lá xanh rờn và những quả vả bé xíu, hối hả vượt qua khu vườn nhà nàng góa thật nhanh, thậm chí không quay đầu lại và vào làng. Lữ quán nhỏ giờ đây vắng ngắt, hoang phế. Cửa ra vào và cửa sổ mất tiêu, chó tha hồ ra vào sân thoải mái, các buồng trống không. Trong phòng lâm chung của người quá cố, giường, hòm, bàn ghế bị cướp sạch, còn sót độc một chiếc giày muyn rách tã, vẹt gót với một búp tua đỏ, nằm ở góc phòng. Nó vẫn một mực trung thành giữ nguyên hình dạng bàn chân bà chủ. Chiếc giày muyn khốn khổ ấy, giàu tình thương hơn lòng dạ con người, vẫn chưa quên bàn chân thân yêu bị bạc đãi.

Tôi về muộn, Zorba đã nhóm lửa và chuẩn bị nấu ăn. Vừa ngước mắt lên chào tôi, lão biết ngay tôi đã ở đâu. Lão cau mày. Sau nhiều ngày nín lặng, tối nay lão mở lòng và lên tiếng.

- Mỗi lần tôi có chuyện đau khổ, sếp ạ, lão nói như để thanh minh, tim tôi vỡ toác ra làm đôi. Nhưng nó đã đầy sẹo và chằng chịt vết thương, nên thoắt cái nó lại tự hàn lại và chẳng thấy vết thương đâu nữa. Khắp người tôi là những vết thương đã thành sẹo, chính vì thế mà tôi gan lì như vậy.

- Bác đã sớm quên Bouboulina tội nghiệp, Zorba, tôi nói bằng một giọng có phần thô bạo đối với tính cách tôi.

Zorba chạm nọc, cất cao giọng:

- Đường mới, kế hoạch mới, lão nói to. Tôi đã thôi hẳn không nghĩ đến những gì đã xảy ra hôm qua và thôi tự hỏi mình những gì sẽ xảy đến ngày mai. Điều tôi quan tâm là cái gì đang xảy ra hôm nay, giờ phút này. Tôi nói: - Mày đang làm gì đó, Zorba? - Tao ngủ - Được, ngủ cho ngon đi. - Mày đang làm gì đó Zorba? - Tao làm việc. - Ờ, hãy làm cho ra trò nhé. - Mày đang làm gì đó, Zorba? - Tao đang hôn một người đàn bà. - Ờ, hãy hôn cho say đắm, Zorba. Và quên hết mọi thứ ngoài cái điều mày đang làm, không có gì khác trên đời ngoài mày và nàng.

Cứ tiếp tục đi.

Lát sau, lão nói tiếp:

- Khi Bouboulina còn sống, sếp biết đấy, không một thứ Canavaro nào đem lại cho mụ nhiều khoái lạc bằng tôi, lão Zorba bán giẻ rách này. Sếp có muốn biết tại sao không? Vì tất cả các Canavaro trên thế giới, trong khi hôn hít mụ, vẫn nghĩ đến hạm đội của họ, đến đức vua, đến đảo Crete, đến quân hàm cùng huân chương, hoặc đến vợ con họ. Nhưng tôi thường quên hết mọi thứ khác và mụ biết thế. Và tôi xin nói với sếp, người bạn uyên bác của tôi, đối với một người đàn bà, không có gì sung sướng hơn thế. Một người đàn bà đích thực - sếp nghe kỹ nhé, tôi hy vọng điều này sẽ giúp ích cho sếp - sung sướng vì lạc thú mình ban phát hơn là vì lạc thú nàng nhận được từ người đàn ông.

Lão cúi xuống bỏ thêm củi vào bếp và im lặng.

Tôi nhìn lão lòng rất sung sướng. Tôi cảm thấy những giây phút trên bờ biển hoang vắng này thật giản dị nhưng giàu giá trị nhân bản sâu sắc. Và bữa ăn mỗi buổi tối của chúng tôi giống như cái món ninh mà cánh thủy thủ thường làm khi tạt vào một bãi biển vắng nào đó - gồm cá, sò huyết, hành và rất nhiều hạt tiêu, nó ngon hơn bất cứ món nào và bổ dưỡng tinh thần con người không gì sánh kịp. Tại đây, nơi cuối đất cùng trời này, chúng tôi giống như hai kẻ bị nạn đắm tàu.

- Ngày kia, đường dây của chúng ta bắt đầu hoạt động, Zorba nói, theo đuổi dòng suy nghĩ. Tôi không đi trên mặt đất nữa, tôi là một sinh vật trên không. Tôi như cảm thấy những con ròng rọc trên vai tôi.

- Bác có nhớ cái mồi bác thả ở tiệm ăn Piracus để cho tôi cắn câu không? Tôi hỏi. Bác bảo bác biết nấu những món xúp tuyệt vời - và đó lại là món ăn tôi thích nhất. Làm sao bác biết?

Zorba lắc đầu, hơi có vẻ giễu cợt.

- Tôi biết nói sao đây sếp? Tự nhiên điều đó nảy ra trong óc tôi như vậy. Cái cách sếp ngồi trong góc tiệm cà phê trầm lặng, dè dặt, cắm cúi trên cuốn sách mép vàng ấy tôi không hiểu tại sao tôi cảm thấy sếp thích xúp, có thế thôi. Tự nhiên điều đó đến trong óc tôi, không hiểu được. Lão đột ngột dừng lại và chúi đầu về phía trước lắng nghe.

- Im nhé. Lão nói. Có ai đang đến.

Chúng tôi nghe thấy những tiếng chân bước nhanh và tiếng thở nặng nề của một người đang chạy. Đột nhiên, trong ánh lửa chập chờn hiện ra một tu sĩ mặc chiếc áo dài rách, đầu trần, râu đỏ hoe với một bộ ria nhỏ, người sực mùi dầu parafin.

- A, chào cha Zaharia. Zorba kêu lên. Có chuyện gì mà cha hớt hơ hớt hải như vậy?

Tu sĩ quỳ xuống sàn gần đống lửa. Cằm ông ta run lên.

Zorba cúi xuống ông ta và nháy mắt.

- Phải, tu sĩ trả lời.

- Hoan hô ông thầy tu! Zorba kêu lên. Bây giờ thì chắc chắn cha sẽ được lên Thiên đàng không trật đi đâu được. Và cha sẽ có một can dầu parafin trong tay khi cha bước vào.

- A men, tu sĩ khẽ nói, tay làm dấu thánh giá.

- Sự thể diễn biến ra sao? Lúc nào? Nào, kể cho chúng tôi nghe.

- Tôi thấy thượng đẳng thiên sứ Michael, đạo hữu Canavaro ạ. Ngài đã ra lệnh cho tôi. Đầu đuôi thế này, tôi đang tước xơ đậu ở trong bếp. Các tu sĩ đi đọc kinh chiều cả, còn trơ trọi một mình tôi. Cửa đóng chặt. Tịch lặng hoàn toàn. Tôi nghe tiếng chim hót bên ngoài, nghe như tiếng thiên thần. Tôi đã sửa soạn xong mọi thứ chỉ còn có việc chờ. Tôi đã mua một can dầu parafin, giấu trong miếu đường ở nghĩa địa, ngay dưới bàn thờ để thượng đẳng thiên sứ Michael ban phước cho. Thế, chiều hôm qua, tôi ngồi tước xơ đậu, lan man nghĩ đến Thiên đàng. Tôi tự nhủ: Lạy Đức Chúa Jesus, con cũng xứng đáng ở nước Thiên đàng và con sẵn sàng ngồi tước xơ đậu đời đời trong bếp của Thiên đàng. Tôi nghĩ thế và nước mắt chảy giàn giụa trên mặt. Thình lình tôi nghe thấy tiếng đập cánh trên đầu. Tôi hiểu ra và cúi đầu, sợ run lên. Thế rồi tôi nghe thấy một tiếng nói: "Zaharia ngẩng đầu lên đừng sợ, Nhưng tôi run quá, đến nỗi ngã lăn ra đất. "Ngẩng lên, Zaharia." Cái giọng đó lại nói. Tôi ngẩng đầu lên và trông thấy. Cửa mở toang và đứng trên ngưỡng cửa là thượng đẳng thiên sứ đúng như hình vẽ trên các canh cửa thánh đường của tu viện, y chang, cánh đen, dép đỏ và hào quang vàng óng quanh đầu, có điều thay vì thanh gươm, tay ngài cầm một ngọn đuốc đang cháy. "Chào Zaharia", ngài nói - "Con là tôi tớ của Chúa", tôi đáp. "Ngài sai bảo gì ạ?" - "Hãy cầm lấy cây đuốc rực lửa này và có thể Thượng đế sẽ phù trợ ngươi đó". Tôi giơ tay ra và cảm thấy bỏng rát cả hai lòng bàn tay. Nhưng thượng đẳng thiên sứ đã biến mất. Tôi chỉ trông thấy một vệt lửa trên bầu trời như một vì sao sa.

Tu sĩ lau mồ hôi trên mặt. Sắc diện ông ta nhợt nhạt, răng va vào nhau lập cập như lên cơn sốt.

- Sao thế? Zorba nói. Trấn tĩnh lại, Zaharia. Rồi sao nữa?

Đúng lúc ấy các tu sĩ đọc kinh chiều xong, giải tán đi vào phòng ăn. Trong khi đi qua, lão tu viện trưởng đá tôi như một con chó , làm tất cả các tu sĩ cười rộ . Tôi chẳng nói gì. Sau khi thượng đẳng thiên sứ giáng, không khí vẫn còn phảng phất mùi lưu huỳnh nhưng chẳng ai để ý thấy. "Zaharia", Cha thu ngân nói, "không ăn ư?" Tôi vẫn ngậm miệng. "Y dùng thức ăn của thiên thần là đủ rồi", lão kê dâm Demetrios nói. Cả lũ tu sĩ lại cười ầm lên. Thế là tôi bèn đứng dậy đi ra nghĩa địa. Tôi phủ phục trước thượng đẳng thiên sứ. . . Hàng giờ liền tôi cảm thấy chân ngài đè nặng trên cổ tôi. Thời gian qua nhanh như chớp, ắt hẳn giờ khắc và thế kỷ sẽ trôi qua như vậy trên Thiên đàng. Đã nửa đêm. Vạn vật im lìm. Các tu sĩ đã đi ngủ. Tôi đứng dậy, làm dấu và hôn chân thượng đẳng thiên sứ. "Ý ngài sẽ được thực hiện", tôi nói. Tôi nhấc chiếc can dầu parafin, mở nắp và đi khỏi. Trước đó, tôi đã độn đầy giẻ trong áo tu sĩ tôi đang mặc.

"Đêm tối đen như mực. Trăng chưa lên. Tu viện tối mịt, mịt mùng như địa ngục. Tôi vào trong sân, leo các bậc thềm vào đến khu của tu viện trưởng. Tôi tưới dầu lên cửa ra vào, các cửa sổ và tường. Tôi chạy đến phòng Demetrios. Ở đấy, tôi tưới dầu lên khắp các phòng và dọc theo cái hành lang gỗ rộng lớn - đúng như ông dặn tôi.

Rồi tôi vào trong giáo đường thắp một cây nến từ cây đèn trước tượng Chúa Cứu Thế và bắt đầu khai hỏa."

Lúc này, tu sĩ hổn hển thở không ra hơi và dừng lại.

Mắt ông ta rực lên một ánh lửa bên trong.

- Tạ ơn Chúa. Ông ta gào lên, tay làm dấu thánh giá. Tạ ơn Chúa. Trong phút chốc, cả tu viện cháy đùng đùng. Lửa địa ngục. Tôi hét hết cơ giọng rồi cắm đầu cắm cổ chạy. Tôi chạy hoài chạy hủy và nghe thấy chuông rung cùng lũ tu sĩ la thét. . . và tôi chạy miết, chạy miết. . . Sáng ra, tôi trốn trong rừng. Tôi run cầm cập. Mặt trời lên và tôi nghe thấy bọn tu sĩ xục xạo khắp rừng tìm tôi. Nhưng Thượng đế giăng xuống một màn sương để che cho tôi nên chúng không nhìn thấy tôi. Vào khoảng chập tối, tôi nghe thấy một tiếng nói: "Hãy xuống mé biển. Đi đi." - "Xin thượng đẳng thiên sứ hãy dắt dẫn con, xin hãy dắt dẫn con". Tôi kêu lên và cất bước đi. Tôi chẳng biết mình đi lối nào nhưng đã có thượng đẳng thiên sứ dẫn đường, lúc bằng một ánh chớp, khi bằng một con chim đen trong hàng cây hoặc một vệt đường xuống núi. Và tôi dốc hết sức chạy theo ngài, đặt tất cả lòng tin vào ngài. Và ngài thật quảng đại biết bao, như ông thấy đấy. Tôi đã tìm thấy ông, Canavaro. Tôi đã thoát.

Zorba không nói một lời, nhưng mặt lão ngoác ra một nụ cười rộng đầy nhục cảm, từ khóe miệng đến mang tai lừa lông lá.

Bữa ăn tối đã chuẩn bị xong và lão nhấc nồi xuống khỏi hấp.

- Zaharia, lão hỏi, thức ăn của thiên thần là gì?

- Là tinh thần, tu sĩ vừa trả lời vừa làm dấu.

- Tinh thần à? Nói cách khác tức là rỗng tuếch chẳng có gì? Cái đó đâu có nuôi sống được người, lại đây ăn chút bánh mì với chút ít xúp cá và vài miếng thịt, rồi cha sẽ cảm thấy mình lại là mình. Cha đã làm một việc tốt. Ăn đi.

- Tôi không đói, tu sĩ nói.

- Zaharia không đói. nhưng còn Joseph thì sao? Hắn cũng không đói ư?

Tu sĩ nói khẽ như thể bộc lộ một điều tuyệt mật.

- Joseph bị thiêu cháy rồi, phỉ thui cái linh hồn hắn, cháy thui rồi. Đội ơn Chúa.

- Cháy thui? Zorba kêu lên với một tiếng cười. Như thế nào? Bao giờ? Cha có trông thấy hắn cháy không?

- Đạo hữu Canavaro, hắn cháy ngay cái lúc tôi thắp nến bằng lửa cây đèn trước tượng Chúa Jesus. Tôi thấy tận mắt hắn tòi ra khỏi miệng tôi như một dải băng đen với những chữ lửa. Ngọn lửa nến ngoạm lấy hắn và hắn quằn quại như một con rắn, nhưng rồi bị thiêu cháy ra tro. Thật nhẹ cả người. Tôi cảm thấy như mình đã vào Thiên đàng rồi.

Ông ta đứng dậy khỏi bếp lửa, nơi ông ra ngồi co ro từ nãy đến giờ.

- Tôi sẽ ra ngủ bên bờ biển, tôi được lệnh phải làm thế.

Ông ta bước đi dọc theo mé nước và biến vào trong đêm đen.

- Bác phải chịu trách nhiệm về ông ta đó, Zorba, tôi nói. Nếu cánh tu sĩ tìm thấy ông ta thì ông ta đi đời.

- Họ sẽ không tìm thấy hắn đâu, sếp đừng lo. Cái loại trò chơi này, tôi biết quá đi rồi: sáng sớm mai, tôi sẽ cạo râu cho hắn ta, biếu hắn mấy bộ quần áo ra dáng con người thật sự và đưa hắn xuống một con tàu. Sếp khỏi phải lo cho hắn, chả bõ. Món ninh có ngon không? Hãy ăn bánh mì cho khoái cái lỗ miệng và đừng bận óc về mọi cái khác.

Zorba ăn uống rất ngon lành và lau ria mép. Lúc này lão đang muốn trò chuyện.

- Sếp có để ý thấy không? Lão nói. Con quỷ trong hắn đã chết. Và bây giờ, hắn đâm rỗng ruột, tội nghiệp thằng cha, trống rỗng hoàn toàn, đi đứt. Từ nay trở đi hắn sẽ giống như tất cả mọi người khác thôi.

Lão ngẫm nghĩ một lát.

- Sếp này, sếp có nghĩ là con quỷ trong hắn đã . . . ?

- Dĩ nhiên, tôi đáp. Cái ý đốt tu viện đã ám ảnh ông ta. Bây giờ đốt rồi, ông ta thấy nguôi dịu. Cái ý ấy nó muốn ăn thịt, uống rượu, chín muồi và chuyển qua hành động. Còn ông Zaharia kia thì không có nhu cầu rượu thịt, ông ta trưởng thành bằng chay tịnh.

Zorba xoay đi xoay lại nhận xét đó trong đầu.

- Ờ, tôi nghĩ sếp có lý đấy, sếp ạ. Tôi nghĩ tôi có đến năm, sáu con quỷ trong người cũng nên.

- Tất cả chúng ta, ai cũng có một vài con quỷ trong bản thân. Zorba ạ, bác đừng băn khoăn. Và càng có nhiều càng tốt. Điều chủ yếu là sao cho chúng đều nhằm cùng một mục đích, ngay cả nếu chúng đi theo những con đường khác nhau để đạt tới đó.

Vẻ như những lời đó làm Zorba xúc động sâu sắc.

Lão gục cái đầu to tướng giữa hai đầu gối, ngẫm ngợi.

- Mục đích gì? Cuối cùng lão nói, ngước mắt lên nhìn tôi.

- Làm sao tôi biết được Zorba? Bác chỉ hỏi những câu hóc búa. Làm sao tôi cắt nghĩa được điều đó?

- Sếp cứ nói thật đơn giản cho tôi hiểu. Cho đến nay, bao giờ tôi cũng để những con quỷ của tôi tha hồ muốn làm gì thì làm, muốn đi đường nào thì đi - và chính vì thế mà người gọi tôi là bất lương, kẻ cho tôi là lương thiện, một số nghĩ tôi điên, số khác lại nói tôi khôn ngoan như Solomon. Tôi có tất cả ngần nấy thứ và còn hơn nữa - một món nộm hổ lốn chính cống. Cho nên, hãy giúp tôi làm sáng tỏ thêm đi, sếp... mục đích gì?

- Tôi nghĩ, Zorba ạ - nhưng có thể là tôi sai - tôi cho rằng có ba loại người: những kẻ lấy việc sống cuộc đời mình, ăn uống, làm tình, trở nên giàu và nổi danh làm mục đích, như họ nói ra mồm; rồi đến những kẻ không sống cuộc đời của chính mình mà lấy việc quan tâm đến cuộc đời những người khác làm mục đích - họ cảm thấy tất cả mọi người là một và họ cố gắng khai sáng đồng loại, hết lòng thương yêu đồng loại và mang lại lợi ích cho đồng loại, cuối cùng, có những kẻ nhằm sống cuộc sống của toàn thể vũ trụ - tất thảy con người, thú vật, cây cối tinh tú, chúng ta đều là một, chúng ta đều là một tố chất tham gia vào cuộc đấu tranh chung ghê gớm. Cuộc đấu tranh gì?... Biến vật chất thành tinh thần.

Zorba gãi đầu:

- Cái sọ tôi nó đặc sệt, sếp ạ, tôi không dễ gì mà nắm được những điều này... ôi, giá mà sếp có thể nhảy múa để diễn đạt tất cả những điều vừa nói, thế thì tôi hiểu được.

Tôi cắn môi, sửng sốt. Giá tôi có thể nhảy múa để diễn đạt tất cả những ý nghĩ tuyệt vọng đó. Nhưng tôi không có khả năng ấy, đời tôi lỡ rồi.

- Hoặc nếu sếp có thể nói tất cả những điều đó trong một câu chuyện, sếp à. Như Hussein Aga đã làm. Đó là một lão già Thổ Nhĩ Kỳ, hàng xóm của chúng tôi. Già lụ khụ, nghèo rớt mồng tơi, không vợ không con, cô đơn hoàn toàn. Quần áo lão rách rưới nhưng sạch bóng. Lão tự giặt lấy quần áo, tự nấu ăn lấy, cọ rửa sàn bóng lộn và ban đêm thường sang chơi nhà chúng tôi. Lão thường ngồi ngoài sân với bà tôi cùng với một số bà già khác và đan bít tất. Thế, như tôi đã nói, lão Hussein Aga ấy là một con người thánh thiện. Một hôm lão bế tôi lên lòng và đặt tay lên đầu tôi như thể ban phước lành cho tôi. "Alexis", lão nói, "ông kể cho cháu nghe một điều bí mật nhé. Bây giờ cháu còn bé quá chưa hiểu được, nhưng khi nào lớn lên, cháu sẽ hiểu. Nghe đây, cháu bé, cả bẩy truyện về trời lẫn bẩy truyện về đất đều không đủ sức chứa Thượng đế, nhưng một trái tim người thì đủ. Cho nên, cháu phải rất thận trọng - và mong sao ông có thể ban phước lành cho cháu - đừng bao giờ gây tổn thương cho một trái tim người.

Tôi im lặng nghe Zorba. Tôi nghĩ thầm: giá mình có thể ngậm miệng cho đến khi ý niệm trừu tượng đạt tới tột đỉnh và trở thành một câu chuyện! Nhưng chỉ có những nhà thơ lớn mới đạt tới mức như thế được, hoặc cả một dân tộc sau hàng mấy thế kỷ cố gắng thầm lặng.

Zorba đứng dậy :

- Để tôi đi xem tên phóng hỏa của chúng ta ra sao và đắp cho hắn tấm mền để hắn khỏi cảm lạnh. Tôi cũng sẽ mang theo chiếc kéo nữa, chắc không phải là một công việc thượng đẳng gì cho lắm.

Lão cười khanh khách men theo bờ nước, tay cầm kéo và mền. Trăng vừa lên và tãi một ánh sáng nhợt nhạt, bệnh hoạn trên mặt đất.

Còn lại một mình bên đống lửa đang tàn, tôi cân nhác đánh giá lới lẽ của Zorba - nó giàu ý nghĩa và có một mùi trần thế nồng ấm. Ta cảm thấy nó dâng lên từ đáy sâu bản thể lão và vẫn giữ một hơi ấm con người. Lời của tôi thì bằng giấy. Nó từ đầu óc giội xuống, họa hoằn mới hoen một đốm máu. Nếu nó có chút giá trị nào thì chính là nhờ đốm máu ấy.

Nằm sấp bụng xuống, tôi đang bới lớp than tàn còn ấm thì Zorba trở về, hai cánh tay thõng bên sườn và một vẻ kinh ngạc trên nét mặt.

- Sếp xin đừng xem đây là chuyện quá nghiêm trọng . . .

Tôi bật dậy.

- Lão tu sĩ chết rồi, Zorba nói.

- Chết rồi?

- Tôi thấy hắn nằm trên một tảng đá, dưới ánh trăng vằng vặc. Tôi quỳ xuống bắt đầu cắt râu và tàn tích của bộ ria. Tôi cắt hoài, cắt mãi mà hắn vẫn không động cựa chi hết. Tôi bốc lên, bắt đầu gọt nhẵn cả mái tóc lờm xờm của hắn, chắc tôi đã cắt đi ít nhất là nửa ký râu tóc khỏi mặt hắn. Rồi khi thấy hắn như vậy, trụi thui lủi như con cừu bị xén lông, tôi cười như nắc nẻ: "Này, Signor Zaharia! Tôi kêu lên vừa cười vừa lay hắn. Dậy đi mà xem phép lạ Đức Mẹ Đồng Trinh vừa hoàn thành!". Dậy cái cóc khô! Hắn không động đậy. Tôi lại lay hắn. Chẳng thấy gì! Tội nghiệp thằng cha, lẽ nào hắn đã tịch nhanh thế được, tôi tự nhủ. Tôi cởi chiếc áo dài của hắn, phanh ngực hắn ra và đặt tay lên mé trái tim hắn. Thình thịch, thình thịch? Chẳng thấy gì hết! Máy đã ngừng chạy.

Trong khi nói, Zorba trấn tĩnh lại. Trước cái chết lão đã lặng người không nói được mất một lúc, nhưng chẳng mấy chốc lão đã ổn định lại đâu vào đấy.

- Bây giờ ta phải làm gì đây, sếp? Theo tôi, ta phải thiêu hắn. Kẻ nào giết người khác bằng dầu parafin, chính hắn sẽ chết bằng dầu parafin. Trong kinh Phúc âm, có câu nào tương tự như thế không? Quần áo hắn nhớp bẩn cứng quèo, dầu parafin sẵn đây, hắn sẽ cháy bùng lên như chính Judas trong Ngày thứ Năm Thánh.

- Bác muốn làm thế nào thì làm, tôi nói, lòng bối.

Zorba trở nên đăm chiêu suy nghĩ sâu xa.

- Thật là rầy rà, cuối cùng lão nói, rầy rà quá. Nếu châm lửa vào hắn, quần áo hắn sẽ cháy đùng đùng như bó đuốc, nhưng tội nghiệp hắn chỉ còn da bọc xương. Gày đét như hắn tất sẽ phải mất rất nhiều thì giờ mới cháy ra tro hết. Người hắn chẳng có lấy một phân mỡ nào để gia tăng ngọn lửa.

Lão lắc đầu nói thêm:

- Nếu có Chúa Trời, theo sếp, liệu Người có biết trước mọi sự việc này mà cho hắn có tí mỡ tí thịt để giúp cho chúng ta nhẹ việc không? Sếp nghĩ thế nào?

- Đừng có ngoéo tôi vào chuyện này. Bác muốn làm gì thì cứ làm, nhưng làm nhanh nhanh lên.

- Tốt nhất là có một thứ phép lạ nào đó xảy ra. Bọn tu sĩ kia sẽ phải tin rằng đích thân Chúa đã biến thành thợ cạo xuống cạo râu cho hắn, rồi kết liễu đời hắn để phạt về cái tội phá tu viện.

Lão gãi đầu.

- Nhưng phép lạ nào? Phép lạ nào mới được kia chứ? Đó chính là chỗ mi bế tắc, Zorba.

Mảnh trăng lưỡi liềm đã sắp lặn xuống chân trời và chuyển sang màu đồng được đánh bóng.

Mệt mỏi, tôi đi ngủ. Rạng sáng thức dậy, tôi thấy Zorba đang pha cà phê bên cạnh. Mặt lão trắng bệch, mắt đỏ ngầu và sưng húp vì mất ngủ. Nhưng đôi môi dê của lão tủm tỉm cười ranh mãnh:

- Đêm qua tôi không ngủ, sếp ạ, tôi có chút việc phải làm.

- Việc gì, lão xỏ lá?

Lão cười to và đặt ngón tay chẹn ngang môi.

- Tôi không nói cho ông biết vội! Mai là ngày làm lễ khánh thành hệ thống dây cáp vận chuyển của chúng ta. Tất cả lũ lợn béo ấy sẽ có mặt ở đây để ban phước, rồi chúng sẽ được biết về phép lạ mới do Đức Mẹ Báo Oán vừa ra tay thực hiện - vĩ đại thay quyền lực của Ngài!

Lão dọn cà phê ra:

- Sếp biết không, tôi nghĩ mình có thể làm một tu viện trưởng cừ khôi, lão nói. Nếu tôi khai trương một tu viện, tôi cuộc với sếp là tất cả các tu viện khác sẽ phải đóng cửa mất hết khách với tôi. Các ngài thích nước mắt ư? Một miếng bọt biển ướt bé xíu đặt đằng sau các thánh tượng, thế là các vị thánh sẽ tha hồ mà khóc. Thích sấm sét đùng đùng? Tôi sẽ để một cái máy dưới bàn thờ cho nó chạy rầm rầm đến điếc tai. Thích ma? Cho hai tu sĩ tin cẩn nhất choàng "dra" trắng ban đêm lượn lờ trên mái tu viện. Và mỗi năm, tôi tập hợp một đám mù lòa, què cụt và bán thân bất toại nhân ngày hội Đức Mẹ và lo liệu sao cho chúng lại nhìn thấy ánh mặt trời, hoặc đứng thẳng dậy được, để nhảy múa ngợi ca sáng danh Mẹ! Có gì đáng cười hả sếp? Tôi có ông chú, một hôm thấy một con la già sắp chết. Người ta đem bỏ cho nó chết trong núi. Chú tôi đem nó về nhà. Sáng sáng chú tôi dắt nó ra bãi chăn và tối lại dẫn nó về. Này Haralavnbos! Dân làng thường gọi lớn khi thấy ông đi qua. "Ông cho rằng ông có thể làm gì với cái con la già ấy?" - "Nó là nhà máy sản xuất phân bón của tôi." Chú tôi trả lời. Vậy đó, sếp ạ, trong tay tôi, tu viện sẽ là một nhà máy làm ra phép lạ.

Ngày đăng: 20/09/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?