Chương 12
Sau khi tôi bắt đầu đọc những tác phẩm của Meister Eckhart, một luồng suy nghĩ mới xuất hiện trong đầu tôi. Nó không quá mạnh mẽ nhưng cũng đủ gây ảnh hưởng đến tôi, và cuối cùng tôi cũng bắt đầu hiểu được một số điều mà mẹ Christina đã nói về việc xóa bỏ sự phàm tục trong tâm hồn để có thể đến gần hơn với Chúa Thánh Thần. Nhưng tôi luôn bí mật giữ cuốn sách, vì những xơ như Gertrud sẽ không bao giờ chấp nhận nổi những ý tưởng còn cấp tiến hơn những gì bà đã từng biết. Và dù Eckhart là chất xúc tác, người làm dấy lên những băn khoăn trong tôi lại là một người khác. Khi một trong những bà xơ có tuổi ở tu viện chúng tôi qua đời, Gertrud đã bổ nhiệm tôi vào vị trí của bà ấy, bao gồm cả việc giao thiệp với thương gia cung cấp giấy da cho chúng tôi nữa.
Người buôn giấy da này thô lậu hơn hết thảy những người đàn ông tôi từng biết, vì thế việc chúng tôi trở nên thân thiết với nhau thật đáng ngạc nhiên. Điều đầu tiên ông ta muốn tôi làm là cầu nguyện cho ông. Ông giải thích rằng bà xơ tiền nhiệm thường làm như thế, và đó là bài học đầu tiên của tôi về việc có qua có lại. Nếu tôi làm thế, ông sẽ giảm giá cho tu viện. Ông thú nhận là ông đã phạm tội, nhưng kèm thêm một nụ cười giả lả rằng ông "chưa phạm tội đến mức phải cầu xin được ân xá."
Ông thích nói mọi chuyện trên trời dưới bể và tôi rất ấn tượng với những hiểu biết của ông về chính trị, nhưng có lẽ chỉ vì tôi không biết rằng những điều ông phàn nàn đều là chuyện tầm phào trong bất cứ quán rượu cuối ngày nào. Trong hàng tháng trời làm việc cùng nhau, tôi biết thêm nhiều điều về một nước Đức tồn tại bên ngoài những bức tường tu viện. Đức Giáo hoàng John ôm mối thâm thù với Louis vùng Bavaria. Chiến tranh nổ ra, và những lãnh chúa địa phương đã phải viện đến sự trợ giúp của đám lính đánh thuê gọi là condotta; nhà ngôn ngữ học trong tôi nhận ra ngay đó là một từ vay mượn tiếng Ý. Cái chết được đem ra bán lấy lãi, hoàn toàn không có chút lý tưởng hay lòng tin nào tồn tại, và điều này làm tôi buồn nôn. Tôi không hiểu nổi vì sao con người có thể làm những chuyện như thế, và người buôn giấy da chỉ nhún vai nói với tôi rằng những chuyện như thế xảy ra ở khắp mọi nơi.
Ở trong phòng viết, Gertrud bắt chúng tôi làm việc thâu đêm với cuốn Die Gertrud Bibel, và những nỗ lực đang được đền đáp xứng đáng. Dù bà để tâm đến từng chi tiết, dù chúng tôi vẫn phải làm biết bao công việc khác nữa, tôi vẫn có thể thấy rằng tác phẩm chỉ mất vài năm nữa là hoàn thành. Bà đã lớn tuổi, nhưng tôi biết bà sẽ ép bản thân tiếp tục. Dù ngoan đạo như vẫn luôn tuyên bố, bà hẳn đã phải tranh luận với chính Chúa Jesus xem liệu Người có dám cả gan mang bà đi trước khi mọi sự xong xuôi hay không.
Đó là vào lúc nửa đêm, như bất cứ nửa đêm nào khác, khi một trong những bà xơ đi đến phòng viết và thì thầm về sự xuất hiện của hai người đàn ông, một người đầy vết bỏng nặng đến nỗi trông anh ấy như thể "vừa có một trận chiến với Kẻ thù!" Nghe có vẻ khá thú vị, nhưng tôi vẫn còn việc phải làm.
Buổi sáng hôm sau, xơ Mathildis, y tá của tu viện, đánh thức tôi dậy khi tôi còn đang ngủ trong phòng mình và nói tôi buộc phải có mặt ở bệnh xá, theo lệnh của mẹ Christina. Tôi khoác vội chiếc áo choàng rồi hai người chúng tôi cùng nhau băng qua khu vườn của tu viện trong khi bà thông báo cho tôi rằng bà và những xơ khác phụ trách bệnh xá - xơ Elisabeth và Constantia - đã thức suốt đêm để chăm sóc cho nạn nhân bỏng. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi thấy anh ta có thể chịu đựng được lâu đến như vậy.
Mẹ Christina đón chúng tôi ở cửa bệnh xá. Trong phòng, cha Sunder và các xơ y tá đang chăm sóc một người đàn ông nằm đắp một tấm chăn trắng. Một binh sĩ đã kiệt quệ, vẫn còn khoác trên người bộ quần áo lính tơi tả, đang ngồi ủ ê ở góc phòng. Khi nhìn thấy tôi, anh ta liền nhảy ngay tới và đề nghị, "Xin cô giúp anh ấy với."
"Xơ Marianne, đây là Brandeis, anh ấy đã mang người bị bỏng đến chỗ chúng ta. Chúng ta đã tham khảo tất cả sách y khoa hiện có" - mẹ Christina hất đầu về phía những cuốn sách đang lật mở nơi góc bàn - "nhưng không có đủ thông tin để áp dụng với những vết thương kiểu này."
Tôi không biết họ cần gì ở mình. "Thế bệnh viện Thánh thần ở Mainz thì sao ạ? Con nghe kể đó là một trong những nơi tốt nhất."
Cha Sunder liền tiến lên phía trước. "Chúng ta cũng đã xem xét khả năng đó, dĩ nhiên là thế, nhưng tình trạng sức khỏe của anh ấy quá nguy kịch nên không thể liều lĩnh đi một quãng đường xa như thế. Tất cả những gì có thể làm được đều phải được làm ở đây."
"Nếu có ai đó biết mọi thứ trong phòng viết, thì đó là con," mẹ Christina nói. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, bà thêm, "Và xơ Gertrud, dĩ nhiên. Nhưng bà ấy hiện có rất nhiều nhiệm vụ cần kíp khác, đúng với vị trí của mình, vì thế ta sẽ phải nhờ con tìm tòi trong thư viện bất cứ thông tin nào có thể hữu ích cho việc chữa trị."
Có hai điều trở nên rõ ràng ngay lập tức. Điều đầu tiên, biện pháp này được thực hiện chủ yếu để làm yên lòng Brandeis; hầu như chẳng có chút hy vọng rằng mấy cuốn sách của chúng tôi có thể chứa những thông tin thực sự hữu ích. Điều thứ hai, mẹ Christina không tin Gertrud có thể toàn tâm toàn ý nghiên cứu tìm tòi. Dù chỉ có chút hy vọng nhỏ nhoi là có thể tôi sẽ tìm thấy gì đó, méo mó có hơn không, rõ ràng mẹ Christina đã quyết định rằng mạng sống của một con người quan trọng hơn lòng kiêu hãnh của Gertrud. Điều này, tôi phải thú nhận, làm tôi cảm thấy rất thích thú. Nhưng để lộ ra thì thật thất lễ, vì thế tôi chỉ nhũn nhặn cúi đầu mà nói rằng tôi rất sẵn lòng phục vụ tu viện trưởng của tôi trước Chúa. Yêu cầu duy nhất của tôi là cho phép tôi được xem qua những vết thương của người lính, để tôi có thể biết được mình cần tìm những phương thuốc như thế nào.
Khi lại gần chiếc bàn, tôi đã nhìn thấy khuôn mặt anh lần đầu tiên. Khi đó mặt anh đã bị bỏng nặng, như bây giờ, dù đỡ khủng khiếp hơn, và có một ụ máu lớn trên ngực anh, thấm qua tấm chăn trắng. Tôi không thể không nghĩ nó trông như một bông hồng bật lên khỏi tuyết. Dù chỉ trong giây lát, tôi cũng biết đó là một suy nghĩ không đúng đắn chút nào. Cha Sunder nhìn mẹ Christina, bà gật đầu đồng ý, thế là ông nhẹ nhàng kéo tấm chăn lên. Tôi có thể nghe thấy một tiếng xoẹt nhẹ khi tấm vải đầy máu tách ra khỏi người anh.
