Gửi bài:

Thay hồn đổi xác

I.

Vợ chồng nghiệp chủ Thành Đạt là người giàu nhất nhì ở tỉnh Định Tường thời bấy giờ. Họ có gần một chục nhà máy xay lúa gạo, làm chủ một đoàn tàu thủy chạy đi khắp các tỉnh miền Tây, sang tận Nam Vang và điền sản thì vô số kể. Tóm lại, đó là một gia đình giàu nức đố đổ vách. Vậy mà có một thứ họ thiếu hụt trầm trọng mà suốt mấy năm rồi tìm kiếm vẫn chưa có. Đó là một mối lương duyên cho đứa con gái duy nhất!

Chuyện kể khó ai tin được, bởi họ là nhà giàu, cô con gái Mỹ Hạnh của họ lại vô cùng xinh đẹp, sao lại ế chồng? Ở đời những chuyện trái ngang như vậy chỉ có người trong cảnh mới hiểu thôi. Và đó là nguyên nhân bà Đạt rầu rĩ, âu lo... Có lần bà nói với chồng:

- Mình đi đã khắp các chùa chiền rồi, cầu không biết là bao nhiêu thánh thần rồi, vậy mà con gái mình tuổi ngày càng lớn, năm nay đã hai mươi mốt tuổi rồi, vậy mà vẫn chưa hề thấy mối mang nào nhìn tới. Nên tôi tính như vầy... Mình đưa con Mỹ Hạnh đi theo bất cứ đâu mình tới, nhất là trong mấy cái tiệc tùng, hội hè. Để nó gặp gỡ, làm quen càng nhiều người càng tốt, biết đâu trong đó có được một thằng xứng đáng!

Nghe nói tới đó ông Thành Đạt ngán ngẩm:

- Tôi nói thật với bà, chuyện gia thất của con Hạnh giờ đây mỗi lần bà nhắc tới là tôi lạnh cả xương sống! Ai đời cứ có mối nào vừa ló ra là y như họ lặng lẽ rút lui... Theo tôi, mình hãy tìm hiểu coi tại sao lại như vậy.

Bà thở dài:

- Còn sao với trăng gì nữa, cũng chỉ tại ông thôi!

Đang bực mà nghe vợ nói thế, ông Đạt sừng sộ ngay:

- Bà đổ thừa phải không! Tại sao lại tại tôi?

- Thì tại cái tính trăng hoa nổi tiếng của ông đồn ra khắp xứ! Ai mà không biết chuyện ông tới mọi nơi đều có những của rơi của rớt, vợ bé vợ mọn đầy đàn! Kiểu như vậy thì con gái mình ai dám rớ!

- Hừm!

Suýt có cuộc cãi nhau giữa hai ông bà, nếu lúc ấy cô con gái rượu của họ không xuất hiện kịp thời!

- Lại nữa rồi! Bộ không gấu ó nhau thì ba má không sống nổi hay sao vậy?

Bà Đạt trút giận lên con:

- Cũng tại mày cả, lớn rồi mà vẫn còn ở nhà báo hoài!

Biết lại cái điệp khúc chồng con muôn thuở đó nữa, Mỹ Hạnh chấp hai tay lại xá lia lịa:

- Con xin ba má! Con nói thật, nếu ba má còn tiếp tục nói hoài chuyện đó thì con... trốn khỏi nhà cho coi!

Không ngờ con dám nói câu đó, bà Đạt trợn mắt:

- Tao đập chết bây giờ, ăn nói vậy hả!

Ông Thành Đạt đứng lên định bỏ đi thì bị bà gọi giật ngược lại:

- Ông còn tính đi đâu nữa, sao không vô thay đồ đi với tôi?

- Đi đâu?

Bà cũng quay sang con gái:

- Con này đi luôn. Qua chợ Vãng dự cuộc carmette bên đó!

Mỹ Hạnh ôm bụng cười:

- Trời ơi, bà già bữa nay xài tiếng Tây nữa ta!

Bà Đạt đổi giận làm vui:

- Tiếng Tây u này ai mà không biết, carmette là hội chợ, mà trong hội chợ thì có thi đấu xảo, thi sắc đẹp, đây là dịp may mà!

Ông Đạt cũng trố mắt:

- Không phải bà cũng muốn đi thì nữa sao?

Bà vẩu môi ra:

- Đi thi thì sao? Chỉ có ông mới coi thường nhan sắc của tôi, chứ còn mấy thằng cha...

Lần này tới phiên ông trợn mắt:

- Bà không muốn nói mấy thằng già bạn bè của tôi khoái bà chứ và bà cũng...

Mỹ Hạnh lại phải lớn tiếng:

- Thôi, chuyện gì cũng cự cãi được, chán quá đi!

Lần này tới phiên cô bỏ đi. Bà Đạt phải chạy theo kéo tay lại:

- Chờ đi với má! Vừa rồi má đã nhờ người ghi tên cho con dự thi sắc đẹp hội chợ Vãng Long rồi, con phải đem theo quần áo, giày dép mới má đã mua sẵn, son phấn, dầu thơm, thứ nào cũng đã sắm sẵn. Mình đi thôi cũng được, còn thằng cha già kia muốn đi đâu cũng được!

Mỹ Hạnh miễn cưỡng theo mẹ. Thật lòng cô không hề muốn dự mấy cái trò ưỡn ẹo trước mặt đàn ông, để cho nó ngắm nghía, thèm thuồng rồi cuối cùng còn bày đặt đánh giá, chấm điểm! Con gái mà tham gia vào đó chẳng khác nào...

Dòng suy nghĩ của Mỹ Hạnh bị cắt ngang bởi lời của mẹ:

- Mình đi ngay thôi kẻo nắng. Má đã có nhờ người ta lo rồi.

