Gửi bài:

Kiếp phù dung

Vốn thích ăn xôi nếp vào mỗi sáng, nên kể cả lúc còn đi làm chức trưởng phòng một sở ở tỉnh lỵ, ông Quan cũng chỉ thích mỗi sáng ngồi ăn xôi nóng muối mè cùng với vợ trước khi đi làm. Nay đã về hưu, ông Quan lại càng có thì giờ ngồi điểm tâm với bà vợ vốn chăm chỉ, hiền lành và khéo tay nội trợ.

Sáng hôm đó, lúc đang ăn thì ông nheo mắt hỏi vợ:

- Mới sáng sớm mà có ai tới nhà mình vậy? Mà là một cô gái nữa. Coi tướng đi quen quen... con nhà ai coi đẹp và sang quá!

Lời ông nói chưa dứt thì bà vợ đã phá lên cười:

- Thánh thần thiên địa ơi, coi ổng kìa! Con gái ổng mà ổng khen cô nào đẹp quá trời!

Lúc này cô gái cũng vừa bước tới, cô cất tiếng hỏi:

- Ba má nói gì con vậy?

Ông Quan ngớ người ra:

- Ủa, con Dung hả? Trời đất ơi...

Bà Quan vẫn còn ôm bụng cười:

- Mày coi đó Dung, ba mày tưởng là cô nào tới tìm nên ngẩn ngơ, khen đẹp!

Dung thẹn đỏ mặt:

- Ba má chọc con hoài!

Bà Quan nhìn con gái rồi cũng tấm tắc:

- Mà ba mày lầm cũng phải. Mày bận đồ mới này có khác gì tiểu thư đâu!

Ông Quan lâu nay ít quan tâm tới con cái, nay sau khi nhìn kỹ lại Dung, ông phải tắc lưỡi:

- Con nhỏ trổ mã rồi!

Quả nhiên với tuổi mười sáu, nhưng Ngọc Dung lại phát triển, nở nang như mười tám, đôi mươi. Mà đặc biệt gương mặt đẹp như vầng trăng, nước da trắng ngần như trứng gà bóc, khó ai có thể nghĩ Dung là con nhà bình dân.

Ngọc Dung thấy cha mẹ quan tâm, cô phải giải thích:

- Bên cô Chín mời con qua phụ dâu giùm cho con Lý đi lấy chồng. Bộ đồ này má mua cho từ hôm Tết mà con đâu có mặc, tới hôm nay sợ chật nên mới...

Bà Quan xoa đầu con:

- Con mặc đẹp thì tốt chớ sao. Chỉ bởi con đẹp quá ba má không ngờ.

Dung lại thẹn thùng:

- Má chọc con hoài!

Nói xong cô ù té chạy vào trong nhà. Nhìn theo con, bỗng ông Quan thở dài:

- Thấy con gái mình mau lớn, lại quá đẹp mà tôi phát lo.

Bà hình như cũng có ý nghĩ như chồng nên phụ họa:

- Nhan sắc nó phát tiết sớm quá, tôi cũng lo. Ở xứ này đâu có đứa con gái đẹp nào mà được yên ổn đâu!

Lời bà như một tiếng than, nên ông cũng lo lắng:

- Nào giờ cứ ngỡ con nó còn nhỏ nên mình không để ý. Vả lại con nhỏ có chịu ăn diện với ai đâu, bây giờ phát hiện nhan sắc của nó, tôi thêm lo.

Trầm ngâm một lúc, chợt ông nói:

- Bà vào nói con Dung không được đi đám cưới bên đó. Nhất là không được làm phù dâu!

Bà chưa hiểu ý nên hỏi lại:

- Sao vậy ông?

Ông Quan hạ thấp giọng:

- Cái nhan sắc đó mà đem khoe ra thì có nước đút mồi cho sói dữ thôi! Bà không nhớ cánh bên Chín Hường toàn là dân làm quan làm tá tướng. Những người đang có quyền thế và... hung hiểm nổi tiếng à!

Bà vẫn vô tư:

- Là chỗ bà con, họ hung ác hay làm gì đó là với người ngoài, chớ với mình thì...

Ông cắt ngang:

- Tôi nói không cho đi!

Vốn ngán tính nóng như lửa của chồng, nên bà Quan đành ngồi im. Hồi lâu bà mới nhẹ bước vào phòng riêng của con gái. Bà sững người khi không còn thấy Ngọc Dung trong phòng. Nhìn bóng mặt trời, bà hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ngọc Dung có lẽ nghe rõ lời cha, nên đã lặng lẽ trốn khỏi nhà.

Bà Quan than thầm:

- Rồi đây rắc rối cho coi!

Chưa hình dung được chuyện gì, nhưng những lời của chồng vừa rồi bà nghĩ là không sai. Và lại càng đúng hơn khi hình dung lại nhan sắc của con gái mình mà xuất hiện giữa lũ người kia thì khác nào con cừu lạc giữa bầy sói dữ!

***

Điều lo sợ của vợ chồng ông Quan đã tới nhanh hơn là họ nghĩ. Một tuần sau...

Khi vừa bước từ nhà ra sân định chăm sóc mấy cây kiểng thì ông Quan chợt nghe có tiếng đằng hắng. Ngẩng nhìn lên, ông kinh ngạc không thể ngờ được trước mặt ông là ngài quận trưởng Hoàng Quy!

- Dạ... dạ thưa ngài...

Thấy điệu bộ lúng túng của ông, ngài quận trưởng lên tiếng ngay:

- Chào ông chủ sự. Không ngờ ông chủ sự cũng có vườn kiểng nhiều và đẹp còn hơn vườn nhà tôi nữa!

Ông Quan càng lúng túng hơn:

- Dạ, đâu dám. Sao bì được vườn kiểng quý của nhà ngài. Chẳng hay hôm nay rồng đến nhà tôm có việc gì dạy bảo? Thật là không phải, do không biết trước nên không kịp ra nghênh đón. Xin ngài thứ lỗi cho.

Quận trưởng cười lớn:

- Quả thật không hổ danh hổ phụ sinh hổ tử. Hổ tử ở đây tuy không có tài ăn nói khéo bậc nhất huyện này, nhưng lại có ưu điểm vượt trội khác!

Chưa hiểu ý ông ta nói gì thì đã nghe tiếp:

- Cha hay chữ đẻ con nhan sắc, thật là quý vô song!

Ông Quan giật mình! Cái gì có nhan sắc ở đây?

- Thưa ngài...

Quận trưởng vỗ vai chủ nhà, kéo vô nhà:

- Bữa nay thật ra tôi cũng không rảnh để đi thăm viếng. Chẳng qua là có chuyện này...

Rồi ông ta hạ thấp giọng:

- Mỹ nhân đâu rồi?

- Mỹ nhân nào?

Thấy ông Quan ngơ ngác, quận Quy cười khành khạch:

- Giỏi giấu lắm ông Quan! Cái tội lớn của ông là ở chỗ này. Nếu ông không giấu như mèo giấu cứt thì đâu đến nỗi bông hoa thơm tho này lọt vào tay người ở xa dữ vậy!

Rồi để cho chủ nhà hiểu nhanh hơn, quận Quy búng hai ngón tay vào nhau, bảo:

- Gọi con gái rượu Ngọc Dung của ông ra đây!

Đến lúc này thì ông Quan đã hiểu lờ mờ. Ông vờ hỏi lại:

- Quan hỏi con gái nhỏ của vợ chồng tui để làm gì?

Quận Quy phá ra cười:

- Bậy, lớn rồi còn nhỏ nỗi gì! Tui thấy mà còn mê nữa là...

Ông ta ngừng ngay câu nói, có lẽ thấy lời mình lộ liễu quá. Nhưng ngay sau đó thì tiếp ngay:

- Ông có bông hoa quý mà cứ giấu kỹ, uổng quá! Nhưng mà không sao, dẫu gì đi nữa không dưới thì trên.

Những câu nói lấp lửng đó càng khiến ông Quan thêm sốt ruột, khó chịu, nhưng sợ cái uy của quận trưởng nên ông nhẹ giọng hỏi lại:

- Ngài nói con gái tôi mà chẳng hay nó có đắc tội gì không? Tôi xin nghe ngài dạy bảo.

Giọng quận Quy trở nên dứt khoát:

- Chưa đắc tội gì. Nhưng nếu ông lắc đầu một cái thì chắc chắn là nó có tội!

- Thưa ngài...

Lão ta giở giọng ân nghĩa:

- Nào giờ tôi chỉ có giúp ông thôi, chứ chưa nhờ việc gì. Hôm nay thì vừa nhờ vừa ra lệnh. Ông kêu cô Ngọc Dung ra đây!

Mặc dù biết Dung ở nhà trong, nhưng ông Quan vẫn nói trớ đi:

- Con gái tôi sáng sớm có việc đem đồ ra nhà ngoại nó, chiều mới về.

Quận Quy quắc mắt:

- Ông đùa với tôi phải không? Lúc nãy trước khi vào đây tôi đã đứng ngoài cổng cả buổi, có thấy đứa nào ra khỏi nhà đâu. Mà cho dù nó có đi đâu thì ông phải cho người đi kêu về ngay. Tôi cần gặp!

Nghe tiếng ồn ở nhà trước, bà Quan bước ra thì khựng lại khi thấy bóng quận Quy. Bà ấp úng:

- Dạ... dạ chào quan quận.

Quận Quy quắc mắt:

- Bà vào dẫn cô con gái bữa trước ra đây mau!

- Dạ... dạ...

Thấy bà lúng túng, quận Quy càng hét lớn:

- Hai vợ chồng đều giấu giếm! Giấu đầu lòi đuôi thì có!

Ông ta còn định nặng lời hơn thì Ngọc Dung xuất hiện từ ngoài cửa đi vào:

- Dạ chào quận trưởng... Sao ngài không tin lời người ngài hỏi? Con đi công chuyện cũng may là về kịp.

Quận Quy có vẻ sượng, nhưng ông ta vẫn giọng kẻ cả:

- Con nhỏ đó vào đây!

Ngọc Dung ăn mặc lam lũ như thường khi ở nhà, nhưng nhan sắc của cô gái mười sáu này quả là như đóa hàm tiếu, khó thể che mắt được ai, dù nấp dưới bộ cánh nào. Ông Quan thoáng nghĩ và biết ngay là tai họa khó mà thoát cho được!

Ngọc Dung đến đứng sau lưng mẹ như sẵn sàng chờ đợi. Quận Quy hất hàm:

- Ngồi xuống đó!

Dung tỏ ra bản lĩnh:

- Dạ, ngài tha tội cho. Nhà con xưa nay ba má con có dạy, trong lúc ba má ngồi tiếp khách thì con cái không được ngồi ngang hàng.

- Nhưng tao... ta bảo...

- Không lẽ quan quận bảo con làm chuyện vô lễ sao?

Bị bắt bí, nên quận Quy hầm hừ:

- Hừm! Thôi kệ... kệ mày!

Thừa lúc lão ta đang lúng túng, bà Quan hỏi khẽ con:

- Lúc nãy má còn thấy con ở nhà bếp mà?

- Dạ, con đi vòng cửa rào phía sau, thì con nghe ba má nói con đi công chuyện sớm mà!

Quận Quy không để cho họ có cơ hội nói chuyện:

- Bây giờ đã có đủ mặt rồi, nghe tôi nói đây. Cô Ngọc Dung này mau chuẩn bị để mười hai giờ trưa nay cùng đi với tôi lên tỉnh, quan đầu tỉnh có lệnh triệu tập hết thảy con gái tuổi mười sáu trở lên ra tỉnh để tham dự hội chợ. Không ai được từ chối!

Ông Quan hốt hoảng:

- Con gái tôi còn nhỏ, từ nào đến giờ chưa từng xa nhà. Nó làm sao đi một mình được!

Quận Quy móc trong túi ra tờ giấy có đóng dấu ký tên, gí vào mặt chủ nhà hỏi lớn:

- Ông có thấy chữ ký và con dấu của cơ quan đầu tỉnh không? Ông muốn cãi phải không? Hay là ông muốn tôi kêu xe bít bùng tới chở ông cùng đi!

Biết xe bít bùng là xe chở tù, nên bà Quan kêu lên:

- Đừng! Nhà tôi đâu làm nên tội gì...

Ngọc Dung vội lên tiếng:

- Đã là triệu tập thì phải từ từ để người ta lo và chuẩn bị đi chớ, đâu phải lệnh bắt đâu mà ngài hăm he quát nạt dữ vậy? Được rồi, tôi sẽ đi.

Bà Quan chụp tay con:

- Kìa con! Sao con...

Dung tỉnh táo:

- Con biết rồi, bữa đám cưới bọn họ đã tính toán cả. Chẳng riêng mình con đâu, má đừng sợ.

Quận Quy đứng lên ra lệnh:

- Cô này theo tôi ngay!

Dung trợn mắt:

- Bây giờ mới bảy giờ sáng, mà mười hai giờ xe mới đi, tôi còn phải ở nhà sửa soạn đồ đạc đã, miễn sao đến giờ đó tôi có mặt trước dinh quận là được rồi!

- Không được, lỡ tụi bay trốn hết thì sao?

Ông ta định bước tới kéo tay Dung, nhưng cô bé đã khôn ngoan lách qua chỗ của cha và nghiêm giọng:

- Nếu ngài bắt ép quá đáng thì tôi sẽ la làng lên cho mọi người tới để chứng kiến cảnh ngài định cưỡng bức tôi, rồi sau đó tôi cắn lưỡi tự tử cho ngài coi!

Quan Quy hơi chột dạ, nhưng vốn là người nham hiểm, nhiều thủ đoạn, nên nhất thời ông ta dịu giọng:

- Thôi, cũng được.

Ông ta bước ra ngoài nói gì đó với vài tên bộ hạ và đi thẳng ra xe về mà không căn dặn gì thêm. Vợ chồng ông Quan và Ngọc Dung biết lão ta còn giở thủ đoạn nữa, nhưng chưa biết là gì nên chỉ ngồi ôm nhau mà khóc...

Ông Quan giận lắm, chuyện Dung cãi lời đi dự đám cưới để rồi bị bọn quan nha nhìn thấy và nảy ý đồ đen tối. Nếu bình thường thì ông đã rầy, thậm chí đánh đòn nữa. Nhưng nay trong tình cảnh này ông chỉ thở dài, rồi bàn tính chuyện cứu vãn tình thế...

Ngọc Dung đã sa bẫy mà không ngờ. Sau khi quận Quy về rồi Dung bàn tính kỹ với cha mẹ, một mình lẻn ra cổng sau với ý định đi sang nhà bà ngoại ở cách đó hơn chục cây số, rồi từ đó sẽ liệu đường trốn đi. Bởi ông Quan đã quyết rằng nếu nghe lời quận Quy thì khó lòng thoát khỏi móng vuốt của tên quan đầu tỉnh tây lai rất háo sắc. Đã bao nhiêu gái tân được triệu tập đi như vậy, mà có cô nào về an lành đâu!

Nhưng khi Dung vừa bước ra khỏi cổng sau thì đã bị ngay mấy tên lính bảo an to như hộ pháp chụp bao bố lên đầu, rồi đẩy lên xe bít bùng đậu sẵn, chở ngay về dinh quận.

Lúc tỉnh lại thì Dung đã thấy mình ngồi trên xe bị phủ kín, cách ly với bên ngoài. Cùng với Dung còn có bốn năm cô khác cũng trạc tuổi cô. Họ chỉ biết ôm nhau khóc chớ còn biết làm gì hơn...

Quả đúng như lo sợ của họ. Khi đến tỉnh lỵ, cả năm cô gái tội nghiệp bị nhốt cách ly mỗi người một nơi. Họ không hề được cho đi làm tiếp tân hội chợ như lời hứa của quận Quy gì cả. Suốt ngày hôm đó, họ chỉ được ăn cơm tại phòng riêng, gần nửa đêm thì có người tới đưa cho mỗi cô một tờ giấy ghi toàn bằng chữ Pháp và buộc phải ký tên vào, Viên thông ngôn giải thích:

- Đây là bản cam kết làm việc cho ngài tỉnh trưởng. Các cô ký tên xong thì được tự do. Làm việc có ăn lương, được cho chỗ ở, cấp cho quần áo đẹp. Sướng quá rồi, còn gì hơn!

Riêng Ngọc Dung thì không chịu ký. Cô lồng lên:

- Thả tôi ra ngay, nếu không tôi cắn lưỡi chết liền cho mấy người coi!

Viên thông ngôn nghĩ là Dung chỉ cứng đầu nói bừa, nên thách thức:

- Cô giỏi thì cứ làm, ởđây chưa ai dám cãi lại mệnh lệnh cả!

Nói xong, anh ta đặt tờ giấy cùng cây bút ở đó, vừa đe dọa:

- Khi tôi trở lại thì tờ giấy phải được ký xong!

Anh ta đi rồi nên không nghe được tiếng gào khóc dữ dội của Ngọc Dung. Và anh ta cũng đâu có ngờ, tuy gái nhà quê, nhưng Ngọc Dung vốn là con của ông Quan một chủ sự phòng làm việc cho Tây nhiều năm, tiếng Pháp rất khá, vả lại bản thân Dung còn được học tiếng Pháp ngay từ tiểu học, nên khi tốt nghiệp cô đã có thể đọc và hiểu được nội dung tờ giấy mà tên thông ngôn để lại. Đó chỉ là tờ giấy thuận tình làm nhân viên phục vụ mua vui cho một câu lạc bộ giải trí cho lính Pháp. Đó là một hình thức ngụy trang của một loại hình bán dâm cho lính viễn chinh Pháp!

Dung đã xé nát tờ giấy đó và đóng chặt cửa phòng, khóa lại bên trong. Cô tuy nhỏ, nhưng lòng dạ thì sắt đá hơn người. Trong đầu cô vừa lóe lên một ý định táo bạo.

Trước khi thực hiện Dung đã xõa tóc, ngồi chắp tay lạy về hướng nhà mình nhiều lạy và khóc...

Nhận tin con chết chưa đầy một buổi thì bà Quan cũng trút hơi thở cuối cùng do suy tim cấp. Đúng ra Ngọc Dung đã chết trước đó cả nửa tháng, ngay đêm đầu tiên cô tới dinh tỉnh trưởng. Cô đã cắn lưỡi tự vẫn ngay trong phòng giam kín cửa. Nhưng bọn thuộc hạ của tên tỉnh trưởng phát hiện đã giấu nhẹm.

Mãi sau chúng mới truy tìm Dung chết khi cố tình ăn cắp đồ trong dinh, định leo tường trốn đi rồi bị ngã mà chết.

Sau hai tuần, chúng mới báo tin về nhà và còn de dọa vợ chồng ông Quan:

- Con gái mấy người làm chuyện gian trá đó, đúng ra cả hai người cũng bị tội, nhưng quan chủ tỉnh thương tình tha cho. Cấm không được khiếu nại, yêu sách gì.

Ngay lúc nhận được tin thì bà Quan đã ngã ra ngất xỉu. Và sau đó chưa đầy nửa ngày bà tắt thở luôn. Ông Quan thì như người mất trí, cứ ngồi một mình gào khóc, gọi tên vợ, tên con gái!

Thậm chí xác của Ngọc Dung còn không được đưa về nhà. Người ta nói:

- Do nạn nhân phạm tội, chết trong đồn binh Pháp, nên xác còn phải để lại đó, chờ quyết định sau. Mà cũng có thể sẽ cho mai táng trong nghĩa địa công cộng được chỉ định.

Hai tháng sau thì ông Quan cũng lâm trọng bệnh rồi qua đời. Do không có đứa con nào ngoài Ngọc Dung, nên một người họ hàng của ông đứng ra cai quản ngôi nhà. Rồi theo lời trăng trối của ông, người bà con đem căn nhà bán đi, một phần tiền phân chia cho thân nhân, phần còn lại đem cúng chùa.

Thế là chỉ trong tích tắc, một gia đình đang bình yên bỗng bị xóa sổ!

Treo bảng bán nhà được hai ngày thì có một thanh niên lạ mặt đến hỏi. Chú Tám, em họ ông Quan tiếp khách và hết sức ngạc nhiên khi nghe thanh niên hỏi:

- Đây có phải là nhà của cô Ngọc Dung?

Tám Tân hỏi:

- Anh là gì của Ngọc Dung?

Chàng trai có vẻ thật thà:

- Dạ, cháu chưa quen cô Ngọc Dung, nhưng tình cờ cháu nằm mơ thấy cô ấy nên cháu muốn gặp.

Cha mẹ của chàng trai đi cùng đã lên tiếng giải thích:

- Thằng con tôi vốn bị câm bẩm sinh từ nhỏ, bỗng nhiên ba hôm trước nó phát lên nói được! Người đầu tiên được nó gọi chẳng phải là ba nó hay tôi, mà là cô Ngọc Dung nào đó! Rồi nó hối thúc vợ chồng tôi tới đây liền, nói Ngọc Dung chính là vợ của nó! Chúng tôi phải hỏi thăm đường khá lâu mới tới được đây...

Tám Tân buồn bã lắc đầu:

- Đúng đây là nhà Ngọc Dung. Nhưng cháu tôi đâu còn nữa mà tìm.

Chàng trai vẫn tỉnh khô, nói với cha mẹ mình:

- Nhân nhà này bán, mình mua luôn đi.

Khi mua xong nhà, chàng trai thắp nhang lên bàn thờ với ảnh chân dung của Ngọc Dung do Tám Tân tặng lại, và khấn rất chân thành:

- Anh tới đây tìm em mà không gặp, nhưng anh vẫn tin chắc là thế nào cũng gặp được em.

Bà mẹ anh can:

- Thôi con à, bây giờ con đã hết bệnh rồi, muốn lấy vợ thì để ba má kiếm cho, thiếu gì.

Chàng trai gay gắt:

- Má còn nói vậy thì con tức mà trở bệnh, hết nói được bây giờ. Con chỉ có mỗi Ngọc Dung là vợ thôi!

Rồi anh dịu giọng phân trần, để mẹ anh an tâm:

- Thời gian con bệnh như sống trong thế giới khác. Thế rồi tình cờ con gặp được nàng, chính nàng đã cứu con. Như vậy làm sao con có thể rời xa nàng được. Số con với nàng là do trời định, nên bây giờ có âm dương cách trở con cũng quyết ở đây cùng nàng.

Nghe con nói vậy, ông bà Hữu Châu đành nghe theo. Bà chỉ ngại:

- Xưa nay con chỉ ở nhà và được má lo cho, bây giờ ở riêng như vậy làm sao được? Con nên để má ở lại đây, được không Hữu Phước?

Hữu Phước là tên của chàng trai, chàng trấn an mẹ:

- Con đã ngót ba chục tuổi đầu rồi, có còn con nít nữa đâu, má đừng lo. Má còn phải lo cho ba và mấy đứa em nữa, ba má cứ về đi, khi nào ổn định thì con sẽ về báo tin vui cho ba má!

Ông Châu cười buồn:

- Ba má lo mất ăn mất ngủ chứ vui nỗi gì!

Phước lại phải trấn an:

- Ba đừng lo. Con bây giờ khác với thằng Phước câm, Phước khùng như trước đây rồi!

Ngôi nhà sau khi mua xong, thay vì phải sửa chữa như lệ thường khi đổi chủ, nhưng Phước vẫn giữ nguyên. Và ngạc nhiên hơn nữa là anh ta lại cho giữ nguyên bàn thờ ông bà Quan trong nhà. Anh giải thích với cha mẹ:

- Tuy chưa là con rể, nhưng con vẫn coi mình là người của gia đình này rồi, vậy con xin được phép thờ phụng ông bà ấy.

Chiều lòng con nên ông bà Châu ra về, lần đầu tiên để đứa con trai tật nguyền ở lại một mình. Nhưng trái với sự lo lắng của cha mẹ, Hữu Phước sống một mình trong ngôi nhà đó như sống ở chính nhà mình! Anh sinh hoạt hằng ngày một cách khá tự nhiên đến đỗi những người láng giềng có cảm giác anh chính là con rể của ông bà Quan, chứ không phải kẻ mua nhà.

Vào một buổi sáng, khi thấy có xe hơi của quận Quy ngừng trước cửa thì người hàng xóm hốt hoảng chạy sang gọi Phước:

- Nguy rồi cậu Phước ơi.

Phước đã nhìn thấy xe quan, nhưng anh vẫn tỉnh như không:

- Có gì mà phải sợ?

Người kia hạ thấp giọng:

- Lão ta là người đã bắt con Ngọc Dung đi ngày trước đó. Lão ác ôn khét tiếng xứ này!

Phước đứng chống nạnh, hất hàm về phía quận Quy bảo:

- Cần gì thì vào đây!

Quận Quy không còn vênh mặt hung hăng như mấy tháng trước, mà trái lại khi thấy mặt Phước thì dịu giọng ngay:

- Dạ, tôi... tôi là quận trưởng Quy. Tôi tới theo lệnh của... của...

Lão ta nói mà khúm núm như đang đứng trước cấp trên. Bà hàng xóm tròn xoe mắt nhìn, không tin vào mắt và tai mình nữa. Vừa khi ấy, Phước cất tiếng dõng dạc:

- Vào đây!

Đúng là trời đất sắp đảo lộn tới nơi rồi! Bà hàng xóm sợ quá tìm cách rút lui, bởi sợ lão quận nổi trận lôi đình. Nhưng trái với suy nghĩ của bà, quận Quy riu ríu bước vào sân, có cả hai tên lính hầu đi theo. Chúng đang khệ nệ khiêng vật gì đó...

- Đặt lên đây!

Phước ra lệnh cho đặt chiếc hộp gỗ sơn son thếp vàng lên bàn thờ có ảnh chân dung của Ngọc Dung. Hai tên lính răm rắp làm theo. Sau đó chúng lùi ra ngoài, không dám nhìn lại. Chỉ còn lại Phước và quận Quy. Phước nói như quát:

- Quỳ xuống!

Chuyện khó tin mà có thật. Quận Quy quỳ xuống trước hai bàn thờ. Mặt lão ta như không còn thần sắc! Và càng bất ngờ hơn, ngay sau đó lão ta dập đầu lạy một cách nghiêm túc và thành kính!

Phước thì đứng khoanh tay nhìn, như giám sát hành động đó. Lát sau, anh mới lên tiếng:

- Chưa xong đâu!

Lời của anh vừa dứt thì lập tức quận Quy đặt ngay bàn tay trái của hắn xuống nền nhà, tay kia lấy con dao thủ sẵn trong áo ra và nhanh như chớp, phập mạnh xuống!

Nguyên bàn tay của hắn đứt lìa, văng ra cả thước! Lão quận lúc đó bật ngửa ra đau đớn, nhưng không dám cất tiếng kêu!

Phước quay ra ngoài sân, quát lớn:

- Đưa nó về!

Hai tên lính hầu răm rắp tuân lời. Chúng kè tên quận trưởng ra xe và vù đi một nước, không dám nhìn lại! Lúc này Phước mới bước tới mở chiếc hộp gỗ trên bàn thờ ra. Trong đó đựng tro cốt của Ngọc Dung!

Một tuần sau, lại có xe hơi tới đậu trước cổng. Lần này có người hàng xóm khác nhận diện đó là xe của tên tỉnh trưởng!

Cũng hai tên lính hầu mang vào nhà một chiếc hộp gỗ. Chúng kính cẩn nói với Phước:

- Quan tôi trả nợ cho ngài!

Phước mở ngay hộp ra, trong đó có một lọ thủy tinh chứa đầy nước trong suốt, giữa lọ có một vật gì đó dài gần gang tay, giống hình quả chuối. Vừa trông thấy, Phước phá lên cười:

- Phải vậy chớ!

Khi hai tên lính trở ra rồi, Phước mới lấy một lọ thủy tinh khác đặt sẵn dưới gầm bàn thờ. Trong lọ có một bàn tay người tím tái!

Phước rất hài lòng. Anh khấn trước bàn thờ Ngọc Dung:

- Nợ anh đã đòi cho em rồi. Từ nay em có thể yên ổn ở cõi u linh đó. Mừng cho em!

Ngày hôm sau, cả tỉnh lỵ đều xôn xao trước tin quan đầu tỉnh bỗng dưng bị nạn. Mà tai nạn lại xảy ra đúng lúc ông ta đang ngủ mới lạ! Một tay thân tín tiết lộ bí mật:

- Nửa đêm, bỗng người nhà nghe lão ta thét lên một tiếng. Khi mọi người chạy vào thì thấy trên tay lão ta còn cầm con dao, mà hạ bộ thì đã bị cắt lìa! Chẳng ai biết nguyên nhân. Hỏi thì lão ta chỉ im lặng như sợ hãi điều gì đó...

Có một đạo sĩ lạ, xuất hiện trước cổng nhà của Hữu Phước. Ông ta nói vang vào trong:

- Như thế là đủ rồi. Oán thù nên mở chứ không nên buộc. Việc đã xong thì nhà này cũng nên trả lại cho họ.

Nói xong, lão biến đi rất nhanh.

Từ trong nhà Phước nhìn ra, im lặng không nói gì. Sau đó, anh bước tới ôm hũ tro cốt của Ngọc Dung rồi lặng lẽ rời khỏi nhà...

Phước trở về nhà cha mẹ ruột. Lần này anh lại trở thành một người khác: Sống khép kín, không nói gì với ai.

Mẹ anh hỏi nhiều điều về Ngọc Dung thì anh chỉ đáp gọn:

- Kiếp nàng như đóa phù dung. Sớm nở tối tàn. Con sẽ đợi ở kiếp khác...

Mục lục
Ngày đăng: 26/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục