Chương 18
Dù rõ ràng đã biết câu trả lời, Marianne Engel vẫn cứ vờ vịt hỏi tôi xem hôm nay là ngày gì.
"Thứ Sáu Tuần Thánh," tôi trả lời.
"Theo tôi." Chúng tôi trèo vào xe của cô và chưa đầy nửa tiếng sau tôi đã nhận ra chính xác nơi chúng tôi định đến: ngọn đồi nơi tôi đã gặp tai nạn. Khi chúng tôi đến nơi, chẳng dấu hiệu gì cho thấy nơi đây từng xảy ra một vụ tai nạn. Cây cối không còn che giấu cả một toán lính đánh thuê được gửi tới để tiêu diệt tôi nữa. Những cây cột gỗ đã thay mới, dây cáp cũng chăng lại, và giờ cũng bạc phếch chẳng khác gì những cái còn lại. Chẳng có vết bánh xe hay đất cát bị xới tung lên; chỉ là một khúc cua khác mà thôi. Khi tôi hỏi tại sao cô biết chính xác địa điểm này, Marianne Engel chỉ mỉm cười và cho Bougatsa nhảy ra khỏi ghế sau. Nó khoái chí nhảy vòng quanh, và cô đã phải quát lên khi nó ra quá gần rìa đường.
Cô lấy một chiếc túi nhỏ bằng da trong cốp xe và cầm tay dẫn tôi tới dải phân cách giữa mặt đường và vách đá. Nơi đây tôi thấy dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ tai nạn của tôi đã thực sự xảy ra. Vẫn còn một vùng đất cháy sém ở dưới đáy vực, một chấm đen nhỏ chẳng khác gì dấu chấm bạn có thể thấy ở cuối câu này, ngay bên cạnh con suối nhỏ đã cứu mạng tôi.
Những chiếc mô tô phóng vụt qua, rõ ràng họ rất băn khoăn không hiểu chúng tôi đang nhìn gì. "Xuống đi nào," cô nói rồi dẫn tôi qua những chiếc cọc gỗ mới. Bougatsa chạy trước chúng tôi, sung sướng tìm thấy một lối đi xuống đáy vực nơi chúng tôi có thể dễ dàng theo sau, và xa phía bên góc đường tôi thấy một miếng nhựa đỏ vỡ vụn, một cái vỏ đèn xi nhan gãy rời khỏi chiếc ô tô. Chiếc xe ô tô của tôi. Bụng tôi thót lại.
Khi chúng tôi trèo xuống, có hàng chục bậc đá nhỏ giúp đôi giày chỉnh hình của tôi dễ bám, nhưng tôi vẫn khó giữ thăng bằng. Tôi cố bắt chân mình cử động như trước vụ tai nạn, nhưng có vẻ không khả thi: đầu gối mới phục hồi của tôi quá yếu ớt. Khi tôi nói với Marianne Engel mình không thể xuống được, cô kiên quyết không chấp nhận. Cô đứng ngay phía trước tôi, hai chân giẫm mạnh xuống sườn dốc để tôi có thể đặt tay mình lên lưng cô. Tư thế này thừa sức chứng minh rằng tôi có thể xuống dốc được và không có làu bàu gì nữa hết.
Khi chúng tôi xuống tới chỗ đất cháy sém, tôi thấy một vài cụm cỏ, vừa lún phún mọc lên.Một ngày nào đó vùng đất này sẽ tươi tốt trở lại, tôi thầm nghĩ.
"Gì đấy?" cô hỏi.
"Không có gì," tôi nói. "Chỉ là tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại quay lại chỗ này, thế thôi."
"Cũng tốt khi quay lại nơi mình đã từng phải chịu đau đớn mà."
"Cô sai rồi." Tôi có thể nhớ lại toàn bộ: những mảnh kính vỡ văng tung tóe; cần tay lái lướt vụt qua tôi; tiếng động cơ gầm rú, những bánh xe quay tròn mãi cho tới khi dừng hẳn; ánh lửa xanh xẹt qua trần xe; cách những ngọn lửa bùng lên; mùi khét của tóc tôi; và cả việc da thịt tôi bắt đầu nổ lốp bốp và phồng rộp lên nữa. Tôi có thể nhớ tất cả những thứ đã biến tôi từ một con người thành tôi bây giờ.
"Anh có tán thành hay không cũng không quan trọng. Người ta không thể trở nên hoàn thiện nếu cứ phớt lờ những bất hạnh của mình đi." Marianne Engel mở túi lấy một cái chân nến bằng sắt mà cô nói rằng đã được Francesco chế tác rồi cắm một ngọn nến vào cái miệng đang há hốc của nó. Cô đưa cho tôi một bao diêm và bảo tôi châm nến lên. "Nhưng việc kỷ niệm năm nay anh vẫn sống thì rất quan trọng đấy."
Tôi bảo thực ra đây không phải lễ kỷ niệm một năm: dù đúng là tai nạn của tôi đã xảy ra vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng hiển nhiên là ngày lễ đó mỗi năm lại rơi vào một ngày khác nhau.
"Anh không nên nghĩ về thời gian theo cái nghĩa đen ấy," Marianne Engel vừa nói vừa hôn lên khuôn mặt thủy tinh dẻo của tôi. "Chỉ một ngày thì có gì quan trọng trong cả thời gian vĩnh hằng chứ?"
"Tôi nghĩ là mọi ngày đều quan trọng," tôi nói. "Đặc biệt là những ngày khi ta gần chết."
Câu ấy lẽ ra nghe có vẻ đầy kịch tính, tôi nghĩ thế, nếu đúng vào lúc đó, con Bougatsa không nhảy tưng lên trên không trung để vồ như điên mấy con bọ vo ve quanh đầu nó.
"Nhưng anh đã chết đâu," Marianne Engel nói. "Nói tôi nghe nào, thế cuộc sống của anh trước khi bị tai nạn có tốt không?"
"Cũng không hẳn."
"Thế thì việc bắt đầu lại từ đầu sẽ là một món quà đáng trân trọng đấy."
Cô thực tâm tin rằng tôi đang bắt đầu lại từ đầu và tôi cũng nghĩ thế, nhưng không hoàn toàn, và tôi cảm thấy lương tâm cắn rứt khi nghĩ đến việc tôi sắp làm với số tiền vừa rút từ tài khoản Jack lập cho mình.
Vài hôm sau, khi Marianne Engel đã rời khỏi pháo đài, dẫn con Bougatsa đi dạo, là lúc tôi quyết định tiến hành nhiệm vụ bí mật của mình. Tôi trùm một chiếc áo mưa màu xám dài thượt lên bộ quần áo tạo áp suất, và dù không được phép làm thế, tôi cũng tháo mặt nạ và cái banh miệng ra. Tôi đội mũ và đeo kính đen, dựng cổ áo lên bằng đôi tay đeo găng trông chẳng khác tội phạm, rồi tôi nhìn vào gương để thấy một bức tranh biếm họa về một tên biến thái đang ngó lại mình. Tôi nghĩ thế là quá hoàn hảo rồi, so với cái nơi mà tôi sắp đến.
"Tới hiệu đồ chơi tình dục gần nhất." Giọng tôi, rú lên như tiếng động cơ của một cái mô tô gỉ sét, làm người lái xe taxi phải xoay gương chiếu hậu để nhìn tôi được rõ hơn. Ông ta dường như đang suy nghĩ lại xem có nên cùng đi với một người đàn ông không xác định được nhân dạng tới nơi đồng không mông quạnh hay không, nhưng đã đổi ý ngay khi tôi giơ thẻ tín dụng ra. Người lái xe khởi động ô tô và chúng tôi phóng qua mặt tiền của nhà thờ thánh Romanus, nơi cha Shanahan đang đổi tấm bảng nhựa trắng thành: "Ngày Thứ Sáu Của Bạn Có Tốt Đẹp Như Lẽ Ra Nó Phải Thế Không?"