Mỹ Hạnh hỏi lại:

- Lo cái gì má?

Bà vỗ vai con, nói cho qua:

- Thắc mắc làm gì cho mệt, cứ làm y như lời của má là được!

- Nhưng...

- Không nhưng nhị gì hết, vào lấy đồ má đã soạn sẵn để trong phòng đó, rồi đi liền. Tài xế Mạnh đang chờ ngoài xe kìa!

Khi họ ra xe thì đã thấy ông Thành Đạt chờ sẵn. Bà hứ một tiếng:

- Hứ, tưởng muốn đi riêng chứ!

Ông ta cười cầu tài:

- Vắng hơi bà tôi chịu đâu nổi!

Họ qua tới chợ Vãng Long thì còn khá sớm, Mỹ Hạnh cằn nhằn:

- Mới giờ này ai mà thi cử gì, tới đây làm chi cho mệt!

Bà Đạt cười tủm tỉm:

- Mình đâu chỉ tới để thi. Con cứ theo má rồi sẽ biết tại sao mình đi sớm!

Chợt có một chiếc xe hơi mui kiếng trờ tới, bà Đạt reo lên:

- Quả thật đúng giờ!

Trên xe một người ló mặt ra, cười rất tươi:

- Đi đón mỹ nhân thì làm sao trễ nải được!

Rồi người đó bước xuống, đó là một người đàn bà ăn mặc sang trọng, son phấn hơi kỹ, cúi chào ông Thành Đạt, rồi quay sang Mỹ Hạnh ngắm nghía rất chăm chú:

- Bông hoa này mà để mãi trong nhà, ông bà không sợ nó nổ sao?

Bà Đạt cười cầu tài:

- Sợ chứ, bởi vậy mới cầu tới chị.

Bà quay sang chồng:

- Đây là chị Phán Son, người nổi tiếng là lịch lãm nhất Vãng Long này. Người đã có hai đứa con gái đứng hạng nhất cuộc thi người đẹp xứ này.

Mỹ Hạnh bấy giờ mới chú ý nhiều tới người đàn bà này, cô hỏi nhỏ mẹ:

- Bà ấy bằng tuổi mẹ chưa mà son phấn dữ quá vậy?

Sợ con phát biểu ẩu mất lòng người lớn, nên bà Đạt cũng đáp khẽ và nhanh:

- Dân sang trọng thành thị bây giờ người ta như vậy đó. Ai như mày, lớn rồi mà đi đâu phải đợi nhắc mới son phấn vào!

Họ được mời lên xe, bà Phán Son nói:

- Tiệc đã đặt sẵn rồi, có lẽ khách cũng đang đợi.

Lúc này ông Đạt mới lên tiếng hỏi:

- Tiệc tùng gì sao không nghe bà nói gì hết?

Bà Đạt cười nhẹ lấy lòng chồng:

- Tôi nghĩ chuyện tiệc tùng khi mình sang đây là chuyện thường tình, nên đâu cần báo trước.

Bà Phán Son cũng nói:

- Bên này mấy người bạn cũng ái mộ gia đình anh chị lắm, nên chỉ chờ có dịp là tổ chức gặp mặt ngay. Đặc biệt là cháu Mỹ Hạnh đó. Cháu là cây đinh của bữa tiệc này!

Mỹ Hạnh vốn giống tính cha, ít ham tiệc tùng hay chỗ đông người, nên nói ngay:

- Hay là ba má cứ dự tiệc, con xin phép đi dạo chợ một chút!

Bà Đạt la lên liền:

- Mày điên hả Mỹ Hạnh. Bữa nay tiệc là để cho mày, để người ta coi mắt...

Có lẽ biết mình lỡ lời, nên bà Đạt dừng lại ngay. Nhưng điều đó càng khiến cho Mỹ Hạnh thắc mắc:

- Coi mắt ai vậy má?

Ông Đạt vùng cười to:

- Không lẽ coi mắt tao hay hai bà này!

- Con? Mà ai coi!

Thấy cô bé còn ngây thơ, bà Phán phải lên tiếng:

- Nói coi mắt cũng được, mà nói là tiệc để làm quen thì chính xác hơn. Bác là bạn của má con, bác giới thiệu con với một người bạn, người này có một người con trai ở Sài Gòn về, họ muốn làm quen với các cô gái miền quê này. Trong số con gái của nhiều bạn bè xứ này bác thấy không có ai xứng đáng bằng cháu. Vậy nên hôm nay cháu phải ráng mà lấy lòng người ta. Đám này họ giàu và thế lực lắm, ba má cháu mà ngồi sui với họ thì có lợi trong công việc kinh doanh lắm!

Đã quá ngán ngẫm những việc như thế này, nên Mỹ Hạnh chỉ nhẹ thở dài, định bụng lát nữa vào tiệc rồi thế nào cô cũng tìm cách đi ra ngoài.

Ghé vào một cao lầu sang trọng nhất chợ Vãng, họ được đón tiếp bởi một đôi vợ chồng già cung cách sang trọng, phía sau lưng họ là một chàng trai mặc complé toàn trắng, đầu đội mũ phớt màu hột gà rất bảnh bao.

Anh ta không chào ai, chỉ nhìn xoáy vào Mỹ Hạnh rồi tự dưng Mỹ Hạnh nghe xao động và tim đập nhanh một cách khác thường, cũng chỉ nhẹ gật đầu lại, rồi nhìn nhanh đi chỗ khác và tự nhủ:

- Sao kỳ lạ vậy. Con người này sao có cái gì đó...

Mỹ Hạnh bảo mẹ:

- Con nghe khó chịu quá, con muốn...

Bà Phán Son nghe được, bà quay sang chàng trai:

- Cậu Henry đưa giùm cô Mỹ Hạnh ra ngoài cho thoáng, chút nữa vào cũng được.

