Gửi bài:

Hồn tiểu Hương báo oán

I.

Ông Chín Hựu chẳng biết làm sao để tránh mặt mụ Hai Tỵ nên đành phải quay lại chào lấy lệ:

- Chị Hai đi chợ hả?

Mụ Hai Tỵ sấn lại ngay, cười cầu tài:

- Mạnh giỏi anh Chín! Chà, bữa nay coi bộ anh Hai trẻ lại năm bảy tuổi à nghen! Đi đâu mà diện dữ cha nội?

Chín Hựu không hứng thú nói chuyện với mụ lắm lời này, nhưng buộc phải nói cho qua:

- Đi ăn giỗ. Chị đi chợ hả?

Ông định đi ra khóa cửa cổng lại thì mụ Hai đã nhanh nhảu tọt vào sân, kéo tay Chín Hựu:

- Có chuyện này anh không nghe không được. Đi ăn giỗ chậm một chút cũng không sao mà!

- Chuyện gì thì chị nói lẹ lên, tôi cần qua bên kia gặp Tư Hạo bàn công chuyện.

Mụ ta nheo mắt:

- Để bàn chuyện mượn tiền đóng ghe chớ gì?

Không ngờ mụ ta biết chuyện chỉ trong dự tính của mình, nên Chín Hựu giật mình:

- Sao chị biết?

Mụ ta cười ra vẻ tự đắc:

- Ở xứ này có chuyện gì mà Hai Tỵ này không biết! Anh quên là người ta đặt cho tôi cái biệt danh thiên lý nhĩ sao?

- Nghe thì ngàn dặm, nhưng thấy thì không qua một thước nữa!

Mụ Hai cau mày:

- Anh "mắc mỏ" gì tôi đó?

Ông Chín chỉ dưới đất:

- Chị sắp đạp lên thau củ kiệu đang phơi rồi kìa!

Mụ Hai Tỵ bước tránh vừa chẩu mỏ ra:

- Cái anh này lúc nào cũng "kê" người ta. Mà bây giờ có muốn nghe chuyện về kết quả vay tiền của mấy ông không?

Quả mụ ta đánh vào chỗ nhược của già Chín, bởi chuyện vay tiền đóng chiếc ghe chở hai trăm giạ lúa là niềm khát khao của ông. Tư Hạo là đầu mối sẽ giới thiệu ông vay tiền của một tay chuyên cho vay ở chợ Huyện, đúng ra chuyện này khi chưa thành công thì không một ai là người ngoài được biết, vậy mà...

- Anh khỏi phải gặp Tư Hạo, cũng không cần nghĩ tới vụ vay tiền nữa!

Chín Hựu đã bắt đầu bực:

- Bộ chị thọc gậy bánh xe hả? Tôi nói cho chị biết...

Mụ Tỵ chặn lời:

- Nè, đừng có đổ oan cho người ta nghe? Ai chọc gậy bánh xe hồi nào?

Rồi mụ ta hạ thấp giọng:

- Nghe cái này rồi anh Chín không cần vay mượn ai hết, cũng dư tiền sắm chiếc xe năm trăm giạ luôn!

Mụ ta ra vẻ quan trọng, kéo Chín Hựu lại thật sát mình:

- Có người muốn tặng cho anh số tiền lớn để làm ăn, anh tính sao?

Từ nào đến giờ chưa hề tin tưởng bất cứ điều gì người đàn bà này nói, nên Chín Hựu nhún vai:

- Đời này đâu có chuyện ai cho không ai bao giờ đâu!

- Vậy mà có!

Mụ ta cười đầy bí hiểm rồi ngưng nói, như cố tình làm cho Chín Hựu phải sốt ruột. Nhưng gặp tay già Chín cứng đầu này thì đừng hòng. Ông tỏ ra không quan tâm:

- Chị ra để tôi còn đi. Còn chuyện tiền bạc gì đó thì chị cứ lấy về mà xài!

Ông bước hẳn ra ngoài, chuẩn bị đóng cửa cổng thì mụ Hai chạy theo chặn ngang trước mặt:

- Anh hãy nghe tôi nói đã. Chuyện này có liên quan tới anh và con gái anh nữa!

Nghe nói tới con gái mình, Chín Hựu hơi giật mình:

- Con gái tôi mắc mớ gì?

Mụ Hai lại cười cầu tài:

- Con út Hoa không những mắc mớ mà còn là vai chính nữa!

Đã quá quen với việc mai mối của mụ này, nên Chín Hựu chỉ tay vào mặt mụ ta gằn giọng:

- Con gái tôi còn nhỏ, tôi cấm chị không được mai mối nhảm nhí cho nó, tôi không để chị yên đâu nghen!

Mụ Tỵ nheo mắt:

- Gì mà dữ dằn vậy ông nội! Người ta đem lợi lại cho mà còn hăm dọa nữa. Nè, tôi nói thẳng, có người muốn cưới con út Hoa, người ta chịu tặng nó một cái nhà ở phố chợ hay nhà đất vườn ở quê này cũng được, kèm theo một nhà máy xay lúa với đoàn xe vận tải một chục chiếc, anh tính thế nào?

- Để chị đem hết về xài đi!

Chín Hựu gạt ngang, vừa bước đi nhanh, khiến cho mụ Hai tẽn tò. Nhưng mụ không giận, mà còn cười nói một mình:

- Để rồi ai cần ai cho biết!

Chín Hựu bước đi như chạy trốn. Phần thì chạy khỏi mụ đàn bà lắm chuyện kia, phần thì cho kịp chuyến đò dọc rất hiếm hoi, để còn qua bên kia xã gặp người đã hẹn. Tuy nhiên, đi chưa tới bến đò thì đã thấy bóng một người quen quen đi ngược lại, rồi người đó cất tiếng gọi lớn:

- Anh Chín!

Thì ra là Tư Hạo, người mà Chín Hựu đang muốn gặp.

- Sao anh lại qua đây, mình hẹn ở quán Chết Xía kia mà!