Phản ứng của tôi lúc đó đã làm chính bản thân tôi bất ngờ. Tôi đã bị anh cuốn hút hơn bất cứ thứ gì khác, và chắc chắn tôi sẽ không thoái lui. Trong khi tất cả mọi người trong phòng, thậm chí cả người lính tên Brandeis, đều lùi lại một bước, tôi lại tiến lên một bước.
Có những vùng da bị cháy, dĩ nhiên, và cơ thể anh chảy nhiều máu hơn khả năng thấm hút của những dải băng. Tôi xin một mảnh vải để lau chỗ máu rỉ ra. Máu đen, đỏ lẫn xám chảy lẫn vào nhau, nhưng khi lau những vết máu đọng, tôi đã có một phát hiện bất ngờ. Có một vùng hình chữ nhật trên ngực anh không hề bị bỏng. Nó ở bên trái, ngay phía trên trái tim anh, và nổi bật lên giữa những vùng da thịt bị hủy hoại xung quanh. Ngay giữa tâm của nó là một vết thương độc nhất, một vết rạch nơi vật nhọn nào đó đã cắt vào thịt anh. Tôi hỏi Brandeis về chuyện này, và anh ta trả lời rằng đó là điểm đầu mút của mũi tên đã đâm vào anh. Anh ta nói rằng mũi tên không đâm sâu lắm nhưng chính ngọn lửa đã gây nên những thương tổn nặng nề nhất.
Tôi hỏi xem thực sự chuyện gì đã xảy ra. Khuôn mặt của Brandeis chùng xuống, vì anh ta đã kể câu chuyện này cho những xơ y tá rồi và không muốn kể lại nữa. Nhưng anh ta tự trấn an bản thân và bắt đầu nói.
Anh và Brandeis thuộc về một nhóm lính condotta, đội cung thủ đánh thuê. Và anh ta nhìn xuống sàn nhà với vẻ xấu hổ khi thừa nhận công việc mình làm trong ngôi nhà của Chúa. Hôm trước đó đã có một trận đánh. Vừa mới đây hai người các anh còn cầm cung tên bên cạnh nhau, giây tiếp theo anh đã bị trúng một mũi tên lửa. Brandeis phản ứng hết sức nhanh nhạy, nhưng ngọn lửa đã kịp lan ra. Vì mũi tên cắm thẳng vào ngực anh, anh không thể lăn lộn trên đất để dập lửa được, nên Brandeis đã bẻ đoạn gần đầu mũi tên đi. Nói đến đoạn này, anh ta giơ lòng bàn tay cho chúng tôi xem vết bỏng khá nặng của mình. Anh ta cố xé bộ quần áo bén lửa của anh ra nhưng đã quá muộn. Anh đã phải chịu những thương tổn quá nặng nề rồi.
Anh ta ở bên cạnh anh trong suốt trận chiến, dùng cây cung của mình hạ gục tất cả những những kẻ dám mon men đến gần. Khi đối phương đã rút lui, các đồng đội của anh bắt đầu rà soát chiến trường để tìm người sống sót.
Có một luật lệ mà tất cả mọi người đều hiểu rõ. Nếu quân địch bị thương bị tìm thấy, anh ta sẽ bị xử tử. Nếu quân ta bị thương nhưng vẫn có thể chữa lành, anh ta sẽ được chữa trị. Nhưng nếu quân ta vẫn còn sống nhưng vết thương không thể cứu chữa được, anh ta cũng sẽ bị giết. Đây được coi là một hành động vì mục đích nhân đạo cũng như lợi ích kinh tế. Để một người tốt phải chịu cái chết từ từ thì thật không hay chút nào, và cũng rất phi thực tế nếu cứ lãng phí nhân lực và lương thực để giữ lại mạng của một người lính vô dụng.
Khi anh và Brandeis được đám lính đánh thuê tìm thấy, tất cả những người còn lại nhanh chóng đi đến quyết định. Anh đã bị thương quá nặng và anh sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ sở. Họ cũng vậy.