Chàng trai không đợi bảo lần thứ hai, đã bước tới nắm ngay tay Mỹ Hạnh kéo đi vừa nói nhỏ:

- Đi ngay, không thì mấy ông bà già phản đối bây giờ!

Ở thế bị động, mặc dù ngượng, nhưng Mỹ Hạnh vẫn phải chấp nhận để chàng ta nắm tay lôi đi. Ra đến ngoài, anh ta rất bạo miêng nói:

- Để tôi lái xe đưa cô đi một vòng nhé!

Không đợi Mỹ Hạnh đồng ý, anh chàng tên Henry đã mở cửa xe, đẩy cô nàng lên ghế trước, còn anh ta thì ngồi kế bên lái xe. Thì ra chiếc xe mà bà Phán Son đi rước cha mẹ cô hồi nãy là của anh ta.

Lái ra khỏi cao lầu một đoạn xa và hình như hướng về vùng ngoại ô, anh chàng vẫn cho xe chạy phom phom, khiến Mỹ Hạnh phải lên tiếng:

- Anh đưa đi đâu vậy?

Anh chàng cười mà không nói gì. Khi đã ra hẳn ngoại ô rồi anh ta mới lên tiếng:

- Mình ra đây cho mát. Nói thật với Mỹ Hạnh, tôi cũng giống như cô, rất ghét các loại tiệc tùng kiểu đó. Nhân cơ hội này mình thoát ra đây và ở chơi, khi nào thích thì về!

Mỹ Hạnh lo lắng:

- Vậy còn bữa tiệc?

Chàng ta cười, tự tin:

- Tiệc là nơi tổ chức cho ta gặp nhau, tìm hiểu nhau, mà ta ra ngoài như vầy cũng là gần nhau, hiểu nhau, cần gì phải trở lại đó!

- Nhưng... ba má tôi...

- Mỹ Hạnh đừng lo, thấy mình đi như vầy thì họ đã biết. Nhất là ba mẹ tôi, họ sẽ giải thích.

Ra tới một khu vắng vẻ, chỉ một ngôi nhà cổ, anh chàng nói:

- Ta ghé vào đây nghỉ chân cho mát.

Mỹ Hạnh ngạc nhiên:

- Nhà của ai mà ghé?

- Của tôi!

Tưởng anh ta nói đùa, nào ngờ khi xe chạy vào sân thì đã thấy có người ra chào hỏi kính cẩn. Anh ta xuống xe và rất lịch sự, đưa tay dìu Mỹ Hạnh xuống, đưa vào. Nhìn ngôi nhà Mỹ Hạnh phải thầm khen. Bên ngoài nhà trông cũ, nhưng bên trong cách bày trí quả là sang trọng với những bàn ghế, tủ đều là bằng gỗ đắc tiền, đặc biệt là những tấm hoành phi treo ở hai bên hàng cột biểu hiện sự giàu có của chủ nhân, bởi cách bày trí này chỉ dành cho các người danh giá, giàu sang.

Thấy Mỹ Hạnh quan sát chung quanh, anh chàng khoe:

- Đây là ngôi nhà mà cha mẹ tôi để giành lâu lâu về chơi, chứ nhà cửa ở thường xuyên thì tận Sài Gòn. Cô Mỹ Hạnh đã đi Sài Gòn rồi chứ?

- Dạ, đã có đi.

- Đi đây đó cũng nhiều, lại là người đẹp nhất nhì vùng này, mà cớ gì cô chưa lấy chồng?

Câu hỏi đột ngột đó khiến Mỹ Hạnh lúng túng thấy rõ.

- Dạ... dạ...

Anh chàng cười phá tan sự lúng túng đó:

- Thôi, hỏi vậy chứ đâu bắt cô trả lời. Vả lại, người càng đẹp thì càng kén chọn, càng treo giá ngọc.

Mỹ Hạnh không ngờ anh chàng chỉ mới quen mà đã khá tự nhiên, dạn dĩ. Tuy nhiên cách ăn nói của anh ta không sỗ sàng, nên cũng dễ nghe, dễ gần. Bởi vậy tuy ngồi với anh ta trong ngôi nhà lạ mà Hạnh không cảm thấy sợ. Chợt anh ta nói:

- Cô đừng gọi tôi là Henry, tên đó là do đi học trường Tây ở Sài Gòn họ đặt cho, cứ gọi là Long, Phi Long.

Vừa nghe tới đó bỗng Mỹ Hạnh sững người, cô lắp bắp:

- Sao... sao lại là... Phi Long?

Anh chàng nhìn thẳng vào Mỹ Hạnh:

- Sao cô ngạc nhiên với cái tên này? Hay là...

Mỹ Hạnh mất tự nhiên thấy rõ, cô cố gắng không để anh chàng nghi ngờ nên nói lảng sang chuyện khác:

- Nhà này đẹp quá!

- Nhà dành cho Phi Long mà!

Anh ta cố tình nhấn mạnh tên Phi Long, vừa đưa mắt nhìn Mỹ Hạnh. Cô nàng lại một lần nữa mất bình tĩnh:

- Tôi.. tôi...

Bất chợt anh chàng hỏi thẳng:

- Cô có quen người nào tên Phi Long không?

- Không... không...

Vừa đáp Mỹ Hạnh vừa đứng bật dậy. Nhưng chẳng hiểu sao cô lại ngã ngồi trở xuống. Trong lúc giọng của anh chàng vẫn như châm chọc:

- Đau lòng nhất là đến tên người mình quen mà cũng không dám nhớ!

Anh ta nói xong đi thẳng vào nhà trong. Còn lại một mình, bao nhiêu bức xúc từ nãy giờ hầu như tuôn tràn ra, Mỹ Hạnh bật khóc như một đứa trẻ! Hình như những giọt nước mắt làm cho nỗi khổ vơi đi, nên cô cứ càng lúc càng khóc dữ hơn. Cũng may gần đó lúc ấy không có ai...

- Thế nào, cô đã thấy nhẹ chưa?

Anh chàng đã đứng gần đó, đưa cho Hạnh chiếc khăn tay, vừa lặp lại câu hỏi:

- Đã thấy nhẹ người chưa? Nếu chưa thì cứ khóc thêm.

Mỹ Hạnh ngẩng lên nhìn anh ta:

- Anh quen thế nào với Phi Long?

Anh chàng cười nửa miệng:

- Tôi chính là Phi Long mà!

- Không phải, Phi Long...

Hình như sức chịu đựng của Hạnh đã tới giới hạn cuối cùng, cô choáng váng rồi gục xuống bàn.

Chẳng nghe anh chàng gọi tiếng nào. Anh ta cứ để như vậy cho đến khi Mỹ Hạnh từ từ tỉnh lại.

- Tôi... tôi...

- Cô đã ngủ một giấc hơn hai tiếng đồng hồ. Như vậy chứng tỏ cô đã nhiều đêm mất ngủ. Hay là nếu cần, cô có thể vào trong kia ngủ tiếp...

Mỹ Hạnh lần này không thụ động nữa:

- Anh cho tôi về, ba má tôi đang đợi!

Anh chàng lắc đầu:

- Chẳng những không đợi mà họ còn đang mừng thầm về việc cô và tôi đi với nhau lâu hơn. Chẳng phải hôm nay ba má cô muốn cô đi coi mắt để chọn chồng sao?

Càng lúc sự châm chọc của anh ta càng khó chịu, nên Mỹ Hạnh phải gắt lên:

- Không, đừng ăn nói giọng đó nữa nghe chưa! Tôi...

Anh chàng vẫn bình tĩnh:

- Nói để cô Mỹ Hạnh yên tâm là trách nhiệm của tôi lúc này. Cô cứ bình tĩnh ngồi lại đây, sẽ còn nhiều điều cô muốn biết lắm...

Thật ra lúc này có muốn đi thì Mỹ Hạnh cũng không làm được, bởi hai chân cô yếu đi một cách kỳ lạ, đứng một chút mà đã muốn ngồi xuống. Cuối cùng cô đành phải dịu giọng:

- Anh muốn gì cứ nói đi.

Chưa nói vội, anh chàng từ từ rót một tách trà rồi đặt ngay trước mặt Mỹ Hạnh:

- Cô cứ uống chút nước cho bình tĩnh lại đi đã.

Mỹ Hạnh hầu như hết cả khả năng bướng bỉnh như thường khi, cô nâng tách trà lên uống liền mấy hớp. Xong rồi ngồi thừ ra.

- Tôi chỉ muốn giúp cô thôi, chứ chẳng phải châm chọc hay nhạo báng gì cả. Bây giờ khi đã bình tĩnh lại rồi, cô có thể nói hết những gì cô đang phải chịu đựng, được không?

Nếu lúc khác thì anh ta sẽ nhận được ngay một câu chửi vào mặt bởi những lời sỗ sàng đó. Tuy nhiên, lúc này hầu như Mỹ Hạnh chỉ muốn ngồi yên. Dòng suy nghĩ của cô đang cuồn cuộn chảy về những kỷ niệm mà con tim đang nhói đau.

- Tôi muốn hỏi anh...

- Cô cứ hỏi, tôi xin nguyện là một người bạn, chỉ giúp cô vơi đi nỗi lòng nặng trĩu đó thôi.

Mỹ Hạnh nhìn thẳng vào mắt anh ta:

- Sao anh biết tôi đang có nỗi lòng?

- Không phải đoán mà là biết chắc! Bởi một lẽ đơn giản, một cô gái trẻ, đẹp như cô mà lại phải đi tìm chồng, phải... sợ ế chồng, ắt phải có nguyên do. Mà nếu đoán không lầm thì nguyên nhân là ở một người tên là Phi Long?

Câu hỏi này không mới, nhưng một lần nữa Mỹ Hạnh lại giật mình. Cô lặng người đi một lúc mới đáp rất khẽ:

- Cái tên ấy là người yêu của tôi. Tại sao anh cũng có cái tên ấy?

Anh chàng không trả lời câu hỏi mà lại hỏi tiếp:

- Đó phải chăng là nguyên nhân khiến cô không chịu lấy chồng, mặc dù cha mẹ cô thì lúc nào cũng muốn con gái của mình phải lập gia đình và sinh con đẻ cái cho họ?

Một câu hỏi quá tò mò, nhưng Mỹ Hạnh vẫn đáp:

- Nếu là anh thì anh có chịu đi lấy người khác khi người yêu mình đã chết chỉ vì muốn giữ trọn lòng chung thủy với mình không?

- Vậy là cô...

Lần đầu tiên anh chàng bị lúng túng. Nhưng anh ta đã sớm lấy lại bình tĩnh:

- Cha mẹ cô không hay biết chuyện cô có người yêu bị chết, hay là họ cố tình lờ đi?

Mỹ Hạnh buông một tiếng thở dài:

- Ba má tôi không biết. Mà dù có biết thì cũng không giải quyết được gì!

- Nhưng ít ra họ cũng không bắt ép cô phải đi lấy chồng cho bằng được, trong lúc vết thương lòng của cô chưa lành!

Mỹ Hạnh lại nhìn thẳng vào anh ta:

- Sao anh biết mọi chuyện về tôi? Anh và Phi Long của tôi là thế nào?

Anh chàng đứng dậy và lại đi thẳng vào trong. Lát sau quay trở ra với một gói giấy trên tay:

- Gửi cô vật này.

Vừa mở gói giấy ra Mỹ Hạnh đã kêu lên:

- Phi Long!

Trong gói giấy là một chiếc áo bà ba màu vàng anh. Mỹ Hạnh nhận ra ngay đó là chiếc áo của mình.

- Làm sao anh có chiếc áo này?

Anh chàng nhìn thẳng vào Mỹ Hạnh:

- Vậy theo cô thì tại sao chiếc áo của cô mà lại ở trong tay người khác?

- Không phải tự nhiên, mà chính là tôi... tôi đã...

Mỹ Hạnh ngập ngừng một lúc rồi đột ngột hỏi:

- Tôi liệm vật này theo quan tài của Phi Long, vậy tại sao anh có? Hay là anh... đào mộ anh ấy?

Anh ta chưa đáp vội, quay người ra phía cửa sổ một lúc, rồi đột nhiên quay lại và hỏi:

- Cô xem, tôi có phải là kẻ đào mộ không?

- Phi Long!

Mỹ Hạnh chỉ kêu được hai tiếng rồi lảo đảo ngã về phía trước...

II.

Bà Thành Đạt đã mất ăn mất ngủ mấy ngày liền, nay lại thêm chuyện nữa, nên bà ngao ngán lắc đầu trong khi con Quyên đang chờ nghe bà cho ý kiến:

- Tụi bây muốn làm gì đó thì làm, tao không đầu óc đâu giải quyết nổi.

Con Quyên ghé sát tai bà nói:

- Không phải con nói bà phải làm gì cả, bà cứ việc bảo con phải làm sao với cái người đã ngồi ngoài cửa nhà mình suốt từ nửa khuya tới giờ.

Bà Đạt gắt lên:

- Thì tống khứ họ đi!

- Con đã đuổi hết cách rồi mà người ta có chịu đi đâu. Kể cả lùa chó ra mà bà ta cũng không sợ, mà trái lại mấy con chó nhà mình lại cúp đuôi chạy khi bà ta lườm mắt.

Lúc này bà Đạt mới chịu đứng dậy, bà hỏi:

- Ai ở đâu?

Quyên đi trước dẫn đường. Ra tới cửa ngoài nó chỉ:

- Đây nè bà.

Bà Thành Đạt vừa nhìn xuống đã hốt hoảng lùi lại:

- Là... là bà!

Người đàn bà khắc khổ, rách rưới đang ngồi co ro dưới đất nhưng vừa trông thấy bà Đạt đã bật dậy ngay, cất tiếng liền:

- Dữ không, tới bây giờ bà mới chịu ra! Xin chào bà chủ lớn!

Bà Đạt thất thần, phải vịn vào cửa mới đứng vững. Bà lắp bắp:

- Sao... sao bà tới... đây...?

- Không tới thì làm sao gặp được người đã không muốn gặp mặt mình từ cả chục năm nay!

Bà ta vừa nói vừa bước tới gần bà Đạt, đưa tay chụp nhanh vào bàn tay trắng muốt của người đàn bà giàu có:

- Tay nhà giàu có khác! Không bì với tay một con ăn mày như tôi.

Vừa nói bà ta định đưa tay lên hôn thì bà Đạt vùng mạnh ra, chạy bay vào nhà. Nhưng bà vừa vào tới phòng khách thì đã thấy người đàn bà nghèo khổ kia đã đứng trước mặt từ lúc nào rồi! Giọng bà ta đanh lại:

- Sợ bị lây bệnh nghèo hả bà chủ?

Bà Đạt giờ chỉ còn biết đứng run, không hé được nửa lời. Trong lúc người đàn bà nọ vẫn tiếp tục nói:

- Nếu không lầm thì ngày xưa tôi cũng giống như bà, cũng ăn trắng mặc trơn, cũng tay chân mơn mởn như vầy. Chứ đâu hôi hám và tàn tạ như tôi đây!

Giọng bà ta đã bắt đầu cay nghiệt hơn và mỗi lần bà ta nhìn vào mắt bà Đạt thì hầu như bà này co rúm người lại, không dám nhúc nhích.

- Sao, nói gì đi chứ, kẻo người ta lại tưởng là tôi ăn hiếp bà! Mà thôi, chắc bà không dám nói ra sự thật đâu, tôi sẽ nói.

Bà ta bất ngờ giở vạt áo trước lên tận ngực để lộ ra những vết sẹo ngang dọc trên phần da nhăn nhúm. Giọng bà ta đay nghiến:

- Bốn năm trước, cũng tại ngôi nhà này bà nhớ không bà Thành Đạt? Chính tay bà đã dùng cây liềm cắt lúa cứa vào thịt da tôi, chỉ vì tôi không đưa cho bà tờ giấy nợ mà vợ chồng bà đã ký nợ tôi số tiền quá lớn! Cho đến khi tôi kiệt sức vì máu ra quá nhiều thì cũng là lúc vợ chồng bà moi được tờ giấy nợ ấy từ trong lưng quần tôi ra. Bà vừa đốt giấy nợ đi, vừa cười khoái trá và còn nhẫn tâm đạp tôi xuống cái mương sau nhà này! Bà nhớ ra chưa?

Bà Đạt vẫn như kẻ mất hồn, im lặng, gục đầu...

Người đàn bà tiếp lời:

- Cũng may, lúc ấy có con Mỹ Hạnh về tới. Nó là con nít mà còn biết đạo nghĩa, khi thấy tôi nằm lăn lộn dưới đất, nó đã cúi xuống và xốc lên, hỏi dồn dập là tôi bị làm sao? Tôi không hé răng, bởi dù sao trong mắt con bé thì tôi cũng là mẹ của người con trai mà sắp tới nó sẽ gọi mẹ chồng, nếu tôi nói ra là bị bội ước, nhẫn tâm đối xử thì nó sẽ nghĩ gì? Tôi đâu phải là bà, con người độc ác phản bội bạn bè. Chỉ vì món nợ đã vay để làm ăn mà nỡ giết bạn để xóa dấu vết!

