Chương 1
Nếu các bạn thực tình muốn nghe câu chuyện tôi sắp kể, chắc hẳn các bạn muốn biết trước nhất tôi sinh ra ở đâu, tuổi nhỏ ngốc nghếch của tôi diễn ra thế nào, cha mẹ tôi trước ngày tôi sinh trưởng làm những gì - tóm lại, là toàn bộ cái mớ lai lịch vớ vẩn kiểu như của David Coperfield, đúng thế không? Nhưng nói thực, tôi chẳng thích bới những thứ ấy ra. Trước hết, không gì chán bằng phải kể lại những điều ngốc nghếch kia. Sau nữa, các bậc cha chú trong họ nhà tôi chắc sẽ bị đứng tim mỗi người ít nhất hai bận liền nếu tôi đem kể hết những chuyện bí mật đó với các bạn. Ai chứ họ, họ không thể nào xực nổi món ấy, nhất là bố tôi. Nói chung, họ đều tử tế cả, và tôi chẳng có gì đáng phải phàn nàn, nhưng ai cũng đều dễ bị chạm nọc kinh người. Vả lại, tôi cũng chẳng định thuật lại lai lịch chính mình, hoặc bất cứ thứ gì vớ vẩn tương tự, tôi chỉ muốn kể cái trò rồ dại mới xảy ra hồi Giáng Sinh vừa rồi. Sau vụ đó, tôi suýt quỵ hẳn, nên cả nhà đã phải tức tốc đưa tôi tới đây để chạy chữa và tĩnh dưỡng chút đỉnh. Hơn nữa, chuyện này tôi mới chỉ kể lại với một mình anh D. B, vì dẫu sao anh ấy cũng là anh ruột tôi. Anh ấy hiện đang ở trên Hollywood. Cách cái nhà an dưỡng chết rấp này chẳng mấy đường đất, và anh ấy vẫn ghé tới đây luôn, gần như hằng tuần. Mai mốt, không khéo chính anh ấy lại đưa tôi về, chắc chỉ vào đầu tháng sau thôi. Anh ấy vừa tậu được một chiếc Jaguar rất oách, mác Anh tử tế; bỏ rẻ cũng phóng được 200 dặm mỗi giờ. Suýt soát bốn ngàn bạc, chứ có phải ít ỏi gì đâu. Hồi này, anh ấy rủng rỉnh tợn. Chứ chẳng như độ nọ. Độ nọ, hồi còn ở nhà, anh ấy chỉ ngồi viết văn. Nghe đồn, anh ấy có viết được một tập truyện mỏng tầm cỡ quốc tế hẳn hoi, đó là Chú cá vàng ẩn danh. Cái truyện tuyệt nhất cũng mang cùng tựa đề đó - Chú cá vàng ẩn danh, - truyện kể về một cậu bé, không cho ai ngắm con cá vàng của mình hết, chỉ vì chính cậu ta đã xuất tiền túi ra mua con cá đó, cái truyện ấy tuyệt đấy chứ! Thế nhưng hồi này anh ấy bỏ sang hẳn bên Hollywood, bán đứng tài nghệ cho đám làm phim. Nếu tôi ghét gì nhất trên đời thì đó chính là xi nê. Gì chứ món đó tôi không tài nào xực nổi.
Tốt nhất có lẽ tôi cứ mở đầu câu chuyện từ việc tôi từ giã Pencey. Pencey là cái trường trung học nội trú ở Agerstown, bên tiểu bang Pennsylvania. Trường đó, chắc các bạn đều nghe tiếng. Không chừng các bạn còn được nhìn thấy cả ảnh chụp trên các mẫu quảng cáo. Vẫn đăng trên trên cả ngàn tờ tạp chí, chụp một thằng đại láu cá, mặt mày vênh váo, cưỡi trên lưng một con tuấn mã đang tung vó, chực vượt một chướng ngại vật rất cao. Cứ như là ở Pencey, học sinh chẳng còn biết làm gì hơn ngoài việc chơi polo! Kỳ thực, trên ấy mắt tôi cóc trông thấy một con ngựa còm nào. Rồi ngay bên dưới thằng nỡm láu cá nọ, họ còn trưng thêm cả cái câu này nữa: "Kể từ năm 1888, trường chúng tôi đã đào tạo được bao chàng trai can đảm và cao thượng!". Láo toét! Trường ấy chưa bao giờ đào tạo được đứa nào ra hồn. Mà cả các trường khác nữa cũng thế. Tôi chưa từng gặp một thằng nào "cao thượng và can đảm". À, mà cũng có một vài thằng đấy, tôi suýt quên. Nhưng kỳ thực, mấy đứa ấy vốn đã thế. Từ trước khi chưa vào học kia. Chứ tại trường đó thì cóc có đứa nào tử tế.
Tóm lại, câu chuyện bắt đầu xảy ra vào hôm thứ bảy, khi đang diễn ra trận đấu với đội Saxon Hall. Phần đông đều coi đó là trận cầu hệ trọng hơn hết thảy mọi thứ trên đời đối với đội Pencey. Bởi đó là trận chung kết, và nếu trường tôi mà thua bọn ấy, thì toàn trường khéo đến phải treo cổ lẫn nhau vì nhục nhã. Tôi nhớ là ngày hôm đó, lúc gần ba giờ rưỡi, tôi đang đứng, họa có trời biết là ở xó xỉnh nào trên chính ngọn đồi Thompson trong khuôn viên nhà trường, kế bên khẩu thần công ngu ngốc, có nhẽ vẫn nằm tênh hênh trên ấy từ thời chiến tranh vì Độc Lập đến giờ. Từ chỗ tôi đứng có thể nhìn rõ toàn bộ sân bóng và cảnh hai đội quần nhau, từ đầu bên nọ đến đầu bên kia. Riêng mặt mũi khán giả thì tôi không tài nào nhìn ra, mà chỉ nghe thấy tiếng hò hét vọng tới. Tiếng hò hét cổ vũ cho đội nhà thiếu nước muốn nổ trời vì cả trường, trừ tôi, đều kéo ra xem đông đủ. Còn phía bọn Saxon Hall thì năm khi mười họa mới có một đứa la hét: đội khách xưa nay bao giờ cũng ít người cổ vũ!
Tới xem các trận đấu bóng đá, bao giờ cũng lèo tèo dăm đứa con gái. Chỉ bọn con trai mấy lớp lớn mới được phép dắt đám bạn gái đi cùng. Đúng là một cái trường tệ lậu hết đường. Nhưng tôi, tôi vốn chúa ghét có mặt ở những chỗ xúm đông xúm đỏ tụi con gái bắng nhắng. Thậm chí cả khi bọn chúng chỉ ngồi suông, chẳng làm quái gì, mà chỉ chải đầu, xì mũi hay cười khúc khích, tôi cũng không chịu nổi. Con gái ông hiệu trưởng, lão Thurmer, là đứa chăm đi xem đá bóng nhất. Nhưng nó thì chẳng phải là thứ có thể khiến thiên hạ phải mê mẩn tâm thần. Tuy rằng nhìn chung, nó cũng chẳng có gì đáng chê. Có lần, tôi đã ngồi cạnh nó trên một chuyến xe buýt, xuất phát từ Agerstown, và trò chuyện huyên thuyên suốt buổi. Trước, tôi rất thích nó. Của đáng tội, mũi con bé kể cũng quá dài, còn mười đầu móng tay thì nó gặm nham nhở, đến mức suýt bật cả máu tươi. Với lại chiếc coocxê của nó, chẳng hiểu sao lúc nào cũng như muốn chĩa hết ra tứ phía. Nhưng tiếng thế chứ nhìn nó, ai cũng lập tức thấy mủi lòng ngay. Còn tôi, tôi thích nó vì nó không hay vặn vẹo bất cứ ai, như cái thói mà lão thân sinh tuyệt diệu của nó vẫn quen làm xưa nay. Chắc chính nó cũng thừa biết bố nó là thứ chày vồ quái đản.
Tôi không xuống dưới bãi bóng, mà lên đồi đứng xem, chẳng qua chỉ vì tôi vừa ở New York về, cùng với đội đấu kiếm của trường. Tôi chính là đội trưởng cái đội thối thây ấy. Một kiếm thủ khiến mọi đối thủ đều phải chùn tay ngay tức khắc. Tôi dẫn toàn đội xuống New York để thi đấu với trường Mc Burney. Có điều cuộc đọ sức đã bị bãi bỏ. Với lại tôi để quên mấy thanh kiếm, cả bộ quần áo, và nói chung mọi thứ đồ lề vớ vẩn dưới tàu điện ngầm ở New York. Nhưng tôi hoàn toàn không có lỗi. Bởi tôi phải đứng lên ngồi xuống suốt, để trông chừng các bảng sơ đồ treo ở các ga, xem lúc nào thì phải dắt cả bọn xuống ga. Tóm lại, bọn tôi về đến Pencey không phải trước giờ ăn trưa như dự định, mà mãi tới tận hai giờ rưỡi chiều hôm đó. Cả đội mắng mỏ, xỉ vả tôi đủ điều suốt dọc đường về. Kể cũng buồn cười thật đấy.
Tôi không xuống bãi bóng, còn vì một lẽ nữa, tôi tính ghé đến thăm thầy Spencer, giáo viên dạy sử lớp tôi, để từ biệt thầy trước lúc ra đi. Thầy bị cúm, nên tôi biết chắc từ giờ tới đầu kỳ nghỉ Giáng Sinh sắp đến, tôi chẳng còn dịp nào để gặp thầy nữa. Vả lại, chính thầy cũng đã gởi thư nhắn rằng thầy muốn gặp tôi trước lúc tôi về nhà. Thầy biết chắc tôi sẽ chẳng bao giờ quay lại đây nữa.
À, tôi quên kể là tôi đã bị đuổi. Tôi sẽ không quay lại trường sau kỳ nghỉ Giáng Sinh này, vì tôi đã thi trượt bốn môn, và nói chung, tôi không chịu học hành gì, chứ chẳng phải chỉ riêng bốn môn kia. Họ đã cảnh cáo tôi đến cả trăm lần - phải cố mà học hành. Bố mẹ tôi, hồi giữa học kỳ cũng đã bị mời lên gặp lão Thurmer hiệu trưởng. Nhưng tôi bất chấp tất, vẫn chẳng chịu học hành gì. Thế nên họ đã đuổi thẳng cánh. Họ đã đuổi khỏi Pencey vô khối đứa. Học lực bọn ấy đều rất chúa, thật đấy; toàn là những học trò giỏi hẳn hoi.
Tóm lại, chuyện đó xảy ra vào hồi tháng Chạp vừa qua, trời rét căm căm, như thể bị một lão phù thủy chui tọt vào sau vạt áo mình. Nhất là trên ngọn đồi chết tiệt tôi đang đứng. Tôi lại chỉ phong phanh có mỗi chiếc blouson mỏng - găng tay không, các thứ đồ ấm khác cũng không. Tuần trước, tôi bị nẫng mất chiếc măng tô bằng lông lạc đà ngay tại phòng. Cả đôi găng tay rất ấm tôi nhét trong túi áo. Trong này vốn nhan nhản bọn ăn cắp. Bố mẹ vô khối đứa rất giàu, thế nhưng trộm cắp vẫn như rươi. Hễ học phí càng cao, thì trường càng nhiều quân trộm cắp hơn. Tóm lại, tôi đứng bên khẩu thần công ngu ngốc ấy, suýt chết cóng đến nơi vì không có áo ấm. Nhưng trận đấu, tôi nào có để mắt đến. Tôi trèo lên đó chẳng qua chỉ vì tôi muốn cảm thấy rõ hơn là mình đã giã từ mãi mãi cái trường chết tiệt này. Gì chứ chuyện bị đuổi tôi chẳng lạ. Nhưng tình thực, tôi chẳng thiết nghĩ tới chuyện phải cuốn gói ra đi. Tôi rất căm chuyện đó. Nhưng không một phút nào thèm nghĩ - đó là chuyện đáng buồn hay chẳng hơi đâu mà buồn. Nhưng mỗi lần chia tay với một nơi nào đó, bao giờ tôi cũng thấy cần phải cảm nhận thật rõ mình đã thực sự đoạn tuyệt với cái nơi mình sắp sửa ra đi. Bằng không, tôi vẫn cảm thấy bứt rứt suốt.
Hôm đó tôi lại gặp may. Vì tôi chợt nhớ đến một chuyện, và lập tức cảm nhận ngay được cái cảm giác mình sẽ mãi mãi rời khỏi đây. Tôi chợt nhớ một lần - vụ đó xảy ra vào hồi tháng mười - ba đứa tôi - tôi, thằng Robert Tichener với thằng Paul Campbell - đã vờn bóng ngay trước tòa nhà dùng làm phòng học. Hai thằng kia đều là những đứa rất tử tế, nhất là thằng Tichener. Đó là lúc sắp sửa ăn tối, trời đã nhá nhem, nhưng bọn tôi vẫn mải mê với quả bóng da. Của đáng tội, trời cũng đã tối lắm rồi, gần như chẳng còn nhìn thấy gì, nhưng bọn tôi chẳng hiểu sao vẫn chẳng chịu thôi. Tuy vậy, rút cục vẫn phải bỏ cuộc. Vì thầy dạy sinh vật, ông Zambisi, bỗng thò đầu ra ngoài cửa sổ, bảo bọn tôi phải về ngay ký túc, ăn mặc cho tử tế mà đi ăn tối. Vụt nhớ lại chuyện đó, tôi lập tức cảm thấy chẳng có gì đáng phải luyến tiếc ngôi trường. Vừa hiểu ra thế, tôi bèn quay ngoắt lại, co giò lao thẳng xuống nhà thầy Spencer già lão. Thầy ấy không ở ngay trong trường. Mà có căn nhà nằm trên đường Antheny Wayne, cách trường một quãng.
Tôi chạy liền một mạch tới cổng chính, rồi dừng lại một lát cho tới lúc nhịp thở đã đều trở lại. Phổi tôi vốn yếu, thật đấy. Một, là vì tôi rít thuốc lá như một đầu máy xe lửa, nghĩa là tôi đã nghiện ngập từ trước. Còn ở đây, tại cái nhà an dưỡng này, thì họ bắt phải cai thuốc. Hai, là vì chỉ riêng năm ngoái, tôi đã cao thêm lên những hơn mười hai phân. Chắc vì thế nên tôi mới chớm bị lao, và phải tới đây nằm để kiểm tra lại sức khoẻ và chữa chạy với mấy lão bác sĩ chết tiệt. Chứ ngoài hai lá phổi, thể lực tôi nói chung khá ổn.
Tóm lại, vừa đỡ hụt hơi một cái, tôi đã băng ngay qua phố, chạy thẳng tới đường Wayne. Mặt đường phủ kín băng, trơn chết người, nên tôi suýt ngã chổng vó mấy lần liền. Tôi chẳng biết mình chạy thế để làm gì, nhưng vẫn cắm cổ chạy như bị ma đuổi. Lúc tới bên kia đường rồi, tôi bỗng có cảm giác như mình bị mất hút giữa trời đất. Hôm đó là một ngày rất rồ dại, rét như cắt ruột, lại chẳng có lấy một chút nắng nào, chẳng có gì hết, nên tôi dễ có cảm giác: hễ sang tới bên kia đường lập tức bạn sẽ bị mất hút vĩnh viễn.
Khiếp, tôi cứ bấm chuông tưởng như hóa dại, khi mò tới được trước cổng nhà ông Spencer già lão đó! Tôi lạnh cóng toàn thân. Hai tai nhức buốt, ngón tay không còn co duỗi được nữa. "Mau lên! Mau lên cho tôi nhờ một chút! - tôi suýt thét lên thành tiếng, - Mở cửa ra mau!". Mãi, rồi bà Spencer cũng ra mở cửa cho tôi. Nhà hai ông bà không nuôi đầy tớ và cũng chẳng còn ai khác nữa, nên bao giờ hai vợ chồng cũng phải tự tay ra mở cửa cho khách. Lương bổng ông chồng khéo chỉ vừa nuôi sống vợ.
- Cậu Holden! - bà Spencer nói - Rất mừng là được gặp lại cậu! Vào đi, cậu bé đáng mến! Chắc cậu suýt chết cóng ngoài phố chứ gì?
Tôi cảm thấy bà ta thực tình mừng rỡ khi gặp lại tôi. Bà rất quý tôi. Ít ra, tôi cũng có cảm tưởng thế. Tôi lao vào nhà như một phát đạn.
- Cô vẫn khoẻ chứ, thưa cô Spencer? - Tôi nói - Thầy Spencer đã đỡ hẳn chưa, cô?
- Cởi áo ngoài ra đã, Holden! - Bà bảo. Bà không nghe thấy lời tôi vừa hỏi thăm sức khoẻ thầy Spencer. Bà hơi nghễnh ngãng.
Bà treo áo tôi vào tủ, còn tôi, tôi đưa tay lên chải lại mái tóc cho tử tế hơn. Tóc tôi vốn tua tủa như lông nhím trên đầu, hầu như chẳng mấy khi phải bận tâm nhiều với chuyện chải chuốt.
- Cô vẫn mạnh giỏi luôn chứạ? - Tôi lại cất tiếng hỏi, lần này to hơn trước, để bà già nghe thấy điều tôi muốn hỏi thăm.
- Ừ, tuyệt lắm, Holden ạ - Bà đóng tủ lại - Thế còn cậu?
Qua giọng nói, tôi hiểu ngay: rõ ràng ông Spencer đã kể hết với bà vợ chuyện tôi bị đuổi.
- Cũng tuyệt lắm ạ, - Tôi đáp - Thế còn thầy, sức khoẻ thầy thế nào? Chắc đã khỏi hẳn rồi, hả cô?
- Khỏi hẳn? Holden, độ rày ông ấy cư xử cứ như là... như là tôi với ông ấy chưa từng quen biết nhau! Ông ấy đang ngồi trong buồng riêng đấy, cậu cứ việc vào thẳng trong ấy.