Chương 11
Bên cạnh giường tôi, trên chiếc bàn nhỏ, là một bông loa kèn bằng thủy tinh xuất hiện vào buổi sáng sau hôm câu chuyện về Vicky được kể. Tôi rất lúng túng không hiểu vì sao nó lại ở đó, vì Marianne Engel đã rời bệnh viện từ lâu trước khi tôi ngủ. Khi tôi hỏi các cô y tá xem ai trong số họ đã để bông loa kèn thủy tinh lại thì họ đều thề là không phải mình. Hơn nữa, Maddy còn khẳng định chắc chắn rằng suốt đêm không hề có một ai đi qua phòng trực của y tá. Thế có nghĩa là hoặc các cô y tá nói dối, hoặc Marianne Engel đã lẻn vào với sự trợ giúp của bóng tối.
Câu hỏi thứ hai về bông loa kèn thủy tinh là: Nó tượng trưng cho cái gì?
Tại sao, bạn hoàn toàn có thể hỏi tôi, tại sao tôi lại nghĩ nó mang một ý nghĩa nào đó? Một vài thứ, trong đó có những món được làm từ công nghệ thổi thủy tinh, đơn giản là nhìn rất hay. (Và tôi có cần phải nhắc bạn nhớ là khoa bỏng cấm mang hoa thật vào không nhỉ?) Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng nó thực sự mang một ý nghĩa nào đó; càng dành nhiều thời gian với Marianne Engel, tôi càng tin rằng mọi thứ đều liên quan đến nhau một cách không thể lý giải.
"Ồ," bác sĩ Edwards nói, "một chút bí ẩn không phải lúc nào cũng xấu. Nó khiến người ta có lòng tin."
"Đừng nói với tôi là chị theo đạo đấy, Nan. Tôi không nghĩ là tôi chịu nổi đâu."
"Tín ngưỡng của tôi, có hay không có, cũng chẳng việc gì đến anh. Anh có cuộc sống riêng của mình, như bữa tiệc tối qua ấy, và tôi cũng có cuộc sống của tôi." Có chút... ghen tị pha lẫn giận dữ và làm mình làm mẩy? gọi như thế nào được nhỉ?... trong giọng nói của bà.
Thật lạ khi Nan có vẻ khó chịu với bữa cơm do chính bà chỉ định. Là một kẻ cơ hội, tôi coi đây là bàn đạp cho tôi hỏi bà một câu khiến tôi bận lòng bấy lâu: vâng, tôi biết là tình trạng gia tăng chuyển hóa các chất trong cơ thể khiến tôi cần phải hấp thụ thêm nhiều calo, nhưng lý do thật sự bà cho phép Marianne Engel làm việc đó là gì.
"Mọi người đều phải ăn," Nan thản nhiên nói.
Câu trả lời của bà, dĩ nhiên, không phải một câu trả lời đúng nghĩa. Thế là tôi hỏi lại. Nan, như thỉnh thoảng vẫn thế, dành vài giây cân nhắc lợi hại của việc nói thật. Tôi rất thích khi bà làm thế. Như tôi mong đợi, bà đã không nói dối. "Tôi cho phép những bữa ăn này vì rất nhiều lý do. Đầu tiên, sẽ rất tốt cho anh nếu anh hấp thụ được càng nhiều chất dinh dưỡng càng tốt. Tôi cũng làm việc này vì các y tá nữa vì có vẻ anh đã xử sự phải phép hơn từ khi Marianne Engel đến. Nhưng trên hết, tôi làm việc này vì tôi chưa bao giờ gặp một người nào cần bạn đến như anh."
Nói ra điều đó đã làm Nan cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi hỏi bà nghĩ gì về việc Marianne Engel giúp tôi tập vật lý trị liệu, và bà thừa nhận chính xác những gì tôi đang nghi ngờ, rằng bà không thích ý tưởng đó lắm.
"Chị lo lắng là tôi bắt đầu phải phụ thuộc vào cô ấy nhiều quá," tôi nói, "và cô ấy sẽ làm tôi thất vọng."
"Chẳng phải chuyện ấy cũng làm anh lo lắng sao?"
"Phải," tôi trả lời.
Vì Nan đã quyết định nói cho tôi nghe sự thật, điều nhỏ nhặt nhất tôi có thể làm là trả lời thẳng thắn như vậy.
Mọi thứ dường như đang tiến triển gần giống như cái lẽ phải thế. Giờ đây khi tôi thực sự có khát vọng cải thiện bản thân và đang nỗ lực để thực hiện điều đó, tôi có thể cảm thấy mình ngày càng mạnh mẽ hơn. NGƯƠI CÓ CHẮC KHÔNG? Nhưng để sẵn sàng đối mặt với thế giới thực ngoài kia thì phải cần đến cả sức mạnh thể chất lẫn tinh thần.
Maddy đặt tôi ngồi vào xe lăn rồi đẩy tôi vào phòng chung nơi có bốn bệnh nhân bỏng khác. Một người đàn ông đang đứng trên bục trong lễ phục áo sơ mi và cà vạt: Lance Whitmore là một bệnh nhân đã xuất viện. Anh đã phải chịu những vết bỏng gần (nhưng không hoàn toàn) tệ bằng tôi. Vết thương của anh thì khó nhìn thấy hơn - chỉ có bên cằm phải và phần cổ mới cho thấy anh từng bị bỏng - nhưng anh nói trên người anh có chi chít sẹo lồi mà anh sẽ cho chúng tôi xem sau buổi thuyết trình, nếu chúng tôi có muốn xem liệu vài năm sau khi hồi phục thì chúng tôi sẽ được những gì. Tôi chẳng cần; phải đối mặt với những tháng ngày hiện tại đã đủ lắm rồi.
Sự hiện diện của Lance vừa có tác dụng củng cố tinh thần vừa là nguồn thông tin đáng tin cậy. Anh đã ở bên ngoài ba năm và rất sẵn lòng truyền thụ chút kinh nghiệm trong việc hòa nhập thành công, cứ như một nhà diễn thuyết của Hội Cai Rượu ấy.
"Hãy nhìn vào từ chấn thương trong từ điển," Lance bắt đầu, "và các bạn sẽ thấy có rất nhiều định nghĩa. Về mặt y khoa, đây là một từ chỉ những tổn thương gây ra cho cơ thể do tác động bên ngoài, trong trường hợp của chúng ta là do lửa. Dĩ nhiên, cũng có các nghĩa tương tự, và các bạn cũng sẽ bị tổn thương - do người ta vô tình hay hữu ý - khi các bạn rời khỏi đây. Người khác không thực sự hiểu những gì đã xảy đến với chúng ta đâu."
Bài diễn văn của Lance diễn ra như người ta đoán trước: anh lại nói về những "thách thức" và "cơ hội" mình gặp phải, và những gì anh đã làm để có lại cuộc sống của chính mình. Khi bài diễn văn kết thúc, anh để mọi người được tự do thảo luận.
Câu hỏi đầu tiên đến từ một nữ bệnh nhân cứ gãi suốt từ đầu đến cuối buổi nói chuyện. Cô muốn biết liệu "những vùng da bị lóc" của cô có luôn "ngứa đến phát điên" thế này không.
"Cảm giác ngứa cuối cùng cũng hết thôi. Tôi hứa đấy." Một loạt tiếng xì xào nhẹ nhõm rộ lên giữa đám đông. Thậm chí cả tôi, người đã thề sẽ giữ im lặng, cũng phải thở phào biết ơn. "Các bạn không thể làm gì khác ngoài việc cố gắng chịu đựng cho qua thời kỳ khó khăn, quả là bất hạnh, nhưng tôi luôn luôn thấy dễ chịu hơn mỗi khi nhớ về điều mà Winston Churchill từng nói."
"Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng?" nữ bệnh nhân bị ngứa gợi ý.
"Ồ, vâng," Lance cười, "Nhưng tôi đang nghĩ về câu 'Nếu chúng ta phải đi qua Địa ngục... thì cứ đi thôi.'"
Một bệnh nhân khác hỏi, "Khi ra ngoài xã hội anh cảm thấy thế nào?"
"Thực sự rất khó khăn, nhất là trong thời kỳ đầu. Hầu hết mọi người đều giả vờ không nhìn thấy bạn, nhưng họ vẫn thì thầm. Một vài người còn ngang nhiên nói kháy bạn nữa, thường là mấy cậu choai choai. Điều thú vị ở đây là rất nhiều người nghĩ nếu bạn bị bỏng thì hẳn là do bạn bị quả báo. Suốt bao thế hệ ông bà ta đã dạy như vậy, đúng không? Lửa là dấu hiệu trừng phạt của thánh thần. Thật khó cho mọi người phải đối mặt với một thứ phi logic như chúng ta - bị bỏng, nhưng vẫn sống - vì thế chúng ta hẳn đã làm việc gì đó rất sai trái, nếu không họ sẽ phải chấp nhận một sự thật rằng những điều như vậy cũng có thể xảy đến với họ." Anh ngừng lại. "Có ai ở đây nghĩ những vết bỏng của mình là kết quả của một sự trừng phạt nào đó không?"
Chúng tôi nhìn nhau cho tới khi một bệnh nhân rụt rè giơ tay lên, một giây sau lại thêm một người nữa. Tôi sẽ không giơ tay đâu, dù Lance có đợi bao lâu đi nữa.
"Điều này cũng hoàn toàn bình thường thôi," anh trấn an chúng tôi. "Sao lại là tôi? Ngày nào tôi cũng hỏi mình câu này nhưng chưa một lần nhận được câu trả lời. Tôi sống tốt. Tôi đi lễ nhà thờ, đóng thuế, tình nguyện tham gia câu lạc bộ nam sinh vào cuối tuần. Tôi đã, và đang, là một người tốt. Vậy-sao-lại-là-tôi?" Ngừng lại. "Chẳng có lý do nào cả. Một khoảnh khắc đen đủi, với hậu quả cả đời."
Một bệnh nhân khác hỏi, "Mọi người có hỏi về những vết bỏng của anh không?"
"Có bọn trẻ con, vì chúng vẫn chưa biết cách cư xử phải phép. Một số người lớn nữa, và nói thật thì tôi rất cảm kích. Mỗi một người bạn gặp trong suốt quãng đời còn lại sẽ băn khoăn về chuyện đó, vì thế thỉnh thoảng dẹp thắc mắc ấy khỏi đường đi của mình để có thể đến với những điều khác cũng là một việc tốt."
Một bàn tay dè dặt giơ lên, "Thế còn chuyện ấy thì sao?"
