Chương 8
Tháng Năm Năm 1970
ChÁU BỊ DỊ ỨNG ONG," NORAH NÓI VỚI CÔ GIÁO TRONG KHI vẫn quan sát Paul chạy trên lớp cỏ mới mọc phủ kín sân chơi. Thằng bé leo lên đỉnh cầu trượt rồi ngồi xuống một lúc, hai tay áo trắng ngắn ngủn bay phấp phới trong gió, và nó trượt xuống, vừa chạm đất đã nhảy lên, mặt mày hớn hở. Hoa đỗ quyên đang đến độ nở rộ, và không khí, ấm áp như làn da, rộn lên tiếng côn trùng, chim chóc. "Bố cháu cũng bị dị ứng như thế. Bệnh nặng lắm."
"Chị đừng lo," cô Throckmorton đáp. "Chúng tôi sẽ để ý cháu cẩn thận."
Cô Throckmorton vẫn còn trẻ măng, chỉ vừa ra trường, mái tóc sẫm màu xoăn tít tràn đầy sức sống. Cô mặc một chiếc váy dài và đi đôi xăng đan bệt chắc chắn, đôi mắt cô không phút nào rời đám trẻ đang chơi đùa trên sân. Ở cô toát lên sự điềm tĩnh, năng lực, sự chuyên chú và lòng nhân hậu. Tuy vậy, Norah vẫn không hoàn toàn tin rằng cô hiểu rõ việc mình đang làm.
"Có lần thằng bé nhặt được một con ong," nàng tiếp, "một con ong chết rồi; tức là, con ong đấy rơi ngay trên bậu cửa sổ. Chỉ vài giây sai, mình mẩy nó đã sưng vù lên như trái bóng rồi."
"Chị Henry, chị đừng lo," cô Throckmorton lại nói, giọng có vẻ thiếu kiên nhẫn. Đoạn cô xoay người bước đi, giọng nói trong trẻo của cô nghe thật điềm tĩnh, như tiếng chuông rung, cô phải ra giúp một bé gái bị cát bay vào mắt.
Norah đứng nán lại một chút dưới ánh nắng xuân, ngắm nhìn Paul. Thằng bé đang chơi đuổi bắt, hai má đỏ ửng lên, vừa chạy hai tay vừa buông thõng xuống hai bên sườn – hồi mới sinh, nó cũng ngủ trong tư thế ấy. Tóc thằng bé màu sẫm, còn lại thì đều giống Norah, ai cũng nói vậy, cả đường nét khuôn mặt lẫn nước da sáng. Nàng nhìn thấy chính mình trong hình ảnh thằng bé, điều đó đúng, cả những đặc điểm của David nữa, từ khuôn xương hàm của Paul đến hai vành tai, cung cách thằng bé hay đứng, vừa khoanh hai tay lại, vừa lắng nghe lời cô giáo nói. Nhưng về cơ bản Paul vẫn là chính mình. Nó yêu âm nhạc và suốt ngày ngâm nga những bài hát nó tự nghĩ ra. Mặc dù mới lên sáu, thằng bé đã giữ chân hát sô lô ở trường, nó bước lên phía trước với vẻ ngây thơ và tự tin khiến Norah phải sửng sốt, giọng hát ngọt ngào của nó vút lên giữa khán phòng trong trẻo và du dương tựa làn suối reo.
Giờ nó đang ngồi xổm cạnh một thằng bé khác, cu cậu này đang cầm que khều lá rơi trong vũng nước đen ngòm. Đầu gối bên phải của thằng bé bị trầy da, mảnh băng gạc bị xô lệch. Ánh nắng nhảy nhót trên mái tóc sẫm ngắn ngủn. Norah ngắm con, thằng bé đang cực kỳ chăm chú và hoàn toàn mê mải với công việc của mình, nàng bỗng choáng ngợp bởi sự tồn tại quá ư giản dị của thằng bé. Paul, con trai nàng. Ở đây, trong thế giới này.
"Norah Henry! Đúng là người tôi cần gặp đây rồi."
Nàng quay lại và thấy Kay Marshall, mặc chiếc quần ôm màu hồng cùng chiếc áo len màu hồng kem, đi đôi giày da đế bệt màu vàng đồng, đeo hoa tay vàng lấp lánh. Cô ta đang đẩy chiếc xe nôi đan bằng liễu gai kiểu cổ trong đó chở đứa nhỏ mới sinh trong khi cô con gái lớn, Elizabeth bước sóng đôi bên mẹ. Elizabeth sinh sau Paul một tuần, vào đúng độ xuân bất ngờ ùa về ngay sau con bão tuyết bất thường năm ấy. Sáng nay cô bé mặc một chiếc váy hồng chấm bi và đi đôi giày da trắng đóng khéo léo. Cô bé nôn nóng dứt khỏi Kay rồi chạy vù qua sân chơi tới chỗ mấy chiếc xích đu.
"Trời đẹp quá," Kay vừa nhìn theo con gái vừa nói. "Chị khỏe không, Norah?"
"Tôi khỏe," Norah nói, cố gắng kìm nén ước muốn chạm vào mái tóc cô ta, nàng cũng ý thức rõ ràng về chiếc áo trắng giản dị và cái váy xanh mình đang mặc, cùng cách phục sức đi kèm rất ít đồ nữ trang. Dù Norah nhìn thấy cô ta trong thời điểm nào hoặc ở bất cứ đâu, Kay Marshall vẫn luôn như vậy: điềm tĩnh và thảnh thơi, chỉn chu tới từng chi tiết, những đứa con của cô ta luôn ăn mặc cực kỳ gọn gàng và cư xử rất lễ độ. Kay là hình mẫu bà mẹ mà Norah vẫn luôn hướng đến, một bà mẹ có thể xử lý mọi tình huống bằng vẻ bình tĩnh tự nhiên và phong thái ung dung. Norah ngưỡng mộ cô ta, và cả ghen tỵ nữa. Thậm chí đôi khi nàng bất chợt nghĩ giá như mình có thể được như Kay, giá như nàng trầm tĩnh hơn, bớt lo âu đi, biết đâu cuộc hôn nhân của nàng đã khá hơn; biết đâu nàng và David đã hạnh phúc hơn.
"Tôi khỏe," nàng lặp lại, mắt nhìn xuống đứa bé đang giương đôi mắt to tròn lên nhìn nàng đầy vẻ tò mò. "Xem Angela lớn chưa kìa!"
Rồi Norah hấp tấp cúi xuống và bế con bé lên, đứa con gái thứ hai của Kay, cũng mặc đồ hồng phớt giống chị nó. Thân hình con bé nhẹ và ấm trong vòng tay Norah, nó vỗ bàn tay nhỏ lên má Norah rồi cười khanh khách. Norah cảm thấy khoan khoái vô cùng, nàng nhớ hồi bằng này tuổi Paul cũng như thế, nhớ mùi hương xà phòng và sữa tỏa ra từ thằng bé, làn da mềm mại của nó. Nàng đưa mắt nhìn khắp sân; thằng bé lại đang chạy, nó đang chơi đuổi bắt. Giờ nó đã đi học, có cuộc sống riêng. Nó không thích ngồi ôm mẹ nữa chỉ trừ lúc ốm hay khi muốn nài mẹ kể chuyện trước khi đi ngủ. Có lẽ không bao giờ nó có thể bé lại được như xưa nữa, không bao giờ nó trở lại thành thằng bé ngồi trên chiếc xe đạp ba bánh màu đỏ, tay cầm que vừa khua khoắng các vũng nước vừa hát véo von nữa.
"Tính đến hôm nay là con bé tròn mười tháng tuổi rồi đấy," Kay nói. "Chị tin nổi không?"
"Không," Norah đáp. "Thời gian trôi nhanh quá."
"Chị đã đi qua trường chưa?" Kay hỏi. "Chị có biết chuyện vừa xảy ra không?"
Norah gật đầu. "Đêm qua Bree đã gọi cho tôi." Nàng đã đứng sững người, một tay cầm ống nghe còn tay kia đặt trên ngực, mắt theo dõi cái tin rợn người qua TV: bốn sinh viên bị bắn chết tại Kent State: Ngay tại Lexington, tình hình căng thẳng đã bao trùm khắp nơi suốt nhiều tuần lễ, báo chí tràn ngập tin tức về chiến tranh, những cuộc biểu tình lẫn bạo động, cả thế giới biến loạn và đổi thay.
"Đáng sợ quá," Kay nói, nhưng giọng vẫn nhẹ nhàng, có vẻ bất bình hơn là lo lắng, đúng chất giọng mà có lẽ cô ta sẽ dùng khi nói về vụ ly dị của ai đó. Cô ta đỡ lấy Angela, hôn lên trán con, rồi dịu dàng đặt nó xuống xe nôi.
"Tôi biết," Norah tán thành. Nàng cũng nói với tông giọng y như vậy, nhưng đối với nàng cảm giác âu lo dường như là thứ gì đó rất đỗi riêng tư, nó phản chiếu những gì đã giày vò trái tim nàng trong suốt bao năm trời. Trong một tích tắc nàng bỗng thấy nhói lên lòng ghen tị sâu cay. Kay sống vô tư lự, không biết đến mất mát, và tin tưởng rằng mình sẽ luôn được bình an; còn thế giới của Norah đã thay đổi kể từ khi Phoebe chết. Tất cả niềm vui của nàng giờ chỉ còn là những phút giải khuây nhạt nhẽo – bởi nỗi mất mát ấy và mối lo sợ về những mất mát tiếp theo mà nàng nhìn thấy trong từng khoảnh khắc. David luôn khuyên nàng thả lỏng, khuyên nàng tìm kiếm sự giúp đỡ, khuyên nàng không nên tự ép bản thân mình quá mức. Anh giận dữ với những dự án, hội nhóm, kế hoạch của nàng. Nhưng Norah không thể nào ngồi yên một chỗ được; như thế khiến nàng cảm thấy bất an. Vì thế nàng sắp xếp các cuộc hội họp và lấp kín lịch các ngày, trong đầu luôn thường trực một ý nghĩ đen tối là nếu nàng lơ là cảnh giác, dù chỉ là một khoảnh khắc, tai họa sẽ ập đến. Cảm giác này trở nên tệ hại nhất vào tầm sáng muộn; thời điểm ấy hầu như khi nào nàng cũng uống nhanh một ly rượu – rượu gin, đôi khi là vodka – để xoa dịu bản thân cho tới chiều. Nàng yêu cái cảm giác thanh thản, lan tỏa khắp người như ánh sáng. Nàng đã giấu rất kỹ mấy cái chai để David khỏi nhìn thấy.
"À," Kay nói. "Tôi muốn báo lại về việc dự bữa tiệc của chị ấy. Chúng tôi sẽ tới, nhưng chắc hơi muộn một chút. Tôi mang gì được đây?"
"Chỉ đi người không là được," Norah đáp. "Hầu như mọi thứ đều đã sẵn sàng hết rồi. Có điều tôi còn phải về nhà dỡ một cái tổ ong nữa."
Đôi mắt Kay hơi trố ra. Cô ta sinh ra trong một gia đình giàu có lâu đời ở Lexington và có "gia nhân", đấy là theo cách cô ta vẫn gọi. Gia nhân trông nom bể bơi, gia nhân quét dọn, gia nhân cắt cỏ và gia nhân lo việc bếp núc. David vẫn luôn nói Lexington giống hệt như lớp đá vôi mà từ đó nó được dựng lên: sự phân cấp giai tầng, những lớp người và phương thức sở hữu khác nhau, thành phố của bạn được đóng khung trong một thứ tôn ti trật tự nghiêm ngặt đã tồn tại bao đời nay. Nếu Kay có cả người lo diệt côn trùng thì cũng chẳng có gì lạ.
"Tổ ong kia à? Khổ thân chị quá!"
"Vâng," Norah đáp. "Ong vò vẽ. Nó làm tổ ở chỗ ga ra ấy."
Nàng thấy khoan khoái vì đã khiến Kay sốc, dù chỉ chút đỉnh; nàng thích cái âm thanh chắc nịch của nhiệm vụ đang đặt ra phía trước. Ong. Dụng cụ. Dỡ chiếc tổ. Norah mong sao công việc này sẽ choán hết buổi sáng của nàng. Nếu không, có thể nàng sẽ lại lái xe như đã làm nhiều bận trong suốt mấy tuần vừa rồi, nàng phóng đi như điên, chai rượu dẹt bằng bạc vứt trong túi xách. Nàng có thể phóng ra sông Ohio trong chưa đầy hai tiếng. Tới Louisville, Maysville hoặc như một bữa, lên tận Cincinnati. Nàng thường đậu xe bên sườn dốc của sông rồi ra khỏi xe, ngắm nghía dòng nước cuồn cuộn chảy không ngừng phía xa.
Tiếng chuông reo vang và bọn trẻ bắt đầu ùa vào lớp. Norah ngóng tìm mái tóc sẫm của Paul, nàng dõi theo con cho tới khi thằng bé mất hút. "Tôi rất muốn hai đứa con chúng mình hát cùng nhau," Kay nói, đoạn hôn gió với Elizabeth. "Paul có một chất giọng tuyệt vời. Đúng là tài năng thiên bẩm."
"Thằng bé yêu âm nhạc lắm," Norah đáp. "Từ xưa đã vậy rồi."
Quả đúng như vậy. Có một lần, khi mới được ba tháng tuổi, trong lúc nàng chuyện gẫu với bạn bè, đột nhiên thằng bé cất tiếng bập bẹ, một chuỗi âm thanh tràn ngận khắp căn phòng như những đóa hoa bất thần đổ xuống từ một cột sáng, khiến tất cả mọi người đều im bặt.
"Thật ra, còn có chuyện khác tôi muốn nhờ chị, Norah à. Buổi lễ gây quỹ tôi tính tổ chức trong tháng sau đó. Chủ đề buổi lễ là Cinderalla, nên tôi đã gửi giấy mời để tập họp càng nhiều trẻ con đóng vai trò người phục vụ càng tốt. Tôi đang nghĩ đến Paul."
Trái với bản chất, Norah bỗng cảm thấy vô cùng hài lòng. Nàng đã hết hy vọng nhận được những lời mời như vậy nhiều năm về trước, kể từ sau đám cưới và vụ ly dị đầy tai tiếng của Bree.
"Người phục vụ à?" nàng lặp lại để tiếp nhận cái tin này,
"Phải, đó là phần hay nhất," Kay thẽ thọt. "Mà không chỉ đóng vai người phục vụ thôi đâu. Paul còn được hát riêng nữa. Một bản song ca. Với Elizabeth."
"Tôi hiểu rồi," Norah nói, nàng thật sự hiểu. Giọng Elizabeth trong nhưng rất mỏng. Con bé thường hát với một vẻ tươi vui gượng gạo, giống như những nụ hoa xuân giữa tháng Giêng, đôi mắt đầy lo lắng quét khắp lượt khán giả. Thiếu giọng Paul, giọng con bé sẽ không đủ độ ngân vang.
"Nếu thằng bé có thể tham gia thì mọi người sẽ vui lắm đấy."
Norah chậm rãi gật đầu, nàng thấy thất vọng và bực bội với chính bản thân mình vì đã quan tâm. Nhưng giọng của Paul rất trong và vang; chắc thằng bé sẽ thích đóng vai người phục vụ. Và ít nhất bữa tiệc này, cũng như những con ong, sẽ cho nàng thêm một điểm tựa trong những ngày tới.
"Tuyệt vời!" Kay nói. "Ôi, tuyệt quá. Tôi mong là chị không thấy phiền," cô ta thêm. "tôi đã tự tiện thuê trước một bộ lễ phục cỡ nhỏ cho thằng bé rồi. Tôi biết là chị sẽ đồng ý mà!" Cô ta liếc nhìn đồng hồ, vẻ vội vã, có lẽ chuẩn bị đi đâu đó. "Rất vui được gặp chị," cô ta nói thêm, vừa bước vừa vẫy tay, đẩy chiếc xe nôi đi.
Sân chơi vắng tanh. Một cái vỏ kẹo lóe sáng lấp lánh, lăn tròn trên thảm cỏ xuân tươi tốt và mắc vào giữa những đóa đỗ quyên hồng rực. Norah đi qua mấy cây xích đu sơn màu rực rỡ và ngồi vào xe. Con sông, dòng xoáy bình thản của nó, đang vẫy gọi nàng. Hai tiếng thôi là nàng đã có thể ở đó rồi. Sức mê hoặc của cuốc xe tốc độ cao, của cơn gió thổi phần phật, của nước, gần như không thể cưỡng lại nổi, mạnh mẽ tới mức trong đợt nghỉ lễ vừa rồi của trường học, nàng đã rất sốc khi thấy mình đang ở Louisville, Paul sợ điếng người, ngồi im re trên ghế sau, mái tóc nàng rối bù vì gió và chai rượu gin đã gần như cạn sạch. Sông kìa con, nàng đã nói vậy khi đứng đó nắm bàn tay nhỏ của Paul, mắt dõi theo con nước cuồn cuộn, ngầu lên bùn đất. Giờ mẹ con mình đi vườn thú nhé, đoạn nàng tuyên bố, như thể đó đã luôn là mục đích duy nhất của nàng vậy.
Nàng rời trường học và lái xe vào thành phố, xuyên qua những con phố với hai hàng cây bên đường, đi qua ngân hàng và tiệm nữ trang, nỗi khao khát mênh mông như bầu trời. Nàng chạy chậm lại khi đi ngang qua công ty Du lịch Thế giới. Hôm qua, nàng vừa mới phỏng vấn cho một vị trí ở đó. Nàng nhìn thấy quảng cáo trên báo, và bị thu hút bởi những hình vẽ xinh xắn trên các ô cửa sổ của tòa nhà gạch thấp: những bãi biển và tòa nhà lấp lánh, bầu trời và màu sắc sống động. Khi mới đến nàng cũng không thực muốn có công việc đó lắm; và rồi đột nhiên nàng lại muốn. Mặc chiếc váy lanh bó in hoa, nàng ngồi đó ôm khư khư chiếc ví trắng trong lòng, nàng đã khao khát công việc này hơn tất cả mọi thứ trên đời. Đại lý này do một người đàn ông tên là Pete Warren làm chủ, ông ta đã năm mươi tuổi và hơi hói trên đỉnh đầu, ông ta hay gõ bút chì lạch cạch lên tập bìa kẹp hồ sơ và pha trò giễu nhóm Mèo Hoang[10]. Ông ta thích nàng, nàng có thể đoán ra ngay, mặc dù bằng cấp của nàng chỉ là bằng Ngữ văn và chẳng có chút kinh nghiệm nào. Theo kế hoạch thì hôm nay ông ta sẽ cho nàng biết kết quả.
Phía sau nàng, ai đó đang bấm còi inh ỏi. Norah tăng tốc. Con đường này chạy xuyên qua thành phố và cắt ngang đường cao tốc. Nhưng khi nàng lái gần tới trường đại học, giao thông đông đúc hơn. Đường đông nghẹt người khiến xe nàng bò chậm dần rồi phải dừng lại hẳn. Nàng ra khỏi xe và bỏ mặc nó ở đó. Phía xa xa, từ sâu trong khuôn viên trường, những tiếng nói rộ lên mơ hồ, vừa nhịp nhàng vừa ồn ã, thanh âm trầm bổng tràn đầy sức sống tựa như những nụ chồi đang bung nở trên cây cối. Cảm giác bồn chồn và khắc khoải của nàng dường như được khỏa lấp bởi khoảnh khắc ấy, và nàng hòa mình vào dòng người đang chuyển động.
Mùi mồ hôi và dầu hoắc hương tràn ngập không gian, ánh nắng sưởi ấm cánh tay nàng. Nàng nhớ đến trường tiểu học, cách đây có một dặm, nhớ đến trật tự ở đó cũng như những quy phạm, nàng nhớ đến giọng nói bất bình của Kay Marshall, và lại dấn bước. Những bờ vai, cánh tay, mái tóc sượt qua người nàng. Dòng người di chuyển chậm dần rồi dồn lại; đã có một đám đông tụ tập nơi tòa nhà ROTC [11], ở đó hai anh thanh niên đứng trên bậc thang, một người cầm chiếc loa. Norah cũng dừng lại, nàng nghển cổ xem chuyện gì đang diễn ra. Một trong hai thanh niên mặc vest và đeo cà vạt, tay giơ cao lá cờ Mỹ với những đường sọc ngang dập dờn. Nàng quan sát thấy người thanh niên kia, cũng ăn mặc chỉnh tề, giơ cao nắm tay ngay sát mép lá cờ. Ban đầu ngọn lửa gần như vô hình, chỉ là một làn hơi nóng phảng phất, và rồi lửa bén vào vải, bùng lên trên nền màu lá, trên nền xanh lục xen lẫn xanh dương của buổi ban ngày.
Norah nhìn tất cả mọi chuyện diễn ra như trong một cuốn phim quay chậm. Qua bầu không khí chập chờn, nàng nhìn thấy Bree chạy xung quanh đám đông đứng ngay sát tòa nhà, phát các tờ rơi. Mái tóc dài buộc túm đuôi ngựa lúc lắc trên chiếc áo cánh rộng màu trắng của cô. Con bé đẹp quá, nàng tự nhủ, thoáng thấy nét cương quyết và lòng nhiệt thành hiển hiện trên gương mặt em gái chỉ trong tích tắc trước khi cô biến mất. Nỗi ghen tị lại cồn lên trong nàng, bừng bừng như lửa đốt: ghen tị với Bree, với sự kiên định và tự do của cô. Norah rẽ đám đông dấn tới.
Nàng lại thoáng thấy em gái hai lần nữa – mái tóc vàng của cô vụt qua, khuôn mặt cô nhìn nghiêng – rồi cuối cùng nàng cũng đến được chỗ Bree. Khi đó Bree đang đứng trên lề đường, nói chuyện với một cậu thanh niên có mái tóc hung hung đỏ, hai người nói chuyện chăm chú quá, phải đến khi Norah chạm vào tay Bree mới quay ngoắt lại, bối rối và bất ngờ, mặt ngẩn ra một lúc lâu rồi mới nhận ra chị gái.
"Norah à?" Cô nói. Cô đặt tay lên ngực anh chàng tóc đỏ, cử chỉ tự tin và âu yếm tới mức khiến trái tim Norah se lại. "Đây là chị gái em," Bree giải thích. "Norah, đây là Mark."
Anh ta gật đầu nhưng không cười và bắt tay Norah, vẻ mặt thăm dò nàng.
"Họ đốt cờ kìa," Norah nói, một lần nữa ý thức rất rõ rằng trang phục mình khoác trên người chẳng ăn nhập gì với quang cảnh quanh đây cũng như trước đó trên sân chơi, bởi những lý do hoàn toàn khác biệt.
Đôi mắt nâu của Mark hơi nhíu lại, anh ta nhún vai.
"Họ đã từng chiến đấu ở Việt Nam," anh ta nói. "Nên tôi cho là họ có lý do của riêng mình."
"Mark đã mất nửa bàn chân ở Việt Nam."
Norah bỗng thấy mình liếc xuống nhìn đôi ủng của Mark, dây buộc cao đến mắt cá chân.
"Nửa phần trước," anh ta nói, đoạn gõ gõ bàn chân phải. "Mấy ngón chân và một số phần nữa."
"Tôi hiểu," Norah nói, cảm thấy ngại ngùng không để đâu cho hết.
"Mark à, anh chờ bọn em một phút được không?" Bree hỏi.
Anh ta liếc nhìn đám đông đang kích động. "Khó đấy. Anh sắp phát biểu rồi."
"Rồi rồi. Em sẽ quay lại ngay," cô nói, đoạn cầm tay Norah, kéo nàng ra xa mấy bước, khom người dưới vòm cây đinh tán.
"Chị làm gì ở đây vậy?" cô hỏi.
"Chị cũng chẳng biết nữa," Norah đáp. "Chị buộc phải dừng lại khi gặp đám đông này, vậy thôi."
Bree gật đầu, đôi hoa tai màu bạc của cô lóe sáng lấp lánh. "Tuyệt quá, phải không nào? Phải có đến năm ngàn người ở đây ấy chứ. Lúc đầu bọn em chỉ dám mong có vài trăm người thôi. Do vụ Kent State đây mà. Thế là hết."
Hết cái gì cơ? Norah tự nhủ, quanh nàng, những chiếc lá cây rung rinh. Ở đâu đó, cô Throckmorton đang gọi học sinh còn Pete Warren ngồi ghi vé dưới những tấm áp phích du lịch rực rỡ. Lũ ong vo ve biếng nhác trong bầu không gian ngập nắng bên nhà ga ra nhà nàng. Thế giới có thể đi đến hồi hết trong một ngày như thế này hay sao?
"Đấy là bạn trai của em à?" cô hỏi. "Anh chàng em kể với chị ấy?"
Bree gật đầu, khẽ mỉm cười ý nhị.
"Ôi chao, xem em kìa! Em đang yêu chứ gì."
"Em nghĩ vậy," Bree thì thào, mắt liếc về phía Mark. "Em nghĩ vậy."
"Ừm, chị mong là anh ta đối xử tốt với em," Norah nói, chợt giật mình khi lại nghe thấy tiếng của mẹ, âm điệu y hệt. Nhưng Bree đang quá hạnh phúc, cô chỉ cười.
"Anh ấy đối xử với em tốt lắm," cô nói. "Chị này, cuối tuần em đưa anh ấy đến nhé? Đến bữa tiệc của chị ấy?"
"Được," Norah đáp, nhưng thật lòng nàng chẳng dám chắc.
"Tuyệt. À, Norah, chị đã nhận được công việc chị thích chưa?"
Những chiếc lá đinh tán rung rinh quanh nàng như những trái tim xanh mềm mại, phía ngoài kia đám đông đang gầm gừ và lắc lư.
"Chị chưa biết," Norah đáp, nghĩ đến khu văn phòng rực rỡ, trang nhã. Đột nhiên nàng cảm thấy những khao khát của mình thật quá tầm thường.
"Thế buổi phỏng vấn thế nào?" Bree hỏi dồn.
"Tốt. Tốt lắm. Chị chỉ không chắc giờ chị còn thích công việc đó nữa không, vậy thôi."
Bree gài một lọn tóc ra sau tai và cau mày.
"Sao không? Norah, chỉ mới ngày hôm qua thôi chị còn phát điên vì công việc đó. Chị đã rất hào hứng cơ mà. Lại là David hả? Lại bảo chị không làm được chứ gì?"
Norah bực bội lắc đầu. "David còn chẳng biết nữa cơ. Bree, chỗ đấy bất quá cũng chỉ là một cái văn phòng bé tí. Tẻ nhạt. Trưởng giả. Mình chả nên chết già ở đấy làm gì."
"Em không phải là chị," Bree nói, giọng sốt ruột. "Chị không phải là em. Chị muốn công việc đó, Norah ạ. Vì sự hấp dẫn. Trời ạ, vì tự do nữa."
Đúng thế thật, nàng đã muốn công việc đó, nhưng cơn giận của nàng lại đang bùng lên, điều đó cũng đúng nốt: với Bree, người đang đứng đây để kích động những cuộc cách mạng, thì giao phó nàng cho một cuộc sống theo giờ hành chính mới là tốt.
"Chị chỉ ngồi đánh máy, chứ có được đi đâu đâu. Đợi tới lúc được đi thì cũng chắc phải mất hàng năm trời. Đấy không phải là những gì chị đã tưởng tượng về cuộc đời mình, Bree ạ."
"Thế đi di máy hút bụi mới là đúng à?"
Norah nghĩ tới những đợt gió táp rát mặt, đến con sông Ohio cuồn cuộn chảy, chỉ cách đây có tám mươi dặm đường. Nàng mím môi không đáp.
"Chị làm em điên mất, Norah à. Sao chị lại sợ thay đổi thế nhỉ? Sao chị không là chính mình và để mặc thế giới xoay vần đi?"
"Chị có," nàng nói. "Chị đang là chính mình. Em không hiểu đâu!"
"Chị đang rúc đầu vào cát. Em chỉ thấy mỗi thế."
"Em chẳng thấy gì cả, ngoài mấy cậu trai chưa vợ."
"Rồi rồi. Thế là đủ rồi." Bree chỉ bước một bước là đã bị nuốt chửng bởi đám đông: một chút sắc màu thấp thoáng, rồi vụt biến mất.
Norah đứng lặng một lúc dưới vòm cây đinh tán, người run lẩy bẩy vì cơn giận ngùn ngụt. Nàng bị làm sao vậy? Sao nàng có thể ghen tị với Kay Marshall, sau đó là với Bree, vì những lý do hoàn toàn trái ngược đến thế?
Nàng rẽ đám đông quay trở lại xe. Sau cơn náo loạn và kích động của đám người biểu tình, đường phố trở lại với vẻ tẻ nhạt, thiếu màu sắc và quy phạm một cách đáng ngại. Nàng đã mất quá nhiều thời gian rồi, chỉ còn hai tiếng nữa nàng sẽ phải đi đón Paul. Không còn thời gian cho dòng sông nữa. Về đến nhà, trong căn bếp đầy nắng, Norah tự pha cho mình một ly gin với tonic. Chiếc ly cứng cáp và mát lạnh trong tay nàng, những cục đá kêu lanh canh lóe lên ánh sáng dễ chịu. Đi qua phòng khách, nàng dừng lại một lúc trước tấm ảnh chụp nàng đứng trên cầu đá tự nhiên. Khi nhớ lại ngày hôm ấy – cuộc đi bộ và buổi picnic của họ - nàng chưa bao giờ nghĩ tới giây phút này. Thay vào đó, nàng nhớ cả thế giới đã trải rộng dưới chân mình, nắng và gió ve vuốt làn da nàng. Để anh chụp cho em một kiểu nhé, David nói, giọng nài nỉ, nàng quay ra thì thấy anh đã khom gối, chăm chú lấy nét để lưu giữ một khoảnh khắc không bao giờ thực sự tồn tại. Nàng đã đoán đúng về chiếc máy ảnh, và tự thấy hối hận về chuyện đó. David, đam mê tới mức ám ảnh, đã xây hẳn một buồng tối để tráng phim trên ga ra.
David. Không hiểu sao càng ngày anh càng trở nên bí ẩn, nhưng cũng thân thuộc hơn trong mắt nàng như vậy? Anh đã bỏ lại một cặp khuy măng séc bằng hổ phách trên chiếc giá kê dưới mấy bức ảnh. Norah nhặt lên và nắm trong lòng bàn tay; lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc nhẹ nhàng trong phòng khách. Mấy viên đá ấm lên trong tay nàng, nàng cảm thấy dễ chịu với cảm giác trơn mượt của chúng. Nàng tìm thấy đá ở khắp nơi, đá dồn từng nắm trong túi của David, đá rải rác trên bàn trang điểm, đá lẩn giữa các phong bì trong ngăn kéo bàn làm việc. Có đôi lúc nàng nhác thấy bóng David và Paul ở sâu sau, hai bố con chụm đầu vào nhau cùng xem một viên đá đẹp nào đó. Ngắm nhìn họ, trái tim nàng luôn rộng mở với một niềm hân hoan dè dặt. Những giây phút như thế rất hiếm hoi; David ngày càng bận rộn hơn. Dừng lại đi, Norah rất muốn nói như vậy. Chỉ một lát thôi. Hãy dành chút thời gian. Con trai anh lớn nhanh chưa kìa.
Norah bỏ cặp khuy măng séc vào túi và cầm ly rượu đi ra sân. Nàng đứng dưới cái tổ mỏng tang như giấy, ngắm nhìn những con ong bay vo ve xung quanh tổ rồi biến vào trong. Thỉnh thoảng bị hấp dẫn bởi mùi rượu gin ngọt ngào, một con bay sát lại gần nàng. Nàng nhấp từng ngụm và ngắm nhìn. Từng thớ thịt, từng tế bào của nàng đều giãn ra theo một chuỗi phản ứng nhịp nhàng, tựa như nàng đang uống từng hớp hơi ấm của buổi ban ngày. Nàng uống nốt ly rượu, đặt chiếc ly trên lối xe vào nhà, rồi quay đi tìm đôi găng và mũ làm vườn, đi vòng qua chiếc xe đạp ba bánh của Paul. Thằng bé đã quá lớn để đi chiếc xe này; nàng nên đóng gói cất đi cùng những món khác thì hơn: quần áo mặc hồi bé, những món đồ chơi cũ của nó. David không muốn có thêm đứa con nào nữa, và tới giờ, khi Paul bắt đầu đi học, nàng cũng đã thôi không còn đôi co với anh về vấn đề đó nữa. Thật khó mà tưởng tượng nổi nếu phải quay lại với khăn tã và những bữa ăn đêm cho con lúc hai giờ sáng, mặc dù nàng vẫn luôn khao khát được ôm một đứa trẻ nữa trong vòng tay: giống như Angela hồi sáng nay, hơi ấm và sức nặng của con bé thật dễ chịu. Kay thật quá may mắn, vậy mà cô ta thậm chí còn không nhận thức được điều đó.
Norah xỏ găng và bước ra dưới nắng. Nàng không có chút kinh nghiệm nào với ong vò vẽ hay ong mật, trừ một lần nàng bị một con đốt vào ngón chân hồi tám tuổi, vết châm chỉ đau nhức trong một tiếng đồng hồ là tự khỏi. Khi Paul nhặt con ong đã chết từ sàn nhà lên và hét lên đau đớn, nàng không cảm thấy sợ hãi chút nào. Nàng nghĩ chỉ cần chườm đá lên chỗ sưng, rồi ôm thằng bé thật lâu trên xích đu trước hiên nhà; thế là ổn. Nhưng những nốt phồng rộp và mẩn đỏ nổi lên từ bàn tay nhanh chóng lan ra khắp người. Khuôn mặt thằng bé sưng húp híp, thế là nàng vội gọi David, giọng hoảng hốt. Anh biết ngay chuyện gì đang xảy ra, và phải tiêm cho thằng bé thuốc gì. Chỉ sau giây lát, Paul đã có thể thở dễ dàng hơn. Không sao đâu, David nói. Quả có vậy thật, nhưng nàng vẫn phát ốm lên vì sợ. Nếu hôm đấy David mà không có ở nhà thì sẽ ra sao?
Nàng ngắm nghía những con ong trong vài phút, đầu chợt nghĩ tới những người biểu tình trên đồi, tới thế giới bất ổn, mờ ảo. Nàng đã làm những gì mọi người trông đợi ở nàng, luôn là thế. Nàng đã vào đại học và nhận một công việc bình thường; rồi kết hôn suôn sẻ. Vậy mà kể từ khi các con ra đời – là Paul, tuột xuống cầu trượt với hai cánh tay vung vẩy, và Phoebe, vẫn hiện diện theo cách nào đó thông qua chính sự vắng mặt của mình, vẫn đến trong những giấc mơ, vẫn đứng ở góc khuất nào đó trong từng giây từng phút – Norah không còn có thể nhìn thế giới xung quanh bằng con mắt cũ nữa. Những mất mát khiến nàng thấy mình bất lực, và nàng chống lại nó bằng cách lấp đầy mỗi ngày nàng sống.
Giờ đây nàng chủ tâm nghiên cứu các dụng cụ. Nàng sẽ tự tay xử lý đám côn trùng này.
Chiếc cuốc cán dài nặng trịch trên tay nàng. Nàng chậm chạp nâng nó lên rồi liều lĩnh phạt ngang cái tổ, lưỡi cuốc cắt rất ngọt qua lớp vỏ mỏng như giấy. Nàng thấy sợ, trước sức mạnh tấn công của đòn mở đầu. Nhưng khi nàng thu cuốc lại, những con ong vò vẽ, giận dữ và kiên quyết, túa ra khỏi chiếc tổ rách nát và bay thẳng theo nàng. Một con châm vào cổ tay nàng, một con đốt lên má. Nàng vứt cuốc và chạy trốn vào nhà, sập mạnh cửa rồi đứng chống lưng lên đó, hổn hển thở không ra hơn.
Phía bên ngoài, cả bầy ong bay lượn, kêu vo vo giận dữ quanh chiếc tổ vỡ. Vài con còn đậu lên bậu cửa sổ, lớp cánh mỏng khẽ phe phẩy. Đông đúc, giận dữ - chúng khiến nàng nhớ đến những sinh viên mà nàng trông thấy sáng hôm đó; khiến nàng nghĩ đến chính mình. Nàng vào trong bếp pha thêm một ly rượu nữa, xoa một ít rượu gin lên má và cổ tay, vết ong đốt ở hai chỗ này đã bắt đầu sưng lên. Vị rượu gin trong mát, lâng lâng, khiến một cảm giác êm dịu và ấm áp của sức sống cùng quyền lực lan khắp cơ thể nàng. Còn một tiếng nữa nàng mới phải đi đón Paul.
"Được rồi, lũ ong chết tiệt," nàng nói to thành tiếng. "Giờ chúng mày sẽ biết tay."
Có một lọ thuốc diệt côn trùng trong tủ quần áo, để phía trên áo khoác, giày và máy hút bụi – một cái máy Electrolux màu xanh ánh thép, mới nguyên. Norah nhớ lại lúc Bree gạt lọn tóc vương trên má. Di máy hút bụi – cả cuộc đời mình chị chỉ muốn thế thôi sao?
Norah đi được nửa đường tới chỗ cánh cửa thì chợt nghĩ ra một cách.
Những con ong còn đang bận bịu, chúng đã kịp bắt tay vào sửa sang chiếc tổ, và dường như không để ý đến Norah khi nàng bước ra ngoài, trên tay xách chiếc máy Electrolux. Nàng đặt nó trên lối xe vào nhà, chiếc máy lạc lõng và kỳ dị như một con lợn có nước da xanh ánh thép. Norah đi găng tay, đội mũ, mặc thêm áo khoác và quấn một chiếc khăn quanh mặt. Nàng cắm điện vào máy hút bụi và bật công tắc, để nó kêu rù rù một lúc, tiếng máy ngoài trời nghe êm lạ thường, sau đó nàng nhặt chiếc vòi hút lên. Thật liều lĩnh, nàng gí vòi vào phần tổ còn sót lại. Lũ ong kêu vo vo và bay tán loạn giận dữ - má và cánh tay nàng nằm trong đúng tầm ngắm của chúng – nhưng chúng nhanh chóng bị hút vào chiếc máy, tạo ra âm thanh lộp bộp như những hạt sồi rơi trên nóc nhà. Nàng khua vòi hút trong không khí, nó giống như một chiếc đũa thần vậy, gom hết sạch đám côn trùng giận dữ, xé vụn cả chiếc tổ. Chẳng mấy chốc nàng đã xử lý xong cả đàn. Nàng để máy tiếp tục chạy trong khi nghĩ cách để bao vòi hút lại; nàng không muốn những con ong cần cù và kiên tâm này thoát ra ngoài. Đó là một ngày nắng ấm áp, rượu khiến nàng thấy lâng lâng dễ chịu. Nàng cắm vòi phun xuống đất, nhưng chiếc máy bắt đầu kêu như quá tải. Bỗng nàng để ý thấy ống xả của chiếc ô tô: đúng rồi, vòi hút cắm vào đấy thì vừa in. Trong lòng cực kỳ thỏa mãn, phấn chấn với công việc vừa hoàn thành, Norah tắt công tắc máy và trở vào nhà.
Trong phòng tắm, ánh nắng tràn vào lênh láng qua những khung cửa mờ hơi nước, nàng cởi khăn mũ, ngắm mình trong gương. Đôi mắt lục thẫm, mái tóc vàng óng, khuôn mặt hốc hác vì lo lắng. Mái tóc dính bết và làn da đầm đìa mồ hôi. Một nốt rộp đỏ sưng tướng trên má nàng. Nàng khẽ cắn môi, tự hỏi David sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy nàng trong bộ dạng này. Tự hỏi không hiểu mình thực sự là ai, tại sao trong chốc lát nàng lại gắng hết sức để làm vừa lòng Kay Marshall, ngay sau đó lại cố hòa nhập với đám bạn của Bree, rồi lái xe như điên ra bờ sông, và không đâu đem lại cho nàng cảm giác như nhà mình? David sẽ thấy mặt nào của con người nàng? Hay đơn giản chỉ là người phụ nữ nằm bên anh hàng đêm? Chính nàng, phải, nhưng không giống như nàng từng thấy. Và cũng chẳng giống người phụ nữ mà anh đã từng thấy, cũng như cách nàng nhìn người đàn ông mình đã cưới làm chồng mỗi tối khi anh về nhà, cẩn thận vắt chiếc áo vest lên lưng ghế tựa, và mở tờ báo chiều ra đọc.
Nàng lau khô tay và đi lấy đá chườm lên bên má bị sưng. Chiếc tổ ong treo lơ lửng, tả tơi và trống trải, dưới mái hiên ga ra. Chiếc Electrolux đứng chồm hỗm trên lối xe vào nhà, nối với ống xả ô tô bằng một cái vòi ruột xếp nếp dài lòng thòng, trông như chiếc dây rốn bạc lấp lánh trong nắng. Nàng tưởng tượng đến lúc David về nhà, tổ ong đã biến mất, sân sau được trang hoàng, một bữa tiệc được chuẩn bị hoàn hảo đến từng chi tiết. Anh sẽ ngạc nhiên lắm, nàng mong như vậy, và hài lòng nữa chứ.
Nàng liếc đồng hồ. Đã đến giờ đi đón Paul. Bước xuống bậc thang ở cửa hậu, Norah dừng lại, lần tay vào túi để tìm chìa khóa nhà. Một tiếng ồn kỳ dị phát ra từ lối xe vào nhà khiến nàng ngước lên. Nghe như tiếng vo ve, mới đầu nàng còn cho là lũ ong sắp chạy thoát. Nhưng không trung xanh thẳm vẫn trong veo, trống trải. Rồi tiếng vo ve chuyển thành tiếng lẹt xẹt, không khí sực lên mùi ozone, mùi dây điện cháy. Những thứ đó, Norah nhận biết có phần hơi chậm chạp, đều là từ chiếc máy Electrolux mà ra. Nàng rảo chân chạy xuống bậc cầu thang. Khi chân nàng vừa chạm lớp nhựa đường, tay vẫn còn vung lên trong bầu không khí mùa xuân trong trẻo, bất thình lình chiếc máy Electrolux nổ tung và bắn ra xa, bay vèo qua thảm cỏ rồi đập mạnh vào hàng rào, bẻ gãy nguyên một thanh ván. Cái máy xanh rơi xuống giữa bụi đỗ quyên, khói cuộn lên từng đám dầu mỡ, rít lên như một con thú bị thương.
Norah cứng đờ người, hai tay vẫn sải rộng, tê liệt như trong những bức ảnh của David, cố gắng định thần xem chuyện gì đang xảy ra. Một mẩu ống xả đã bị giật tung khỏi xe. Vừa nhìn thấy nó, nàng đã hiểu: hơi xăng tích tụ trong ruột máy hút bụi vẫn còn nóng, khiến chiếc máy nổ tung. Norah nghĩ đến Paul, dị ứng với ong, một thằng bé có chất giọng trong như tiếng sáo, nếu khi đó thằng bé ở nhà, rất có thể nó đang đứng ngay trên đường bay của máy hút bụi.
Khi nàng còn đang mải nhìn, thì một con ong chui ra từ chiếc ống xả bốc khói và bay đi.
Không hiểu sao, điều đó chẳng khác nào một giọt nước tràn ly đối với Norah. Nỗi nhọc nhằn của nàng, sự khéo léo của nàng, thế mà giờ đây, bất chấp tất cả, lũ ong sắp sửa trốn thoát. Nàng chạy qua bãi cỏ. Bằng một động tác nhanh nhẹn, không chút do dự, nàng mở chiếc máy Electrolux, xông vào giữa đám khói dày để lôi chiếc túi đầy bụi bẩn và côn trùng ra, vứt nó xuống đất và giậm chân thình thịch lên như một vũ điệu hoang dại. Cái túi giấy bị rách một bên mép và một con ong rơi ra; bàn chân nàng di ngay lên con vật. Nàng đang chiến đấu vì Paul, nhưng cũng để hiểu chính bản thân mình nữa. Chị ngại thay đổi, Bree nói như vậy.Sao chị không là chính mình đi? Là gì đây? Norah phân vân suốt cả ngày. Là gì đây? Trước đây nàng từng biết: nàng đã là một đứa con ngoan, một sinh viên và một nhân viên trực tổng đài điện thoại đường dài, những vai trò nàng đã hoàn thành dễ dàng và tự tin. Rồi nàng cũng đã là một người vợ, một bà mẹ, và nhận ra rằng những từ ngữ ấy quá hạn hẹp để bao chứa hết những trải nghiệm nàng có.
Ngay cả sau khi lũ ong trong túi chắc chắn đã chết hết, Norah vẫn nhảy nhót trên đống bùi nhùi, điên dại và hăng hái. Có điều gì đó đang diễn ra, điều gì đó đã thay đổi, bên ngoài kia và trong trái tim nàng. Đêm hôm đó, khi tòa nhà ROTC trong khuôn viên trường đại học bị thiêu rụi đến tận móng, ánh lửa rực cháy trong đêm xuân ấm áp, Norah sẽ mơ thấy ong vò vẽ và ong mật, những con ong nghệ to lớn, hiền hòa bay là là giữa đám cỏ cao. Hôm sau nàng sẽ thay chiếc máy hút bụi mới mà không đả động gì về vụ tai nạn với David. Nàng sẽ hủy bỏ đơn đặt bộ lễ phục dùng cho bữa tiệc gây quỹ của Kay, nàng sẽ nhận công việc kia. Hấp dẫn, phải, và phiêu lưu, một cuộc sống của riêng nàng.
Tất cả sẽ xảy ra, nhưng trong khoảnh khắc này nàng không nghĩ tới điều gì khác ngoài chuyển động của bàn chân và chiếc túi dần chuyển thành một đống dơ bẩn những cành và vòi châm. Ở phía xa, đám đông người biểu tình gào thét, âm thanh lớn dần lên, xuyên qua làn không khí mùa xuân trong lành đến tận nơi nàng đứng. Máu chảy giần giật hai bên thái dương nàng. Những gì đang xảy ra ở đó cũng đang xảy ra tại nơi đây, trong cái tĩnh lặng của mảnh sân sau, trong những khoảng không sâu kín nơi trái tim nàng: một sự bùng phát, theo cách nào đó khiến cuộc sống không còn như trước kia nữa.
Một con ong lượn vo vo gần những bụi đỗ quyên rực đỏ và giận dữ bay đi. Norah rời khỏi cái túi giấy nhão nhoẹt. Vừa mê muội, vừa tỉnh táo, nàng đi qua bãi cỏ, chìa khóa móc trên ngón tay. Nàng ngồi vào xe, như thể đó chỉ là một ngày như bao ngày khác, và phóng đi đón con.
-----------------
[10] nhóm siêu anh hùng trong bộ truyện tranh cùng tên của Mỹ, tác giả là Jim Lee và Brandon Choi
[11] viết tắt của cụm từ 'Reserve Officers' Training Corps': Chương trình đào tạo sĩ quan trù bị, đây là chương trình đào tạo sĩ quan đi kèm với đào tạo đại học của bộ binh Mỹ