Tư Hạo đang ngồi xe ngựa vội nhảy xuống, qua ngồi chung xe với Chín Hạo:

- Ta đi trở lại bến đò rồi tôi nói chuyện này cho nghe.

Chỉ không đầy năm phút sau thì cả hai đã ghé vào một tiệm nước bên đường gần bến đò Long Giang. Chín Hựu nóng ruột hỏi ngay:

- Có chuyện gì vậy chú Tư?

Tư Hạo nhìn trước sau như sợ có ai nghe mình nói:

- Vụ vay tiền không xong rồi! Mà còn có chuyện này nữa, người mà tôi tính hỏi vay cho anh họ nói đừng bao giờ hỏi mượn tiền họ nữa, nhất là mượn cho anh. Họ nói có trả lời bao nhiêu họ cũng không dám cho! Sao vậy anh Chín?

Chín Hựu cau mày:

- Sao anh lại hỏi tôi? Hay là anh có đụng chạm chuyện gì với họ?

Tư Hạo xua tay lia lịa:

- Tôi với người này xưa nay như thủ túc, chưa bao giờ tôi hỏi nợ mà họ từ chối! Mà cũng lạ, chỉ mới hôm kia đây thôi, họ còn hối thúc tôi qua lấy tiền, vậy mà buổi chiều đã trở mặt. Tôi cứ thắc mắc hoài, không hiểu nhà đó với anh có chuyện gì với nhau không mà họ nói thẳng, vay giùm anh là họ không bao giờ cho!

Chín Hựu quả quyết:

- Tôi không đủ uy tín để hỏi vay thẳng, nên phải nhờ tới anh, chớ từ nào đến giờ tôi có mất lòng mất dạ gì họ đâu. Lâu lâu tôi còn nhận chở lúa cho ông ta nữa kia mà!

Tư Hạo lắc đầu:

- Tôi cũng chịu thua!

Im lặng một lúc, bỗng Tư Hạo thấp giọng:

- Sao nhà đó biết anh có cô con gái út xinh đẹp?

Chín Hựu giật mình:

- Họ nói gì con gái tôi?

- Không phải Chệt Xía nói, mà có người khác đề cập tới con út Hoa.

- Ai vậy?

Tư Hạo ngần ngừ rồi lắc đầu:

- Vụ này tôi không xía vào. Kẻo rồi đây anh đổ lỗi, cho rằng tôi mai mối, xúi giục.

Chín Hựu càng nóng ruột hơn:

- Mai mối gì cho ai? Mà chuyện đó có dính gì tới vụ tôi nhờ anh vay tiền?

Tư Hạo ngập ngừng một lúc:

- Tôi không tính nói, nhưng tôi với anh là chỗ thân tình lâu nay, có chuyện gì cũng chia sẻ cùng nhau, nên tôi cũng không giấu...

Phải mất nửa phút sau, ông ta mới nói thẳng:

- Có người nhờ Chết Xía hỏi con gái anh cho con họ đó! Nhưng Chết Xía với anh không thân, nên anh ta mới nhờ qua tôi.

Chín Hựu vỗ đùi:

- Chắc là mai mối cho đám Tàu lai ngoài chợ chớ gì? Nói thật với anh Tư, con gái út tôi nó đại kỵ mấy người xì xồ xì xào đó. Đừng hòng...

Tư Hạo hạ thấp giọng:

- Không phải đám đó đâu. Đám này ngon hơn nhiều, nhưng mà...

- Ở xứ này còn ai ngon hơn tàu hơn mấy cha Minh Hương. Nhất là qua Chết Xía thì tôi cũng đoán ra ngay rồi...

Tư Hạo cười bí hiểm:

- Vậy mà tôi cá là anh đoán không ra!

Thấy từ đầu đến cuối ông bạn già của mình cứ úp mở hoài, Chín Hựu lớn tiếng:

- Có gì nói đại ra đi, nóng ruột thấy bà đây cha nội!

- Anh thật tình muốn nghe?

- Lại nữa rồi, nói lấp la lấp lửng rồi hỏi người ta có muốn nghe không! Thôi, không nói thì để tôi đi đám giỗ, sắp trễ đò!

Vừa định đứng lên thì ông đã bị Tư Hạo kéo lại:

- Bây giờ thì nói.

Đôi bạn ngồi xuống xong, Tư Hạo mới nhẹ giọng:

- Ông Quận trưởng Hùm muốn làm sui với anh!

Nếu là người nào khác thì có thể đã reo lên trước tin này, bởi một thường dân mà được làm sui gia với nhà quyền thế như vậy thì còn gì bằng! Nhưng Chín Hựu thì vừa nghe xong mặt mày đã đỏ bừng lên:

- Không ham!

Tư Hạo hình như đã đoán biết trước phản ứng của bạn mình, nên lại dịu giọng, thuyết phục:

- Đừng có ác cảm với họ như vậy. Quận trưởng Hùm cũng là người không đến nỗi nào...

Chín Hựu chen ngang vào:

- Thằng ác ôn đó, giết người như giết gà giết heo, năm nào mà không bắt người oan, vu cáo người ta để chiếm đoạt ruộng vườn! Thử hỏi ở xứ này ai mà không biết chuyện đó. Chỉ có mấy người đui mù hoặc mấy thằng quan Tây mới tin tưởng hắn mà thôi.

Thấy bạn căng quá, Tư Hạo ngừng không nói nữa, nhưng chỉ lát sau đã chuyển giọng:

- Mà bây giờ anh có muốn vay tiền không? Anh nhớ là số tiền anh còn nợ bên nhà Mười Phải đã quá hạn trả rồi đó, họ mới nhắc tôi, bởi tôi là người bảo lãnh cho anh vay.

Chín Hựu thở dài:

- Nói thật, vừa rồi nhờ anh vay tiền của Chết Xía, tôi định trích ra một phần để trả cho Mười Phải, còn lại mới mua chiếc ghe chở hàng. Đi vài chuyến hàng là sẽ cải thiện được ngay...

- Còn ai hiểu anh bằng tôi. Nhưng vụ này tôi e là gay go rồi. Anh cũng biết ở xứ này, một khi Quận Hùm mà ra lệnh thì còn ai dám cho anh vay.

Chín Hựu trố mắt:

- Thì ra do Quận Hùm ngăn không để Chết Xía cho mình vay?

Tư Hạo gật đầu:

- Chắc chắn là như vậy!

- Nhưng tại sao ông ta lại làm như vậy?

- Còn phải hỏi, chỉ bởi con gái út của anh!

- Nhưng nó...

Tư Hạo chân tình:

- Tôi với anh là chỗ anh em, nên lúc đầu tôi cũng có phần ái ngại giùm anh. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy tình hình cũng không đến nỗi nào. Con út Hoa giờ cũng đã lớn, thể nào rồi cũng phải có chồng...

Chín Hựu cắt ngang lời:

- Anh đừng nói nữa. Bộ anh quên rằng thằng con trai của Quận Hùm nổi tiếng còn hơn cha nó nữa về những chuyện gian ác, trăng hoa! Gả con cho nhà đó chẳng thà tôi đem con đi làm mồi câu sấu còn có lý hơn!

- Nhưng mà...

Tư Hạo còn định thuyết phục thêm, nhưng Chín Hựu đã đứng ngay dậy, đi thẳng.

- Trễ đò rồi. Đến trưa mới có một chuyến nữa!

Chín Hựu quày quả quay ngược lại, nói mà không nhìn mặt Tư Hạo:

- Tôi về!

Tư Hạo nhẹ lắc đầu:

- Tôi biết chắc là sẽ có rắc rối mà...

Ông ta định đi theo bạn về tận nhà để tiếp tục thuyết phục, bởi sứ mạng của ông ta hôm nay là phải thành công với vai trò thuyết khách này. Tuy nhiên, khi nhìn Chín Hựu đi quá xa, nên vừa lẩm bẩm gì đó vừa quay bước ngược về phía bến đò. Nơi đó có một chiếc ca nô của Quận Hùm đang đợi sẵn.

Trong khi đó thì Chín Hựu đi nhanh về nhà. Ông vừa bước vào cửa đã gọi to:

- Út Hoa, ra ba bảo!

Cô con gái út của ông tuy mới mười bảy tuổi mà đã nảy nở, phát triển như thiếu nữ đôi mươi, lại có nhan sắc trời cho, nên tuy là con nhà nghèo mà lại đẹp hơn cả tiểu thư khuê các. Vừa nghe cha gọi, cô dạ một tiếng rồi chạy ra ngay. Vừa thấy con gái, ông Chín dặn ngay:

- Nhớ lời ba dặn, từ nay bất cứ khách lạ nào tới gọi cửa cũng không được ra mở. Để chuyện đó cho ba.

- Sao vậy ba?

- Thì biết vậy thôi.

Nói xong, ông đi thẳng ra hông nhà, tiếp tục công việc thường ngày của mình. Còn út Hoa thì xách rổ ra sau vườn lặt rau, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Lát sau, lặt được đầy rổ rau, út Hoa vừa bước từ ngoài vườn vào tới hiên nhà đã nghe có tiếng người gọi từ ngoài cửa:

- Cháu ơi, cho bác hỏi!

Đưa mắt nhìn ra, thấy một ông lão cỡ tuổi cha mình, tuy nhiên nhớ lời cha dặn là không được trực tiếp nói chuyện với khách lạ, nên Hoa không ra mở cổng mà lại quay vào nhà gọi lớn:

- Ba ơi, có khách!

Chín Hựu đang sửa lại chiếc xuồng hư sau nhà, phải bỏ ngang, bước ra. Thấy người lạ, ông hỏi:

- Ông kiếm ai?

Ông khách lớn tuổi giọng thật thà:

- Dạ, tôi là khách thương ở phương xa, đi qua đây chẳng may bị bọn cướp chặn ở ngã ba sông trên kia cướp sạch cả tiền bạc và phương tiện, may mà nhanh chân, bơi lội giỏi nên mới thoát nạn. Lần đến đây được thì quá mệt, quá đói, định xin một bữa cơm...

Lão vừa nói tới đó thì ngã lăn ra, chỉ còn thở hơi lên. Chín Hựu hoảng quá, gọi vào nhà:

- Út Hoa, ra tiếp ba coi!

Cô con gái út được cha gọi mới chạy ra, họ cùng nhau khiêng ông già vào nhà. Ông Chín bảo:

- Lấy dầu gió ra đây!

Cuộc cấp cứu kịp thời có hiệu quả, lát sau ông già tỉnh lại, ông chỉ nói được mấy câu rời rạc, ông Chín ra dấu cho con gái:

- Múc ngay ra đây cho ba chén cháo mà hồi sáng ba nấu để trưa nay ăn. Nhanh lên!

Sau khi ăn được nửa chén cháo thì ông già tỉnh hẳn, còn cám ơn rối rít:

- Tạ ơn ông anh và...

Ông định quay sang cám ơn cô gái, nhưng lúc đó út Hoa đã chạy vào trong. Ông khách nhẹ mỉm cười.

Cuộc hàn huyên tuy bất đắc dĩ, nhưng cả hai ông già lại tỏ ra tâm đắc ngay. Hỏi thăm được biết lão khách tên Võ Hương, một thương gia từ miền ngoài vào. Chín Hựu quý lắm:

- Tôi cũng thích cái nghề đi buôn của ông anh, hiềm vì tôi không có vốn, nên đôi ba lần tính chuyện mà không xong.

Bỗng Võ Hương đề nghị:

- Tôi mạo muội tính vậy, chẳng hay huynh có thuận tình...

Ông ngập ngừng một lúc mới nói tiếp:

- Tôi đang có sẵn đội tàu thuyền chuyên chở hàng đi khắp nơi để buôn bán, nhưng lại thiếu người quản lý kinh doanh. Bây giờ gặp được anh, tuy mới quen biết thôi, nhưng tôi đã thấy được sự say mê nghề thương lái, nên tôi có ý này... hay là anh hợp tác với tôi, anh bỏ công và tay nghề ra, còn tôi đầu tư vốn và tàu thuyền, chúng ta làm chia đôi. Và còn hơn thế nữa...

