Quyển XXXVI - Ngôi nhà huyền bí - Phần I
K...é...t.... K...ẹ...t... Tiếng mở cửa vang lên thật lớn giữa đêm khuya thanh vắng gây cảm giác rờn rợn cho những ai nghe thấy. Nằm im trên giường không dám thở, Tuyền cố ngóng tai chờ xem động tĩnh gì tiếp tục xảy ra. Cô thầm nhủ: "Ngôi nhà hoang phế này mà cũng có trộm viếng thăm ư? Có gì giá trị đâu ngoài mấy vật dụng cũ kỹ bị vứt lại đã lâu không ai thèm lấy. Hay là bọn trộm để ý đến mớ hành lý của chị em cô? Chà, vấn đề này thì phải cẩn trọng đây, bởi toàn bộ số tài sản còn lại để sinh sống đều nằm trong cái va li kia cả. Nếu mất nó thì chị em Tuyền sẽ ra sao?" Nghĩ tới đó, Tuyền thu hết can đảm ngồi bật dậy, cô rón rén mò tìm cây đèn pin mà vú Dần đã mua dự trữ sẵn hồi sáng. Sờ soạng mãi một lúc mới đụng được tay vào nó, nhưng cây đèn lại nhẹ hẫng vì chưa được gắn pin làm cho Tuyền thoáng bực mình. Cứ điệu này trộm nó rinh hết cả đồ đạc ra ngoài đồi trà mất thôi. Tuyền không thể để mất thời gian mò mẫm những cục pin chưa biết nằm ở đâu.
Một... hai... ba, Tuyền bước đến bên cánh cửa phòng toan đưa tay kéo chốt thì... cộp... cộp... cộp... Ôi, rõ ràng là tiếng gót giày nện xuống nền gạch nghe thật gần nhưng cũng thật xa. Dường như có người đã đến đây, nhưng sao họ lại đến giữa đêm khuya thế này? Ai vậy? Người tốt hay kẻ xấu? Tuyền thầm run trong dạ khi hình dung bên ngoài là một tên côn đồ nào đó đang muốn trêu chọc mình, vì biết trong nhà chỉ toàn là phụ nữ chân yếu tay mềm.
Vừa mới dọn đến đây sáng nay, chị em Tuyền và bà vú đã biết gì về vùng đất sương mù giăng phủ này. Họ đến do sự nhiệt tình giúp đỡ của ông bà Thành Danh, bạn rất thân của cha mẹ họ ngày trước, nay thấy hoàn cảnh mồ côi, bơ vơ của con bạn mà động lòng. Khi mới đặt chân đến, nhỏ Tú, em gái Tuyền đã kêu ầm lên rằng nơi này quá buồn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chị em cô đành phải chấp nhận thôi, vì đâu còn chỗ nào cho chị em họ nương thân lúc này được.
Ngôi nhà mới họ đang trú ngụ thuộc loại biệt thự sang trọng nhưng đã bỏ hoang phế nhiều năm, nên chỗ nào cũng ẩm mốc và xuống cấp trầm trọng. Đã vậy nó còn nằm trên một ngọn đồi cao biệt lập với mọi người, dường như chỉ làm bạn với gió và chim muông. Nếu như lúc trước còn sống trong ấm no, hạnh phúc, thì dẫu có cho vàng chị em Tuyền cũng không dám ở một đêm. Còn bây giờ, có được chỗ ở này là quá tốt, chị em cô không mong mỏi gì hơn. Điều họ được an ủi trong lúc tứ cố vô thân là còn có được bà vú trung thành theo hầu hạ.
Cộp... cộp... cộp... Tiếng nện của gót giày vang lên theo lộ trình vòng quanh ngôi nhà rồi tắt hẳn. Lúc này Tuyền không đủ can đảm để xông ra bên ngoài nữa mà cô trở vào vặn lớn ngọn đèn dầu lên, lòng nơm nớp bất an. Nhỏ Tú bỗng mở mắt.
- Có gì vừa xảy ra phải không chị?
Tuyền không muốn làm em gái phải sợ nên lắc đầu:
- Không có gì. Tại khó ngủ nên chị thức dậy định xem sách đó mà.
Song nhỏ Tú đã thấy được gương mặt lo âu của chị nó. Con nhỏ bèn trề môi:
- Chị nói dối. Em thấy chị thức đã lâu sao bây giờ mới vặn đèn?
Tuyền lúng túng:
- Thì tại... bây giờ chị mới muốn đọc sách.
Nhỏ Tú tiếp:
- Chứ không phải chị thức là vì... vì...
- Vì cái gì... sao không nói luôn đi?
Bất giác nhỏ Tú trùm mền kín đầu, nó nói vọng ra nghe thật nhỏ:
- Vì sợ ma. Chị có nghe thấy tiếng mở cửa lúc nãy không?
- Nói bậy. Làm gì có ai mở cửa...
Nhỏ Tú cãi lại bên trong mền:
- Em nghe rõ ràng mà... cả tiếng chân người nữa.
- Thôi đi nhỏ. Ăn no, ngủ kỹ rồi mơ màng nói tùm lum.
- Không phải mơ... mà là em nghe thật.
Tuyền hơi gắt:
- Thật cái gì?
- Dường như nhà này có ma! Từ lúc đặt chân vào đây tới giờ em luôn cảm thấy ớn lạnh.
Mọi can đảm trong người Tuyền bị tiêu tan bởi lá gan nhỏ xíu của đứa em, cô soi đèn tìm chiếc va li rồi nhấc hẳn nó bỏ vào mùng ngay sát vách đầu giường cho chắc ăn rồi mới chịu đi nằm. Song tiếng động vừa qua làm Tuyền thao thức mãi, dù bên cạnh nhỏ Tú lại chìm sâu vào giấc ngủ. Tại sao lại có tiếng người mở cửa giữa đêm hôm như vậy chứ? Vú Dần thì chắc chắn là không rồi, bởi Tuyền biết tính vú hễ đặt mình xuống giường là ngủ liền, chẳng bao giờ ra ngoài vào ban đêm. Tuyền cố lảng tránh không nghĩ đến vấn đề nhỏ Tú đã gợi lên, nhưng lại bắt đầu hình dung tới những điều không bình thường làm cho người ta sợ hãi nhất. Ma! Phải chăng ngôi nhà này có ma nên người ta mới bỏ hoang nó? Giả thuyết này có lẽ đúng, song nếu thế thì lại gay cho chị em Tuyền rồi đây. U... u... u... Tiếng gió rít ở bên ngoài sao nghe cũng thật là kỳ quái. Tuyền kéo mền đắp lên người rồi nhắm mắt để cảm giác căng thẳng hạ bớt xuống, nhưng những âm thanh hỗn hợp chung quanh ngôi nhà cứ nối tiếp nhau trỗi dậy... trỗi dậy...
Không có người trấn an Tuyền vì nhỏ Tú đã ngủ rất say sưa, còn vú Dần thì ở phòng riêng. Tuyền thật sự cảm thấy đơn độc trước hoàn cảnh hiện tại. Vừa tốt nghiệp chương trình phổ thông với hy vọng sẽ đậu cao vào đại học thì gặp nhiều biến cố. Bởi ba mẹ cô chết đi để lại một khoản nợ khá lớn khiến ngôi nhà lầu khang trang của gia đình bị người ta xiết mất, tống cổ hai chị em cô ra ngoài đường. May sao Tuyền còn nhanh trí thu gom được ít nữ trang của mẹ để lại là của hai chị em giấu đi, nên mới có thể tồn tại tới hôm nay. Nhưng nếu không có công việc làm để sinh nhai thì chẳng bao lâu nữa họ sẽ bị chết đói mất thôi vì nguồn sống đã cạn kiệt. Giữa lúc sự đe dọa sắp đến thì ông bà Thành Danh xuất hiện kịp thời đưa chị em Tuyền về cái xứ sở lạnh ngắt hơi sương này với đề nghị nhờ Tuyền dạy kèm cho hai đứa con gái nhỏ. Mừng rỡ, chị em Tuyền đã cùng với bà vú dắt díu nhau lên đây. Song khi tiếp cận với chỗ ở mới thì chị em Tuyền hết sức ngỡ ngàng, khi thấy đó là một ngôi nhà hoang phế nằm giữa đồi mênh mông cả ngày chẳng thấy bóng người qua. Mặc dù vậy, họ vẫn không thể khen hoặc chê hay có sự lựa chọn nào khác trong lúc này. Tuyền đã ra sức động viên em gái chấp nhận hoàn cảnh mới để có cơ hội sống. Và đêm nay là đêm đầu tiên họ bước vào cuộc sống tự lực cánh sinh.
Cộp... cộp... cộp... Lại tiếng gót giày nện ngoài thềm. Rồi u... u... u... tiếng gió rít tựa âm thanh của oan hồn uổng tử đang lang thang vất vưởng. Tiếp đến là k...é....t... k...é...t... như có tiếng người mở cửa... Ôi, chừng đó âm thanh hòa tấu lại thành giai điệu đủ giết chết những người yếu bóng vía rồi. Còn Tuyền, cô không nhát nhưng cũng đang sợ điếng cả người. Từ nhỏ đến lớn ở thành phố với cuộc sống sung sướng, có bao giờ cô phải đối diện với sự khủng hoảng thế này đâu. Vậy mà hôm nay suốt một đêm phải thức, phải nghe, phải run, phải sợ... Tuyền co người lại thành một khối tròn bên cạnh em. Những giọt nước mắt đã ngừng chảy song trái tim trong ngực thì càng dội mạnh hơn khi tiếng gót giày cộp... cộp... vang lên ở trước cửa phòng cô. Trời... Phật ơi... phải làm sao bây giờ đây? Trong lúc Tuyền chưa kịp nghĩ gì thêm thì k...é....t... k...ẹ...t... ôi, Tuyền chỉ thốt lên được một tiếng tắc nghẽn ấy rồi ngất đi, trong cơn sợ hãi tột cùng chưa từng thấy. Và không biết trải qua bao lâu với những sự kiện gì đã xảy ra... Khi Tuyền tỉnh dậy thì đã thấy em gái và vú Dần đang xúm xít bên cạnh, vẻ mặt đầy lo lắng. Vẫn còn lưu giữ ấn tượng trước khi ngất nên vừa mở mắt Tuyền đã hét toáng lên:
- Á...á...á...
- Làm cái gì mà la ghê quá vậy chị Hai? Bộ đêm qua mơ thấy ác mộng hả? Nhỏ Tú ôm chầm lấy chị lay.
Vú Dần cũng cất tiếng gọi chủ:
- Cô Tuyền à... trời sáng rồi chứ không còn là ban đêm đâu.
Bị nhỏ Tú vỗ mấy cái vào mặt, Tuyền mới tỉnh lại ngơ ngác hỏi:
- Sao? Sáng rồi ư...?
Nhỏ Tú cười vô tư trước bộ dạng của chị:
- Mới ngủ có một đêm ở nhà mới mà nhìn chị giống như mấy người trong bệnh viện tâm thần vậy. Chắc gặp ma rồi chứ gì?
Trước câu nói tỉnh bơ của em gái, Tuyền máy môi lặp lại:
- Gặp ma...
Nhỏ Tú khẽ gật đầu:
- Ừa...
Đôi chân mày của Tuyền nhíu lại tựa người đang suy nghĩ, và ngay lập tức cô thay đổi thái độ bằng ánh mắt vừa trợn tròn như vừa gặp phải một điều gì kinh khủng lắm!
***
Ăn xong bữa điểm tâm sáng đơn giản do vú Dần làm, chị em Tuyền đưa nhau đi xung quanh khu vực ngôi biệt thự mà họ miễn cưỡng phải nhận đó là nhà. Tuy đã hơn tám giờ mà sương mù vẫn mù mịt cả bầu trời, nếu cách xa chừng mười mét thì chỉ nhìn thấy bóng chứ không nhận dạng rõ. Nhỏ Tú hắt hơi mấy cái liền khiến cho Tuyền lo lắng.
- Hay là chúng ta quay về nhà?
Nhưng nhỏ Tú đã lắc đầu trước lời đề nghị này:
- Phải tập cho quen dần thôi chị Hai. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải ở đây mà.
Tuyền nhớ lại những gì đêm qua. Cô làm bộ hỏi em gái:
- Mi thấy ở đây thoải mái không?
Nhỏ Tú đưa một bàn tay lên vuốt mặt. Nó nói như người lớn:
- Nếu không buồn thì cũng sống tạm được.
- Đêm qua mi có ngủ ngon không?
- Chập tối hơi trằn trọc vì lạ nhà, nhưng sau đó buồn ngủ quá nên em ngủ một giấc tới gần sáng. Chừng gọi chị không thấy ừ hử gì nên em mở cửa phòng gọi vú Dần.
Rồi nó ngước mắt lên nhìn chăm chăm vào chị gái. Nhỏ Tú hỏi:
- Có chuyện gì xảy ra với chị đêm hôm qua vậy?
Tuyền cố tình gạt đi:
- Không có gì.
- Em không tin.
- Sao mi lại nói thế?
- Cứ nhìn chị thì blết. Trong mặt chị nét khủng hoảng vẫn còn rõ rệt kìa. Phải chăng tiếng mở cửa đêm qua đã làm cho chị sợ. Cả những bước chân của ai đó?
Thì ra nhỏ Tú cũng hiểu được vấn đề, nhưng có lẽ vì còn nhỏ, ở lứa tuổi vô tư nên nó không quá ấn tượng như chị. Khoảng thời gian Tuyền ngập ngừng chưa tìm được câu giải đáp thì nhỏ Tú phát hiện ra nét đẹp của quang cảnh chung quanh nó. Mà sao có thể bảo rằng không đẹp chứ khi ẩn hiện trong sương mù là những hình bóng mờ ảo của cả một đồi trà mênh mông có đan chen màu sắc nhiều loại hoa. Thật là một bối cảnh thiên nhiên tuyệt diệu mà chỉ nơi đây mới có được. Nhỏ Tú reo một mình:
- Nơi đây cũng hữu tình quá. Nếu có bạn thì không đến nỗi buồn đâu.
Tuyền động viên:
- Rồi sẽ có ngay thôi, chỉ tại chúng ta mới đến nên chưa quen biết...
Tú đảo mắt:
- Nhưng quanh đây em chẳng thấy bóng dáng một người nào cả.
Tuyền cũng thầm lo ngại trong lòng song không dám nói ra. Cô hứa hẹn:
- Hay ta với mi sang nhà bác Thành Danh chơi.
Tất nhiên thái độ của nhỏ Tú thay đổi liền tức thời. Nó tíu tít:
- Phải đó!
Nhưng ngay lúc ấy thì có tiếng vú Dần gọi từ nhà ra. Tuyền bảo em:
- Quay về đã rồi tính sau.
Cả hai về đến nơi thì trông thấy một giỏ thức ăn lớn để trên bàn. Tuyền ngạc nhiên hỏi vú Dần:
- Làm cách nào mà vú đi chợ mau quá vậy?
Vú Dần đang co người trong chiếc áo len vì lạnh, nhìn cô rồi lắc đầu:
- Không phải tôi đi mua đâu, mà là của ông bà Thành Danh sai người đem qua cho chúng ta đó!
Tuyền thở dài suy tư:
- Chắc họ muốn giúp đỡ chúng ta đây.
Thoạt đầu cô cảm thấy rất áy náy, nhưng sau đó nghĩ lại nghe lòng nhẹ nhõm hơn, vì sự giúp đỡ của ông bà Thành Danh chỉ là một khoản nhỏ không đáng kể so với những gì họ đang sống và có. Là một phú nông giàu có, làm chủ cả hàng trăm mẫu trà và là giám đốc một công ty tư doanh thì tài sản của họ làm sao cho hết chứ.
Tuyền bảo với vú Dần:
- Họ đã cho thì chúng ta cứ dùng. Tiết kiệm được khoản chi tiêu nào thì càng đỡ...
Hiểu lòng cô chủ, vú Dần gật gù:
- Chừng này mình sống cũng được cả tuần lễ rồi đây.
***
Tuyền không ngờ mình được ông bà Thành Danh tiếp đón khá chu đáo trong buổi đầu tiên đến ra mắt và nhận việc. Khi được người giúp việc báo tin, đích thân bà Thành Danh đã ra tận ngoài sân dẫn Tuyền vào. Bà tỏ ra thân tình hơn cô đã nghĩ.
- Cháu đừng khách sáo với hai bác. Có thiếu thốn gì thì cứ nói, hai bác sẽ giúp cho.
Tuyền cố giữ khoảng cách:
- Dạ... chị em cháu chỉ dám nhờ hai bác chỗ ở thôi. Cháu xin cám ơn giỏ thức ăn hồi nãy hai bác đã gửi cho ạ.
Bà Thành Danh mắng yêu Tuyền:
- Đã bảo không được khách sáo mà... Những gì bác cho thì cứ nhận.
Rồi bà lôi thốc Tuyền đi theo mình vào tận gian phòng khách. Ở đó có ông Thành Danh và hai cô bé trạc tuổi nhỏ Tú đang ngồi chơi trên salon. Trông thấy khách, chúng giương mắt nhìn. Tuyền vội vàng thủ lễ:
- Thưa bác ạ.
Ông Thành Danh nhếch môi cười nhẹ chứ không quá vồn vã như vợ. Ông chỉ tay vào chiếc ghế đối diện:
- Ngồi đi cháu.
Tuyền rón rén ngồi xuống rồi lấm lét đưa mắt quan sát gian phòng khách. Thật là lộng lẫy từ cách xây dựng thiết kế và bài trí. Bà Thành Danh vốn vẫn nhanh nhẹn hơn chồng, đẩy tới cho Tuyền tách trà thơm ngào ngạt:
- Uống nước rồi bác giới thiệu học trò với cô giáo.
Tuyền khẽ liếc sang phía hai cô bé, chúng có vẻ rất giống nhau như một cặp song sinh. Tuyền nhạy cảm hỏi trước:
- Thưa... có phải đây?
Bà Thành Danh gật đầu:
- Đúng rồi.
Nhìn dáng dấp cả hai thật khỏe mạnh. Tuyền bèn hỏi:
- Thưa... hai em có đi học ở trường không ạ?
Lần này thì bà Thành Danh lắc đầu, âm điệu khá nghẹn ngào:
- Nếu đi học được ở trường thì hai bác đâu nhờ cháu làm gì.
Tuyền chớp mắt ngạc nhiên song cô chưa kịp hỏi thì bà Thành Danh đã tiếp:
- Chúng bị câm đó cháu à. Lúc trước hai bác có gửi chúng vào trường khuyết tật để các giáo viên chuyên môn dạy dỗ. Song chúng không chịu, cứ trốn ra nhiều lần, khiến mọi người phải tốn công sức đi tìm. Bất đắc dĩ hai bác phải để chúng ở nhà rồi kiếm thầy cô về dạy, nhưng cũng đã trải qua mấy người rồi, họ đều chịu thua vì chúng không chịu học. Bây giờ hai bác chỉ còn trông chờ ở cháu.
Lời bà Thành Danh vừa dứt thì Tuyền cũng cảm nhận công việc sắp được giao sẽ nặng nhọc ra sao. Ôi, một cô giáo chưa hề được trải qua trường lớp huấn luyện nào lại phải đảm trách việc dạy dỗ hai đứa học trò bị khuyết tật ư? Tuyền thấy thất vọng dâng cao khi vừa ra đời tự lập đã phải làm một việc không cân sức. Giá mà được làm một công nhân đi hái trà thì Tuyền cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nhưng cô lấy cớ gì để từ chối làm cô giáo dạy học đây? Chị em cô đã thọ ân người ta rồi, biết tính sao hơn là phải cố gắng đáp trả lại.
Tuyền nói như người bị ngạt thở:
- Cháu chỉ sợ làm hai bác phải thất vọng.
Bà Thành Danh động viên cô:
- Từ từ rồi cũng sẽ ổn thôi. Vấn đề ở chỗ là cần phải kiên nhẫn cháu ạ.
Nói tới đây, bà sụt sùi rơi lệ:
- Cháu thấy đó! Hai đứa con bác xinh xắn thế này chứ có tệ lắm đâu. Vậy mà cớ sao ông trời lại đày ải chúng bắt phải chịu cảnh câm, không thể thốt thành lời chứ?
Tuyền bật ra câu hỏi:
- Thưa bác... các em bị bẩm sinh hay là do tai nạn?
Bà Thành Danh đưa chiếc khăn tay lên để ngăn dòng lệ. Tiếng bà thật ảo não:
- Nếu chúng bị bẩm sinh thì bác bớt đau lòng hơn. Đằng này bác đã tập cho chúng biết nói năng đàng hoàng, thế mà năm lên sáu tuổi chẳng hiểu sao chúng lại biến đổi... mới đầu thì lầm lì ít nói, rồi sau đó câm luôn cho đến tận bây giờ.
- Cả hai cùng có triệu chứng như thế sao bác?
- Phải. Bởi chúng là một cặp song sinh nên mọi thứ đều giống nhau.
Hai người nói chuyện tới đây thì bị ông Thành Danh chặn lại:
- Thôi, nhắc chuyện đã qua làm chi nữa. Hãy bàn cách dạy chữ cho mấy đứa nhỏ sao cho có hiệu quả kìa. Điều trước nhất bây giờ là cháu Tuyền hãy làm quen với chúng đã...
Rồi ông đưa tay về phía những đứa con:
- Lại đây chào cô giáo mới nè... Diễm và Kiều.
Nghe gọi, cả hai đứa đang chơi bèn thảng thốt, chẳng những chúng không lại mà còn ôm lấy nhau tỏ thái độ khiếp hãi như thể cha chúng là vị hung thần vậy. Tuyền quan sát rồi hỏi bà Thành Danh:
- Các em biết nghe ư?
Bà Thành Danh buồn bã đáp:
- Chúng chỉ bị câm thôi chứ không điếc. Khi dạy học, cháu cứ việc giảng giải bằng miệng mà không cần phải ra hiệu bằng tay.
Tự dưng Tuyền muốn thử sức mình ngay lúc này:
- Cháu sẽ tự mình làm quen với các em.
Ông Thành Danh tế nhị kéo tay vợ:
- Chúng ta ra thăm công nhân ngoài đồi trà một chút. Hãy để cho cô và trò tự do thoải mái với nhau đi.
Không cãi lời chồng, bà Thành Danh lẳng lặng đi theo ông sau khi để lại cho Tuyền ánh mắt như gửi gắm. Chờ chủ nhà đi khuất, Tuyền mới bắt đầu công việc cần thiết nhất của mình. Cô tiến lại gần hai đứa nhỏ với nụ cười hiền hậu:
- Nào... Diễm và Kiều... chúng ta làm quen nhau đi.
Song, trái với sự thân thiện của cô, hai đứa nhỏ càng ghì chặt lấy nhau lộ nét kinh hoàng hơn. Chúng ré lên thứ âm thanh mà Tuyền hoàn toàn không thể hiểu. Cô từ tốn nói:
- Chị đâu làm gì các em. Chị đến đây là để dạy các em học chữ mà...
Nhưng một đứa đã lắc đầu, chúng làm những động tác mà Tuyền cho rằng đó là sự phản đối. Cô cảm thấy hơi tự ái:
- Các em chê chị không đủ tư cách để dạy học phải không?
Chúng lại lắc đầu, song lần này ánh mắt của chúng chăm chú vào cô hơn.
- Sao? Hay các em muốn làm người dốt, suốt đời không biết chữ?
Lại những cái lắc đầu làm Tuyền bối rối không thể dự đoán được ý muốn của hai cô học trò khuyết tật này. Tuyền lại hỏi:
- Các em thấy chị có thể làm cô giáo được không?
Dường như hai đứa nhỏ đang quan sát cô, nên chúng ở trong trạng thái im lặng, chỉ hoạt động bằng ánh mắt. Sau một hồi chờ đợi, Tuyền nhận được tín hiệu đáng mừng từ phía hai đứa học trò. Chúng gật gật đầu làm Tuyền không ngăn được mình và nhào người tới.
- Các em đồng ý để chị dạy học chứ?
Nhưng lạ thay, chúng lại thụt lùi rồi lưỡng lự trước câu hỏi của Tuyền khiến cô tiu nghỉu phải buông ra lời than thở:
- Nếu các em không chịu học thì kể như chị mất cơ hội ở đây rồi.
Diễm và Kiều đưa mắt nhìn nhau như hội ý điều gì. Một lúc sau, một trong hai đứa bỗng chậm rãi bước tới cầm tay Tuyền ra dáng trân trọng. Đang thất vọng, Tuyền không màng đến thái độ làm thân này nên bặm môi:
- Các em khỏi cần thương hại tôi. Nếu không làm được cô giáo thì tôi sẽ xin đi làm công nhân vườn trà vậy.
Tuyền vừa dứt lời thì một đứa nữa từ xa bỗng chạy lại bên cô, cả hai giữ chặt tay Tuyền đầu gật lia khiến cô phải hoang mang trố mắt.
- Vậy các em có chịu nhận tôi làm cô giáo dạy học không?
Những cái gật kèm theo âm thanh ú ớ của người câm làm ruột gan Tuyền rúng động lên vì mừng. Cô lắp bắp:
- Thế... có nghĩa là... các em chịu... học...
Hai chiếc miệng cùng nhoẻn cười một lúc, chứng tỏ sự thân thiện như thể giữa họ đã có tình thân. Ngay lúc đó thì ông bà Thành Danh từ bên ngoài bước vô, trông thấy cảnh ấy họ mừng vui rối rít:
- Ồ, cháu Tuyền quả là tài tình! Mới chỉ trong khoảng thời gian ngắn có một giờ đồng hồ đã thuyết phục được hai con "ngựa chứng" này rồi phải không?
Bà Thành Danh chữa lời chồng:
- Sao mình lại gọi các con là "ngựa chứng"? Chẳng qua vì mặc cảm tật nguyền nên chúng mới khác thường một chút thôi.
Ông Thành Danh đưa mắt về phía hai đứa con, giọng cứng nhắc không tình cảm:
- Chỉ khác thường thôi ư? Chẳng lẽ mình còn chưa điên đầu lên vì chúng?
Thấy không khí giữa vợ chồng ông Thành Danh hơi nặng nề, Tuyền bèn chủ động xin cáo lui:
- Thưa hai bác... cháu về ạ.
Nhưng bà Thành Danh đã giữ chân cô ở lại:
- Cháu đừng về vội mà hãy gần gũi với mấy đứa nhỏ thêm chút nữa. Dường như chúng đang bắt đầu mến cháu rồi.
Lời bà Thành Danh quả không sai vì lúc này hai cô bé Diễm và Kiều đã xoắn xuýt bên Tuyền như không muốn rời xa. Chúng làm những động tác bằng tay và đầu mà Tuyền phải nhờ đến sự thông ngôn của bà Thành Danh mới hiểu.
- Hai đứa con bác muốn mời cháu lên phòng của chúng...
Nhận được cái nháy mắt của chủ nhà, Tuyền đành phải gật đầu:
- Vâng... cháu xin phép...
Bà Thành Danh phẩy tay:
- Thôi, đừng quá lễ nghĩa như vậy. Là người nhà cả mà.
***
Vừa mới đi chợ về, vú Dần đã vứt chiếc giỏ thức ăn nặng trịch xuống rồi tất tả chạy đi tìm chị em Tuyền. Trông thấy cô đang nhổ cỏ cho mấy khóm hoa trước sân nhà, vú ào tới kể rối rít:
- Hai cô ơi... có chuyện với chúng ta rồi...
Tuyền ngạc nhiên ngẩng lên:
- Vấn đề gì làm vú hồi hộp quá vậy?
Vú Dần thở hào hển:
- Tôi không biết... có nên... nói lại hay không nữa? Chuyện này... chuyện này... cũng chẳng hay ho gì...
Nhưng nhỏ Tú không chịu nổi kiểu lấp lửng ấy của vú nên hối thúc:
- Không hay ho gì thì vú cũng phải nói lại cho tụi con biết chứ. Mọi vấn đề bây giờ đều cần sự giải quyết của cả ba người.
Vú Dần đưa mắt nhìn sang Tuyền dò ý, song cô đã làm hiệu bảo không nên giấu điều gì. Thế là vú đành miễn cưỡng nói:
- Lúc nãy ngoài chợ tôi nghe mọi người đồn với nhau rằng ngôi biệt thự chúng ta đang tá túc có... m...a...
Vừa nghe thấy thế, chị em Tuyền ai cũng nổi da gà. Tuyền cố trấn tĩnh nhưng sắc mặt thì không thể giấu được ai.
- Vú nghe bậy không hà. Mấy ngày vừa qua chúng ta ở đây có thấy động tĩnh gì đâu.
Nhỏ Tú bỗng vọt miệng:
- Chị còn giấu làm chi. Chẳng phải hôm mới đến hiện tượng lạ xảy ra cho chúng ta nghe là gì à?
Tới đây thì kẻ rùng mình là vú Dần, vú nhích sát lại gần Tuyền đầu ngoái nhìn lung tung:
- Úi... có chuyện đó xảy ra sao hai cô không nói với tôi?
Tuyền bật cười:
- Nói với vú thì giải quyết được gì nào. Liệu vú có dám soi đèn để thử coi mặt con ma không?
Vú Dần run giọng nói:
- Ồ không. Tôi sẽ dọn giường qua phòng của hai cô ngủ cho ấm áp.
Tuyền không chịu, lắc đầu:
- Thôi... chật lắm. Vú già rồi còn sợ hãi chi ba cái chuyện nhảm nhí ấy! Ma cỏ ở đâu ra vào cái thời buổi này.
Dù đã nghe cô chủ trấn an, vú Dần cũng nghe gai ốc trong người mình nổi dậy.
Tuyền bỗng khơi mào lại:
- Vú nghe người ta đồn thế nào về ngôi nhà mà ta đang ở này?
Vú Dần nhăn vầng trán như cố nhớ lại đầy đủ câu chuyện ngoài chợ:
- Người ta nói ngôi biệt thự này bị bỏ hoang vì có ma quấy nhiễu. Đã từ lâu không ai dám dọn đến đây ở dù là những công nhân hái trà...
Nghe thấy vậy, nhỏ Tú lanh chanh nói:
- Nguy hiểm thế mà ông bà Thành Danh lại cho chúng ta đến ở nhờ. Thật ra họ cũng chẳng tốt lành gì.
Dù trong lòng rất hoang mang, Tuyền cũng không để em phủ nhận lòng tốt của người khác. Cô mắng Tú:
- Mi nói năng không suy nghĩ, bác Thành Danh nghe được sẽ buồn.
- Ấy là em nghĩ thế thôi. Ở đây vẫn hơn lang thang ở vỉa hè gấp nhiều lần.
Tuyền co tay cốc nhẹ lên đầu Tú:
- Mi nhận định được như thế thì đừng có lải nhải nữa.
- Nhưng ở chung với ma liệu có được yên thân không? - Tú rụt cổ đỡ đòn.
Tuyền hất cằm:
- Nó làm gì được chúng ta?
- Mỗi đêm mở cửa vài ba lần bộ không làm chị bị đau tim hả? Còn nữa... những bước chân cộp... cộp...
Chỉ nghe nhỏ Tú diễn tả, vú Dần đã sợ muốn ngất đi rồi. Vú ngăn cô chủ nhỏ:
- Cô Tú làm ơn đừng có nói thêm nữa.
Song Tú đang được đà, không chịu dừng:
- Không nói sao được vú. Nhà mình có ba người, nhưng cộng tất cả lá gan lại thì chỉ có một cái.
Thấy vú Dần và em gái càng lúc càng làm cho tinh thần mọi người xuống cấp, Tuyền bèn nạt:
- Bây giờ ai cũng sợ hết thì đi nơi nào mà ở. Đúng là được voi đòi tiên mà.
Dù câu nói của Tuyền khá nặng nhưng không ai dám cãi, bởi lẽ hiện tại mọi gánh nặng sinh kế giờ chỉ trông vào mỗi mình cô. Với đồng lương dạy học mà ông bà Thành Danh hứa trả mỗi tháng tạm đủ nuôi sống ba người trong điều kiện hết sức tiện tặn. Tuy đã làm thân được với hai con bé bị câm kia, nhưng việc dạy chúng học cũng không phải là chuyện dễ. Ngày đầu tiên đảm nhận vai trò cô giáo Tuyền đã hết sức lúng túng, bởi lẽ học trò của cô là trẻ khuyết tật chỉ nghe mà không thể nói được. May thay, chúng cũng rất ngoan... nếu không, chắc Tuyền đến phải đầu hàng thôi. Có điều lạ là chị em cô bé Diễm và Kiều này lại rất sợ cha mình. Mỗi lần ông Thành Danh đến gần là chúng cứ co rúm lại với nhau vẻ mặt đầy khiếp hãi.
- Chị Hai à, nắng quá rồi chúng ta vào nhà đi chị.
Tiếng nhỏ Tú phá tan sự im lặng nãy giờ giữa ba người khiến cho Tuyền giật mình nhận ra tất cả đang phơi nắng. Cô vội vã chạy vào trong nhà nhưng lại bị vấp ngã ngay bậc thềm.
- Ôi... đau quá...!
Nhỏ Tú từ phía sau dấn tới đã không đỡ còn cười:
- Chưa gì chị Hai đã rủn chân trước tiên rồi đó.
Tuyền quắc mắt nhìn lại nó:
- Ta vấp ngã chứ không phải sợ ma đâu.
Nói xong, Tuyền cảm giác bóng mát của ngôi biệt thự lạnh hơn ở ngoài trời. Không biết có phải tự bản thân ngôi nhà mát hay nó lạnh vì đang ẩn chứa một oan hồn lẩn khuất bên trong?
***
- Diễm... em sửa lại nét chữ này đi!
Tuyền khom người vừa nói vừa hoạt động đôi tay bên cạnh hai cô học trò đang lúi húi viết bài. Tuy chúng đã mười bốn với cơ thể sắp dậy thì, song nét mặt hồn nhiên cứ như mới lên sáu, lên bảy vậy. Chúng học thật chăm chỉ không hề giở chứng giống như những lần trước khiến ông bà Thành Danh rất đỗi vui mừng. Họ liên tục sai người làm đem tặng quà và còn hứa sẽ tăng lương cho Tuyền nữa.
- Thế... Kiều viết xấu hơn Diễm rồi!
Đứa em bị chê ngước mặt lên phụng phịu. Thấy vậy, Tuyền lại phải dỗ dành:
- Ý chị muốn nói là Kiều cố gắng thêm một chút sẽ vượt qua mặt Diễm.
Nghe sự động viên ấy, cô bé bèn tiếp tục cúi xuống trang vở viết nốt những dòng chữ còn lại. Gần một tháng trôi qua trong vai trò cô giáo, Tuyền được tự do lui tới ngôi biệt thự của gia đình ông bà Thành Danh mỗi ngày và được coi như người nhà. Tình cảm giữa cô và trò bây giờ thật khắng khít, ngày nào Tuyền đến muộn là cả hai chị em kéo ra sân nhóng mắt có ý chờ.
- Cô giáo dùng nước sâm cho khỏi khô cổ.
Chị giúp việc mang vào phòng một khay nước artichaud vừa nấu tỏa mùi thơm dịu ngọt, là thức uống vừa mang tính cách dược liệu của vùng này. Tuyền cất lời cảm ơn rồi bưng một ly lên nhấp giọng, cô nghe chị giúp việc bảo mình:
- Cô quả thật là tài.
Tuyền mỉm cười đáp lại:
- Tài cán gì đâu... chẳng qua là biết cách chinh phục con người thôi.
Chị giúp việc có vẻ cũng hay chuyện, nhân lúc hai cô bé đang cắm cúi viết bài kéo Tuyền ra bên ngoài phòng hỏi:
- Tôi chưa thấy ai cừ khôi mọi mặt như cô cả. Dám đến ở trong một ngôi nhà có ma mà không sợ sệt gì.
Tuyền hơi sợ hãi trong lòng nhưng cũng làm bộ ra vẻ:
- Ma nó chê tôi không xứng đáng cho nó nhát.
Đôi mắt chị giúp việc mở to pha lẫn nét hãi hùng:
- Đừng nói vậy không nên đâu cô giáo à. Chẳng qua là vì vía của cô cao lại thêm bạo dạn nên nó gờm chưa chọc đó! Mà cô nghe tôi xúi dại đi, xin với ông bà chủ dọn về đây ở cho bảo đảm chắc ăn hơn. Ngôi nhà hoang đó vừa đáng sợ, vừa nguy hiểm...
Trước những lời thổ lộ của chị giúp việc, Tuyền không bỏ lỡ cơ hội khai thác. Cô đảo mắt nhìn quanh rồi thì thầm:
- Chị nói tôi nghe những gì mà tôi chưa được biết đi.
- Ngôi nhà ma đó hả?
- Vâng.
- Nhưng thời gian rảnh của tôi ít lắm! Tôi sắp phải đi chuẩn bị bữa cơm trưa rồi đây.
Tuyền ngó xuống đồng hồ đeo tay:
- Xin chị năm phút thôi.
Chị giúp việc đồng ý:
- Vậy cô hỏi mau đi.
Tuyền bối rối tìm câu để mở đầu:
- Chị có thể cho biết con ma trong ngôi nhà chúng tôi đang ở thuộc dạng nào?
Vừa nghe hỏi, chị giúp việc đã gãi đầu:
- Câu này chắc phải dành cho lão pháp sư chuyên ếm tà họa may mới có thể trả lời được. Tôi chỉ biết qua những lời truyền miệng của mấy người bị nó nhát thôi, cô ơi! Họ bảo rằng lúc thì nó to lớn, lúc lại bé cỏn con...
- Nhưng là đàn bà hay đàn ông?
Chị giúp việc nheo đuôi mắt, dáng dấp như suy nghĩ:
- Đàn ông... mà dường như là con trai. Có lần tôi được nghe kể lại từ miệng của người bị nó nhát là họ đã thấy rõ ràng nó hiện lên nguyên hình.
Tới đây Tuyền thật sự lạnh gáy dù bên ngoài phải cố tình làm tỉnh. Tiếng chị giúp việc đều đều:
- Tại cô mới đến nên không biết đó thôi, chứ cả cái vùng này từ công nhân đến người dân quanh đây không ai dám tới ngôi nhà ấy để ở.
- Hai bác Thành Danh có biết chuyện này xảy ra không?
- Tất nhiên là họ phải biết trước tiên rồi nên mới bỏ ngôi nhà cũ mà xây nhà mới ở chứ.
- Chị đến đây giúp việc đã lâu chưa?
Chị người làm xòe bàn tay ra đếm ngón:
- Năm năm rồi. Kể từ khi ngôi nhà này được xây xong.
- Hai bác Thành Danh đối xử với chị cũng tốt chứ? - Tuyền vẫn tranh thủ hỏi.
Giọng nói của chị người làm ngập ngừng:
- Thì... cũng tốt. Nhưng bà chủ tốt hơn ông chủ.
- Chị nói rõ hơn đi.
- Cụ thể là con người ông chủ khá độc đoán và ích kỷ, trong khi bà chủ thì biết thương người, bản tính vui vẻ hòa đồng.
- Họ chỉ có hai đứa con gái này thôi ư?
- Vâng. Đó là con chung...
Tuyền ngạc nhiên trố mắt:
- Chẳng lẽ họ còn có con riêng nữa sao?
Chị giúp việc gật đầu:
- Chuyện này người ngoài chỉ có mình tôi biết thôi nha. Bởi tại tôi nghe lén hai người cãi lộn nên mới hay bà chủ có con riêng trước khi lấy ông chủ. Nhưng mà nè, cô đừng nói lại kẻo tôi bị mắng... không chừng còn bị mất việc vì tội tò mò, tọc mạch đó!
Rất ngỡ ngàng trước những điều vừa nghe thấy, Tuyền đứng ngẩn ngơ cho đến lúc chị giúp việc giật mình sực nhớ chuyện bếp núc đang chờ:
- Ấy, đã mấy chục phút rồi còn gì. Cô thông cảm, tôi phải đi lo chuyện của tôi.
Và rồi không dám chờ bị gọi lại hỏi thêm, chị giúp việc lật đật trở xuống nhà dưới trong khi Tuyền vẫn còn quá nhiều thắc mắc.
Ngồi suy nghĩ một hồi, Tuyền chợt nảy ra ý định khám phá đời tư chủ nhà qua hai đứa con họ. Chắc chắn chúng phải biết tí chút gì đó nếu như chúng thật sự có một người chị hoặc anh. Cô chọn con bé Kiều để hỏi bằng sự khôn ngoan của chính mình:
- Nhà em có mấy người?
Nhỏ Kiều xòe bốn ngón tay đưa lên thay cho lời đáp song Tuyền cố tình nói thêm vào.
- Không phải, những năm cơ.
Con bé tròn xoe mắt huơ bốn ngón tay như khẳng định, nhưng Tuyền đã chủ động kéo thêm một ngón nữa đang cụp xuống để đứng thẳng rồi nhấn mạnh:
- Nhà em có năm người.
Da mặt nhỏ Kiều đang bình thường bỗng dưng biến sắc sau vài giây ngẫm nghĩ. Nó lộ nét hoảng hốt qua vài cái lắc đầu lia lịa. Thấy vậy, Tuyền quay qua nhỏ Diễm:
- Còn em... em khẳng định nhà mình có mấy người?
Ánh mắt con bé Diễm chựng lại nhìn chăm chú vào Tuyền rồi nó từ từ đưa tay.
- Năm người lận ư?
Câu thốt đầy hoang mang của Tuyền vừa dứt thì nhỏ Kiều đã chồm tới bên Diễm dùng tay bẻ cụp một ngón xuống, miệng ú ớ như cải chính. Hiện trạng trước mắt và thái độ của chị em Kiều, Diễm đã tạo cho Tuyền một nghi vấn chắc nịch rằng gia đình Thành Danh có ẩn chứa điều bí mật nào đó... và sự bí mật ấy có liên quan đến sự vắng mặt của một người... cùng nhiều điều huyền hoặc ở ngôi biệt thự cũ mà mình đang trú ngụ.
- Quyển I - Phần I - Báo mộng
- Phần II
- Phần III
- Phần V
- Quyển II - Bóng người dưới vực sâu
- Bóp da ma quái
- Đám ma thành đám cưới
- Quyển III - Hóa thân hiện hồn
- Hồn người kiếp dê
- Quyển IV - Lên chùa tìm con
- Mái tóc của người chết
- Ngôi mộ hoang
- Quyển V - Người con gái tỉnh Bắc
- Người sống cùng ma
- Trả nợ
- Tự thú của kẻ ác
- Quyển VI - Phần I - Con tim của Quỷ
- Phần II
- Nàng dâu âm phủ
- Tình ma
- Quyển sách ma
- Đứa con ma
- Quyển VII - Phần I - Bóng ma trong nhạc viện cổ
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Quyển VIII - Bóng ma cô gái cưỡi cọp - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Quyển IX - Phần I - Hai nén hương thề
- Phần II
- Trầm hương
- Hờn ghen đến chết
- Trúc đào
- Mỹ phụng
- Ma khiêu vũ
- Quyển X - Khúc hát gọi hồn - Phần I
- Phần II
- Đưa dâu về âm phủ
- Đi kiện oan hồn - Phần I
- Chương 2 - Đi tìm hồn ma
- Người chồng cõi âm
- Hoa nương
- Quyển XI - Lâu đài oan khốc - Phần I - Đêm hoa chúc
- Phần II - Chuyện tội lỗi ở lâu đài
- Phần III
- Mười ba oan hồn
- Xác ai trong quan tài
- Cuộc báo thù của những giọt máu
- Hồn oan linh miêu
- Hồn ma đào hát
- Quyển XII - Lời thề ma nữ - Phần I - Ngôi mộ cô đơn
- Phần II
- Ma xó si tình
- Nửa đêm cầu cơ
- Lò rèn bên bờ suối
- Quyển XIII - Miếu Ba Cô
- Ma đỏ đen
- Lời nguyền
- Xà tinh
- Quyển XIV - Mồ hoang huyệt lạnh
- Tai nạn trên cầu cỏ may
- Đòi mạng
- Bà thợ và đôi mắt thần
- Quyển XV - Xác ai trong bệnh viện - Phần I
- Phần II - Mối tình truyền kiếp
- Hồn tiểu Hương báo oán
- Hồng lạp dạ gọi hồn
- Thay hồn đổi xác
- Con ma nhà xác
- Quyển XVI - Người tình và sợi dây thòng lòng - Phần I
- Phần II - Ngôi mộ tình
- Hồn sói
- Cô gái Hoa Tiên
- Duyên nợ âm dương
- Bạch Liên Hoa - Chương 1 - Tình duyên trong nghĩa trang
- Chương 2 - Huệ Hương nàng ở đâu?
- Quyển XVII - Người đàn bà biến mất
- Oan thai
- Con ma gốc khế
- Âm hồn trừng phạt
- Khuyển Tinh
- Quyển XVIII - Phần I - Ba nốt ruồi son
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Quyển XIX - Phần I - Nụ hôn thần chết
- Phần II
- Con ma gốc xoài
- Miêu tinh
- Thu lệ
- Quyển XX - Phần I - Nước mắt cô đơn
- Phần II
- Hồn hoa
- Những con ma rắn
- Hồn ma rừng
- Như hoa
- Điệu luận vũ của oan hồn
- Hồn ai dưới mộ
- Suối máu
- Quyển XXI - Phần I - Oan nghiệt: Đêm ma rừng
- Phần II - Tội ác
- Phần III - Đi tìm sao-ly
- Phần IV - Những con ma lai
- Phần V - Người đàn bà điên
- Đoạn kết
- Người đẹp vườn trúc đào
- Nghiệp chướng
- Lấy vợ cõi âm
- Quyển XXII - Oan tình út Liễu - Phần I - Đêm xa mẹ
- Phần II - Giông tố
- Phần III
- Phần IV - Phận hồng nhan
- Phần V - Oan hồn út Liễu
- Phần VI - Báo ứng
- Oan hồn nàng hầu trẻ - Chương 1 - Cô gái mồ côi
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5 - Gieo gì gặt nấy
- Chương 6
- Quyển XXIII - Tiếng sáo gọi hồn - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Quyển XXIV - Tiếng vọng hồn ma - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Quyển XXV - Trở về từ kiếp sau - Phần I - Chuyện trên đèo
- Phần II
- Phần III - Mối tình tay ba
- Phần IV
- Phần V
- Người cứu hộ bí ẩn - Chương 1
- Chương 2 - Duyên ma
- Chín oan hồn - Chương 1
- Chương 2 - Kẻ luyện phép
- Người tình ma
- Quyển XXVI - Xác ai trong ngày cưới - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Hai nấm mồ trong ngôi nhà cổ - Chuong-1
- Chương 2
- Cẩu Nhi - Chương 1
- Chương 2
- Quyển XXVII - Xin cho em kiếp người - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Hồng Nương - Chương 1
- Chương 2
- Hồn người xác ai?
- Xuất hồn nhập xác
- Quyển XXVIII - Yêu và chết - Phần I - Chuyến xe hoàng hôn
- Phần II - Hoa dã quỳ
- Phần III - Quán âm hồn
- Oan hồn mẹ con - Chương 1 - Cuộc hội ngộ
- Chương 2
- Nhập tràng - Chương 1 - Cái chết của người tình trẻ
- Chương 2 - Khi người chết trở về
- Chương 3 - Quỷ nhập
- Quyển XXIX - Yểu mệnh - Phần I - Người con gái bạc mệnh
- Phần II - Cô gái tuổi Tuất
- Phần III - Cuộc hội ngộ
- Phần IV - Hóa giải hận thù
- Tiếng hú rừng tràm - Chương 1
- Chương 2
- Nghiệp chướng - Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Quyển XXX - Quán cầu hôn - Phần I - Cô gái trên bè chuối
- Phần II - Quán cầu hôn - Chương 1
- Chương 2 - Giọt máu còn lại
- Chương 3 - Hồn tiểu Quyên
- Chương 4 - Hận tình
- Chương 5 - Xác ai trong phòng
- Quyển XXXI - Hồn ma đòi chồng - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Phần VI
- Quyển XXXII - Tình ma - Phần I
- Phần II
- Oan hồn nàng Hạnh
- Thủy táng
- Hồn ma Liên Chi
- Quyển XXXIII - Trăng lạnh nhà mồ - Phần I
- Phần II
- Yêu người cõi chết
- Pho tượng đồng báo oán
- Lời thề độc
- Quyển XXXIV - Giọt lệ hoàn hồn - Phần I
- Phần II
- Nàng hoa
- Kiếp phù dung
- Chuyện con ma "Trường nhũ "
- Chuông gọi hồn
- Quyển XXXV - Nàng hai báo oán - Phần I
- Phần II
- Nước mắt ba cô - Chương 1
- Chương 2
- Người vợ hóa khỉ - Chương 1
- Chương 2
- Quyển XXXVI - Ngôi nhà huyền bí - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Quyển XXXVII - Oan hồn người vợ trẻ - Phần I
- Phần II
- Cái chết cô vũ nữ - Chương 1
- Chương 2
- Quyển XXXVIII - Người mượn hồn - Phần I
- Phần II
- Người chết trở về
- Trăng ngàn nanh sói
- Ma rắn
- Cái đầu báo oán
- Người về từ đáy mộ
- Chiếc xe dở chứng
- Quyển XXXIX - Ba nốt ruồi trên xác người yêu - Phần I
- Phần II
- Hồn trăng
- Miếu hai cô
- Tình ma duyên tục
- Ma chung tình
- Quyển XXXX - Mộ chàng xác thiếp: Quán bên đường - Phần I
- Phần II
- Hồn ai trên đèo cao
- Chương 1 - Góa phụ tuổi 17
- Chương 2 - Quả báo
- Giọt máu oan cừu
- Chiếc xe ma
- Quyển XXXXI - Ma ghen quỷ hờn - Phần I - Cô gái áo hồng
- Phần II - Câu chuyện thương tâm
- Phần III - Đền tội
- Ma sói
- Lời nguyền năm cũ
- Một chuyện tình buồn
- Lần gặp cuối
- Quyển XXXXII - Chiếc khăn định mệnh - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Quyển XXXXIII - Bí mật ánh trăng khuya - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Phần IV
- Phần V
- Quyển XXXXIV - Điệu ru oan nghiệt - Phần I - Bóng ma áo hồng
- Phần II - Chuyện tình xưa
- Phần III - Oan nghiệt
- Linh miêu
- Trang lưu bút định mệnh - Chương 1 - Cái chết của một người bạn
- Chương 2 - Duyên ma
- Quyển XXXXV - Con ma nhà họ Lý - Phần I
- Phần II
- Phần III
- Giọt máu oan nghiệt
- Hồn về nửa đêm
- Chuyến xe oan nghiệt - Chương 1
- Chương 2 - Cô gái bị đem bán
- Chương 3 - Vay trả
- Quyển XXXXVI - Chiếc vòng hôn ước - Phần I - Giấc mộng mùa hè
- Phần II - Nỗi oan
- Khi người chết trở về
- Quyển XXXXVII - Đồi thiên thu - Phần I
- Phần II
- Đêm định mệnh
- Bốn oan hồn trong ngôi nhà hoang
- Cô gái câm trong nhà hoang - Hết