"Tôi rất thích chuyện ấy." Câu nói của Lance khiến vài người cười khúc khích, và tôi đoán anh đã đọc bài phát biểu này đủ nhiều để hoàn thiện câu trả lời mà anh luôn luôn gặp phải. "Với mỗi người khác nhau thì việc chăn gối cũng khác. Da bạn là một phần khá tuyệt vời của chuyện ấy, phải không? Cơ quan lớn nhất trong cơ thể, với diện tích bề mặt lên đến ba mét vuông, và mang lại rất nhiều khoái cảm. Giờ đây chúng ta đã mất khá nhiều đầu dây thần kinh rồi, quả thật rất tệ nhỉ."
Người bệnh vừa nêu câu hỏi liền thở dài nặng nề, nhưng Lance giơ cao tay lên để thể hiện rằng mình vẫn còn vài điều muốn nói. "Da là đường chia cắt giữa người với người, nơi bạn kết thúc và nơi người khác bắt đầu. Nhưng trong quan hệ tình dục, tất cả đều thay đổi. Nếu da là một hàng rào ngăn cách người với người thì tình dục là cánh cổng mở cơ thể của bạn ra cho đối phương."
Chưa bao giờ trong đời tôi lại có ý nghĩ đấy, với bất cứ ai. Càng không phải với Marianne Engel.
Lance đằng hắng. "Tôi đã rất may mắn: vợ tôi đã ở lại bên tôi. Trên thực tế, những vết bỏng đã làm chúng tôi đồng cảm hơn, và điều đó cũng được vận vào đời sống tình dục nữa. Tôi buộc phải trở thành một người tình tuyệt vời hơn, vì tôi phải trở nên ngày một, ừm, sáng tạo hơn. Đó là tất cả những điều tôi muốn nói về chuyện đó."
"Điều gì là khó khăn nhất đối với anh sau khi xuất viện?"
"Quả là một câu hỏi khó, nhưng tôi nghĩ đó là việc phải mặc trang phục tạo áp suất hai mươi ba tiếng mỗi ngày. Chúng thật tuyệt vời, các bạn biết đấy, trong việc hạn chế tạo sẹo nhưng - Chúa ơi! - cảm giác giống như bị chôn sống vậy. Bạn sẽ luôn mong đợi được tắm, dù rất đau đớn, để có thể thoát ra khỏi cái thứ kinh khủng ấy." Lance nhìn vào mắt tôi một thoáng, rồi tôi có cảm giác anh đang đặc biệt nói đến tôi. "Tôi mặc bộ đồ của mình trong mười tháng đầu tiên từ khi ra viện nhưng với một số bạn ở đây thì có thể là một năm, hoặc lâu hơn."
Anh tiếp tục, "Chỉ sau khi rời khỏi đây các bạn mới nhận ra rằng một vết bỏng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Đó là một sự kiện dai dẳng, một sự việc liên tục tái diễn. Các bạn sẽ rơi thẳng từ cảm giác hạnh phúc lâng lâng vì biết mình còn sống xuống hố sâu tuyệt vọng khi bạn chỉ ước được chết. Và chính khi bạn bắt đầu nghĩ rằng sẽ chấp nhận con người mới của mình, điều đó cũng thay đổi luôn. Vì việc bạn là ai không phải điều bất di bất dịch đâu."
Lance có vẻ hơi bối rối, như thể anh đã nhỡ đưa mình vào một chủ đề mà bản thân không muốn nói tới. Anh đưa mắt nhìn khắp phòng, đăm đăm nhìn xuống mọi ánh mắt trong vài giây, trước khi kết thúc buổi nói chuyện. "Những phương pháp điều trị bỏng hiện đại thật không thể tưởng tượng nổi, còn các bác sĩ thì thật tuyệt vời, và tôi rất biết ơn vì đã được sống. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Da bạn là dấu hiệu nhận biết nhân dạng bạn, hình ảnh mà bạn trưng ra với mọi người. Nhưng nó không bao giờ khẳng định bạn thực sự là ai. Vì bị bỏng chẳng hề làm bạn kém - hoặc nhiều - tính người hơn. Chỉ là bạn bị bỏng mà thôi. Vì thế trong hoàn cảnh kỳ dị này, bạn hiểu ra điều mà hầu hết mọi người sẽ không bao giờ hiểu được, rằng da chỉ là nước sơn chứ không phải nét tinh túy của một con người. Xã hội chỉ giỏi khua môi múa mép về chuyện tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng ai có thể hiểu được điều đó bằng chúng ta?"
"Một ngày nào đó, nhanh thôi," Lance nói, "các bạn sẽ bước ra khỏi nơi đây và phải quyết định xem mình sẽ sống nốt quãng đời còn lại như thế nào. Bạn sẽ được đánh giá bởi cái mà người khác nhìn thấy, hay bởi cái tinh túy trong tâm hồn các bạn?"
HAI LỰA CHỌN THẬT NGHÈO NÀN.
Gregor mua một bịch kẹo đủ loại để chúc mừng tôi nhân lễ Halloween. Vì chúng tôi là đàn ông nên chúng tôi không đả động gì đến cuộc nói chuyện hôm trước giữa hai người, và mấy cái kẹo là cách ông ta ngỏ ý rằng chúng tôi nên dĩ hòa vi quý. Nếu địa điểm không phải là bệnh viện, tôi tin chắc ông ta đã mang đến cả bịch sáu lon bia rồi.
Buổi tối đó đã cho thấy một đột phá trong tình bạn của chúng tôi. Gregor kể cho tôi nghe một câu chuyện ngượng chín người về lễ Halloween tệ nhất của ông ta, khi ông ta hóa trang - trong một nỗ lực sai lầm để tạo ấn tượng với cô sinh viên y khoa mình đang mê mẩn - thành một bộ gan người. Ông ta đã mất nhiều công sức để chế bộ trang phục của mình trông càng thật càng tốt, gồm cả một ống cao su giả làm ống gan được gài vào một chiếc túi bí mật đựng rượu vodka trong thùy trái lá gan. Lý lẽ ông ta đưa ra là làm thế sẽ giúp ông ta có thể hút rượu cả tối, bất cứ khi nào người phụ nữ kia làm ông ta hồi hộp quá mức. (Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử, một người đàn ông lọc rượu khỏi gan rồi hấp thụ nó vào cơ thể.) Không may là ông ta thẹn đến nỗi nhanh chóng say bí tỉ. Cuối buổi tối hôm đó, Gregor và người ấy thấy mình đang ở trên gác xép của một họa sĩ chép tranh của Jackson Pollock. Câu chuyện kết thúc với cảnh Gregor phải trả cho ông họa sĩ mấy trăm đô la sau khi nôn vào một trong những bức vẽ của ông ấy, dù tôi cũng chẳng hiểu việc đó có tạo được khác biệt gì cho bức tranh hay không.
Tôi cố vượt mặt Gregor bằng câu chuyện về Giáng sinh đáng xấu hổ nhất của mình, về một nỗ lực không thành trong việc quyến rũ một cô yêu tinh tại một cửa hàng tạp hóa, người đã kết hôn với một anh già Noel lạm dụng chất kích thích. Gregor đáp trả bằng câu chuyện lễ Noel của ông ta, khi ông ta đã nhỡ tay bắn mẹ mình bằng khẩu súng hơi mới được tặng sau hàng tháng trời thề thốt rằng an toàn là mối quan tâm hàng đầu của ông ta. Cuối cùng, không hiểu sao chúng tôi quyết định sẽ cùng chia sẻ một câu chuyện đáng xấu hổ nhất thời thơ ấu, vào các ngày lễ hoặc không. Tôi là người kể trước.
Là một cậu bé bình thường, tôi đã phát hiện ra nghịch cái ấy của mình thật thích thú biết bao, nhưng vì lúc ấy đang phải sống với bà mợ nghiện cùng ông cậu nghiện, nên tôi chẳng có ai để san sẻ những khám phá sinh học của mình cả.
Tôi cũng biết láng máng, từ việc nghe lỏm mấy người lớn hút đá, rằng có những bệnh hoa liễu. Bạn chắc chắn không muốn mắc phải một trong số đó đâu, vì những điều rất xấu sẽ xảy đến với súng của bạn. (Mợ Derbi, khi thấy bản thân không thể tránh nói đến cái ấy của tôi, đã luôn gọi nó là súng.) Tôi cũng biết các bệnh hoa liễu được truyền qua chất dịch tiết ra trong khi giao hợp. Mình lẽ ra cũng có thể làm vài nghiên cứu, tôi nghĩ, nhưng tôi biết rõ các cô thủ thư đến độ chẳng thể liều lĩnh bị bắt quả tang đang tìm mấy cuốn sách như thế. Hơn nữa, điều này cũng dễ hiểu: vì người ta có thể mắc bệnh hoa liễu khi xuất tinh và giờ đây khi tôi đã có khả năng xuất tinh, tôi sẽ phải cẩn thận để tránh bị lây nhiễm. Vì thế tôi bắt đầu xem xét các lựa chọn.
Tôi có thể dừng việc thủ dâm. Nhưng việc đó đã quá.
Tôi có thể phủ bụng bằng một chiếc khăn tắm để hứng dòng tinh dịch tội lỗi. Nhưng không thể giấu một chiếc khăn to như thế và lén lút giặt sạch nó cũng khó.
Tôi có thể thủ dâm vào một chiếc tất. Nhưng tất cả những đôi tất của tôi đều được dệt bằng vải bông thưa, và chất dịch có thể rỉ qua đó và thấm vào lỗ chân lông trên da tôi.
Tôi có thể thủ dâm vào những cái túi đựng sandwich có mép dán. Phải rồi, việc này không những nghe có vẻ y học mà còn hợp với tôi kinh khủng. Hiển nhiên, đây là cách tôi chọn.
Không lâu sau tôi đã có một bộ sưu tập túi căng phồng dưới gầm giường, nhưng tôi không thể cứ chất cả đống vào thùng rác chung được - nếu ai đó phát hiện ra, hay nếu một con chó ăn vụng nào đó rải mấy cái túi chứa chất mặn mặn ấy trên bãi cỏ trước cửa? Thế là tôi quyết định tốt nhất là vứt chúng vào thùng rác nhà khác; càng xa ngôi nhà di động của chúng tôi càng tốt.
Địa điểm lý tưởng là khu nhà giàu trong thị trấn, cách xa bãi đỗ xe lưu động cả về khoảng cách lẫn địa vị xã hội. Tuy nhiên điều tôi không lường tới là người giàu ở đây rất nghi ngờ những thằng nhóc cứ lén lút quanh thùng rác nhà họ. Không lâu sau đó, một chiếc xe cảnh sát đã xuất hiện và tôi phải đứng trước hai ông sĩ quan lực lưỡng, cố gắng giải thích những hành vi đáng ngờ của mình.
Tôi không hề muốn phản bội bản chất đích thực của nhiệm vụ của tôi, nhưng các ông cảnh sát đã yêu cầu tôi đưa cho họ túi đồ mua sắm mà tôi đang cầm. Tôi van xin họ để tôi đi, nói rằng chẳng có gì trong túi trừ "bữa trưa" của tôi cả. Khi dùng vũ lực để lấy cái túi, họ đã tìm thấy bốn mươi gói nhỏ chứa một chất màu trắng không rõ nguồn gốc và bắt tôi trả lời chính xác rằng tôi đang buôn bán loại ma túy dạng lỏng nào.
Hoảng sợ trước viễn cảnh bị hỏi cung tại đồn cảnh sát địa phương trong khi họ phân tích thành phần hóa học của chất lỏng dạng sữa này, tôi thú nhận tôi đang đi loanh quanh để tìm chỗ vứt mấy cái túi đựng bánh sandwich có mép dán chứa đầy tinh dịch của mình.
Hai ông cảnh sát lúc đầu chẳng hề tin, nhưng khi câu chuyện của tôi trở nên chi tiết hơn, họ đứng lặng như trời trồng - cho tới khi họ bật cười. Không cần phải nói, tôi chẳng ấn tượng gì trước cách họ phản ứng với tình trạng khủng hoảng sức khỏe của tôi. Sau khi cười đã đời, hai người bỏ cái túi của tôi vào thùng rác gần nhất rồi đưa tôi về nhà.
Trên tinh thần đồng chí vừa xây dựng giữa chúng tôi, Gregor khoác lác rằng ông ta có một câu chuyện hay chẳng kém, nếu không muốn nói là hay hơn.
Khi còn nhỏ, Gregor chẳng khác gì một đứa vô học, dù tôi cho ông ta điểm tối đa vì ông ta không bao giờ tin rằng mình có thể tự chuốc bệnh hoa liễu. Khi ông ta khám phá ra trò thủ dâm, ông ta đã nghĩ thế này: Nếu thủ dâm bằng nắm tay khô cong đã thích thế này rồi, thì sẽ còn thế nào nữa nếu dùng một thứ gì đó trông có vẻ giống âm đạo hơn?
Thế là Gregor bắt đầu các thí nghiệm của mình. Ông ta đã thử dùng nước rửa tay trong nhà tắm cho tới khi phát hiện ra thực tế phũ phàng của bỏng xà phòng. Tiếp theo ông ta thử dùng kem thoa tay, khá công hiệu cho tới khi cha ông ta bắt đầu vặn hỏi tại sao ông con có ham muốn bất thường về một làn da mềm mại. Cuối cùng thì Gregor, luôn có đầu óc sáng tạo và một căn bếp chất đầy bát đựng hoa quả tú ụ, bắt đầu nghiên cứu những khả năng mà một cái vỏ chuối có thể mang lại. Chẳng phải chính tự nhiên đã chế tạo vỏ chuối đặc biệt cho việc phục vụ cái ống bơm da thịt này?
Vỏ chuối có một xu hướng rất xấu là hay bị rách trong khi hành sự nhưng, không bao giờ chịu đầu hàng, Gregor đã quyết định giải quyết yếu điểm tự nhiên này bằng băng dính trong. Rất thành công, nhưng ông ta cũng lại phải đối mặt với vấn đề khó khăn từng gây phiền hà cho tôi: đó là công đoạn xóa dấu vết.
Ông ta quyết định vứt vỏ chuối vào bồn cầu rồi xả nước, nhưng chiếc vỏ thứ tư đã làm mấy cái ống đồng loạt đình công. Khi cha của Gregor phát hiện ra tình trạng tắc nghẽn, rất tự nhiên, cụ bắt tay vào xử lý cái ống bơm. Gregor trốn trong phòng ngủ của mình, cầu Chúa ra tay khiến những cái vỏ trôi khỏi ống thay vì cứ dồn ứ lại. Nếu Người giúp con, thưa Chúa, con sẽ không bao giờ thủ dâm vào vỏ chuối nữa. Khi cha của Gregor không thể tự thông cái ống, cụ đã gọi thợ sửa ống nước trong vùng đến, mang theo dụng cụ thông toilet và những hiểm họa lơ lửng trên đầu.
Chúa đã đáp lại lời cầu nguyện của Gregor. Vỏ chuối gánh tội cuối cùng cũng trôi, và lời nhận xét duy nhất của người thợ sửa ống nước là mẹ Gregor nên xem xét việc thêm chút chất xơ vào khẩu phần ăn của gia đình. Gregor đã giữ lời hứa với Chúa bằng việc từ bỏ việc lạm dụng hoa quả mãi mãi - hay ít nhất ông ta cũng đảm bảo như vậy, bên giường bệnh của tôi.
Chúng tôi đang trêu chọc lẫn nhau và hứa giữ bí mật của cả hai thì Marianne Engel bước vào phòng, bó trong những dải băng xác ướp, đôi mắt xanh biển/xanh lục sáng lấp lánh giữa những dải băng trắng quấn quanh mặt, mái tóc sẫm màu thả hờ xuống lưng. Cô rõ ràng không ngờ đến sự có mặt của một chuyên gia tâm thần trong phòng tôi, chứ đừng nói là người đã từng điều trị cho cô trong quá khứ. Nó làm cô chết lặng/cứng đơ giữa đường, như một tử thi cứng đờ ba nghìn (hoặc bảy trăm) năm tuổi sống dậy tức thì. Gregor, nhận ra mái tóc và đôi mắt không lẫn vào đâu được của cô, lên tiếng trước. "Marianne, thật tuyệt khi gặp lại cô. Cô khỏe không?"
"Tôi khỏe." Hai từ cụt lủn phát ra. Có lẽ cô sợ bộ trang phục của mình sẽ làm cô bị ném ngay lại vào phòng tâm thần, vì việc lảng vảng quanh khoa bỏng trong bộ dạng quấn băng thì tử tế nhất cũng bị coi là dở hơi và thảm nhất sẽ là một trò đùa tồi tệ.
Trong nỗ lực làm cô được thoải mái, Gregor nói, "Halloween là ngày lễ yêu thích của tôi, thậm chí còn hơn cả lễ Giáng sinh ấy. Bộ hóa trang của cô thật tuyệt." Ông ta dừng lại để cho cô cơ hội đáp lại nhưng cô chẳng nói gì cả, thế nên ông lại tiếp tục, "Điều này rất thú vị đối với các bác sĩ tâm thần, cô biết đấy. Nhìn những bộ hóa trang của mọi người cũng là cách để ta có cái nhìn qua về những ước mơ thầm kín của họ. Tôi ấy à, tôi sẽ hóa trang thành một anh Bolshevik khát máu."
Marianne Engel căng thẳng kéo mấy dải băng xoắn xuýt quanh eo mình. Gregor nhận thấy nỗ lực kéo dài cuộc hội thoại chẳng đi đến đâu cả, thế là ông ta nhã nhặn xin phép rồi thẳng tiến ra khỏi cửa.
Cô nhẹ cả người sau khi ông ta đi, cô đút cho tôi những thanh sô cô la và kể tôi nghe những câu chuyện ma - thể loại truyền thống, không phải chuyện về những người quen của cô. Cô kể câu chuyện nổi tiếng về hai đứa trẻ, sau khi nghe đài báo có một kẻ tay móc sắt vừa trốn khỏi nhà thương điên gần đấy đã chạy vội khỏi Đường Tình Nhân để rồi phát hiện ra một cái móc gãy treo lủng lẳng trên tay nắm cửa khi chúng trở về nhà; câu chuyện về một cô gái trẻ đi nhờ xe về nhà và quên mất áo khoác, mấy ngày sau khi người lái xe mang chiếc áo đến nhà cô trả thì biết rằng người xin đi nhờ ấy đã chết từ mười năm trước, cũng trên đoạn đường anh gặp cô; câu chuyện về người đàn ông ngồi chơi xếp hình bên bàn bếp khi xếp xong hiện lên bức tranh anh đang ngồi bên bàn bếp hoàn thành trò chơi xếp hình, với mảnh cuối cùng lộ ra một khuôn mặt kinh dị đang đứng nhìn từ ngoài cửa sổ; câu chuyện về một cô trông trẻ cứ phải nghe những cuộc điện thoại mỗi lúc một khó chịu hơn, cảnh báo cô về những nguy hiểm xảy đến với đứa trẻ mà cô đang chăm sóc cho tới khi, nhờ tổng đài lần theo số điện thoại gọi đến, cô mới biết cuộc gọi đó được thực hiện từ chính trong ngôi nhà, vân vân.
Vừa kể, Marianne Engel vừa phủ một tấm ga giường thừa lên đầu và chiếu đèn ngược lên mặt bằng chiếc đèn pin mượn ở bàn y tá. Trông cô ảo đến quyến rũ. Cô ở lại quá cả giờ thăm cho phép - mấy cô y tá từ lâu đã thôi áp đặt luật lệ với Marianne Engel - và lúc nửa đêm, cô dường như cảm thấy bối rối vì sự vắng mặt của chiếc đồng hồ quả lắc điểm mười hai (hay có lẽ là mười ba) tiếng giữa phòng.
Điều cuối cùng cô nói, trước khi rời đi vào sáng sớm, là "Đợi đến Halloween sang năm nhé. Chúng ta sẽ đến một bữa tiệc rất tuyệt vời."
Việc thu hoạch da của tôi diễn ra thưa dần. Những cuộc phẫu thuật vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cuộc sống của tôi, dĩ nhiên là thế, nhưng những mơ mộng tự sát giờ hầu như đã không còn nữa và tôi đã trở thành học sinh siêu sao của Sayuri. Tôi có thể nói dối rằng đó là vì tính cách mạnh mẽ của tôi, và vì tôi quyết tâm giữ lời với Nan. Tôi có thể nói dối rằng tôi làm việc này vì bản thân. Tôi có thể nói dối rằng tôi làm việc này vì tôi đã nhìn thấy ánh sáng chân lý. Nhưng lý do chính khiến tôi làm việc này là để tạo ấn tượng với Marianne Engel.
THẬT DỄ THƯƠNG LÀM SAO. Con rắn cái khẽ hất đuôi và đánh lưỡi, háo hức mơn trớn tôi từ cả hai phía. TA ĐANG BĂN KHOĂN XEM MỌI CHUYỆN SẼ THẾ NÀO KHI NGƯƠI RỜI BỆNH VIỆN.