Khi chúng tôi tới Triple-XXX Velvet Palace, tôi bảo người lái xe đợi một chút. Ông ta gật đầu; ông ta đã thấy tôi tập tễnh nhảy vào xe và biết tôi chẳng chạy xa được. Bước vào cửa hiệu cứ như là được về nhà vậy. Mùi cao su tổng hợp latex, mùi da, mùi chất bôi trơn quen thuộc dậy lên. Bên tay phải tôi là bộ sưu tập dụng cụ kích thích hậu môn và dương vật nhân tạo khổng lồ, bên tay trái tôi là tập hợp các bộ đồng phục của nữ phục vụ người Pháp và nữ sinh trung học Nhật. Hàng dãy tạp chí treo đầy trên tường, nhưng thứ tôi thực sự muốn tìm là chồng đĩa video ở phía sau kia. Liếc qua mấy cái vỏ, tôi nhanh chóng thấy một đĩa phim của chính mình: Doctor Giving Bone, I Presume (Tôi đoán bác sĩ đang cho xương). (Tôi đã luôn coi đây là một trong những tên phim thú vị nhất của mình.) Tôi đặt nó trước mặt ông thu ngân hói đầu đeo mục kỉnh. "Một lựa chọn hoàn hảo," ông ta nói bằng giọng không chút hào hứng.
Trở về tháp chuông, tôi nhét cái đĩa vào đầu video. Màn hình ti vi màu xanh dương ấm áp hiện lên và theo sau là logo công ty sản xuất phim cũ của tôi. Kịch bản, như mọi phim khiêu dâm khác, luôn đọng lại một cái gì đó đầy khao khát; thậm chí cả tôi - tác giả, diễn viên, đạo diễn, kiêm nhà sản xuất - cũng không rõ nó là cái gì. Bộ phim mở ra với cảnh một người phụ nữ, Anne, đang chuẩn bị đến lượt kiểm tra sức khỏe. Khi không tự mình mặc đồng phục khám bệnh được, cô nhờ mấy cô y tá giúp, và như bình thường, theo sau sẽ là các cảnh đồng tính nữ nóng bỏng. Vị bác sĩ (tôi) tình cờ bắt gặp mấy trò này, và không mảy may lo lắng về những hành động trái luân thường đạo lý hay dễ dẫn đến bệnh hoa liễu, đã quyết định liệu pháp trị liệu thích hợp nhất cho Anne là quan hệ qua đường hậu môn mà không dùng các biện pháp bảo vệ.
Tôi nghĩ về cái ngày bộ phim được bấm máy. Đồ ăn được đặt ở tiệm đồ ăn nhanh Trung Hoa của Sun Lee, ngay cuối phố, và người ta đã đưa đồ ăn đến khá muộn. Boyce Burgess phụ trách máy quay còn Irdman Dickson lo phần âm thanh, ấy thế mà, dù chúng tôi sẽ phải quay tất cả các cảnh trong buổi chiều hôm đó, Irdman lại say bí tỉ. Với tư cách đạo diễn, lẽ ra tôi đã khiển trách anh ta nặng nề nếu tôi lúc đó không phê cocaine. Thực ra, nếu coi kỹ phim, bạn sẽ thấy một cái thìa vàng trên dây chuyền của tôi nảy ra khỏi cổ áo bác sĩ khi tôi vỗ mông Anne qua cái bàn khám bệnh. Vì sự cố say xỉn của Irdman, âm thanh khá tệ và ở vài chỗ còn chả nghe ra cái gì. Thỉnh thoảng cũng có thể nghe được vài câu: gì đó về việc đo nhiệt độ của Anne bằng cái "cặp nhiệt độ cỡ bự của tôi". Tôi nghĩ việc hầu hết các đoạn hội thoại đều không nghe được có khi lại là điều hay.
Cái cảnh mở màn này, đáng tiếc làm sao, lại là phần thông minh nhất trong cả bộ phim. Từ đoạn này trở đi, câu chuyện trở nên cực kỳ ngớ ngẩn. Một trong những cô tình nhân của tôi là bác sĩ tâm lý, cứ suốt ngày lải nhải về chứng thù địch với phụ nữ của tôi mỗi khi tôi đét đít cô. Trong khi đó, Anne dần mắc chứng hoang tưởng về các loại bệnh tật/cuồng dâm, luôn tin rằng bệnh dị ứng mèo của cô chỉ có thể trị dứt bởi hàng loạt liều dương vật.
Tất cả những trò này sẽ rất hài hước nếu không nói gì đến hình ảnh của tôi lúc ấy. Tóc tôi hất lên hất xuống với mỗi cú huých của vùng xương chậu, da tôi bừng sáng rực rỡ khi những giọt mồ hôi trườn từ cổ xuống ngực. Cơ tay của tôi cuộn lên mỗi khi tôi phát vào mông cô tình nhân ngu ngơ đáng yêu của mình, cho cô ta ra rồi lại lôi cô ta vào. Nụ cười của tôi kéo dài tới tận mép của cái miệng không phải đeo thiết bị banh hàm và mặt tôi căng ra trong trạng thái đợi chờ tuyệt diệu khi tôi chuẩn bị lên đỉnh.
Tôi phải tắt bộ phim đi: tôi muốn phát bệnh khi phải nhìn thân thể đẹp đẽ từng là của mình, rồi đem so với cái thứ khốn nạn tôi đã trở thành. Tôi muốn phát bệnh khi thấy, mãi mãi được đóng khung trong những thước phim, những giọt mồ hôi trên làn da mượt mà của tôi. Tôi, người không bao giờ có thể đổ mồ hôi được nữa. Đây có phải những gì Fred Astaire cảm thấy khi trở thành một ông già không còn khả năng nhảy múa không? Hình ảnh trai tráng của một con người sẽ trở thành thứ tra tấn họ không dứt khi họ về già; hình ảnh đó đã xử tử cả Fred Astaire lẫn tôi.
Khi tôi ấn nút thoát, cái đĩa õng ẹo trượt khỏi đầu video như một cái lưỡi lè ra trêu tức tôi. Tôi mang nó xuống lò sưởi trong phòng khách, đặt nó lên trên một chồng báo. Châm một que diêm, tôi đứng nhìn ngọn lửa bùng lên nuốt chửng cái đĩa phim.
Đó là lần cuối cùng tôi xem một bộ phim cũ của mình.
Sayuri đến chỗ chúng tôi một hoặc hai lần mỗi tuần, luôn luôn mỉm cười khi giúp tôi tập những bài tập với độ khó ngày càng tăng. Kết quả không có gì phải bàn cãi: các cơ co cứng trên cơ thể tôi bắt đầu thư giãn, lưng tôi bắt đầu chuyển dần từ hình dấu hỏi sang dấu chấm than. Tâm điểm của liệu pháp điều trị này là kiềm chế ham muốn sử dụng những cơ khỏe nhất thay vì những cơ thích hợp của cơ thể tôi. Sayuri tập trung giúp tôi đi đúng cách và đi bên cạnh với hai tay đặt lên mạng sườn tôi, bắt tôi giữ thẳng đầu. Cô sửa cách tôi vung tay, giúp tôi tăng khả năng giữ thăng bằng và luôn nhắc tôi nhớ dồn đều sức nặng xuống cả hai chân. Việc này trở nên cực kỳ khó khăn mỗi khi phải đi lên đi xuống cầu thang.
Đã thành thục những chuyển động cơ bản, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch đi bộ với tốc độ nhanh hơn và với quãng đường xa hơn. Bougatsa cũng đòi theo, vừa chạy quanh vừa sủa ăng ẳng. Sayuri ném cho nó một quả bóng để nó chạy đuổi theo, nhưng chủ yếu là để tống khứ nó đi cho cô có thêm thời gian để ý đến tôi. Khi quay trở về nhà, chúng tôi tập bằng các dụng cụ Marianne Engel đã mua cho tôi. Có một ghế tạ, một máy Nautilus và một chiếc xe đạp tại chỗ. Sayuri tự quyết định món nào sẽ được áp dụng vào quá trình hồi phục của tôi.
Cô luôn luôn kiểm tra quần áo bảo vệ của tôi mỗi khi đến và thỉnh thoảng lại tìm được vài chỗ cần sửa chữa. Khi những vết sẹo trên mặt tôi dần lành lại dưới tác dụng liên tục của áp suất, cái mặt nạ của tôi cũng phải chỉnh lại theo. Sayuri sẽ đánh giấy ráp cho phù hợp, và cũng phải mang đến bệnh viện mấy lần để sửa lại. Một lần, cái mặt nạ được sửa xong nhưng lại sai sót; khi tôi chỉ cho Sayuri xem, cô mấp máy vài từ bằng tiếng Nhật: "Saru mo ki kara ochiru." Khi tôi hỏi câu ấy nghĩa là gì, cô trả lời, "'Thậm chí cả khỉ cũng có lúc rơi khỏi cây.' Nó nghĩa là..."
Tôi cắt ngang. "... nghĩa là thậm chí cả các chuyên gia cũng có lúc mắc sai lầm. Ừm, tôi đã nghe thấy câu này trước đây rồi."
Khi cô hỏi là ở đâu, tôi bảo cô nên hỏi bạn trai mình ấy. Cần phải nói là, tôi không tin mình đã gặp ai khi đỏ mặt lại có thể đáng yêu đến như Sayuri.
Có một khía cạnh của câu chuyện thời Trung cổ luôn làm tôi thắc mắc hơn bất cứ chuyện gì: việc Gertrud dịch một bản tiếng Đức của Kinh Thánh. Chuyện này, xin nhớ giùm tôi, xảy ra đúng hai trăm năm trước khi Martin Luther bắt tay thực hiện bản dịch nổi tiếng của mình. Nhà thờ đã phản đối kịch liệt tác phẩm của Luther, thế thì sao họ lại có thể cho phép xơ Gertrud làm thế chứ?
Tôi tiếp cận vấn đề theo cách tôi vẫn luôn làm, và kết quả bất ngờ đầu tiên trong nghiên cứu của tôi là phát hiện ra khi cuốn Die Luther Bibel xuất hiện, đã có hàng loạt bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Đức rồi; Luther chỉ đơn giản là người đầu tiên dịch sang ngôn ngữ của lớp người bình dân mà thôi. Những bản dịch trước là những bản dịch bám sát nguyên tác với các thành ngữ khó hiểu và hầu như chỉ những độc giả có thể đọc bản tiếng Latin mới hiểu được.
Bản Kinh Thánh bằng tiếng Đức cổ nhất là một bản dịch theo phong cách Gothic của Ulfilas hồi thế kỷ thứ tư, ra đời trước bản tiếng Latin hàng chục năm. Là một người xuất chúng, Ulfilas nhận thấy cần phải lập cả một bảng chữ cái để viết cuốn sách của mình nên ông đã sáng tạo rất nhiều thuật ngữ Thiên Chúa giáo bằng tiếng Đức đương thời. Chỉ một phần một bản viết tay của cuốn Kinh Thánh này, được biết đến với tên Codex Argenteus hay Silver Bible, là còn tồn tại, hiện được lưu tại Thư viện Quốc gia Uppsala. Sau đó là bản viết vào thế kỷ thứ chín ở Fulda, với bản dịch bốn cuốn đầu tiên trong Kinh Cựu ước bằng tiếng Đức thời Thượng cổ và một bản đầy đủ hơn, nhưng không chính quy, dịch Kinh Thánh vào khoảng năm 1260. Một vài đoạn trong Kinh Thánh, ví dụ như Kinh cầu Chúa, từ lâu đã được dịch sang tiếng Đức, nhưng chẳng có bằng chứng nào xác thực có người đã hoàn chỉnh cả bản Kinh Thánh bằng tiếng Đức tại thời điểm Gertrud được cho là đang dịch nó cả - dù người ta cũng nói rằng không lâu sau đó, vào năm 1350, một bản Kinh Tân ước hoàn chỉnh đã xuất hiện tại Augsburg.
Đến đây mọi thứ đều logic: có lẽ thời điểm đầu thế kỷ mười bốn rất thích hợp cho người ta bắt tay vào thực hiện cả một dự án đồ sộ, vậy tại sao đó không phải là xơ Gertrud của tu viện Engelthal nhỉ?
Thực sự thì, có rất nhiều lý do, nhưng có lẽ không gì bằng sự sùng đạo cuồng nhiệt của chính Gertrud - hay ít nhất, là nỗ lực hết mình tỏ ra ngoan đạo. Bà không muốn tiến hành dưới bất cứ hình thức nào có thể bị coi là báng bổ thánh thần, và hành vi dị giáo cũng chỉ dừng ở mức dịch Kinh Thánh trái phép. Trước khi khởi sự một nhiệm vụ kinh thiên động địa thế này thì Gertrud bắt buộc phải được sự cho phép của cấp trên, và có thể nói việc đề nghị đó được chấp thuận là gần như không thể. Nhưng đó mới chính là cốt lõi của vấn đề - "gần như là không thể" chứ có phải "không thể" đâu.
Tu viện trưởng của Engelthal là một phụ nữ đã có tuổi; liệu sự từng trải của bà có cho phép bà chấp nhận một bản dịch mà bất cứ một nhà chức trách có đầu óc nào cũng sẽ từ chối không? Những chuyện kỳ lạ vẫn hay xảy ra. Tuy nhiên, nói thế thì có người sẽ nghĩ là Gertrud phải được phép của tu viện, mà thực ra điều đó cũng chẳng cần thiết. Có lẽ bà đã ra ngoài để tìm một quan chức giáo hội có kế hoạch của riêng mình; nên nhớ rằng Nhà thờ khét tiếng với những trò thao túng chính trị sau cánh gà. Có thể một nhân vật quyền cao chức trọng nào đó đã thông qua công trình của Gertrud với tư cách là một phần của kế hoạch lớn hơn, và Gertrud hẳn rất vui mừng bỏ qua việc bà chỉ là một con tốt thí miễn là được phép thực hiện tác phẩm của mình. Đó thực sự là một canh bạc đầy bất trắc, nhưng lách luật với sự giúp đỡ của một vị tai to mặt lớn thì bao giờ chẳng dễ dàng hơn.
Tất cả chỉ là giả thiết mà thôi, hiển nhiên rồi. Lý do Gertrud cho rằng bà có thể thực hiện dự án đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng, nhưng tôi có thể đưa ra một khả năng khác: có lẽ tôi đã đánh giá thấp khát vọng được đời sau nhớ đến của bà. Hư danh vừa là một nguồn động lực mạnh mẽ vừa là một kẻ lừa gạt tài tình, và cái ý tưởng để lại một di sản vĩnh cửu có thể khiến người cẩn trọng nhất cũng trở nên liều lĩnh. Có lẽ bà đã tự thuyết phục bản thân rằng mình chẳng làm gì sai trái dù không được cho phép. Xét cho cùng, bà đã dịch từ bản tiếng Latin được viết vào thế kỷ thứ tư, và niềm tin vững như kiềng ba chân vào bản dịch tuyệt vời của mình có lẽ đã đẩy bà tới mức rốt cuộc đánh cược vào việc cuốn Kinh Thánh của bà sẽ hay đến độ không thể bị phạt. Ta có thể hình dung bà lý luận rằng sự tồn tại của cuốn Die Gertrud Bibel đủ để miễn tra cứu nguồn gốc bí ẩn của nó, và vì tác phẩm phải kéo dài cho tới cuối đời, có lẽ bà cũng sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm. Các nhà chức trách còn làm gì được với một bà già biết chỗ của mình trên Thiên đường đã được sửa soạn xong cả rồi chứ?
Khi cuối cùng tôi cũng hỏi Marianne Engel việc dịch cuốn Die Gertrud Bibel là do ai thông qua, tôi đã mong nhận được một câu trả lời chắc chắn hoặc một lời đáp đầy mâu thuẫn có thể vùi dập câu chuyện đó một lần và mãi mãi. Nhưng câu trả lời của cô chẳng hề trùng khớp.
"Hồi đó tôi còn quá nhỏ nên chẳng mảy may thắc mắc gì, mà Gertrud cũng chẳng bao giờ nói. Bà lúc nào cũng giữ bí mật về chuyện đó và không một nữ tu nào được hé lộ câu gì ngoài phòng viết cả."
"Chẳng lẽ họ không phản kháng à," tôi hỏi, "nếu họ tin là có gì đó không chính đáng?"
"Có lẽ họ sẽ phải đối chất trên Thiên đường vì những gì mình đã làm," cô nói, "nhưng tôi nghĩ ở đây trên mặt đất này thì họ sợ Gertrud và Agletrudis hơn."
Marianne Engel có vẻ rất hài lòng về chuyện tôi thực sự quan tâm đến mọi khía cạnh của câu chuyện cô kể, và điều đó đã thúc đẩy cô hỏi liệu tôi có muốn nghe tiếp không.
"Dĩ nhiên," tôi nói.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33 - Hết