Chương XVII
Chúng ta xử sự với chính mình như bọn cướp trong các hài kịch. Chúng ta rất muốn chĩa súng cướp lấy tuyệt đối, nhưng chúng ta lại tay không tấn công đoàn xe những lợi lộc con con. Ai cũng tự nhắc mình không gì đáng sống nếu không có hoài tưởng một chốn khác, nhưng dẫu thế, trong khi chờ đợi, vẫn ra tay vơ vét mọi mảnh vụn. Chúng ta chẳng khác nào bầy chim nhỏ đáng thương muốn bay xa nhưng không may đã đậu phải những cọc trét nhựa, rồi thành loài nuốt nhựa. Chúng ta nào có là gì khác : loài nuốt nhựa. Những động vật biết bay dính nhựa, kêu chiêm chiếp để quên đi mình dính nhựa.
Chúng ta càng nuốt nhựa, bao tử chúng ta càng trục trặc, không chịu thức ăn nào khác. Dần dà, nhựa tràn lấn cuộc sống chúng ta. Chúng ta tắm với nhựa, ngủ trong nhựa, đọc nhựa, mọi lời nói của chúng ta đều là những bọt nhựa, chúng ta nhào nắn mọi ý nghĩ trong nhựa, chúng ta trộn nhựa với kẹo – trong ngôn ngữ của chúng ta, cái đó gọi là tình cảm. Rồi sau hết, chúng ta đòi trên mộ chúng ta trồng những hoa nhựa vinh danh kẻ tôi tớ nhựa tận tụy là chúng ta.
Cả đời tôi, Thầy Tu nói ít lâu trước khi chết, tôi đã lạm dụng quyền dính nhựa. Tôi dư biết tôi chỉ là một cục nhựa con con chỉ việc gắn nơi này, gỡ ra nơi kia dán lại nơi khác. Biết như thế chẳng ích cho tôi chút nào – tôi thuộc loại nhai lại nhựa. Tôi nuốt nhựa hết sức tỉnh táo. Tôi nhìn tôi dính nhựa, nhưng không gì gỡ được tôi khỏi nồi nhựa. Và tôi sắp rời thế gian này với hai gót giày nhựa.
Đúng mười năm sau buổi chiều ông mở cánh cửa tôi ngồi bên trong, Thầy Tu qua đời, tôi giã từ nhà thương điên. Thầy Tu chết cô đơn. Bao giờ tôi cũng thấy ông cô đơn, chẳng hề ra khỏi khuôn viên nhà thương điên, ngủ trên một chiếc giường xếp kê ngay trong văn phòng. Ấy là nỗi cô đơn của cục nhựa tự lăn đi, không còn dính nữa, không gắn vào đâu và đợi lúc rã tan. Từ khi đến nhà thương điên vùng Corrèze này, Thầy Tu chẳng bao giờ gặp lại người vợ ông đã cưới hai mươi năm trước (Khi còn trẻ, do tham vọng, ta mơ tưởng hôn nhân như một chén thuốc cho ta quên tình yêu và nghĩ đến chuyện khác, Thầy Tu nói. Cốt yếu là tìm được kẻ tương hợp để cùng chia sẻ nồi nhựa. Sau đó thì chỉ việc níu lấy nhau, bám lấy nhau. Một khi thành nếp rồi, ta có đi đâu cũng với hai gót giày nhựa sẽ lại đưa ta trở về với lầm lỡ ban đầu). Thầy Tu đã đến nhà thương điên vùng Corrèze này, đã cho đặt chiếc giường xếp trong văn phòng ông và không bao giờ bước chân khỏi cửa nhà thương nữa. Ông mang theo những cuốn sách ông đọc mỗi đêm cho đến khuya. Thầy Tu có vẻ một người chạy trốn chính bóng ma của mình. Ông chạy trốn thành phố lớn, người đàn bà ông đã cưới hai mươi năm trước, bệnh viện do ông điều khiển, để giạt vào nhà thương điên vùng Corrèze này. Ông đã chuồn (Trong tất cả các khả năng con người có được, khả năng chuồn, Thầy Tu nói, là khả năng chúng ta sử dụng kiên trì nhất : cả đời chúng ta dính nhựa và hễ có cơ hội tháo gỡ nhựa là chúng ta chuồn, chúng ta lủi, khư khư với hai gót giày nhựa). Thầy Tu đã chuồn trước bóng ma một người con gái. Cô hai mươi tuổi. Cô vào khoa bệnh của Thầy Tu sau khi trải gần cả đời mình trong các bệnh viện, dưỡng đường. Cô không còn tên họ nữa. Cô là Hoa Miên. Cô ngủ và không nói năng gì, khi thức giấc cô vẫn nằm lì trên giường, đầu lắc lư khi bắt buộc phải đứng lên. Giờ tản bộ, cô đi chúi về phía trước, vai khom, hai hàng mi khép hờ, cô níu tay người y tá, rồi trượt chân, cô vụt ngã sóng soài, như một khối vô tri. Thế là phải khiêng cô về giường, cô lại ngủ hàng giờ đồng hồ, thức giấc bao giờ cũng là choàng tỉnh. Cô ngồi dậy trên giường, há miệng như là gắng hết sức để nói, nhưng không một âm thanh nào thoát ra, gương mặt nhăn nhúm đau đớn mà không nói được một lời. Cô chỉ phát ra những tiếng nấc, rồi, nản chí, cô lại chìm vào giấc ngủ.
Không có gì gớm tởm hơn, Thầy Tu nói, một kẻ đã lẩn tránh chính mình, sắp xếp đời mình như một nghiệp vụ mình được thừa kế, chỉ việc gọi thêm hàng và cuối năm lo kiểm kê. Tôi chẳng làm chút gì phá bỏ cái cuộc đời gớm tởm ấy. Thật gớm tởm kiếp sống của tôi, gớm tởm niềm tin tôi hữu dụng, gớm tởm những tình cảm đối với vợ tôi, gớm tởm sự hiện diện bên tôi cái cây khô cằn kia, cái cây, do chức vụ của tôi, ý thức một cách gớm tởm địa vị mình có quyền đòi hỏi trong màn xiếc đó, gớm tởm tôi ngoan cố giả điếc, không nghe cái tiếng nói bé nhỏ kia, cái tiếng nói, những lúc thanh vắng cô đơn, nhủ tôi rằng tôi đã bỏ rơi tôi, tôi bước tới mà quên chính mình. Tôi đã mất dấu tôi tự bao giờ ? Tôi thường nằm mơ thế này. Tôi bước đi trong đêm khuya giữa một phố tối tăm, vắng ngắt. Tôi tìm một địa chỉ. Phía xa sáng rực một đèn bảng hiệu. Tôi lại gần. Bên trên cánh cửa nặng nề có khoan một lỗ nhìn bọc lưới sắt, tôi đọc thấy số 00 – con số ghi trên mảnh giấy tôi cầm trong tay, và hàng chữ nê-ông Cha vô danh. Một khuôn mặt hiện ra sau lỗ nhìn. Tôi vụt chạy. Sau cánh cửa gỗ nặng nề yên nghỉ những thèm muốn sẩy non, những cuộc tình vỡ nát, những khao khát lạc loài. Đấy là cửa hàng những ân hận thiên thu.
Tôi đã phải lánh cho xa cánh cửa ấy, quẩn quanh với kiếp sống gớm tởm, ban ngày bưng mắt đến đêm mới mở ra trân trân nhìn hai con số không, hai con số tròn trịa, láng mướt, tuyệt không một cách tuyệt vời. Tôi là một con chim trụi lông ấp trứng thối, một lão già khẳng khiu giữa hai chân chỉ còn là hai cái túi nôn mửa. Tiếng nói bé nhỏ nhắc tôi Cha vô danh, nhưng tôi nhất định không đẩy cánh cửa những ân hận thiên thu.
Một lần nữa, tôi trốn vào sách vở. Nhờ sách vở, tôi đã đạt được một thỏa hiệp với chính tôi, nuốt trôi được nỗi chán ghét. Sách vở từng cứu vớt tôi. Lại là một cuốn sách khiến tôi sụp đổ. Tôi đọc trong Nhật kí của một triết gia đoạn này : một người say lang thang các đường phố cùng đám bạn rượu của mình, họ gặp một người đàn bà, hẳn là gái giang hồ, người say qua một phần đêm với cô ta. Rồi đám bạn đưa về nhà. Hôm sau, anh không còn nhớ chút gì về đêm trước, nhưng khi thức giấc anh tin chắc rằng, trong mấy tiếng đồng hồ ấy, anh đã thành cha. Những ngày, những tuần sau đó, anh tìm dấu cô gái giang hồ. Nhưng hoài công. Bao năm qua đi, anh không lập gia đình, vẫn sống một mình, mỗi khi đi đâu bước chân anh luôn luôn tìm đến những xóm yên hoa. Anh chăm chăm nhìn những đứa trẻ gặp trên đường và nghĩ có đứa hao hao giống mình.
Tôi gấp cuốn Nhật kí của triết gia lại. Một khuôn mặt hiện ra rất rõ ràng trong trí tôi, khuôn mặt một thiếu phụ đôi mắt to và đen, sau cửa kính quán ăn một nhà ga — tôi cố nhớ lại tên thành phố trên mạn Bắc ấy, nhưng tất cả đã mất tăm trong nồi nhựa. Chỉ còn dấu vết một đêm, hai mươi năm trước, trong một khách sạn gần nhà ga ở thành phố trên mạn Bắc ấy và kỉ niệm một mái tóc ngát hương trà, hai con mắt to và đen cẩn trên một khuôn mặt tái xanh. Đôi mắt to và đen ráo hoảnh. Ngó sững tôi không đợi chờ, không ảo tưởng. Biết tôi là một kẻ nuốt nhựa. Tôi tự hứa sẽ không quên tên thành phố trên mạn Bắc ấy, sẽ tìm lại người thiếu phụ không khóc, tự nhận chưa bao giờ khóc ấy. Đôi mắt to và đen ngó tôi qua cửa kính quán ăn nhà ga. Tôi trở lại xe lửa. Tôi trở về bên người vợ mới cưới và không thể sinh con cho tôi. Tôi lại chìm trong nhựa. Hết những gì khác đều mất tăm.
Tôi lại mơ thấy hai con số không. Phía sau lỗ nhìn bọc lưới sắt, đôi mắt to và đen ngó sững tôi. Nhưng một kẻ nuốt nhựa bao giờ cũng tập không sợ các giấc mơ. Tôi tự cấm mình sắm những ân hận thiên thu trong cửa hàng hai con số không ấy. Tôi tự cấm mình nhớ tên thành phố trên mạn Bắc ấy, và gương mặt người đàn bà chưa bao giờ khóc ấy. Tôi tự cấm mình đi nhìn chòng chọc lũ trẻ trong các công viên để mong nhận ra con tôi. Tôi có nhiệm vụ phải chu toàn. Đã hai mươi năm, tôi săn sóc người điên, nạo da họ, cho họ thành sạch sẽ, ngoan ngoãn, và đã hai mươi năm chỉ cho họ con đường ngắn nhất đến với nồi nhựa.
Người ta đã giao phó Hoa Miên cho tôi vì mục đích ấy. Tôi có bổn phận gắn đinh sắt vào giày cô, đưa cô đến với nồi nhựa. Cô ngủ li bì, phải tập cho cô dính nhựa. Cô mới nhập khoa tôi được vài ngày. Từ cửa sổ văn phòng tôi, tôi nhìn thấy cô bước đi trong vườn, vai khom, người chúi về phía trước. Tôi chán ngán nghĩ cô không xứng đáng với cái tên người ta đặt cho, cô giống một con trùng hơn là một bông hoa.
Suốt tuần lễ ấy, tôi tìm đủ cớ để khỏi gặp cô. Rồi, một buổi trưa, tôi nhẹ bước, một mình, vào phòng cô. Giường bên giường cô không có ai. Ánh nắng chiếu sáng khắp phòng. Hoa Miên ngủ say, chăn tuột cả xuống chân. Tóc rối che lấp mặt. Nằm co, trong lớp áo trắng tinh để lộ đôi chân trắng như sữa, cô khiến tôi nghĩ đến một con gián rớt vào thạch cao mà chết. Tôi không đánh thức cô. Tôi đứng dưới chân giường. Tôi đợi. Cô ngủ thật êm. Hơi thở nhẹ như không.
Cô choàng thức giấc. Ngồi bật dậy trên giường, hai mắt mở lớn. Cô kinh hoàng ngó trân trân kẻ lạ đã vào phòng trong lúc cô ngủ. Tôi lùi một bước. Hai con mắt to đen nhìn sững tôi. Hoa Miên há miệng, mặt nhăn nhúm lại. Tôi chạy trốn khỏi căn phòng. Tôi giam mình trong văn phòng tôi và không bước ra cho đến tối. Trước đó tôi đã yêu cầu nhân viên đem cho tôi hồ sơ Hoa Miên. Trên trang đầu ghi chú Sinh tại B., cha vô danh. Tôi rời bỏ bệnh viện. Tôi biết tôi sẽ không trở lại. Cánh cửa những ân hận thiên thu đã mở ra, người đàn bà đôi mắt to và đen bước lại phía tôi. Tôi đã quay về khởi điểm : 00.
Một tháng sau, tôi đến Corrèze.
Một đêm đông, một người đàn ông trong phòng mình đi đi lại lại trước ánh lửa lò sưởi. Cô đơn. Ấm áp nhưng cô đơn. Anh tự nhủ bên ngoài có lẽ có những người lang thang trong giá rét và cô đơn. Anh bỏ thêm một khúc củi vào lò sưởi, lấy áo khoác – anh phải cứu những người anh tưởng tượng đang run lập cập trong đêm khuya... Sáng sớm, anh trở về, mệt lả, một mình. Trước cửa nhà, anh vấp phải một khối bất động. Thi hài một người đàn bà chết rét. Anh bước qua xác chết, về phòng mình, giam mình trong phòng và tự tử. Chuyện tôi thế đấy, Thầy Tu bảo. Hoặc cứu cô ta, hoặc tự tử. Nhưng tôi đã nuốt quá nhiều nhựa. Tôi bỏ trốn.
- Chương I
- Chương II
- Chương III
- Chương IV
- Chương V
- Chương VI
- Chương VII
- Chương VIII
- Chương IX
- Chương X
- Chương XI
- Chương XII
- Chương XIII
- Chương XIV
- Chương XV
- Chương XVI
- Chương XVII
- Chương XVIII
- Chương XIX
- Chương XX
- Chương XXI
- Chương XXII
- Chương XXIII
- Chương XXXIV
- Chương XXXV
- Chương XXVI
- Chương XXVII
- Chương XXVIII
- Chương XXIX
- Chương XXX
- Chương XXXI
- Chương XXXII - Hết