Bà ngừng lại một lúc để lấy hơi, bởi xem ra bà ta cũng khá mệt, rồi tiếp tục:

- Khi thằng con trai tôi tới nơi, cũng bị bà xua đuổi thì nó ngỡ ngàng, bởi nó với con Mỹ Hạnh nhà bà vốn đã chơi thân, gắn bó với nhau từ tấm bé. Nó cố gào thét kêu tên Mỹ Hạnh lúc ấy, nhưng chính bà đã nhốt con Hạnh vào phòng, không cho hai đứa gặp nhau. Bà biết sau đó thằng con Phi Long của tôi nó ra sao không?

Lúc này bà Đạt mới ngẩng lên, nhưng chỉ đưa mắt nhìn chứ không nói gì. Người đàn bà nói tiếp:

- Nó thương con Mỹ Hạnh, nên dù bị bà xua đuổi, nó vẫn tới đây mỗi ngày, chờ đợi con Hạnh trong mỏi mòn để rồi vào buổi chiều khi bà lén đem con Hạnh đi trốn để chia lìa vĩnh viễn hai đứa nó thì thằng con tôi đã nhìn thấy cảnh con Mỹ Hạnh ngồi trên xe hơi cùng với một thằng con trai nào đó chạy ngang. Tôi thì biết đó chỉ là màn dàn cảnh của bà để gây chia rẽ tụi nó, nhưng con trai tôi thì làm sao hiểu được, cho nên ngay lúc ấy nó đã lao đầu vào một chiếc xe tải mà chết! Tội nghiệp con Mỹ Hạnh, nó đã nhìn thấy cảnh ấy, nên từ trên xe hơi nó đã tông cửa nhảy xuống, lao về phía thằng Phi Long. Nhưng con trai tôi chỉ còn là cái xác be bét máu?

Lời kể vừa dứt thì một tiếng thét vang lên từ trong nhà:

- Trời ơi! Má ơi!

Mỹ Hạnh xuất hiện trong dáng dấp của một người bệnh. Trông cô tiều tụy thấy rõ. Mà không tiều tụy sao được khi đã ba ngày rồi không hột cơm nào trong bụng.

- Má! Bác Hai vừa nói có đúng không? Có phải ba má đã xóa nợ người ta bằng cách cướp giấy nợ rồi đốt đi không? Có phải chính má đã từ hôn và xua đuổi anh Phi Long, đến nỗi anh ấy phải phẫn chí mà chết không?

Những câu hỏi của con gái chẳng biết bà Đạt có nghe không, mà chỉ thấy bà vẫn tiếp tục im lặng. Lúc này Mỹ Hạnh mới quay sang người đàn bà khốn khổ:

- Bác là bác Hai, mẹ anh Phi Long phải không? Cháu xin lỗi bác...

Bà quay lại, định đưa tay sờ vai Mỹ Hạnh, nhưng chợt nhớ đến thân phận mình nên rụt tay về. Mỹ Hạnh nhanh nhẩu chụp lấy bàn tay ấy và giữ chặt:

- Mẹ! Con xin lỗi mẹ!

Cô chủ động đổi cách xưng hô khiến cho người đàn bà xúc động, vai run run. Bà đang khóc!

- Mẹ, con xin lỗi!

Lúc này cô mới chợt nhớ tới mẹ ruột mình. Cô quay sang chụp lấy bà Đạt vừa ngã chúi về phía trước.

- Má!

Bà Thành Đạt đã ngừng thở.

Sau khi chôn cất mẹ xong thì Mỹ Hạnh bất ngờ rơi vào trạng thái hôn mê như mấy bữa trước. Ông Thành Đạt rối trí quá nên cứ hết vào rồi lại ra mà cũng không biết phải giải quyết chuyện nhà như thế nào.

Mỹ Hạnh thì cứ thỉnh thoảng lại cất tiếng kêu tên Phi Long, càng làm cho ông Đạt rối thêm. Ông hỏi Quyên:

- Sao nó kêu tên thằng Phi Long hoài vậy? Thằng đó đã chết lâu rồi mà?

Quyên thấy không có ai chung quanh nên mới nói:

- Bữa hôm bà chết thì có một người tới đây. Người ấy xưng là má của cậu Phi Long...

Ông Đạt giật mình:

- Bà Hai Đại?

- Dạ, con không biết tên bà ấy, nhưng bà ấy tới đây gặp bà chủ, hai bên nói gì với nhau đó, rồi cô Mỹ Hạnh xuất hiện. Ông Đạt chặn ngang:

- Con Mỹ Hạnh lúc ấy đang hôn mê mà?

- Dạ, cô đang hôn mê, nhưng nghe hai bà nói chuyện thì cô tỉnh lại, cô ngạc nhiên hỏi điều đó. Hỏi vừa xong thì bà chủ ngã lăn ra chết, còn cô Mỹ Hạnh thì hốt hoảng. Trong lúc đó người gọi là má cậu Phi Long thì lẳng lặng bỏ đi.

Ông Đạt thở dài:

- Quả báo rồi!

