Chương 13
Thế bài hát ấy có nghĩa gì?"
"Thật lạ là anh không còn nhớ cả tiếng mẹ đẻ của mình," Marianne Engel trầm ngâm suy nghĩ. Em là của tôi, tôi là của em: em có thể chắc chắn về chuyện đó. Em đã bị khóa chặt trong trái tim tôi, chìa khóa đã bị ném đi; trong trái tim tôi, em sẽ phải ở lại mãi mãi. Đó là một bài dân ca về tình yêu."
"Sao lại là bài này?" tôi hỏi.
"Anh là một chiến binh, chứ không phải một ca sĩ. Có lẽ đó là bài hát duy nhất anh biết."
Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc nữa - hầu như toàn là cô nói, giải thích cho tôi nghe lịch sử truyền đời của những Minnelieder - những bài tình ca thời Trung cổ - cho tới khi cô phải ra về. Sau khi thu dọn đồ đạc của mình, cô bảo tôi nhắm mắt lại.
Khi tôi nhắm mắt, cô luồn qua đầu tôi một sợi dây da mảnh, mặt dây là một đồng xu treo lủng lẳng. "Tên chính xác của vật này là 'thiên thần'. Chúng được lưu hành ở Anh vào thế kỷ mười sáu. Hãy cho phép tôi tặng anh."
Ở một mặt của đồng xu là cảnh một người đang giết rồng. Marianne Engel giải thích lịch sử của hình ảnh đó như sau. "Đó là Đại Thiên thần Michael, xuất hiện trong Khải huyền. Có một trận chiến nổ ra trên Thiên đường, Michael và các thiên thần khác đã chiến đấu chống lại con rồng... Và cuối cùng rồng hung ác đã bị diệt trừ."
"Cám ơn," tôi nói.
"Khi thời cơ đến, anh sẽ biết mình phải làm gì với đồng xu ấy."
Những lời nhận xét kiểu đó của Marianne Engel, nhẹ nhất là vô nghĩa và tệ nhất là quái gở, đã quá nhiều đến nỗi tôi cũng chẳng buồn hỏi xem chúng có nghĩa gì. Cứ cố bắt cô giải thích thì sẽ chỉ đặt dấu chấm hết cho cuộc nói chuyện của chúng tôi và, quan trọng là, có bao giờ cô chịu giải thích đâu cơ chứ.
Marianne Engel báo rằng sau mấy ngày Tết cô mới trở lại vì cô có cả một tầng hầm đầy ắp những gargoyle bị bỏ bê. Trước khi đi ra cửa, cô không quên vỗ nhẹ vào cái va li chứa hai trăm nghìn đô la. "Đừng quên, anh sẽ đến sống với tôi đấy."
NGƯƠI CHO RẰNG CÔ TA CHỊU DỌN MẤY CÁI TÚI DẪN LƯU NƯỚC TIỂU CỦA NGƯƠI Ư?
Tôi tập trung nghĩ về căn phòng trống trải. Tôi sẽ không để con rắn cái tra tấn tôi đâu.
KHÔNG HIỂU CÔ TA CÓ MANG NHỮNG THẰNG ĐÀN ÔNG ĐẦY ĐỦ HÀNG HỌ VỀ NHÀ KHÔNG NHỈ?
Lợi ích lớn nhất của việc nghiện ngập trước kia là khả năng quên sầu suốt cả một ngày trời. Tôi khao khát có được cảm giác ngất ngây mà cocaine và đồ uống có cồn đã luôn mang lại.
ĐÀN BÀ CÓ NHỮNG NHU CẦU MÀ NGƯƠI KHÔNG THỂ NÀO THỎA MÃN ĐƯỢC ĐÂU.
Bác sĩ Edwards bước vào phòng, mặc một chiếc áo len đỏ rực đón chào lễ Giáng sinh. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà mặc gì ngoài áo blu. "Tôi nghe nói bữa tiệc rất vui."
Tôi rất hài lòng khi được thấy Nan, vì sự hiện diện của bà có thể làm con rắn biến mất trong chốc lát. Con rắn có vẻ khoái gây sự với tôi khi chỉ có mình tôi với nó. "Thật buồn vì chị đã không ở đó."
Bà kiểm tra phác đồ điều trị của tôi. "Có thể là sang năm."
"Chị có vất vả lắm không?" tôi hỏi. "Ý tôi là, chắc phải ký rất nhiều giấy tờ. Văn bản pháp luật, quyền từ chối, đại loại thế."
"Bệnh viện sẽ xem xét quan điểm của mình," Nan thừa nhận. "Và cũng đòi quyền được miễn trừ có liên quan tới rất nhiều vấn đề. Giả sử ai đó bị ngộ độc thực phẩm thì sao?"
"Tôi không tưởng tượng nổi Marianne Engel có thể tự xoay xở các loại giấy tờ."
"Tôi đã làm trung gian giữa cô ấy và hội đồng luật pháp," Nan nói, "nhưng chỉ vì tôi nghĩ làm thế sẽ tốt cho tất cả các bệnh nhân khác, chứ không chỉ vì mình anh đâu."
"Cám ơn. Tôi biết chị cũng không thích cô ấy lắm."
Bác sĩ Edwards khẽ ưỡn thẳng người. "Tôi nghĩ cô ấy là người tốt."
"Chị chỉ hồ nghi về khả năng chăm sóc thôi."
"Suy nghĩ của tôi thì quan trọng gì chứ."
"Dĩ nhiên là có chứ," tôi nói. "Áo len của chị đẹp nhỉ. Chị định đi đâu chơi à?"
Bà nhìn xuống, như thể đã quên mất mình đang mặc nó, nhưng màn kịch câm tệ quá. "Tôi không muốn nói chuyện riêng tư."
"Được thôi," tôi nói. "Thế tại sao chị lại trở thành bác sĩ?"
"Đó là một câu hỏi riêng tư."
"Không," tôi chỉnh bà. " Đấy là về nghề nghiệp của chị."
Bà ngả đầu sang một bên. "Cũng cùng một lý do như tất cả những người khác thôi, tôi đoán thế. Để giúp đỡ mọi người."
"Còn tôi nghĩ rằng một vài bác sĩ chỉ làm vì tiền," tôi nói. "Sao lại là khoa bỏng? Có nhiều khoa khác nhẹ nhàng hơn mà."
"Tôi thích không khí ở đây."
"Tại sao?"
"Khi mọi người rời khỏi đây, có một..." Nan dừng lại, tìm từ thích hợp nhất. "Khi tôi còn là bác sĩ nội trú, họ đã ghim vào đầu tôi nếp nghĩ phải coi tất cả những người đến đây đều là những kẻ chết rồi. Đó là một ngón nghề, anh biết đấy, vì có rất nhiều bệnh nhân bỏng đã chết ngay trong mấy ngày đầu nhập viện. Nhưng nếu khi người bệnh đến đây ta coi họ như đã chết, và rồi bằng cách nào đó họ nỗ lực..."
"Đó là một cách để nghĩ bạn chỉ cứu người và không bao giờ để mất họ," tôi nói. "Nó có hiệu quả không?"
"Thỉnh thoảng tôi ghét cuộc sống nơi đây."
"Tôi cũng thế mà." Tôi muốn vươn người nắm lấy tay bà, nhưng tôi kìm được. Thay vì thế tôi nói, "Tôi nghĩ chị là một bác sĩ tuyệt vời."
"Tôi rất ích kỷ. Tôi chỉ thích cảm giác khi một bệnh nhân xuất viện." Bà ngước mắt lên và lại nhìn vào mắt tôi. "Đã ai nói với anh là tim anh ngừng đập hai lần trong suốt những ca cấp cứu của mình chưa?"
"Không. Tôi nghĩ có thể đoán được kiểu gì nó cũng đập lại thôi."
"Không phải lúc nào cũng thế đâu."
"Tôi sắp đến sống với Marianne."
"Tôi chỉ không muốn anh mắc sai lầm khi anh đã cố gắng được đến mức này."
"Nếu không đến với cô ấy, tôi sẽ không hiểu vì sao chị lại phải cứu mạng tôi."
Nan ngẫm nghĩ một chút, trầm ngâm giây lát trước khi nói tiếp. "Tôi không thể cứu mạng ai. Tôi chỉ có thể giúp một số người khỏi phải chết không đúng lúc thôi, mà tôi cũng chẳng thường xuyên làm được việc đó."
"Ồ," tôi nói. "Tôi vẫn ở đây này."
"Ừm, anh vẫn ở đây." Bà cúi xuống chạm vào người tôi, nhưng chỉ trong thoáng chốc. Rồi bà quay người rời khỏi phòng, nhưng khi ra đến cửa bà ngoái lại nói thêm, khá hấp tấp, "Tôi có hẹn uống rượu với chồng cũ. Vậy nên tôi mới mặc cái áo này."
"Tôi không biết chị đã kết hôn."
"Đã, còn hiện tại thì không." Bà mân mê tay nắm cửa, xoay xoay vài lần. "Chồng tôi là người tốt nhưng chúng tôi không hợp nhau. Thế là chuyện gì phải đến cũng đến."
Sang năm mới, Marianne Engel càng tích cực tham gia vào những bài tập vật lý trị liệu của tôi. Tôi được hướng dẫn cách đánh răng, cài cúc áo, sử dụng đồ dùng gia đình, tập luyện những sinh hoạt hằng ngày... để chuẩn bị cho thời điểm xuất viện. Mỗi lần tôi dùng cánh tay lành lặn để thực hiện các động tác này, Sayuri lại mắng tôi một trận. Dù làm thế có thể dễ dàng cho tôi trong một thời gian ngắn, cô lý luận, nhưng cánh tay bị thương của tôi sẽ teo tóp. Cả những hành động đơn giản cũng đều là "bài tập".
Tôi được lên lịch học tắm, lại thêm một điều nữa phải học lại từ đầu, và tôi cảm thấy vô cùng khó chịu trước ý nghĩ Marianne Engel sẽ tham gia vào bài tập này. Dù đã giúp tôi tập hầu hết những bài phục hồi chức năng khác, cô vẫn chưa có mặt khi tôi thay băng toàn thân. Cô đã biết là cái ấy của tôi không còn nữa; cô chỉ chưa nhìn thấy thôi. Khi tôi chuyển đến nhà cô, cô sẽ là người giúp tôi tắm, và hiển nhiên việc đó sẽ không thể thực hiện được nếu tôi cứ mặc quần áo trên người. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa sẵn sàng để cô chứng kiến khiếm khuyết rất cơ bản về thể chất của tôi.
Một thỏa hiệp đã được ký kết. Dù Sayuri nghĩ rằng tốt nhất cứ để Marianne Engel tham gia luyện tập ngay từ những buổi đầu tiên, chúng tôi vẫn sẽ tập tắm mấy lần đầu mà không có cô, để tôi có thêm thời gian cố thích nghi với ý tưởng đó.
Gregor rất phấn khích với buổi tối xem phim của Akira Kurosawa bên Sayuri Mizumoto.
Ông ta nhồi vào đầu tôi chuyện họ đã mua gì ở quầy phục vụ (bỏng ngô + cam thảo); Sayuri không thích cam thảo đến thế nào (hiển nhiên đây là một vấn đề văn hóa, vì hầu hết người Nhật đều nghĩ nó có vị như thuốc bắc mốc); những ngón tay của họ tình cờ chạm vào nhau khi cùng với tay lấy bỏng ngô; họ nắm tay nhau sau khi hết bỏng ngô; rồi chuyện tất cả những gì ông ta có thể nghĩ trong đầu là những vệt bơ còn dính trên ngón tay; chuyện ông ta cầu nguyện cô đừng nghĩ bơ nhờn là mồ hôi tay ông; chuyện ông ta cố lau tay vào quần để không làm cô khó chịu vì bàn tay nhớp nhớp của ông; chuyện bốn vệt ngón tay đầy bơ dính trên quần ông ta suốt cả buổi tối; chuyện ông ta tin chắc cô sẽ coi những vệt ấy là dấu hiệu cho thấy ông ta kém vệ sinh đến mức nào; vân vân. Thật dễ thương. Gregor kể tôi nghe mọi chuyện trừ tên phim, một khía cạnh tôi cho là kém quan trọng nhất trong cả sự kiện vĩ đại này.
