Chương 49 - Ngày thứ bảy
Nếu đề mục này phải tóm tắt
các tiết lộ phi thường của nội dung,
thì khác với thông lệ,
nó sẽ dài bằng chính chương này.
Chúng tôi đứng trên ngưỡng cửa của một phòng có hình thể tương tự như ba phòng bảy cạnh không cửa sổ kia, nồng nặc mùi mốc meo của sách ẩm ướt. Ngọn đèn dầu mà tôi giơ cao soi sáng vòm nhà trước tiên, và khi tôi đưa đèn từ phải sang trái thì ngọn lửa hắt ánh sáng mờ mờ lên các kệ sách đằng xa đặt dọc theo tường. Cuối cùng, ngay giữa phòng, chúng tôi thấy một cái bàn phủ đầy giấy tờ, đằng sau bàn có một người ngồi, nếu người ấy vẫn còn sống thì dường như đã ngồi bất động trong bóng tối, đợi chờ chúng tôi. Ngay trước khi ánh đèn soi sáng khuôn mặt người ấy, thầy William đã lên tiếng:
- Huynh Jorge kính mến, chúc Huynh một đêm vui. Huynh đang đợi chúng tôi à?
Khi chúng tôi tiến thêm vài bước thì ngọn đèn chiếu lên gương mặt lão già đang nhìn chúng tôi như thể thấy được. Lão hỏi:
- Sư Huynh William xứ Baskerville đấy hả? Tôi đã đợi Huynh từ trước lúc Kinh Chiều đến nay, từ lúc tôi vào giam mình ở đây. Tôi biết Huynh sẽ đến.
- Thế còn Tu viện trưởng? Có phải đó là người đập rầm rầm trong cầu thang bí mật không?
Jorge ngập ngừng một lát, đoạn hỏi: - Cha vẫn còn sống à? Tôi nghĩ Cha đã chết ngạt rồi.
- Trước khi chúng ta bắt đầu nói chuyện, tôi muốn cứu Cha. Huynh có thể mở từ máy trên này.
Jorge mệt mỏi nói:
- Không, không kịp nữa. Máy được điều khiển ở bên dưới, bằng cách nhấn vào tấm bảng; ở trên này, một đòn bẩy bật lên và mở cánh cửa sau cái kệ đằng kia. – Lão hất hàm về phía sau. – Kế bên cái kệ Huynh sẽ thấy một bánh xe với vài vật đối trọng để điều khiển bộ máy từ trên này. Nhưng khi tôi nghe tiếng bánh xe quay, dấu hiệu báo cho biết Cha Bề trên đã đến bên dưới, tôi giật mạnh sợi dây thừng giữa các vật đối trọng, và thừng đã đứt. Bây giờ hai đầu lối đi này đã bịt kín, Huynh sẽ chẳng bao giờ sửa được bộ máy cả. Tu viện trưởng đã chết.
- Tại sao Huynh lại giết Cha?
- Hôm nay, khi y gọi tôi đến, y bảo nhờ Huynh mà y khám phá mọi việc. Y vẫn chưa biết điều mà tôi hằng cố bảo vệ, y chẳng bao giờ hiểu chính xác những báu vật và cứu cánh của Thư viện. Y bảo tôi giải thích điều y chưa biết. Y muốn mở cửa "finis Africae": Các tu sĩ Ý yêu cầu y chấm dứt cái mà họ gọi là sự bí ẩn do tôi và các bậc tiền bối của tôi nuôi sống. Lòng họ thôi thúc dục vọng muốn tìm biết những điều mới lạ...
- Huynh hẳn đã hứa với Cha sẽ đến đây và kết liễu mạng mình, như Huynh đã kết liễu mạng của những người kia một cách êm thấm để cứu vãn danh dự của tu viện và không ai biết điều gì cả. Rồi Huynh chỉ cho Cha cách đến đây và kiểm tra sau đó. Nhưng thay vì như vậy, Huynh đã đợi để giết Cha. Huynh không nghĩ Cha có thể vào bằng đường tấm gương à?
- Không, Tu viện trưởng trí quá hẹp. Y sẽ chẳng bao giờ tự mình giải được bí mật của câu thơ. Tôi bày cho y một lối đi khác mà chỉ mình tôi biết. Đó là lối đi tôi đã dùng hàng bao nhiêu năm nay, vì trong bóng tối nó dễ đi hơn. Tôi chỉ việc đến nhà thờ, rồi theo xương người chết đến cuối hành lang.
- Như thế Huynh đã dẫn dắt Cha đến đây, biết rằng mình sẽ giết Cha...
- Tôi không thể tin y nữa. Y đã hoảng loạn. Trước đây y nổi danh ở Fossanova vì đã xoay xở mang một cái xác xuống cầu thang trôn ốc. Một vinh quang không xứng đáng. Bây giờ y chết vì không lên nổi cầu thang của chính mình.
- Huynh đã dùng cầu thang đó bốn mươi năm nay rồi. Khi Huynh biết mình sẽ bị mù và không còn đủ khả năng điều khiển tu viện nữa, Huynh đã hành động rất khôn ngoan. Huynh dàn xếp để người ta bầu một người Huynh tin cẩn lên làm Tu viện trưởng. Thời còn là quản thư viện, Huynh đã đặt tên cho người ấy là Robert xứ Bobbio, người mà Huynh có thể điều khiển theo ý mình, rồi đến Malachi, người cần sự giúp đỡ của Huynh và chẳng bao giờ hành động mà không tham khảo ý kiến của Huynh. Bốn mươi năm nay Huynh là chủ của tu viện này. Nhóm tu sĩ Ý đã nhận thức được điều này, và Alinardo nhắc đi nhắc lại nó mãi, nhưng không ai chịu nghe già vì họ cho rằng bây giờ già đã điên rồi. Tôi nói đúng không? Nhưng Huynh vẫn đợi tôi và không thể bịt tấm cửa gương được vì máy mở đặt bên trong tường. Tại sao Huynh lại đợi tôi? Sao Huynh biết chắc tôi sẽ đến? – Thầy William hỏi, nhưng qua giọng nói, ta nhận rõ thầy đã đoán được câu trả lời, và mong nghe nó như phần thưởng cho tài suy đoán của mình.
- Ngay từ ngày đầu tiên, qua giọng nói của Huynh, qua cách Huynh lôi tôi vào việc tranh luận một đề tài mà tôi không muốn nhắc đến, tôi biết Huynh sẽ hiểu ra. Huynh giỏi hơn những người khác: bằng mọi cách Huynh sẽ tìm được giải đáp. Huynh biết chỉ cần suy nghĩ và hình dung lại suy nghĩ của người khác trong óc mình là đủ. Rồi tôi nghe Huynh đặt câu hỏi với các tu sĩ khác, tất cả câu Huynh hỏi đều đúng cả. Nhưng Huynh không bao giờ hỏi về thư viện, tựa như Huynh đã biết mọi bí mật của nó rồi vậy. Một đêm nọ, tôi đến gõ cửa phòng Huynh, nhưng Huynh không có bên trong. Huynh phải vào đây thôi. Tôi nghe một tôi tớ nói trong bếp mất hai cây đèn. Và cuối cùng hôm nọ, trong gian giữa nhà nguyện khi Severinus đến nói chuyện với Huynh về một quyển sách, tôi biết chắc Huynh đang bám theo dấu vết của tôi.