Ông lại ngập ngừng lần nữa... Chín Hựu ngạc nhiên hỏi:

- Anh Võ còn điều gì muốn nói?

- Có điều này... chỉ e. Số là thế này, tôi có một đứa con trai, năm nay được hai mươi. Nó tuy không chuyên nghề buôn như tôi, nhưng cũng hiền từ, thích làm việc. Hiện nó mới đỗ Tú tài toàn phần, nhưng chưa muốn đi làm việc nhà nước. Tôi có ý... muốn ngỏ lời với anh, nếu anh bằng lòng thì... xin được kết thông gia. Anh thấy thế nào?

Đề nghị hơi bất ngờ, nhưng cũng không gây khó chịu cho già Chín, bởi ông vừa nhớ tới chuyện bày trò của Quận Hùm, hay là... nhận đại mối này? Thà nhận người xa lạ làm thông gia, còn hơn là đem con nộp mạng hang hùm đó.

Bởi vậy, ông Chín đáp ngay:

- Nghe được đó! Nhưng anh đâu đã biết gì về con gái tôi?

Ông Võ gật gù:

- Mới rồi tôi đã gặp cháu nó. Nói thật, con mắt của tôi tinh đời lắm, chỉ nhìn qua là tôi biết con gái anh sẽ là con dâu tốt rồi!

Hai người bạn già càng nói chuyện càng thấy tâm đắc, ông Chín càng thấy quyết định của mình là đúng.

Ông bàn thẳng chuyện với ông Võ:

- Mình đã nói là một lời, chỉ yêu cầu anh về ngay ngoài đó, tính gấp rồi vào ngay. Lễ cưới tôi chẳng đòi hỏi gì, chỉ làm cho bà con biết, rồi sau đó con út sẽ theo chồng ngay.

Ông Võ mừng lắm:

- Tôi không ngờ trong cái rủi lại có cái may lớn hơn. Tôi tuy mất của, nhưng vẫn còn giấu được chút ít ở áo trong, nó bị ướt rồi lại khô và còn nguyên đây. Tuy là không phải, nhưng tôi xin chừa đủ tiền tàu xe về quê, còn bao nhiêu xin gửi lại cho con dâu tương lai, hãy giữ đó làm tin, sau này góp thêm vào vốn liếng làm ăn!

Ông Chín gọi con gái ra:

- Nãy giờ chắc là con đã nghe ba và bác Võ nói chuyện. Vậy ý con có thuận không? Chớ con còn ở xứ này ngày nào thì đám Quận Hùm nó không để con yên...

Út Hoa gật đầu ngay:

- Con xin nghe theo lời hai bên cha mẹ!

Ông Võ quá phấn khởi:

- Tuy chưa gặp mặt thằng Võ Thành nhà bác, nhưng nói thật, con mà thấy thì sẽ không chê đâu! Nó chẳng những đẹp trai, học giỏi mà lại còn hiếu thảo, hiền lành lắm!

- Dạ...

Út Hoa chỉ dạ một tiếng rồi cúi đầu chạy biến vào trong. Già Chín hài lòng, nói:

- Tính con nhỏ như vậy đó, cử chỉ như vậy là thuận tình lắm rồi đó. Tôi tin là sau này anh sẽ hài lòng, và cháu ở nhà cũng không hối tiếc...

Hai ông già nhìn nhau tâm đắc lắm...

II.

Vừa đích thân sửa lại đôi liễn treo hai bên cột nhà, ông Chín vừa cất tiếng hát bài bình bán vắn mà lâu lắm rồi mới nghe ông hát. Út Hoa ở nhà sau bước ra, vừa ngạc nhiên vừa thích thú:

- Cả chục năm nay mới nghe ba hát lại bài hát này! Ba hát còn mùi lắm chớ bộ!

Già Chín nổi hứng:

- Dịp này mà không vui thì còn dịp nào nữa? Chỉ mười ngày nữa là đằng trai người ta vào tới rồi. Nói thật, kỳ này đám cưới của con xong ba có chết cũng vui lòng!

Út Hoa tròn mắt nhìn cha:

- Ba lại nói "gở" nữa rồi! Ông này, mấy hôm nay cứ mở miệng là nói gì đâu không!

Chín Hựu cười giả lả:

- Ba đang vui mà con. Mà con đừng lo, mấy người hay nói tào lao như ba thì chẳng bao giờ chết bậy đâu!

- Ba!

Ông Chín xìu lại:

- Ừ thì thôi không nói nữa. Mà con đã đi đo thử áo chưa? Con gái út ba về nhà chồng phải bận bộ áo dài màu hồng thật đẹp, phải đeo những món nữ trang mà nhà chồng đã gửi vào. Đeo cho sáng rực cả nhà, cho vong hồn má con nơi suối vàng hả lòng hả dạ!

Nói đến đó ông lại khóc. Những giọt nước mắt sung sướng mà cả đời ông mới có. Những đứa con lớn của ông do hoàn cảnh nghèo, nên ngày hôn lễ chỉ cử hành đơn sơ, có đứa còn không có bộ đồ cưới cho ra hồn... Nay đến phiên con út, có lẽ trời đã nhìn lại, thương cho nhà ông.

- Ông già Chín có nhà không vậy?

Giọng của ai đó hơi lạ, lại có vẻ trịch thượng, khiến cho già Chín đang đứng trên ghế đẩu đã phải nhảy xuống,

- Ai mà om sòm vậy?

- Cha, ông già bữa nay dữ dằn quá há!

Út Hoa hốt hoảng:

- Ba ơi, ai như là... như là... Quận trưởng?

Cô nói xong đã vội chạy biến vào nhà trong. Con gái xứ này vậy đó, mỗi khi nghe tiếng cha con Quận Hùm thì đều phải lánh thân.

Ngoài kia, lần này giọng nói kiểu ra lệnh:

- Mở cửa coi!

Vừa sợ nhưng cũng vừa bực, già Chín định ra cự, nhưng vừa bước ra ông đã giật mình, khi thấy đi cùng với Quận Hùm có cả thằng con trai và một đám tùy tùng có đến cả chục đứa. Chúng bộ vẻ hầm hè như sấp ăn tươi nuốt sống ai đó!

- Ông Quận rảnh sao ghé nhà thảo dân giờ này?

Quận Hùm là tay đáo để lắm, vội đổi giọng ngay:

- Ghé thăm ông già gân Chín Hựu là nghĩa vụ của những người làm quan như tôi, có gì mà rảnh với không rảnh! Sao, không đi ghe sao ông Chín?

- Cám ơn ông Quận, kẻ thảo dân này chẳng biết bị trời đày hay sao mà làm ăn càng ngày càng lụn bại, hết vốn, đến nỗi có chiếc ghe mà mua cũng không nổi, vay tiền thì bị người ta ngăn không cho vay. Tôi nghĩ, thật trời quá bất công!

Ông già Chín muốn nhân cơ hội này nói cho đã miệng, không nghĩ tới phản ứng của lão Quận hiểm ác. Và điều gì phải đến đã đến, khi Quận Hùm trợn mắt nhìn ông già:

- Con gái ông đâu?

Vờ như không hiểu, già Chín hỏi lại:

- Con nào? Tôi có tới bốn đứa con lận...

Quận Hùm hét lớn:

- Đem con gái út ông ra đây!

Già Chín lắc đầu:

- Con gái út tôi không có nhà. Nó đi về miền Trung theo nhà chồng rồi!

Câu trả lời ấy khác nào dầu đổ vào lửa, lão Quận gầm lên:

- Thằng già này thân lừa ưa nặng mà! Tao hỏi lần nữa, con gái mày đâu?

- Không có nhà.

Ông Chín nói câu này cũng thật to, ngầm cho út Hoa biết mà trốn đi. Nhưng không còn kịp nữa, bởi thằng con trai của lão ta đã thoáng nhìn thấy bóng út Hoa ở sau nhà, hắn la lớn:

- Nó ở ngoài kia cha ơi!

Quận Hùm như con dã thú, hắn lại gầm lên:

- Tụi bay châm lửa đốt nhà nó cho tao!

Mấy tên thuộc hạ nghe lời ngay. Một mồi lửa vừa châm lên thì đã nghe ông Chín thét to:

- Tao giết tụi bay!

Sẵn cầm trên tay cây búa tháo đinh, ông Chín lao thẳng tới bọn thuộc hạ. Một tên bị bất ngờ nên trúng một búa ngã lăn ra. Tên Quận Hùm chẳng cần nói thêm tiếng nào, đã rút súng lục bên sườn nổ liền ba phát. Cả ba phát đạn đều ghim thẳng vào già Chín! Tội nghiệp, ông già ngã xuống như thân chuối đổ, không kịp la lên tiếng nào đã hồn lìa khỏi xác!

Quá bất ngờ, Út Hoa từ trong buồng lao ra, trên tay cầm sẵn một con dao sáng quắc. Cô chẳng cần suy nghĩ, bổ đại xuống đầu thằng con trai Phi Hổ của Quận Hùm! Tên này đang bất cẩn nên chỉ còn chờ lãnh đủ ngọn dao. Thì...

- Bùm!

Một phát đạn bắn thật chính xác từ Quận Hùm, trúng ngay giữa ngực cô gái đáng thương! Út Hoa bật lên rồi đổ xuống.

Cùng lúc đó, ngọn lửa từ một tên thuộc hạ bùng lên. Mái nhà lá của cha con Chín Hựu chỉ trong phút chốc đã làm mồi cho thần hỏa. Quận Hùm kéo tay con trai và lũ thuộc hạ bước nhanh ra ngoài tránh lửa. Hắn vỗ vai con:

- Bỏ đi con, con này đẹp thật, nhưng nó quá dữ, lấy làm gì!

Phi Hổ tiếc nhìn ngọn lửa, hắn thấy rõ xác cô gái cháy như ngọn đuốc trong đó. Hắn nuốt nước miếng, tiếc rẻ...

Võ Thành sửa soạn cẩn thận rồi mới lên bờ. Đoàn xe ngựa bốn chiếc đã chờ sẵn. Chính ông Võ Hương đã lo chuyện đó, ông bảo:

- Dẫu bên sui gia họ không đòi hỏi, nhưng mình cũng làm cho phải lễ. Con ngồi xe thứ nhất, bảo người đánh xe phủ cái màn đỏ mình mới treo lên đó cho ra vẻ xe cưới. Ba và gia đình sẽ đi các xe sau. Thôi, mình xuất phát là vừa, kẻo bên nhà gái đợi.

Từ bến sông cái tới nhà út Hoa phải qua hai con lộ nhỏ, mà hôm trước khi về, đích thân Hoa đã đưa đường cho ông đi. Cô nàng còn dặn:

- Khi trở vào bác cứ đi đúng con đường này, đừng đi phía chợ, nhất là đừng đi qua dinh Quận.

Không hiểu nàng dặn như thế là có ý gì, nhưng lần này Võ Hương làm đúng như vậy. Ông còn dặn Võ Thành:

- Đây là xứ lạ, con cứ thẳng đường mà đi. Có ai hỏi gì thì đã có ba lo.

Thật ra trên đường đi chẳng có gì xảy ra. Mãi cho đến khi tới khúc quanh đường rẽ vào nhà Chín Hựu, bỗng có tiếng ai gọi từ ven đường:

- Dừng xe lại!

Võ Thành chưa từng gặp mặt út Hoa và tất nhiên là không quen với giọng nói của nàng. Chỉ có ông Võ Hương ngồi xe sau thì nhận ra, ông nói lớn:

- Cháu đó phải không Hoa?

- Con đây! Con là út Hoa đây. Bác và anh Thành chớ có vào nhà, mà hãy đi ngay tới dinh Quận!

Ông Võ Thành nhảy hẳn xuống xe, nhìn chung quanh tìm Hoa, bởi lúc ấy chỉ có tiếng nói vọng ra thôi. Ông hỏi lớn:

- Con ở đâu Hoa?

