Chương 20
Vừa về tới nơi, chúng tôi đi nằm ngay. Zorba xoa tay thỏa mãn.
- Hôm nay là một ngày đại cát, sếp ạ. Chắc sếp sẽ hỏi tôi nói "đại cát" với nghĩa gì? Tôi muốn nói là: trọn vẹn. Sếp nghĩ mà xem: sáng nay, chúng ta còn ở tu viện, cách đây hàng bao dặm, chúng ta cho lão tu viện trưởng vào xiếc - chắc lão nguyền rủa chúng ta? Sau đó, chúng ta về đến lều, gặp mađam Bouboulina và tôi với mụ đính hôn. À này, sếp nhìn cái nhẫn xem. Vàng mười đấy... Mụ bảo mụ còn hai đồng xôvơren vàng của Anh, lão đô đốc Anh cho mụ vào hồi cuối thế kỷ trước. Mụ nói mụ để dành làm ma mình, nhưng bây giờ - cầu sao giờ khắc độ trì cho mụ an lành - mụ đem đến thuê thợ kim hoàn đánh thành nhẫn. Con người thật là bí ẩn kỳ quái!
- Ngủ đi Zorba! Tôi nói. Bình tĩnh lại nào! Một ngày chừng ấy chuyện là đủ rồi. Ngày mai, chúng ta phải cử hành một nghi lễ long trọng: dựng cây cột đầu tiên cho hệ thống dây cáp. Tôi đã mời cha Stephanos đến.
- Sếp làm thế là phải, sếp ạ; ý đó không đến nỗi dở. Cứ để lão linh mục râu dê ấy đến và tất cả kỳ mục trong làng nữa; thậm chí ta sẽ phân phát những cây nến nhỏ cho họ thắp lên. Đó là cách gây ấn tượng; điều đó sẽ có lợi cho công việc của ta. Đừng có để ý đến những việc tôi làm. Tôi có Thượng đế riêng và ma quỷ riêng của tôi. Nhưng những người khác...
Lão bật cười. Lão không ngủ được, đầu óc lão xáo động.
- Ôi, ông nội, cầu Chúa phong thánh cho nắm xương tàn của ông! Sau một lát lão nói, ông cụ cũng là một tay chơi bời phóng đãng y như tôi đây. Ấy thế mà lão du đãng ấy đã tới Thánh Mộ và trở thành một hadji ( [57] ) đấy. Có trời biết tại sao! Khi ông trở về làng, một người bạn nối khố của ông, một lão chuyên ăn trộm dê chưa từng làm một điều gì tử tế trong đời, bảo ông: "Này anh bạn, anh có mang về cho tôi một mẩu Thánh Giá ở Thánh Mộ không?" - "Anh định nói gì vậy, tôi không mang gì về cho anh sao?" Ông nội ranh ma của tôi nói, "anh nghĩ là tôi quên anh sao? Tối nay anh đến nhà tôi, dẫn theo cả linh mục để ban phước, tôi sẽ đưa cái đó cho anh. Mang theo cả một con lợn sữa và ít rượu nữa nhé, cho may mắn!"
Tối hôm ấy, ông nội tôi về nhà, cắt một mẩu gỗ nhỏ bằng hạt gạo từ cái trụ cửa mọt, bọc trong bông nỉ, rỏ một vài giọt dầu lên, rồi ngồi chờ. Lát sau, tay kia tới cùng với linh mục, con lợn sữa và rượu. Linh mục lấy khăn choàng ra và ban phước. Ông nội tôi tiến hành nghi thức trao mẩu gỗ quý, rồi ba người bắt đầu ngấu nghiến đả con lợn sữa. Thế, xin sếp hãy tin lời tôi, lão kia khấu đầu quỳ mọp trước mẩu gỗ nhỏ này, buộc dây đeo vào cổ và từ hôm đó trở đi, thành một người khác hẳn. Lão thay đổi hoàn toàn. Lão lên núi, gia nhập hàng ngũ những người Armatole và Klepht; góp một tay phóng hỏa những làng Thổ Nhĩ Kỳ. Lão anh dũng băng qua những làn mưa đạn, không biết sợ là gì. Tại sao lão lại phải sợ? Lão mang trên mình một mẩu của Thánh Giá ở Thánh Mộ kia mà - đạn không thể trúng được lão.
Zorba phá lên cười.
- Tư tương là tất cả, lão nói. Đã có đức tin thì một mảnh vụn của một cánh cửa cũ nát cũng trớ thành thánh tích. Bằng không thì cả cây Thánh Giá đích thực cũng thành cột mục.
Tôi thán phục con người này, đầu óc lão vận hành mới táo bạo và tự tin biết mấy, tâm hồn lão chạm vào đâu cũng tóe lửa.
- Bác đã bao giờ tham gia chiến tranh chưa, Zorba?
- Làm sao tôi biết được nhỉ? Lão cau mày hỏi. Tôi không nhớ nổi. Chiến tranh nào?
- Tôi muốn nói bác đã bao giờ chiến đấu cho tổ quốc chưa ?
- Sếp không thể nói chuyện gì khác sao? Tất cả những chuyện tầm phào ấy đã chấm dứt, đã qua hẳn rồi, chẳng ai còn nhớ nữa.
- Bác gọi cái ấy là chuyện tầm phào ư, Zorba? Bác không xấu hổ à? Bác nói về tổ quốc mình như thế à?
Zorba ngẩng đầu lên nhìn tôi. Tôi cũng nằm trên giường với ngọn đèn dầu đang cháy trên đầu. Lão nghiêm nghị nhìn tôi một lát rồi, túm chặt ria, nói:
- Nói năng vậy thật là ngớ ngẩn, chả khác gì một anh thầy giáo. Lỗi phép sếp, nói chuyện với sếp như thế thì thà nói với đầu gối.
- Sao? Tôi phản đối. Tôi là người hiểu biết, Zorba, đừng có quên điều đó.
- Phải, sếp hiểu biết bằng đầu óc. Sếp bảo: "Cái này đúng, cái kia sai, cái này thật, cái kia giả; người này có lý, người kia sai lầm"...Nhưng cách đó dẫn ta đến đâu? Trong khi sếp nói, tôi theo dõi tay và ngực sếp. Ờ, tay và ngực sếp làm gì? Chúng lặng thinh, chẳng nói một lời. Như thể chúng không có lấy một giọt máu. Vậy, theo sếp sếp hiểu bằng cái gì? Bằng cái đầu sếp à? Hừ!
- Này trả lời tôi đi, Zorba, đừng có tìm cách né tránh! Tôi nói để khích lão. Tôi dám chắc bác không bận tâm gì mấy đến đất nước mình, phải không nào?
Lão giận dữ đấm vào bức vách làm bằng những can xăng rỗng và kêu lên:
- Cái thằng sếp nhìn thấy trước mặt sếp đây đã từng lấy tóc trên đầu mình thêu hình nhà thờ Thánh Sophia đeo trước ngực làm bùa hộ mệnh. Phải, sếp ạ, tôi đã làm thế, tôi đã thêu bằng đôi bàn tay gấu vụng về này và bằng những sợi tóc này, dạo ấy còn đen như lông quạ. Tôi thường lang thang quanh vùng núi Macedonia với Pavlo Melas ( [58] ) - hồi đó tôi là một chàng trai lực lưỡng, cao hơn cái lều này, mặc váy kiểu lính Scotland, đội mũ fez đỏ, đeo bùa bằng bạc, yataghan ( [59] ), súng lục và bao đạn. Khắp người tôi toàn thép, bạc và đinh. Mỗi bước tôi đi đều phát ra tiếng loảng xoảng như cả một trung đoàn diễu qua phố! Này! Nhìn đây! Và đây nữa!
Lão phanh áo sơ-mi và tụt quần ngoài xuống.
- Mang đèn lại đây! Lão ra lệnh.
Tôi ghé đèn vào sát tấm thân gày gò rám nắng. Với những sẹo sâu hoắm, những vết đạn, những nhát gươm chém, thân thể lão giống như một cái chao lọc.
- Bây giờ hãy nhìn bên kia xem!
Lão quay lại và chìa lưng cho tôi xem.
- Không một vết xước trên lưng, sếp thấy đấy. Sếp có hiểu không? Bây giờ để đèn về chỗ cũ đi.
- Chuyện tầm phào! Lão phát khùng gầm lên. Thật ghê tởm! Đến bao giờ con người mới thực sự là con người, theo sếp? Chúng ta mặc quần áo, cổ cồn, mũ mãng, vậy mà vẫn là một lũ la lừa, sói, cáo và lợn. Chúng ta bảo chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của Chúa! Ai, chúng ta ấy à? Tôi thì nhổ vào cái mõm ngu xuẩn của chúng ta!
Dường như những hồi ức khủng khiếp đang trở lại trong trí lão và mỗi lúc lão thêm phẫn nộ. Lão thốt ra những lời không ai hiểu nổi qua hai hàm răng hổng và lung lay.
Lão đứng dậy, nhắc bình nước, tu một hơi dài và có vẻ đỡ khát đồng thời dịu đi.
- Bất kế sếp chạm vào chỗ nào trên người tôi, tôi đều rống lên, lão nói. Khắp người tôi toàn sẹo, vết thương và cục u. Tất cả những điều vớ vẩn sếp nói về đàn bà nghĩa là cái gì? Khi tôi phát hiện ra mình thực sự là con người, tôi thậm chí không buồn quay lại nhìn họ nữa kia. Tôi chạm vào họ trong giây lát, qua loa đại khái thế thôi, như con gà trống, rồi tôi đi tiếp. "Giống chồn sương bẩn thỉu", tôi tự nhủ "chúng muốn hút cạn sức lực của mình. Hừ! Ma quỷ bắt hết đàn bà đi!". Rồi tôi vác súng ra đi!
Tôi lên núi làm một du kích comitadji . Một hôm, vào lúc sẩm tối tôi vào một làng Bulgari và trốn vào một chuồng bò. Đó chính là nhà một mục sư, một tên biệt động Bulgari hung tợn tàn nhẫn. Ban đêm hắn trút bỏ áo thầy tu, mặc quần áo mục đồng, xách súng và xâm nhập các làng Hy Lạp lân cận. Hắn thường trở về trước khi trời rạng, người ròng ròng bùn và máu, nhưng chỉ lát sau, hắn đã hối hả đến nhà thờ chủ trì lễ Misa cho tín đồ.
Trước đó mấy hôm, hắn đã giết một giáo viên Hy Lạp đang ngủ trên giường. Cho nên tôi vào chuồng bò nhà tên mục sư, nằm đợi. Vào khoảng chập tối, tên mục sư vào cho bò ăn. Tôi nhảy xổ vào hắn, cắt cổ như cắt tiết cừu. Tôi cắt hai tai hắn, bỏ vào túi. Chả là tôi đang sưu tập tai người Bulgari, sếp hiểu không, cho nên tôi lấy tai tên mục sư và tôi chuồn. Mấy ngày sau, tôi lại đến làng đó. Bấy giờ là giữa trưa. Tôi giả làm người bán hàng rong. Tôi giấu vũ khí ở trong núi và xuống làng để mua bánh mì, muối và ủng cho anh em. Thế rồi tôi bắt gặp năm đứa bé trước một ngôi nhà, tất cả đều vận đồ đen, đi đất, đứa nọ nắm tay đứa kia, dắt nhau đi ăn xin. Ba gái và hai trai. Đứa lớn nhất không quá mười tuổi, đứa nhỏ nhất còn phải ẵm ngửa. Đứa con gái lớn nhất bế em, vừa hôn vừa vuốt ve nựng nó cho nó khỏi khóc. Tôi không biết tại sao, chắc là thần phật xui khiến, tôi tiến lại chỗ chúng. "Các cháu con ai?" Tôi hỏi bằng tiếng Bulgari.
Thằng bé lớn nhất ngẩng đầu lên: "Con của mục sư. Hôm nọ, cha cháu bị cắt cổ trong chuồng bò", nó trả lời. Tôi ứa nước mắt và trái đất bắt đầu quay như cái cối xay. Tôi dựa vào tường và nó ngừng lại. "Lại đây, các con", tôi nói. "Lại gần ta đây.". Tôi lấy túi tiền ra; trong đó đầy tiền Thổ Nhĩ Kỳ và những đồng mejidies. Tôi quỳ xuống và đổ hết xuống đất. "Này lấy đi!" Tôi kêu. "Lấy đi! Lấy đi!".
Bọn trẻ thụp xuống đất và nhặt tiền. "Của các cháu đấy! Của các cháu đấy!" Tôi kêu lên. "Lấy hết đi!" Rồi tôi để lại cho chúng cái rổ đựng tất cả những thứ tôi đã mua. "Tất cả những cái này cũng của các cháu; lấy hết đi!" Và tôi chuồn thẳng. Tôi rời khỏi làng, phanh áo sơ-mi, nắm lấy cái hình nhà thờ Thánh Sophia tôi đã thêu, xé tan ra và tung hê, rồi cắm cổ chạy trốn... Và đến bây giờ, tôi vẫn chạy trốn . . .
Zorba dựa vào vách và quay về phía tôi.
- Ấy tôi đã được cứu thoát như thế đó, lão nói.
- Cứu thoát khỏi tổ quốc?
- Phải, khỏi tổ quốc, lão nói, giọng rắn rỏi bình tĩnh.
Rồi một lát sau.
- Thoát khỏi tổ quốc, khỏi các thầy tu, khỏi tiền bạc. Tôi đã sàng lọc, ngày càng sàng lọc bỏ đi nhiều thứ. Bằng cách ấy, tôi làm nhẹ gánh nặng của mình. Tôi đã, nói thế nào nhỉ?... Tôi đã tìm thấy sự giải thoát tôi thành người.
Mắt Zorba long lanh, cái miệng rộng của lão có mãn nguyện.
Sau khi im lặng một lát, lão lại mở máy. Tim lão cứ trào không kiềm chế nổi.
- Có một dạo, nói về con người, tôi thường phân biệt: đó hoặc là một tên Thổ Nhĩ Kỳ; hoặc một tên Bulgari, hoặc một người Hy Lạp. Vì tổ quốc, sếp ạ, tôi đã làm những điều khiến sếp dựng tóc gáy. Tội đã cắt cổ nhiều người, đốt làng, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và giết sạch hàng gia đình. Tại sao? Vì họ là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bulgari. "Chà! Quỷ bắt mày đi, đồ con lợn!" đôi khi tôi tự bảo vậy. "Quỷ bắt mày, đồ con lợn! " Bây giờ thì tôi nói người này là một gã tử tế, kẻ kia là một tên chó đẻ: Họ có thể là Hy Lạp hay Bulgari hay Thổ Nhĩ Kỳ, cái đó không quan trọng. Người ấy tốt hay xấu, bây giờ, đó là điều duy nhất tôi cần biết. Và mỗi tuổi một già - và điều này tôi xin thề trên mẩu bánh tôi vừa ăn - tôi cảm thấy thậm chí tôi cũng không đặt ra câu hỏi ấy nữa kia. Một người, dù tốt dù xấu, tôi cũng thương hại cho hắn, cho tất cả mọi người. Trông thấy con người, lòng tôi đau như xé, mặc dầu tôi làm bộ tỉnh bơ! Kìa khốn khổ cái thằng cha, tôi nghĩ thầm, hắn cũng ăn uống, cũng làm tình và cũng sợ hãi, bất kể hắn là người như thế nào; dù sao mặc lòng hắn cũng vẫn có Chúa và quỷ của riêng hắn và hắn cũng sẽ ngoẻo và nằm cứng đơ như khúc gỗ dưới ba tấc đất làm mồi cho giun. Khốn khổ khốn nạn! Chúng mình là anh em cả ! Rồi làm mồi cho giun tất ! . . . Và nếu lại là một phụ nữ... thì ôi! tôi những muốn khóc đến lòi con mắt! Sếp tôn kính của tôi cứ nhạo tôi hoài, bảo tôi quá ai mộ phụ nữ. Tại sao tôi lại phải dẹp lòng thương yêu họ khi mà họ là những sinh vật yếu đuối không biết mình đang làm gì và đầu hàng tại chỗ khi ta vừa thộp lấy vú họ?...
Một lần, tôi đi vào một làng Bulgari khác. Một lão già súc sinh phát hiện ra tôi - lão là một bô làng - lão báo cho đồng bọn và chúng bao vây ngôi nhà tôi trọ. Tôi luồn ra bao lơn và trèo sang mái nhà bên cạnh, trăng đã lên, tôi nhảy từ bao lơn này sang bao lơn kia thoăn thoắt như mèo. Nhưng chúng trông thấy bóng tôi, chúng trèo lên mái nhà và bắt đầu nổ súng. Làm thế nào đây? Tôi nhảy xuống sân và thấy một phụ nữ Bulgari đang nằm ngủ.
Nàng đứng dậy trong chiếc áo ngủ, trông thấy tôi và mở miệng định kêu, nhưng tôi giơ tay ra, thì thầm: "Làm ơn làm phúc, đừng kêu!" và túm luôn lấy vú nàng. Nàng tái đi suýt ngất xỉu. "Vào trong nhà", nàng khẽ nói. "Vào nhà kẻo họ trông thấy"... Tôi vào nhà, nàng nắm chặt tay tôi. "Ông là người Hy Lạp?", nàng hỏi - "Vâng, Hy Lạp. Xin đừng tố giác tôi." Tôi ôm lấy eo nàng. Nàng không nói một lời. Tôi đưa nàng đến giường và tim tôi run lên vì khoái cảm. "Thế đấy, Zorba, đồ con chó", tôi tự bảo, "vậy đó một người đàn bà cho mày, lòng nhân đạo nghĩa là thế đấy. Nàng là người gì? Bulgari? Hy Lạp? Papu? Cái đó hoàn toàn không quan trọng! Nàng là người, một con người có miệng, có đôi vú và nàng biết yêu thương. Mày không thấy xấu hổ về hành vi chém giết của mày sao? Hừ! Đồ con lợn?" Đó, tôi đã nghĩ vậy trong khi nằm bên nàng, chia sẻ hơi ấm của nàng. Thế nhưng, sếp thử nghĩ xem, cái con đĩ dại tổ quốc có để cho tôi yên vì chuyện đó không? Sáng hôm sau, tôi chuồn trong bộ quần áo nàng Bulgari cho tôi. Nàng là một quả phụ. Nàng lấy trong tủ ra bộ đồ của người chồng quá cố, đưa cho tôi, rồi ôm ghì lấy đầu gối tôi và van nài tôi trở lại với nàng. Phải, phải, tôi có trở lại... vào đêm hôm sau. Cố nhiên, hồi đó, tôi là một người ái quốc - một con đã thú; tôi trở lại với một can dầu parafin và tôi phóng hỏa đốt làng. Tội nghiệp, chắc nàng cũng bị thiêu cháy cùng với những người khác. Tên nàng là Ludmila.
Zorba thở dài. Lão châm một điếu thuốc lá, hút một vài hơi rồi quẳng đi.
- Tổ quốc ư?... Sếp tin mọi thứ vớ vẩn trong những quyển sách của sếp ư?... Đáng ra sếp phải tin tôi mới đúng. Chừng nào còn có các tổ quốc, con người còn giống như con thú, một con thú dữ... Nhưng tôi đã được giải thoát khỏi mọi cái đó rồi, đội ơn Thượng đế! Đối với tôi, thế là dứt điểm rồi! Còn sếp thì sao?
Tôi không trả lời. Tôi thèm muốn được như lão. Lão đã sống bằng máu thịt , chiến đấu, chém giết, hôn hít - tất cả những thứ ấy tôi chỉ cố gắng học qua bút mực mà thôi. Tất cả những vấn đề ấy tôi đang cố giải đáp từng điểm một trong cô đơn và ngồi lì trên ghế, con người này đã giải quyết gọn giữa bát ngát núi non, bằng một thanh gươm.
Tôi nhắm mắt lại, chán ngán khôn khuây.
- Sếp ngủ à? Zorba phật ý hỏi. Thế mà tôi cứ ba hoa với sếp như một thằng hề?
Lão làu bàu nằm xuống và loáng cái, tôi đã nghe thấy lão ngáy.
Suốt đêm tôi không tài nào ngủ được. Tiếng một con họa mi lạ lần đầu tôi nghe thấy hót đêm hôm đó, rót đầy cô đơn vào tôi một nỗi sầu không chịu nổi và tôi bỗng cảm thấy những giọt nước mắt lăn trên má.
Tôi ngột thở. Rạng sáng, tôi dậy và đứng ở cửa lều ngắm đất, ngắm biển. Tôi có cảm giác như mới qua một đêm, thế giới đã thay đổi: Trên bãi cát trước mặt tôi, một bụi gai nhỏ, mới hôm qua còn xám xỉn tiều tụy, giờ đã đầy những bông hoa trắng nhỏ li ti. Không khí phảng phất mùi hương ngọt ngào ám ảnh của cam chanh đang trổ hoa. Tôi bước ra ngoài mấy bước. Cái phép lạ vĩnh viễn luân hồi này, tôi ngắm không bao giờ biết chán.
Đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng reo vui ở sau lưng. Zorba đã dậy và, mình trần, nhào ra cửa. Lão cũng rạo rực trước cảnh xuân về.
- Cái gì thế này? Lão sửng sốt hỏi. Cái phép lạ đằng kia kìa, sếp à, cái màu xanh chuyển động ấy, người ta gọi nó là gì? Biển ư? Biển ư? Và cái gì mang tạp-dề xanh thêu hoa thế kia? Đất à? Nghệ sĩ nào đã làm ra như thế? Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thế, xin thề với sếp!
Mắt lão trào lệ.
- Zorba! Tôi kêu. Bác mất trí rồi sao?
- Sếp cười cái gì? Sếp không trông thấy sao? Sếp không thấy sao? Phải có ma thuật đằng sau tất cả những cái này, sếp ạ. Lão bỏ ra ngoài, bắt đầu nhảy múa và lăn lộn trên bãi cỏ như chú ngựa con vào mùa xuân.
Mặt trời ló ra và tôi ngửa hai bàn tay đón nắng ấm. Nhựa dâng lên . . . vú căng phồng . . . và tâm hồn cũng đâm hoa như cây cối; ta cảm thấy thể xác và linh hồn được nhào nặn bằng cùng một chất liệu.
Zorba đã đứng dậy trở lại, tóc đầy đất và sương.
- Nhanh lên, sếp! lão la. Chúng ta sẽ diện thật bảnh! Hôm nay, chúng ta phải được ban phước lành. Chẳng mấy chốc linh mục và các kỳ mục trong làng sẽ đến đây. Nếu họ thấy chúng ta lăn lóc trong đám cỏ thì thật đẹp mặt cho công ty! Cho nên ta phải lên cổ cồn cà vạt! Phô những bộ mặt nghiêm trang ra! Cần cóc gì có đầu óc, miễn là đội mũ cho hợp thời trang là ăn tiền . . . . Cái thế giới này thật điên rồ !
Chúng tôi mặc quần áo, thợ thuyền tới và sau đó một lát là các vị hương mục.
- Hãy ráng nghiêm chỉnh, sếp à, hôm nay là không có đùa giỡn được đâu. Chúng ta không nên tự biến mình thành trò cười.
Đi đầu là cha Stephanos, mặc chiếc áo tu sĩ bẩn có túi sâu. Trong những buổi lễ tôn phong, ma chay, cưới xin, rửa tội, cha thường trút vào nhưng cái túi hun hút như vực thẳm ấy mọi thứ được biếu: nho, bánh mì nhỏ, bánh patê, pho-mát, dưa chuột, thịt, kẹo bánh, tất tật... và đêm đến, bà Pappadia, vợ ông, giương mục kỉnh lên, lôi cả ra vừa chọn vừa nhấm nháp luôn miệng.
Đằng sau cha Stephanos là các bô lão: Kondomanolio, chủ tiệm cà phê, người tưởng mình biết khắp thế giới vì đã đến tận Canea và đã tận mắt thấy chính Hoàng tử Geoge; bác Anagnosti điềm đạm và tươi cười, mặc chiếc áo sơ-mi trắng xóa ống rộng; ông giáo trang nghiêm và long trọng với chiếc gậy chống, và cuối cùng Mavradoni, bước chân nặng nề, chậm rãi. Lão chít một chiếc khăn đen trên đầu, bận áo sơ-mi đen và đi giày đen; lão chào chúng tôi với một vẻ gượng gạo. Lão chua chát và tách biệt. Lão đứng riêng một mình, quay lưng ra biển.
- Nhân danh Jesus Kirixitô Chúa chúng tôi! Zorba nói, giọng trang trọng. Lão đi lên đầu đám rước và tất cả đi theo lão với vẻ trầm tư mặc tưởng thành kính.
Những hồi ức từ xa xưa hàng thế kỷ về những nghi lễ thần diệu thức dậy trong lòng những người nông dân này. Tất cả đều dán mắt vào ông linh mục như thể chờ đợi ông đối đầu và yểm trừ những lực lượng vô hình. Hàng ngàn năm trước, thầy phù thủy đã giơ tay rẩy nước thánh lên không trung, lầm rầm những câu thần chú bí hiểm và toàn năng, thế là lũ quỷ ác trốn chạy trong khi những phúc thần từ nước, đất và không khí xuất hiện để phù trợ loài người.
Chúng tôi tới cái hố đào cạnh biển để chôn cây cột đầu tiên của đường dây cáp. Cánh thợ nâng một thân cây thông lên và dựng thẳng đứng trong hố. Cha Stephanos choàng khăn tế lên, cầm bình hương và, mắt không rời thân cây, bắt đầu niệm chú: "Cầu cho cột dựa trên đá tảng vững vàng, để gió bão cũng như sóng nước đều không lay chuyển nổi, Amen!"
- Amen. Zorba oang oang, tay làm dấu.
- Amen! Các bô lão lầm rầm.
- Amen! Đám thợ nói sau rốt.
- Cầu Thượng đế ban phước lành cho công trình của các con và phù hộ cho các con giàu có như Abraham và Isaac! Thầy tư tế làng tiếp tục và Zorba giúi tờ một trăm drachma vào tay ông ta.
- Ta ban phước cho con! Linh mục hài lòng nói.
Chúng tôi trở về lều; tại đây Zorba mời tất cả mọi người dùng rượu vang và những món đồ nguội tuần chay: mực nướng, bạch tuộc rán, đậu ngâm và ô-liu. Sau khi chén sạch, các quan chức ra về. Nghi lễ ban phép kết thúc.
- Chúng ta đã lo xong chuyện này tốt đẹp! Zorba xoa tay nói. Lão cởi quần áo đẹp, mặc đồ lao động vào và cầm lấy cuốc.
- Nào! Lão nói to với anh em thợ. Làm dấu đi và bắt tay vào việc. Từ lúc ấy cho đến hết ngày, Zorba không ngẩng đầu lên nữa.
Cứ cách khoảng năm mươi mét, cánh thợ lại đào một hố, chôn một cột và tiếp tục thế, làm thành một đường thẳng tiến lên đỉnh đồi. Zorba đo đạc tính toán và ra lệnh.
Cả ngày, lão không ăn, không hút thuốc, không nghỉ ngơi lấy một phút. Lão hoàn toàn vùi đầu vào công việc.
- Sở dĩ thế giới ngày nay rối bét như thế này, lão thường bảo tôi, là vì người ta cứ làm nửa vời, nói nửa vời, tốt xấu cũng nửa vời. Vì Chúa, hãy làm việc đâu ra đấy! Mỗi cái đinh, đóng một nhát chắc gọn, thế là thắng! Thượng đế ghét một tên quỷ nửa vời gấp mười lần một tên đại ác quỷ!
Tối hôm ấy, đi làm về, lão nằm lăn trên cát, mệt lử.
- Tôi ngủ luôn đây thôi, lão nói. Tôi đợi đến rạng đông, rồi chúng tôi lại tiếp tục làm việc. Tôi sẽ bắt đầu bố trí làm ca đêm.
- Tại sao phải vội thế, Zorba?
Lão ngập ngừng một lát.
- Tại sao ư? À, tôi muốn xem thử độ dốc tôi đã tìm thấy có chính xác hay không. Nếu trật thì chúng ta đi đứt, sếp thấy không. Càng biết sớm chừng nào, càng hay cho chúng ta chừng ấy.
Lão ăn vội vàng, nghiến ngấu và thoáng sau, bãi biển đã vang tiếng lão ngáy. Còn tôi thì cứ thức hoài, ngắm sao tuần du ngang bầu trời. Tôi thấy cả bầu trời chuyển vị trí - và hộp sọ tôi, như một đài quan sát, cũng chuyển vị trí theo, cùng với những chòm sao. "Hãy theo dõi sự chuyền động của tinh tú như thể bạn cùng quay với chúng..." Câu nói đó của Marcus Aurelius ( [60] ) dâng hài hòa ngập lòng tôi.