- Nhưng Huynh đã tìm cách tước quyển sách đó khỏi tay tôi. Huynh đến nói với Malachi, người chẳng hiểu gì về tình hình. Trong cơn ghen tức, tên ngốc ấy vẫn còn ám ảnh bởi ý nghĩ Adelmo đã cướp mất Berengar thân yêu của hắn vì Berengar khao khát xác thịt non trẻ hơn. Malachi không hiểu Severinus có liên quan gì đến việc này, và Huynh còn làm rối loạn suy nghĩ của hắn hơn nữa. Có lẽ Huynh bảo Malachi rằng Berengar đã thân mật với Severinus, và Berengar đã thưởng cho Severinus một quyển sách trong "finis Africae". Tôi không biết chính xác Huynh đã nói với Malachi những gì. Điên lên vì ghen, Malachi đã giết Severinus, nhưng hắn không kịp săn tìm quyển sách Huynh đã miêu tả với hắn, vì quản hầm bước vào. Có phải mọi việc xảy ra như vậy không?
- Gần như vậy.
- Nhưng Huynh không muốn Malachi chết. Có lẽ hắn chưa bao giờ nhìn đến các quyển sách trong "finis Africae" vì hắn tin Huynh và tôn trọng lệnh cấm của Huynh. Hắn tự giới hạn trong nhiệm vụ mỗi đêm bỏ cây thuốc để đe dọa những kẻ lạ xâm nhập. Severinus cung cấp cho Malachi các loại cây thuốc này. Thế nên, hôm nọ Severinus mới để Malachi vào bệnh xá, đó là cuộc viếng thăm thường lệ của Malachi để thu các cây thuốc mới mà Severinus chuẩn bị hằng ngày theo lệnh của Tu viện trưởng. Tôi đoán đúng chăng?
- Huynh đã đoán đúng. Tôi không muốn Malachi chết. Tôi bảo hắn bằng mọi cách phải tìm lại quyển sách và mang nó đến đây, nhưng không được mở ra. Tôi bảo nó có sức mạnh bằng cả ngàn con bò cạp. Nhưng lần đầu tiên tên điên ấy làm theo ý mình. Tôi không muốn hắn chết vì hắn là kẻ trung thành. Nhưng chớ nhắc lại điều Huynh biết: tôi biết Huynh biết mà. Tôi không muốn Huynh thêm tự mãn, tự Huynh đã thế rồi. Sáng nay trong phòng thư tịch, tôi nghe Huynh hỏi Benno về "Bữa tiệc của Cyprian". Huynh đã đến gần sự thật lắm. Tôi không biết bằng cách nào Huynh khám phá được bí mật của tấm gương, nhưng khi Tu viện trưởng bảo Huynh đã đề cập đến "finis Africae", thì tôi biết chắc chẳng bao lâu nữa Huynh sẽ đến đây. Do đó, tôi ngồi đây đợi. Bây giờ, Huynh muốn gì nào?
- Tôi muốn xem bản viết cuối cùng trong quyển sách bốn bản, gồm một bản tiếng Ả-rập, một bản tiếng Xy-ri cổ, và một bản bình giảng hay bản sao "Bữa tiệc Cyprian". Tôi muốn xem bản viết bằng tiếng Hy-lạp mà có lẽ do một người Ả-rập, hay một người Tây Ban Nha sao lại. Huynh đã tìm thấy bản này thời còn là phụ tá cho Paul xứ Rimini, Huynh đã dàn xếp để được phái về nước mình thu thập các bản hay nhất về sách Mặc Khải ở Léon và Castille. Số sách kiếm được này đã khiến Huynh nổi danh và cả tu viện kính trọng, giúp Huynh đoạt chức quản thư viện mà đáng lý thuộc về Alinardo, người lớn hơn Huynh mười tuổi. Tôi muốn xem bản sao bằng tiếng Hy-lạp viết trên giấy lụa, loại giấy thời đó rất hiếm, được sản xuất tại Silos, gần Burgos quê của Huynh. Tôi muốn xem quyển sách mà Huynh đã trộm ở đó. Sau khi đọc nó xong, để không ai được đọc nó nữa, Huynh đã giấu nó ở đây, bảo vệ nó rất khôn khéo mà không thủ tiêu nó, vì một người như Huynh không hủy sách mà chỉ canh giữ không để ai chạm vào nó. Tôi muốn xem tập hai tác phẩm "Thi ca" của Aristotle, quyển sách mà mọi người vẫn tin đã bị thất lạc, hay chưa bao giờ được viết ra, quyển sách mà có lẽ Huynh đang giữ độc bản.
- William, Huynh có thể trở thành một quản thư viện tuyệt vời biết bao! – Jorge nói, giọng vừa thán phục vừa tiếc nuối. – Thế là Huynh đã biết tất cả. Đến đây, tôi nghĩ có một cái ghế ở cạnh bàn, phía bên Huynh đó. Ngồi đi, phần thưởng của Huynh đấy.
Thầy William ngồi và đặt chiếc đèn tôi đã đưa cho thầy xuống, nó soi sáng khuôn mặt của Jorge từ dưới lên. Lão già cầm lấy quyển sách nằm trước mặt, đưa cho thầy William. Tôi nhận ra cái bìa của nó chính là quyển sách tôi đã mở ra xem trong bệnh xá mà lại ngỡ là một bản tiếng Ả-rập. Jorge bảo:
- Này William, đọc đi, giở nó xem đi. Huynh thắng rồi.
Thầy William nhìn quyển sách, nhưng không chạm vào nó. Thầy lôi trong áo dòng ra một đôi găng tay, không phải là đôi găng hở ngón thường dùng, mà là đôi Severinus đang đeo khi chết. Thầy chậm rãi mở cái bìa cũ mòn mỏng manh ra. Tôi đến sát hơn, chồm qua vai thầy để xem. Đôi tai thính của Jorge bắt được tiếng động do tôi gây ra, bèn nói: - Cậu bé cũng ở đây hả? Tôi cũng sẽ cho cậu xem... sau.
Thầy William liếc nhanh qua những trang đầu: - Theo thư mục thì đây là bản Ả-rập nói về lời nói của một kẻ ngu ngốc nào đó. Nó là gì vậy?
- Ồ, những truyền thuyết ngớ ngẩn của bọn vô thần, cho rằng bọn ngốc phát ra những nhận xét khôn ngoan khiến ngay cả các linh mục của họ cũng phải kinh ngạc, các vua Hồi phải khoái chí...
- Bản thứ hai bằng tiếng Xy-ri cổ, nhưng theo thư mục thì nó là bản dịch của một quyển sách nhỏ tiếng Ai-cập về nghệ thuật giả kim, sao nó lại ở trong bộ này?
- Đó là một tác phẩm Ai-cập từ thế kỷ thứ ba, trong thời đại chúng ta. Nó liên hệ với các tác phẩm theo sau, nhưng ít nguy hiểm hơn, không ai để tai nghe những lời lảm nhảm của một tên giả kim Châu Phi. Hắn qui việc tạo ra thế gian này cho tiếng cười thiêng liêng... - Lão ngước mặt lên đọc, với trí nhớ phi thường của một độc giả mà bốn mươi năm nay vẫn tự nhắc mình những điều đã đọc được khi còn sáng mắt: - Khi Chúa cười thì bảy vị thần cai quản thế gian được sinh ra. Khi Ngài bật cười thì ánh sáng hiện ra, Ngài cười tiếng thứ hai thì nước tuôn, Ngài cười đến ngày thứ bảy thì linh hồn xuất hiện... Điên rồ. Tác phẩm theo sau cũng vậy, nó do một trong vô số gã ngốc đặt cho mình nhiệm vụ trau chuốt "Bữa tiệc" viết... Nhưng chúng không phải là thứ Huynh chú ý đâu.
Thầy William thực ra đã giở nhanh các trang sách và lần đến bản tiếng Hy-Lạp. Tôi thấy ngay rằng các trang này làm bằng một loại giấy khác, mềm hơn, những trang đầu gần như cũ mèm, một phần lề đã bị hư hại, vấy những vết dơ mờ mà thời gian và ẩm mốc thường cũng gây cho các quyển sách khác. Thầy William đọc những dòng mở đầu, thoạt tiên bằng tiếng Hy-lạp, rồi thầy dịch ra tiếng La-tinh để tôi cũng có thể biết quyển sách tai hại ấy bắt đầu như thế nào.
Trong tập một, chúng tôi đã bàn về bi kịch và chứng minh bằng cách nào, nhờ khơi dậy sự thương hại và nỗi sợ hãi, nó phát sinh sự hồi hộp phấn chấn, sự thanh lọc các xúc cảm này. Như đã hứa, giờ đây chúng tôi sẽ bàn về hài kịch (cũng như về trào phúng và kịch câm), và chứng minh bằng cách nào, nhờ khơi dậy thú vui cười cợt, nó đạt đến được sự thanh lọc đam mê đó. Một đam mê như vậy đáng cho chúng ta quan tâm hàng đầu, chúng tôi đã nói như thế trong quyển sách về linh hồn, vì con người là sinh vật duy nhất có khả năng cười. Chúng tôi sẽ định nghĩa các loại hành động, trong đó hài kịch đóng vai trò ngụy trang, rồi chúng tôi sẽ xem xét các phương tiện mà hài kịch đã sử dụng để gây cười, và các phương tiện này là hành động và lời nói. Chúng tôi sẽ trình bày các hành động nực cười được phát sinh như thế nào từ việc so sánh cái tốt nhất với cái xấu nhất, hay ngược lại, từ việc gây ngạc nhiên như đánh lừa, từ điều không thể xảy ra, từ sự đảo lộn các qui luật tự nhiên, từ các lộn xộn, vẩn vơ, bất hợp lý, từ việc dung tục hóa các nhân vật, từ cách sử dụng các động tác câm hài hước và thô tục, từ sự bất hài hòa, từ việc chọn lựa những điều hèn kém nhất. Chúng tôi sẽ trình bày các lời nói nực cười được phát sinh như thế nào từ việc hiểu lầm các từ tương tự với các điều khác nhau, và các từ khác nhau với những điều tương tự, từ sự ba hoa và lập đi lập lại, từ cách chơi chữ, từ cách phát âm sai, và từ cách nói thô tục.
Thầy William dịch nó một cách khó khăn, vì phải chọn cho đúng chữ, và chốc chốc phải ngừng lại. Vừa dịch thầy vừa mỉm cười, tựa như tìm ra được điều mình mong đợi. Thầy đọc lớn trang đầu tiên, rồi ngưng lại, như thể không muốn biết thêm nữa, và lật nhanh qua các trang kế. Nhưng sau vài trang thầy khựng lại, vì có vài trang bị dính lại với nhau, ở rìa góc trên và phía đầu sách, như thường thấy khi các loại giấy ẩm mục hóa thành một thứ keo dinh dính. Jorge nghe tiếng giở sách rào rào đã ngưng lại, bèn giục thầy William:
- Tiếp chứ, đọc đi, giở sách đi. Sách của Huynh mà. Huynh đã đoạt được nó rồi.
Thầy William bật cười, nghe dường như thích thú – Huynh nghĩ tôi khôn ngoan là không đúng đâu, Jorge ạ! Huynh không thấy được tôi đang đeo găng. Với những ngón tay cục mịch vụng về như thế này, tôi không thể tách từng trang giấy ra được. Tôi phải để tay trần, thấm nước miếng, như tôi đã tình cờ làm sáng nay khi đọc sách trong phòng thư tịch, thế nên điều bí ẩn đó đột nhiên cũng trở nên dễ hiểu. Và tôi sẽ phải tiếp tục giở như thế cho đến khi một lượng lớn thuốc độc ngấm vào miệng. Tôi đang nói đến lượng thuốc độc mà một ngày xa xưa nọ, Huynh đã trộm trong phòng thí nghiệm của Severinus. Có lẽ lúc ấy Huynh đã thấy lo lắng, vì nghe ai đó trong phòng thư tịch tỏ ý tò mò, hoặc về "finis Africae", hoặc về quyển sách thất lạc của Aristotle, hoặc là cả hai. Tôi tin Huynh đã cất ống thuốc độc đó một thời gian dài, định sử dụng nó vào lúc thấy nguy hiểm. Và Huynh đã thấy hiểm nguy đến vài ngày trước đây. Khi Venantius bàn quá gần đến đề tài của quyển sách, cùng lúc đó Berengar vô tâm, huênh hoang cố lòe Adelmo, tỏ ra không kín đáo như Huynh hằng hy vọng. Thế là Huynh đã giăng bẫy ra. Quả là kịp lúc, vì chỉ vài đêm sau đó, Venantius đã đột nhập vào trộm quyển sách, và gần như ngấu nghiến giở ra xem. Chẳng bao lâu sau, Huynh ấy thấy mệt bèn chạy xuống nhà bếp cầu cứu, và chết tại đó.Tôi có lầm không nhỉ?
- Không, tiếp đi.
- Phần còn lại rất đơn giản. Berengar tìm thấy xác của Venantius trong nhà bếp, sợ người ta sẽ điều tra lôi thôi, vì nói cho cùng, Venantius ban đêm đột nhập vào Đại Dinh là do nhờ Berengar trước đây đã tiết lộ bí mật cho Adelmo. Hắn không biết phải làm gì, bèn vác xác lên vai và ném nó vào vại máu, nghĩ rằng mọi người sẽ tin Venantius bị chết đuối.
- Thế Huynh làm cách nào biết được những sự việc xảy ra đó?
- Chính Huynh cũng biết rõ như tôi. Tôi nhận thấy phản ứng của Huynh, khi người ta tìm thấy mảnh vải vấy máu của Berengar. Tên ngốc đó đã dùng mảnh vải này để lau tay sau khi bỏ Venantius vào vại. Nhưng vì Berengar đã mất dạng, nên hắn chỉ có thể biến đi với quyển sách mà lúc đó đã khêu gợi óc tò mò của hắn. Huynh đợi người ta tìm ra xác Berengar ở đâu đó, không bị nhuốm máu mà là ngấm thuốc độc. Phần còn lại đã rõ ràng, vì Berengar đầu tiên đến bệnh xá để đọc sách, tránh xa các cặp mắt cú vọ. Malachi, bị Huynh xúi giục, vào giết Severinus, rồi quay lại đây và chết vì muốn khám phá điều cấm gì trong quyển sách đã khiến hắn thành một kẻ sát nhân. Như thế, chúng ta đã giải thích được tất cả mọi cái chết... Thật ngu quá...
- Ai ngu?
- Tôi. Vì nghe theo lời nhận xét của Alinardo nên tôi đã tin rằng loạt án mạng này là theo thứ tự của bảy hồi kèn trong sách Mặc Khải. Mưa đá cho Adelmo, và Huynh ấy đã tự tử chết. Máu cho Venantius, và do thế người ta đã có những ý tưởng kỳ quặc về cái chết của Berengar. Nước cho Berengar, thực ra đó chỉ là một hành động ngẫu nhiên. Phần thứ ba của trời xanh cho Severinus, và Malachi đã dùng lồng cầu để đập huynh ấy, vì đó là một vật duy nhất tiện tay Malachi lúc đó. Và cuối cùng là bọ cạp cho Malachi... tại sao Huynh lại bảo hắn là quyển sách có sức mạnh của ngàn con bọ cạp?
- Chính vì Huynh. Alinardo đã kể cho tôi ý tưởng về bảy hồi kèn, và tôi nghe ai đó bảo cả Huynh cũng thấy ý đó hữu lý... Tôi đâm tin rằng những cái chết này là do thiên định, và tôi không có trách nhiệm gì hết. Tôi đã bảo Malachi nếu hắn tò mò thì hắn sẽ bị tiêu diệt theo thiên mệnh, và hắn đã chết như thế.
- Như thế, thì... Tôi đã hình dung sai cách lý giải các bước hành động của tên tội phạm và hóa ra hắn đã làm trùng với cách đó. Cũng chính nhờ cách hình dung sai này mà tôi đã theo được dấu vết của Huynh. Thời nay ai cũng bị ám ảnh bởi quyển sách của Thánh John, nhưng dường như Huynh là người nghiên cứu nó kỹ nhất, nhưng điều đó không phải vì Huynh ngẫm nghĩ mãi về tên Phản Chúa, mà vì Huynh xuất xứ từ một đất nước sản sinh ra những quyển sách Mặc Khải đẹp nhất. Hôm nọ có người bảo tôi chính Huynh đã đem đến thư viện những bản viết tay sách Mặc khải đẹp nhất. Rồi một hôm khác, Alinardo nói lảm nhảm về một kẻ thù bí ẩn đã được phái đến Silos tìm sách, lòng hiếu kỳ của tôi nổi lên khi lão bảo kẻ thù này đã sớm quay về thế giới tối tăm: thoạt tiên có thể tưởng lão nói về một kẻ đã chết yểu, nhưng thực ra lão đang nói đến sự mù lòa của Huynh. Silos ở gần Burgos, và sáng hôm nay, tôi thấy trong thư mục một loạt các sách nhận được đều là sách Mặc khải Tây Ban Nha, trong thời gian Huynh đã hay sắp kế vị Paul xứ Rimini. Trong nhóm sách nhận được đó cũng có quyển sách này. Nhưng mãi đến khi tôi biết quyển sách này làm bằng giấy lụa thì tôi mới dám khẳng định lời giải thích của mình. Rồi tôi nhớ đến Silos, và biết chắc mình đúng. Dĩ nhiên, khi ý tưởng về quyển sách và độc chất giết người của nó dần dần hình thành thì cách suy diễn theo bảy hồi kèn Mặc khải bắt đầu sụp đổ, mặc dù tôi không hiểu tại sao cả hai đều hướng về Huynh. Nhưng tôi hiểu rõ câu chuyện về sách hơn, vì theo hướng của hồi kèn Mặc khải, tôi buộc phải nghĩ đến Huynh và cuộc tranh luận của Huynh về tiếng cười nhiều hơn. Do đó buổi tối nay, khi tôi không còn tin vào kèn Mặc khải nữa thì tôi vẫn quyết canh chừng chuồng ngựa, và trong chính nơi đó, hoàn toàn tình cờ, Adso đã trao cho tôi chìa khóa vào "finis Africae".
Jorge bảo: - Tôi không hiểu được ý Huynh. Huynh hãnh diện trình bày cái cách Huynh đã suy luận để nắm được tôi, thế rồi Huynh lại bảo Huynh đến đây vì suy luận sai. Thế Huynh muốn nói gì với tôi?
- Không nói gì với Huynh cả. Tôi hơi bị hẫng, thế thôi. Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Dẫu sao tôi đã đến đây.
- Chúa đang thổi bảy hồi kèn và Huynh, dù trong khi sai lầm, cũng đã nghe tiếng vọng rối loạn của âm ba đó.
- Huynh đã nói đến điều này trong bài giảng tối qua. Huynh cố thuyết phục mình rằng toàn bộ sự việc là do thiên định để che dấu sự kiện Huynh là kẻ sát nhân.
- Tôi chẳng giết ai cả. Mỗi người chết theo số phận tội lỗi của họ. Tôi chỉ là một công cụ.
- Hôm qua Huynh bảo Judas cũng là một công cụ. Điều đó không ngăn hắn khỏi bị đọa đày.
- Tôi chấp nhận nguy cơ bị đọa đày. Chúa sẽ giải tội cho tôi, vì Ngài biết tôi hành động vì danh Ngài. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ Thư viện.
- Mới cách đây vài phút, Huynh đã sẵn sàng giết cả tôi và thằng bé này nữa....
- Huynh khôn ngoan hơn, nhưng chẳng giỏi hơn những kẻ khác đâu.
- Và bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra, khi tôi tránh được cái bẫy đó?
- Chúng ta sẽ xem, - Jorge đáp, - Tôi không nhất thiết phải lấy mạng Huynh, có lẽ tôi sẽ thuyết phục được Huynh. Nhưng trước tiên, hãy nói cho tôi biết: làm cách nào Huynh đoán được đó là tập hai của quyển sách của Aristotle?
- Cách Huynh nguyền rủa tiếng cười chắc chắn không đủ cho tôi, và những gì tôi biết về cuộc tranh luận của Huynh với những người khác cũng quá ít ỏi. Thoạt tiên, tôi không hiểu ý nghĩa của chúng. Nhưng có những lời viết về một viên đá nhục nhã lăn trên bình nguyên, về những con ve sẽ từ lòng đất kêu vang lên, về những quả vả đáng kính. Tôi đã đọc một loại giông giống như vậy: mấy ngày vừa qua, tôi đã kiểm chứng lại. Đó là những thí dụ Aristotle đã sử dụng trong tập một của tác phẩm Thi ca, và tác phẩm Tu từ học. Rồi tôi nhớ Isidore xứ Seville đã định nghĩa hài kịch là một thứ nói về - biết diễn tả như thế nào nhỉ? – về một điều kém hơn những tình yêu đức hạnh. Dần dần tập hai của tác phẩm này hình thành trong óc tôi. Tôi có thể kể cho Huynh nghe gần như toàn bộ tập đó, mà không cần phải đọc những trang sách định dùng để thuốc tôi chết. Hài kịch phát sinh từ "Komai" – đó là những làng quê – như một cách liên hoan vui vẻ sau bữa ăn hay bữa tiệc. Hài kịch không nói về những kẻ quyền uy, danh giá, mà về những con người phàm tục buồn cười, nhưng không độc ác, nó không chấm dứt bằng cái chết của các nhân vật. Nó đạt được tác dụng gây cười nhờ vạch ra các thói hư tật xấu của người bình dân. Ở đây, Aristotle xem khuynh hướng gây cười như một lực lượng của điều thiện, trong đó cũng có giá trị giáo huấn: qua những câu đố hóm hỉnh và ẩn dụ bất ngờ, mặc dù chúng trình bày sự vật khác với bản chất của nó như thể nói dối vậy, khuynh hướng này thực sự buộc chúng ta phải xem xét sự vật kỹ lưỡng hơn, khiến chúng ta phải thốt lên: À, sự vật là thế này đây, mà trước kia ta chẳng biết. Chân lý được đạt đến nhờ miêu tả con người và thế giới tệ hơn bản chất của chúng, hay tệ hơn chúng ta vẫn nghĩ, dẫu sao thì cũng tệ hơn hình ảnh mà các trường ca, bi kịch và cuộc đời của các vị thánh vẫn đưa ra cho chúng ta thấy. Có phải thế không?
- Gần như thế. Huynh đã tái lập nó nhờ đọc các sách khác à?
- Nhiều điều trong đó Venantius đang nghiên cứu. Tôi nghĩ Venantius đã săn tìm quyển sách ấy khá lâu. Hẳn Huynh ấy đã đọc được trong thư mục các dấu hiệu cũng như tôi, và tin rằng đây là quyển sách Huynh ấy đang tìm kiếm. Nhưng Huynh ấy không biết cách đột nhập "finis Africae". Khi nghe Berengar nói với Adelmo về nó, Huynh ấy liền lao ngay vào như chó săn thỏ.
- Đúng như thế. Tôi hiểu ngay. Tôi biết đã đến lúc mình phải hành động ác liệt để bảo vệ Thư viện...
- Và Huynh đã tẩm thuốc độc vào sách. Hẳn là một công việc khó khăn... trong bóng tối...
- Bây giờ tay tôi có thể nhìn rõ hơn mắt Huynh. Tôi đã lấy ở chỗ Severinus một cái bàn chải, và tôi cũng có đeo găng. Đó là một ý độc đáo phải không nào? Huynh phải mất một lúc lâu mới suy ra được...
- Phải. Tôi cứ nghĩ đến một vật phức tạp hơn, một cái kim tẩm thuốc độc hay một loại gì tương tự. Phải công nhận cách làm của Huynh thật là tiêu biểu: nạn nhân tự đầu độc khi có một mình, và chỉ trong mức độ người ấy muốn đọc...
Tôi rùng mình nhận ra rằng phút này đây, hai con người đối mặt trong một trận chiến sống còn đang thán phục lẫn nhau, tựa như người này hành động chỉ để người kia tán dương. Đầu óc tôi vụt lên ý nghĩ rằng các trò gian xảo mưu mẹo mà Berengar đã sử dụng để quyến rũ Adelmo, những hành vi chân thật và tự nhiên mà cô gái đã dùng để khêu gợi lòng đam mê và dục vọng của tôi, chúng thật vô nghĩa nếu so với sự khôn ngoan và tài năng điên cuồng mà người này đem ra để chinh phục người kia, và thật tầm thường nếu so với cảnh nhử nhau đang xảy ra ngay trước mắt tôi đây; bảy ngày qua họ triển khai chiến pháp của mình, họ như đã bí mật hẹn ngầm với nhau, mỗi người âm thầm mong đợi người kia tán đồng, người này vừa sợ vừa ghét người kia.
Thầy William nói: - Nhưng Huynh hãy nói cho tôi biết, cớ sao Huynh lại muốn che giấu quyển sách này hơn nhiều quyển sách khác? Tại sao Huynh lại ém đi các luận thuyết về phép phù thủy, những trang sách có thể báng bổ Chúa – mặc dù không phải trả giá bằng án mạng đi nữa - ; trong khi chỉ vì những tờ giấy này, Huynh lại đi hại những người anh em và hại cả chính mình? Có nhiều quyển sách khác nói về hài kịch, nhiều quyển khác ca ngợi tiếng cười. Tại sao Huynh lại sợ quyển này nhiều như vậy?
- Vì nó do Triết gia [1] viết. Mỗi quyển sách do Người viết đã tiêu diệt một phần nền học vấn mà Thiên Chúa giáo đã tích lũy hàng bao thế kỷ nay. Các Đức Cha đã nói mọi điều cần biết về sức mạnh của Phúc Âm, nhưng Boethius [2] chỉ cần trau chuốt lại lời của Triết gia là sự huyền nhiệm của Phúc Âm đã biến thành trò cười của những phạm trù và tam đoạn luận cho người đời. Sách "Sáng Thế Ký" [3] đã nói những điều phải biết về cấu trúc của vũ trụ, nhưng chỉ cần đọc quyển "Vật lý" của Triết gia là đủ hình dung lại một thế giới bằng những vật chất trơn nhầy vô tri vô giác, và tên Ả Rập Averroes [4] đã gần thuyết phục được mọi người về sự vĩnh cửu của thế giới. Chúng ta đã biết mọi điều về các tên Thánh, thế mà tên Dominic mà Cha bề trên đã chôn xác – kẻ đã bị Triết gia quyến rũ – dám đặt tên các thánh lại, theo những cách suy luận tự nhiên đầy kiêu hãnh. Thế là cái vũ trụ mà Thẩm phán tòa Areopagus cho rằng tự mở ra cho ai biết cách chiêm ngưỡng dòng suối ngời sáng của cội nguồn đầu tiên đã hoá thành nơi giữ gìn các nguyên tố trần tục mà họ gọi là vật thể trừu tượng. Trước kia, chúng ta thường ngước lên trời, thỉnh thoảng mới hạ cố nhíu mày liếc xuống vũng bùn vật chất, bây giờ chúng ta nhìn mặt đất, và tin vào trời qua những lời thế tục. Mỗi lời nói của Triết gia, mà bây giờ ngay cả (các?) Thánh và các tiên tri cũng lấy đó ra thề, đã đảo ngược hình ảnh của thế giới. Nhưng Người chưa đảo ngược hình ảnh của Chúa. Nếu quyển sách này trở nên... hay đã trở nên, đối tượng để bình giảng công khai, thì chúng ta hẳn sẽ đạp qua lằn ranh cuối cùng.
- Nhưng Huynh sợ gì trong việc tranh luận về tiếng cười này? Huynh không thể loại trừ tiếng cười bằng cách loại trừ quyển sách đó được?
- Không, chắc chắn không. Nhưng tiếng cười là sự yếu đuối, sa đọa và xuẩn ngốc trong xác thịt ta. Nó là cách giải trí của nông dân, sự phóng túng của tên say rượu, ngay cả giáo hội cũng đã khôn ngoan cho phép trong dịp tiệc tùng, hội hè, chè chén được thỏa cái tật này một ngày đêm để khuây khỏa tâm trí và quên đi các đòi hỏi, dục vọng khác... Thế nhưng, tiếng cười vẫn là thứ thô tục, một vật bảo vệ cho giới bình dân, một điều bí ẩn nhất, một chất thiêng liêng cho những tên khất thực. Thánh tông đồ cũng đã nói thế này: thà kết hôn còn hơn đi thiêu, thà chống lại trật tự đã được thiết lập của Thượng đế còn hơn cười cợt, khoái trá đem trật tự đó ra làm trò cười gớm ghiếc cuối bữa ăn, lúc đã cạn chén say sưa; bầu lên vua ngốc, buông thả trong nghi lễ của bọn heo, lừa, chơi trò truy hoan chổng ngược đầu... Còn trong đây, trong đây này – Jorge đập tay lên bàn gần quyển sách thầy William đang mở ngỏ, - nhiệm vụ của tiếng cười đã được đảo ngược. Nó được nâng lên thành nghệ thuật, cánh cửa của giới học thức mở cửa đón nó, nó trở thành đối tượng nghiên cứu của triết học và nền thần học xảo trá. Hôm qua, Huynh đã thấy những kẻ phàm tục có thể dung dưỡng và thực hiện những hành động dị giáo khủng khiếp nhất như thế nào, chúng đã phản bội lời thề của Chúa và luật của tự nhiên. Nhưng giáo hội có thể dẹp yên được loạn dị giáo của bọn phàm tục, những kẻ tự tiêu diệt mình bằng sự ngu dốt của chính họ. Sự cuồng điên dốt nát của Dolcino và những loại như hắn sẽ chẳng bao giờ tạo nên cuộc khủng hoảng trong dòng đạo. Hắn quyết thuyết giảng bạo lực và sẽ chết vì bạo lực, sẽ chẳng để lại được dấu tích gì, sẽ tàn theo bữa tiệc, và nếu trong bữa tiệc đó một thế giới đảo ngược có được tạo ra trên mặt đất này một khoảnh khắc thì cũng chẳng sao. Với điều kiện hành dộng đó không được biến thành mưu định, với điều kiện giọng lưỡi thô tục đó không tìm được tiếng la tinh để chuyển dịch nó. Tiếng cười khiến bọn nông nô khỏi sợ Quỉ, vì trong bữa tiệc của lũ ngốc Quỉ cũng hiện ra với vẻ nghèo nàn ngốc nghếch, thế nên có thể điều khiển nó được. Nhưng quyển sách này có thể dạy rằng tự giải thoát khỏi nỗi sợ Quỉ là thông thái. Khi cất tiếng cười, với rượu ùng ục trong cổ họng, tên nông nô cảm thấy mình như một địa chủ, vì gã đã đảo ngược vị trí của mình với lãnh chúa, như quyển sách này có thể dạy và chỉ vẽ chi tiết cho những người học thức các mưu mẹo gian xảo để hợp pháp hóa sự đảo ngược đó. Khi ấy, cái mà may thay vẫn còn là hoạt động của dạ dày, sẽ được biến thành hoạt động của não. Tiếng cười thích hợp với con người là dấu hiệu cho thấy giới hạn của chúng ta, vì con người là những kẻ phạm tội. Nhưng từ quyển sách này, nhiều bộ óc sa đọa như Huynh sẽ suy ra một tam đoạn luận cực đoan, trong đó tiếng cười là cứu cánh của con người! Cười trong một lúc sẽ giúp tên dân quê xua đi nỗi sợ hãi. Nhưng luật pháp được áp đặt nhờ sự sợ hãi mà cái tên chân chính của nó chính là lòng sợ Chúa. Quyển sách này có thể nhen lên đốm lửa của quỉ Lucifer để bùng lên ngọn lửa mới thiêu đốt toàn thế giới, và tiếng cười sẽ được định nghĩa là một nghệ thuật mới để chấm dứt sợ hãi, nghệ thuật mà ngay cả Prometheus [5] cũng chẳng biết đến. Khi cười, cái chết đối với tên nông nô chẳng còn nghĩa lý gì nữa: thế nhưng theo thiên định, sau cơn phóng đãng thì nghi thức lại phải trùm lên gã nỗi sợ chết! Từ quyển sách này có thể sản sinh ra một mục tiêu hủy diệt mới, nhằm thủ tiêu cái chết bằng con đường rũ sạch sợ hãi. Và chúng ta, những sinh vật tội lỗi, sẽ ra sao đây nếu không biết sợ, nếu không giữ được cái mà có lẽ là khả năng nhìn xa trông rộng nhất, đáng yêu nhất trong các khả năng thiên bẩm? Bao thể kỷ nay các học giả và đức cha bằng suy nghĩ về những điều cao quí đã ban phát tinh hoa của nền học xứ đạo để cứu vớt sự khốn khổ và cám dỗ của cái thô tục. Còn quyển sách này - vì cho rằng hài kịch, với thể loại trào phúng và kịch câm của nó, là một loại thần dược sẽ thanh lọc mọi đam mê bằng cách đưa lên sân khấu các thói tật và yếu đuối nhẹ dạ - nó sẽ khiến các học giả giả hiệu nỗ lực cứu vớt những điều cao quí, bằng sự đảo ngược quỉ quái: chấp nhận cái thô tục. Quyển sách này có thể gieo cái ý tưởng là con người mong mặt đất sẽ có vô số miền đất Cockaigne [6]. Nhưng đó là thứ chúng ta không thể có và không được phép có. Hãy nhìn những tu sĩ trẻ đã nhục nhã đọc bản nhố nhăng nhái lại "Bữa tiệc của Cyprian". Thật là một quyển sách quỉ quái làm biến dạng Thánh Kinh! Tuy nhiên, khi họ đọc nó, họ biết nó là tội lỗi. Nhưng ngày nào lời của Triết gia minh chứng cho các hình giễu bên lề sách của một bộ óc tưởng tượng sa đọa, hay ngày nào cái nằm bên lề nhảy vào trung tâm, thì ngày đó mọi dấu vết của trung tâm sẽ biến mất. Dân Chúa sẽ hóa thành một lũ quái vật ợ ra từ vực thẳm của vùng đất chưa biết đến, và khi đó rìa của thế giới cũ sẽ trở nên tâm của xứ đạo, Arimapsi sẽ ngồi trên ngôi của Peter, bọn người lùn bụng phệ đầu to sẽ chiếm lấy Thư viện! Lũ tôi tớ sẽ đặt luật, và chúng tôi (lúc đó cả Huynh nữa) phải tuân theo, trong một tình trạng chẳng có luật lệ gì cả. Một triết gia Hy Lạp mà Aristotle của Huynh có dẫn ra ở đây, đã bảo phải dùng nụ cười để xua đi sự nghiêm trang của đối phương, và nụ cười mâu thuẫn với sự nghiêm trang. Các bậc cha ông thận trọng của chúng tôi đã chọn lựa thế này: nếu tiếng cười là niềm vui của giới bình dân, thì sự phóng túng của họ phải được kiềm chế, sỉ nhục, và đe dọa bằng sự khắc nghiệt. Và giới bình dân chẳng có vũ khí nào để trau chuốt tiếng cười của họ, cho đến khi họ biến nó thành một công cụ chống lại sự nghiêm trang của các bậc chăn chiên tinh thần, những người có sứ mệnh phải dẫn dắt họ đến đời vĩnh cửu, và cứu họ khỏi sa vào sự cám dỗ của tham, sân, si. Nhưng nếu một ngày kia có ai đó khua lên lời của Triết gia và cất tiếng như một triết gia, nâng tiếng cười lên thành một vũ khí tinh xảo, nếu nghệ thuật thuyết phục được thay bằng nghệ thuật giễu cợt – thì ôi thôi, ngày đó, ngay cả Huynh nữa William ạ, và tất cả tri thức của Huynh nữa, cũng sẽ bị cuốn sạch!
- Tại sao? Lúc ấy tôi sẽ đấu trí với những người khác. Thế giới ấy sẽ tốt hơn thế giới trong đó lửa và những thanh sắt nung đỏ của Bernard Gui làm nhục ngọn lửa và sắt nung của Dolcino.
- Chính Huynh lúc đó cũng sẽ lọt vào âm mưu của Quỉ. Huynh sẽ chiến đấu ở phía bên kia trong trận thư hùng Armageddon, nơi diễn ra trận chiến đấu cuối cùng. Nhưng đến ngày đó thì giáo hội hẳn có đủ khả năng áp đặt một lần nữa giáo luật lên cuộc chiến. Chúng tôi không sợ những lời báng bổ, vì ngay cả trong những lời chưởi Chúa, chúng tôi cũng nhận ra được hình ảnh biến dạng của Jehovah nổi giận, người đã chưởi rủa bọn thiên thần nổi loạn. Chúng tôi không sợ bạo lực của những kẻ giết người chăn chiên, nhân danh cải cách hão huyền, vì đó cũng là bạo lực của các vua chúa cố tiêu diệt dân Israel. Chúng tôi không sợ sự khắc nghiệt của bọn Donatist [7], dục vọng của bọn Bogomil, sự điên cuồng tội lỗi của những sư huynh dòng Tinh thần tự do: Chúng tôi hiểu hết thảy họ và biết căn nguyên tội lỗi của họ, đó cũng là căn nguyên thánh thiện của chúng tôi. Chúng tôi không sợ, và trên hết, chúng ta biết cách tiêu diệt họ - hay tốt hơn nữa, biết cách để họ tự tiêu diệt mình. Thực ra, tôi phải nói là sự tồn tại của họ rất quí giá đối với chúng tôi, nó đã được ghi trong thiên định vì tội lỗi của họ nhắc chúng tôi đạo đức, lời nguyền rủa của họ cổ vũ cho những lời ngợi ca của chúng tôi, lối sống vô đạo của họ khiến sự thành kính của chúng tôi ngời sáng lên, cũng như cần có Sa tăng để Chúa vinh danh rạng rỡ hơn. Nhưng nếu một ngày kia – và không còn là một ngoại lệ trong giới bình dân, mà là điều phổ biến trong giới học thức đã tận tụy nghiên cứu những minh chứng không tiêu diệt được của Thánh kinh – nghệ thuật giễu cợt được chấp nhận, và trở nên cao quí, tự do, và không còn máy móc nữa; ngày kia có người nói (cho người khác nghe): "Tôi cười hiện thân của Chúa", thì khi ấy chúng tôi sẽ không có vũ khí nào để chống lại lời báng bổ ấy cả, vì nó sẽ triệu về các thế lực đen tối trong thể xác vốn tụ lại trong phát rắm và hơi ợ chua và chúng sẽ đòi cái quyền mà chỉ duy nhất tinh thần mới có: quyền được xì ra nơi nào tùy thích!
- Lycurgus đã cho dựng một tượng ca ngợi cái cười.
- Huynh đọc điều đó trong quyển sách phỉ báng của Cloritian, người đã cố giải cho kịch câm khỏi tội vô đạo, ông kể chuyện một bệnh nhân được một bác sĩ chữa lành bệnh bằng cách giúp cho người ấy cười. Cần gì phải chữa cho hắn chứ, nếu Chúa đã định đời trần tục của hắn đã chấm dứt?
- Tôi không nghĩ bác sĩ ấy đã chữa lành cho bệnh nhân. Ông ta dạy bệnh nhân cách cười căn bệnh của mình.
- Bệnh không phải đuổi tà là hết. Nó phải được tiêu diệt.
- Cùng với cơ thể của người bệnh.
- Nếu cần thiết.
- Huynh chính là Quỉ - Thầy William bèn nói.
Jorge dường như không hiểu. Nếu lão sáng mắt, tôi dám chắc lão phải đờ mắt ra nhìn người vừa nói. Lão hỏi:
- Tôi ư?
- Phải. Họ đã nói dối Huynh. Quỉ không phải là Sa Tăng, Quỉ chính là tinh thần kiêu hãnh, là đức tin không biết mỉm cười, là sự thật chẳng hề hoài nghi. Quỉ ác vì nó biết mình đi đâu, và cũng như Quỉ, Huynh sống trong bóng tối. Nếu Huynh muốn thuyết phục tôi thì Huynh đã thất bại. Jorge, tôi căm ghét Huynh, và nếu có thể, tôi sẽ dẫn Huynh xuống lầu, băng qua sân, trần truồng, lỗ đít cắm lông gà, mặt vẽ hề, để cả tu viện cười nhạo Huynh và chẳng còn sợ Huynh nữa. Tôi muốn trét mật khắp người Huynh rồi lăn vào đám lông, và buộc dây dắt Huynh ra chợ phiên, nói với mọi người rằng: Hắn đã công bố sự thật với quí vị và bảo sự thật có vị chết chóc, và quí vị đã tin, không phải lời hắn, mà là tính tàn nhẫn của hắn. Bây giờ, tôi xin thưa với quí vị rằng, trong cơn xoáy vô biên của những điều khả thi, Chúa cũng cho phép quí vị tưởng tượng ra một thế giới trong đó người cho mình làm sáng tỏ sự thật chẳng là cái gì khác hơn là một con quạ đen vụng về, kẻ lặp lại những lời người ta đã biết tự lâu rồi.
- Huynh còn xấu hơn Quỉ nữa, tu sĩ Khất thực à – Jorge nói. – Huynh là một thằng hề, cũng như vị thánh đã khai sinh cho tất cả dòng Huynh vậy. Huynh giống như Thánh Francis của Huynh, người cất tiếng nói với tất các thân xác của mình [8], người giảng kinh mà trình diễn như một tên bán thuốc dạo, người làm bọn bần tiện kinh ngạc vì dúi vào tay chúng những đồng tiền vàng, khiến các nữ tu kính đạo xấu hổ vì không đọc kinh mà lại ngâm "Miserere. Xin thương xót chúng tôi", người ăn xin bằng tiếng Pháp, người lấy một mẩu gỗ để bắt chước động tác của các nhạc công vĩ cầm, người giả dạng một tên lang thang để làm bẽ mặt các tu sĩ tham ăn tục uống, người ném mình trần truồng xuống tuyết, người nói chuyện với cỏ cây muông thú, biến cả huyền thoại của Chúa giáng sinh thành một cảnh làng, nhại tiếng cừu kêu be be để gọi con chiên xứ Bethlehem... Một trường phái hay đấy. Thầy dòng Diotisalvi xứ Florence ấy là tu sĩ Khất thực chứ?
- Phải – thầy William mỉm cười – Đó là người đã đến chủng viện của những người giảng đạo, và bảo sẽ không nhận thực phẩm nếu họ không đưa trước cho Người một mảnh áo của Sư huynh John để giữ làm thánh tích. Khi họ đưa mảnh áo ấy, Người bèn lấy nó chùi mông và ném vào đống phân, rồi lấy một cây gậy lăn nó quanh đống phân và la lên: "Than ôi, các sư huynh ơi, hãy giúp tôi, tôi lỡ đánh rơi thánh tích xuống nhà xí rồi!"
- Rõ ràng câu chuyện đó làm Huynh thích thú lắm! Có lẽ Huynh cũng kể tôi nghe câu chuyện về một tu sĩ Khất thực khác là Thày dòng Paul Millemosche. Một hôm thầy nằm sõng xoài trên mặt băng, khi đồng bào của thầy chế giễu thầy và một người hỏi thầy có thích nằm trên cái gì tốt hơn không, thầy bèn đáp: "Có, vợ của ngươi...". Đó là cách Huynh và các người anh em của Huynh tìm kiếm sự thật đấy.
- Đó là cách Thánh Francis dạy con người nhìn sự vật từ một góc độ khác.
- Nhưng chúng tôi đã buộc họ vào kỷ cương. Hôm qua Huynh đã nhìn thấy các anh em của mình đấy. Họ đã gia nhập hàng ngũ của chúng tôi và không còn nói như những người phàm tục nữa. Những người phàm tục không được phép nói. Quyển sách này sẽ biện minh cho tư tưởng ngôn ngữ của người phàm tục là phương tiện của sự thông thái. Phải ngăn chặn điều này, và tôi đã làm. Huynh bảo tôi là Quỉ, nhưng không đúng thế. Tôi là cánh tay của Chúa.
- Tay của Chúa sáng tạo, chứ không che giấu.
- Có những giới hạn không được vượt qua. Chúa ban lệnh rằng một số giấy tờ nhất định phải mang dòng chữ "đây là sư tử".
- Chúa cũng tạo ra quái vật. Và Huynh nữa. Và Ngài muốn mọi điều đều được nói đến.
Jorge giờ đôi tay run rẩy ra kéo quyển sách về phía mình, lão mở nó ra nhưng xoay lại, để thầy William vẫn có thể thấy nó thuận chiều. Lão bảo:
- Thế tại sao Ngài lại để bản viết này lạc mất hàng bao thế kỷ, chỉ còn sót lại một bản sao duy nhất, và bản sao của cái bản viết chỉ có Chúa biết đã trôi dạt đến đâu, lại bị chôn vùi hàng nhiều năm trong tay của một tên vô thần không biết tiếng Hy Lạp, rồi bị bỏ quên chẳng ai ngó ngàng đến trong một góc bí mật của một thư viện cũ kỹ, nơi chính tôi, chứ không phải Huynh, được Thượng đế gọi phải tìm nó và giấu nó đi thêm nhiều năm nữa? Tôi biết, tôi biết như thể đã đọc được nó ghi bằng những dòng chữ sắt đá, với đôi mắt có thể nhìn thấy được những điều Huynh không thấy. Tôi biết đây là ý Chúa, và tôi đã hành động để minh giảng nó. Nhân danh Cha, và Con và Thánh thần.
Chú thích:
[1] Chỉ Aristotle.
[2] Chính khách và triết gia La Mã (480?-524? sau Công Nguyên).
[3] Genesis. Quyển đầu của Kinh Cựu ước.
[4] Triết gia và nhà vật lý Hồi giáo, (1126-1198). Điểm chính trong triết lý của ông là linh hồn có thể bị tiêu diệt.
[5] Theo huyền thoại Hy Lạp, Prometheus đã trộm lửa trên trời đem xuống dạy cho con người cách sử dụng. Ông bị Zeus phạt xiềng vào một viên đá, mỗi ngày bị diều hâu đến ăn dần mòn lá gan, nhưng đến đêm nó lại hóa nguyên lành như cũ.
[6] Miền đất tưởng tượng có cuộc sống an nhàn, xa hoa.
[7] Một giáo phái thuộc đạo Thiên Chúa, được thành lập ở Bắc Phi thế kỷ IV sau Công nguyên.
[8] de toto corpore fecerat linguam
- Chương 1 - Vài dòng về tác giả
- Chương 2 - Lời mở đầu
- Chương 3 - Khởi đầu từ một bản thảo
- Chương 4 - Ghi chú
- Chương 5 - Ngày thứ nhất
- Chương 6 - Kinh xế sáng
- Chương 7 - Kinh trưa
- Chương 8 - Gần giờ kinh xế trưa và sau kinh xế trưa
- Chương 9 - Kinh chiều
- Chương 10 - Kinh tối
- Chương 11 - Ngày thứ hai
- Chương 12 - Kinh xế sáng
- Chương 13 - Kinh trưa
- Chương 14 - Kinh xế trưa
- Chương 15 - Sau kinh chiều
- Chương 16 - Kinh tối
- Chương 17 - Đêm
- Chương 18 - Ngày thứ ba
- Chương 19 - Kinh xế sáng
- Chương 20 - Kinh trưa
- Chương 21 - Kinh xế trưa
- Chương 22 - Kinh chiều
- Chương 23 - Sau kinh tối
- Chương 24 - Đêm
- Chương 25 - Ngày thứ tư
- Chương 26 - Kinh đầu
- Chương 27 - Kinh xế sáng
- Chương 28 - Kinh trưa
- Chương 29 - Kinh xế trưa
- Chương 30 - Kinh chiều
- Chương 31 - Kinh tối
- Chương 32 - Sau kinh tối
- Chương 33 - Đêm
- Chương 34 - Ngày thứ năm
- Chương 35 - Kinh xế sáng
- Chương 36 - Kinh trưa
- Chương 37 - Kinh xế trưa
- Chương 38 - Kinh chiều
- Chương 39 - Kinh tối
- Chương 40 - Ngày thứ sáu
- Chương 41 - Kinh ngợi khen
- Chương 42 - Kinh đầu
- Chương 43 - Kinh xế sáng
- Chương 44 - Sau kinh xế sáng
- Chương 45 - Kinh trưa
- Chương 46 - Kinh xế trưa
- Chương 47 - Giữa kinh chiều và kinh tối
- Chương 48 - Sau kinh tối
- Chương 49 - Ngày thứ bảy
- Chương 50 - Đêm
- Chương 51 - Trang cuối cùng