Chương XIII
Không phải là một người cha, mà là một định kiến. Những người đàn ông con bé nói thương yêu đều đã là nạn nhân của định kiến ấy. Nó đã nhìn xét, thúc bách, gọt rũa, diễn đạt những người ấy cho tới khi họ chỉ còn là sao cóp người cha. Hễ phát hiện một ai đó có năng khiếu thủ vai thế người cha, tức thì nó tung lưới tóm lấy, người ấy vùng vẫy đến mấy nó cũng van nài phải giống với định kiến của nó. Nhưng đạt ý nguyện rồi, nó lại nghi ngờ ngay nguời tình ấy chỉ giả bộ mà thôi, nghi ngờ người cha ấy chẳng phải cha thực. Và thế là nó sống với chờ đợi, rồi với xác tín bị lừa gạt, phản bội.
Con bé từng kể cho tôi chuyện ông già mù với đứa cháu gái sống trong toa một con tàu bỏ phế. Hồi đó, nó mang vẻ một đứa nhỏ ngổ ngáo, với cặp đùi gầy gò, mái tóc chải rối, chẳng rời ông bố nửa bước. Trông hai cha con người ta tưởng ông điều khiển con gái, nhưng thực ra chính nó dẫn đường cho ông. Hai má ông hóp sâu, lưỡng quyền nhô cao, và ông mang kính đen. Con bé níu chặt tay ông. Hai người rẽ một lối đi giữa đám nhân loại, tựa hai con thú nhỏ câm nín, càng hãi sợ lại càng hung hăng. Tôi vẫn nhớ người đàn ông mang kính đen và con bé ngổ ngáo. Nó thì không chịu nhớ nữa. Nó không còn cần níu tay cha mà đi. Bây giờ nó tiến bước một mình. Có ngã nó cũng đứng lên một mình. Người cha, ông ngã đã mấy năm nay rồi và không đứng lên đuợc. Nhưng nó không quan tâm nữa. Không phải chuyện nó nữa. Nó không còn là con bé ngổ ngáo. Bây giờ nó có tư thế, có sức mạnh. Nó đã tiến lên, bỏ lại rất xa người đeo kính đen. Trước, với ông, nó thích làm con bé ngổ ngáo, nó mặc chiếc áo kẻ ô vuông đỏ, chiếc áo có hai túi đằng trước và một cái nơ to tướng sau lưng. Cái nơ hơi sờn, hai cái túi đã xộc xệch, nhưng cha nó thích nó mặc như thế. Với tôi, nó mặc chiếc áo hồng đính ren, hoặc mặc váy xếp nếp. Với tôi, nó làm con bé ngoan hiền, với cặp giò rám nắng và làn da mát dịu. Nó tai ác ngấm ngầm. Ai muốn nó thế nào nó sẽ như thế. Người đeo kính đen thích đứa con gái ngổ ngáo, phóng xe đạp qua các ngoại ô. Nó biết làm vừa lòng ông. Tôi thì tôi chỉ muốn nó là một vì sao nhỏ thỉnh thoảng rọi sáng khung trời ý thức của tôi. Và, hết sức chu đáo, nó đã là ánh sáng cho kẻ khật khùng.
Cớ gì tôi lại đi giúp cái khuynh hướng vô ơn của nó kia chứ ? Nó chán Ảo Tưởng Đệ Nhất rồi, nó muốn những cái mới lạ. Nó thèm thuồng những phát hiện, nóng lòng xáo lộn tông chi gốc gác, viết lại lịch sử đời nó. Nó sôi nổi đòi có chân dung người cha mới. Và nó quên, nó đã quên rồi vị thế trong bao nhiêu năm của người kia, nó đã quên rồi giá trị bao nhiêu lâu của khuôn mẫu cũ. Nó không còn muốn biết ông đã giữ vai người cha, người hướng đạo. Bây giờ ông chỉ còn là một món đồ xác xơ sau bao nhiêu lần bị đem lên bàn mổ những ám ảnh. Một thời gian sau thì chẳng còn chút gì. Chỉ còn một bộ da già nua con bé treo trong tủ kỉ niệm của nó. Chỉ còn một vai trò chẳng đẹp đẽ gì : kẻ thất bại, kẻ tôi tớ của khốn cùng. Trước, nó thích tưởng tượng, mô tả ông thế này : người bị sỉ nhục, bị nhạo báng. Nó đã chăm chút hình ảnh ấy như người ta nuôi thỏ trong chuồng. Bây giờ, nó bỗng thèm rửa chuồng, đem thỏ ăn thịt. Không, tôi tất sẽ không giúp nó. Con bé quên rồi.
Nó quên rồi những cánh diều cha nó cắt báo làm cho nó; ông bóp từng hột cơm làm hồ dán. Nó quên rồi những lần hai cha con đi chơi, đi bộ hay đi xe đạp. Hai cha con ít nói với nhau. Mặt ông lúc nào cũng ưu tư. Nó đi bên cạnh, lặng lẽ. Thỉnh thoảng, nó ngước lên nhìn ông, ông ngó lại, họ cười với nhau. Có lẽ con bé thầm thù ghét tôi, vì tôi đã chứng kiến những cảnh ấy, những cảnh chứng tỏ nó có một người cha mà bây giờ nó định tâm phản bội; nó nhảy dựng lên ngay khi người ta cho nó hay nó có thể tưởng đến một khuôn mặt người cha khác. Và người cha này, nó sẽ hoá trang ông ta thế nào đây ? Kẻ quyến rũ, kẻ khinh bạc, người nước ngoài. Người đã không muốn vuớng bận vì nó. Người đã gạt nó khỏi đường đời mình.