Ông lặng lẽ ngồi xuống ghế trường kỷ, lòng ông nghe đau nhói khi nhớ tới những chuyện đã qua. Nhất là chuyện bà vợ ông nhẫn tâm lừa vợ Hai Đại tới nhà, rồi dùng thủ đoạn, ép lấy cho được tờ giấy nợ. Món nợ đó lớn lắm, Hai Đại và ông là chỗ thân tình với nhau, coi nhau như thủ túc, khi cần làm ăn lớn, ông chỉ cần nói là Đại đã cho mượn ngay số tiền lên đến cả ngàn lượng vàng mà chỉ cần viết tờ giấy tay. Giữa ông và Hai Đại còn hứa hẹn sui gia với nhau, đợi cho Mỹ Hạnh đủ mười tám tuổi là gả cho Phi Long. Khi bị phản bội bất ngờ, có lẽ vợ Hai Đại cũng không biết mà đề phòng, nên bị hại một cách nhanh chóng. Nếu không nhờ Mỹ Hạnh cứu thì hôm đó vợ Hai Đại đã chết. Tuy nhiên, chết còn hơn sống. Bởi khi ấy gia đình Hai Đại hết vốn, phá sản, Hai Đại chết bất đắc kỳ tử, còn vợ thì phẫn chí đi lang thang, sau đó người ta bắt gặp bà đi ăn xin khắp đầu đường xó chợ...

Ông Đạt biết hết mọi chuyện nhưng đâu làm gì được, bởi quyền hành trong nhà do bà vợ nắm hết. Ông cứ tưởng mọi việc đang dần qua đi, nào ngờ nay lại thế này...

- Thưa ông, có khách tìm ông!

- Ai vậy? Nói tao không có ở nhà.

Nhưng vừa lúc ấy đã có người lên tiếng ngay sau lưng:

- Đâu cần phải làm vậy ông bạn già!

Vừa quay lại ông Đạt đã ngạc nhiên:

- Ông là...

Ông lão râu tóc bạc phơ nhìn thẳng vào chủ nhà vừa cười hiền hòa:

- Thời thế đổi thay, nên làm sao người năm xưa nhận ra nhau.

- Nhưng, đây là...

- Người đã lấy số tử vi cho ông cách đây năm năm nhớ ra chưa?

Ông Đạt reo lên:

- Ông thầy số Năm Đồ!

Ông lão đưa tay chỉ chiếc ghế:

- Ngồi được chứ?

Ông Đạt vội vã:

- Mời, mời thầy ngồi! Trời ơi, tôi bậy quá, người đã giúp mình mà lại quên!

Ông thầy Năm Đồ vô đề ngay:

- Đúng ra tôi chưa tới đây, nếu không có chuyện con gái ông...

Ông Đạt hốt hoảng:

- Con gái tôi sao?

Ông thầy lấy ra một tờ giấy nhỏ, nhìn vào rồi chuyển sang cho chủ nhà:

- Ông còn nhớ bảng tử vi tôi lập cho ông hồi năm đó không?

- Lâu quá rồi, tôi cũng không để ý...

- Ông đi lấy bảng đó ra tôi so với bảng này rồi tôi chỉ cho ông điều tôi muốn nói.

Ông Đạt vào trong một lát trở ra với tờ tử vi trên tay. Cầm lấy, đặt cả hai tờ giấy trên bàn, ông thầy Năm Đồ chỉ vào cung mệnh, vừa giải thích:

- Tôi đã từng lưu ý ông về đứa con gái, ông nhớ không?

Ông Đạt chợt nhớ, ông nói liền:

- Ông bảo nó có số chết vì tình!

- Phải.

Ông Đạt bắt đầu run:

- Ngày đó tôi cứ tưởng...

- Tử vi không tin cũng không được. Năm nay cô con gái ông đủ hai mươi mốt tuổi phải không?

Nhẩm tính rồi ông Đạt đáp:

- Còn hơn một tháng nữa thì nó tròn hai mươi mốt tuổi. Và phải chăng...

Ông nhớ tới cơn hôn mê của con, nên hỏi dồn:

- Ông có cách nào cứu con tôi không? Nó đang bị...

Ông thầy Năm ngã lưng ra ghế, đăm chiêu một lúc:

- Chính vì việc này mà tôi tới đây. Đêm qua tôi mộng thấy một chuyện lạ lùng lắm, nên vội tới đây ngay. Tôi hỏi thật ông, có phải con gái ông đã từng có một đời chồng?

Ông Đạt la lớn:

- Làm gì có! Nó còn là con gái mà...

Ông thầy Năm lắc đầu:

- Không đúng! Chính đêm qua chồng cô ấy về kêu tôi đi cứu giùm vợ anh ta! Vậy chuyện ấy là sao?

- Không hề...

Quyên đứng gần bên vội kề tai ông nói:

- Cậu Phi Long đó...

Ông Đạt gạt ngang:

- Nó chỉ mới hứa hẹn, chớ có gì đâu...

Nhưng ông thầy lại nói:

- Cô này vừa nhắc tới người tên Phi Long, đúng là anh ta! Chính anh chàng này đang đợi để bắt vợ mình theo.

Ông Đạt phát run:

- Chuyện thằng Phi Long... chuyện ấy...

Ông muốn nói là chính vợ ông đã đền mạng rồi, mà chưa tiện nói ra. Nhưng ông thầy hình như hiểu ý nên nói thẳng:

- Anh chàng chỉ muốn đòi đúng mạng của vợ mình thôi. Mà theo tử vi thì đến tháng sau cô Mỹ Hạnh sẽ làm được điều anh chàng muốn. Họ là một cặp đôi trời sinh ra để sống với nhau. Đúng ra họ sẽ ăn đời ở kiếp, nếu không có chuyện xảy ra hồi năm xưa.

Ông ngừng lại một lúc rồi lại chỉ sang cung Thân của bảng tử vi:

- Tuy nhiên số của ông lạ lắm, ở cung Mệnh thì con gái đã gần như chắc chắn sẽ chết khi đúng hai mươi mốt tuổi, thì ở cung Thân, lại có người làm được chuyện kim thiền thoát xác! Mà thoát xác chỉ để cho con gái ông mới lạ.

Ông Đạt càng mù mờ hơn:

- Ai vậy?