Một chiến binh trẻ tuổi tên là Kuonrat bước tới đề nghị được chém nhát chém cuối cùng, mà không hề nghĩ lấy một giây rằng đây là nhiệm vụ sau này sẽ làm hắn ta hối hận. Kuonrat là một gã háo danh và khát máu chẳng chút lương tri; hắn ta đã để mắt đến vị trí cao nhất, và cái chết của anh đơn giản là loại bỏ một kẻ kỳ cựu ngáng chân hắn trên con đường tới chức condottiere, đội trưởng đội lính mà thôi.
Nhưng ngày đó Herwald vẫn là chỉ huy, và mối quan hệ của anh với ông khá lâu dài và bền vững. Thực ra, ông chính là người đã đưa anh vào đội khi anh còn là một cậu thiếu niên. Anh là một trong những người lính thân cận với ông nhất, và qua năm tháng ông ngày càng trân trọng anh hơn. Ông không hề muốn ra lệnh xử tử anh, nhưng không có lựa chọn nào khác, anh cũng quyết không giao trách nhiệm cho một kẻ như Kuonrat. Vì thế Herwald đã đề nghị Brandeis, người bạn thân nhất của anh làm việc đó. Nếu Brandeis từ chối, Herwald sẽ phải đích thân ra tay.
Brandeis không muốn nghe bất cứ một câu nói nào về việc giết anh hết. Anh ta đứng thẳng người và rút thanh kiếm của mình ra. "Tôi sẽ chém tất cả những ai dám bước tới dù chỉ một bước. Tôi sẽ không để bạn mình bị giết như một con ngựa què đâu."
Tại sao Brandeis không thể đưa anh tới một nơi nào đó và tự tay chăm sóc anh? Lý do nằm ở phương châm của nhóm lính đánh thuê condotta. Một khi đã là lính, anh ta sẽ mãi mãi là một người lính. Đã như thế, vẫn như thế, và sẽ luôn luôn như thế. Một người lính cần phải biết rằng mình có thể trông cậy vào người bên cạnh mình, cũng như biết rằng mình sẽ không bị bỏ rơi trong lúc nguy nan. Để củng cố luật lệ này, tất cả những ai cố gắng bỏ trốn sẽ bị truy đuổi và bị giết hại dã man, không có ngoại lệ. Nếu Brandeis được phép rời vị trí để chăm sóc anh, ai biết được sau này sẽ có ai khác đòi quyền lợi như thế nữa?
Brandeis đứng nhìn xuống anh, thanh kiếm của anh ta giơ lên chống trả cả đội quân và chống lại cả một truyền thống không thể bị phá bỏ. Thật là một việc làm cực kỳ can đảm nhưng cũng không kém phần ngu ngốc. Nhưng, có lẽ, những người lính khác cũng cảm thấy trong lòng dấy lên cảm giác kính trọng khó tả trước một người dám liều cả mạng sống của mình để bảo vệ một người bạn. Tình thế tiến thoái lưỡng nan chỉ có thể được giải quyết nếu Brandeis đưa ra được một giải pháp khả dĩ, và thật ngạc nhiên, Brandeis đã làm được thế.
Brandeis biết được khoảng cách giữa Engelthal và nơi vừa diễn ra trận chiến, và anh ta cũng biết tu viện nổi tiếng là nơi thường xảy ra những điều kỳ diệu. Brandeis đã thề, trên danh dự của anh ta, rằng anh ta sẽ quay lại với đội quân trước trận chiến sắp tới nếu anh ta được phép đưa anh tới tu viện. Anh ta nhấn mạnh rằng - vì tất cả mọi người đều tin kiểu gì thì anh cũng chết - ít nhất anh cũng nên được chết dưới sự bảo vệ của Chúa.
Herwald chấp nhận lời đề nghị, một sự nhượng bộ hiếm có của ông. Về cả lý và tình, đây quả là một quyết định đúng đắn. Nó thể hiện rằng những người lính trung thành sẽ được trọng thưởng, đồng thời giúp ông khỏi phải ra lệnh xử tử một người bạn lâu năm. Và không ai có thể buộc tội ông cho phép một người lính còn khỏe mạnh rời bỏ vị trí, vì anh ta đã hứa sẽ quay lại.
Kuonrat Háo Danh biết rõ là không nên công khai đả kích Herwald khi bầu không khí thiện chí đang lên cao, nhưng hắn cũng không bỏ lỡ cơ hội thì thào với tất cả những ai chịu lắng nghe rằng thực sự đây là lần thứ hai quy định không thể phá vỡ của đoàn quân bị xem thường. "Không ai nhớ chuyện về tên cung thủ người Ý Benedetto à? Chúng ta đã để hắn trốn thoát mà không hề đem quân đi truy đuổi. Herwald một lần nữa lại phản bội chúng ta vì ông ta quá yếu đuối. Chúng ta còn để chuyện này tiếp diễn tới bao giờ nữa?"
Chỉ vài người chịu nghe. Hầu hết mọi người đều tán thành rằng sau bao nhiêu năm phục vụ, anh nên được phép chết bên cạnh Chúa, trong sự chăm sóc của các xơ ở Engelthal.
Khi Brandeis kết thúc câu chuyện, anh ta lấy tay vuốt khuôn mặt mệt mỏi của mình. Có lẽ tôi đã thấy một giọt nước mắt, nhưng cũng có thể chỉ là một giọt mồ hôi. Và đó là cách anh đến với tu viện. Đó là cách anh đến với tôi.
Câu chuyện của Brandeis làm tất cả mọi người trong phòng xúc động, cả những người đã nghe câu chuyện đó từ trước cũng vậy. Cuối cùng cha Sunder phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng, cất lời ca ngợi anh ta vì những hành động đúng đắn. Mẹ Christina nói rằng dù bà không thiện cảm với lính đánh thuê nhưng cũng đã nhận ngay ra tình anh em chân thật khi gặp các anh. Bà trấn an Brandeis một lần nữa rằng chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, và các xơ y tá cũng gật đầu đồng ý. Đây đều là những lời lẽ tốt đẹp, dĩ nhiên, nhưng mọi khuôn mặt trong phòng đều chung một vẻ tiếc thương. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng anh sẽ chết.
Tôi thì không. Tôi muốn lướt ngón tay mình lên những vết thương của anh; tôi muốn máu anh tưới lên người tôi. Nơi mọi người nhìn thấy một người đàn ông đang hấp hối, tôi chỉ thấy một con người đang chờ được tái sinh. Tôi nghĩ đến những vết thương của Chúa trong những giây phút đẹp nhất của Người.
Brandeis vươn thẳng người, theo đúng cách đàn ông hay làm khi nghĩ rằng làm thế sẽ cho họ nhiều sức mạnh hơn những gì họ đang thực sự sở hữu. Anh ta cúi đầu, nói phải giữ lời hứa của mình và quay trở lại đội quân. Anh ta tin tưởng vào khả năng của chúng tôi, anh ta nói, và vào sự tốt đẹp của Chúa. Đến bên cửa anh ta còn quay đầu lại nhìn anh lần cuối.
Sau khi Brandeis đi, tôi dành cả ngày lùng sục tất cả các cuốn sách trong phòng viết để tìm mọi thứ có thể giúp anh chữa trị. Nhưng dù nhiệm vụ có cấp thiết đến mức nào, tôi cũng không thể tập trung được. Tôi cố hình dung cảnh hai người trên chiến trường, nhưng không thể. Brandeis dường như quan tâm đến sinh mạng của anh tới nỗi không thể là một kẻ giết người, và nét bình thản trên khuôn mặt anh khi anh nằm trên bàn cứ luôn ám ảnh tôi. Lúc đó tôi không hề để ý, nhưng anh đã yếu lắm rồi. Khi ấy, dường như tôi có cảm giác là linh hồn anh đã rời khỏi thân xác rồi. Là một tu sĩ, tôi cảm thấy vô cùng rối bời. Tôi đã không thể tập trung suy xét để nhận ra rằng mình chưa hề hỏi Brandeis tại sao cái vùng hình chữ nhật trên ngực anh lại không bị bỏng, giữa những tổn thương khủng khiếp đã gây ra cho cả thân người anh như thế.
Sách của chúng tôi không hề có một tài liệu nào chỉ ra cách chữa những vết bỏng đáng sợ của anh. Không chút ánh sáng xuyên qua ô cửa sổ chiếu rọi một trang sách khả dĩ, cũng không một luồng gió thổi qua khung cửa sổ lật một cuốn sách đến trang thích hợp. Vào buổi tối, tôi thấy mình buộc phải quay trở lại bệnh xá, chỉ để thông báo cho các xơ y tá rằng tôi đã không tìm được bất cứ điều gì.
Quang cảnh khác biệt rõ rệt so với lúc trước. Tôi chưa từng thấy ai gào thét điên cuồng như anh. Những năm tháng yên lặng trong tu viện đã làm tôi không tưởng tượng nổi một con người có thể phát ra những tiếng động kinh dị đến vậy. Các nữ tu đều đang cố ghìm anh lại, nhưng đó quả là một cuộc chiến không cân sức. Xơ Elisabeth vui vẻ tột độ khi nhường vị trí của cô cho tôi. Người anh thấm đẫm chất dịch mỗi lúc một rịn ra nhiều hơn, đôi mắt anh đảo hết bên này sang bên kia như để tìm một con quỷ chỉ anh mới có thể nhìn thấy. Tôi đặt một bàn tay lên đầu anh để giúp anh trấn tĩnh, nhưng anh vẫn không ngừng quẫy đạp. Tôi vuốt tóc anh và nói những lời an ủi nhẹ nhàng trong khi những người khác đổ nước lên người anh. Mỗi gáo nước lạnh lại làm người anh giật nẩy lên. Tôi cũng lấy một bình nước và cố hết sức đổ xuống họng anh. Khi anh cuối cùng cũng chịu mở miệng ra đón lấy, trong một khoảnh khắc mắt anh đã chớp một cái rồi lại nhắm chặt.
Một phút yên lặng kỳ dị trôi qua, và tôi có thể thấy trong cách họ liếc nhìn nhau, tất cả mọi người đều chắc chắn rằng anh đã chết. Những cô y tá rụt rè tự cho phép bản thân ngồi xuống, quá mệt mỏi vì phải chăm sóc anh rồi.
Và rồi anh hổn hển bật dậy, mắt anh ngập tràn nỗi kinh sợ như thể anh đã thấy mọi thứ phải biết về cái chết. Anh lại bắt đầu gào thét, vì thế tôi tát vào mặt anh và cố làm anh tập trung, nhưng đôi mắt anh lại tiếp tục đảo tìm con quái vật lần nữa. Tôi dùng hết sức để giữ chặt anh và gí sát mặt vào anh, thét lên ầm ĩ. Khi cuối cùng anh cũng có thể tập trung nhìn tôi, nỗi sợ của anh dường như tan biến.
Ánh nhìn của anh cho thấy rõ anh đã nhận ra điều gì đó. Chúng ta chăm chú nhìn nhau. Tôi không biết bao nhiêu phút giây đã trôi qua. Anh cố nói gì đó, nhưng nhỏ nhẹ đến nỗi tôi nghĩ mình đang tưởng tượng ra giọng nói của anh. Tôi ghé sát tai vào miệng anh. Những nữ tu khác đã lùi lại mấy bước và không thể nghe anh thều thào vài từ.
"Trái tim của tôi... Bị khóa... Chìa khóa."
Rồi anh nhắm mắt lại và chìm vào hôn mê.
Tôi không hiểu những từ anh nói có ý nghĩa gì, nhưng chẳng hiểu sao chúng đã củng cố niềm tin rằng tôi có sứ mệnh giúp anh. Một nữ tu không bao giờ được phép chấp nhận ý tưởng là trái tim của một con người đã bị khóa, đặc biệt khi đó là trái tim của một người đàn ông không lâu nữa sẽ đến ngưỡng cửa Thiên đường - hay, dù bản thân tôi cũng không muốn thừa nhận điều đó, Địa ngục. Người ta phải thấy rõ điểm đến cuối cùng của một người lính đánh thuê là Địa ngục.
Tôi ở bên anh suốt đêm và lau những chất dịch nhầy trên ngực anh, tôi cố gắng nhẹ nhàng hết sức, nhưng da thịt anh vẫn cứ giật lên dưới tay tôi. Dù quả là khó khi phải nhìn những vết thương của anh, tôi đã chắc chắn - lần đầu tiên trong đời - rằng Engelthal chính xác là nơi dành cho tôi. Sự thiếu ảo giác thần bí, thiếu khả năng giao tiếp với Chúa Thánh Thần Vĩnh Hằng, tất cả những điều này hoàn toàn không quan trọng.
Sáng hôm sau, trên lối quay về phòng, tôi đụng độ Gertrud. Bà hỏi, với một giọng ngọt ngào giả tạo, rằng khi nào "tôi có thể thu xếp thời gian chăm sóc kẻ giết người" để trở lại với nhiệm vụ phòng viết và tiếp tục công việc của Chúa. Tôi thông báo với bà rằng mẹ Christina đã đặc biệt giao trọng trách chăm sóc bệnh nhân bỏng cho tôi, và rằng đó là nhiệm vụ chính của tôi bấy giờ. Tôi cũng lỡ miệng nói rằng mẹ Christina nghĩ tôi có khả năng độc nhất vô nhị trong việc tìm kiếm bất cứ tài liệu cần thiết nào trong phòng viết. Tôi có thể thấy mặt Gertrud phừng phừng giận dữ, nhưng chỉ đúng trong một khoảnh khắc thôi.
Khi đã lấy lại bình tĩnh, Gertrud nói, "Mẹ Christina thật tốt bụng khi dành cả người lẫn của để cứu giúp một người đàn ông. Tuy nhiên, ta nghĩ con cũng nên thông minh một chút để nhớ rằng chỉ có Chúa mới cứu được người đàn ông này. Một đứa con hoang bị vứt ngoài cổng thì chẳng làm được cái gì đâu."
Đây là những từ ngữ nặng nề nhất bà từng nói với tôi. Tôi đã bị sốc, nhưng cũng kịp bảo rằng bà nói rất đúng, dĩ nhiên rồi. Tuy thế, tôi cũng nói thêm rằng tôi nên xin phép đi đọc kinh tạ ơn rồi chợp mắt một chút, phòng trường hợp Chúa thực sự quyết định ban cho đứa con hoang như tôi khả năng giúp đỡ một người trong cơn hoạn nạn.
Lát sau khi tôi quay lại bệnh xá, tôi nhận thấy anh đã phải trải qua một quãng thời gian rất khó khăn khi tôi vắng mặt. Anh đang lắp bắp những từ vô nghĩa và trở mình dữ dội. Mẹ Christina và cha Sunder đang ở đó, thảo luận với y tá, nhưng không ai biết phải làm gì tiếp theo.
Không hề báo trước, anh giơ tay lên chỉ thẳng vào tôi. Tất cả những lời lẽ rối rắm của anh đã rơi đi đâu hết và anh dõng dạc nói to: "Người này."
Tất cả mọi người đều sững sờ. Trừ vài từ chỉ mình tôi nghe thấy lúc trước, đây là lần đầu tiên anh nói chuyện. Một sự ngưng đọng kịch tính đến hoàn hảo bao trùm cả căn phòng trước khi anh nói thêm, "Tôi đã có ảo giác."
Những nữ tu há hốc mồm còn mẹ Christina thì mấp máy cầu nguyện Chúa chỉ dẫn ngay lập tức. Một binh sĩ có ảo giác: Engelthal thực sự là một nơi linh thiêng và tuyệt vời biết bao! Nhưng tôi không tin điều đó. Anh mới ở trong tu viện được một thời gian ngắn, nhưng bằng cách nào đó anh đã biết được thứ duy nhất có ý nghĩa vào thời điểm này là thiên khải.
Mẹ Christina do dự bước thêm một bước nữa. "Anh đã thấy ảo giác nào?"
Anh lại chỉ tay vào tôi lần nữa và thì thầm, "Chúa nói rằng người này sẽ chữa lành cho tôi."
Mẹ Christina bấu chặt lấy cánh tay của cha Sunder. "Anh chắc chứ?"
Anh nhẹ nhàng gật đầu và nhắm mắt lại, theo đúng cái cách những nữ tu vẫn làm để thể hiện họ đang trầm tư mặc tưởng đến mức nào.
Những xơ y tá siết chặt tay trong nỗi sợ hãi thần thánh và quỳ lạy với sự tôn kính vô bờ, cha Sunder và mẹ Christina thì rút vào một góc hội ý với nhau. Ngay sau đó, mẹ Christina đặt tay tôi vào tay bà. "Đây là một điều rất kỳ lạ, xơ Marianne, nhưng chúng ta phải tin những lời anh ấy nói. Chẳng phải ta vẫn luôn nói với con rằng mọi chuyện không đơn giản như vẻ bề ngoài hay sao?"
Có lẽ mẹ Christina, Chúa phù hộ bà, đang ngóng trông một chương mới trong biên niên sử về Engelthal của mình. Tôi là ai mà dám làm bà thất vọng chứ? Tôi gật đầu, như thể cái vỏ bọc một y sư được lựa chọn là gánh nặng đối với một nữ tu chẳng xuất chúng gì như tôi đây, nhưng đó cũng là trách nhiệm tôi phải gánh vác cho tu viện. Phía sau mẹ Christina, anh dường như lại rơi vào trạng thái bất tỉnh, nhưng môi anh nở một nụ cười.
Những nữ tu khác hầu như cho tôi toàn quyền quyết định cách chữa trị cho anh sau thiên khải của Chúa. Không nghi ngờ gì, họ không hề muốn những lỗi lầm trần tục của mình làm kinh động đến những phương thuốc của thánh thần. Tôi dùng nước sạch lau vết thương và thay băng cho anh, nhưng tôi cũng bắt tay vào việc cắt những phần thịt thối rữa của anh, một quy trình vấp phải sự phản đối của những người xung quanh cho tới khi tôi nhắc họ về ảo giác của anh. Có lẽ họ không có gan phản đối việc đó, hoặc có lẽ họ nghĩ mình không có quyền làm mạo phạm một cơ thể được Chúa tạo nên, dù sao, họ luôn luôn rời phòng mỗi khi tôi làm đến công đoạn ấy.
Vì sao tôi lại cho rằng việc cắt bỏ phần hoại tử là một hành động đúng đắn, tôi sẽ không bao giờ có thể biết được. Từ khi sinh ra đến giờ, tôi luôn tâm niệm làm người phải biết phân biệt tốt xấu, thế nên có lẽ tôi chỉ áp dụng ý tưởng này theo ý nghĩa trần tục nhất. Và lý do tại sao anh lại để tôi cắt da thịt mình, tôi cũng không rõ, nhưng anh thì biết. Anh gào lên, tỉnh rồi lại mê, nhưng không một lần bảo tôi dừng con dao lại. Tôi đã vô cùng sửng sốt trước lòng can đảm của anh.
Trong suốt tuần đầu tiên, anh luôn ở trong trạng thái mê sảng. Đến ngày thứ bảy, anh hạ sốt và cuối cùng cũng thức tỉnh đón chào thế giới. Tôi đang lau mồ hôi trán cho anh thì anh ngước nhìn tôi và bắt đầu cất tiếng hát yếu ớt.
Dû bist mỵn, ich bin dỵn:
des solt dû gewis sỵn;
dû bist beslozzen in mỵnem herzen,
verlorn ist daz slüzzelỵn:
dû muost och immer darinne sỵn.
Chẳng vấn đề gì, cái việc anh vừa ho vừa hát ấy. Đơn giản đó là tiếng ca cất lên từ cổ họng của một người đang dần bình phục, nó hay hơn mọi bài tụng ca Chúa mà tôi từng nghe các nữ tu cất giọng hát.
Tin anh tỉnh lại đã lan khắp Engelthal. "Bàn tay xơ Marianne thực sự đã làm nên điều kỳ diệu!" Tôi nghĩ rằng đó chỉ là những kiến thức thông thường, nhưng anh không thể nào tranh luận với những nữ tu đang hân hoan vui sướng được đâu. Thậm chí Gertrud và Agletrudis cũng thôi thầm thì vào tai mẹ Christina rằng tôi cần quay về làm nhiệm vụ tại phòng viết.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33 - Hết