Chương 33
- Cậu cho là cậu ấy thoát rồi chứ? Jacques hỏi.
Álvarez xứng với vận may mà cuộc đời đã ban tặng cho cậu. Người đàn ông và cô con gái đã đón cậu về nhà đề nghị cậu ở lại với họ cho đến Giải phóng. Tuy nhiên, vừa khỏi các vết thương là Álvarez cảm ơn họ đã chăm sóc và nuôi nấng mình, cậu phải quay lại chiến đấu. Người đàn ông không nài ép, ông biết người trò chuyện với mình có quyết tâm. Thế là, ông cắt ra một bản đồ địa phương trên cuốn lịch Thông tin Bưu điện của mình và tặng anh bạn. Ông cũng tặng cậu một con dao và khuyên cậu đến Sainte-Bazeille. Tại đó, người trưởng ga tham gia lực lượng Kháng chiến. Khi Álvarez đến nơi, cậu ngồi trên chiếc ghế dài đối diện sân ga. Viên trưởng ga nọ phát hiện ra cậu và ngay lập tức đưa cậu vào văn phòng của mình. Ông ta cho cậu biết bọn SS trong miền vẫn đang truy tìm cậu. Ông dẫn cậu đến một nhà kho nhỏ có để vài dụng cụ và y phục của nhân viên hỏa xa, cho cậu khoác một áo vét màu xám, đội lên đầu cậu chiếc mũ lưỡi trai và giao cho cậu một khối đồ nhẹ. Sau khi đã kiểm tra vẻ tề chỉnh của trang phục, ông yêu cầu cậu đi theo mình dọc đường tàu. Trên đường, họ gặp hai đội tuần tra Đức. Đội thứ nhất không để ý gì đến họ, đội thứ hai chào họ.
Họ đến nhà ưởng ga vào chập tối. Ở đó Álvarez được vợ ông và hai người con tiếp đón. Gia đình không hỏi gì cậu hết. Ba ngày liền, cậu được nuôi nấng chăm sóc với một tình thương yêu vô bờ. Các cứu tinh của cậu là người xứ Basque 1. Sáng ngày thứ ba, một xe dẫn động bánh trước, màu đen, dừng trước một ngôi nhà nhỏ nơi Álvarez đang dưỡng sức. Trên xe, ba chiến sĩ du kích đến đón cậu để cùng cậu tiếp tục đi chiến đấu.
° ° °
Ngày 6 tháng Bảy
Tảng sáng, tàu lại lên đường. Chẳng bao lâu chúng tôi đi qua nhà ga nhỏ ở một làng mang cái tên ngộ nghĩnh. Trên các tấm biển, có thể đọc thấy "Khả Ái". Xét hoàn cảnh, sự mỉa mai về địa lý này khiến chúng tôi cười lăn. Nhưng đột nhiên, đoàn tàu lại đứng im lìm. Khi chúng tôi đang ngạt thở trong toa, thì Schuster điên tiết vì lần dừng thứ mấy mươi này, và nghĩ đến một lộ trình khác. Tên truy úy Đức biết rằng đi về phía Bắc là không thể. Quân Đồng minh đang tiến bước không gì cản nổi và y ngày càng lo sợ hơn những hành động của lực lượng Kháng chiến, họ phả hỏng đường tàu để trì hoãn việc đưa chúng tôi đi đày.
° ° °
Đột nhiên cánh cửa mở ra và xoay chuyển ầm ầm. Chói mắt, chúng tôi nhìn thấy trong khung cửa tên lính Đức đang sủa ông ổng. Claude nhìn tôi, nghi hoặc. Một người tù làm công việc phiên dịch nói:
- Hội Chữ thập Đỏ đang ở đây, cần đi lấy một thùng trên sân ga.
Jacques chỉ tôi. Tôi nhảy khỏi toa và ngã quỵ xuống. Chắc là cái đầu tóc đỏ của tôi khiến tên quân cảnh Đức đứng đằng trước tôi không ưa: thời gian ánh mắt của hắn và tôi giao nhau và thế là hắn nện báng súng vào mặt tôi một cái thật ác liệt. Tôi bị hất ra phía sau và ngã phệt xuống đất. Tôi sờ soạng tìm kính. Cuối cùng, kính ở dưới tay tôi đây rồi. Tôi nhặt những mảnh vỡ nhét vào túi, và trong một màn sương mù dày đặc,tôi bám sát gót tên lính đang đưa tôi đến sau một hàng rào. Hắn dùng nòng súng chỉ cho tôi một thùng nước và một hộp bìa cứng đựng những nắm bánh mì đen để chia nhau. Việc tiếp tế cho mỗi toa được tổ chức như vậy. Và tôi hiểu rằng những người trong hội Chữ thập Đỏ và chúng tôi không bao giờ được nhìn thấy nhau.
Khi tôi trở lại toa tàu, Jacques và Charles lao ra cửa để giúp tôi trèo lên. Xung quanh mình, tôi chỉ htấy một màn sương dày đặc nhốm đỏ. Charles lau rửa mặt cho tôi nhưng sương mù không tan. Thế là tôi hiểu điều vừa xảy đến với mình. Tôi đã bảo em rồi, tạo hóa thấy chẳng đủ hài hước khi ban cho tóc tôi màu cà rốt, tạo hóa còn phải khiến tôi thành cậu thị như một chú chuột chũi. Không mục kỉnh, thế giới mờ ảo, tôi mù lòa, chỉ đủ biết được liệu bây giờ đang là ngày hay đêm, và hơi hơi phân biệt được các hình thù chuyển động xung quanh mình. Tuy thế, tôi nhận ra sự hiện diện của thằng em bên cạnh tôi.