Ông thầy Năm nghiêm giọng:

- Gần đây ông có giao du hay hứa hẹn hôn nhân gì với một người có cái tên có nghĩa là màu đỏ không? Cau mày nghĩ ngợi một lúc rồi ông Đạt lắc đầu:

- Đâu có ai?

Nhưng một lần nữa con Quyên lại là người nhớ ra:

- Phải ông bà Phán Son không, ông Son là màu đỏ mà...

Ông thầy Năm vỗ tay:

- Đúng là mối ấy! Chính họ là vị cứu tinh cho nhà ông đó!

Ông còn nói:

- Ông hiểu kim thiền thoát xác không? Đó là chuyện người này chết để cho người kia sống!

Ông Đạt hốt hoảng:

- Vậy ra nhà Phán Son có ai chết sao?

- Chuyện ấy rồi ta sẽ biết, nhưng tôi hỏi thật ông, có phải nhà đó có muốn cưới con gái ông không?

- Đúng như vậy. Nếu không có chuyện gần đây...

- Là chuyện con gái tôi đi chơi với con trai nhà đó rồi giữa chừng ngã lăn ra ngất đi và trong cơn mê sảng đó nó đã nhắc tới tên người yêu cũ nhiều lần, đến nỗi làm cho nhà bên ấy giận, rút lui luôn!

Ông thầy Năm mỉm cười:

- Không hề gì. Bây giờ con gái ông đâu?

Ông Đạt thở dài:

- Nó hôn mê như chết từ mấy hôm nay. Tôi đang rầu...

Ông thầy đứng lên bước thẳng vào trong, rồi trước sự chứng kiến của ông Đạt, ông ta gọi to:

- Cô Mỹ Hạnh dậy đi! Phi Long đang tìm cô đó!

Đang nằm im như chết, bỗng Mỹ Hạnh cựa mình, rồi bất ngờ ngồi bật dậy, ngơ ngác:

- Anh Long đâu?

Ông thầy chỉ tay ra phía trước bảo:

- Cậu ấy đang chờ cô đó. Cô cứ đi tìm, hễ tìm được thì cô sẽ hóa giải được hết mọi nghiệp chướng cuộc đời mình! Bằng không...

Ông vừa dứt lời thì như được ai dẫn đường, Mỹ Hạnh đi một hơi ra cổng ngoài, rồi cứ nhắm phía trước mặt mà bước. Ông Đạt, thầy Năm và cả Quvên tức tốc đi theo...

Vợ chồng Phán Son quá đỗi ngạc nhiên khi thấy cả mấy người bước vào nhà. Ông Thành Đạt phải lên tiếng phân trần:

- Chúng tôi sang đây là theo ý ông thầy Năm đây.

Ông thầy Năm chặn lời:

- Tôi muốn gặp cậu nhà.

Bà Phán bỗng òa lên khóc:

- Nó có còn là người đâu mà gặp với gỡ!

Ông Đạt giật mình:

- Thằng Henry sao rồi?

Ông Phán bình tĩnh hơn, nói:

- Từ bữa đi với con Mỹ Hạnh về tới nay thì nó nằm một chỗ như chết. Bao nhiêu thuốc thang đều vô hiệu, giờ chỉ còn chờ chết mà thôi.

Mỹ Hạnh đột nhiên chạy thẳng vào trong, không nói không rằng, cô ôm chầm lấy Henry và gọi lớn:

- Phi Long!

Đang như xác chết, bỗng nhiên anh chàng bật dậy, hỏi to:

- Vợ tôi đâu rồi?

Người ngạc nhiên và mừng rỡ nhất là vợ chồng Phán Son. Họ chưa tin là sự thật:

- Con... con tỉnh lại rồi phải không?

Nhưng trước sự kinh ngạc của họ, anh chàng Henry phớt tỉnh, đứng lên nắm tay Mỹ Hạnh rồi bước đi mà chẳng chào hỏi ai.

- Con!

Mặc cho họ kêu, cả hai vẫn bước thẳng ra ngoài. Lúc này ông thầy Năm mới lên tiếng:

- Cứ để họ đi. Khi họ trở về cũng là lúc quyết định sinh mạng của cả hai!

Nhìn hai người khuất dần ở ngoài cửa, mặc dù đã nghe ông thầy Năm nói như vậy, nhưng ai nấy vẫn ngay ngáy lo...

Một tiếng đồng hồ sau...

Từ ngoài cửa bước vào đã nghe tiếng reo của Mỹ Hạnh:

- Chúng con về đây!

Họ nắm tay nhau sóng bước vào cửa, phía sau còn có người đàn bà ăn mày. Vừa thoạt trông thấy ông Đạt đã thất thần, kêu lên:

- Chị Hai Đại!

Bà Đại lúc này bình tĩnh hơn, bà nhẹ gật đầu chào mọi người, rồi im lặng đứng nép sau lưng Mỹ Hạnh và Henry. Chợt Henry quay sang nắm chặt tay bà, hướng về phía ông bà Phán Son:

- Con xin lỗi ba má. Từ giờ trở đi con phải gọi người này là mẹ, bởi con không còn là Henry nữa, mà là... Phi Long. Con là Phi Long của mẹ đây và của Mỹ Hạnh nữa!

Ông thầy Năm là người giải thích:

- Lúc nãy chúng đi ra ngoài để hoàn tất việc thay hồn đổi xác. Cậu Henry con ông bà đúng ra đã chết từ mấy hôm trước, nhưng do trời định, nên phải chờ tới ngày hôm nay, khi cô Mỹ Hạnh tới lần nữa, thì hai người chính thức là của nhau và cậu Phi Long, người chết cách đây hơn ba năm mới chính thức nhập vào xác cậu Henry mà sống lại. Cuộc thay hồn đổi xác là vậy đó...

Mục lục
Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục