Chương XV
Nghĩ cũng lạ : số kiếp tôi, cũng như số kiếp con bé, dính liền với sách vở. Trong gia đình này chỉ có hai ngả để lựa chọn mà thôi : hoặc hoá điên, hoặc kiếm ra tiền. Kẻ nào không biết cách thủ tiền đầy túi thì chỉ còn một lối thoát, hoá điên. Trong gia đình này, đầu óc chỉ dùng để tính toán, lừa đảo người khác, bịp bợm bạn bè. Ai không thiết ăn xài bạc vàng ắt là người loạn óc. Trong gia đình này, người ta vẫn luôn luôn vượt thắng nỗi lo sợ di truyền bệnh hoạn bằng cách đắp vun gia sản. Mượn lời tiền bạc cho những tiếng nói khắc khoải phải câm nín. Họ bao giờ cũng sống chỉ với mục đích duy nhất ấy : thu lượm bạc tiền, luôn luôn thêm bạc tiền, đeo kim cương nơi các ngón tay, vàng trên cổ, trên tay, nơi hai mắt cá, dát vàng cái đống bùn nhơ của họ, ngồi lên trên và không nghĩ ngợi gì, đầu óc rỗng tuênh toang.
Trong gia đình này, không ai đọc sách cả, đọc sách gây nhức đầu, đọc sách độc hại, đọc sách là một căn bệnh, phải tránh cho xa. Trong gia đình này, cuộc sống tâm linh thế tất lụi tàn. Đầu óc không dùng để suy nghĩ, đọc sách, xem tranh, đầu óc chỉ dùng tính toán lời lãi, trộm cắp nơi này, bòn rút nơi kia. Con bé với tôi, chúng tôi đã chọn cùng một cách để đoạn tuyệt với truyền thống gia đình : con bé đã lựa chọn do ảnh hưởng cha nó, cái kẻ chỉ đem về được đồng luơng nhỏ mọn, chẳng bao giờ biết cho tiền sinh lời, có vài đồng trong túi là đi mua những thứ vớ vẩn – cho mình hoặc cho con. Do ảnh hưởng cha nó, con bé biết mở mắt, biết kiếm tiền chỉ để thỏa một ý ngông; do ảnh hưởng cha nó, con bé không chịu để nguời ta đeo chuyền vàng lên cổ, tròng hột xoàn vào ngón tay. Nó biết thở, nó biết đưa vào đầu óc những gì khác hơn là sổ sách chi thu. Nó buộc số kiếp nó với sách vở. Một cách kiên trì. Tôi cũng vậy, một cách vô thức. Sách vở đã cứu chúng tôi, con bé với tôi. Không có sách vở, tôi dám chắc nó chẳng sống được. Còn tôi, nếu tôi không trầm mình trong mớ văn hóa hỗn độn, đạt được chẳng theo lề lối, quy củ nào, hẳn tôi đã tiêu ma, hẳn tôi đã tiêu ma ngay từ những tháng đầu trong nhà thương điên vùng Corrèze này. Tôi thoát được là nhờ Thầy Tu. Hồi đó tôi chưa biết tiếng Pháp. Ai hỏi gì tôi cũng lặng thinh. Và cũng chẳng ai ngạc nhiên. Tôi là gã điên lầm lì. Tôi ở đó là do gia đình. Khi còn trong Nước, tôi chỉ bị nhốt mà thôi; nếu tôi có hơi quá nhộn nhạo thì người ta xiềng tôi lại. Nhưng chưa bao giờ tôi phải chịu một lối trị liệu triệt để nào. Đưa tôi đến nhà thương điên này, họ; đã hi vọng tiêu diệt tôi. Dẫu cho tôi không bị hủy hoại đi nữa, họ cũng không còn vướng mắc với tôi. Vào cái nhà thương điên vùng Corrèze này, tức là đã chết, tức là đã đem chôn.