Tôi nhớ lại, cha nó với nó, nắm tay nhau, ngoài chợ. Họ từ hàng này sang hàng khác. Thấy gì nó cũng hỏi han cha. Tay nó xách giỏ. Nó nhất định đòi xách dù giỏ đầy và nặng chĩu.
Tôi lại nhớ hai cha con đào một cái lỗ ngoài sân nhà, bỏ xuống một cái hột. Tuần này qua tuần khác, họ mong mỏi một cái cây sẽ mọc lên từ lớp đất khô cằn này, trên mảnh đất tí hon này. Phép màu đã đến. Ngày ngày, đi làm về, cha nó gọi nó, hai người ngồi xổm cùng ngắm cây mọc. Tôi nhớ, hai năm sau, họ vui sướng dường nào vì cây lớn nhanh, dưới bóng ngôi nhà, nơi góc sân ấy.
Tôi nhớ lại cha nó ngoài sân sau nhà. Ông mua gỗ đem về đóng một cái bàn viết cho nó, và sơn màu xanh da trời như nó đã đòi. Tôi nhớ lại nó trong túp hàng giấy cũ. Hồi đó con bé lên mười. Sau này, lớn lên, nó thành sợ sệt, nhút nhát, kín đáo; nhưng vào tuổi ấy, nó lại tỏ ra táo bạo. Nó chạy vạy kiếm tiền. Cha nó có đồng lương nào đều đưa cho vợ cả. Mỗi khi ông thèm một chút gì bất thường, thuốc lá, ruợu hay sách, chính là con bé lo tiền cho ông. Nó đem nhật trình, tạp chí cũ bán hàng kí cho người chủ cái túp hàng tối tăm kia. Tôi nhớ lại nó, mặc chiếc áo kẻ ô vuông đỏ, cong mình trên chiếc xe đạp nhỏ với một chồng báo cũ buộc ở yên sau. Nó sục sạo khắp thành phố, tìm cách kiếm ra tiền.
Tôi nhớ lại họ ngồi bên bàn trong bếp. Cha nó vừa mua cho nó hộp bút chì màu. Ông dạy nó vẽ. Nó vụng về, nhưng không nản chí, đầu nghiêng một bên, mấy ngón tay nắm chặt cây bút. Trong lúc nó tập thì cha nó vẽ nó.
Tôi nhớ lại con bé, lúc xế chiều, trước cửa trường nơi nó học tiếng Pháp. Đường phố vắng dần, học trò lần lượt đã về hết. Nó đợi. Nó mặc chiếc váy xếp nếp kẻ ô vuông xanh, chiếc áo trắng cổ tròn, mang tất ngắn, rất chỉnh tề, trừ đôi giày da nâu đã hơi sờn. Bên kia đường, những hàng nước, hàng bánh kẹo đã dẹp cả. Nó đợi cha nó đến đón. Đường phố không còn ai. Nó đợi từ hai tiếng đồng hồ rồi. Mặt tiền ngôi trường quét màu gạch đỏ, bằng một thứ vôi bột, như phấn viết, như phấn thoa mặt. Đứng tựa vào tường, vôi sẽ dính vào quần áo, để lại những vệt đỏ. Nó đợi, cặp sách kẹp giữa hai chân; nó đứng thật thẳng – dấu hiệu duy nhất cho thấy nó nóng ruột, hoang mang : nó cọ khuỷu tay chiếc áo trắng vào tường. Nó cố chùi sạch vết đỏ trên tay áo. Vô ý nó làm má dính đỏ. Nó liên tưởng đến một thành ngữ nó tìm ra mới đây trong tự điển, Je fais le pied de grue, Tôi đứng chờ lâu. Nó nho nhỏ nhắc lại, Je fais la grue, Tôi làm gái đứng đường, rồi tự cười mình. Lúc về nhà, quần áo, mặt nó dính những vệt đỏ, và mắt nó toát ra một vẻ dị kỳ. Trí nó bắt đầu rối chính vào những lúc cha nó chậm đến đón nó tan trường về. Đầu tiên nó nghĩ, Cha quên mình. Bữa sau, Mình bị bỏ quên. Nó gậm nhấm những ý nghĩ ấy. Nó lục lọi trí nhớ tìm những dấu hiệu chứng tỏ chẳng ai coi nó ra gì. Nó nhớ ngày sinh của nó ghi không đúng trên giấy tờ : nó ra đời mười ngày rồi cha nó mới đi khai. Mười ngày ấy, nó tự bảo, có khác gì mình chẳng hề có mặt trên đời, cha chẳng mong muốn có mình. Mình là kẻ lọt lòng không ai thấy. Kẻ vô hình, kẻ bị bỏ quên. Trong những lúc chờ đợi ấy nó đã tự gieo vào đầu những mầm mống thảm kịch. Dần dà, ngờ vực hiện đến : cha không phải là cha thực. Sau đó, nó nuôi trong lòng ngờ vực ấy, nó khiến cái vốn thiếu thốn ấy nảy nở. Nó tìm được nghị lực chính trong cảm thức là kẻ bị bỏ quên.
- Chương I
- Chương II
- Chương III
- Chương IV
- Chương V
- Chương VI
- Chương VII
- Chương VIII
- Chương IX
- Chương X
- Chương XI
- Chương XII
- Chương XIII
- Chương XIV
- Chương XV
- Chương XVI
- Chương XVII
- Chương XVIII
- Chương XIX
- Chương XX
- Chương XXI
- Chương XXII
- Chương XXIII
- Chương XXXIV
- Chương XXXV
- Chương XXVI
- Chương XXVII
- Chương XXVIII
- Chương XXIX
- Chương XXX
- Chương XXXI
- Chương XXXII - Hết