Người đánh xe ngựa lúc này mới lên tiếng:

- Út Hoa con ông Chín Hựu hả? Nãy giờ ông không nói để tôi kể cho nghe. Họ đã...

Anh ta vừa nói tới đó thì bỗng méo miệng, cấm khẩu một cách kỳ lạ! Ông Võ Hương quay sang mấy người đánh xe kia, định hỏi họ chuyện gì đã xảy ra, nhưng hầu như người nào cũng bị tình trạng y như người đánh xe kia! Ông Võ lại hỏi vọng vào ven đường:

- Con ở đâu Hoa?

- Con không thể ra mặt bây giờ. Đám cưới thì thế nào cũng phải tới, nhưng bây giờ có một việc khác cần kíp hơn, xin bác và anh Thành hãy nghe con, quay đầu xe lại tiến về dinh Quận trưởng, nơi đó sẽ quyết định vận mệnh của chúng con sau này.

Vốn coi trọng cô gái này, nên ông Võ quay sang con trai, bảo:

- Nên nghe đi con. Út Hoa là đứa không biết nói qua lời.

Võ Thành tự dưng có niềm tin tuyệt đối vào cô vợ tương lai của mình, anh gật đầu nói với cha mà như muốn nói với Hoa:

- Mình làm bất cứ gì em Hoa muốn đi cha!

Cả bốn chiếc xe ngựa cùng quay hướng về phía dinh Quận trưởng. Dọc đường, cả hai cha con họ Võ đều nghe tiếng của Út Hoa rót vào tai:

- Hãy làm theo đúng lời dặn này: Hôm nay tại nhà của Quận Hùm có một sòng đánh bài ăn tiền rất lớn. Thằng Phi Hổ con trai hắn là tay mê cờ bạc nặng, một khi đã cay cú rồi thì hắn có thể nướng cả sản nghiệp cũng dám làm!

Võ Thành giãy nảy:

- Anh đâu biết đánh bài.

Giọng nàng chậm rãi nói:

- Cứ đánh theo lời của em, rồi anh sẽ thấy!

Lâm vào thế quá bất ngờ, nhưng do tin lời út Hoa, vả lại lúc ấy họ chưa hề biết tin út Hoa đã chết, cho nên trước khi bước vào sòng bạc, ông Võ Hương dặn con:

- Mình không phải dân cờ bạc, nhưng một khi Hoa nó dặn như vậy thì chắc là có nguyên do nào đó, con cứ cố gắng. Cha sẽ đi theo hộ tống.

Hai cha con bước vào dinh Quận và được đón tiếp long trọng ngay, bởi hôm nay theo lệnh của Quận Hùm, mọi người giàu có đều được quyền tự do ra vào dinh. Mục đích của cha con hắn là hôm nay sẽ lột sạch những người tới chơi! Đã bao nhiêu lần rồi, trò lừa bịp này cha con hắn đều thắng to, bởi không một ai tới sào huyệt này mà có thể thoát khỏi trò cờ gian bạc lận của cha con hắn. Còn lần này...

Khi Võ Thành ngồi xuống chiếu bạc thì Phi Hổ đưa mắt nhìn rồi cất tiếng hỏi:

- Chắc là huynh ở phương xa tới? Đủ sức chơi tới sáng mai không?

Võ Thành hơi lúng túng, nhưng dường như có ai đó khiến anh lên tiếng tự tin:

- Chủ gia có nhã ý tới đâu thì kẻ hèn này cũng xin theo tới đó!

Anh định thò tay vào túi lấy ra bó giấy bạc đem theo dùng làm sính lễ cưới, nhưng bỗng giật mình, bởi lúc này bề dày của bó bạc đã tăng lên gấp nhiều lần! Không tiện lấy ra đếm, nhưng Thành biết nó nhiều lắm... Anh nhanh tay móc ra và đặt thẳng lên bàn:

- Đây chỉ là khúc dạo đầu!

Chính Phi Hổ cũng trố mắt nhìn, hắn nghĩ thầm, thì ra tay này có máu mặt đây. Từ lúc đó, hắn có phần nể. Do vậy, cuộc sát phạt có phần thoải mái. Ván đầu tiên do còn thăm dò nên Thành chỉ đặt một số ít, nhưng bỗng bên tai anh có người nhắc thật khẽ:

- Đánh mạnh gấp mười lần đi!

Thành liếc mắt nhìn thì không thấy ai. Lưỡng lự một chút rồi anh cũng nghe theo, đặt ngay một số tiền khá lớn.

- Trúng rồi!

Ai đó la lên khi thấy Võ Thành mở bài ra. Và rồi cả sòng bạc đều xôn xao. Thành đã trúng một ván bài cực lớn. Phi Hổ chung tiền mà tay run run.

Những người đánh ở các sòng khác như hốt me, xóc đĩa, tài xỉu đều lần lần bỏ sòng, dồn qua đứng phía sau để tận mắt chứng kiến cuộc sát phạt có một không hai. Đặc biệt là họ muốn xem tên công tử bách chiến bách thắng hôm nay đại bại như thế nào!

Ván bài kế tiếp Võ Thành lại hơi rụt rè, lần này thì chính Phi Hổ giục:

- Đánh lớn đi chớ, bộ sợ thua sao công tử?

Hắn nói khích bởi trong đầu đã có sẵn ý đồ để gỡ. Nhưng hình như Võ Thành không phải theo lời khích của hắn, mà anh chờ tiếng nói bí mật rót vào tai:

- Cứ đánh nữa. Đánh đúng chục cây nữa thì coi như kết liễu hắn!

Quả đúng như vậy. Liên tiếp sáu cây bài nữa Võ Thành đều thắng. Số tiền mà Phi Hổ ăn của thiên hạ từ đầu đến lúc đó buộc phải tuôn ra trả lại hết. Đến cây thứ tám thì hắn nóng mũi nhìn Thành:

- Mày có chơi lận không mày?

Võ Thành bình tĩnh đáp:

- Nếu nghi ngờ thì anh cứ xét người tôi. Như ai cũng thấy, tôi đánh bài thật thà, có lẽ do hên thôi. Nếu anh sợ thua nữa thì tôi xin thôi vậy!

Đời nào tên công tử háo thắng này chịu lép, hắn gằn giọng:

- Chơi tới cùng. Bây giờ tao có đề nghị này, thay vì đánh tiền mặt nhỏ lẻ, ta đặt bằng tài sản như nhà, ghe, xe cộ... Chơi không?

Võ Thành chưa kịp quyết định thì tự dưng trong tay anh có một xấp giấy tờ, mở ra xem, anh thấy đó là tờ sở hữu năm căn phố ở chợ, trị giá rất lớn. Và giọng nói thân thương lại vang lên trong tai Thành:

- Cứ chơi, cho đến khi nào hắn đem cả điền đất, ruộng vườn và cái cơ ngơi này ra đặt thì dứt một cú luôn. Nhớ bắt hắn ta làm văn tự, kêu mấy người chứng nghe!

Võ Thành làm y lời. Và canh bạc kế tiếp Phi Hổ lại thua. Hắn mất đến hai căn phố ngoài chợ! Người ta đã thấy mồ hôi trán hắn tuôn ướt đẫm cả mặt mày. Hắn nổi máu điên, định hành động gì đó, nhưng bất ngờ mặt hắn bỗng tái nhợt, môi run run... Thành đề nghị:

- Công tử mệt rồi, hay ta nghỉ một lúc rồi sẽ chơi tiếp.

Hắn điên tiết:

- Chơi luôn, không nghỉ gì cả. Bây giờ tất cả tiền ăn được phải để yên đó, cho đến khi nào kết thúc cuộc chơi mới thuộc quyền sở hữu của người thắng!

Võ Thành quay sang mọi người phân bua:

- Bà con làm chứng giùm nhé! Tôi sẽ giữ đúng như lời công tử đây. Nhưng có một điều kiện: về tài sản, một khi ai thua thì phải làm văn tự giao nhận và phải có sự làm chứng của mọi người chung quanh. Công tử đồng ý chớ?

Phi Hổ gầm lên:

- Chơi luôn. Lần này thì lo mà trả hết lại cho tao!

Tuy nói hùng hổ vậy, nhưng chỉ hai cây bài nữa thì người của hắn ta mềm ra, hầu như không còn sức chiến đấu nữa. Hắn đã thua trắng tất cả. Chỉ còn lại cái cơ ngơi cuối cùng là ngôi biệt thự đang ở. Lúc này thì đột nhiên tên Quận Hùm xuất hiện cùng với bốn tên thuộc hạ súng ống đầy người. Lão ta đã quát to từ ngoài sân:

- Đứa nào cờ gian bạc lận đâu?

Hắn bước vào gần tới thềm nhà thì bỗng trợn trắng, như đang bị ai bóp cổ! Hắn giãy giụa một lúc rồi ngã lăn. Trong này cuộc sát phạt vẫn tiếp diễn, bởi hầu như chẳng ai để ý chuyện vừa xảy ra ngoài sân. Phi Hổ chờ cho tên thuộc hạ thân tín đi lấy giấy tờ sở hữu nhà ra, hắn ném xuống chiếu bạc, lớn tiếng:

- Đây là sản nghiệp của tao, mày dám lấy hết những gì đang có mà chơi ngang một cây chót không?

Võ Thành vẫn điềm tĩnh:

- Tùy công tử thôi. Nếu tôi có thua thì coi như trả lại công tử cái gì thuộc về chủ của nó!

Canh bạc chót ngã ngũ. Võ Thành lại thắng! Tờ văn tự giao nhận đã được ông Võ Hương làm sẵn, đưa vào cho Thành. Thành đẩy tới trước mặt Phi Hổ. Tưởng đâu hắn sẽ phản ứng, nhưng không hề. Hắn ta ngoan ngoãn đến không ngờ, ký tên liền vào văn bản, rồi đứng dậy bỏ ra. Chưa đầy nửa phút sau, bỗng có tiếng súng nổ vang ngoài sân. Rồi có tiếng ai đó thét lên:

- Cậu Phi Hổ tự tử bằng súng rồi!

Có đến mấy chục người từ trong phòng đánh bạc ùa chạy ra xem. Trong khi đó, Võ Thành nhẹ nhàng đứng lên và nhân lúc không ai để ý, đã ôm hết những gì mình có được bước ra ngoài. Phía ngoài hàng rào đã có sẵn chiếc xe ngựa chờ. Trong xe không phải là ông Võ Hương, cũng không phải Út Hoa, mà là một cô gái trẻ đẹp khác đã ngồi đợi sẵn. Cô kiêm luôn việc đánh xe. Điều khiển xe ngựa một cách thành thạo, cô mỉm cười với Võ Thành xong rồi lên tiếng:

- Mọi người đang đợi anh, hãy ngả lưng ngủ một chút đi để lấy sức, khi nào đến nơi em sẽ gọi.

Có không muốn thì lúc ấy tự dưng hai mí mắt của Thành cũng như bị ai đó trì kéo xuống. Anh ngả lưng ra và ngủ ngon lành...

- Dậy đi, tới nơi rồi!

Người gọi Võ Thành không phải là cô gái lúc nãy, mà chính là ông Võ Hương. Ông nhìn con mỉm cười và lên tiếng:

- Mọi chuyện suôn sẻ cả. Thành công rồi!

Thành bật ngồi dậy thì thấy mình đang ở một nơi rất lạ. Trong một ngôi nhà lá đơn sơ.

Tưởng là nhà của bên vợ, nên Thành đảo mắt nhìn cố ý tìm út Hoa.

- Người con tìm ở đây rồi!

Cô gái đánh xe lúc nãy bước ra. Miệng cô vẫn giữ nụ cười rất tươi khi ông Võ Hương giới thiệu:

- Đây là Kim Liên, người đã đưa con về đây an toàn.

Võ Thành sốt ruột:

- Vậy còn Hoa đâu?

- Em là Hoa đây.

Người vừa trả lời chính là cô gái tên Kim Liên. Cô nàng bước tới đứng ngay trước mặt Võ Thành vòng tay thi lễ rất đúng phong cách con nhà gia giáo:

- Em xin lỗi vì đã không kịp nói trước. Chính em....

Ông Võ Hương nói thay:

- Ba cũng mới biết tin đây. Cách đây mấy hôm chẳng may một bi kịch xảy ra và út Hoa đã...

- Em đã chết!

Câu nói đó từ chính miệng của Kim Liên thốt ra, khiến cho Võ Thành ngơ ngác:

- Sao vậy? Có chuyện gì vậy?

Tư Hạo nãy giờ ở nhà trong, lúc này mới bước ra. Ông nhìn vào Thành và nói:

- Tôi là bạn của Chín Hựu, tức ông già vợ của cậu. Tội lỗi tày trời vừa qua là do chính tôi gây ra. Tôi đã mai mối để bọn Quận Hùm để ý tới cô vợ tương lai của cậu là út Hoa. Và vì thế nên mới xảy ra thảm kịch. Tôi đã kể cho ba cậu nghe rồi, cả nhà út Hoa đã bị cha con Quận Hùm sát hại không còn ai! Ba ngày sau cái chết của út Hoa thì con gái tôi là Kim Liên, vốn là bạn thân của con Hoa cũng lăn đùng ra chết mà không rõ nguyên do nào! Tôi đang đau buồn thì hồn phách con gái tôi về báo cho biết là chính nó chết để thay cho oan hồn của út Hoa dưới chín suối. Đó là cách để nó trả nợ giùm tôi, đồng thời nó báo hiếu công tôi nuôi dưỡng từ nào đến giờ. Tỉnh dậy sau giấc mơ, tôi xót thương con gái tội nghiệp, đang ngồi khóc thì đột nhiên nó lừng lững bước ra. Kim Liên bằng xương bằng thịt đang ở trước mặt tôi! Nhưng thay vì gọi ba và mừng rỡ, nó lại vòng tay thi lễ với tôi, rồi nói thẳng nó chính là út Hoa! Có nghĩa là hồn út Hoa nhập vào xác của Kim Liên con tôi, để sống lại!

Ông kể tới đây thì nghẹn ngào không kể tiếp được. Kim Liên phải tiếp lời:

- Xác là xác của Kim Liên con chú Tư, nhưng thật ra em là út Hoa. Em được cho sống lại là bởi em chết oan, và cũng bởi nhân duyên giữa em và anh chưa trọn vẹn.

Nàng quay sang phía ông bố chồng:

- Con xin kính ba một lạy. Xin được ba và anh Thành chấp nhận!

Giọng nói của nàng rõ ràng là giọng đã rót vào tai Thành những lời ngọt ngào, chỉ dẫn cho anh đánh thắng tất cả các ván bài hồi nãy. Thành như bị mê đắm vào âm điệu ấy, anh chờ cho nàng nói hết rồi bất ngờ cầm lấy tay và thốt ra:

- Anh cám ơn em!

Võ Thành chưa từng biết mặt út Hoa, nên việc anh chấp nhận cô gái tên Kim Liên này là chuyện có thể hiểu. Nhưng với ông Võ Hương thì việc ông gật đầu ngay kể cũng lạ:

- Ba cám ơn con.

Tư Hạo lau nước mắt, điều vừa diễn ra khiến ông nhẹ cả người.

- Vậy là tôi không còn ân hận nữa rồi!

Ông quay ra ngoài cửa lạy lấy lạy để:

- Vong hồn anh Chín, vong hồn cháu Hoa, xin hãy tha thứ cho tôi để tôi...

Kim Liên cười to:

- Con đâu còn là vong hồn nữa, sao bác lạy con?

Tư Hạo chợt nhớ ra, ông hơi ngập ngừng:

- Thì vong hồn... con Kim Liên!

Kim Liên bước lại gần, vịn vai Tư Hạo, giọng trìu mến:

- Dẫu sao thì bác cũng là cha của con! Bây giờ ba con không còn nữa, thì xin bác hãy nhận là cha, để khi hôn lễ cử hành có người đóng vai ông sui gái chớ!

Tư Hạo còn đang ngỡ ngàng thì ông Võ Hương đã bắt tay ông siết chặt:

- Cháu nó nói phải, anh phải nhận vai trò đó.

Võ Thành cũng vòng tay thi lễ:

- Con xin được phép gọi là cha.

Tư Hạo xúc động đến chảy nước mắt. Ông ôm chầm lấy cha con họ Võ, rồi nhìn sang Kim Liên như chờ đợi một lời nói. Cô nàng hiểu ý, lại nắm tay ông gọi một tiếng:

- Cha!

Khi nghe tin cha con Chín Hựu chết thì cả làng đều xúc động, bàng hoàng!

Nhiều người đã khóc thương suốt mấy ngày...

Nhưng khi hay tin cha con Quận Hùm chết sau cuộc sát phạt đỏ đen thì trái lại, hầu hết dân trong vùng đều hả hê, mừng khôn xiết kể!

Ngôi biệt thự to lớn của Quận Hùm đáng lẽ thuộc về nhà họ Võ, nhưng từ sau đó chẳng thấy ai tới tiếp quản. Bởi một lẽ đơn giản, cha con Võ Thành đã rước Kim Liên về quê họ. Một đám cưới thật lớn diễn ra ngoài đó! Còn ngôi nhà, sau khi cha con Quận Hùm chết, bà vợ cũng sinh bệnh rồi chết theo. Nhà hầu như bỏ trống.

Rồi bỗng nhiên vào một đêm tối trời, một ngọn lửa bùng cháy lên thiêu rụi cả cơ ngơi mà ngày nào là dinh lũy của tội ác và quyền lực!

Người ta đồn ầm là về sau, ở nền nhà hoang đó có những bóng ma cứ đêm đêm quỳ gối, ngửa mặt lên trời và cất tiếng tru như chó tru! Có người quả quyết đó là hồn phách của nhà Quận Hùm!

Mục lục
Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục