Gửi bài:

Chương 13

Thángg Tám Năm 1977

HAI THẰNG ĐANG ĐI TRÊN ĐƯỜNG RAY, DUKE MADISON ĐÚT TAY TRONG TÚI ÁO JACKET DA NÓ MUA Ở GOODWILL, Paul sút những viên đá văng vào thanh ray. Có tiếng còi tàu rít lên phía xa. Trong sự im lặng đồng thuận, hai đứa bước lên rìa đường ray, bàn chân vẫn còn đang đặt trên thanh ray hướng Tây, cố giữ thăng bằng. Đoàn tàu mất một lúc lâu mới chạy đến gần, đường ray dưới chân hai đứa rung lên bần bật, đầu máy nhỏ như một cái chấm, rồi cứ dần to và thẫm hơn, người lái tàu kéo còi inh ỏi. Paul nhìn Duke, mắt thằng này long lên trước sự liều lĩnh và hiểm nguy, và cảm thấy sự phấn khích đang trào dâng trong từng thớ thịt của chính mình, mạnh đến gần như không chịu nổi, đoàn tàu tiến lại càng lúc càng gần hơn, tiếng còi lanh lảnh vang vọng khắp những con phố quanh đó và xa hơn nữa. Có ánh đèn cùng người thợ máy thấp thoáng sau ô cửa sổ cao, tiếng còi lại vang lên, cảnh báo. Đoàn tàu lại gần hơn nữa, gió từ động cơ ép đám cỏ dại ngã rạp xuống đất, nó chờ đợi, mắt nhìn thằng Duke, thằng này đang đứng thăng bằng trên thanh ray bên cạnh, rồi đoàn tàu lao tới, gần như sắp cán nát hai đứa. Chúng vẫn cứ đợi, và Paul nghĩ có lẽ nó chẳng bao giờ nhảy ra nổi. Thế mà nó làm được, nó đã đứng giữa đám cỏ dại còn đoàn tàu phóng qua vùn vụt chỉ cách mặt nó gang tấc. Trong tích tắc khuôn mặt người lái tàu hiện ra, sốc đến tái nhợt, và rồi đoàn tàu – tối và sáng, tối và sáng – khi các toa tàu nối nhau chạy xa dần, ngay cả gió cũng tan biến.

Duke, đứng cách một bước chân, ngồi ngửa mặt lên bầu trời u ám.

"Mẹ," nó nói. "Phê thật."

Hai thằng phủi sạch người và dắt nhau về nhà Duke, một căn nhà nhỏ ngay kề đường ray. Nơi Paul sinh ra ở ngay gần đây, cách chừng vài phố, mặc dù mẹ thỉnh thoảng vẫn lái xe đưa nó tới để xem cái công viên nhỏ với vọng lâu và ngôi nhà đối diện nơi nó đã sống khi mới chào đời, mẹ không thích nó lai vãng ở khu vực này hay đến nhà Duke chơi. Nhưng chết một nỗi, bà chẳng kè kè mãi ở bên cạnh nó được, và miễn là bài tập về nhà được hoàn thành, đã xong, cắt cỏ và tập piano một tiếng đồng hồ, cũng xong nốt, thế là thằng bé được tự do.

Những gì mẹ không thấy sẽ không làm bà đau lòng. Những gì bà không biết.

"Lão ta chắc sôi tiết lắm nhỉ," Duke nói. "Lão lái tàu ấy."

"Ờ," Paul nói. "Tức lộn mề ấy chứ."

Thằng bé thích chửi thề, và ký ức về làn gió nóng phả lên mặt nó, cơn gió làm dịu bớt, dù chỉ trong giây lát, cơn thịnh nộ âm thầm trong lòng nó. Nó đã chạy dọc bờ biển buổi sáng hôm ấy ở Aruba với trái tim thảnh thơi, cảm giác khoan khoái khi lớp cát ẩm trải dài sát mép nước dịu dàng áp lên gan bàn chân nó, khiến bắp chân thêm săn chắc. Khoan khoái, còn vì chuyến đi câu cùng với bố đã thất bại. Bố nó thích câu cá, thích ngồi hàng tiếng động hồ im lặng trên thuyền hoặc trên bến, quăng dây câu đi rồi lại quăng lại và – chốc chốc – lại điểm một pha kéo cá gay cấn. Paul cũng đã từng yêu thích trò chơi đó, khi còn bé, không hẳn là vì những nghi thức của việc câu cá mà vì cơ hội được ở bên bố. Nhưng khi nó lớn hơn, những chuyến đi câu dần biến thành cái gì đó như là nghĩa vụ, giống như một số việc khác bố nó đã vẽ ra vì ông không nghĩ được thứ gì khác để làm. Hay có lẽ vì việc đó sẽ khiến hai bố con gắn bó hơn; Paul nghĩ chắc bố đã đọc được điều đó trong một cuốn cẩm nang dành cho các bậc cha mẹ. Nó ngộ ra được thực tế của cuộc sống từ một chuyến đi nghỉ, ngồi chết gí trên thuyền giữa một cái hồ ở Minnesota trong khi bố nó, da đỏ au lên vì cháy nắng, thao thao về quá trình sao chụp ảnh. Dạo gần đây, tương lai của Paul là chủ đề ưa thích của bố, những ý tưởng của ông trong mắt nó cũng chả thú vị hơn cái mặt nước phẳng lặng lấp lánh đang trải dài trước mặt là mấy.

Thế nên thằng bé sung sướng được chạy dọc bờ biển, nó thấy trong lòng thư thái, và ban đầu cũng chẳng nghĩ ngợi gì khi thấy đống quần áo vương vãi trước một trong những ngôi nhà gỗ nhỏ nằm cách xa nhau, nén mình dưới rặng phi lao. Nó thản nhiên chạy vụt qua, hoàn toàn chú tâm vào những sải chân nhịp nhàng, toàn bộ cơ bắp ngân lên trong một khúc nhạc giúp nó giữ vững nhịp chạy cho đến tận mỏm đá. Sau đó nó dừng lại, đi lòng vòng một chút rồi chạy về, khoan thai hơn. Đống quần áo bị xô lệch đôi chút: ống tay áo sơ mi đang bay phần phật trong gió biển, và những con chim hồng hạc, nhuốm một màu hồng rực rỡ, nhảy nhót trên nền ngọc lam tối sẫm. Thằng bé chạy chậm lại. Đây có thể là áo của bất kỳ ai. Nhưng có lần mẹ nó đã thích một chiếc như thế. Hai mẹ con đã cười bò khi nhìn thấy chiếc áo trong một cửa tiệm bán đồ lưu niệm cho khách du lịch dưới thị trấn; mẹ cần lên, vẻ thích thú, và mua áo như một trò đùa.

Như vậy, có thể có tới hàng trăm, hàng ngàn cái áo giống hệt như thế ở quanh đây. Tuy vậy, thằng bé vẫn cúi xuống nhặt lên. Bộ đồ bơi của mẹ nó, những mảnh bé tí màu da và không thể nhầm lẫn được, rơi ra từ ống tay áo sơ mi. Paul đứng lặng người, không cử động nổi, như thể nó vừa bị bắt quả tang đang ăn trộm, như là có một chiếc máy ảnh đã chụp lại và đóng đinh nó một chỗ. Nó thả rơi chiếc áo sơ mi, nhưng vẫn chẳng thể nhúc nhích một li. Cuối cùng, nó bắt đầu bước đi, và chạy về căn nhà gỗ cả nhà đang ở như để tìm kiếm một nơi ẩn náu. Thằng bé đứng trên ngưỡng cửa, cố lấy lại bình tĩnh. Bố vừa chuyển bát cam lên quầy. Ông đang sắp xếp lại mấy tấm ảnh trên chiếc bàn gỗ lớn. Sao thế con? Ông ngẩng đầu hỏi nhưng Paul không nói nên lời. Nó đi về phòng và đóng sầm cửa lại, không thèm ngước lên, thậm chí cả khi bố tới gõ cửa.

Hai tiếng sau mẹ về, miệng ngâm nga, chiếc áo sơ mi in hình những con hồng hạc được gài ngay ngắn trong quần soóc màu nâu nhạt. "Mẹ nghĩ là mẹ sẽ đi bơi một chút trước khi ăn trưa," bà nói, như thể mọi chuyện vẫn bình thường. "Con đi không?" Thằng bé lắc đầu và thế đấy, điều bí mật, bí mật của nó, bí mật của mẹ và giờ là của nó, đứng chắn giữa họ như một bức màn.

Bố cũng có những bí mật, một cuộc sống diễn ra tại nơi làm việc hoặc trong buồng tối, và Paul đã cho rằng chuyện đó là hoàn toàn bình thường, gia đình nào cũng thế cả, cho đến khi thằng bé bắt đầu lê la với Duke, một tay chơi piano cừ khôi nó gặp trong phòng tập nhạc vào một buổi chiều. Gia đình Madison không được dư dả lắm, mỗi bận tàu chạy tới gần cả ngôi nhà rung lên bần bật còn cửa sổ thì lạch cạch trên khung lúc tàu đi qua, và bà mẹ thằng Duke thì từ thuở bé tới giờ chưa được đặt chân lên máy bay. Paul biết nó nên thông cảm với bà, cả bố mẹ nó cũng sẽ vậy thôi; bà có năm đứa con và một ông chồng làm việc trong nhà máy General Electric, lương bổng bèo bọt lắm. Nhưng bố Duke lại thích chơi bóng với lũ con trai ông, tối tối ông về nhà vào đúng sáu giờ sau khi tan ca, và mặc dù ông cũng không nói nhiều hơn bố Paul là mấy, ông vẫn luôn có mặt ở nhà, còn nếu không, họ vẫn luôn biết phải tìm ông ở đâu.

"Thế mày thích làm gì?" Duke hỏi nó.

"Chịu," Paul nói. "Mày?" Đường ray kim loại vẫn đang kêu rù rù. Paul tự hỏi không biết đoàn tàu sẽ dừng lại ở đâu. Tự hỏi có ai nhìn thấy nó đứng trên mép đường ray, gần đến độ có thể giơ tay ra là chạm vào một toa tàu đang chuyển động, gió luồn vào tóc nó, khiến mắt nó cay sè không. Và nếu có thấy, họ sẽ nghĩ gì nhỉ? Những hình ảnh vụt qua ô cửa sổ trên tàu giống như một chuỗi ảnh tĩnh: cái nọ nối tiếp cái kia; một cái cây, phải rồi; một tảng đá, phải rồi; một đám mây; phải rồi; chẳng cái nào giống cái nào cả. Và một thằng bé, chính nó, đầu ngật ra phía sau, cười lớn. Rồi lại biến mất. Một bụi cây, những đường dây điện, con đường loang loáng.

"Ê làm vài hiệp bóng rổ đê."

"Thôi."

Hai đứa thả bộ dọc đường ray. Khi đã đi qua vườn Rosemont và bị vây quanh bởi những bụi cỏ cao, Duke dừng lại, sục sạo trong túi chiếc áo khoác da. Đôi mắt nó màu xanh lục, điểm chút xanh dương. Giống như thế giới này, Paul thầm nghĩ. Đôi mắt Duke là thế đấy. Giống như khi ta đứng từ mặt trăng nhìn xuống trái đất vậy.

"Nhìn đây," nó nói. "Tuần trước ông anh họ Danny cho tao cái này."

Đấy là một cái túi nhựa bé tí chứa đầy những mẩu vụn khô màu xanh lục.

"Gì đấy," Paul hỏi, "cỏ khô à?" Vừa nói khỏi mồm thì Paul đã hiểu ngay, nó đỏ bừng mặt xấu hổ, sao nó lại gà thế chứ lại.

Duke cười, tiếng cười vang vọng trong không gian tĩnh lặng, trong tiếng xào xạc của cỏ dại.

"Phải, khỉ ạ, cỏ đấy. Mày đã phê thuốc bao giờ chưa?"

Paul lắc đầu, tự nhiên choáng váng.

"Không nghiện đâu mà mày lo. Tao thử hai lần rồi. Phê như con tê tê. Thật đấy."

Bầu trời vẫn xám xịt, gió luồn qua những tán lá, phía xa xa một hồi còi tàu nữa vang lên.

"Tao sợ đếch gì," Paul nói.

"Ờ. Có quái gì mà sợ," Duke nói. "Mày muốn thử không?"

"Thử chứ." Nó nhìn quanh. "Nhưng ở đây thì không được."

Duke cười. "Thế mày nghĩ ngoài này thì có ai bắt được bọn mình nào?"

"Nghe kìa," Paul nói. Hai đứa dỏng tai lên, ngay sau đó đoàn tàu hiện ra, tiến lại từ hướng đối diện, một chấm nhỏ mỗi lúc một lớn dần, tiếng còi rít lên xé toạc không gian. Hai thằng nhảy khỏi đường ray và đứng đối mặt với nhau từ hai phía của thanh ray kim loại.

"Về nhà tao đi," Paul hét lên, khi đoàn tàu chạy lại gần. "Không có ai ở nhà đâu." Nó hình dung ra cảnh hai đứa nằm hút hít trên chiếc sofa vải hoa mẹ nó mới mua và cười lớn. Rồi đoàn tàu lao vụt qua hai thằng; có tiếng xình xịch rồi im lặng, xình xịch rồi im lặng, của những toa tàu nối nhau chạy qua. Nó thoáng nhìn thấy Duke trong tích tắc, giống như những tấm ảnh được treo trong buồng tối của bố, tất cả khoảng khắc trong cuộc đời ông chẳng khác gì những hình ảnh vụt qua khi nhìn từ trên tàu. Bị giữ lại và chớp lấy. Ào ạt và tĩnh lặng. Như thế này.

Hai đứa về nhà Duke rồi nhảy lên xe đạp, đi qua đường Nicholasville rồi luồn lách qua khu lân cận để đến nhà Paul.

Cửa đã khóa, chìa được giấu dưới phiến đá ốp sơ sài ngay cạnh bụi đỗ quyên. Không khí trong nhà ấm áp, hơi xông lên mùi ẩm mốc. Trong khi Duke gọi về nhà để báo về muộn, Paul mở cửa sổ, một làn gió nhẹ ùa vào khẽ lay động những tấm rèm do chính tay mẹ nó may. Dạo trước khi đi làm, cứ hàng năm mẹ lại bài trí lại cả ngôi nhà. Nó còn nhớ cảnh mẹ khom lưng bên máy khâu, miệng nguyền rủa khi lớp vải lọc đang may dở bị rách và đùn lại một đống. Mấy tấm rèm này màu kem, bên trên in hình khung cảnh nông thôn có màu xanh sẫm hợp tông với giấy dán tường kẻ sọc đậm. Paul nhớ nó đã ngồi bên bàn nhìn đăm đăm, như thể những hình ảnh người sẽ bất thần cử động, bước ra khỏi ngôi nhà, chỉnh lại xống áo rồi vẫy chào tạm biệt.

Duke gác máy và nhìn quanh. Rồi nó huýt sáo. "Ái chà," nó nói. "Mày giàu thật đấy." Nó ngồi xuống bàn ăn và trải một mẩu giấy mỏng hình chữ nhật ra. Paul nhìn theo, như bị thôi miên, trong khi Duke rắc một dải cỏ xơ xác lên, rồi quấn lại thành một điếu trằng mỏng dính.

"Đừng hút ở đây," Paul nói, đến phút cuối cùng nó bỗng thấy bất an. Hai thằng ra ngoài và ngồi trên những bậc thang cửa hậu, đốm lửa màu cam lóe sáng trên đầu điếu thuốc, đưa đi đưa lại giữa chúng. Ban đầu Paul chẳng cảm thấy gì khác lạ. Trời bắt đầu lắc rắc mưa, rồi tanh, và sau một lúc – chẳng rõ là bao lâu nữa – nó nhận ra mình đang nhìn chằm chằm vào giọt nước rơi trên vỉa hè, ngắm nghía giọt nước chầm chậm lan ra, hòa vào một giọt khác rồi tuột khỏi bờ hè rơi xuống đám cỏ. Duke đang cười sằng sặc.

"Ối giời ôi, mày nhìn lại mày xem," nó nói. "Mày đã bao giờ say thuốc chưa thế hử!"

"Mặc xác tao, thằng chó," Paul nói, rồi nó cũng bắt đầu cười phá lên.

Đến một lúc nào đó hai thằng đi vào nhà, nhưng không phải trước khi trời đổ mưa trở lại, cả hai ướt như chuột lột và rét run người. Mẹ đã để sẵn một nội thịt hầm trên bếp nhưng Paul bỏ qua. Thay vào đó, nó mở một lọ dưa muối và một lọ bơ đậu phộng, tiếp đến Duke gọi một chiếc pizza. Paul lấy cây đàn ghi ta rồi hai đứa vào phòng khách, ở đó có kê chiếc đàn piano, để chơi vài bản. Paul ngồi nơi mép gờ trên phần nhô lên phía trước lò sưởi rồi bấn vài phím, sau đó ngón tay nó lại lướt theo giai điệu quen thuộc của những bản nhạc Segovia viết mà tối qua nó vừa chơi: "Estudio" và "Estudio Sin Luz". Tựa đề của chúng khiến thằng bé nghĩ đến bố, cao và lặng lẽ, khom người trên chiếc máy phóng ảnh trong buồng tối, cái này tương phản với cái kia, và giờ từng nốt nhạc đã được đan cài vào cuộc sống của chính nó, vào cái không khí tĩnh lặng bao trùm ngôi nhà và kỳ nghỉ ở biển, cùng những lớp học với ô cửa sổ cao vút ở trường. Paul chơi nhạc, cảm giác như mình được nâng lên, sóng tràn tới và nó cưỡi sóng, nó đang tạo ra âm nhạc và rồi nó chính là âm nhạc, âm nhạc đưa nó lên cao mãi, cao mãi, đến tận đỉnh ngọn sóng.

Khi nó chơi xong, xung quanh im ắng trong chốc lát rồi Duke gật gù, Mẹ kiếp, hay thật đấy! Duke dạo một lượt trên chiếc đàn piano và bắt đầu chơi lại bản nhạc đã trình bày trong đêm diễn tấu, bản March of the Trolls của Grieg, với tất cả sinh lực và niềm hạnh phúc ám muội của tác phẩm này. Duke chơi xong lại đến lượt Paul, cả hai không hề nghe thấy tiếng chuông cũng như tiếng gõ cửa; đột nhiên anh chàng giao bánh pizza đã đứng lù lù trên ngưỡng cửa rộng mở. Khi ấy trời đã nhá nhem tối, một cơn gió u ám tràn vào nhà. Hai đứa xé hộp giấy ra và ngốn ngấu, không kịp nếm thấy vị gì, mặc kệ lưỡi bỏng rát. Paul cảm thấy thức ăn trôi dần xuống bụng, kéo trì nó xuống như một tảng đá. Nó ngước nhìn qua những cánh cửa kiểu Pháp ra bầu trời xám xịt ảm đạm bên ngoài, rồi nhìn mặt Duke, xanh xao đến nỗi mụn nhọt nhìn cứ nổi bần bật lên, món tóc sẫm rủ xuống trán, một vệt nước xốt đỏ lem nhem trên môi.

"Mẹ kiếp," Paul nói. Nó áp bàn tay lên mặt sàn ốp gỗ sồi, mừng rỡ vì thấy sàn nhà vẫn ở chỗ cũ và nó đang nằm trên đó, căn phòng xung quanh vẫn hoàn toàn nguyên vẹn.

"Chẳng phải đùa," Duke tán đồng. "Vài ba chuyện. Mấy giờ rồi nhỉ?"

Paul đứng dậy và đi về phía chiếc đồng hồ quả lắc trong phòng nghỉ. Vài phút hoặc vài giờ trước đó, hai thằng còn đứng trước chính cái đồng hồ này, cười ngặt nghẽo khi mỗi giây trôi đi, một khoảng thời gian vụt qua giữa hai giây đồng hồ. Giờ đây tất cả những gì Paul có thể nghĩ đến là bố, người luôn dừng lại để chỉnh đồng hồ đeo tay của ông theo chiếc đồng hồ này mỗi sáng, ngước lên nhìn qua chiếc bàn phủ đầy những ảnh, và trong lòng nó tràn ngập một nỗi buồn đau. Nó quay lại nhìn buổi chiều tà, thấy chiều đã tàn, tụ lại thành một vệt ký ức không lớn hơn giọt mưa, và bầu trời gần như tối đen.

Chuông điện thoại reo. Duke vẫn đang nằm thẳng cẳng trên tấm thảm ngoài phòng khác, và dường như phải mấy hàng tiếng đồng hồ Paul mới nhấc điện thoại lên nổi. Là mẹ.

"Con yêu à," bà nói, giữa tiếng ồn ào và đồ bạc lanh canh. Nó hình dung ra mẹ mặc bộ vest công sở, có lẽ là bộ màu xanh sẫm, tay lùa qua mái tóc ngắn, lấp loáng bóng mấy chiếc nhẫn. "Mẹ phải đưa khách hàng đi ăn tối. Khách hàng ở IBM đấy, quan trọng lắm. Bố đã về chưa? Con ổn không?"

"Con làm xong vài tập về nhà rồi," nó đáp, ngắm nghía chiếc đồng hồ quả lắc, vừa mới đây thôi trông còn buồn cười tệ. "Con đã tập đàn rồi. Bố chưa về."

Một khoảng im lặng. "Bố hứa là sẽ về cơ mà nhỉ," mẹ nói.

"Con ổn mà," nó nói, nhớ lại đêm qua, nó đã ngồi trên bậu cửa sổ và định nhảy xuống như thế nào, rồi nó rơi trong không trung; và tiếp đất với một tiếng bịch nhẹ, chẳng ai nghe thấy. "Tối nay con không đi đâu cả đâu," nó nói.

"Mẹ không biết nữa, Paul. Mẹ lo cho con lắm."

Thế thì về nhà đi, nó muốn nói thế, nhưng phía bên kia đầu dây những tiếng cười rộ lên rồi lắng xuống, vỡ tan như sóng. "Con ổn mà," nó nhắc lại.

"Con chắc chứ?"

"Chắc ạ."

"Ừm, mẹ không biết nữa." Bà thở dài, che ống nghe, nói với ai đó, rồi trở lại. "Ừm, dù sao con cũng đã làm bài xong rồi, tốt lắm. Nghe này, Paul, mẹ sẽ gọi cho bố, và dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, thì mẹ cũng sẽ có mặt ở nhà sau hai tiếng nữa. Mẹ hứa đấy. Thế có được không? Con có chắc là con ổn không? Vì mẹ sẽ gác lại tất cả mọi việc nếu như con cần mẹ."

"Con không sao," thằng bé đáp. "Mẹ không cần phải gọi bố đâu."

Giọng của mẹ, khi bà trả lời, lạnh lẽo và cụt lủn. "Bố đã nói với mẹ là sẽ về nhà," bà nói. "Bố đã hứa rồi cơ đấy."

"Mấy người?" nó hỏi, "ở IBM ấy. Họ có thích chim hồng hạc không?"

Một khoảng im lặng, rồi tiếng cười rộ lên và ly tách chạm nhau lanh canh.

"Paul," cuối cùng bà nói. "Con ổn thật chứ?"

"Con ổn mà," nó nói. "Đùa chút thôi. Mẹ đừng bận tâm."

Khi mẹ đã gác máy, Paul đứng một mình trong giây lát, lắng nghe tiếng tút tút trong điện thoại. Căn nhà vây lấy nó, câm lặng. Không giống như sự im lặng trong thính phòng, tràn ngập những háo hức và đợi chờ, ở đây chỉ còn lại sự trống rỗng. Nó với lấy cây ghi ta, nghĩ đến em gái mình. Nếu em không chết, liệu em có giống nó không? Liệu em có thích chạy không? Em có hát không?

Trong phòng khách, Duke vẫn nằm chềnh ềnh ra đấy, một tay che ngang mặt. Paul nhặt chiếc hộp đựng pizza rỗng không lên cùng mấy tấm giấy sáp mỏng dính rồi quẳng hết vào sọt rác. Không khí tươi mát, mọi vật trông đều mới mẻ. Nó thấy khát cháy cổ, như vừa chạy liền mười dặm vậy, thế là nó cầm một bình sữa hai lít quay lại phòng khách, tu thẳng từ bình rồi chuyền cho Duke. Nó ngồi xuống và lại chơi nhạc, lần này khẽ hơn. Những nốt nhạc từ cây ghi ta tuôn chảy trong không gian, chậm rãi, duyên dáng, như những sinh vật có cánh.

"Mày còn cỏ không?" nó hỏi.

"Còn. Nhưng phải xì tiền đấy."

Paul gật đầu, tiếp tục chơi, trong khi Duke đứng dậy và đi gọi điện.

Paul đã có lần vẽ em gái nó, hồi nó còn nhỏ, có lẽ là đang học mẫu giáo. Mẹ đã kể cho nó nghe về em, nên nó đã vẽ em trong một bức tranh tên là "Gia đình tôi": bố, được phác họa bằng màu nâu, mẹ có mái tóc vàng sậm, và thằng bé đang nắm tay một đứa trẻ giống nó như lột. Vẽ xong ở trường, nó lấy một dải ruy băng buộc lại, rồi mang món quà về tặng bố mẹ vào bữa sáng hôm sau, cảm thấy trong lòng tràn ngập một thứ cảm xúc u ám khi nhìn thấy nét mặt bố, những cảm xúc mà, khi mới lên năm, Paul không thể lý giải hay diễn tả, chỉ biết rằng có gì đó giống với nỗi buồn đau. Cả mẹ nữa, khi mẹ nhận lấy bức tranh từ tay bố, mặt bà đượm vẻ u buồn, nhưng mẹ đã phủ lên đó một lớp mặt nạ, lớp mặt nạ tươi tắn mà giờ đây bà vẫn đeo khi gặp khách hàng. Nó còn nhớ tay mẹ vương vấn trên má nó ra sao. Thỉnh thoảng mẹ vẫn làm thế, mắt nhìn nó đăm đăm như thể thằng bé có thể biến mất vậy. Ôi, đẹp quá con ạ, hôm ấy mẹ đã nói. Tranh đẹp lắm, Paul ạ.

Sau này, khi Paul lớn hơn, có lẽ chín hay mười tuổi, mẹ đã đưa nó đến một nghĩa trang vắng vẻ ở nông thôn nơi em gái nó được chôn cất. Đó là một ngày mùa xuân mát mẻ, và mẹ đã gieo những hạt cây bìm bìm hoa tía dọc hàng rào gang. Paul đứng đó, đọc cái tên – PHOEBE GRACE HENRY – và ngày sinh tháng đẻ của chính nó, thấy một cảm giác bất an, trĩu nặng, mà nó không thể lý giải nổi. Sao em lại chết hả mẹ? nó hỏi, khi mẹ quay lại chỗ nó, rút đôi găng tay làm vườn ra. Không ai biết cả, mẹ đáp, rồi sau đó, nhìn thấy vẻ mặt nó, mẹ vòng tay quanh người nó. Không phải lỗi của con đâu, bà nói giọng chắc nịch. Chẳng liên quan gì đến con cả.

Nhưng lúc đấy nó không thự sự tin lời mẹ, đến bây giờ cũng không. Nếu bố giam mình trong buồng tối hàng đêm còn mẹ làm việc đến bỏ cả bữa trong hầu hết các ngày, rồi đến kỳ nghỉ của gia đình, bà vứt bỏ quần áo và chui vào căn nhà gỗ của những người đàn ông lạ, thì là do lỗi của ai đây? Không phải của em nó, em nó đã chết từ lúc mới ra đời và rời xa cái không khí câm lặng này rồi. Tất cả tạo thành một cục u trong bụng nó, mỗi sáng dậy còn bé như một đồng xu rồi lớn dần lên trong ngày, khiến bụng nó nhức nhối. Rốt cuộc, nó vẫn còn sống. Nó vẫn đang ở đây. Chắc chắn bổn phận của nó là phải bảo vệ tất cả bọn họ.

Duke hiện ra trên ngưỡng cửa, và Paul ngừng chơi.

"Bọn nó sắp đến rồi, thằng Joe ấy," thằng kia bảo. "Mày có tiền mặt chứ hả."

"Có," Paul đáp. "Đi theo tao."

Hai thằng ra ngoài theo lối cửa hậu, bước xuống những bậc thềm bê tông ẩm ướt rồi leo lên cầu thang bên dẫn tới một căn phòng lớn mở cửa phía trên ga ra. Căn phòng này có những ô cửa sổ cao ở khắp bốn mặt tường, vào ban ngày hướng nào của phòng cũng tràn ngập ánh sáng. Một căn buồng tối, không có cửa sổ, được xây phía trong giống như một nhà kho ở ngay cạnh lối ra vào. Vài năm trước, khi những tác phẩm của bố bắt đầu thu hút sự chú ý, ông đã xây căn phòng này. Giờ ông dành phần lớn thời gian rảnh rỗi ở đây, tráng phim, làm thí nghiệm với ánh sáng. Hầu như không có ai khác lai vãng lên đây – riêng mẹ nó thì không bao giờ. Đôi khi bố cũng mời Paul lên, thực ra thằng bé mong những dịp như thế đến cháy cả ruột ra, và nó xấu hổ vì nỗi khao khát ấy của mình.

"Ê, mấy cái này đẹp nhỉ," Duke nói, đi xung quanh bức tường phía ngoài, ngắm nghía những bức ảnh lồng trong khung.

"Lẽ ra bọn mình không được vào trong đâu," Paul nói. "Còn không được lai vãng ngoài này nữa ấy chứ."

"Ê, tao từng nhìn thấy cái ảnh này rồi đấy," Duke nói, đoạn dừng lại trước một tấm ảnh chụp đám tro tàn vẫn còn đang cháy âm ỉ của tòa nhà ROTC, những cánh hoa sơn thù du trắng nhợt nổi bật trên nền tường cháy đen. Đó là bức ảnh đột phá của bố. Nhiều năm trước nó đã được các đài truyền hình chọn và phát đi khắp nước. Nó đã khởi đầu tất cả, bố vẫn thích nói vậy. Nó làm bố nổi tiếng.

"Ừ," Paul nói. "Bố tao chụp đấy. Đừng động vào thứ gì cả, được không?"

Duke cười. "Bình tĩnh đi mày. Mọi thứ vẫn y nguyên mà."

Paul vào phòng tối, trong này ấm áp và yên tĩnh hơn. Những tấm ảnh được treo lên, đang khô dần. Nó mở tủ lạnh nhỏ nơi bố cất phim và lấy ra một chiếc phong bì sợi chuối mát lạnh nằm tít trong cùng. Bên trong là một chiếc phong bì khác, chứa đầy những tờ hai mươi đô. Nó rút một tờ ra, thêm một tờ nữa, rồi cất số tiền còn lại vào chỗ cũ.

Nó đã từng vào đây với bố, những lần khác là do nó tự lẻn vào. Nhờ thế mà thằng bé tìm thấy tiền, một buổi chiều nọ nó chơi ghi ta trên này, tức giận vì bố đã hứa dạy nó cách sử dụng máy phóng ảnh rồi đến phút cuối lại hủy ngang. Tức giận, thất vọng và cuối cùng là đói cồn ruột. Nó lục lọi trong tủ lạnh thì tìm thấy chiếc phong bì đựng đầy những tờ tiền lạnh cứng, mới tinh, chẳng hiểu từ đâu ra. Đầu tiên nó chỉ lấy một tờ hai mươi đô thôi, lần sau thì nhiều hơn. Hình như bố cũng chả bao giờ để ý. Nên thỉnh thoảng nó lại mò lên đây và lấy thêm vài tờ.

Chuyện này khiến Paul cảm thấy bất an, số tiền, hành vi trộm cắp và việc nó không bị phát hiện. Đó cũng là cảm giác bao trùm lấy nó khi nó đứng đây cùng bố trong bóng tối, những hình ảnh dần hiện lên trước mắt hai bố con. Trong một tấm phim âm bản không chỉ chứa một hình ảnh, bố nói; mà có cả một chuỗi ảnh. Một khoảnh khắc không chỉ là khoảnh khắc đơn lẻ mà là vô số những khoảnh khắc khác nhau, phụ thuộc vào người nhìn và cách nhìn. Paul lắng nghe bố nói, cảm thấy như có một cái hố đang há miệng ra bên trong nó. Nếu tất cả những điều này là sự thật, thì bố là người nó sẽ không bao giờ thực sự hiểu được, và nó thấy sợ. Dẫu vậy, nó vẫn thích được ở đây, giữa ánh sáng dìu dịu và mùi hóa chất. Nó thích chuỗi quy trình chính xác từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc, tấm giấy phơi sáng được thả vào dung dịch tráng ảnh và những hình ảnh nổi dần lên từ chỗ trước đó chỉ là một tờ giấy trơn, đồng hồ căn giờ bấm thời gian trôi, tiếp đó tờ giấy được cho vào khay thuốc hãm. Những hình ảnh khô dần, thành hình thành khối, láng bóng và huyền ảo.

Nó dừng lại để xem ảnh. Những đường xoáy lạ mắt, giống như những bông hoa bị hóa đá. Hóa ra là san hô, nó chợt nhận ra, hồi đi Aruba, đây là loại san hô não, phần thịt đã bị teo rút hết, chỉ còn lại mỗi bộ khung xương phức tạp. Mấy tấm ảnh khác cũng tương tự, những cái lỗ tổ ong há miệng trắng xóa, trông giống như cảnh những miệng núi lửa chằng chịt được truyền từ bề mặt mặt trăng. San hô não/xương, mấy chữ này ghi trên mẩu giấy ghi chú của bố nó, đặt ngay ngắn trên bàn kế bên máy phóng ảnh.

Vào cái ngày ở căn nhà gỗ, ngay trước khi cảm thấy sự hiện diện của Paul và nhìn lên, khuôn mặt bố hoàn toàn cởi mở, tràn ngập những cảm xúc như mưa rơi – một tình yêu hòa với cảm giác mất mát xưa cũ. Paul nhìn thấy và khao khát nói gì đó, hay làm gì đó, gì cũng được, để mọi việc tốt hơn. Cũng ngay trong khoảnh khắc ấy, nó lại muốn bỏ đi thật xa, để quên hết những rắc rối của họ, để được tự do. Nó liếc sang chỗ khác, và khi nhìn lại thì khuôn mặt bố đã trở lại vẻ dửng dưng, xa cách. Có lẽ ông đang nghĩ đến một trục trặc kỹ thuật của phim, hay những chứng bệnh về xương, hoặc bữa trưa.

Một khoảnh khắc có thể ẩn chứa hàng ngàn ý nghĩa khác nhau.

"Ê", Duke nói, đoạn đẩy cánh cửa mở ra. "Mày có ra đây không thì bảo?"

Paul nhét những tờ tiền mát lạnh vào túi rồi quay lại căn phòng lớn phía ngoài. Hai thằng khác vừa đến, chúng lớn tuổi hơn, bữa trưa hay lê la trên bãi đất trống đối diện trường và phì phèo hút thuốc. Một trong hai thằng xách một lốc sáu lon bia và đưa cho nó một lon, và suýt nữa thì Paul đã nói Xuống đi bọn mày, ra ngoài nhậu, nhưng trời mưa càng lúc càng nặng hạt mà hai thằng này lại lớn tuổi hơn và to con hơn, nên nó đành ngồi xuống và nhập bọn với cả lũ. Nó đưa Duke tiền và sau đó đốm lửa được chuyền vòng quanh. Paul bỗng say sưa ngắm nhìn đầu ngón tay Duke, những đốt xương nối với nhau mới tinh tế làm sao, nhớ lại lúc chính những đầu ngón tay ấy lướt trên phím đàn với một sự chính xác phóng khoáng. Bố nó cũng kỹ tính lắm. Ông chỉnh xương cho mọi người, cả cơ thể họ nữa.

"Ngấm chưa mày?" Sau một lúc Duke cất tiếng hỏi.

Paul nghe tiếng thằng kia như vọng lại từ một nơi rất xa, như thể qua một lớp nước, qua tiếng còi tàu xa xăm. Lần này chẳng có tiếng cười như hóa rồ lẫn cơn choáng váng nữa, chỉ thấy bên trong nó như có một cái giếng sâu thăm thẳm, còn nó thì đang rơi xuống giếng. Cái giếng bên trong ấy trở thành một phần của bóng đêm ngoài kia, nó không nhìn thấy Duke đâu cả, và thấy hoảng thật sự.

"Nó bị làm sao thế?" có thằng hỏi và Duke trả lời, Chắc nó đang bị ảo giác đấy, rồi từng chữ nói ra cứ như to lên mãi, choán cả căn phòng và ép chặt nó vào tường.

Những tràng cười dài tràn ngập căn phòng, khuôn mặt của mấy đứa còn lại méo mó vì đang đùa giỡn. Paul không thể cười nổi; nó ngồi đơ một chỗ. Họng nó khô cháy và nó thấy tay mình phình quá to so với người, nó nhìn ra cửa chằm chằm như thể bố nó sẽ ập vào bất cứ lúc nào, cơn giận dữ của ông sẽ khiến bọn nó vỡ tan như những con sóng. Rồi tiếng cười dứt hẳn và mấy thằng còn lại đứng dậy. Chúng lục lọi trong các ngăn kéo để tìm xem có thứ gì ăn được không, nhưng chỉ thấy những cặp tài liệu sắp xếp cẩn thận của bố nó. Đừng, nó cố kêu lên khi thằng lớn tuổi nhất, thằng có râu, bắt đầu lôi các cặp tài liệu và mở ra. Đừng: đó là tiếng thét trong đầu nó, nhưng chẳng có lời nào thoát ra khỏi miệng cả. Những thằng khác giờ cũng đã đứng cả dậy, lôi hết chiếc cặp này đến chiếc cặp khác ra, rải ảnh và phim âm bản khắp sàn nhà, những thứ trước đó đã được sắp xếp rất cẩn thận.

"Ê," Duke nói, quay sang chỉ cho nó xem một tấm ảnh 8x10. "Mày đây hả, Paul?"

Paul ngồi ngay đơ, hai tay ôm lấy đầu gối, hơi thở dồn dập trong phổi. Nó không động đậy, nó không thể. Duke thả tấm ảnh xuống sàn rồi nhập hội với những thằng khác, hai thằng này giờ đã phê hơn một chút, chúng rải hết những tấm ảnh và phim âm bản khắp mặt sàn sơn bóng loáng.

Nó ngồi im phăng phắc. Trong một lúc lâu, cơn sợ hãi khiến nó không cựa quậy nổi nhưng rồi nó đã cử động, nó đang ở trong buồng tối, thu lu trong một xó ấm áp, tựa lưng lên chiếc tủ hồ sơ bố nó khóa kỹ, dỏng tai nghe ngóng những gì đang xảy ra ngoài kia: những tiếng nói cười quay cuồng, và tiếng chai lọ vỡ. Cuối cùng, không gian trở lại im ắng. Cánh cửa mở ra và Duke hỏi, Ê, mày, mày ở trong này à, mày ổn chứ? Paul không trả lời, có tiếng người trao đổi vội vã bên ngoài rồi cả bọn bỏ đi, lạch cạch bước xuống cầu thang. Paul ì ạch đứng dậy và đi trong bóng tối, bước vào không gian phòng trưng bày la liệt những đống ảnh rách nát. Nó đứng bên cửa sổ, nhìn Duke ngồi lên xe đạp lẳng lặng lao xuống cổng, chân phải đu đưa trên gióng xe rồi biến mất trên con phố.

Paul mệt nhoài, kiệt sức. Nó quay lại xem xét căn phòng: ảnh vương vãi khắp nơi, phất phơ trong gió trên cửa sổ, những cuộn phim âm bản buông dài như suối chảy từ trên mặt quầy hoặc mắc trên đèn. Một cái lọ đã bị vỡ. Những mảnh thủy tinh xanh vương vãi khắp sàn nhà, và mặt quầy lênh láng bia. Có nhiều chữ viết trên tường, những hình vẽ, hình graffiti thô thiển. Nó tựa lưng vào cửa rồi trượt xuống cho đến khi ngồi hẳn trên sàn nhà giữa đống ngổn ngang. Nó sẽ phải đứng dậy ngay thôi, nó phải dọn dẹp đống bừa bộn này, phân loại các tấm ảnh, để lại đúng chỗ cũ.

Nó nhấc tay lên, nhìn tấm ảnh bên dưới tay, rồi cầm lên. Đó không phải là một nơi nó biết: một căn nhà xiêu vẹo xây trên sườn đồi. Đứng trước nhà là bốn người: một người phụ nữ mặc váy dài đến bắp chân, đeo tạp dề, hai tay đan lại phía trước. Gió thổi một lọn tóc lơ thơ bay ngang mặt bà. Một người đàn ông, trông hốc hác, người còng xuống như dấu phẩy, đứng bên cạnh bà, tay ôm mũ trước ngực. Người phụ nữ hơi quay về phía người đàn ông, họ đang cố nín cười, dường như một trong hai người vừa mới pha trò gì đó, và chỉ một giây nữa thôi, họ sẽ cười phá lên. Bàn tay bà mẹ đặt lên mái đầu tóc vàng của một cô bé gái, và đứng giữa bọn họ là một cậu bé, chắc cũng tầm tuổi nó, đang nghiêm trang nhìn thẳng vào máy ảnh. Tấm ảnh này có vẻ gì đó thân thuộc đến kỳ lạ. Nó nhắm mắt lại, cảm thấy trong người kiệt quệ, nước mắt chực trào ra vì mệt mỏi.

* * *

Nó tỉnh dậy, thấy ánh bình minh rực rỡ rọi qua ô cửa sổ phía Đông và bóng của bố đổ dài xuống, ông cất tiếng nói từ chính giữa luồng sáng đó.

"Paul," ông nói. "Cái quái gì đây?"

Paul ngồi dậy, cố gắng định hình xem mình đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra. Những tấm ảnh và phim rách nát vung vãi khắp sàn nhà, lấm lem những vết chân đầy bùn đất. Những cuộn phim âm bản bung ra như suối. Mảnh thủy tinh vỡ vương khắp phòng, để lại những vết rạch sâu hoắm trên sàn nhà. Nỗi sợ hãi tràn ngập trong Paul; nó cảm thấy như mình sắp nôn thốc nôn tháo. Nó đưa tay che mắt để tránh ánh nắng chói chang buổi sáng.

"Chúa ơi, Paul!" bố nó vẫn đang nói. "Chuyện gì xảy ra ở đây thế?" Cuối cùng ông bước ra khỏi luồng sáng, khom người ngồi xổm xuống. Ông nhặt tấm ảnh chụp gia đình xa lạ kia lên từ mớ hỗn độn trên sàn nhà và ngắm nhìn nó một lát. Sau đó ông ngồi tựa lưng vào tường, tấm ảnh vẫn cầm trên tay, và nhìn quanh phòng.

"Chuyện gì đã xảy ra ở đây thế con?" ông hỏi lại, giọng nhẹ nhàng hơn.

"Có mấy đứa bạn đến chơi. Con nghĩ là mọi việc hơi vượt quá tầm kiểm soát."

"Ừ," bố nói. Ông áp tay lên trán. "Duke có ở đây không?"

Paul ngập ngừng, rồi gật đầu. Nó cố ngăn nước mắt, và mỗi lần nhìn vào đống giấy tờ rách nát, có gì đó siết chặt trong lồng ngực nó như một nắm đấm.

"Con có làm chuyện này không, Paul?" bố hỏi, giọng ông mềm mỏng một cách kỳ lạ.

Paul lắc đầu. "Không ạ. Nhưng con đã không ngăn tụi nó."

Bố gật đầu.

"Phải mất mấy tuần mới dọn xong đống này," cuối cùng ông nói. "Con sẽ làm việc đó. Con phải giúp bố khôi phục lại các tập tài liệu nữa. Cả một núi việc đấy. Sẽ tốn thời gian lắm. Con sẽ phải ngưng tập nhạc."

Paul gật đầu, nhưng khối căng thẳng chèn trong ngực nó cứ lớn dần lên, đến độ nó không thể ghìm lại lâu hơn nữa. "Bố chỉ muốn tìm lý do nào đó để không cho con chơi nhạc nữa thôi."

"Không phải thế. Chết tiệt, Paul, con biết là đấy không phải sự thật."

Bố lắc đầu và Paul sợ rằng ông sẽ đứng dậy bỏ đi, nhưng thay vào đó ông lại nhìn xuống tấm ảnh cầm trên tay. Đó là một tấm ảnh đen trắng, với đường viền trắng hình răng cưa bao quanh hình một gia đình đứng trước ngôi nhà nhỏ thấp lè tè.

"Con biết đây là ai không?" bố hỏi.

"Không ạ," Paul đáp, nhưng vừa nói dứt miệng nó đã nhận ra là mình biết. "Ô," nó kêu lên, rồi chỉ tay vào cậu bé đứng trên bậc thềm nhà. "Ô, đây là bố."

"Đúng rồi. Hồi đó bố vừa bằng tuổi con. Kia là ông nội con đứng ngay phía sau. Bên cạnh bố là em gái bố. Em gái bố, con biết chưa nhỉ? Tên cô ấy là June. Cô rất giỏi nhạc, giống như con ấy. Đây là tấm ảnh cuối cùng mà mọi người được chụp chung với nhau. Cô June bị bệnh tim, đến mùa thù năm sau đó thì cô mất. Việc June qua đời gần như đã giết chết bà nội con."

Giờ thì Paul nhìn tấm ảnh theo cách khác hẳn. Những con người này không còn xa lạ nữa, mà chính là ruột thịt của nó. Bà của Duke sống ở tầng trên nhà thằng nhãi, vẫn làm bánh táo và xem phim truyền hình vào mỗi buổi chiều. Paul ngắm nhìn người phụ nữ trong tấm ảnh đang cố nén cười – người phụ nữ mà nó chưa bao giờ biết đến lại chính là bà nội nó.

"Rồi bà ấy có chết không ạ?" nó hỏi.

"Bà con ấy hả? Có. Nhưng nhiều năm sau cơ. Ông con cũng thế. Cả hai ông bà đều không thọ. Ông bà sống vất vả lắm, Paul ạ. Họ chẳng có tiền bạc gì cả. Không phải chứ không giàu có thôi đâu. Ý bố là đôi khi cả nhà còn chẳng biết liệu có thứ gì để mà ăn không nữa. Điều đó làm ông con đau lòng lắm, ông con là một người làm việc rất chăm chỉ. Và nó làm cả bà con đau lòng nữa, vì họ không thể giúp gì nhiều cho cô June. Khi bố bằng tuổi con, bố đã kiếm được một công việc, nhờ thế bố có thể đi học trung học dưới thị trấn. Rồi cô June mất, bố đã tự hứa với mình. Bố sẽ đi và cứu giúp cuộc đời." Ông lắc đầu. "Ừm, tất nhiên bố đã không thực sự làm được như thế. Nhưng chúng ta ở đây, Paul ạ. Chúng ta có rất nhiều thứ. Chúng ta không bao giờ phải lo xem có đủ thức ăn để ăn không. Con có thể vào bất cứ trường đại học nào con muốn. Vậy mà tất cả những gì con có thể nghĩ đến là hút hít với lũ bạn và vứt bỏ mọi thứ."

Cơn bức bối trong bụng Paul giờ đã dâng lên đến tận họng, nó không biết phải nói sao. Cảnh vật xung quanh vẫn quá sáng chói và chưa thật sự đứng yên. Nó muốn nỗi phiền muộn trong giọng nói của bố biến mất, muốn xóa tan bầu không khí im lạnh đang choán lấy cả ngôi nhà họ. Hơn tất cả mọi thứ, nó đã mong sao giây phút này – bố ngồi bên cạnh nó và kể cho nó nghe mẩu câu chuyện về gia đình – đừng bao giờ kết thúc. Nó đã sợ rằng mình sẽ nói gì không phải và phá hỏng tất cả, giống như quá nhiều ánh sáng chiếu lên giấy sẽ làm hỏng bức ảnh. Một khi điều đó xảy ra bạn chẳng thể nào làm lại được nữa.

"Con xin lỗi," nó nói.

Bố gật đầu, nhìn xuống. Rất nhanh và khẽ khàng, tay ông lướt qua mái tóc Paul.

"Bố biết," ông nói.

"Con sẽ dọn dẹp mọi thứ."

"Ừ," ông nói. "Bố biết mà."

"Nhưng con yêu âm nhạc," Paul nói, nó biết rằng đó là điều không nên phát ngôn, một luồng ánh sáng đột ngột có thể khiến tấm giấy ảnh đen thui lại, nhưng nó không ngăn nổi bản thân mình. "Chơi nhạc là cuộc sống của con. Con sẽ không bao giờ từ bỏ đâu."

Bố ngồi im lặng một lúc lâu, đầu ông cúi xuống. Sau đó ông thở dài và đứng dậy.

"Bây giờ con đừng vội đóng lại bất kỳ cánh cửa nào," ông nói. "Bố chỉ yêu cầu có thế thôi."

Paul nhìn bố biến mất trong phòng tối. Rồi nó quỳ xuống và bắt đầu nhặt nhạnh những mảnh kính vỡ. Xa xa, tàu chạy hối hả, bầu trời bên ngoài những ô cửa sổ trải dài đến vô tận, trong vắt và xanh thăm thẳm. Paul ngừng lại một lát trong ánh nắng gắt buổi sớm, lắng nghe tiếng bố làm việc trong buồng tối, hình dung ra cảnh chính đôi bàn tay ấy đã cử động thật cẩn trọng bên trong cơ thể của một người nào đó, tìm kiếm để hàn gắn những vết thương.

Ngày đăng: 26/04/2013
Người đăng: Beoni
Đăng bài
Bạn thích truyện này?