- Này, tên đê tiện ấy làm anh bị tổn hại quá tệ.
Tôi cầm trong tay những gì còn lại của cặp kính. Một mẩu kính ở bên phải gọng, một mẩu khác chỉ nhỉnh hơn tí chút lõng thõng phía trái. Chắc Claude phải mệt mỏi lắm, nên mới không thấy anh nó chẳng đeo gì trên mũi cả. Và tôi biết nó còn chưa ước lượng được tầm rộng lớn của bi kich. Từ giờ, nó sẽ phải tẩu thoát mà chẳng có tôi; không có chuyện vướng víu thêm một kẻ tàn tật. Jacques thì hiểu hết; anh bảo Claude để chúng tôi lại và đến ngồi xuống cạnh tôi. Anh thì thào:
- Đừng bỏ cuộc!
- Thì anh bảo tôi làm thế nào bây giờ?
- Chính ta sẽ tìm ra một giải pháp chứ.
- Jacques ạ, tôi thấy anh bao giờ cũng lạc quan nhưng ở chỗ này thì anh vượt quá giới hạn rồi!
Claude tự đến với chúng tôi và gần như xô đẩy tôi để tôi nhường cho nó một ít chỗ.
- Này, em đã nghĩ đến một điều cho cặp kính của anh. Phải đem trả lại cái thùng chứ?
- Thế thì sao nào?
- Thế thì, vì chúng không cho phép một sự tiếp xúc nào giữa hội Chữ thập Đỏ và chúng ta, mình vẫn sẽ phải để lại cái thùng ở sau hàng rào, một khi nó rỗng không rồi.
Tôi đã nhầm, chẳng những Claude hiểu tình thế của tôi, mà nó còn đã đang xây dựng một kế hoạch rồi. Và dù điều này khó xảy ra đến mấy, tôi vẫn đi đến chỗ tự hỏi liệu từ nay trở đi, trong hai đứa, có phải thằng em sẽ là tôi hay không.
- Anh vẫn không hiểu em định đi đến đâu?
- Mỗi bên gọng của anh còn một mẩu kính. Đủ để một thày thuốc nhãn khoa biết được độ cận thị của anh.
Với một mảnh gỗ và một sợi chỉ dứt từ áo sơ mi, tôi đang cố vãn hồi điều bất khả vãn hồi. Nổi xung, Claude đã đặt tay nó lên bàn tay tôi.
- Thôi đừng cố vá víu nữa! Mẹ kiếp, anh hãy nghe em này. Anh sẽ không bao giờ nhảy được qua cửa sổ, cũng không thể chạy vắt chân lên cổ với cặp kính ở tình trạng này. Ngược lại, nếu ta đặt những gì còn lại ở đáy thùng, có lẽ ai đó sẽ hiểu ra và sẽ giúp đỡ chúng ta.
Tôi rơm rớm nước mắt, xin thú nhận như vậy. Không phải vì giải pháp của thằng em chan chứa tình yêu thương của nó, mà vì vào khoảnh khắc ấy, ở tận cùng nỗi hoang mang bối rối của chúng tôi, Claude vẫn còn đủ sức mạnh để tin vào niềm hy vọng. Ngày hôm ấy tôi đã hết sức tự hào vì nó, tôi đã yêu nó mãnh liệt đến mức bây giờ tôi vẫn còn tự hỏi không biết mình đã dành thì giờ nói với nó điều ấy chưa. Jacques bảo:
- Ý tưởng của nó được đấy.
- Còn lâu mới ngốc nhé, François Francois bổ sung, và tất cả những người khác đều tán thành.
Tôi chẳng tin điều ấy một giây một phút nào. Tưởng tượng rằng chiếc thùng thoát khỏi sự lục soát trước khi hội Chữ thập Đỏ thu hồi nó. Mơ rằng một người đàn ông hay đàn bà nào đó phát hiện trong thùng những mẩu kính của tôi và quan tâm đến số phận tôi, đến vấn đề thị lực của một tù nhân đang bị đày sang Đức, còn hơn cả khó tin. Nhưng ngay cả Charles cũng thấy kế hoạch của thằng em tôi "dất cừ".
Thế là, coi khinh những nghi ngờ và nỗi bi quan của mình, tôi chấp nhận ra rời hai mẩu kính bé tí mà giá như giữ lại thì chúng cũng khiến vừa vặn nhận ra được các vách của toa tàu.
Để trả lại bạn bè một chút xíu của niềm hy vọng mà họ đã xiết bao hào hiệp tặng mình, cuối buổi chiều, như Claude đã đề nghị, tôi đặt vào chiếc thùng rỗng sẽ rời khỏi toa tàu, những gì còn lại từ cặp kính của tôi. Và khi cánh cửa đóng lại, tôi đã nhìn thấy, trong bóng người nữ y tá thuộc hội Chữ thập Đỏ đang đi ra xa, màu đen của cái chết chìm ngợp lấy tôi.
Đêm ấy, một cơn giông nổ ra bên trên làng Khả Ái. Mưa tràn trề trên nóc và chảy vào trong toa qua những lỗ thủng do đạn máy bay để lại. Những người hãy còn đủ sức đều đứng dậy, đầu ngẩng lên, miệng há to để hứng lấy các giọt nước.
Chú Thích
1. Các miền Basque (Pays basques) là một tổng thể địa lý ở hai miền dãy núi Pyrénées phía Tây, có phần thuộc Tây Ban Nha, có phần thuộc Pháp.
- Tặng cha tôi,
- Phần 1 - Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Phần 2 - Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Phần 3 - Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40 - Đoạn kết