Tôi đã thành người điên giữa đám người điên nói một thứ tiếng tôi không hiểu. Trước kia, tôi vẫn nhất định không theo cái thói thời thượng trong gia đình là phải biết bi bô bằng tiếng Pháp. Không ai đòi người loạn óc phải tiếp khách, cho nên họ đã tha không bắt tôi học ngôn ngữ ấy. Họ đã đạt mục đích của họ : cô lập tôi, nhốt tôi giữa những người nói một thứ tiếng tôi không hiểu, cách li tôi, chỉ định tôi phải chết. Tôi ắt phải lụi tàn, thế tất thành loạn óc. Không có Thầy Tu hẳn mọi chuyện đã diễn ra đúng như ý họ. Khi lần đầu gặp Thầy Tu, tôi vừa sống sáu tháng trong phòng tập thể – phòng cho bốn người. Tôi vẫn tự nhủ : phải đề kháng, bằng bất cứ giá nào. Tôi nói chuyện với chính mình, tôi giữ đầu óc sáng suốt, cảnh giác không để trí tuởng tượng lầm lạc. Nhưng sự tự vệ của tôi bắt đầu suy yếu. Có những buổi sáng, tôi sao nhãng tập luyện tâm thần như tôi vẫn chăm chỉ làm, tức là hồi tưởng từng chi tiết biến cố đã đưa tôi đến cửa nhà thương điên này. Nhưng ngay cả khi tập luyện, tôi cảm thấy bóng tối lan dần trong đầu óc tôi, bất hạnh của tôi càng ngày tôi càng nghĩ là kết quả một âm mưu, và, ban đêm, tôi mơ thấy những kẻ chủ mưu mang gương mặt những người nằm ở ba giường kia. Có những chiều, tự dưng tôi cũng rền rĩ cùng với những người khác, trong khi, trước kia, tôi vẫn bịt chặt tai để khỏi nghe tiếng họ, nhét khăn trải giường vào miệng cắn chặt để khỏi hét lên. Tôi đã xuống dốc rồi.
Tôi không còn ý chí chống chọi. Tôi bỏ cuộc. Thế rồi một buổi chiều, cánh cửa mở ra, và Thầy Tu xuất hiện. Ông đảo mắt nhìn những người cùng phòng với tôi đều đã ngủ say vì thuốc. Tôi, tôi vẫn được quyền muốn ngủ muốn thức lúc nào tùy ý, tôi là một người điên lặng lẽ, lầm lì, người ta để mặc tôi không ngủ, người ta cho phép tôi mặc tình oán thù. Thầy Tu nhìn tôi. Ông hỏi tôi một câu. Tôi không trả lời được. Tôi đang ngồi quay ra cửa, chân thõng ngoài giường. Tôi chỉ nhìn lại Thầy Tu. Ông ta hai má hóp, mắt hơi lác. Tôi chú ý nhất đến tóc ông. Tóc cạo nhẵn. Như chúng tôi. Ở đây, nhìn tóc là phân biệt được bệnh nhân với y tá hay bác sĩ. Bệnh nhân thường xuyên phải xếp hàng đi cạo đầu. Cứ hai tuần lại được tông-đơ hớt đỉnh đầu. Họ bảo như thế cho vệ sinh. Nhưng mắt mấy người y tá sáng lên vui thích khi người ta cạo đầu đám chiên ghẻ. Sau đó thì không ai lầm lẫn được nữa : bằng mắt thường cũng phân biệt được người điên với nguời tâm trí lành mạnh. Làm sao không mang vẻ trì độn cho được, với cái sọ trọc lốc, chút ít tóc lởm chởm ? Người điên không còn mặt nữa, đó là những quả trứng rỗng người ta đã vẽ lên nét nhăn nhó. Thầy Tu tóc cạo nhẵn, như chúng tôi. Tôi đã tưởng tôi lầm. Rằng đấy không phải là một bác sĩ, nhưng là một bệnh nhân đã lấy trộm áo choàng trắng trong phòng quần áo các y tá. Thầy Tu quay đi, kéo cửa đóng lại.
Nội việc Thầy Tu xuất hiện, chiều hôm ấy, đủ khiến tôi lấy lại hi vọng. Tôi sắp buông trôi, tôi chấp nhận từ từ chìm đắm, tôi sắp bó tay, tôi sắp chịu thua gia đình. Và rồi, thình lình, một cánh cửa mở ra, một con người ra dấu cho tôi. Tức thì, tôi vọt lên, bám chặt lấy cành cây tôi vừa buông rơi. Mỗi chiều, trong khi những người cùng phòng say ngủ, tôi vẫn ngồi, mặt hướng ra cửa, tôi chờ. Tôi chờ cho đến lúc quá mệt phải ngả đầu lên gối. Tôi ngủ thiếp đi như thế, nửa người ngoài giường, hai chân thõng trong khoảng không. Sau một tuần chờ đợi, tôi thấy cánh cửa mở ra. Thầy Tu cầm trong tay một cuốn sách dày cộp khổ nhỏ, trông như một cuốn sách cầu kinh. Ông mỉm cười. Chính hôm ấy tôi nảy ra ý nghĩ gọi ông là Thầy Tu. Ông lại bên tôi. Tôi vẫn ngồi, tay đặt trên đùi, hai bàn tay mở. Ông đặt cuốn sách vào tay tôi và bỏ đi không nói một lời. Tôi vừa rã rời vừa hưng phắn. Rã rời vì phải lại bắt đầu chống chọi. Hưng phấn vì biết mình đã thoát. Có một người cho rằng tôi đáng được cứu vớt.
Cuốn sách tôi cầm trong tay là một cuốn từ điển song ngữ. Tôi mở sách, tìm tiếng Pháp nào có nghĩa Thầy Tu. Tôi không tìm một từ nào khác. Đọc đi đọc lại cái từ tinh khôi vừa học đuợc ấy, tôi ngủ thiếp đi, tay ôm chặt cuốn từ điển. Những tuần lễ tiếp theo, tôi bỏ hết thì giờ đọc cuốn sách nhỏ ấy, hết trang này qua trang khác. Lúc nào tôi cũng ôm chặt nó bên mình, dù trong giấc ngủ. Tôi sợ những người cùng phòng chiếm mất nó. Tôi sợ họ xé nó, lấy cắp nó. Tôi chăm chú nghe mấy người y tá. Tôi cố gắng nắm được, nhận ra các từ, rồi sau đó tìm nghĩa trong từ điển. Cuốn sách nhỏ là bùa chú của tôi. Các y tá đổi thái độ ngay đối với tôi khi thấy tôi có cuốn sách. Vài người tỏ ra hiền dịu hơn, nói với tôi thật chậm để tôi kịp nhớ hết các từ rồi sau đó tìm nghĩa trong sách. Đôi khi tôi ngã lòng, hàng tuần không moi ra từ trong sách, vì tôi chỉ ghi nhận trong trí cách phát âm mà thôi. Tôi tìm ra cách giải quyết. Tôi chọn một trong những người y tá tỏ ra hiền dịu với tôi. Tôi lập lại với anh ta cái từ như tôi đã nghe được và chìa ra cuốn từ điển. Anh ta mở sách và chỉ cho tôi từ ấy. Từ đó, tôi không chỉ tìm hiểu nghĩa các từ mà thôi, tôi học cả cách viết nữa. Có những người y tá khác, ngược lại, thấy tôi tìm đến thế giới văn minh của họ, bèn tỏ ra thô bỉ, hung bạo với tôi. Họ dọa tịch thu cuốn sách của tôi. Tôi không sợ, một khi tôi được Thầy Tu che chở. Những người y tá ấy nhìn tôi một cách thù hằn, ngờ vực – tôi tham vọng xóa nhòa biên giới, tôi muốn qua phía những người bình thường –, họ nghi ngại theo dõi những toan tính của Thầy Tu, người họ không hiểu tại sao cạo trọc đầu.
Thầy Tu thường trở lại thăm tôi. Ông ngồi bên tôi, trên giường, móc trong túi áo choàng cái tẩu và chậm chạp nhồi thuốc. Ông lên tiếng mà không nhìn tôi, miệng cắn chặt cái tẩu chưa đốt. Tôi tin chắc ông kể cho tôi chuyện ông, kể một biến cố đau khổ đã xảy ra trong đời ông, nhưng điều ấy, tôi đoán ở mắt ông, ở cách ông ngồi, chút nào thu mình lại, vai khòm xuống, tay trái đặt trên bụng, khuỷu tay phải tựa trên đầu gối. Ông nói giọng rắn rỏi nhưng dịu dàng, cái tẩu cầm tay. Ông thấy ở nơi tôi một người vùng vẫy, lội ngược dòng, suýt ngạt thở và chết đuối, nhưng vẫn không thôi chống chọi, không để mình cho sóng dập vùi. Còn ông, Thầy Tu, con mắt của ông là con mắt người đã coi đời mình không còn nữa.
Tôi nhớ tới Thầy Tu vì một cuốn sách tôi đọc lướt qua ở thư viện về một họa sĩ thành Vienne. H.B. vẽ những hình khỏa thân phủ đầy những vệt tối, như những hòn đất phủ lên một nấm mộ. Nhất là cặp mắt làm tôi sợ, cặp mắt giống như hai miếng bóng tối. Bức tự họa của H.B. cũng khiến tôi có cảm giác dị kì như khi nhớ lại Thầy Tu. Cả hai người đều cho ta cảm tưởng họ muốn lừa thiên hạ, đưa ra với người khác một gương mặt thanh thản. Cái nhìn của họ phản bội họ. Cái nhìn của họ – tiếng kêu câm nín của họ – nói lên, Ai cũng sống bằng sự ghê sợ mình đã chứng kiến. Cái nhìn của họ nói lên, Chứng kiến, tức là đau khổ. Chứng kiến, tức là học sống với một màng mắt tang tóc. Tôi tìm hiểu chi tiết cuộc đời H.B. Tôi được biết rằng, năm 1931, để thực hiện một tập phác họa, ông đã dựng giá vẽ trong phòng phẫu tích tử thi của bệnh viện Thánh Joseph thành Vienne. Sáu tháng trời, đều đặn như một công chức, ngày nào ông cũng tới xưởng vẽ tạm thời của mình. Sáu tháng trời, ông tái tạo những thây người đang rữa dần. Một buổi chiều, vào lúc ra về, họa sĩ mới thấy cửa phòng khóa chặt. Một người y tá, do sơ ý, đã nhốt ông. H.B. qua đêm bên những xác chết. Sáng sớm, khi được giải phóng, H.B. trông không có gì thay đổi (ba muơi bảy tuổi, có vợ, một con). Tuy nhiên, đôi mắt ông biểu lộ biến thái. Đôi mắt đã mất vẻ tinh anh. H.B. đã vào phòng ấy với đôi mắt khách viếng thăm. Ông rời phòng phẫu thuật với đôi mắt khác. H.B. sau cùng đã thấy, sau cùng đã biết. Từ nay ông biết rằng sống, tức là có khả năng chứng kiến sự ghê rợn. Những xác chết của H.B. không có gì là kinh khủng cả. Mà như những con sứa hiền hòa. Cuốn phim nội tâm của ghê tởm từng rọi trên màng mắt họ hết rồi. Người chết trở lại với sự thơ ngây như trẻ sơ sinh nhắm mắt không để ánh sáng thế gian lọt qua hai hàng mi. Thầy Tu là người, sống sót sau một trận hỏa hoạn, nghĩ ngợi có lẽ chết giữa đám lửa lại hay hơn là sống với những vết bỏng khoét đục xác thân. Tôi là kẻ nơi biên thùy, giữa điên rồ và sáng suốt. Thầy Tu nhìn tôi chơi trò người đi dây, ông còn do dự : nên tiếp tục theo dõi tôi và chờ lúc tôi ngã vào cõi điên, hay đưa tay cho tôi nắm, đưa tôi qua cõi Lí trí ? Cái nhìn của Thầy Tu là một cái nhìn tang tóc, chẳng khác H.B. Ông cũng từng phải chịu một biến thái. Chuyện Thầy Tu, hàng năm sau tôi mới biết. Mười năm, đúng từng ngày mười năm sau buổi chiều ông mở cánh cửa tôi ngồi bên trong, sắp để mình trôi vào tuyệt vọng, Thầy Tu qua đời, tôi rời nhà thương điên. Trước khi nhắm mắt, Thầy Tu đã yêu cầu viên giám đốc nhà thương điên cho phép tôi xuất viện mà không báo tin cho gia đình, tìm cho tôi một chỗ ở với một việc làm, một việc làm, ông còn căn dặn, vẫn để tôi có thì giờ đọc sách. Thế là sau đó ít lâu, tôi đến ở căn phòng này của chung cư Vườn Táo và được người ta mở lòng nhân cho vào làm việc trong thư viện.
Ở nhà thương điên, chiều chiều Thầy Tu ghé thăm tôi một lúc ngắn. Ông đem cho tôi vài tờ xé ra từ một cuốn sách. Tôi đọc, tôi tìm các từ trong từ điển. Có khi chỉ một câu tôi mất trọn một ngày mới hiểu nghĩa. Bao nhiêu năm làm thầy tôi ấy, ông bao giờ cũng chỉ đem cho tôi từng đoạn sách. Hồi đầu, ông đặt vào tay tôi những trang tiểu thuyết hoặc tiểu sử. Tôi thích truyện đời, tôi đọc ngấu nghiến như kẻ bị cách li đọc tin thế giới. Khi tôi đã vững tiếng Pháp hơn, không còn mỗi từ mỗi tra từ điển, Thầy Tu đưa tôi đến với thi ca. Ông đem cho tôi một bài thơ duy nhất mỗi lần viếng thăm. Tôi đòi thêm, ông cười mà bảo chớ để thi ca khiến tôi thành hết chữa. Tôi trách ông cho tôi biết thích văn chương nhưng để tôi hoàn toàn chẳng biết đâu vào đâu. Tôi biết đoạn này đoạn kia của các kiệt tác, nhưng ngay tên tác giả tôi cũng chẳng hay. Thày Tu khuyên tôi trau giồi cảm tính thay vì nhồi sọ cho đầy. Tôi chớ nên học thói, như những kẻ khôn ngoan, thích cái gì cũng đem phân loại. Tôi học được ở ông không dán nhãn các ý thích của tôi, không xử sự như một anh cảnh sát uyên bác, không lập phiếu những bài thơ đã giúp tôi vượt sông, ra khỏi xứ người điên nhưng chẳng vào xứ người bình thường.
Bạn tôi đã khiến tôi ham sống trở lại. Ông lấy được, trong khu các y tá, một phòng riêng cho tôi. Một căn phòng một chiều ba thước, một chiều bốn thước. Một phòng cất quần áo người ta sắp xếp sơ sài cho tôi.
- Chương I
- Chương II
- Chương III
- Chương IV
- Chương V
- Chương VI
- Chương VII
- Chương VIII
- Chương IX
- Chương X
- Chương XI
- Chương XII
- Chương XIII
- Chương XIV
- Chương XV
- Chương XVI
- Chương XVII
- Chương XVIII
- Chương XIX
- Chương XX
- Chương XXI
- Chương XXII
- Chương XXIII
- Chương XXXIV
- Chương XXXV
- Chương XXVI
- Chương XXVII
- Chương XXVIII
- Chương XXIX
- Chương XXX
- Chương XXXI
- Chương XXXII - Hết