Chương 40 - Ngày thứ sáu
Các hoàng tử thống trị,
và Malachi sụp xuống đất.
Chúng tôi đi xuống dự Kinh Sớm. Phần cuối đêm, và thực ra là đầu một ngày mới, vẫn còn mù sương. Khi băng qua nhà dòng, hơi lạnh thấm buốt thấu xương tôi, vốn vẫn còn đau nhức sau một đêm trằn trọc. Mặc dù trong giáo đường rất lạnh, tôi khoan khoái được quì dưới vòm mái ngăn cách với thiên nhiên bên ngoài, lòng thấy khuây khoả nhờ hơi ấm toả ra từ những thân người, và nhờ Kinh cầu.
Khúc ca vịnh vừa cất lên thì thầy William chỉ vào chỗ ngồi đối diện chúng tôi: chiếc ghế giữa Jorge và Pacificus bỏ trống. Đó là chỗ của Malachi, người luôn luôn ngồi bên lão già mù. Chúng tôi không phải là những người duy nhất để ý đến sự vắng mặt đó. Phía bên này, tôi thấy Tu viện trưởng lo lắng liếc mắt nhìn, mà ai cũng thừa biết rằng những sự vắng mặt luôn luôn báo hiệu một tin dữ. Phía bên kia, tôi thấy già Jorge lộ vẻ bồn chồn khác thường. Gương mặt vốn vẫn vô cùng bí hiểm vì đôi mắt trắng dã, bây giờ hầu như tối sầm lại, nhưng đôi tay lão thì cứ cuống quýt bất an. Quả thật, lão cứ đưa tay sờ soạng chiếc ghế bên cạnh xem có ai ngồi không. Chốc chốc lão lại quờ tay sang, tựa như người vắng mặt sẽ hiện ra bất kỳ lúc nào nhưng lão sợ sẽ không thấy.
Tôi thầm thì hỏi thầy William:
- Quản thư viện đâu rồi?
- Malachi bây giờ là người duy nhất sở hữu quyển sách. Nếu Huynh ấy không gây ra các án mạng, thì có lẽ Huynh ấy không biết những nguy hiểm chứa đựng trong quyển sách...
Chẳng còn gì để bàn thêm. Chúng tôi đành phải đợi: Thày trò tôi, Tu viện trưởng, - người cứ nhìn trân trân vào chiếc ghế trống, - và Jorge, người mãi sờ soạng đôi tay hỏi vào bóng đêm
Khi gần đến cuối Kinh sớm, Tu viện trưởng nhắc nhở các tu sĩ và tu sinh cần phải chuẩn bị cho ngày lễ trọng Giáng sinh. Do đó, theo thông lệ, khoảng thời gian trước Kinh Ngợi khen sẽ được dùng để toàn cộng đồng tập hoà âm các khúc thánh ca đã được qui định hát trong dịp này. Tập thể những người con kính đạo này đã được luyện thành một nhất thể, một giọng hoà hợp, trải qua quá trình dài nhiều năm, họ đã công nhận khi cất tiếng hát, linh hồn của họ thảy đều hoá làm một.
Tu viện trưởng mời mọi người ca bài "Sederunt"
Sederunt principes
et adversus me
lo quebantur, iniqui
persecuti sunt me.
Adiuva me, Domine
Deus meus, salvum me
fac propter magnam misericordiam tuam (1)
Tôi tự hỏi không biết Tu viện trưởng có cố tình chọn hát bài này trong đêm nay không, tiếng kêu than của những kẻ bị bách hại cầu khẩn Chúa cứu vớt khỏi tay những ông hoàng bất nhân. Đằng kia, các sứ giả của ông Hoàng vẫn đang ngồi dự kinh lễ, nghe nhắc lại làm thế nào mà hàng bao thế kỷ nay dòng tu của chúng tôi đã nhanh chóng chống lại sự bách hại của những kẻ quyền thế, nhờ sợi dây liên hệ đặc biệt với "Thượng Đế". Quả thật, đoạn đầu của khúc ca đã tạo nên một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ.
Khi từ "Sederunt" vừa mới trĩu nặng thoát ra, thì từ "Principes" đã bay bổng lên không trung bằng một giọng thanh tao hùng tráng và thiên thần. Tôi chẳng còn thắc mắc ai là kẻ có quyền thế đang lên tiếng chống lại mình nữa, cái bóng của con ma đe doạ đang ngồi đó đã tan đi, biến mất.
Tôi tin rằng lúc đó các bóng ma khác cũng đã tan biến, vì sau khi tâm trí bị khúc ca cuốn hút, tôi nhìn lại chỗ ngồi của Malachi thì thấy hình dáng quản thư viện trong số những người khác đang cầu kinh, như thể trước đây Huynh ấy vẫn có mặt. Tôi nhìn thầy William và thấy mắt thầy lộ vẻ an tâm, vẻ an tâm mà từ đằng xa tôi cũng thấy đang hiện lên trong đôi mắt Tu viện trưởng. Còn Jorge, lão một lần nữa lại quơ tay sang bên cạnh, và khi đụng phải thân hình người ngồi kế bên giật tay về ngay. Tôi không biết lòng lão dấy lên cảm xúc gì.
Bây giờ ca đoàn đang hoan hỉ cất lên khúc "Adiuva me" trong đó âm "a" trong sáng hồ hởi vang lên khắp nhà thờ, và âm "u" không nghe âm u như trong từ "Seredunt", mà đầy khí thế thiêng liêng. Nguyên tắc buộc tu sĩ và tu sinh khi hát phải ngồi ngay người, bạnh cổ, nhìn thẳng, quyển sách ca được đặt gần ngang tầm vai nên họ có thể đọc mà không cần cúi đầu, thế nên hơi thở từ lồng ngực thoát ra một cách thoải mái. Nhưng lúc ấy vẫn còn về đêm, nên dù các hồi kèn đang vang reo nhiều người hát vẫn còn ngái ngủ, họ chìm đắm trong những nốt ngân dài, dựa vào các âm ba của ca khúc để chốc chốc gục lên gục xuống. Ngay trong tình huống đó, những người đánh thức dùng đèn soi sáng từng bộ mặt để lay cả xác lẫn hồn tỉnh dậy.
o0o
Bằng cách đó, một trong những người đi đánh thức đã thoạt tiên nhận thấy Malachi đang lắc lư một cách lạ lùng, tựa như Huynh ấy đột nhiên chìm đắm vào làn sương Cimmerius (2) của giấc ngủ mà có lẽ đêm qua không hưởng được. Người đánh thức tiến về phía Malachi, đưa đèn lên soi khuôn mặt. Sự kiện này khiến tôi để ý. Quản thư viện ngồi bất động. Người ấy chạm vào mình y và Malachi nặng nề ngã chúi tới trước. Người đánh thức chỉ vừa kịp giữ Huynh ấy lại trước khi té xuống đất.
Khúc ca khựng lại, giọng hát tắt ngấm, có một thoáng bàng hoàng. William rời chỗ, phóng ngay đến nơi Pacificus và người đánh thức đang đặt Malachi xuống đất, bất tỉnh nhân sự.
Thầy trò tôi đến đó gần như cùng một lúc với Tu viện trưởng, và dưới ánh đèn, chúng tôi nhìn thấy gương mặt kẻ xấu số. Tôi đã miêu tả diện mạo Malachi, nhưng đêm nay, dưới ánh đèn, nó mới chính là hình ảnh của thần chết: cái mũi nhọn, đôi mắt sâu hoắm, thái dương trũng xuống, tai trắng bệch nhăn nhúm, trái tai quay ra ngoài, da mặt cứng đờ, căng và khô, gò má vàng khè đầy những đốm bầm. Mắt vẫn mở và hơi thở thoi thóp thoát ra từ đôi môi khô héo. Huynh ấy há hốc mồm, và khi thầy William cúi xuống, tôi từ đằng sau cũng khom người và trông thấy cái lưỡi đen sì ngọ nguậy giữa hai hàm răng. Thầy William quàng tay qua vai Malachi nâng Huynh ấy dậy, tay kia lau lớp mồ hôi nhễ nhại trên vầng trán. Malachi cảm thấy ai đó hiện diện chạm đến mình, Huynh nhìn trừng trừng trước mặt, nhưng chắc chắn không thấy gì, không nhận ra ai. Huynh giơ bàn tay run rẩy lên nắm lấy ngực thầy William, kéo mặt thầy xuống gần sát mặt mình, rồi bằng một giọng khàn khàn yếu ớt thốt lên vài lời:
- Huynh ấy bảo tôi... thật... Nó có sức mạnh của hàng ngàn con bọ cạp...
- Ai bảo Huynh? Ai?
Malachi lại cố gắng nói. Nhưng toàn thân run bần bật, đầu gục về phía sau. Mặt thất sắc, mất hết cả sức sống. Huynh ấy đã chết.
Thầy William đứng lên, trông thấy Tu viện trưởng bên cạnh, nhưng chẳng nói lời nào. Đoạn thầy trông thấy Bernard Gui sau lưng Tu viện trưởng, bèn hỏi:
- Thưa Ngài Bernard, ai đã giết người này, sau khi Ngài đã khôn khéo tìm ra và giam giữ những kẻ sát nhân?
- Đừng hỏi tôi. Tôi chưa bao giờ tuyên bố đã tống giam tất cả những tên tội phạm đang tung hoành trong tu viện này. Nếu có khả năng, tôi sẵn lòng làm điều đó. - Hắn nhìn thầy William – Nhưng bây giờ tôi sẽ giao những tên đó cho sự nghiêm khắc... hay sự khoan dung quá độ của Cha Tu viện trưởng
Tu viện trưởng tái mặt, im lặng. Sau đó Bernard bỏ đi.
Ngay lúc đó, chúng tôi nghe có tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào. Đó là Jorge, đang quì trên ghế. Một tu sĩ đang đỡ Huynh, ắt hẳn người ấy đã kể lại sự việc vừa xảy ra. Giọng Jorge đứt quãng:
- Sẽ không bao giờ chấm dứt... Chúa ơi... hãy tha thứ cho tất cả chúng con!
Thầy William cúi xuống nhìn xác chết thêm một lúc, cầm cổ tay và quay lòng bàn tay về phía ánh sáng. Đầu ba ngón tay đầu tiên của bàn tay mặt tím bầm.
Chú thích:
(1) Các ông Hoàng ngồi xuống
Và lên tiếng chống lại con
những kẻ bất nhân
bách hại con
Lạy chúa, Chúa của con
Xin giúp con
Xin Chúa mở lòng từ bi hải hà
cứu thoát con
(2) Một dân tộc huyền thoại sống trên một vùng đất được Homer miêu tả là vĩnh viễn bị sương mù và bóng tối bao phủ.
- Chương 1 - Vài dòng về tác giả
- Chương 2 - Lời mở đầu
- Chương 3 - Khởi đầu từ một bản thảo
- Chương 4 - Ghi chú
- Chương 5 - Ngày thứ nhất
- Chương 6 - Kinh xế sáng
- Chương 7 - Kinh trưa
- Chương 8 - Gần giờ kinh xế trưa và sau kinh xế trưa
- Chương 9 - Kinh chiều
- Chương 10 - Kinh tối
- Chương 11 - Ngày thứ hai
- Chương 12 - Kinh xế sáng
- Chương 13 - Kinh trưa
- Chương 14 - Kinh xế trưa
- Chương 15 - Sau kinh chiều
- Chương 16 - Kinh tối
- Chương 17 - Đêm
- Chương 18 - Ngày thứ ba
- Chương 19 - Kinh xế sáng
- Chương 20 - Kinh trưa
- Chương 21 - Kinh xế trưa
- Chương 22 - Kinh chiều
- Chương 23 - Sau kinh tối
- Chương 24 - Đêm
- Chương 25 - Ngày thứ tư
- Chương 26 - Kinh đầu
- Chương 27 - Kinh xế sáng
- Chương 28 - Kinh trưa
- Chương 29 - Kinh xế trưa
- Chương 30 - Kinh chiều
- Chương 31 - Kinh tối
- Chương 32 - Sau kinh tối
- Chương 33 - Đêm
- Chương 34 - Ngày thứ năm
- Chương 35 - Kinh xế sáng
- Chương 36 - Kinh trưa
- Chương 37 - Kinh xế trưa
- Chương 38 - Kinh chiều
- Chương 39 - Kinh tối
- Chương 40 - Ngày thứ sáu
- Chương 41 - Kinh ngợi khen
- Chương 42 - Kinh đầu
- Chương 43 - Kinh xế sáng
- Chương 44 - Sau kinh xế sáng
- Chương 45 - Kinh trưa
- Chương 46 - Kinh xế trưa
- Chương 47 - Giữa kinh chiều và kinh tối
- Chương 48 - Sau kinh tối
- Chương 49 - Ngày thứ bảy
- Chương 50 - Đêm
- Chương 51 - Trang cuối cùng