Gửi bài:

Quyển IX - Phần I - Hai nén hương thề

Khi nhìn thấy người phụ nữ ấy bước từ dưới ghe lên, tự dưng Út Hương phát rùng mình. Cô cũng chẳng biết tại sao, chỉ biết rằng qua bộ mặt của con người ấy có cái gì đó làm cho cô bất an.

Người duy nhất mà Út có thể chia sẻ được nỗi lòng lúc ấy chỉ có chị mình, Ba Xuân.

- Chị Ba có thấy mụ ta đeo trên cổ vật gì không?

Xuân ít tinh tế hơn em gái, nên khi Hương nhắc, cô mới nhìn lại người đàn bà đi cạnh ba mình, rồi nhún vai bảo:

- Có gì đâu.

Út Hương lườm chị một cái:

- Bà này cái gì cũng ba phải...

Hai chị em họ đang nói tới đó thì ba họ lên tới. Ông cười rất tươi để lấy lòng hai con:

- Người này là...

Không ngờ Út Hương đã chặn lời:

- Là bà la sát!

Người đàn bà không ngờ bị giội ngay nước lạnh, mắt bà ta long lên, quay sang nhìn ông Thái như mắng vốn. Tuy nhiên, người đàn ông này chỉ trợn mắt với con gái, nhưng khi nói thì lại yếu xìu:

- Con nhỏ Hương này... ăn nói vậy hả? Đây là dì Tâm của các con. Dì Tâm sẽ...

Trong lúc Xuân im lặng thì Út Hương lại lồng lên:

- Không có dì nào trong nhà này hết! Nếu muốn thì ba dẫn bà ta đi đi!

Nói xong, Hương quay quả bỏ đi. Nhưng bước được mấy bước vẫn không thấy chị đi theo, cô quay lại la lên:

- Bộ chị muốn quỳ xuống ra mắt bà la sát đó hay sao mà còn ở đó!

Lúc này Xuân mới nhẹ bước đi theo em. Ở phía sau họ, nghe giọng người đàn bà gọi là dì Tâm đó chì chiết ba mình:

- Ông dạy con như vậy hả? Thảo nào...

Không nghe ba nói gì, có lẽ ông đang cố gắng chịu đựng... thì trong lòng Út Hương lại bừng bừng nổi giận.

Cô gay gắt với chị:

- Coi có chịu nổi không chớ! Ba đang sợ bà ta kìa, chị thấy không?

Xuân vốn hiền lành, an phận như xưa nay:

- Có gì đâu, em cứ...

Hương quá bực mình với chị:

- Coi bộ chị sẵn sàng đón chờ cho bà ấy leo lên đầu lên cổ rồi đó! Em chán chị quá đi...

Cô dùng dằng bỏ đi một mình về phòng ngủ. Trong khi Xuân lại một lần nữa chỉ biết thở dài...

Chuyện ba họ sẽ đón người đàn bà này chị em Xuân đã biết cách đó một tuần. Khi ấy, trước khi đưa ghe đi, ông Thái đã nói với các con:

- Nói gì thì nói, ba cũng phải đi bước nữa. Dì Tâm là người đàn bà giỏi giang, sẽ giúp ba lo việc buôn bán và còn lo cho các con khôn lớn nữa. Ba sẽ đi rước bà ấy về ngay.

Kể từ khi mẹ qua đời cách nay hai năm. Có lẽ đây là lần đầu tiên chị em Xuân và Hương đối diện với chuyện gọi là mẹ ghẻ con chồng. Tuy nhiên lúc ấy họ chỉ mới nghe và hình dung thôi, chớ đâu phải như lúc này...

- Xuân!

Tiếng ông Thái gọi, Xuân dừng lại chờ. Ông Thái bước tới bên con, nhỏ nhẹ:

- Con là chị, vậy phải giải thích cho Út Hương nghe. Nó không được làm như vậy...

Xuân chán nản:

- Ba nói với nó chớ con nói sao được.

Cô cũng bỏ về phòng riêng. Bên ngoài, giờ đến lượt hai ông bà. Ông Thái nhẹ giọng:

- Bà đừng để ý, con Út nhà này tính tình như vậy đó, nhưng mà hiền lành, dễ thương.

Bà Tâm chanh chua:

- Hiền lành mà giống như quỷ cái, kiểu đó chắc là giống... gái mẹ nó.

Lời bà ta vừa dứt, tức thời từ trong phòng của Út Hương một vật bay ra, suýt nữa đã trúng vào vai mụ, nó rơi xuống nền gạch vỡ toang ra. Đó là chiếc lọ hoa.

Mụ Tâm hét toáng lên:

- Trời ơi, nó giết người!

Ông Thái biết không ổn nên thật nhanh chân kéo bà ta chạy ngay về phòng mình. Trong khi mụ Tâm vẫn tru tréo:

- Con ông là quỷ chớ đâu phải người! Thôi, ông để tôi đi, tôi về nhà tôi sống, chớ ở đây sao được mà ở!

Tuy miệng nói vậy, nhưng mụ ta vẫn theo vào phòng. Và chỉ một lúc sau đã nghe mụ ta cười nói huyên thuyên như chẳng có gì xảy ra. Rối đến một lúc mụ ta hạ thấp giọng như chỉ muốn cho riêng ông Thái nghe:

- Ông phải hứa chắc đó nghe, chỉ cho chúng nó ở tối đa một năm mà thôi. Sau đó phải tìm người mà gả nó đi cho rảnh nợ. Phải như vậy thì tui mới tiếp tục ở lại đây...

Không ngờ ông Thái lại hứa:

- Ờ, thì để rồi tính... chúng là con gái không sớm thì muộn cũng phải lấy chồng thôi.

Bà ta gắt lên:

- Ngay tức thời, chớ không phải muộn! Nếu ông không hứa thì tôi xuống ghe về nhà ngay bây giờ.

Lại một lần nữa ông Thái xuống giọng:

- Để từ từ đã. Bà để tôi sắp xếp rồi mọi việc sẽ đâu vào đó...

Mụ Tâm dường như vẫn chưa hài lòng, nên giọng chì chiết của mụ vẫn vọng ra từ trong phòng. Mọi diễn biến đó hầu như không lọt ra khỏi tai Út Hương. Cô gái lúc về phòng đã không yên tâm, nên đã lẻn ra đứng bên ngoài phòng ba để nghe ngóng... và nhờ thế mà cô đã nghe hết hầu hết những trao đổi giữa ba và mụ ấy.

Quá thất vọng, Út Hương trở về phòng mình nằm ôm mặt khóc nức nở. Một bàn tay đặt lên vai cô, Hương mở mắt ra thấy Xuân cũng đang khóc. Giọng Xuân nghẹn lại:

- Chị thấy hết rồi. Thôi, để rồi tính...

Nói mãi mà Xuân cũng không chịu đi, viện lý do không khỏe, cuối cùng Út Hương đành phải đi một mình. Cũng may nắng chiều đã dịu, nên không còn sợ nắng, mà đường qua các bụi tre, khóm gai thì Hương đã quá quen thuộc, cô đâu ngại gì việc đi vào giờ nhá nhem như vầy.

Khu nghĩa địa Gò Sao đối với mọi người thì đầy những chuyện ghê rợn, hoang đường, đến nỗi dù cho con trai đàn ông gan góc mà tới đây cũng phát rùng mình. Duy chỉ có Út Hương thì chưa bao giờ ngán ngại. Đơn giản là bởi kể từ hai năm qua, kể từ khi mẹ chết, thì hầu như ngày nào cô cũng một mình ra nghĩa trang này, ngồi trước mộ mẹ hằng giờ liền, bất chấp sáng, tối, nắng, mưa. Có lẽ nhờ vậy mà quen, không còn cảm giác sợ sệt nữa...

Ngôi mộ xây của mẹ do chính một tay Út Hương chăm sóc, trang hoàng. Từ cái mộ, bia, đến những cây hoa trồng bên mộ đều một tay Hương vun trồng và tưới nước thường xuyên, nên bốn mùa trên ngôi mộ đều có hoa nở.

Còn hỏi tại sao cả nhà chỉ có mình Hương là gắn bó và thương yêu mẹ đến như vậy, trong khi Xuân cũng thương mẹ nhưng so với Hương thì kém xa, có lẽ đúng như câu nói của Xuân: "Con Út Hương thương má nhất trên đời này có lẽ do trong suốt thời gian dài, từ khi lọt lòng nó đã chứng kiến nỗi buồn triền miên của má khi bà ngày đêm phải chịu đựng cảnh ba bỏ nhà đi theo người đàn bà khác. Trong những lúc ốm đau liệt giường, cũng chỉ có Út Hương quấn quýt bên cạnh, nên mẹ dành hết tình yêu thương cho cô con gát Út. Đến giờ phút lâm chung, mẹ cũng cố ôm Út Hương vào lòng mà thều thào rằng mẹ sẽ không bao giờ bỏ con..."

Bởi tình cảm ấy, cho nên hơn một năm sau khi mẹ chết, Út Hương chỉ khóc và hầu như bỏ cả ăn uống. Nếu không nhờ một lần cả hai chị em Xuân, Hương đều có chung một giấc mơ. Trong giấc mơ đó mẹ các cô đã hiện về, đôi mắt bà sưng húp vì khóc. Mà lạ thay, những giọt lệ của bà lại toàn là máu! Út Hương hoảng quá đã gào lên gọi mẹ thì bà chỉ nói một câu trước khi biến mất: "Nếu con Hương mà như vầy thì má sẽ đi luôn, má sẽ thành oan hồn về chốn địa ngục chớ không ở bên các con được! Hãy cố mà mạnh khỏe lên, đời các con sẽ lắm khổ đau, chông gai đang ở trước mặt. Cứ nhịn đói thì làm được gì khi người ta cướp đoạt hết mọi thứ của các con?".

Giấc mơ đã có tác động tích cực đến sự hồi sinh sau đó của hai chị em Hương. Đặc biệt là Út Hương. Từ hôm đó cô trở lại tự tin hơn để một mình quán xuyến hết của cải, tài sản của ba mẹ. Ông Thái thì thường xuyên vắng nhà do bận bịu với người đàn bà khác ở Bạc Liêu, hầu như bỏ mặc cho chị em Hương chống chèo với cái xưởng đóng ghe đồ sộ. Lúc đầu tưởng đâu cái cơ ngơi ấy sắp tan tác bởi cái đầu tàu không còn. Tuy nhiên, có lẽ do sự phù hộ của mẹ, nên Xuân và Hương lần lần đã vượt qua được bao khó khăn, trắc trở. Ngày nay cái trại đóng ghe Thái Bình vẫn còn vững vàng đó với sự điều hành chắc tay của hai cô con gái tuổi đời chỉ mười tám, hai mươi! Đặc biệt là Út Hương, tuy mới mười chín tuổi, nhưng trong quan hệ làm ăn đã là trụ cột, bởi như có người nói cô đã thừa hưởng được hai tính nết vừa của ba vừa của mẹ. Trong đó tính cách cương quyết, thông minh, cộng với sự nhân từ độ lượng đã làm cho Hương được mọi khách hàng nể nang, mến phục.

Vậy mà...

- Má ơi!...

Quỳ trước mộ mẹ, Út Hương vừa khóc vừa kể lể:

- Nguy cho nhà mình rồi má ơi! Sáng nay ba đã dẫn mụ la sát ấy về nhà rồi! Mụ ta đúng như má nói hồi trước, là một con quỷ cái thì đúng hơn. Vừa về đến nhà thì mụ đã vươn nanh vuốt của mình ra rồi. Con tức lắm, muốn tống cổ mụ ta đi, nhưng ba thì về hùa với mụ ấy, ba còn có ý tống khứ tụi con đi khỏi nhà. Má biểu tụi con phải làm sao?

Như lệ thường, Út Hương bật quẹt đốt ba cây nhang để cắm trước mộ. Hôm nay cũng vậy, cô đốt cẩn thận nhang, nhưng chẳng hiểu sao vừa mới cắm xuống thì cả ba cây nhang đều tắt một lượt!

Thử đi thử lại lần thứ năm thì vẫn thế. Lúc này Hương linh tính có sự linh ứng của mẹ, cô thành tâm khấn:

- Sao má giận con? Sao má không về cho con yên lòng. Con xin má, nếu còn thương tụi con thì má hãy về đây ngay lúc này. Mấy cây nhang cháy là con hiểu má có mặt ở đây!

Hương chưa kịp bật quẹt lần nữa thì cả ba cây nhang đều cháy cùng lúc.

- Má!

Út Hương không nghĩ đến điều linh ứng lạ thường này, nên cô nói lắp bắp:

- Má... má về rồi... má về với con rồi...

Rồi mọi nỗi niềm chất chứa trong lòng bấy lâu nay, Hương có dịp tuôn ra như sợ không nói thì không kịp:

- Con mụ ấy nó tới rồi, nó hung dữ như chằn tinh gấu ngựa, nó sẽ giết bọn con má ơi! Cả ba nữa, ổng sợ mụ ta như sợ hùm beo! Má nói cho con biết đi, con phải làm sao bây giờ?

Ngừng lại để lấy hơi, Út Hương lại tiếp:

- Con muốn làm cho mụ ấy phải rời khỏi nhà mình ngay, nhưng ba thì coi bộ muốn mụ ta thay thế vai trò của má, phải làm sao? Hay là con tìm cậu Hai, nhờ cậu ra tay cho mụ ta sợ, được không má?

Nén nhang đang cháy bình thường, bỗng cháy bùng lên như ngọn đèn! Út Hương mừng rỡ:

- Có phải má biểu con làm vậy không?

Ngọn lửa ở đầu nhang phụt tắt. Và cả đốm lửa đang cháy cũng tắt luôn. Hoang mang, Hương run giọng:

- Sao vậy má?

Tay hơi run, Hương lại bật quẹt. Nhưng lạ sao, dù quẹt còn quẹt ra lửa, vẫn còn xăng, nhưng quẹt đến hơn chục lần vẫn không cháy. Tê cả ngón tay nên Út Hương ngừng quẹt, vừa tức tối lẩm bẩm:

- Đúng là má không thương mình...

- Ai vậy?

Đúng lúc đó, tiếng của ai vang lên phía sau làm cho Hương giật mình, quay lại và suýt kêu lên khi thấy một người đứng khuất hơn nửa thân người sau bụi chuối.

- Ai?

Hương vừa hỏi lại thì có tiếng reo lên:

- Hương hả con?

Thì ra người vừa đứng đó là ba Thái. Hương thở phào:

- Sao ba ra đây?

- Ba ra thăm mộ má con...

Bây giờ Hương mới hoàn hồn, cô xẵng giọng:

- Ba mà còn nhớ tới má sao? Ba về đi, má sẽ không chấp nhận sự có mặt của ba đâu. Má vừa mới về đây...

Câu nói lơ lửng của Hương làm cho ông Thái giật mình:

- Con nói... ai về?

- Má! Má vừa linh ứng về theo lời cầu khấn của con!

Ông Thái bước lại gần hơn và kêu lên:

- Coi kìa, tránh ra!

Út Hương thấy nóng ở chân, cô nhìn xuống đầu mộ thì hoảng hốt khi nơi đó đang cháy bùng lên dữ dội.

- Má! Có phải má đã...

Cô bước lùi ra, vừa lúc đó ông Thái lấy một tàu chuối tươi của ai đốn còn vất ở đó, đập mạnh vào đám lửa. Lửa chẳng những không tắt, mà trái lại càng lúc càng bùng lên dữ dội hơn.

Đây là khu nghĩa địa nên việc lửa cháy cũng không nguy hiểm gì, tuy nhiên khi lửa trùm lên ngôi mộ của mẹ thì Út Hương hoảng hốt la lớn:

- Cứu! Ai cứu má tôi với!

Ông Thái lúc đầu không có dấu hiệu lo lắng, nhưng khi nghe con gái la lên thì ông cũng bắt hoảng. Vừa bước lui, ông vừa quan sát xung quanh để tìm cách chữa cháy. Chợt nhìn thấy có ao nước gần đó, ông chạy ngay đi tìm vật múc nước. Tìm một lúc chẳng thấy gì, ông cởi phăng chiếc áo đang mặc ra, nhúng nước và mang ngay tới định chụp lên mộ.

Nhưng... thật lạ, lúc ông trở lại thì chẳng nhìn thấy đóm lửa nào, mà ngôi mộ thì vẫn còn nguyên vẹn, chẳng có một dấu hiệu nào của lửa vừa cháy. Còn Út Hương thì cũng chẳng còn ở đó.

- Hương đâu rồi?

Ông kêu lên mấy tiếng vẫn chẳng nghe Hương đáp. Nhìn lại ngôi mộ, chợt ông Thái phát hiện có một vật bằng kim loại nằm ngay chỗ cắm nhang. Vật đó vừa đập vào mắt, ông đã kêu lên:

- Chiếc lắc bạc!

Nhặt nó lên, nhìn vào mặt plaque (lắc), ông Thái tái mặt:

- Mình đã... liệm theo lúc chôn bà ấy mà?

Đúng là vật này chính tay ông Thái đã đeo vào tay cho vợ lúc liệm xác bà vào quan tài và đem chôn. Vậy tại sao giờ đây nó lại...

Ông thật sự bị dao động, tay ông cầm chiếc lắc mà run run, suýt làm cho nó rơi xuống đất. Trên mặt lắc còn hiện rõ dòng chữ: "Đời đời bên nhau".

Dòng chữ đó do chính tay ông khắc, vốn thuở thiếu thời đã từng học nghề thợ bạc, đã tự tay khắc vào. Hôm sau khi khắc xong, Thái đã hẹn người con gái mà ông đang yêu say đắm ra nghĩa địa, nơi có hai ngôi mộ song thân của cô ấy và cả hai đã quỳ xuống trước mộ với lời khấn đúng với câu mà Thái đã khắc vào tấm lắc: Chúng con nguyện sẽ đời đời sống bên nhau...

Nén hương thề hôm đó dường như cháy rất lâu, như muốn nói với họ rằng tình yêu của họ sẽ bền lâu mãi mãi... Vậy mà hôm nay...

Ông Thái cầm chặt vật kỷ niệm trong tay, vừa quay bước đi, chợt ông dừng ngay lại, đăm chiêu nhìn về hướng nhà mình... Cuối cùng chẳng hiểu sao, ông lặng lẽ quay lại trước đầu mộ, rồi dùng hòn đá nhỏ đào đất kế chỗ cắm nhang và đặt chiếc lắc vào đó, lấp đất lại. Bầu trời xung quanh lúc ấy đã tối đen. Khu nghĩa địa chìm vào u tịch cố hữu. Ông Thái chợt rùng mình, nên vội bước nhanh như chạy trốn...

Người đàn bà trẻ, da dẻ xanh xao, cùng với quần áo rách rưới tả tơi, càng làm cho chị ta càng trông bệ rạc, nhất là dáng đứng gần như không vững, đã làm cho mụ Tâm cũng phải động lòng. Mụ chau mày, hỏi:

- Chị nói từ đâu tới?

- Dạ, em từ Cà Mau.

- Vậy chồng con ra sao mà ra nông nỗi này?

Chị ta bật khóc sụt sùi:

- Dạ... xin bà đừng hỏi.

Mụ xẵng giọng:

- Muốn được tôi mướn thì phải nói rõ được thân thế mình, chớ úp mở như vầy thì chắc là không được.

Chị nọ hoảng hốt:

- Xin bà chủ tha cho, đừng đuổi con đi, tội nghiệp con... Thôi được rồi, con xin nói thật... chồng con chẳng may qua đời vì cơn bạo bệnh, còn con nhỏ cũng vì đói và bệnh ngặt mà lần lượt chết hết. Còn bây giờ thân cô thế cô, không nơi nương tựa.

- Năm nay chị bao nhiêu tuổi?

- Dạ, ba hai.

- Tuổi này thì cỡ tuổi em tôi. Đừng xưng là con cháu nghe tổn thọ lắm. Thôi được rồi, tôi nhận chị ở lại đây làm. Nhưng với một điều kiện...

Chị ta mừng rơn:

- Dạ, xin cảm ơn bà. Miễn là được làm việc, có cơm ăn là được rồi, bất cứ điều kiện gì con cũng chịu hết...

Mụ Tâm hạ thấp giọng:

- Chẳng có gì khó khăn cả. Yêu cầu là từ nay trong nhà này chị chỉ làm theo đúng mệnh lệnh của tôi mà thôi. Tôi bảo làm gì thì phải làm theo đúng như thế, không được hỏi, cũng không được làm theo bất cứ ai khác.

- Dạ...

- Chị có hứa như vậy không?

- Dạ... được.

Mụ Tâm lại nói cụ thể hơn:

- Trong nhà này ngoài hai vợ chồng tôi còn có hai đứa con gái con dòng trước. Tụi nó không ưa tôi, nhưng tôi thì thương tụi nó, cứ muốn lo mọi thứ tốt đẹp cho tụi nó vậy mà tụi nó vẫn gieo tiếng ác cho tôi.

Bà ngừng nói, lắng nghe động tĩnh rồi mới tiếp:

- Nhiệm vụ chính yếu của chị là lo săn sóc giúp một người bệnh. Nói rõ hơn, người bệnh này do mắc phải chứng nan y, phải sống tách biệt với mọi người ở một nơi riêng, vì vậy mỗi ngày chị đưa cơm nước, thuốc thang tới cho nó. Chỉ có vậy thôi. Chị làm được chớ?

- Dạ, đâu có gì khó, con... à em làm ngay!

- Được rồi, tôi cho chị căn nhà nhỏ bên kho lúa, cứ ở luôn đó. Còn đây nữa, tôi cho mấy bộ quần áo để mặc cho sạch sẽ với người ta. Còn công việc thì chưa bắt đầu lúc này. Đợi khi nào thì tôi sẽ báo và chỉ cho cách làm.

- Dạ, em cảm ơn.

- À, chị thứ mấy, tên gì?

- Dạ, em thứ Tư, gọi là Tư Thắm.

- Thôi, được rồi.

Đợi cho Tư Thắm đi ra rồi mụ Tâm mới quay vào trong buồng ngủ gọi khẽ:

- Ra đi ông thầy!

Một người đàn ông tuổi năm mươi, ăn mặc giống như một thương nhân người Hoa, từ trong bước ra vừa lên tiếng:

- Ở trong nãy giờ ngộ run quá "chời"! Lỡ thằng chồng nị nó dìa bất tử là ngộ chết liền!

Mụ Tâm nhún vai:

- Coi vậy mà nhát gan! Thằng chả đi qua Phụng Hiệp sáng mai mới về. Còn hai con quỷ con thì đi đám hỏi nhà bạn nó cũng chiều tối mới về tới, sợ gì!

- Nị nhốt ngộ trong phòng riêng lỡ ai thấy thì tiêu đời ngộ. Bây giờ nói đi, ngộ phải làm gì?

Mụ ta giọng cợt nhã:

- Làm gì mà như đỉa chạm vôi vậy. Từ từ người ta nói...

Mụ thuận tay bẹo vào má lão thầy Tàu, vừa nũng nịu:

- Thấy mà ghét! Làm xong vụ này người ta sẽ thưởng cho xứng đáng...

Lúc này, lão Tàu cũng không còn giữ ý tứ như lúc nãy, lão ta cũng nựng lại hai bên má mụ Tâm, rồi cất giọng tình tứ:

- Hồi nãy nằm trên cái gối thơm lừng nước hoa, đúng là của nị rồi, nức mũi luôn!

- Có muốn đêm nào cũng nằm như vậy không?

- Đồ quỷ, sao lại không muốn!

- Vậy thì nghe đây. Nói cho tui nghe coi, phải làm thế nào để một người bình thường phát lên điên?

- Ai vậy?

Mụ Tâm quắc mắt:

- Lại hỏi lôi thôi? Bây giờ có muốn sở hữu "người ta" đây không?

Lão Tàu cười hềnh hệch:

- Muốn... muốn chớ sao không. Ngon quá mà!

- Vậy có làm được không?

- Nhưng... mà ai vậy?

- Chưa cần biết là ai.

- Ngộ muốn biết coi người ấy trẻ hay già? Trẻ thì làm khác, già thì làm khác. Trai hay gái cũng khác nhau nữa.

- Bao lâu thì có kết quả?

Lão thầy Tàu nhẫm tính:

- Làm nhanh thì cũng được nhưng sợ có người nghi. Tốt nhất là chầm chậm. Trước tiên làm cho nó bệnh nặng sau đó cứ cho thuốc uống từng chút một, bệnh thông thường sẽ trở thành nan y.

Mụ Tâm reo lên:

- Hay quá! Được lắm, bắt tay ngay đi!

- Nhưng... trước khi làm chuyện đó, phần của ngộ cũng phải làm nữa chớ...

Lão ta kéo mụ vào lòng. Vừa lúc ấy, chợt có tiếng ai đó lên tiếng:

- Thưa bà chủ...

Sự xuất hiện đột ngột của Tư Thắm làm cho cả hai giật mình, mụ Tâm kịp đẩy lão Tàu ra, hơi lúng túng:

- Sao... sao lại lên đây...

- Dạ, em không có chìa khóa mở cửa nên...

- Được rồi, chị xuống dưới đi và chờ tôi.

Mụ tỏ vẻ khó chịu khi đứng lên, nhưng cũng kịp dặn lại lão Tàu:

- Ở đó chờ tui.

Vừa đi mụ vừa gắt lên với Thắm:

- Từ nay khi chưa có lệnh tui thì chưa được lên nghe!

- Dạ...

Mụ mở cửa nhà kho và dặn kỹ:

- Buổi tối chị chỉ được ngủ ở đây, không được đi ra ngoài. Ai trong nhà có hỏi thì nói là bà con với tôi, nghe chưa.

- Dạ...

- Mà nè...

Trước khi trở lên nhà, mụ còn nói thêm:

- Trong nhà này không ai tốt cả, cho nên tốt nhất chị gặp ai cũng giả như câm điếc, để tránh phải đôi co với họ. Chị giả làm người câm, điếc được không?

Suy nghĩ rất nhanh, Tư Thắm gật đầu:

- Dạ được.

- Tốt lắm. Nếu chị làm tốt mọi điều tôi dặn thì mỗi tháng ngoài tiền lương ra tôi còn cho thêm.

- Dạ.

- Đã dặn rồi, chỉ gật hay lắc thôi!

Tư Thắm thực hành rất đạt yêu cầu, khiến mụ Tâm yên tâm. Mụ cũng không quên răn đe thêm:

- Chuyện gì chị thấy lúc nãy hãy quên ngay, coi như không thấy, nghe chưa!

Lại một cái gật đầu.

- Được lắm.

Út Hương đang tiếp khách hàng thì bỗng kêu đau bụng. Cô cố gắng không để lộ ra, nhưng cơn đau mỗi lúc một nhiều hơn, đến nỗi toàn thân cô xuất mồ hôi, đôi chân gần như không còn đứng vững nữa. Xuân vừa về tới đã hoảng hốt kêu to:

- Ba ơi! Con Út...

Ông Thái đang ở trong phòng riêng, vội mở cửa chạy ra và vừa kịp lúc đỡ đứa con gái út đang té nằm sóng soài dưới sàn nhà.

- Em bị sao vậy Xuân?

- Dạ, con vừa về tới đã thấy vậy, chẳng biết sao...

Một người khách thuật lại:

- Cô Út đang nói chuyện với chúng tôi về việc đặt đóng ghe thì cô kêu khát nước và đi vào trong nhà uống. Lúc trở ra, mới nói chuyện được mấy câu thì cô ấy kêu đau bụng và nhanh chóng bị ngất. Hình như là bị nặng lắm.

Việc cấp cứu cho Út Hương gặp khó, bởi sau đó Xuân nói riêng với ba:

- Không chừng nó bị... bệnh con gái.

Xuân không muốn ba mình ở đó nên cố tình nói như vậy. Đến khi ông Thái ra ngoài rồi cô mới kề sát tai em hỏi khẽ:

- Em bị sao vậy?

Chẳng hiểu Hương nói gì, chỉ thấy sau đó Xuân hết sức lo lắng, cô tức tốc đưa em xuống xuồng, đưa ngay ra bệnh viện.

Cho tới chiều tối hôm đó Xuân mới trở về nhà một mình. Ông Thái lo lắng hỏi thì Xuân chỉ đáp gọn:

- Nó còn nằm trong bệnh viện.

Chỉ nói vậy rồi cô bỏ vô phòng riêng, chẳng nói gì thêm với ai.

Tới gần nửa đêm đó ông Thái tới gõ cửa phòng con, nhưng gõ mãi chẳng nghe ai lên tiếng, khiến ông lo lắng, thử xoay nắm chốt cửa thì phòng không khóa. Bên trong tối đen và im ắng. Khi bật được đèn lên thì ông Thái hốt hoảng khi thấy Xuân nằm vắt nửa người trên giường, nửa ở dưới.

- Xuân!

Ông bước tới và càng hoảng hốt hơn khi phát hiện con gái gần như chỉ còn thở thoi thóp, ở miệng trào ra bọt trắng.

- Trời ơi! Sao vậy con?

Ông bế xốc con lên thì đã nghe giọng mụ Tâm phía sau lưng:

- Có gì đâu mà phải hoảng như vậy, để tôi coi.

Bà vào xem xét qua loa, rồi bảo:

- Nó ăn uống bậy bạ gì đó bị trúng thực, nhẹ thôi.

Bà lấy trong túi ra một gói thuốc nhỏ và nói đầy tự tin:

- Bệnh này tui bị hoài nên có sẵn thuốc đây.

Rồi bà chủ động pha thuốc, đưa tận miệng cho Xuân:

- Uống đi!

Nhưng bất ngờ Xuân đưa tay gạt phăng một cái, chén thuốc văng tung tóe khắp nơi. Mụ Tâm được nước tru tréo lên:

- Ông thấy chưa, tôi tốt bụng cho nó uống thuốc mà nó làm như vậy đó!

Ông Thái cũng bất bình:

- Sao con hỗn hào vậy Xuân!

Xuân trong cơn vật vã, vẫn cố nói được tiếng mất tiếng được:

- Bà ấy... giết người... thì có...

Rồi sau đó cô mê man sâu...

Mụ Tâm bực tức bỏ đi, để mặc cho ông Thái lo sốt vó. Ông chưa biết phải làm sao chợt Tư Thắm xuất hiện đột ngột.

Vừa nhìn thấy người phụ nữ lạ này chẳng hiểu sao ông Thái sửng sốt, đôi mắt mở tròn mà chẳng thốt lên lời và như một thân cây bị đốn, ngã xuống đất. Bóng đèn dầu được đốt lên lúc nãy, bỗng tắt phụt, trả lại bóng tối lúc đầu Một tiếng kêu rất khẽ, chẳng biết là của ai.

Có một bóng người hình như bê trên tay một vật gì đó khá nặng, rời khỏi phòng...

Mụ Tâm bực bội ra mặt khi thấy ông Thái nằm im trên giường, giọng mụ cay độc:

- Nhìn cái mặt hãm tài của ông đúng là làm ăn không được. Bây giờ chịu uống thuốc rồi dậy mà lo làm ăn hay vẫn còn muốn nằm đây báo cô?

Mặc cho mụ ta đay nghiến, ông Thái chỉ nằm thiêm thiếp, chốc chốc ông lại kêu lên một tiếng rồi chới với như muốn ôm ai đó trong không khí.

Việc này đã lặp đi lặp lại mấy giờ rồi, làm cho mụ Tâm mất kiên nhẫn, mụ lắc đầu và bỏ ra ngoài và đi thẳng xuống bến sông. Nơi đó có một chiếc ghe mui kín đậu neo đã từ mấy ngày nay. Mụ gọi to:

- Ông lên đây đi, tới chuyện rồi đó.

Người ló mặt ra khỏi mui ghe chính là lão thầy Tàu A Sầu. Vừa thấy mụ, lão hỏi ngay:

- Thằng chả có ở nhà không?

Mụ gắt lên:

- Bảo lên đây lẹ đi, còn hỏi lôi thôi.

Lão thầy Tàu vừa lên đến bờ mụ đã nói ngay mà không cần giữ ý tứ:

- Thằng già đang bệnh kỳ lắm, nhân dịp này ông hốt cho chả một thang để theo ông bà luôn đi!

Lão A Sầu dè dặt:

- Chả bị bệnh gì, nói nghe coi?

- Bệnh tà hay sao đó!

- Cái gì? Thiệt hôn?

Mụ Tâm bực bội:

- Ở đây mà hỏi lôi thôi, vô nhà coi thì biết!

Lão A Sầu vẫn ngán ngại, nên phải đợi mụ Tâm giục đến lần thứ ba mới chậm bước theo vào nhà.

Đưa tay bắt mạch mà lão Sầu cứ lấm lét nhìn ông Thái. Khi khám xong lão ta cũng chỉ dám nói rất khẽ với mụ Tâm:

- Ông ta đâu có bệnh gì...

Mụ ta kêu lên:

- Tôi biết ngay mà, chả bị bệnh tà!

Sau khi hỏi kỹ và khám lại một lần nữa, cuối cùng lão Sầu cũng nói:

- Cũng dám bị tà ma nhập lắm. Mà vụ này thì ngộ không trị được.

Mụ Tâm nhéo cho lão một cái đau điếng, đồng thời kề tai lão rít lên:

- Ngu quá, ai biểu nị trị bệnh? Cứ hốt một thang thuốc gì đó cho chả đi, lẹ lên!

- Nhưng mà...

Sợ lão nói thêm lôi thôi, mụ kéo lão ra ngoài, vừa tiết lộ thêm:

- Đây là dịp may trời cho chúng ta rồi! Lão già tự nhiên lăn đùng ra mê man, còn hai đứa kia cũng chẳng hiểu sao cũng ngã bệnh trước sau và bỗng dưng biến đi đâu mất từ hôm qua đến giờ.

Lão A Sầu ngạc nhiên:

- Thuốc tôi đưa bà đã cho tụi nó uống chưa?

Mụ lắc đầu:

- Lạ là ở chỗ đó. Tôi chỉ cho tụi nó uống có một lần thuốc nhưng cả hai đứa đều ngã bệnh nặng. Hơi lạ... Nhưng mà không sao, trời đã giúp ta. Sẵn dịp ta dứt dây luôn thằng già, vậy là xong, cái cơ ngơi này coi như nằm trong tay ta rồi!

Lão A Sầu có vẻ đăm chiêu, nhưng hình như không muốn mụ đàn bà độc ác phật ý, nên chỉ lẳng lặng đứng nghe, thỉnh thoảng gật đầu lấy lệ.

Đợi cho mụ ta nói huyên thuyên, đủ thứ chuyện, lão Sầu một mình trở xuống ghe. Vốn ở một mình trên chiếc ghe đủ tiện nghi do chính tay mụ Tâm mua sắp và xếp đặt, nên khi vừa mở cửa mui ra, nhìn thấy một người phụ nữ ngồi sẵn trong ghe, mặt nhìn ra sau lái, thì lão cứ ngỡ là mụ ấy:

- Ủa, sao nị xuống đây nhanh vậy?

Lão tưởng đó là mụ Tâm, nhưng khi người ấy quay lại thì lão điếng hồn, hoảng hốt:

- Bà... bà là...

Trước mặt lão ta lúc ấy là một người đàn bà mà gương mặt xanh tái, đầu tóc rối bời, chẳng khác một thây ma từ dưới mồ vừa mới hiện về!

- Cứu... cứu...

Lão định kêu cứu nhưng tiếng chưa phát ra thành câu đã phải tắt ngang, bởi con người như quỷ ma đó đang từ từ nhích lại gần hơn. Chiếc ghe lắc mạnh như có ai làm cho nó chao đảo.

- Đừng...

Lão tưởng chừng như bị ai bóp cổ, làm cho khó thở và hai chân như bị đóng chặt xuống mặt sàn ghe.

Cho đến khi người ấy lết đến sát bên và đưa tay chụp vào vai lão thì A Sầu mới như cái xác không hồn, ngồi trơ ra đó mà hồn phách bay đi lúc nào rồi...

Trong mơ hồ lão nghe vẳng lại câu nói như từ cõi âm ty:

- Làm ác thì gặp ác! Gieo gió thì gặt bão! Hãy dừng tay lại trước khi quá muộn!

Đúng là những lời đó nhắm vào lão ta, bởi dưới ghe này ngoài lão và người phụ nữ quái dị kia thì chẳng có ai khác.

Tiếng nói lại cất lên:

- Hãy chuộc lỗi bằng hành động nhân từ, đó mới là cái tâm của một thầy thuốc! Hãy nhớ lấy, ông còn ba đứa con hãy còn nhỏ, chúng nó sẽ lãnh hậu quả của cha... nhớ lấy...

Lời nói nhỏ dần, xa dần... cùng lúc với việc người phụ nữ di chuyển về phía sau ghe và sau đó mất hút.

Mãi đến buổi chiều, khi mụ Tâm đứng trên bờ gọi giật ngược:

- Ông thầy, ông đâu rồi?

Thì dưới ghe lão A Sầu mới giật mình bật dậy và vẫn kinh hoàng:

- Bớ! Bớ người ta...

Lão ta chợt nhìn lên bờ và nhận ra người đang gọi chính là cái xác đội mồ! Lão thét lên:

- Đừng hại tôi! Tôi nghe lời... tôi nghe lời mà...

Lão vừa gào vừa chấp tay lạy tế. Mụ Tâm cũng phát hoảng:

- Ông làm sao vậy? Ông A Sầu?

- Tha cho tôi đi! Tôi lạy bà, tôi sẽ không làm ác nữa! Tôi lạy...

Lão ta không dám nhìn mặt mụ Tâm, bởi lúc ấy mụ ta là hiện thân của hồn ma đội mồ!

Mụ Tâm quýnh lên, giục mọi người nhảy xuống ghe cùng khống chế lão thầy Tàu. Khi có người chạm vào thân thể thì bỗng dưng lão A Sầu lại mềm nhũn ra như một xác chết.

- Sao kỳ vậy?

Mụ Tâm chỉ biết đứng nhìn, chớ còn biết làm gì hơn, bởi người cứu chữa, trị bệnh ở đây là lão Sầu, mà giờ đây lão như thế này...

Cũng may, một lát sau mấy người xuống ghe giúp lão, đã bước lên và nói:

- Lão ấy không sao đâu, có lẽ do gặp ác mộng...

Mụ Tâm không tin, lẩm bẩm:

- Chưa ngủ sao lại gặp ác mộng được...

Tuy nhiên, biết chẳng làm gì khác hơn, nên mụ đành để mặc lão ở đó... Vừa nửa đêm hôm đó có người trông thấy lão thầy Tàu một mình chèo ghe lui khỏi bến...

Lão đi đâu thì chỉ có lão mới biết...

Mục lục
Ngày đăng: 28/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục