Chương 22
Mồng Một Tháng Bảy Năm 1989
PHÒNG STUDIO TRÊN GA RA, VỚI CĂN BUỒNG TỐI ẨN BÊN TRONG, đã không mở ra kể từ ngày David dọn đi bảy năm về trước, nhưng giờ ngôi nhà sắp được rao bán, vì vậy Norah không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đối mặt với nó. Những tác phẩm của David lại đang được ưa chuộng, có thể đáng giá cả một gia tài; ngày mai nhân viên phụ trách phòng tranh sẽ qua xem bộ sưu tập. Từ sáng sớm Norah đã ngồi trên sàn nhà phủ sơn, dùng dao X-Acto rạch các hộp, lấy ra những cặp tài liệu đầy ắp ảnh, phim âm bản cùng các tờ ghi chú, cố gắng hết sức để thật vô tư, dứt khoát, trong quá trình chọn lựa. Sẽ không mất nhiều thời gian; David đã sắp xếp rất cẩn thận, và mọi thứ đều được dán nhãn ngay ngắn. Một ngày, bà nghĩ, không hơn.
Bà đã không tin tưởng lắm những ký ức, sức hút tẻ nhạt của quá khứ. Trời đã quá trưa, không khí nóng bức, mà bà mới chỉ soạn xong một thùng. Chiếc quạt quay vù vù trên cửa sổ, mồ hôi rịn ra khắp da bà; những tấm ảnh bóng loáng chết cứng giữa những ngón tay. Chúng vừa có vẻ rất gần lại vừa khó tin, những năm tháng tuổi trẻ của bà. Kia là chính bà với chiếc khăn sống động buộc trên mái tóc chải chuốt, bên cạnh bà, Bree đeo đôi hoa tai dài quét vai, mặc chiếc váy may bằng vải chắp mềm mại. Còn đây là một bức ảnh hiếm hoi chụp David, trông thật nghiêm trang, mái tóc húi cua, Paul mới chỉ là đứa bé ẵm ngửa nằm trong tay ông. Ký ức ùa về, tràn ngập căn phòng, khiến Norah ngồi chết sững một chỗ: mùi hoa tử đinh hương, khí ozone và làn da trẻ con của Paul, những động chạm của David, cách ông hắng giọng; ánh nắng của một buổi ban trưa đã mất in những hình thù kỳ dị lên sàn nhà ốp gỗ. Những điều ấy có nghĩa gì đây, Norah tự hỏi, khi họ đã sống những giây phút ấy theo một cách đặc biệt? Có ý nghĩa gì đây khi những tấm ảnh hoàn toàn không phản ánh người phụ nữ mà bà nhớ đã từng là mình? Khi nhìn kỹ hơn bà có thể thấy vẻ xa xăm và khát khao trong ánh mắt của mình, ánh nhìn của bà dường như luôn vượt ra ngoài tấm ảnh. Nhưng người khác sẽ không nhận ra, Paul cũng không; nếu chỉ xem những tấm ảnh này, sẽ không ai ngờ đến những bí ẩn phức tạp trong trái tim bà.
Một con ong vo ve bay sát trần nhà. Mỗi năm chúng lại quay về xây tổ ở đâu đó dưới mái hắt. Bây giờ Paul đã lớn, Norah cũng đã thôi không còn lo lắng về ong nữa. Bà đứng dậy vươn vai rồi lấy một lon Coca trong chiếc tủ lạnh trước đây David dùng để bảo quản hóa chất và những gói mỏng đựng phim. Bà uống Coca, mắt nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ chỗ những cây diên vĩ và kim ngân dại mọc đầy sân sau. Norah đã luôn tính làm gì ngoài đó, ngoài việc treo máng cho chim ăn trên cành cây kim ngân, nhưng trong ngần ấy năm trời bà chưa kịp làm gì, và giờ thì cũng chẳng bao giờ làm được gì nữa. Hai tháng nữa bà sẽ kết hôn với Frederic và rời khỏi nơi này mãi mãi.
Ông đã được chuyển công tác sang Pháp. Đã hai lần việc thuyên chuyển bất thành, và họ đã có lúc bàn với nhau sẽ cùng về chung sống ở Lexington, bán cả hai ngôi nhà đi và bắt đầu lại: ở một nơi mới, nơi chưa có ai trong số hai người từng sống. Cuộc nói chuyện khá nhàm chán, uể oải, thường đến giữa những bữa tối hoặc khi họ nằm bên nhau trong bóng tối lờ mờ, ly rượu đặt trên bàn bên cạnh, mặt trăng như chiếc đĩa nhợt nhạt treo ngoài cửa số phía trên những rặng cây. Lexington, Pháp, Đài Loan - đối với Norah chẳng có gì quan trọng, bà cảm thấy mình đã khám phá ra một đất nước mới cùng Frederic. Đôi khi, giữa đêm khuya, bà nhắm mắt lại và nằm thao thức, lắng nghe tiếng ông thở đều đều, cảm giác vô cùng hài lòng. Bà đau lòng nhận ra rằng bà và David đã rời xa tình yêu đến thế nào. Lỗi của ông, hẳn rồi, nhưng cũng là lỗi ở bà. Bà đã thu mình lại, quá kín đáo và chặt khít, bà đã quá sợ hãi trước mọi thứ kể từ sau cái chết của Phoebe. Nhưng những năm tháng ấy giờ đã qua; đã trôi xa, chẳng để lại gì ngoài ký ức.
Vì vậy Pháp cũng tốt. Khi biết tin chỗ làm mới chỉ ngay ở ngoại ô Paris, bà đã rất vui. Họ đã thuê trước một căn nhà gỗ nhỏ bên bờ sông ở Chateauneuf. Giờ Frederic đang ở đó, xây một căn nhà kính để trồng phong lan. Ngay cả lúc này trong trí tưởng tượng của Norah cũng tràn ngập khung cảnh ấy: những viên gạch đỏ tươi nhẵn nhụi trên hiên nhà, làn gió nhẹ ngoài sông thổi vào vờn trên tán cây bạch đàn ngay sát cửa, ánh nắng chảy trên vai, trên cánh tay Frederic, khi ông ốp những ô kính. Bà có thể đi bộ đến ga tàu điện và lên Paris chỉ sau hai tiếng, hoặc đi vào làng mua pho mát tươi cùng bánh mì, những chai rượu đen sánh, những chiếc túi vải khoác trên vai nặng dần sau mỗi điểm dừng. Bà có thể vừa chiên hành, vừa dừng lại ngắm dòng sông lững lờ trôi phía xa xa ngoài bờ rào. Tối tối bà ngồi trên hiên nhà, những đóa bạch cúc xòe nở tỏa mùi hương ngai ngái còn bà cùng Frederic ngồi uống rượu và tán ngẫu. Thật giản dị, thật vậy. Và hạnh phúc. Norah liếc nhìn những hộp ảnh, bà muốn cầm lấy tay người phụ nữ trẻ trong đó và lắc nhẹ người cô. Cố gắng lên, bà muốn nói với cô. Đừng nản chí. Cuối cùng rồi cuộc đời cô cũng sẽ tốt thôi mà.
Bà uống cạn lon Coca rồi quay lại với công việc, bỏ qua hộp ảnh đã khiến bà sa đà và mở hộp khác ra. Bên trong hộp này đầy rẫy những cặp tài liệu được sắp xếp rõ ràng theo năm. Chiếc cặp đầu tiên giữ những tấm hình chụp đám trẻ sơ sinh không rõ tên, đang ngủ trong nôi, ngồi trên bãi cỏ hay trên hiên nhà, hay đang nằm trong vòng tay êm ấm của mẹ chúng. Tất cả các bức ảnh đều được in khổ 8x10, đen trắng lóa mắt, ngay cả Norah cũng nhận ra đây là những thể nghiệm ban đầu của David về ánh sáng. Các nhà thẩm định sẽ rất hài lòng. Một số tấm ảnh đen đến nỗi gần như không thể nhìn thấy được, còn một số khác được rửa gần như trắng xóa. Có lẽ David đang thử phổ màu của máy ảnh, ông giữ nguyên một chủ thể và thay đổi trọng tâm, khẩu độ, ánh sáng.
Chiếc cặp thứ hai cũng tương tự như thế, rồi đến cặp thứ ba và thứ tư. Những tấm ảnh chụp các cô bé, không còn là trẻ sơ sinh nữa mà giờ đã là hai, ba và bốn tuổi. Những cô bé bận váy Phục sinh ở nhà thờ, những cô bé chạy trong công viên, những cô bé ăn kem hay túm tụm ngoài cổng trường giờ tan học. Những cô bé nhảy múa, tung bóng, cười, khóc. Norah cau mày, lật nhanh những bức ảnh. Bà nhận ra không chỉ có một đứa trẻ duy nhất. Ảnh được sắp xếp cẩn thận theo độ tuổi. Khi bà giở đến trang cuối cùng, bà nhìn thấy không phải là những cô bé nữa mà là những người phụ nữ trẻ, đi lại, mua sắm, nói chuyện ngẫu với nhau. Tấm hình cuối cùng chụp một phụ nữ trẻ trong thư viện, cằm cô tì lên tay khi cô mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ, có vẻ gì xa xăm, gần giống như Norah, trong đôi mắt cô.
Norah buông rơi cặp tài liệu vào lòng, những tấm ảnh văng ra tung tóe. Cái gì đây? Tất cả những cô bé ấy, những người phụ nữ trẻ ấy: có thể là một kiểu ám ảnh tình dục, tuy vậy bằng trực giác của mình Norah biết rằng không phải như vậy. Điểm chung giữa tất cả những tấm ảnh không phải sự ám muội mà là nét hồn nhiên. Đám trẻ chơi đùa trên sân công viên phía bên kia đường, gió thổi tóc và quần áo chúng bay phấp phới. Ngay cả những cô gái lớn hơn, những phụ nữ trưởng thành, cũng có tố chất ấy; họ nhìn thế giới bằng cái nhìn lơ đễnh, đôi mắt tròn to, không hiểu sao, có cả nét dò hỏi. Cảm giác mất mát vương vấn trong cách sử dụng ánh sáng và bóng tối; đó là những tấm ảnh tràn đầy khao khát. Niềm mong mỏi, phải, không phải dục tính.
Bà đưa mắt nhìn nắp chiếc hộp để xem nhãn, trên đó chỉ ghi ngắn gọn là Tổng quan.
Vội vã, mặc kệ đống bừa bộn mình vừa tạo ra, Norah lướt qua tất cả những chiếc hộp còn lại, lôi hết hộp này đến hộp khác. Ở giữa phòng bà tìm thấy một chiếc hộp nữa với chữ TỔNG QUAN đen đậm. Bà mở hộp và lôi những chiếc cặp ra.
Lần này không phải là những cô gái, không phải là những người xa lạ, mà là Paul. Từng cặp tài liệu ảnh nối tiếp nhau chụp Paul ở mọi lứa tuổi, những biến đổi và sự trưởng thành, cơn giận dữ đột ngột của nó. Vẻ chăm chú và năng khiếu âm nhạc đáng ngạc nhiên của nó, những ngón tay nó lướt trên cây đàn ghi ta.
Trong một lúc lâu Norah ngồi đờ đẫn, bối rối, cảm giác như sắp ngộ ra một điều gì đó. Rồi đột nhiên điều đó đến với bà, không thể thay đổi, khiến lòng bà bỏng cháy: suốt bao nhiêu năm qua sống trong im lặng, những lúc không thể nói đến đứa con gái đã mất của họ, David đã ghi lại sự vắng mặt của cô bé, Paul, và cả ngàn bé gái khác, tất cả đều lớn dần lên.
Paul, chứ không phải Phoebe.
Norah đã có thể khóc. Đột nhiên bà khao khát được nói chuyện với David. Ngần ấy năm qua, ông cũng nhớ con. Tất cả những bức ảnh ấy, tất cả sự im lặng ấy, nỗi cồn cào bí mật ấy. Bà lướt qua những bức ảnh một lần nữa, nhìn ngắm Paul khi còn là một cậu bé con: đang đón trái bóng chày, chơi đàn piano, làm mặt ngố dưới tán cây ở sân sau. Tất cả những ký ức ông đã gom góp, những khoảnh khắc Norah chưa bao giờ thấy. Bà ngắm đi ngắm lại, cố gắng đặt mình vào thế giới mà David đã trải nghiệm, đặt mình vào cách nhìn của ông.
Hai tiếng trôi qua. Bà biết mình đang đói, nhưng không thể vực mình rời đi hay thậm chí là đứng lên khỏi nơi bà đang ngồi trên sàn nhà. Rất nhiều bức ảnh, những bức ảnh chụp Paul, những cô bé và những người phụ nữ vô danh, phản ánh từng độ tuổi của cậu. Lúc nào cũng vậy, trong suốt bao năm qua, bà luôn cảm thấy sự hiện diện của con gái mình, một bóng đen, đứng ở bên ngoài mỗi bức ảnh được chụp. Phoebe, chết từ khi mới ra đời, như còn nấn ná ở đâu đó ngoài tầm nhìn, như thể cô bé vừa xuất hiện trước đó chốc lát rồi rời khỏi căn phòng, như thể mùi hương của cô bé, làn gió thoảng sau bước chân qua, vẫn còn lẩn quất đâu đây trong không gian cô vừa rời khỏi. Norah đã giữ cảm giác ấy cho riêng mình, sợ rằng bất kỳ ai nghe những gì bà nói sẽ nghĩ bà quá đa cảm, thậm chí là điên rồ. Giờ đây bà sững sờ, và thấy nước dâng đầy lên mắt, khi nhận ra David cũng cảm nhận sự vắng mặt của con gái họ sâu sắc đến thế nào. Ông đã tìm kiếm cô bé ở khắp nơi, dường như ông đã đi tìm trong từng cô bé, từng người phụ nữ trẻ, và chưa bao giờ tìm thấy.
Cuối cùng, xuyên qua những vòng tròn câm lặng đang tỏa rộng nơi bà ngồi, tiếng sỏi nghiến lạo xạo vẳng lại: một chiếc xe đang đi vào. Có ai đó mới đến. Từ xa bà nghe thấy tiếng sập cửa, tiếng bước chân, rồi chuông cửa reo inh ỏi khắp nhà. Bà lắc đầu và nuốt nước bọt, nhưng không đứng dậy. Dù là ai thì người đó cũng sẽ bỏ đi và quay lại sau, hoặc không. Bà gạt nước mắt; ai muốn gặp bà đều có thể chờ được. Nhưng không. Nhân viên định giá đồ đạc đã hứa qua chiều nay. Norah đành áp chặt tay lên má và đi vào nhà qua cửa hậu, bà dừng lại một chút để vã nước lên mặt và chải sơ tóc. "Tôi ra đây." bà gọi với qua tiếng nước chảy khi tiếng chuông vang lên lần nữa. Bà đi qua các phòng, tất cả đồ đạc đều được kê ra giữa và phủ kín vải nhựa: ngày mai thợ sơn sẽ đến. Bà nhẩm tính số ngày còn lại, tự hỏi không hiểu mình có thể làm xong mọi việc được không. Nhớ đến, trong khoảnh khắc, những tối ở Chateauneuf, nơi dường như chắc chắn cuộc đời bà sẽ luôn êm đềm, phẳng lặng như một bông hoa xòe nở trong không gian.
Bà mở cửa, tay vẫn còn vẩy vẩy cho khô.
Người phụ nữ đứng trên hiên nhà trông quen quen. Bà ta ăn vận khá giản dị, mặc chiếc quần xanh thẫm sạch sẽ. Bà ta mặc áo len cotton ngắn tay màu trắng, mái tóc dày ngả bạc được cắt rất ngắn. Ngay ở cái nhìn đầu tiên, bà ta đã tạo ấn tượng là người ngăn nắp, được việc, kiểu người sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì tầm phào, kiểu người chịu trách nhiệm với tất cả và sẽ hoàn thành mọi công việc. Tuy vậy, bà ta không nói gì. Bà ta dường như giật mình khi nhìn thấy Norah, nhìn bà thật chăm chú đến độ Norah khoanh hai tay lại vẻ đề phòng, đột nhiên nhớ ra chiếc quần soóc mình đang mặc bám đầy bụi bẩn, còn áo thun thì ướt đẫm mồ hôi. Bà liếc qua đường, rồi nhìn lại người đàn bà đứng trên hiên nhà mình. Bà gặp ánh mắt chăm chú của người đàn bà ấy và nhìn sâu vào đôi mắt mở to của bà ta, xanh biếc, rồi bà nhận ra.
Hơi thở của bà đứt quãng. "Caroline? Caroline Gill phải không?"
Người đàn bà gật đầu, đôi mắt xanh cụp xuống trong chốc lát tựa như có điều gì đó vừa được dàn xếp ổn thỏa giữa hai người. Nhưng Norah không biết đó là gì. Sự hiện diện của người đàn bà đến từ dĩ vãng xa xăm đã khuấy động những cảm xúc trong sâu thẳm trái tim bà, đưa bà trở lại cái đêm như một giấc mơ khi bà và David đi xe tới phòng khám trên con phố câm lặng phủ đầy tuyết, Caroline Gill đã điều chỉnh bình khí gây tê và nắm tay bà trong suốt những cơn co thắt, miệng luôn nói: Nhìn tôi này, nhìn tôi đi, chị Henry, tôi ở ngay bên cạnh chị đây và chị đang làm tốt lắm. Đôi mắt xanh ấy, cái siết tay chắc chắn của bà ta, xâu chặt vào tấm ký ức khoảnh khắc ấy, cũng rõ ràng như những ký ức của bà về cách lái xe máy móc của David hay tiếng khóc trong trẻo đầu tiên của Paul.
"Chị làm gì ở đây vậy?" Norah hỏi. "David đã mất một năm trước rồi."
"Tôi biết," Caroline nói, gật đầu. "Tôi biết, tôi rất tiếc. Chị nghe này, chị Norah... à chị Henry, tôi có chuyện này cần nói với chị, cũng hơi khó nói. Không hiểu chị có thể dành cho tôi vài phút được không. Khi nào tiện ấy. Tôi có thể quay lại sau nếu bây giờ chưa thích hợp."
Giọng của bà ta vừa cấp bách và kiên quyết, trái với ý định của mình, Norah đã lùi lại và nhường lối cho Caroline bước vào sảnh đợi. Những chiếc hộp, được đóng gọn ghẽ và dán kín băng dính, chất đống ngay sát chân tường. "Chị thứ lỗi cho, nhà bừa bộn quá," bà nói. Bà ra hiệu về phía phòng khách, tất cả đồ đạc đã bị gom lại một đống chính giữa phòng. "Ngày mai tôi sẽ gọi thợ sơn đến để bỏ thầu. Và cả nhân viên định giá đồ đạc nữa. Tôi sắp đi bước nữa," bà đế thêm. "Tôi sẽ chuyển đi nơi khác."
"Tôi mừng là đã kịp gặp chị," Caroline nói. "Tôi mừng vì đã không chờ đợi."
Kịp gặp tôi để làm gì? Norah tự hỏi, nhưng do thói quen bà vẫn mời Caroline vào bếp, nơi duy nhất họ còn có thể ngồi thoải mái. Khi họ đi qua phòng khách, không nói lời nào, Norah chợt nhớ sự biến mất đột ngột của Caroline, vụ tai tiếng ấy. Bà liếc trộm lại phía sau hai lần, không tài nào rũ bỏ nổi những cảm xúc kỳ dị mà sự hiện diện của Caroline đã khuấy động lên trong bà. Cặp kính mát gài trên sợi dây đeo quanh cổ Caroline. Những đặc điểm của bà ta đã mạnh mẽ thêm qua năm tháng, mũi và cằm sắc nét hơn. Bà ta sẽ rất cương quyết, Norah khẳng định, trong những tình huống kinh doanh. Không phải loại người có thể xem nhẹ được. Tuy vậy, Norah nhận ra rằng, cảm giác không thoải mái của mình có nguyên do khác. Caroline biết bà ta với tư cách là một người khác - một phụ nữ trẻ trung và thiếu tự tin, bị gắn cứng vào cái cuộc sống và quá khứ mà bà cũng không lấy làm hãnh diện lắm mỗi khi nhớ lại.
Caroline ngồi xuống một chỗ bên bàn ăn sáng trong khi Norah lấy hai cốc nước đá đầy. Lời nhắn cuối cùng của David – Anh đã sửa bồn rửa trong phòng tắm rồi. Chúc mừng sinh nhật. - được gắn lên tấm bảng ngay sau vai Caroline. Norah nôn nóng nghĩ đến những tấm ảnh còn đang nằm đợi trong ga ra, đến tất cả những việc bà cần làm không thể chờ đợi thêm nữa.
"Nhà chị có cả chim sơn ca kia à," Caroline ngắm nghía, rồi gật đầu ra hiệu phía khu vườn hoang tàn, xơ xác.
"Vâng. Phải mất hàng năm trời tôi mời dụ được bọn chúng đến đây đấy. Mong rằng những người sắp dọn tới đây sẽ cho chúng ăn."
"Cảm giác chuyển đi nơi khác chắc lạ lắm."
"Đến lúc rồi," Norah nói, lấy ra hai miếng lót cốc và đặt mấy chiếc cốc lên bàn. Bà ngồi xuống. "Nhưng chị không đến để nói về chuyện đấy phải không."
"Không."
Caroline nhấp một ngụm nước, rồi áp hai tay lên mặt bàn như thể, Norah linh cảm, để giữ vững chúng. Nhưng khi nói dường như bà ta rất bình tĩnh, kiên quyết.
"Norah... tôi gọi chị là Norah được không? Tôi vẫn luôn nghĩ đến chị như thế, trong suốt những năm qua."
Norah gật đầu, vẫn còn bối rối, cơn bồn chồn dâng lên. Lần cuối Caroline Gill vụt qua trí nhớ của bà là khi nào nhỉ? Hẳn cách đây lâu lắm rồi, và chưa bao giờ tách rời khỏi ký ức về đêm Paul ra đời.
"Norah," Caroline nói, như đọc được suy nghĩ của bà, "chị còn nhớ những gì về cái đêm con trai chị ra đời?"
"Chị hỏi để làm gì?" giọng Norah vẫn vững vàng, nhưng bà đã hơi ngả về phía sau, để né tránh ánh nhìn chăm chú trong mắt Caroline, né tránh dòng chảy cuộn xoáy ẩn bên trong, và né tránh nỗi sợ hãi của chính mình về điều sắp xảy ra. "Sao chị lại đến đây, và sao chị lại hỏi tôi như thế?"
Caroline Gill không đáp ngay. Tiếng hót du dương của lũ chim sơn ca vụt qua căn phòng như những đốm sáng.
"Nghe này, tôi xin lỗi," Caroline nói. "Tôi không biết phải nói như thế nào. Tôi nghĩ cũng chẳng có cách nào dễ nói cả, nên thôi tôi cứ nói thẳng ra vậy. Chị Norah, tối hôm đó khi hai đứa con sinh đôi của chị ra đời, Phoebe và Paul, có một vấn đề."
"Phải," Norah trả lời lạnh lùng, bà nghĩ đến cảm giác trống trải trong trái tim mình sau ca sinh nở, niềm hạnh phúc lẫn cảm giác trống trải xoắn bện vào nhau, và con đường khó khăn dài dặc bà đã đi để đến được với giây phút thanh thản yên bình này. "Con gái tôi đã chết," bà nói. "Đó là vấn đề."
"Phoebe đã không chết," Caroline nói giọng đều đều, mắt nhìn thẳng vào bà, và trong khoảnh khắc Norah cảm thấy mình đông cứng hệt như bà đã từng thấy cách đây bao nhiêu năm, bị hút chặt vào cái nhìn đăm đăm ấy trong khi cả thế giới xoay tròn quanh bà. "Phoebe sinh ra với hội chứng Down. David cho rằng chứng bệnh này sẽ tiến triển không tốt. Anh ấy nhờ tôi đưa cô bé đến một nơi ở Louisville, nơi những trẻ em như thế thường bị gửi đến. Làm như vậy không có gì là bất bình thường cả, trong hoàn cảnh năm 1964. Đa số các bác sĩ khác cũng sẽ khuyên làm thế. Nhưng tôi không thể bỏ mặc con bé ở đấy được. Tôi đưa cháu đi và chuyển đến sống ở Pittsburgh. Tôi đã nuôi dưỡng cháu trong suốt những năm qua. Chị Norah," bà nói thêm thật nhẹ nhàng, "Phoebe vẫn còn sống. Cô bé rất khỏe mạnh."
Norah ngồi thật im. Những con chim trong vườn đang hót ríu rít gọi nhau. Không hiểu sao, bà bỗng nhớ đến lúc bị ngã xuống một tấm lưới không có biển báo khi ở Tây Ban Nha. Bà đang đi dạo trên con phố ngập nắng, không vướng bận chút âu lo. Rồi phịch, bà đã ngập trong một cái rãnh đến tận hông, mắt cá bị vỡ còn bắp chân thì đầy những vết rách dài chảy máu. Tôi ổn, tôi ổn mà, bà luôn miệng nói với những người giúp kéo bà lên, những người đưa bà đến bác sĩ. Mặt vẫn tươi tỉnh, như không để ý, dù máu vẫn nhỏ giọt từ vết thương: Tôi ổn. Chỉ sau đó, khi còn lại một mình và an toàn trong phòng riêng, khi nhắm mắt và nhớ lại khoảnh khắc đột ngột, cảm giác hoàn toàn mất kiểm soát ấy, bà mới khóc. Bây giờ bà cũng có cảm giác y như vậy. Người run lẩy bẩy, bà cố bám lấy mép bàn.
"Sao cơ?" bà nói. "Chị nói sao cơ?"
Caroline nói lại: Phoebe, thực ra không chết mà bị đưa đi. Trong suốt những năm qua, Phoebe đã lớn lên ở một thành phố khác. An toàn, Caroline không ngừng nhắc đi nhắc lại. An toàn, được chăm sóc chu đáo, được yêu thương. Phoebe, con gái bà, em song sinh của Paul. Sinh ra với hội chứng Down, bị đưa đến nơi khác.
David đã đem cho con bé.
"Chị bị điên rồi," Norah nói, mặc dù ngay cả lúc bà nói ra, quá nhiều những mảnh ghép lỗ chỗ trong cuộc đời bà bắt đầu khớp vào đúng vị trí của nó, để bà hiểu rằng những gì Caroline nói là sự thật.
Caroline thò tay vào ví và đặt hai tấm ảnh polaroid lên mặt bàn gỗ thích bóng loáng. Norah không thể cầm lên nổi, bà đang run lẩy bẩy, nhưng bà cúi lại gần để nhìn: một cô bé trong chiếc váy trắng, mũm mĩm, với nụ cười toả sáng cả gương mặt, đôi mắt hình quả hạnh nhắm tít lại vui sướng. Rồi một tấm ảnh khác, cũng là cô bé này nhưng chụp sau mấy năm, đang sắp sửa ném một quả bóng rổ, ảnh chụp đúng vào khoảnh khắc trước khi cô bé nhảy lên. Trông cô bé hơi giống Paul trong tấm ảnh này, hơi giống Norah trong tấm kia, nhưng chủ yếu cô bé vẫn là chính mình: Phoebe. Không phải bất cứ tấm ảnh nào được sắp xếp cẩn thận trong tài liệu ảnh của David mà đơn giản là chính cô bé. Vẫn còn sống, và đang ở đâu đó trên đời này.
"Nhưng tại sao?" Nỗi đau đớn hiển hiện trong từng lời bà nói ra. "Tại sao anh ấy lại làm thế? Tại sao chị lại làm thế?"
Caroline lắc đầu rồi lại nhìn ra ngoài vườn.
"Trong bao năm qua tôi luôn tin tưởng vào sự trong sáng của bản thân," bà nói. "Tôi tin rằng tôi đã làm đúng. Cái nhà cứu tế ấy là một nơi khủng khiếp. David chưa bao giờ thấy nó; anh ấy không biết chỗ đấy tệ thế nào. Vì thế tôi đưa Phoebe đi và nuôi nấng nó, tôi đã đấu tranh rất, rất nhiều để cho con bé được học hành và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Để đảm bảo nó có một cuộc sống tốt. Cũng dễ nhìn nhận bản thân tôi như một người hùng. Nhưng tôi nghĩ mình luôn hiểu rằng, từ tận đáy lòng, những động cơ của tôi không hoàn toàn trong sáng. Tôi muốn một đứa con nhưng lại không có. Tôi cũng từng yêu David, hoặc nghĩ là mình đã yêu. Chỉ từ xa thôi, ý tôi là vậy," bà vội đế thêm. "Tất cả chỉ trong ý nghĩ của tôi thôi. David thậm chí còn chẳng bao giờ để ý đến tôi. Nhưng khi nhìn thấy thông báo lễ tang, tôi biết tôi phải giữ nó. Rằng đằng nào tôi cũng phải ra đi, và tôi không thể bỏ mặc con bé được."
Norah, rối bời trong cảm giác hoảng loạn, nhớ lại những ngày nhạt nhoà tràn đầy nỗi đau và niềm hạnh phúc. Paul nằm trong vòng tay bà còn Bree đưa bà chiếc điện thoại, nói, Chị phải kết thúc chuyện này đi. Bà lên kế hoạch cho cả buổi lễ tưởng niệm mà không nói gì với David, mỗi sự sắp xếp giúp bà trở lại với cuộc sống, và khi David về đến nhà tối hôm đó, bà đã đấu tranh chống lại sự phản đối của ông.
Không hiểu ông đã cảm thấy thế nào, về cái đêm hôm ấy, về buổi lễ ấy?
Và dẫu vậy ông vẫn để mặc cho mọi chuyện xảy ra.
"Nhưng tại sao anh ấy không nói cho tôi biết," bà hỏi, giọng nhỏ như một lời thì thầm. "Trong ngần ấy năm trời mà anh ấy chưa bao giờ nói gì với tôi cả."
Caroline lắc đầu. "Tôi không thể nói hộ David được," bà nói. "Anh ấy luôn là một bí ẩn đối với tôi. Tôi biết anh ấy yêu chị, và tôi tin dù việc làm này có vẻ đáng ghê tởm, nhưng những ý định ban đầu của anh ấy là tốt. Anh ấy đã có lúc kể cho tôi nghe về em gái anh ấy. Cô ấy bị dị tật tim và chết rất trẻ, và mẹ anh ấy không bao giờ vượt qua được nỗi đau. Dù có đáng hay không, tôi nghĩ anh ấy chỉ đang cố gắng bảo vệ chị thôi."
"Nó là con tôi," Norah nói, từng câu từng chữ như rứt ra từ sâu thẳm trong người bà, từ một vết thương đã chôn chặt từ lâu. "Nó sinh ra từ máu thịt của tôi. Bảo vệ tôi ư? Bằng cách nói với tôi là nó đã chết ư?"
Caroline không trả lời, và họ ngồi một lúc lâu, im lặng bao trùm lên họ. Norah nghĩ đến David trong tất cả những bức ảnh kia, và trong tất cả những giây phút họ đã sống cùng nhau, luôn phải mang giấu bí mật đó bên mình. Bà đã không biết, bà đã không đoán ra. Nhưng bây giờ bà đã được biết, nó đem lại một cảm giác thật khủng khiếp.
Cuối cùng Caroline mở ví lấy ra một mẩu giấy trong đó ghi địa chỉ và số điện thoại của bà ta. "Đây là nơi chúng tôi sống," bà nói. "Chồng tôi, Al, tôi và Phoebe. Đây là nơi Phoebe đã lớn lên. Con bé đã có một cuộc sống hạnh phúc, chị Norah ạ. Tôi biết cho chị hay chừng ấy không đáng kể gì, nhưng đó là sự thật. Nó là một cô gái trẻ đáng yêu. Tháng sau, nó sẽ chuyển đến ở một khu nhà tập thể. Đó là nguyện vọng của nó. Nó có một công việc rất tốt ở trong một cửa hàng photocopy. Nó thích ở đó, và mọi người cũng yêu quý nó lắm."
"Cửa hàng photocopy?"
"Phải. Con bé làm tốt lắm, chị Norah ạ."
"Nó có biết không?" Norah hỏi. "Nó có biết về tôi không? Về Paul nữa?"
Caroline liếc xuống mặt bàn, ngón tay mân mê rìa tấm ảnh. "Không. Tôi không muốn nói cho nó biết đến khi nào nói chuyện được với chị. Tôi không biết chị muốn làm gì, liệu chị có muốn gặp nó không. Tôi hy vọng là có. Nhưng dĩ nhiên tôi cũng sẽ không trách cứ gì nếu chị không muốn. Đã ngần ấy năm rồi... ôi, tôi rất tiếc. Nhưng nếu chị muốn đến thăm, chúng tôi ở đó. Cứ gọi điện cho chúng tôi. Tuần sau hay năm sau cũng được."
"Tôi không biết nữa," Norah chậm chạp đáp. "Có lẽ tôi đang sốc quá."
"Dĩ nhiên rồi." Caroline đứng dậy.
"Tôi giữ mấy tấm ảnh được không?" Norah hỏi.
"Chúng là của chị. Chúng vẫn luôn là của chị mà."
Trên hiên nhà, Caroline dừng lại và nhìn bà chăm chú.
"Anh ấy yêu chị nhiều lắm," bà ta nói. "David lúc nào cũng yêu chị, Norah ạ."
Norah gật đầu, nhớ lại mình cũng đã nói y như vậy với Paul khi ở Paris. Bà đứng trên hiên nhà nhìn theo Caroline đi ra xe, tự hỏi không hiểu cuộc sống mà Caroline đang lái xe quay về ra sao, liệu nó còn ẩn chứa những phức tạp và bí ẩn gì.
Norah đứng trên hiên nhà một lúc lâu. Phoebe vẫn còn sống, trên đời này. Cái tin ấy giống như là một cái hố rộng ngoác, sâu đến vô tận xói vào tim bà. Được yêu thương, Caroline đã nói thế. Được chăm sóc chu đáo. Nhưng không phải bởi Norah, người đã phải cố gắng biết bao để quên cô bé. Những giấc mơ bà đã có, tất cả cuộc tìm kiếm giữa những lưỡi cỏ đóng băng giòn sắc, lại quay về, vò xé bà.
Bà quay vào trong nhà, khóc nức nở, đi qua đống đồ đạc phủ vải. Nhân viên định giá sắp đến. Paul cũng sẽ đến, hôm nay hoặc ngày mai; nó đã hứa gọi trước nhưng đôi khi vẫn đến đột ngột. Bà tráng rửa mấy cốc nước và lau khô, rồi đứng trong gian bếp tĩnh lặng, nghĩ đến David, đến những đêm suốt bao năm qua khi David vùng dậy trong bóng tối và chạy đến bệnh viện chữa chạy cho ai đó bị thương. Một người tốt, David. Ông điều hành một phòng khám, ông chăm sóc cho những người cần giúp đỡ.
Và ông đã đem cho đứa con gái của họ rồi bảo bà rằng nó đã chết.
Norah đấm mạnh lên quầy bếp, khiến những chiếc cốc nảy lên. Bà pha cho mình một cốc rượu gin và tonic rồi đi lang thang trên gác. Bà nằm xuống, lại nhỏm dậy gọi cho Frederic, và dập máy khi có tiếng trả lời tự động. Sau một lúc bà quay lại studio của David. Mọi thứ vẫn nguyên như cũ, bầu không khí thật ấm áp, tĩnh lặng, những tấm ảnh và hộp nằm rải rác khắp sàn nhà, vẫn y như lúc bà rời khỏi đó. Ít nhất là năm mươi ngàn đô, nhân viên phòng tranh đã ước lượng. Sẽ còn đáng giá nhiều tiền hơn nữa nếu có thêm ghi chú viết tay của David về quá trình thực hiện.
Mọi thứ vẫn còn nguyên như cũ, nhưng đã không còn như xưa nữa.
Norah bê chiếc hộp đầu tiên và kéo lê qua căn phòng. Bà gắng hết sức nâng hộp lên mặt quầy, rồi giữ nó thăng bằng trên bậu cửa sổ nhìn xuống sân sau. Bà dừng lại lấy hơi rồi kéo màn cửa lên và đẩy mạnh chiếc hộp ra ngoài, bằng cả hai tay, nghe tiếng dội xuống nền đất bên dưới với một tiếng thụp hả hê. Bà quay lại xử lý chiếc hộp tiếp theo, rồi đến chiếc hộp tiếp theo nữa. Bà đã làm đúng như những gì mình mong muốn trước đó: dứt khoát, thô bạo - phải, tàn nhẫn. Chỉ trong chưa đầy một giờ, cả studio đã trống trơn. Bà quay vào trong nhà, đi qua những chiếc hộp rách nằm ngổn ngang trên lối vào nhà, những tấm ảnh rơi ra tung toé, vương vãi khắp bãi cỏ trong ánh nắng buổi chiều muộn.
Vào nhà, bà đi tắm, đứng trước vòi nước chảy cho đến khi người lạnh toát. Bà mặc một chiếc váy rộng, pha thêm cốc rượu rồi ngồi xuống sofa. Bắp tay bà nhức nhối vì bê hộp nặng. Bà pha thêm một cốc rượu nữa rồi trở lại. Khi trời sụp tối, nhiều giờ trôi qua, bà vẫn ngồi đó. Chuông điện thoại reo vang, và bà nghe thấy giọng của chính mình, qua máy ghi âm, rồi đến giọng Frederic, gọi từ Pháp về. Giọng ông thật mượt và êm, như mặt biển xa xăm. Bà khao khát được đến đó, được đến nơi mà cuộc đời bà trở nên có ý nghĩa, nhưng bà không nhấc máy lên, cũng không gọi lại cho ông. Tiếng tàu hoả văng vẳng phía xa. Bà kéo chiếc khăn phủ giường lên và ngập chìm trong bóng đêm u tối.
Bà nằm lơ mơ, lúc say lúc tỉnh, nhưng không ngủ. Thỉnh thoảng bà dậy để pha thêm một cốc rượu nữa, đi lang thang qua những căn phòng trống vắng, tràn ngập bóng trăng, đổ đầy thêm cốc rượu của mình từng chút một. Không cần biết đó là tonic hay chanh hay đá. Có lúc bà mơ thấy Phoebe đang ở trong phòng, hiện ra từ một bức tường nơi cô đã giấu mình suốt bao năm qua, Norah đi hết ngày này đến ngày khác mà không thấy nhìn thấy cô bé. Sau đó bà bừng tỉnh, khóc nức nở. Bà đổ hết phần còn lại của chai rượu gin xuống bồn rửa và uống một cốc nước.
Cuối cùng bà cũng ngủ thiếp đi khi bình minh lên. Buổi trưa, khi bà tỉnh dậy, cánh cửa trước đang mở rộng còn ở sân sau ảnh tung toé khắp nơi: mắc vào bụi cây đỗ quyên, phất phơ dưới nền đất, hoặc mắc trên chiếc xích đu gỉ sét cũ kỹ của Paul. Thấp thoáng đôi tay, ánh mắt, làn da mô phỏng hình dáng bờ biển, làn tóc thoảng qua, tế bào máu vương vãi như những giọt dầu trên mặt nước. Những khoảnh khắc cuộc đời họ đã sống như cách David quan sát, cách David đã cố gắng định hình chúng. Phim âm bản, phim celluloid đen sẫm, nằm vất vưởng trên cỏ. Norah hình dung ra giọng nói hoảng hốt và giận dữ của các nhân viên quản lý phòng tranh, của bạn bè, của con trai bà, và thậm chí là của cả một phần trong bà, nghe thấy chúng sôi lên, Nhưng bà đang huỷ hoại lịch sử đấy!
Không, bà đáp, tôi đang đòi nợ nó đấy chứ.
Bà uống thêm hai cốc nước cùng vài viên aspirin, rồi bắt đầu kéo lê mấy chiếc hộp ra góc xa trên bãi cỏ um tùm. Một hộp, chiếc hộp đựng đầy những tấm ảnh chụp Paul trong suốt quãng đời cậu, bà đẩy lại vào ga ra để lưu giữ. Trời nóng ran và đầu bà nhức buốt; những đốm đom đóm quay cuồng trong mắt bà khi bà đột ngột đứng dậy. Bà nhớ lại ngày xa xưa hôm nào trên bãi biển, mặt nước lấp lánh, những đốm sáng chói mắt và Howard bước vào tầm nhìn của bà.
Có rất nhiều đá chất đống phía sau ga ra. Bà lôi ra, từng cục một, và xếp thành một vòng tròn lớn. Bà vứt chiếc hộp đầu tiên, những tấm ảnh đen trắng bóng bẩy ánh lên dưới ánh lên dưới nắng, khuôn mặt quen thuộc của những người phụ nữ trẻ nhìn bà đăm đăm từ dưới mặt cỏ. Ngồi xổm dưới cái nắng trưa gay gắt, bà giữ chiếc bật lửa sát mép một tấm ảnh 8x10. Khi lưỡi lửa bắt đầu liếm và bùng lên, bà thả tấm ảnh đang chảy bùng lên vào đống ảnh thấp tè ở giữa vòng tròn đá. Ban đầu lửa dường như không bén. Nhưng chẳng mấy chốc hơi nóng cuồn cuộn bốc lên, kéo theo một cột khói.
Norah vào nhà rót thêm một cốc nước nữa. Bà ngồi trên bậc thềm sau nhà nhấp từng ngụm nước, ngắm nhìn ngọn lửa. Một sắc lệnh mới ban hành của thành phố cấm mọi hình thức đốt lửa, và bà lo hàng xóm có thể sẽ gọi cho cảnh sát. Nhưng xung quanh vẫn im ắng, ngay cả ngọn lửa cũng câm lặng, bốc cao thêm giữa bầu không khí oi nồng, toả ra một làn khói mỏng xanh xanh như màu sương. Tàn giấy đen kịt bay bay khắp sân sau, phất phơ theo từng đợt khí nóng mờ ảo, như những cánh bướm. Khi ngọn lửa trong vòng đá bùng lên và bắt đầu gầm gào, Norah vứt thêm ảnh vào. Bà đốt ánh sáng, bà đốt bóng tối, bà đốt tất cả những ký ức của David, những thứ đã được chớp lại và lưu giữ thật cẩn thận. Đồ khốn, bà lầm rầm, nhìn những tấm ảnh bốc cháy ngùn ngụt trước khi đen thẫm dần, cuộn lại và biến mất.
Ánh sáng về với ánh sáng, bà thầm nghĩ, lùi lại tránh hơi nóng, tiếng gầm rú, những đốm tàn tro mịn như bột cuồn cuộn trong không khí.
Tro tàn về với tro tàn.
Cát bụi, cuối cùng, lại về với cát bụi.