Tôi đã tốt nghiệp khóa học lê vài bước một lúc, có sử dụng khung tập đi bằng nhôm. Tôi thấy mình như thằng ngốc, nhưng Sayuri đã trấn an rằng tôi sẽ sớm được chuyển sang dùng gậy buộc vào cẳng tay thôi.
Một thứ đã giúp tôi rất nhiều là đôi giày chỉnh hình được chế tạo riêng cho tôi. Đôi đầu tiên làm chân tôi đau đớn nên các chuyên gia đã chế đôi thứ hai khắc phục mọi nhược điểm. Lợi ích lớn nhất của đôi giày, tuy thế, lại nghiêng về mặt tinh thần nhiều hơn thể chất. Giày là cứu tinh vĩ đại cho một người đàn ông bị mất ngón chân: chúng như những món hóa trang bằng da giúp đôi chân tàn phế trông được bình thường.
Tôi phải thừa nhận Sayuri biết chính xác những gì cô làm. Lúc đầu những bài tập rất chú trọng đến việc kéo giãn cơ để giúp tôi lấy lại cảm giác vận động. Rồi chúng tôi viện đến Thera-Bands, những sợi dây co giãn giúp tạo sức cản, trước khi chuyển sang chương trình luyện tập nâng những vật nhẹ. Sức nặng được tăng dần lên theo mỗi tuần, và thỉnh thoảng tôi còn hỏi Sayuri xem liệu mình có thể nâng những vật nặng hơn so với bài tập đề ra một chút được không.
Vì giờ đã có thể đi được vài bước ra khỏi giường, tôi bắt đầu tập tễnh đi về phía toilet của mình mỗi khi cần tỉnh táo. Bạn có thể nghĩ đây là một bước tiến lớn trong việc tin tưởng bản thân nhưng đây thực sự là một cú đấm tâm lý khi nhận ra mình không còn tiểu đứng được nữa. Tôi thấy tình trạng này khiến tôi giống hoạn quan quá chừng.
Tôi đã vào viện được gần tám tháng và Giáng sinh đang đến gần. Marianne Engel làm tất cả những gì cô có thể, treo các vòng hoa, chơi nhạc của Handel và than vãn vì cô không được phép thắp những cây nến Mùa Vọng trong phòng điều trị bỏng.
Vào đêm ngày mùng sáu tháng Mười hai, Marianne Engel đặt đôi giày chỉnh hình mới của tôi lên bậu cửa sổ và giải thích rằng đêm nay thánh Nicholas sẽ nhét quà vào trong những đôi giày của trẻ nhỏ. Khi tôi nói chúng tôi chưa bao giờ có tập tục này hồi còn ở khu nhà lưu động, cô nhắc tôi nhớ rằng thế giới không hề bắt đầu và kết thúc với những kinh nghiệm của bản thân tôi. Khá hợp lý. Khi tôi chỉ ra rằng tôi không còn là một đứa trẻ nữa, cô chỉ suỵt tôi một cái. "Trong mắt Chúa, chúng ta đều là những đứa trẻ."
Khi Connie lấy đôi giày của tôi xuống vào buổi sáng hôm sau - "Những thứ này làm cái quái gì ở đây vậy?" - cô thấy chúng được ních đầy những tờ một trăm đô la.
Tôi rất cảm động trước việc làm ấy, hơn cả những gì tôi có thể tưởng tượng. Phản ứng của tôi không vì bản thân món tiền này, mà vì những tình cảm Marianne Engel gửi gắm vào hoàn cảnh hiện tại của tôi. Kỳ nghỉ lễ đã đặt tôi vào một tình huống khó xử: làm sao tôi có thể tặng lại những món quà Giáng sinh chứ? Dù đúng là tôi có chút tiền giấu trong nhà băng dưới một cái tên giả nhưng tôi chẳng có cách nào để lấy được nó ra cả. Có lẽ thế, sự thật là, tôi sẽ không bao giờ có thể rút được số tiền đó ra, thậm chí cả khi tôi xuất viện, vì nhân dạng giả mà tôi đã dùng để lập tài khoản được đính một bức ảnh không bao giờ có thể là khuôn mặt của tôi nữa.
Marianne Engel đã nhận ra thứ tôi cần và, thay vì bắt tôi hỏi xin tiền hay mặc kệ tôi, đã tìm ra cách trao quà thật đáng yêu. Một món quà! Từ thánh Nicholas! Và thế là tình thế tiến thoái lưỡng nan của tôi đã được giải quyết. Gần như vậy. Tôi vẫn phải tìm cách đem những món quà từ cửa hàng về bên giường mình, nhưng tôi đã có kế hoạch sẵn rồi.
Tôi yêu cầu Gregor ghé qua vào cuối một buổi tập của tôi với Sayuri. Khi cả hai đã tập trung ở đó, tôi bắt đầu: "Cứ thoải mái nói không nếu muốn, nhưng hai người thực sự có thể giúp được tôi chuyện này. Tôi mong hai người có thể mua sắm hộ tôi."
Gregor hỏi tại sao tôi lại cần cả hai người. Bởi vì tôi muốn trao cho mỗi người một món quà, tôi giải thích, và tôi hầu như không thể bảo họ tự mua quà cho mình được. Sayuri sẽ mua món quà tôi định tặng Gregor, và Gregor sẽ mua món quà tôi định tặng Sayuri. Những món quà còn lại, hai người có thể đi mua cùng nhau.
"Đừng lo lắng," Sayuri nói, "Tôi yêu việc mua sắm cho lễ Giáng sinh."
Nghe thấy thế, Gregor cũng nhanh chóng đồng ý. Tôi đưa cho mỗi người một chiếc phong bì chứa danh mục những thứ tôi muốn họ mua, thay mặt tôi, cho mỗi người. Khi họ rời phòng Gregor liếc lại về phía tôi, một nụ cười lạ lùng thoáng hiện trên khuôn mặt.
Marianne Engel vẫn chưa đọc xong phần Địa ngục cho tôi nghe. Đọc lâu một phần là vì cô chẳng bao giờ đọc quá nhiều liền một lúc, cô có vẻ thích tận hưởng vẻ đẹp của những con chữ hơn, nhưng cũng vì cô cứ luôn nhảy sang đọc bằng tiếng Ý. Tôi chẳng bụng dạ nào mà bắt cô dừng lại mỗi khi cô làm thế vì cô quá chú tâm vào câu chuyện và, hơn nữa, thứ tiếng Ý thốt ra từ miệng cô thật tuyệt. Cuối khổ thơ, tôi phải chỉ cho cô thấy là tôi chả hiểu gì cả, và ngày hôm sau cô sẽ đọc lại đoạn ấy, thường là đọc hết bằng tiếng Anh.
Voltaire viết rằng Dante là một lão điên có quá nhiều kẻ nịnh nọt, và danh tiếng của ông cứ tiếp tục tăng cao chỉ vì hầu như chẳng có ai thực sự đọc hết trường ca Thần khúc. Tôi gợi ý lý do ít người đọc Dante là vì chẳng có ai thực sự thấy cần đọc cả. Trong thế giới Tây phương, Địa ngục là ý niệm của tất cả mọi người về Địa ngục; với tư cách là một tác phẩm văn học, chỉ có Kinh Thánh là thấm sâu vào nhận thức chung của xã hội hơn Địa ngục mà thôi.
"Anh có biết," Marianne Engel hỏi, "rằng Địa ngục của Dante được sáng tác dựa trên Ánh sáng trôi chảy của Thượng đế của Mechthild von Magdeburg không?"
"Một trong Ba Vị Chủ Nhân của cô phải không?"
"Phải," cô đáp.
Tôi thừa nhận, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, rằng tôi biết rất ít (sự thật là: không chút nào) về người phụ nữ này, vì thế Marianne Engel lại tiếp tục quá trình giáo dục tôi, Mechthild sinh ra tại Saxony vào đầu thế kỷ mười ba và khi còn nhỏ đã thường xuyên được chính Chúa Thánh Thần viếng thăm hằng ngày. Hai mươi tuổi, cô trở thành một Beguine tại Magdeburg, sống cuộc đời cầu nguyện và hành xác đầy ngoan đạo; thật hấp dẫn, khi cô tăng cường độ hành hạ bản thân, những ảo giác của cô cũng ngày càng đến thường xuyên hơn. Khi cô miêu tả lại cho giáo sĩ nghe xưng tội, ông tin chắc về nguồn gốc thần thánh của chúng và bảo cô viết lại.
Das flieBende Licht der Gottheit, tên tiếng Đức của tuyệt tác đó, đã có ảnh hưởng rất lớn đến lớp nhà văn tiếp theo, gồm cả Meister Eckhart và Christina Ebner. Rõ ràng Dante Alighieri cũng đã đọc bản dịch tiếng Latin, và rất nhiều học giả tin ông đã sử dụng trật tự cuộc sống ở thế giới bên kia trong tác phẩm của Mechthild làm nền móng ý tưởng cho Thần khúc: Thiên đường ở trên cùng, Luyện ngục ở ngay dưới, và Địa ngục ở tận đáy. Trong Địa ngục sâu thẳm của Mechthild, Satan bị xích bởi tội lỗi của chính hắn trong khi đau buồn, bệnh tật và đổ nát chảy thẳng ra khỏi trái tim và cái miệng đang bốc cháy của hắn. Điều này giống một cách đáng ngờ với Satan của Dante, một con quái vật có ba bộ mặt bị nhốt trong một tảng băng ở nơi sâu nhất giữa Địa ngục, miệng nhai bộ ba kẻ tội đồ (Judas, Cassius và Brutus) với dòng mủ cứ mãi chảy khỏi ba cái miệng của nó.
"Có những người," Marianne Engel nói, "tin rằng cô 'Matilda' mà Dante đã gặp trong Luyện ngục thực ra chính là Mechthild."
"Đó có phải những gì cô nghĩ không?" tôi hỏi.
"Tôi tin," cô khẽ cười, "rằng tác phẩm của Dante thường bị ảnh hưởng bởi các nhà văn khác."
Khi cô đọc cho tôi nghe câu chuyện về cuộc hành trình của Dante, tôi thấy thật thân thuộc và tôi rất thích dù (hay có lẽ là vì?) nó được đọc giữa phòng điều trị bỏng. Tôi có cảm giác rất thoải mái khi Marianne Engel đọc cho tôi, trong cách cô luồn tay vào những ngón tay tôi khi đọc thơ. Tôi sửng sốt trước sự kết hợp những ngón tay đẹp đẽ và xấu xí của chúng tôi, và tôi muốn cô cứ đọc cho tôi nghe mãi - có lẽ vì tôi sợ rằng khi kết thúc, cô sẽ không còn tiếp tục dẫn tôi, tay trong tay, ra khỏi Địa ngục của chính tôi nữa.
Khi tôi trình bày với Marianne Engel lý thuyết của tôi là chẳng ai cần đọc Địa ngục để biết hình ảnh tượng trưng về Địa ngục cả, cô đã chỉnh tôi ngay. "Dù điều đó có thể đúng với hầu hết mọi người, nhưng anh thì biết rất rõ vì tôi đã đọc cho anh nghe bản dịch tiếng Đức rồi."
"À há." Tôi đã không ngờ tới việc đó. "Cô dịch lúc nào vậy?"
"Tôi đoán là mười hoặc hai mươi năm sau khi Dante viết xong tác phẩm ấy. Thật tốn thời gian. Tôi khá chắc mình là người đầu tiên dịch phần Địa ngục, nhưng anh không bao giờ xác thực được việc đó đâu."
"Thế cô đã đọc cho tôi nghe lúc nào vậy?" tôi hỏi.
"Khi anh đang hồi phục từ lần bỏng đầu tiên."
Địa ngục được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1314. Nếu Marianne Engel hoàn thành bản dịch của cô hai mươi năm sau, thì có lẽ đó là năm 1334. Cứ chiếu theo lời tuyên bố của cô khi trước là cô sinh vào năm 1330, thì lúc đó cô cũng hơn ba mươi rồi.
Khi tôi nghiên cứu kỹ về những con số này, tôi không quên nhận ra rằng chúng thật lố bịch và hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Tôi chỉ đang chỉ ra rằng, ít nhất thì có những điều rất vô lý đã xảy ra trong một giai đoạn lịch sử rất có lý. Đây là điều làm tôi ngạc nhiên về tình trạng thần kinh của cô: những câu chuyện điên rồ của cô vô cùng nhất quán.
Vì không sống ở thời Trung cổ nên tôi cần phải nghiên cứu rất nhiều trong suốt quá trình viết cuốn sách này để kiểm tra những gì cô nói, hoặc những gì tôi nhớ là cô đã nói, có trái ngược với sự thật không. Điều thú vị ở đây là tất cả những sự kiện cô tuyên bố là sự thật có thể đã diễn ra đúng như những gì cô miêu tả, nếu cô không nói về những sự kiện xảy ra từ thời cổ xưa ấy bằng ngôi thứ nhất.
Dù vẫn phải chịu sự điều khiển của nhà thờ, Engelthal là một thể chế dân chủ với các nữ tu viện trưởng đều được bầu bằng cách bỏ phiếu. Tất cả những hoạt động thường nhật đã được viết rõ trong cuốn Thể chế Giáo hội. Những miêu tả của Marianne Engel về kiến trúc, các bài kinh cầu, các cuốn sách được nghiên cứu, và nghi lễ khi ăn đều chính xác. Christina Ebner đã ở trong tu viện đó và bà đã viết Cuốn sách về các xơ tại Engelthal và Khải huyền. Friedrich Sunder là một giáo sĩ địa phương, làm lễ xưng tội cho các nữ tu, và ông cũng đã viết cuốn Ân điển-cuộc đời. Có một cuốn sách tên là Cuộc đời nữ tu Gertrud tại Engelthal, được viết với sự giúp đỡ của huynh trưởng Heinrich và Cunrat Fridrich.
Mặc dù không có một ghi chép nào về việc Heinrich Seuse đến thăm Engelthal nhưng cũng chẳng có bằng chứng nào ngược lại cả. Nếu ông thực sự có đến vào đầu những năm 1320, như Marianne Engel nói, thì điều này xảy ra khi ông đang trên đường từ Straburg đến Koln để tầm sư Meister Eckhart học đạo. Thế nên ai dám nói là ông đã không đến thăm tu viện từng được coi là trung tâm trọng yếu nhất của Chủ nghĩa Thần bí Đức?
Thế nhưng. Dù có xây dựng quãng đời của cô hay nghiên cứu các hình tượng tôn giáo Đức hoàn hảo đến đâu chăng nữa, Marianne Engel hoặc vẫn bị tâm thần phân liệt, hoặc bị khủng hoảng thần kinh, hoặc cả hai. Tôi không thể quên được điều này. Sáng tạo và điều hành những vũ trụ tưởng tượng là biểu hiện của những bệnh nhân này: không chỉ những gì họ làm, mà còn về họ là ai nữa. Và đã có vài dị biệt trong câu chuyện của Marianne Engel; ví dụ, chẳng có ghi chép nào về một cô xơ tên là Marianne Engel trong bất cứ tài liệu hiện có nào tại Engelthal, cũng như chẳng có gì đề cập đến Die Gertrud Bibel, và tôi đã cố dùng những thiếu sót này để bắt Marianne Engel thừa nhận câu chuyện của cô không có thật.
"Anh siêng học quá nhỉ?" cô nói. "Đừng lo, việc anh không thể tìm được thông tin về tôi hay về cuốn Die Gertrud Bibel cũng có lý do cả thôi. Sẽ đến lúc chúng ta nói về chuyện đó, tôi hứa đấy."
Những người hát mừng Giáng sinh an lành ghé qua để hát về những đêm tĩnh lặng, đêm thánh. Một cô Noel Sally Ann đã mang bánh quy và sách đến. Các đồ trang trí treo khắp hành lang.
Cảm giác mong đợi mùa Giáng sinh mới lạ lùng làm sao. Thường thì tôi luôn ghét Giáng sinh; nó luôn để lại trong miệng tôi dư vị của một cái bánh hoa quả mốc. (Tôi nói điều này không có ý ám chỉ một bà cô già người Nhật nào đâu.) Suốt thời thơ ấu, những Giáng sinh của tôi luôn gắn liền với việc nhà Grace đốt hết tiền mua quà cho tôi vào ma túy tổng hợp; đến lúc trưởng thành, Giáng sinh có nghĩa là vui vẻ với một người phụ nữ đội mũ phớt đỏ.
Tôi vẫn tập tành, vẫn trải qua các ca trị liệu định kỳ, nhưng sự kiện hấp dẫn nhất là cuộc gặp gỡ với những người phụ nữ quan trọng trong đời tôi: Nan, Sayuri và Marianne Engel. Tôi không biết gì về lịch điều trị, và lạ lùng thay, chẳng ai muốn nói cho tôi biết cả. Trong trái tim bé nhỏ luôn coi mình là cái rốn vũ trụ, tôi tưởng tượng đó sẽ là một bữa tiệc đầy bất ngờ. Tôi đã không thể sai lầm hơn.
Sayuri đến đầu tiên. Tôi đã nói từ trước là cô dường như lúc nào cũng vác cơ thể bé nhỏ của mình theo sau một nụ cười rạng rỡ, nhưng vào ngày hôm ấy, chỉ có cái cơ thể bé nhỏ của cô là có mặt thôi. Khi tôi hỏi liệu mọi việc có ổn không, cô trả lời ổn một cách chẳng mấy thuyết phục. Thay vì tiếp tục chủ đề, tôi hỏi xem cô đã mua quà của tôi cho Gregor chưa. Cô bảo rồi và ít nhất, tôi có thể tin cô. Tôi đang định hỏi thêm vài câu nữa thì Marianne Engel và Nan bước vào phòng như những con ngựa tranh nhau phi về đích. Marianne Engel nhìn thẳng vào tôi và nói luôn: "Khi ra khỏi đây, anh sẽ về với tôi."
"Không nhanh thế chứ," Nan nghiêm giọng nói, trước khi chuyển sự chú ý sang tôi. "Như anh cũng biết, anh sẽ được ra viện trong vài tháng tới..."
"... và sau đó anh sẽ đến sống ở nhà tôi." Sự mất kiên nhẫn trong giọng Marianne Engel đã để lộ ra rằng cô nghĩ cuộc nói chuyện này chẳng cần thiết tí nào.
"Bình tĩnh." Nan giơ tay lên trước khi ném cho Marianne Engel một cái nhìn tức tối. "Đó không phải quyết định của cô."
"Anh ấy chẳng có nơi nào khác để đi cả."
Nan phản đòn. "Tôi đã sắp xếp một chỗ ở Phoenix Hall rồi."
"Anh ấy không muốn đến sống ở đó." Điều này thì rất đúng, tôi không muốn, nhưng bác sĩ Edwards từ lâu đã khuyên tôi đến đó vì nơi ấy có những nhân viên được đào tạo với tay nghề cao, những chương trình giới thiệu việc làm và nguồn cung ứng y tế dồi dào. Thêm nữa, ở đó còn có các tư vấn viên, không kể đến các bệnh nhân bỏng khác cũng cùng phải đối mặt với những vấn đề như tôi.
"Tôi có làm việc với những bệnh nhân ở Phoenix," Sayuri nói, "thế nên nếu anh đến đó, chúng ta vẫn có thể tiếp tục những bài tập vận động cho anh."
"Tôi sẽ thuê cô," Marianne Engel nói. "Tiền không thành vấn đề. Cô có thể làm việc đó ở nhà tôi."
Lời gợi ý này làm Sayuri nhìn bác sĩ Edwards với vẻ mặt khó xử. "Tôi không biết quy định của bệnh viện về vấn đề này thế nào."
Nan trả lời rằng bên cạnh vấn đề quy định, Phoenix Hall có cả một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, tất cả đều rất sẵn sàng làm hết sức mình. Marianne Engel đáp lại rằng cô sẽ cung cấp cho tôi tất cả những gì tôi cần. "Nếu cô Mizumoto quá bận rộn, chúng tôi sẽ thuê người khác. Nhưng chúng tôi mong có được cô ấy, vì chúng tôi thích cô ấy."
Cô xoay người nhìn thẳng vào tôi, và cuối cùng cũng chịu hỏi xem tôi muốn gì. "Anh có muốn đến chỗ Phoenix Hall này không?"
"Không."
"Anh có muốn đến nhà tôi không?"
"Có."
Marianne Engel lại hướng sự chú ý của mình về phía bác sĩ Edwards. "Đấy. Thảo luận xong."
Nói tôi cần thời gian để suy nghĩ thì nghe có vẻ thận trọng. Sau rốt, tôi đã chọn Marianne Engel chứ không phải các bác sĩ đã giúp tôi hồi phục trong suốt bao tháng trời. Câu trả lời vội vã của tôi, nói một cách nhẹ nhàng nhất, rất phi logic.
Tuy nhiên, nếu có một điều gì đó mà tôi có thể chắc chắn, thì đó là việc tất cả mọi người trong căn phòng ấy đều một lòng mong những điều tốt đẹp nhất cho tôi. Tôi không biết rằng Marianne Engel và Nan đã tranh luận về việc sắp xếp chỗ ở cho tôi hàng tuần liền; vì tôi hầu như ngày nào cũng thấy cả hai người bọn họ nên điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ cùng nhau giấu chuyện để giảm thiểu căng thẳng cho tôi.
"Vẫn còn nhiều thời gian trước khi đưa ra quyết định chính thức," Nan nói, ám chỉ cuộc đối thoại này đã đến hồi kết thúc. Chẳng ai không cảm nhận được sức nặng của từ chính thức mà bà nói ra cả.
Có rất nhiều mối quan ngại khá thực tế mà tôi không thể lờ đi khi tính đến chuyện sống với Marianne Engel. Một trong những vấn đề đó là, dù cô nói mình có nhiều tiền, cô có lẽ cũng không thể chu cấp cho tôi được.
Cưu mang một người bị bỏng là chuyện hết sức tốn kém. Ngoài phí tổn điều trị của tôi - tiền trả cho Sayuri, tiền thuốc, thiết bị tập luyện - thì còn có cả chi phí sinh hoạt nữa. Thức ăn. Quần áo. Giải trí. Vật dụng cá nhân. Cô sẽ phải trả phí tổn cho cuộc sống của tôi, vừa là một bệnh nhân, vừa là một người đàn ông. Mặc dù những chương trình hay tổ chức từ thiện của chính phủ có thể đóng góp phần nào cho việc chăm sóc nhưng tôi rất nghi ngờ việc Marianne Engel lại chịu hỏi xin sự trợ giúp của họ; tính cách của cô luôn như thế, tôi đoán chắc là sự kiêu hãnh, các thủ tục giấy tờ và các vấn đề riêng tư sẽ làm cô chẳng buồn ngó ngàng đến chuyện đó. Cô tuyên bố mình có đủ khả năng tài chính để nuôi sống tôi, nhưng tôi rất khó lòng chấp nhận điều đó là sự thật được - một tập tiền một trăm đô nhét đầy trong chiếc giày không đủ để thuyết phục tôi tin vào của cải của cô. Liệu chỗ tiền này có phải chỉ là một điều huyễn hoặc như hầu hết các góc cạnh khác trong cuộc sống của cô không? Liệu tôi có phải tin rằng cô đã dành dụm tiền của trong suốt bảy trăm năm hay không?
Việc đến sống với cô không chỉ gặp vấn đề về tài chính, mà còn có cả vấn đề đạo đức nữa. Vì lời đề nghị của cô xuất phát từ niềm tin "trái tim cuối cùng" của cô là dành cho tôi, tôi rõ ràng đang lợi dụng, đang lừa dối một phụ nữ rối loạn tâm thần. Là người còn tỉnh táo, tôi không chỉ biết rõ hơn, tôi còn phải hành động theo đúng cái thực tế mà tôi biết rõ kia nữa. Và bất luận thế nào, tại sao tôi lại phải đặt mình vào tình trạng phụ thuộc một người phụ nữ đầu óc không bình thường mà tôi cũng chẳng quen thân gì cho cam? Dù tình cảnh của tôi giờ đã thay đổi và thể chất của tôi cũng yếu hơn so với trước kia, nhưng từ hồi niên thiếu tôi đã luôn sống tự lập. Thậm chí cả trước đó nữa: dù mang vai trò giám hộ, nhà Grace chỉ giỏi mỗi việc quản lý bộ sưu tập ma túy của họ mà thôi. Trên thực tế, tôi đã phải tự chăm sóc bản thân ngay từ khi sáu tuổi.
Vậy là tôi sai lầm trong việc chấp nhận lời đề nghị của Marianne Engel, và Nan đã đúng. Tôi sẽ thay đổi quyết định nóng vội của mình và cuối cùng cũng đến Phoenix Hall thôi.
Chiều đó khi Gregor đến để đưa quà của Sayuri, ông ta chúc mừng quyết định chuyển đến sống cùng Marianne Engel của tôi. Khi tôi thông báo với ông ta mình đã thay đổi quyết định, ông ta giật nẩy người nói rằng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn duy nhất rồi. "Tôi nghĩ sự tiến bộ của anh dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Edwards thật đáng ngạc nhiên. Tôi rất ngưỡng mộ bà ấy."
Tôi biết quá rõ Gregor để có thể nói được khi nào thì ông ta không nói hết những gì mình nghĩ. Đây là một trong những lúc đó. "Nhưng...?"
Gregor nhìn trái, rồi lại nhìn phải, để chắc chắn không có ai xung quanh. "Nhưng mà thậm chí khỉ cũng còn có thể rơi khỏi cây mà."
Tôi chả hiểu câu này có ý nghĩa gì cả, thế là Gregor giải thích: Thậm chí cả các chuyên gia cũng có thể mắc sai lầm. "Dù tiến sĩ Edwards là bác sĩ điều trị cho anh, và là một người tài giỏi,thích tôi cũng không nghĩ rằng anh nên đánh giá thấp ảnh hưởng của Marianne Engel tới sự hồi phục của mình. Cô ấy đến đây hằng ngày, cô ấy giúp anh tập luyện, và hiển nhiên là cô ấy rất quan tâm đến anh. Chúa mới hiểu tại sao. Nhưng tôi sẽ không nói cho anh bất cứ chuyện gì mà anh không biết đâu."
ÔNG TA NGHĨ CÔ BẠN GÁI HÂM DỞ CỦA NGƯƠI THỰC SỰ CÓ TÌNH CẢM VỚI NGƯƠI ĐẤY.
Câm miệng lại, đồ khốn. Tôi chỉnh Gregor. "Cô ấy có hơi ảo tưởng."
"Cứ việc phủ nhận điều đó," ông ta nói, "nhưng rõ là cô ấy thích anh."
THẬT DỄ THƯƠNG.
Tôi không định tiếp tục tranh luận về vấn đề đó. Tôi không có hứng. "Thế ông sẽ làm gì?"
"Là tôi thì tôi cũng sẽ lo lắng về việc sống với Marianne Engel," ông ta nói, "nhưng anh cũng có phải tay khá khẩm đâu cơ chứ. Nếu hai người có thể chịu nổi nhau, tôi nghĩ anh nên làm thế."
"Dù cô ấy thích tôi - tôi không nói rằng cô ấy thích tôi đâu nhé - tôi không thực sự hiểu rõ cảm giác của mình với cô ấy." Tôi ngừng lại. "Tôi không biết."
"Nếu anh không chấp nhận lời đề nghị của cô ấy, anh sẽ là thằng ngu nhất trần đời," Gregor nói, "ngoài việc là một kẻ nói dối trắng trợn nữa."
Khi cứ nằm lì trên một cái giường trong bệnh viện, bạn sẽ bắt đầu có cả một danh mục trong đầu về tất cả những tiếp xúc giữa người với người. Tôi chạm vào mu bàn tay của Gregor, lần đầu tiên chúng tôi chạm vào nhau, và nói, "Cám ơn ông vì đã mang quà của Sayuri đến."
MỘT KHOẢNH KHẮC CẢM ĐỘNG...
Tôi nhấn chuông gọi ý tá mang thêm morphine.
... GIỮA NHỮNG KẺ THUA CUỘC.
Sáng Giáng sinh, Marianne Engel xuất hiện trong phòng tôi với một túi quà và một chiếc va li màu bạc rồi nhét ngay xuống gầm giường tôi. Chúng tôi ở bên nhau vài giờ, nói chuyện như thường lệ về mọi thứ hoặc những chuyện không đầu không cuối, trong khi cô đút cho tôi quýt và bánh hạnh nhân. Như mọi khi, cô đi ra ngoài vài lần để hút thuốc lá, nhưng tôi nhận thấy có những lúc khi quay lại người cô không hề ám khói thuốc. Khi tôi hỏi có phải cô đang làm việc gì khác không, cô lắc đầu bảo không. Tuy thế, nụ cười đã tố giác cô.
Vào đầu giờ chiều, Sayuri và Gregor đến, theo sau là Connie, mới vừa hết ca. Bác sĩ Edwards không bao giờ làm việc vào Giáng sinh, còn Maddy và Beth đều đã xin nghỉ để dành thời gian cho gia đình. Khi thấy không còn ai đến nữa, Marianne Engel lôi túi quà ra khỏi góc phòng và chúng tôi bắt đầu trao quà cho nhau.
Mấy cô y tá đã mua cho tôi vài cuốn sách về các chủ đề hiện đang cuốn hút tôi, ví dụ như kiến trúc nội thất của các tu viện Đức thời Trung cổ cùng những tác phẩm của Heinrich Seuse và Meister Eckhart.
"Mua quà cho anh chẳng dễ chút nào. Tôi đã phải đi ba hiệu sách khác nhau đấy," Connie nói. Ngay khi nhận ra điều này có vẻ nghe giống một lời phàn nàn, cô vội thêm vào, "Không phải tôi khó chịu gì đâu, thật đấy!"
Gregor tặng tôi một bộ dụng cụ văn phòng phẩm, vì tôi đã tiết lộ với ông ta mấy tuần gần đây mình đang viết lách, còn Sayuri tặng tôi mấy que kem vị oải hương mà tôi đã rất vui sướng đem ra chia cho tất cả mọi người. Marianne Engel có vẻ thích món quà này nhất và thấy rất buồn cười khi kem làm lưỡi cô tím ngắt.
Tôi tặng mấy cô y tá những chiếc đĩa nhạc của các ca sĩ họ yêu thích. Món này có vẻ không cá tính cho lắm, nhưng tôi thật sự không biết cuộc sống ngoài bệnh viện của họ như thế nào. Về phần Sayuri, tôi trao cho cô món quà tôi đã nhờ Gregor chọn hộ: một đôi vé đi xem lễ hội phim của Akira Kurosawa sắp tới.
"Tôi đã nảy ra ý tưởng này khi bác sĩ Hnatiuk kể tôi nghe. Ông ấy thích Kurosawa, cô biết đấy."
Marianne Engel nhìn tôi, nhướng mày tỏ ý buộc tội vì tôi chẳng tinh tế gì cả.
Tiếp theo là món quà của tôi cho Gregor, được Sayuri chọn: phiếu giảm giá bữa tối cho hai người tại một nhà hàng Nga với cái tên cực kỳ nhạt nhẽo là Rasputin. Tôi hỏi Sayuri rằng cô đã ăn thức ăn đúng kiểu Nga bao giờ chưa, và cô bảo là chưa. Tới lượt tôi nhướng mày nhìn về phía Gregor. Khi họ cám ơn tôi về những món quà, tôi càu nhàu rằng "Giáng sinh sẽ chẳng là Giáng sinh nếu thiếu đi những món quà ấy." Không ai có vẻ hiểu tôi đang nói về cái gì, chỉ để chứng minh rằng sẽ có thêm nhiều người cần đọc sách của Louisa May Alcott.
Tiếp, đến lượt Marianne Engel tặng quà. Các cô y tá được tặng thẻ spa, Connie nhét ngay thẻ vào chỗ đĩa CD. Sayuri được tặng một ngôi chùa Phật bằng thủy tinh nâu tinh xảo trong khi Gregor được tặng một cặp chân nến làm bằng sắt uốn. Họ đều rất ấn tượng về chất lượng của những món đồ thủ công này, và Marianne Engel khoe rằng những món quà đó đều là tác phẩm của hai người bạn cô.
Về phần Marianne Engel và tôi, chúng tôi đều quyết định sẽ trao quà cho nhau sau đó, một cách bí mật. Và có lẽ tôi là người duy nhất để ý thấy, nhưng có vẻ như Sayuri và Gregor cũng có một ước định tương tự.
Một lát sau, Gregor nói, "Chúng ta đã sẵn sàng đi tiếp chưa nhỉ?" Tất cả mọi người nhìn Marianne Engel, cô gật đầu. Giáng sinh thực sự là mùa của những điều kỳ diệu, khi cán bộ y tế lại trông chờ vào sự hướng dẫn của một người tâm thần phân liệt. Sayuri đặt tôi ngồi vào xe lăn còn Gregor đẩy tôi đi dọc hành lang, và khi tôi hỏi rằng chúng tôi đang đi đâu, chẳng ai chịu trả lời thẳng cả. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng chúng tôi đang hướng tới quán cà phê. Có lẽ ở đó có vài dịch vụ Giáng sinh, một ông già Noel làm thuê hoặc vài người tình nguyện hát thánh ca, mặc dù việc chưa từng nghe gì về những thứ đó làm tôi thấy hơi kỳ quái. Sau hàng tháng trời ru rú trong bệnh viện, giờ tôi chú ý tới từng sự việc nhỏ nhất.
Khi những cánh cửa của quán cà phê trượt ra, tôi choáng ngợp bởi mùi vị của tất cả những món ăn trên thế giới. Bên bức tường xa xa, một nhóm phục vụ tình nguyện đang bận dọn một dãy bàn ngồn ngộn thức ăn. Ba mươi hay bốn mươi người đang đi lại quanh phòng, dưới những dải biểu ngữ đỏ treo lơ lửng trên trần, và vài người trong số họ ra hiệu về phía chúng tôi. Lúc đầu, tôi tưởng họ đều đang chỉ về tôi nhưng khi những tình nguyện viên vẫy tay với Marianne Engel, tôi nhận ra rằng cô mới là trung tâm chú ý, chứ không phải tôi. Các bệnh nhân bắt đầu thong thả đi về phía chúng tôi; một người đàn ông ho sù sụ, một phụ nữ tóc xoăn với hai cánh tay băng bó, một cậu bé dễ thương có một chân tập tễnh. Phía cuối phái đoàn là một cô nhóc đầu trọc, tay cầm chùm bóng bay, thêm cả một đoàn người nhà theo sau cổ vũ.
Tất cả mọi người đều cám ơn Marianne Engel vì những gì cô đã làm; lúc này thì tôi vẫn chưa biết đó là việc gì. Sau khi Gregor đẩy tôi ra phía mấy bàn thực phẩm và giúp tôi ra khỏi xe lăn, ông ta giải thích rằng cô đã chủ trì kiêm chủ chi cả bữa tiệc. Việc này, xét theo sự thiếu thận trọng thường ngày của cô, không phải nhiệm vụ nhỏ nhặt gì. Thậm chí cả khi đã thấy những bữa ăn ngoại cỡ mà cô mang vào phòng tôi, tôi cũng hầu như không thể đoán được sẽ còn những gì nữa.
Gà tây, thịt lợn hun khói, ngỗng nướng, gà, bánh bao nhân thịt, cà ri dê, lợn rừng, thịt hươu, thịt băm, cá chép (cá chép á? ai ăn cá chép?), cá tuyết đại dương, cá ê fin, cá tuyết hầm, sò, thịt nguội, một tá đủ loại xúc xích, trứng rán, xúp đuôi bò, cháo thịt, cháo hành, nhiều pho mát hơn cả chỗ sữa bạn vắt được từ vú bò, đậu phộng, đậu đỏ, hành, dưa chuột muối, củ cải Thụy Điển, cà rốt, khoai tây, khoai lang, khoai lang ngọt hơn, khoai lang ngọt nhất, bắp cải, cà rốt, củ cải vàng, bí, bí đỏ, cơm gạo basmati, cơm gạo trắng, cơm gạo lứt, cơm gạo hoang, cơm gạo trồng, món khai vị kiểu Ý, thịt nhồi, bánh mì trộn, bánh vòng, bánh sữa, bánh pho mát, salad xanh, salad Caesar, salad đậu, salad trộn mì ống, salad trộn thạch, salad rắc kem và táo, mì spaghetti, mì fettuccini, mì macaroni, mì rigatoni, mì cannelloni, mì tortellini, mì guglielmo marconi (chỉ để kiểm tra xem bạn có đang đọc không ấy mà(23) ), chuối, táo, cam, dứa, dâu, việt quất, hạt trộn, bánh thịt băm, bánh pudding Giáng sinh, bánh mì Giáng sinh, bánh quy sữa dừa, bánh hồ đào, sô cô la, sô cô la khúc cây, sô cô la hình con ếch, đậu đa vị Betty Bott, kẹo mềm, đường, gia vị, tất cả mọi thứ ngon miệng, bánh lễ Hiển linh, bánh hoa quả, bánh gừng hình người, bánh Giáng sinh kiểu Ý Torte Vigilia di Natale, những món ngon lành cành đào, rượu nam việt quất, rượu trứng, sữa, nước nho, nước táo, nước cam, đồ uống không cồn, cà phê, trà, bạn-nói-nước-cá-chùa tôi-nói-nước-cà-chua, nước khoáng đóng chai.
Tất cả mọi người trong bệnh viện hẳn đã chất đầy đĩa của họ một, hai, ba lần rồi, và Marianne Engel quyến rũ mỗi vị khách bằng vẻ duyên dáng và lập dị của mình. Chẳng hại gì khi cô khoác lên người bộ đồ yêu tinh và trông cực kỳ dễ thương. Nhạc nổi lên, mọi người vui vẻ nói chuyện với nhau, tất cả đắm chìm trong không khí lễ hội. Những bệnh nhân bình thường chẳng bao giờ thèm gặp nhau giờ đang bù khú chuyện trò, có lẽ là đang so đo bệnh tật. Tiếng ho bị nhòa đi bởi tiếng cười, và những tiếng reo thích thú của lũ trẻ, mỗi em đều được nhận một món quà dưới gốc cây thông Noel bằng nhựa. Hiển nhiên Marianne Engel không được phép mang cây thông thật vào nhưng một cây thông giả đã quá đủ rồi. Nếu hoa có thể giết người, cứ tưởng tượng xem một cây họ tùng bách có thể làm gì.
Trong buổi chiều ấy, tôi đã trở thành ngôi sao của bệnh viện khi người ta xì xào bàn tán rằng bạn tôi là người tổ chức tất cả mọi thứ. Một người đàn ông đi đến nói chuyện với tôi, nở nụ cười rạng rỡ đến nỗi tôi bị sốc khi nghe ông nói rằng người vợ suốt sáu mươi năm chung sống của mình vừa mới qua đời. Khi tôi nói rất tiếc khi biết chuyện đó, ông lắc đầu và đập mạnh tay lên vai tôi. "Đừng uổng công thương cảm tôi, cậu nhóc. Tôi cũng khá ổn rồi, tôi nói cậu nghe điều này nhé. Cậu vớ được một người phụ nữ như thế thì đừng hỏi xem mình đã làm gì để xứng đáng với điều đó. Hãy chỉ hy vọng rằng cô ấy sẽ không tự nhiên tỉnh trí lại mà thay đổi ý định thôi."
Trong suốt bữa tiệc, một cảm giác thanh thản lạ lùng trào dâng trong tôi. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, Marianne Engel đã thể hiện một thứ tình cảm cuồng nhiệt mê muội với tôi đến nỗi tôi nghĩ rằng nó sẽ biến mất đột ngột như khi đến vậy. Mọi mối quan hệ cuối cùng rồi cũng đổ vỡ, lẽ tự nhiên là thế. Chúng ta chẳng thấy gương tày liếp hàng ngàn lần rồi còn gì, thậm chí cả với những cặp chắc chắn "sẽ cùng nhau vượt qua tất cả."
Tôi từng biết một người phụ nữ cứ thích tưởng tượng ra Tình yêu trong lốt một con chó to khỏe, một con chó sẽ luôn chạy theo bắt cái que mỗi khi nó được ném đi rồi trở về vẫy tai đầy sung sướng. Trung thành tuyệt đối, hoàn toàn vô điều kiện. Và tôi đã cười vào mặt cô, thậm chí cả tôi cũng biết tình yêu không phải như thế. Tình yêu là một thứ gì đó rất mỏng manh luôn cần được nâng niu bảo vệ. Tình yêu không mạnh mẽ và tình yêu cũng không cứng cỏi. Tình yêu có thể vỡ nát chỉ bởi vài từ ngữ nặng nề, hoặc bị ném đi không thương tiếc bởi những hành động bất cẩn. Tình yêu không giống một con chó trung thành chút nào; tình yêu giống một con vượn cáo chuột hơn.
Phải, đó chính xác là tình yêu: một loại động vật có vú nhỏ bé, dễ bị kích động với đôi mắt luôn mở to sợ hãi. Đối với những người không hình dung nổi một con vượn cáo chuột, hãy thử tưởng tượng ra hình ảnh thu nhỏ của danh hài Don Knotts hoặc Steve Buscemi đang mặc áo lông thú. Tưởng tượng ra một con vật dễ thương hết mức sau khi bị bóp mạnh đến nỗi tất cả ruột gan đều dồn lên trên cái đầu ngoại cỡ và mắt thì lòi hết cả ra. Con vượn cáo trông yếu ớt đến nỗi bạn không thể không lo ngại rằng một con dã thú có thể bất thình lình xông tới vồ nó đi mất.