Vào cuối buổi hẹn hò của hai người, Sayuri đã đồng ý đi ăn tối với Gregor tại nhà hàng Rasputin vào cuối tuần sau.
Marianne Engel đẩy tôi vào căn phòng có một nhóm đông thực tập sinh đang đợi. Sayuri giới thiệu tôi với tất cả mọi người rồi hỏi một câu có vẻ rất ngây thơ: "Thế nhiệm vụ của tôi là gì nào?"
Những thực tập sinh đưa mắt nhìn nhau, cảm thấy đang có trò gì đấy đáng ngờ. Một thanh niên đứng phía sau lên tiếng, bảo rằng, rõ quá, Sayuri là chuyên gia vật lý trị liệu. Nụ cười tươi tắn của cô càng tươi tắn hơn khi cô lắc đầu. "Hôm nay tôi chỉ là cô thợ may thôi. Việc đo đạc này cực kỳ quan trọng, vì bộ đồ chúng ta chuẩn bị thiết kế đây sẽ được mặc hai mươi tư giờ một ngày, trong một năm trời đấy."
Cô lấy cái thước dây ra và hỏi liệu có ai muốn giúp một tay không. Hai thực tập sinh bước về phía trước và nhanh chóng trải những mảnh vải - loại dùng làm trang phục tạo áp suất - dọc theo cơ thể tôi. Công đoạn này tốn thời gian hơn tôi tưởng, chủ yếu vì họ không được tự tin cho lắm. Sayuri kiên nhẫn giải đáp mọi thắc mắc và cô rõ ràng không chỉ là một giáo viên giỏi mà còn thực sự rất thích làm việc đó nữa. Khi lấy xong số đo, cô nhiệt tình giải thích những việc tiếp theo - lấy dấu khuôn đầu tiên cho cái mặt nạ bằng thủy tinh plexi tôi sẽ phải đeo - một công đoạn còn nhiều thách thức hơn nữa.
"Anh ấy đã trải qua hầu hết các phẫu thuật vùng đầu và các vết phồng rộp trên mặt cũng bớt sưng đi nhiều, vì thế chức năng chủ yếu của chiếc mặt nạ là giảm thiểu nguy cơ tạo sẹo. Thế chúng ta phải làm gì đầu tiên nhỉ?"
"Chúng ta sẽ làm một cái khuôn âm bản của khuôn mặt anh ấy," một sinh viên trả lời.
"Không đâu," Sayuri nói, giơ máy ảnh lên. "Chúng ta sẽ chụp ảnh tư liệu trong khi chuẩn bị phần bên trong của chiếc mặt nạ. Làm sao bạn có thể đeo một chiếc mặt nạ không vừa với mình trong suốt một năm được chứ?"
Sayuri tự chụp ảnh, từ mọi góc độ để lưu từng nét đặc trưng trên khuôn mặt tôi. Tôi ghét chuyện cô làm một hồ sơ dài hạn về diện mạo tôi. Khi đặt máy ảnh xuống, cô nói, "Giờ đã đến công đoạn làm khuôn. Chúng ta sẽ làm gì trước nhỉ?"
Ít nhất cũng có một sinh viên đã đọc đúng chương cần đọc trong sách. "Chúng ta sẽ đổ GelTrate lên khắp mặt, rồi đắp thạch cao lên."
"Rất xuất sắc. Cậu lên giúp tôi một tay nhé." Sayuri kéo tấm khăn trắng phủ trên chiếc bàn gần đấy ra; phía dưới là toàn bộ vật liệu cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Hai miếng vải nhỏ hình tròn đặt lên mắt tôi, và hai ống nhỏ được nhét vào lỗ mũi để giúp tôi thở. Các sinh viên bóp một ít GelTrate ra tay và bắt đầu quệt khắp mặt tôi. "Đây là chất được dùng để tạo khuôn răng đấy. Nên nhớ thế, vì chẳng ai thích nó cả. Làm nhẹ tay thôi nhé."
Những ngón tay của cậu thực tập sinh thật gượng gạo so với tay Sayuri, nhưng dù sao cô cũng khen ngợi cậu ấy, rồi cô đề nghị vài người nữa "bước lên thử một chút". Cảm giác có quá nhiều đôi tay sờ vào mặt mình làm tôi choáng ngợp. Sayuri không ngừng giải thích khi làm, "Việc lấy được khuôn tự nhiên của đầu, xương gò má, vùng quanh mắt... là rất quan trọng. Hãy nhớ phải thật nhẹ nhàng..."
Sau khi bôi GelTrate, các thực tập sinh nẹp cổ tôi để cố định trong khi đặt những dải thạch cao vào vị trí. Sayuri chỉ dẫn cho họ về các góc chuẩn, thỉnh thoảng sửa vài lỗi sai nhưng chủ yếu chỉ nhắc họ cẩn thận. "Đây không phải da bình thường đâu, mà là da bỏng đấy. Nhớ nhé."
Khi các dải thạch cao cuối cùng đã yên vị, chúng tôi phải ngồi chờ nó khô lại. Sayuri tận dụng khoảng thời gian này để trả lời các câu hỏi về quá trình hồi phục của tôi; với cái đầu bó bột, tôi chẳng thể thêm được câu nào vào cuộc hội thoại. Để tránh làm phiền các thực tập sinh, Marianne Engel thì thầm rằng cô sẽ đọc nốt khổ cuối của Địa ngục cho tôi nghe. Lời đề nghị làm tôi cực kỳ sung sướng; tôi luôn muốn nghe giọng cô trong bóng tối.
Cô bắt đầu:
"Tiến lên hỡi những ngọn cờ của Diêm vương,"
chủ nhân của tôi nói, "Về phía chúng tôi. Nhìn thẳng phía trước:
ngươi có nhận ra hắn nơi tâm điểm của ngục băng không?"
Satan, vua của Địa ngục, bị nhốt trong một xà lim băng nơi lòng Địa ngục: một hình ảnh mới hợp làm sao, tôi trầm ngâm khi cũng đang nằm trong cái xà lim thạch cao của chính mình. Thầy của Dante là nhà thơ Virgil, dẫn ông về phía trước, trong khi người đưa đường của tôi là Marianne Engel. Cô đọc chệch sang tiếng Ý hai lần, rồi nhớ ra và cười lớn trước khi đọc lại cho tôi nghe bằng tiếng Anh. Giọng nói lí nhí của các thực tập sinh - lúc đó vẫn đang học về các khó khăn trong việc điều trị bỏng - văng vẳng bên tai. Khi Sayuri quyết định đã đến giờ tháo mặt nạ, tôi có thể cảm nhận những ngón tay cô đang bóc lớp thạch cao đi. Ngay khi tôi lại được nhìn thấy ánh sáng căn phòng, Marianne Engel khẽ đọc nốt câu cuối cùng của Dante vào bên tai lành lặn của tôi:
... Và chúng ta lại đi dưới những vì sao.
"Chỉ được mặc áo cotton trắng ngắn tay thôi đấy," bác sĩ Edwards nói, "và giặt kỹ bằng nước lã nhé. Xà phòng sót lại rất có hại cho da đang lành đấy."
Tôi đã được lên kế hoạch xuất viện; tôi đã tiến bộ đến mức sẽ được ra viện vào giữa tháng Hai, sớm hơn dự định gần hai tháng. Nan chỉ vào cuốn sách hướng dẫn phục hồi chức năng trong tay Marianne Engel. "Bồn tắm phải được khử trùng trước mỗi lần tắm, và phải nhớ thêm các hóa chất cần thiết vào nước tắm đấy. Danh sách hóa chất đều được liệt kê trong sách rồi. Chúng tôi sẽ cung cấp cho cô một lượng đủ cho tuần đầu tiên, nhưng sau đó cô phải tự mua đấy nhé. Cũng có cả một danh sách các loại xà phòng thích hợp nữa. Đừng quên bôi thuốc mỡ sau khi tắm, và nhớ thay băng mới. Quần áo tạo áp suất cho anh sẽ xong trong khoảng một tháng tới, nhưng từ giờ đến lúc ấy thì anh vẫn phải quấn băng thôi. À, nếu anh đã từng dùng nước hoa và nước khử mùi trước tai nạn thì nhớ rằng giờ chúng bị cấm tiệt rồi nhé."
"Còn gì nữa không?" Marianne Engel hỏi.
Nan nghĩ một chút. "Cẩn thận với côn trùng đấy. Một vết đốt thôi là có thể gây nhiễm trùng nặng. Không có con côn trùng nào trong nhà cô chứ?"
"Dĩ nhiên là không," Marianne Engel nói, trước khi thêm, "nhưng mà một người bạn của tôi từng bị ong bắp cày đốt tưởng chết ấy chứ. Thật khủng khiếp."
Cuộc hội thoại đột ngột dừng lại khi cả tôi và bác sĩ Edwards cố gắng hình dung ra Marianne Engel đang nói về cái gì. Chúng tôi nhìn nhau và đi đến một thỏa hiệp ngầm là có hỏi cũng chẳng tích sự gì, thế là Nan chỉ nói rằng sốc do quá mẫn cảm khá phổ biến trong các trường hợp đó rồi tiếp tục hướng dẫn cách chăm sóc tôi. Bà nhắc tôi chú ý đến cả những tổn thương tiềm ẩn cũng như những vết thương bên ngoài. Da là cơ quan điều hòa thân nhiệt, giảm nhiệt qua mồ hôi trong những ngày nóng nực hoặc trong khi chơi thể thao, và cơ thể của tôi đã mất phần lớn khả năng đó. Vì tuyến mồ hôi và lỗ chân lông của tôi bị tổn thương, bộ não sẽ phải đối mặt với những thử thách cam go trong việc kiểm soát các trung khu thần kinh và cơ quan nội tiết. Về mặt lý thuyết, cơ thể tôi có thể nổi loạn và nướng chính mình từ trong ra ngoài; nếu không cẩn thận, tôi có nguy cơ trở thành cây đuốc sống tự cháy bất cứ lúc nào.
"Chúng tôi đã giữ mọi thứ ở nhiệt độ thích hợp cho anh trong căn phòng này," bác sĩ Edwards nói, "nhưng anh có lẽ sẽ phải thử với điều hòa nhiệt độ để xem thế nào là hợp lý nhất. Cô cũng có điều hòa nhiệt độ chứ, Marianne?"
"Tôi sẽ cho lắp càng sớm càng tốt."
"Tốt. Còn câu hỏi chốt nào không?"
Tôi hỏi họ sẽ cung cấp bao nhiêu morphine nữa. (Tôi chắc chắn con rắn cái ấy sẽ không trườn khỏi xương sống của tôi khi tôi xuất viện đâu.)
"Đủ cho một tháng," Nan trả lời, "nhưng cẩn thận đấy. Một chút đau đớn bây giờ còn hơn là nghiện cả đời. Anh đã thông chưa nhỉ?"
"Dĩ nhiên rồi," tôi nói. Nhưng tôi đang THÈM KHÁT liều thuốc thơm ngon sắp tới.
Sau khi nghe hướng dẫn điều trị xong, tôi được đặt vào xe lăn, theo nội quy bệnh viện, rồi Nan đẩy tôi ra cửa chính. Marianne Engel chả buồn cự nự rằng cô mới là người được đẩy; có lẽ cô nghĩ bác sĩ Edwards cần làm việc đó cho bệnh nhân của mình, như một nghi lễ trước khi để họ đi.
Tại cửa chính, tôi đứng dậy khi Nan nói lời cảnh báo cuối cùng. "Mọi người nghĩ rằng khi một bệnh nhân bỏng được về nhà, giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. Trên thực tế, các bạn sẽ phải đối mặt với việc thiếu đi hệ thống hỗ trợ hằng ngày của bệnh viện. Nhưng chúng tôi vẫn luôn ở đây, vì thế đừng ngại gọi cho chúng tôi nếu mọi người cần gì."
Không giống Howard, tôi không có cả một phái đoàn bạn bè, gia đình và vợ chưa cưới cũ đến đưa tiễn. Nhưng tôi hầu như chẳng có gì phải phàn nàn; không như Thérèse, tôi rời viện mà vẫn còn sống. Nhân viên bệnh viện và Marianne Engel xúm xít xung quanh để trao nhau những lời chúc chân thành "Cám ơn" và "Chúc may mắn". Connie ôm chầm lấy tôi. Beth bắt tay tôi thật chặt, và dù Maddy không có mặt, tôi chắc chắn nếu cô mà ở đấy thì hẳn sẽ lắc mông dữ lắm. Sayuri hứa sẽ sớm ghé qua để tiếp tục giúp tôi tập đi và xin lỗi thay Gregor đã vắng mặt tại buổi chia tay. Ông ta phải cấp cứu bệnh nhân, cô giải thích.
Tôi mong Nan sẽ chìa tay ra, nhưng bà không làm thế. Bà ôm Marianne Engel, nói với cô hãy chăm sóc tôi cẩn thận. Rồi bà hôn lên má tôi và dặn tôi cũng phải chăm sóc cho Marianne Engel.
Họ để bệnh nhân tâm thần phân liệt lái xe sao? Có vẻ thế. Marianne Engel sở hữu một chiếc xe đua đời 70, thứ mà tôi chẳng bao giờ hình dung nổi sẽ dành cho cô; thế nên, tôi thấy thật tuyệt. Cô khoe rằng nó từng thuộc về người chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Ngành Y 1967.
NGƯƠI THẬM CHÍ CÒN CHẲNG THỂ NGỒI CÙNG XE VỚI CÔ TA...
Trong suốt những giây cuối cùng trước khi bị tống vào bệnh viện, tôi đã được lôi ra từ một cái xác ô tô nghi ngút khói. Giờ đang đứng đây, điều đầu tiên tôi làm khi xuất viện là leo lên một phương tiện giao thông bốn bánh. Tôi biết mình không thể đi bộ được nhưng tôi vẫn ước giá mà có cách nào khác.
... MÀ KHÔNG BĂN KHOĂN CÔ TA CÓ NÊN LÁI XE HAY KHÔNG.
Động cơ chuyển mình như một con gấu cáu kỉnh ngáp dài thoát khỏi giấc ngủ đông. Máy nghe nhạc kiểu cổ bật lên, và thế là để lái xe thật thoải mái, Marianne Engel hát. Lúc đầu, Edith Piaf bay khỏi miệng cô như một con sẻ nhỏ bị thương mà vẫn duyên dáng, sau đó, cô lẩm nhẩm hai từ "quá dài" trong bài hát của Leonard Cohen.
Ở cột đèn giao thông, chúng tôi đỗ cạnh một đôi đi xe Ford cũ. Người phụ nữ ngồi trên ghế hành khách nhìn thấy tôi - tôi vẫn đang quấn băng, và sẽ quấn thế cho tới khi trang phục tạo áp suất được làm xong - và cô ta khẽ thét lên trước khi quay ngoắt lại nhìn đường, cố vờ như chưa hề phản ứng.
Người phụ nữ đó đã nhìn chúng tôi và nghĩ rằng Marianne Engel là người bình thường.
CHẲNG AI TRONG BỌN NGƯƠI BÌNH THƯỜNG CẢ.
Chuyện như thế này sẽ xảy ra thôi, và tôi nghĩ lẽ ra mình nên được chuẩn bị trước. Nhưng tôi đã không có cái may mắn đó.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33 - Hết