Tình yêu của Marianne Engel dành cho tôi dường như được xây dựng dựa trên một nền tảng mong manh đến nỗi tôi nghĩ nó sẽ sụp đổ ngay giây phút chúng tôi bước qua cánh cửa bệnh viện. Làm sao tình yêu dựa trên một quá khứ giả tưởng có thể tồn tại trong tương lai thực chứ? Không thể nào. Thứ tình yêu đó đáng bị vồ lấy và nghiền nát trong bộ hàm của cuộc sống thực tại.
Đó là nỗi sợ của tôi, nhưng ngày Giáng sinh đã chỉ ra cho tôi thấy rằng tình yêu của Marianne Engle không hề yếu đuối. Nó mạnh mẽ, vững chãi và vĩ đại. Tôi tưởng nó chỉ có thể lấp đầy căn phòng trong khoa điều trị bỏng của tôi, nhưng nó đã bao trùm cả bệnh viện. Quan trọng hơn, tình yêu của cô không chỉ dành riêng cho tôi; nó được hào phóng chia sẻ với cả người lạ - những người cô không nghĩ là bạn từ thế kỷ mười bốn của mình.
Cả cuộc đời tôi đã phải nghe biết bao câu chuyện dớ dẩn về tình yêu: rằng anh càng cho nhiều, anh càng nhận được lắm. Điều này đối với tôi không hơn một sự vi phạm các nguyên tắc toán học cơ bản. Nhưng nhìn Marianne Engel phóng khoáng chia sẻ tình yêu của cô đã làm thức tỉnh trong tôi những cảm xúc lãng mạn kỳ cục nhất: sự đối lập của ghen tuông.
Tôi thấy ấm lòng khi nhận ra tình yêu là bản chất tự nhiên của tâm hồn cô chứ không phải một phút lầm lạc do ảo tưởng. Tình yêu của cô không phải con vượn cáo chuột, một loài động vật được đặt tên như thế vì những nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khi đến Madagascar đã thấy những đôi mắt to sáng lấp lánh ló ra từ rừng rậm khi họ đang ngồi quanh đống lửa trại. Tin rằng những đôi mắt đó thuộc về linh hồn những người đồng hành đã khuất, họ đặt cho loài động vật cái tên Latin "lemur," nghĩa là "linh hồn của người chết."
Khi cái đùi gà tây cuối cùng đã yên vị trong dạ dày thực khách, Marianne Engel cảm ơn và trao cho những người phục vụ những chiếc phong bì có ghi "chỉ là chút tiền công cho việc làm thêm ngày lễ." Vừa đẩy tôi về phòng, cô vừa nói rằng đây là lễ Giáng sinh tuyệt vời nhất của cô. Tôi bảo cô đó đúng là một lời tuyên bố ra trò, nếu cho là cô đã trải qua tới bảy trăm lễ Giáng sinh thật.
Sau khi giúp tôi lên giường, Marianne Engel ngồi phịch xuống đầy thỏa mãn. Tôi nói rằng bữa tiệc đã tốn của cô một khoản kha khá; cô phẩy tay phản đối và lôi chiếc va li bạc từ dưới gầm giường của tôi lên. "Mở ra đi."
Chiếc va li chật cứng những cọc tiền năm mươi và một trăm đô la. Trong quãng đời đóng phim khiêu dâm và nghiện ngập, tôi thỉnh thoảng cũng thấy những túi đầy tiền, nhưng chẳng cái nào giống thế này cả. Tôi nhẩm tính trong đầu, cố gắng ước lượng. Rất khó khăn trong việc tính toán - tôi vẫn còn đang quá sửng sốt vì sự tồn tại của chỗ tiền đó - thế là Marianne Engel liền giải vây giùm tôi. "Hai trăm nghìn đô la."
Hai trăm nghìn đô la. Cô để cái va li cả ngày dưới gầm giường. Bất cứ ai cũng có thể xách đi. Tôi bảo cô là đồ ngốc; cô cười đáp rằng thậm chí cả thánh cũng có lúc sai lầm. Và thực sự thì, cô hỏi, ai có thể lục tìm một va li tiền dưới gầm giường trong ngày lễ Giáng sinh chứ?
"Anh nghĩ tôi không cưu mang nổi anh," cô nói cứ như thể cô chẳng thể sai về điều đó được. Cô không sai thật. Khi tôi gật đầu, cô liền thêm, "Tôi sẵn sàng nhận quà của mình rồi đây."
Trong suốt mấy tuần qua tôi đã cố nặn ra hàng tá phiên bản khác nhau cho cùng một bài phát biểu ngắn ngủn, như một cậu học sinh trung học đang bàn mưu tính kế mời cô bạn gái của mình tới buổi vũ hội, nhưng khi phút giây trọng đại đến, tôi chỉ cảm thấy bất an. Rụt rè. Xấu hổ. Tôi muốn tỏ ra thật khéo léo, nhưng y như cậu học sinh trung học đó, tôi cứ câm như hến. Quá muộn để trốn chạy, và tôi biết rằng món quà của mình - có ba thứ - là quá riêng tư. Quá ngu ngốc. Hàng giờ lao động của tôi đã thành vô ích: ảo tưởng kiêu hãnh nào đã thuyết phục tôi chuẩn bị những món quà ấy chứ? Cô sẽ nghĩ chúng thật trẻ con; cô sẽ nghĩ tôi quá sấn sổ, hoặc còn e dè. Tôi mong sét sẽ đánh xuống phòng tôi, xuyên qua chiếc tủ đầu giường nơi những món quà nhỏ ngốc nghếch của tôi được giấu trong ngăn kéo.
Tôi đã viết ba bài thơ cho cô. Con rắn ký sinh trong xương sống cười chế nhạo những nỗ lực quá ngạo mạn của tôi.
Cả cuộc đời, tôi đã từng làm thơ, nhưng tôi chưa bao giờ cho ai xem. Tôi giấu những gì mình viết, và giấu cả bản thân trong những trang viết mà tôi đã giấu - chỉ một con người không đủ sức đối diện với thế giới thực mới tạo ra một thế giới ảo để trốn tránh. Thỉnh thoảng khi tôi nhận ra mình không thể thôi viết lách dù rất muốn, cơn rùng mình chạy dọc sống lưng tôi, như thể có một người đàn ông khác đang đứng quá gần mình ở nhà vệ sinh công cộng vậy.
Thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy có gì đó cực kỳ thiếu nam tính trong việc viết lách, và thơ ca là thứ tồi tệ nhất. Khi bị chìm đắm trong những ảo giác do cocaine tạo ra, tôi luôn đốt hết những tập thơ của mình và nhìn những trang giấy cháy rụi hết tập này đến tập khác, nhìn ngọn lửa khạc tàn tro xám xịt vào không trung. Khi những con chữ đã thành tro than của tôi cuộn lên Thiên đường, tôi cảm thấy rất hài lòng vì biết rằng nội tâm mình lại được an toàn: đội ngũ các nhà khoa học pháp y giỏi nhất của FBI cũng không thể ráp nối những cảm xúc của tôi lại nữa. Vẻ đẹp của việc giữ cảm xúc thật nhất của mình trong những trang viết nằm ở chỗ tôi có thể đốt nó đi ngay lúc nào mình muốn.
Tán tỉnh để đưa một phụ nữ lên giường là một chuyện an toàn, vì những lời nói của tôi sẽ biến mất cùng lúc với hơi thở thoát ra; viết một bài thơ tặng một người phụ nữ là chế cho cô ấy thứ vũ khí mà sau này cô sẽ dùng để tấn công mình. Đem tặng những bài viết của mình có nghĩa là nó sẽ được phơi bày mãi mãi trước cả vũ trụ, sẵn sàng quay lại trả thù mình bất cứ lúc nào.
Vì thế tôi đã gạt nó ra khỏi đầu. Hôm nay là Giáng sinh, tôi đang bị kẹt trong chiếc giường xương, tôi nợ Marianne Engel một món quà, và tôi không có món quà thay thế nào cả. Tôi chỉ có những nét nguệch ngoạc trẻ con làm bẩn cả sự trong sáng của tờ giấy trắng mà thôi. Từ ngữ của tôi là những chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại trước khi người ta phát hiện ra hòn đá Rosetta, từ ngữ của tôi là những anh lính bị thương tập tễnh trở về nhà, không còn chút đạn dược, từ một trận chiến thất bại; từ ngữ của tôi là những con cá hấp hối, quẫy đạp điên cuồng khi cái lưới được đổ ra và cá chất trên boong tàu như một ngọn núi trơn nhẫy cố vươn thành thảo nguyên.
Từ ngữ của tôi trước đây, và bây giờ, không xứng đáng được đem tặng cho Marianne Engel.
Nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác, thế là tôi với tay ra chỗ ngăn kéo và - ĐỒ THUA CUỘC - dồn hết lòng can đảm giả tạo yếu ớt của mình. Tôi lôi ba tờ giấy ra, nhắm tịt mắt lại, và chìa mấy bài thơ về phía Marianne Engel, mong chúng đừng mủn ra trên tay tôi.
"Đọc cho tôi nghe đi," cô nói.
Tôi bảo rằng mình không thể. Đây là những bài thơ, và giọng tôi là sản phẩm của một cuộc thương lượng thất bại thảm hại nơi ngã tư đường(24) . Một con chó Địa ngục dữ tợn đã xé toác cổ họng tôi và để lại phía sau một chiếc ghi ta vỡ vụn với những dây đàn hoen gỉ. Giọng của tôi đã - đang - cực kỳ không phù hợp cho thơ với ca rồi.
"Đọc cho tôi nghe đi,".
Giờ đã rất nhiều năm trôi qua. Bạn đang cầm cuốn sách này trong tay, vì thế hiển nhiên tôi đã vượt qua được nỗi sợ không dám cho người khác đọc những gì mình viết ra. Nhưng ba bài thơ tôi viết cho Marianne Engel vào ngày Giáng sinh đó sẽ không được ghi lại trong câu chuyện này. Bạn đã có đủ bằng chứng buộc tội tôi rồi.
Khi tôi đọc xong, cô trườn lên giường. "Thật là tuyệt vời. Rất cám ơn anh. Giờ tôi sẽ kể anh nghe chúng ta đã gặp nhau như thế nào nhé."
Chú thích
(23) Guglielmo Marconi là tên một nhà vật lý nổi tiếng người Ý.
(24)Truyền thuyết Hy Lạp kể rằng vào đêm trăng sáng, nếu bạn mang đàn ghi ta ra ngã tư đường, vừa đánh vừa cầu mong ác quỷ đến thì ác quỷ sẽ xuất hiện thật và cho bạn khả năng chơi được bất cứ loại nhạc cụ nào, làm được bất cứ việc gì trên thế giới này. Nhưng để đổi lại, bạn phải trao linh hồn vĩnh hằng của mình cho nó.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33 - Hết