Chương 23 - Sau kinh tối
Ubertino kể Adso nghe câu chuyện
về Fra Dolcino,
sau đó cậu gặp một trinh nữ xinh đẹp
và đáng sợ như một đoàn hùng binh.
Tôi gặp Ubertino trước tượng Đức Mẹ đồng trinh. Lẳng lặng, tôi đến bên Cha và quỳ xuống vờ cầu nguyện. Rồi tôi đánh bạo cất tiếng:
- Thưa đức cha, xin cha soi sáng và chỉ dạy cho con.
Cha Ubertino nhìn tôi, kéo tôi đứng dậy và dẫn đến ngồi trên một chiếc ghế dài. Cha ôm ghì lấy tôi, khiến tôi cảm thấy hơi thở của người trên mặt. Cha nói:
- Con thân yêu, con người tội lỗi này sẽ hân hoan làm bất cứ điều gì cho linh hồn con. Việc gì đang khiến con ưu phiền? Khao khát ư? – Cha hỏi, như chính Cha đang khao khát vậy, - Khao khát của xác thịt ư?
Tôi đỏ mặt đáp: - Không. Có chăng chỉ là khao khát về trí tuệ, con muốn biết quá nhiều...
- Thế là không tốt. Chúa biết tất cả, chúng ta chỉ được phép chiêm ngưỡng kiến thức của Ngài.
- Nhưng chúng ta cũng phải biết phân biệt thiện ác và thông cảm với những nỗi đam mê của con người. Con nay là tu sinh, nhưng rồi sẽ lên tu sĩ, thành linh mục, nên con phải biết cái ác ở đâu, như thế nào, để có thể một ngày nào đó nhận ra nó và dạy những người khác cách nhận ra nó.
- Đúng đấy, con ạ. Vậy con muốn biết điều chi?
- Thưa Cha, mầm độc của bọn phản giáo, - tôi khẳng định và nói một mạch, - con đã nghe kể về một kẻ ác đã khiến bao người lầm lạc: Fra Dolcino.
Ubertino lặng người, rồi đáp – Đúng đấy, con đã nghe Sư huynh William và Cha nói về hắn tối hôm nọ. Nhưng đó là một câu chuyện ghê tởm, khiến ta đau lòng phải nhắc lại, vì từ đó có thể rút ra một bài học rằng, lòng khao khát muốn sám hối và thanh lọc thế giới có thể gây ra cuộc tương tàn đẫm máu – Cha nhón mình, nới lỏng vòng ôm, nhưng vẫn còn đặt một tay lên cổ tôi, như muốn truyền đạt sự hiểu biết và nhiệt tình của Cha với tôi. Cha kể:
- Câu chuyện bắt đầu từ trước thời Fra Dolcino, hơn sáu mươi năm về trước, ở Parma, khi Cha còn bé. Một người tên Gherardo Segarelli đi giảng đạo, kêu gào tất cả mọi người sống đời ăn năn. Gã thường đi đây đó rao giảng: "Penitenziagite! Hãy sám hối!" Gã buộc các đệ tử phải bắt chước thánh Tông đồ, tự nhận giáo phái của mình là dòng của các Tông đồ và các tín hữu phải đi khắp thế gian như những hành khất nghèo nàn, sống nhờ của bố thí. Gã và các tín đồ đã bị buộc tội là những bọn du thủ du thực, đã phủ nhận quyền hành của các linh mục, không hành lễ Mi-sa và không làm phép xưng tội.
- Nhưng các tu sĩ Francisco dòng Thánh thần cũng bị buộc tội như vậy. Và chẳng phải các tu sĩ Khất thực ngày nay đã nói rằng, không nên công nhận quyền lực của Giáo hoàng sao?
- Đúng, nhưng phải công nhận quyền lực của các linh mục. Các Cha cũng chính là những linh mục dòng Khất thực. Con ạ, thật khó mà phân biệt những vấn đề này. Lằn ranh giữa thiện và ác rất mỏng manh... Trên một mặt nào đó, Gherardo đã sai lầm và phạm tội phản giáo. Gã xin nhập dòng Khất thực, nhưng các Sư huynh của Cha không chấp nhận. Gã sống một thời gian trong nhà thờ của dòng Cha, thấy trong các bức họa các Tông đồ mang xăng-đan, và quấn áo ngang vai. Thế là gã để râu tóc, mang xăng-đan, mặc áo dòng Khất thực, vì bất kỳ ai muốn thành lập một giáo phái mới đều bắt chước một cái gì đó của dòng Francisco thiêng liêng.
- Thế thì ông ấy thuộc phe chính...
- Nhưng gã có sai trái ít nhiều... khoác một chiếc áo trắng bên ngoài lớp áo dòng trắng, tóc xõa dài, gã nổi danh trong bàn dân thiên hạ như một vị thánh. Gã bán căn nhà nhỏ của mình, gom được ít tiền. Sau đó, gã đứng trên một tảng đá, nơi xa xưa giới chức sắc vẫn thường đến để diễn thuyết. Tay cầm một bọc tiền vàng, gã không gieo hay phân phát cho người nghèo, lại gọi bọn vô lại đang đánh súc-sắc gần đó đến, ném tiền vào chúng và nói: "Ai nhặt được thì lấy". Bọn này nhặt tiền và đem nướng sạch hết, lại còn báng bổ Chúa, gã nghe nhưng chẳng xấu hổ gì.
- Nhưng Thánh Francisco cũng từ bỏ tất cả mọi thứ, và hôm nay, con có nghe thầy William nói rằng Người đã giảng đạo cho quạ, diều hâu và cả những người cùi, nghĩa là những thành phần cặn bã đã bị những kẻ tự nhận là đạo đức ruồng bỏ..
- Đúng, nhưng Gherardo có phần nào sai. Thánh Francisco không bao giờ mâu thuẫn với Giáo hội, và Thánh kinh dạy phải cho người nghèo, chớ không cho bọn vô lại. Gherardo cho và chẳng nhận được gì đáp lại vì đã cho những bọn xấu. Gã đã khởi sự sai, tiến hành sai và kết cục sai vì Giáo hoàng Gregory X phản đối giáo phái của gã.
Cuối cùng, thiên hạ kể rằng, để thử sức mạnh của ý chí và sự tiết dục của mình, gã ngủ với đàn bà mà không giao cấu. Nhưng khi bọn đệ tử của gã bắt chước thì hậu quả hoàn toàn ngược lại. Ôi, đây là những điều mà một cậu bé không nên biết: đàn bà là cội nguồn của Quỷ sứ. Rồi chúng xâu xé nhau giành quyền lãnh đạo giáo phái, nhiều điều ác xảy ra. Thế nhưng có nhiều người tìm đến Gherardo, không chỉ là nông dân mà cả các thị dân, thành viên trong phường hội. Gherardo bắt họ lột hết quần áo ra để theo Chúa Ki-tô trần trụi rồi phái họ ra đời giảng đạo. Còn gã thì mặc một áo dài trắng sát nách bằng vải thô, trông như một thằng hề chứ không giống người tu hành! Chúng sống ngoài trời, đôi khi leo lên bục giảng nhà thờ, quấy phá những con chiên ngoan đạo đang dự lễ và xua đuổi các thầy giảng. Có lần chúng còn đặt một đứa bé lên ghế của giám mục ở nhà thờ thánh Orso tại Ravenna. Chúng tự xưng là người kế tục học thuyết của Joachim xứ Floris...
Tóm lại, để con khỏi đau đầu vì những câu chuyện đau buồn rối ren mà con không thể hiểu rõ, Giám mục Obizzo xứ Parma, cuối cùng đã phải tống giam Gherardo. Đến đây, lại có một chuyện lạ xảy ra, nói lên sự yếu mềm của bản chất loài người và mầm mống của bọn phản giáo xảo quyệt như thế nào. Vì rốt cuộc, giám mục lại phóng thích Gherardo, cùng hắn ăn uống, cười đùa, giỡn hớt!
- Nhưng tại sao vậy?
- Cha chẳng hiểu. Nhưng sau đó, Giáo hoàng can thiệp và giám mục trở lại nghiêm trang, đúng mực, còn Gherardo thì chết trên giàn hỏa như một tên phản giáo hỗn xược. Chuyện xảy ra vào đầu thế kỷ mười bốn này.
- Nhưng chuyện này có liên quan gì đến Fra Dolcino?
- Có liên quan chứ, điều này chứng tỏ mầm phản giáo vẫn tồn tại cho dù bọn phản giáo đã bị tiêu diệt. Tên Dolcino là con hoang của một linh mục, sống ở giáo phận Novara, thuộc miền này của nước Ý, nhưng xa hơn về phía Bắc. Hắn là một thanh niên đầu óc sắc sảo, học văn chương. Hắn trộm của linh mục nuôi dưỡng hắn và trốn về thành phố Trent ở phía đông. Tại đó, hắn phục hồi lối giảng đạo của Gherardo, nhưng còn sặc mùi phản giáo hơn, tuyên bố mình là tông đồ chân chính duy nhất của Chúa, và trong tình yêu không có gì là riêng rẽ, người ta được phép ăn nằm chung chạ với mọi phụ nữ mà không bị buộc tội đa thê, cho dù ngủ cả với vợ và con gái...
- Ông ấy quả thực có giảng những điều như thế không, hay chỉ bị buộc tội đó thôi? Con có nghe các tu sĩ dòng Thánh thần, cũng như các tu sĩ xứ Montefalco, đều bị buộc tội tương tự...
- Đủ rồi, - Ubertino gắt gỏng, ngắt lời – Chúng không còn là tu sĩ nữa. Chúng là bọn phản giáo bị Fra Dolcino làm thối nát. Ngoài ra, hãy nghe đây: chỉ cần biết những việc hắn làm sau này cũng đủ để gọi hắn là kẻ ác độc. Chắc chắn rằng hắn bắt đầu giảng đạo tại Trent. Tại đó, hắn quyến rũ một trinh nữ tuyệt sắc, con nhà quý tộc, tên Margaret, cũng có thể là nàng đã quyến rũ hắn, như cô học trò Héloise dụ dỗ thầy giáo Abelardo thế kỷ XII, vì, đừng quên nhé, chính nhờ qua đàn bà mà Quỷ sứ thâm nhập vào trái tim đàn ông. Lúc đó, Giám mục Trent đuổi hắn ra khỏi giáo phận, nhưng khi ấy hắn đã tập hợp được hơn một nghìn tín hữu để bắt đầu một cuộc trường chinh trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của hắn. Dọc đường, một số dân chúng nghe giảng đạo bùi tai nên lạc lòng đi theo. Có lẽ cũng có nhiều tên phản giáo dòng Waldenses ở đất Bắc này. Khi đến vùng Novara, Dolcino tìm thấy một thời cơ thuận tiện để dấy loạn, vì các vương hầu cai trị thành phố Gattinara nhân danh Giám mục ở Vercelli đã bị dân chúng đuổi đi để đón tiếp Dolcino và bọn phạm pháp như những đồng minh đáng trọng.
- Câu chuyện thật rắc rối. Dolcino về phe nào?
- Cha không biết. Hắn tự mâu thuẫn với chính mình. Hắn tham gia mọi cuộc xung đột, xem chúng như những cơ hội để thuyết giảng việc chống lại quyền tư hữu nhân danh cái nghèo. Dolcino và hơn ba ngàn tín hữu, đứng trên một ngọn đồi gần Novara, tên là đồi Núi Trọc, dựng chòi và xây công sự chiến đấu... Dolcino cai quản cả đám đàn ông đàn bà đông đúc ấy, lúc ấy sống trong cảnh hoang dâm đê hèn nhất. Từ nơi ấy, hắn gửi thơ cho các tín hữu, tán dương học thuyết dị giáo. Hắn miệng nói, tay viết rằng lý tưởng của chúng là cái nghèo, chúng không bị ràng buộc bởi một lời tuyên thề trung thành bên ngoài nào, và chính hắn, Dolcino, đã được Chúa phái xuống để tiết lộ những lời tiên tri và thông hiểu thánh thư Cựu và Tân Ước. Hắn còn gọi giới tăng lữ thế tục (các thầy giảng và tu sĩ dòng Khất thực) là những nhà thuyết giảng của Quỷ sứ, bảo không ai có bổn phận phải nghe lời họ. Hắn tuyên bố Giáo hội La Mã là một con điếm, rêu rao rằng sống không thề nguyện sẽ tốt đẹp hơn, rằng nhà thờ được Giáo hội công nhận thì không khác hơn một chuồng ngựa và chẳng đáng để tới cầu nguyện, rằng người ta có thể thờ phượng Chúa trong rừng hay trong nhà thờ đều được.
- Mọi người đều chống hắn chứ?
- Cha không biết. Có lẽ hắn nhận được sự ủng hộ của một số người. Trong khi đó mùa đông đến, mùa đông năm 1305, một nạn đói lan tràn khắp nơi. Trên đồi Núi Trọc, đời sống trở nên quá kham khổ. Chúng đói đến nỗi phải ăn thịt ngựa và các súc vật khác, kể cả rơm luộc. Rất nhiều người chết.
Đến cuối năm 1305, tên thủ lãnh dị giáo buộc phải rời đồi Núi Trọc, bỏ lại những người bệnh tật chết chóc để dời xuống lãnh thổ Trivero, sống cheo leo trên ngọn núi Zubello, sau được gọi là núi Rebello, vì đó là thành trì của bọn phản loạn chống lại Giáo hội. Dầu sao chăng nữa, Cha không thể kể cho con hết tất cả mọi chuyện. Đã xảy ra nhiều cuộc thảm sát kinh hoàng, nhưng cuối cùng bọn phản loạn buộc phải đầu hàng. Dolcino và đồng bọn bị bắt và đền tội trên giàn hỏa.
- Kể cả người đẹp Margaret?
Cha Ubertino nhìn tôi: - Thế con cũng nhớ rằng nàng đẹp à? Người ta bảo rằng nàng thật đẹp, và nhiều lãnh chúa địa phương đã cố xin cưới nàng để cứu nàng khỏi bị hỏa thiêu. Nhưng nàng từ chối và ngoan cố chịu chết bên người yêu. Con hãy lấy đó làm bài học: hãy coi chừng con điếm thành Babylon, ngay cả khi nó mang nhan sắc kiều diễm nhất.
- Thưa cha, con có nghe nói rằng quản hầm của tu viện và có lẽ cả Salvatore nữa đã gặp và theo Dolcino thế nào đó...
- Câm ngay! Chớ ăn nói hàm hồ. Cha đã gặp quản hầm trong tu viện dòng Khất thực. Cha không biết trước đó Huynh ấy ở đâu, nhưng Cha biết Remigio luôn là một tu sĩ tốt, ít ra là, theo quan điểm của chính thống giáo. Còn cái gì xảy ra sau đó, than ôi... thân xác thì yếu mềm...
- Cha có ý nói gì?
- Đây là những điều con không nên biết – Cha lại ôm sát tôi vào lòng và chỉ tượng Đức Mẹ đồng trinh – Con phải được hướng dẫn đến một tình yêu vô nhiễm. Đức Mẹ có nữ tính thiêng liêng, vì thế, con có thể gọi Mẹ là đẹp – Gương mặt Cha đờ đẫn, ngây ngất, như gương mặt Tu viện trưởng khi nói về vàng, ngọc trong những bình thánh – Ngay cả vẻ yêu kiều trên thân thể Mẹ cũng là nét đẹp của thiên đàng, vì thế, nhà điêu khắc đã tạc tượng Mẹ với tất cả nét thanh nhã của một phụ nữ - Cha chỉ lên bộ ngực thon của Mẹ Đồng trinh – Con thấy chưa? Như các nhà thông thái đã nói: Bộ ngực của Mẹ cũng đẹp, nó hơi nhô cao, hơi căng tròn, nhưng không lồ lộ khêu gợi, ngực nén nhưng không xẹp... Thế, con cảm thấy gì trong hình ảnh ngọt dịu nhất này?
Mặt tôi đỏ như gấc, lòng bừng lên như có lửa đốt. Cha Ubertino hẳn đã nhận ra điều đó, hay có lẽ đã liếc nhìn đôi má ửng hồng của tôi, bèn nói thêm ngay... - Nhưng con phải biết phân biệt ngọn lửa của tình yêu siêu nhiên với những rạo rực của xác thịt. Ngay cả đối với bậc thánh cũng vẫn khó nữa.
Tôi run rẩy hỏi: - Làm thế nào để nhận ra được tình yêu chân chính?
- Tình yêu là gì? Trên cõi đời này, Cha ngờ vực tình yêu hơn cả người hay Quỷ, hay bất kỳ thứ gì, vì nó thấm vào tâm hồn hơn mọi thứ. Không một thứ gì hiện hữu lại có sức mạnh chiếm hữu và ràng buộc con tim bằng tình yêu. Do đó, nếu con không có vũ khí chế ngự được nó thì linh hồn say đắm yêu đương của con sẽ lao xuống một vực thẳm bao la. Cha tin rằng nếu không vì Margaret quyến rũ thì Dolcino đã không bị đọa đầy, và sẽ có ít kẻ bị cuộc dấy loạn cám dỗ hơn, nếu không có cảnh sống phóng túng và lang chạ trên đồi Núi Trọc. Nhớ đấy, Cha nói những điều này với con không chỉ về loại tình yêu xấu xa mà ai cũng phải xa lánh như Ác quỷ. Cha cũng rất dè dặt nói về tình yêu thánh thiện giữa Chúa và người, giữa người và người. Đời vẫn thường gặp một số người, nam hay nữ, thành tâm yêu nhau, hai bên ấp ủ một tình cảm trìu mến đặc biệt, mong ước mãi mãi sống bên nhau, và cùng có chung những khát vọng. Cha thú thật cũng có những tình cảm tương tự như thế đối với những phụ nữ tiết hạnh nhất như Angela và Clare. Dầu sao, điều đó cũng đáng trách, mặc dầu nó thiêng liêng và hướng về Chúa... Ngay cả một tình yêu phát xuất từ tâm hồn, nếu không được trang bị trước và quá nồng nhiệt, thì sẽ sụp đổ hay rối loạn. Ôi, tình yêu có nhiều tính chất: thoạt tiên, lòng bồi hồi xao xuyến, rồi đau khổ... nồng ấm lửa yêu thánh thiện, rồi thổn thức, rên rỉ, như đá ném vào lò để hóa vôi, nó rạn nứt, nóng bỏng.
- Và đó là tình yêu chân chính?
Ubertino vuốt đầu tôi, tôi thấy mắt Cha đẫm lệ.
- Phải, cuối cùng đó mới là tình yêu chân chính.
Cha không quàng vai tôi nữa, tiếp:
- Phân loại tình yêu mới khó khăn, khó khăn biết bao! Và đôi khi Quỷ sứ cám dỗ tâm hồn con, khiến con cảm thấy mình như bị treo cổ, tay trói ngoặt sau lưng, mắt bịt kín, đong đưa trong không trung, nhưng vẫn sống mà không ai giúp đỡ, hỗ trợ, không ai cứu chữa...
Mặt Cha đầm đìa nước mắt và mồ hôi. Cha nói nhanh – Con đi đi. Cha đã kể điều con muốn biết. Bên này là thiên thần ca hát, bên kia là hố sâu của Địa Ngục. Đi đi. Tạ ơn Chúa.
Cha lại nằm soải người trước tượng Mẹ Đồng trinh, rấm rức khóc. Cha đang cầu nguyện.
o0o
Tôi không rời khỏi nhà thờ. Cuộc nói chuyện với Cha Ubertino đã nhen lên trong hồn xác tôi một ngọn lửa lạ thường và cả một sự bồn chồn khôn tả. Có lẽ vì lý do này nên tôi bỗng nổi hứng muốn phá luật và quyết định một mình quay lại Thư viện. Bản thân tôi cũng chẳng biết mình tìm gì. Tôi muốn tự mình khám phá một nơi chưa ai biết đến. Tôi khoái trá nghĩ mình có thể tự định hướng mà không cần sự giúp đỡ của thầy. Tôi leo cầu thang như Dolcino đã leo lên núi Rebello.
Tay cầm đèn, mắt hầu như nhắm nghiền, tôi lọt vào lò thiêu xương và chẳng bao lâu đã lên đến phòng thư tịch.
Tôi cho đó là một đêm định mệnh, vì khi đang lang thang giữa những dãy bàn, tôi chợt thấy một bản thảo mở ngỏ do một tu sĩ đang chép dở: "Lịch sử của thủ lãnh dị giáo Fra Dolcino" (1). Tôi nghĩ, đó là bản của Peter xứ Sant Albano, người đang viết một thiên sử về bọn dị giáo. Do đó, bản thảo đó có nằm trên bàn của Huynh ấy cũng là việc bình thường; thế nhưng tôi lại thấy nó như một dấu hiệu siêu nhiên, dù do trời hay do quỷ tôi cũng chẳng biết, nên liền hăm hở cúi xuống đọc. Bản viết không dài và ở đó ta đọc được những điều Ubertino không kể, những điều rõ ràng được một người chứng kiến toàn bộ thuật lại. Tôi đọc thấy rằng, vào ngày thứ bảy lễ thánh tháng 3 năm 1307, Dolcino, Margaret và Longinus cuối cùng đã bị bắt và đem về thành phố Biella, nộp cho giám mục để chờ quyết định của Giáo hoàng. Giáo hoàng thẳng tay ra lệnh cho giám mục đem xử tử các phạm nhân. Thế rồi, ngày đầu tháng 7 năm đó, bọn dị giáo được giao cho quân đội thế tục. Khi hồi chuông trong thành phố reo vang thì bọn dị giáo được đặt lên một cỗ xe, chung quanh là những người hành quyết, có dân quân theo sau. Chúng bị chở đi khắp thành phố và cứ đến mỗi góc đường lại bị người ta dùng kẹp rực lửa rứt từng mảnh thịt. Margaret bị thiêu trước tiên. Mặt Dolcino không hề biến sắc, hắn cũng không hề run rẩy khi bị rứt thịt. Cỗ xe tiếp tục lăn bánh. Còn bọn hành quyết thì nung những thanh sắt trong các lò rực than hồng. Dolcino trải qua nhiều nhục hình, nhưng vẫn lặng câm. Khi người ta cắt mũi, hắn hơi nhún vai và khi họ chặt đứt dương vật, hắn buông ra một tiếng thở dài như rên rỉ. Những lời cuối cùng hắn nói, nghe rất xấc xược vì hắn cảnh cáo rằng hắn sẽ sống dậy ba ngày sau. Rồi hắn bị thiêu và người ta đem thả tro bay theo gió.
Tôi run rẩy xếp bản viết lại. Dolcino đã phạm nhiều tội ác nhưng hắn đã bị thiêu quá khủng khiếp. Và tại giàn hỏa, hắn đã xử sự... như thế nào? Với kẻ hiên ngang như một người tử vì đạo, hay vẻ cao ngạo của kẻ bị đọa đày?...
Tôi nhớ lại lời Cha Ubertino nói về tình yêu. Hình ảnh của Dolcino lẫn lộn với người đẹp Margaret. Tôi lại cảm thấy nỗi bồn chồn ban nãy đã xâm chiếm tôi trong nhà thờ.
o0o
Tôi cố không nghĩ nữa và trực chỉ Mê cung.
Đây là lần đầu tiên tôi vào một mình. Những cái bóng do ánh đèn hắt dài xuống nền nhà khiến tôi kinh hãi chẳng kém gì những hư ảnh đêm nọ. Lúc nào tôi cũng ngay ngáy sợ sẽ đụng đầu một tấm gương khác; những tấm gương có một phép kỳ lạ đến nỗi dù biết chúng chỉ là gương thôi, mình cũng đâm hoảng.
Mặt khác, tôi không cố định hướng hay xa lánh cái phòng xông khói gây ảo giác gì cả. Tôi như người lên cơn mê sảng, chẳng biết mình muốn đi đâu nữa. Thực ra, tôi cũng chẳng đi xa khởi điểm mấy, vì chỉ một chốc sau, tôi lại thấy mình lọt trở lại phòng bảy cạnh đã vào ban nãy. Ở đây, trên chiếc bàn có đặt vài quyển sách, hình như hôm nọ tôi không trông thấy. Tôi đoán có lẽ đó là sách Malachi đem từ phòng thư tịch lên, nhưng chưa kịp xếp vào ngăn tương ứng. Tôi không biết mình cách căn phòng xông khói bao xa, vì tôi cảm thấy ngầy ngật. Đó có thể là do ám khí bay đến chỗ tôi đứng, hay vì óc tôi bị ám ảnh vì những suy nghĩ ban nãy. Tôi mở ra một quyển sách đầy những minh họa đẹp, và căn cứ theo kiểu cách của nó, thì có lẽ nó từ các chủng viện xứ Ultima Thule.
Trên trang giấy mở đầu phúc âm của Tông đồ Mark, đập vào mắt tôi hình ảnh một con sư tử, nó gợi lên cho tôi đồng thời hai hình ảnh: vừa của Kẻ thù vừa của Chúa, tôi cũng không biết nên hiểu nó theo biểu tượng nào. Toàn thân tôi run lẩy bẩy, vừa vì sợ, vừa vì gió lạnh luồn qua các khe trên tường.
Con sư tử đã làm tôi sợ quá, tôi bèn giở sang các trang khác và mắt tôi dừng lại ở trang mở đầu phúc âm của thánh Mathew, có vẽ một người đàn ông. Tôi không biết sao hình ảnh này còn làm tôi sợ hơn con sư tử. Gương mặt thì của người nhưng lại mặc một áo lễ cứng đờ phủ đến chân, trông như áo giáp, có đính đá quý màu đỏ và vàng. Cái đầu, nhô lên một cách kỳ quặc từ khối áo giáp đầy hồng ngọc và hoàng ngọc, trông giống như bộ mặt của tên sát nhân huyền bí với những dấu vết vô hình mà chúng tôi đang cố tìm kiếm. Rồi tôi hiểu được tại sao mình lại liên hệ hình ảnh con sư tử và người áo giáp này với Mê Cung chặt chẽ như vậy: cả hai minh họa, cũng như tất cả minh họa khác trong quyển sách, đều xuất phát từ cấu trúc của những Mê Cung chằng chịt; chúng thảy đều có liên hệ đến cái mê hồn trận những phòng, những hành lang nơi tôi đang đứng. Mắt tôi lạc thần trên những trang giấy theo những đường nét sáng ngời, cũng như chân tôi lạc hướng trong những dãy phòng rối mù của Thư viện. Lòng tôi đầy nỗi bồn chồn khi thấy các bản viết này mô tả con đường lang thang của chính tôi. Tôi tin mỗi cuốn sách, bằng những chuỗi cười bí hiểm, đang kể lại câu chuyện hiện nay của tôi. Tôi tự nhủ đó là "Câu chuyện ngụ ngôn kể về chính mình" (2) và không biết những quyển sách đó có chứa sẵn các biến cố tương lai dành cho tôi chưa?
Tôi mở một quyển sách khác. Màu sắc táo bạo, những mảng đỏ trông tựa máu lửa. Trong quyển sách này, họa sĩ đã nhấn mạnh những đường cong trên thân thể phụ nữ. Tôi so sánh gương mặt, bộ ngực, cặp đùi thon của người phụ nữ với tượng Mẹ Đồng Trinh mà tôi đã ngắm với Ubetino. Đường nét có khác biệt, nhưng tôi thấy hình nhân này cũng rất đẹp. Tôi nghĩ, mình không nên chú tâm vào những khái niệm này nữa, nên lật thêm vài trang. Lại gặp hình đàn bà khác, lần này là con điếm thành Babylon. Thân hình ả không làm tôi ngạc nhiên, mà tôi ngạc nhiên vì thấy ả cũng giống như những người đàn bà khác, thế mà lại là hố sâu của mọi tội lỗi, còn người phụ nữ kia lại là nguồn cội của mọi phẩm hạnh. Cả hai đều mang thân hình đàn bà, và đôi khi tôi chẳng biết cách nào để phân biệt họ cả. Lòng tôi lại rạo rực. Hình ảnh Mẹ Đồng trinh trong nhà thờ nhập vào hình ảnh người đẹp Margaret. Tôi tự nhủ: "Ta bị đọa rồi! Ta điên rồi". Và quyết định phải rời Thư viện ngay.
May thay, lúc ấy tôi ở gần cầu thang. Tôi phóng như bay xuống, bất chấp có bị té hay đổ đèn. Tôi lọt trở lại phòng thư tịch, nhưng không dám nấn ná ở đấy thêm, mà lao xuống cầu thang dẫn vào nhà ăn.
* * *
Xuống đến đây, tôi ngừng lại, thở hổn hển. Ánh trăng rực rỡ chiếu qua cửa sổ, nên chẳng cần dùng đèn như khi qua các phòng và lối đi tối tăm trong Thư viện. Tuy vậy, tôi vẫn giữ đèn cháy cho yên tâm. Nhưng tôi vẫn thấy khó thở, nên định uống ít nước để lấy lại bình tĩnh. Vì bếp gần đấy nên tôi đi băng qua nhà ăn rồi nhẹ nhàng mở một cánh cửa dẫn vào gian thứ hai của tầng trệt trong Đại dinh.
Đến đây, thay vì bớt sợ, tôi lại thấy khiếp hãi hơn, vì tôi cảm nhận ngay có ai đó đang ở trong nhà bếp, gần lò bánh – hay ít ra cũng có một ánh đèn sáng trong góc đó. Hoảng sợ, tôi thổi tắt đèn của mình đi. Tôi sợ, nhưng đằng ấy cũng sợ, vì người kia cũng thổi đèn ngay. Nhưng vô ích, ánh trăng chiếu vào nhà bếp đủ sáng để soi lên nền nhà trước mặt tôi một vài hình bóng chập chờn.
Tôi sợ điếng người, tiến thoái lưỡng nan. Tôi nghe có tiếng lắp bắp và dường như có tiếng phụ nữ khe khẽ. Rồi từ trong cái đống hỗn độn gần miệng lò, lờ mờ hiện ra một bóng đen cục mịch. Hắn phóng ra, chạy ào về phía cánh cửa đang hé mở, rồi đóng sầm nó lại.
Tôi đứng lặng trên ngưỡng cửa giữa nhà ăn và nhà bếp, và còn một vật gì lờ mờ gần lò bánh cũng bất động. Một vật lờ mờ và nói thế nào nhỉ? – đang rên rỉ. Từ trong bóng tối vọng ra tiếng khóc than, nghe như nghẹn ngào, rấm rứt sợ hãi.
Cái sợ của người khác khiến kẻ đang sợ can đảm hơn bất kỳ thứ gì khác, nhưng không phải tôi tiến đến cái bóng ấy vì sợ hãi. Đúng hơn, đầu tôi tràn ngập một cảm giác ngây ngất như khi bị ảo giác trong Thư viện. Trong bếp tỏa ra một mùi gì giống giống cái mùi tôi đã hít phải trong Thư viện đêm hôm trước. Có lẽ không phải cùng một mùi, nhưng vì tôi quá căng thẳng nên nó cũng có tác dụng tương tự. Tôi ngửi thấy mùi hăng hắc của đủ loại gia vị làm nhiễm độc màng mũi lẫn cả đầu óc tôi nữa.
Trong khi lý trí tôi hét lên "quay lui", bảo phải tháo chạy khỏi cái bóng rên rỉ kia, con yêu tinh mà Quỷ đã gọi đến cho tôi; thì trong tiềm thức tôi có một cái gì đó thúc tới, như thể muốn dự phần vào một điều nhiệm mầu.
Thế là tôi đến gần bóng đen và nhờ ánh trăng từ cửa sổ cao, tôi nhận ra đó là một phụ nữ đang run rẩy, một tay ghì chặt cái bọc vào ngực, vừa khóc vừa nhích dần về phía miệng lò.
Cầu Chúa, cầu Mẹ Đồng trinh, và tất cả các thánh thần trên trời phù hộ con thuật lại điều xảy ra khi ấy! Tôi chỉ muốn nói rằng một điều xấu đã xảy ra và đáng lẽ chẳng nên kể lại, để khỏi làm bàng hoàng cả tôi lẫn bạn đọc. Nhưng tôi đã quyết định phải kể lại toàn bộ sự thật của câu chuyện xa xưa kia. Vậy xin kể hầu các bạn một thanh niên đã rơi vào bẫy của Quỷ sứ như thế nào, để người đời sau nếu có gặp cảnh ấy có thể vượt qua được.
Vâng, đó là một phụ nữ, hay đúng hơn là một thiếu nữ. Vì ít khi được tiếp xúc với người khác phái, tôi không biết nàng độ tuổi bao nhiêu. Chỉ biết nàng rất trẻ, có lẽ khoảng đôi tám đôi chín hay đôi mươi gì đó. Tôi bàng hoàng cảm nhận cái thực thể con người toát ra từ nhân dáng đó. Đây không phải là một ảo giác, và dẫu sao tôi nghĩ đó là một thực thể tốt. Có lẽ vì nàng đang run lẩy bẩy như cánh chim non trong tuyết giá, đang than khóc sợ hãi tôi.
Nghĩ rằng bổn phận của mọi con chiên ngoan đạo là cứu vãn người đồng loại, tôi hết sức nhẹ nhàng tiến đến nàng và dùng tiếng La-tinh trong sáng bảo nàng chớ sợ, vì tôi là bạn chớ không phải là thù, chắc chắn không phải là kẻ thù nàng đang kinh hãi.
Tôi nghĩ có lẽ vì ánh mắt dịu dàng của tôi nên con người ấy đã trấn tĩnh lại và tiến đến tôi. Tôi thấy nàng không hiểu tiếng La-tinh của tôi, nên liền phản xạ nói bằng tiếng Đức bản xứ. Nàng vô cùng hoảng sợ, không hiểu vì những âm thanh đó chói tai, lạ lùng với dân địa phương vùng này, hay vì những âm thanh tôi phát ra nhắc nàng nhớ lại kinh nghiệm với binh sĩ xứ tôi chăng? Tôi bèn mỉm cười, nghĩ rằng ngôn ngữ của cử chỉ và nét mặt dễ truyền thông hơn từ ngữ, và thấy nàng lộ vẻ yên tâm. Nàng cũng cười đáp lại và nói vài từ gì đó.
Tôi chỉ hơi hơi hiểu thổ ngữ của nàng, nhưng trong giọng nói của nàng, tôi nhận ra những lời ngọt dịu, dường như nàng bảo tôi rằng: "Anh trẻ lắm, anh xinh trai lắm...". Một tu sinh từ bé đến lớn sống trong chủng viện rất hiếm khi nghe ai nói đến vẻ đẹp của mình. Chúng tôi thường được răn là nhan sắc thì chóng phai và phải xem thường nó. Nhưng kẻ thù thì có vô số cạm bẫy, và tôi thú thật rằng lời khen tôi đẹp trai, dù có xảo trá đi nữa, sao nghe êm tai quá, khiến lòng tôi xao xuyến khôn nguôi. Đặc biệt vì cô gái vừa nói vừa vươn tay ra, các đầu ngón tay nàng mơn trớn đôi má nhẵn nhụi của tôi. Tôi sướng điên lên, nhưng khi ấy trong lòng chẳng cảm thấy một tí gì tội lỗi. Đấy chính là sức mạnh của Quỷ sứ khi nó thử thách và muốn đẩy ân đức ra khỏi tâm hồn chúng ta.
Đột nhiên, người con gái hiện ra trước mắt tôi như một trinh nữ đen đúa nhưng xinh đẹp. Nàng mặc một cái áo nhỏ nhắn bằng vải thô đã sờn chỉ, xẻ ngực hơi hở hang, cổ đeo một chuỗi hạt nhỏ bằng đá màu rất tầm thường. Đầu nàng vươn thằng trên chiếc cổ trắng ngần, mắt nàng trong như nước hồ thu, mũi nàng cao như ngọn tháp Li-băng, tóc màu tím huyền. Những bím tóc rủ xuống như một đàn dê, hàm răng như đàn cừu đi tắm về, tất cả đi sánh đôi, không con nào vượt con nào. Tôi không khỏi trầm trồ: "Trông kìa, em xinh tươi, người yêu của anh, trông kìa, em đẹp quá. Tóc em như đàn dê nằm dọc theo núi Gilead (3), môi em như sợi chỉ thắm, thái dương em hồng hồng như miếng lựu, cổ em như ngọn tháp của vua David treo hàng ngàn cái khiên". Vừa sợ hãi vừa mê mẩn, tôi tự hỏi người con gái đang đứng trước mặt tôi là ai mà hiện lên như ánh bình minh, đẹp đẽ như vầng trăng, rạng rỡ như mặt trời và khủng khiếp như thiên binh vạn mã. (4)
Rồi người ấy tiến sát tôi hơn. Nàng ném cái bọc đen thui mà vẫn ôm khư khư trong lòng nãy giờ vào một góc rồi giơ tay vuốt ve gương mặt tôi, và nhắc lại lời ngợi khen ban nãy. Khi tôi còn đang hoang mang không biết nên chạy trốn hay nhích lại gần nàng, đầu còn đang giần giật như thể hồi kèn của Joshua sắp sửa giật sập bức tường Jericho, vừa sợ vừa khao khát chạm vào người nàng, thì nàng đã sung sướng mỉm cười, và ư ử rên lên như một nàng dê cái mãn nguyện. Nàng tháo dây cổ áo, rồi tuột nó ra khỏi thân, và trần truồng đứng trước tôi như Ê-va đứng trước A-dong trong vườn địa đàng. Tôi thầm thì lập lại những lời đã nghe Ubertino nói: "Bộ ngực thật đẹp, hơi nhô cao một cách vừa phải" (5), đôi nhũ hoa của nàng, hiện lên như đôi nai tơ đang nhai cỏ trong đám huệ tây thanh khiết, rốn nàng như một cốc rượu đầy ắp, vòm bụng nàng trắng ngần như bột.
Tôi thốt lên: "Ôi bầu trời sáng ngàn sao, ôi ánh lửa khép kín, nguồn cội của những khu vườn, kho báu thơm nức hương hoa và chất xức tẩm". Rồi thân tôi quyện vào thân nàng lúc nào chẳng biết, người nàng ấm áp, tỏa ra một mùi thơm nồng tôi chưa hề biết. Tôi chợt nhớ câu: "Này các con, khi cuồng si, con người trở nên bất lực". Cho dù việc đang xảy ra là cạm bẫy của kẻ thù, hay ân đức của Thượng đế đi nữa, tôi chỉ biết mình đang yếu đuối bất lực trước mãnh lực đang thôi thúc. Tôi đành la lên "Ôi ta kiệt sức rồi! Ta hiểu sao mình kiệt sức, nhưng lại không cảnh giác (6). Đôi môi nàng tỏa ra mùi thơm hoa hồng, bàn chân nàng mang dép quai trông đẹp tuyệt, cặp đùi rắn chắc, hai đầu gối là hai viên ngọc, công trình của những nghệ nhân khéo léo. Tôi thầm thì, ôi tình yêu, một giai nhân tuyệt vời, giam giữ cả những vị vua chúa.
Tôi ngã vào lòng nàng, rồi cả hai lăn xuống nền gạch trơ của nhà bếp. Không biết do tôi hay do nàng, chiếc áo dòng tuột khỏi thân tôi, và chẳng ai thẹn thùng nhìn thân thể người kia nữa. Chúng tôi hóa thân vào nhau.
Rồi nàng hôn lên môi tôi, môi nàng ngon ngọt hơn rượu, người nàng thơm ngào ngạt, cổ đeo chuỗi hạt trắng ngần, tai đeo hoa mơn mởn, em xinh đẹp biết bao, này người yêu ơi, em xinh đẹp biết bao, mắt em như mắt bồ câu, hãy để anh ngắm gương mặt của em, nghe em nói, giọng em du dương, mặt em quyến rũ, tim anh rộn ràng, hỡi người em bé bỏng, vì mắt em, vì xâu chuỗi em đeo, môi em mọng, miệng em thơm như sữa ngọt, như mật, hơi thở em thơm mùi táo, ngực em là hai chùm nho, vòm họng em là rượu nồng ngây ngất thấm vào tim yêu, chảy tràn qua răng môi anh. Nàng là ai, hỡi người con gái rạng rỡ như ánh bình mình, thanh khiết như ánh trăng, trong sáng như ánh dương, khủng khiếp như đoàn hùng binh rợp cờ xí?
Lạy Chúa, khi tâm hồn ngây ngất, phẩm hạnh duy nhất là được yêu người mình gặp, hạnh phúc cao cả nhất là nắm được cái hiện hữu... Tôi nghĩ những lời tiên tri cuối cùng đã thành hiện thực, khi nàng đổ trào lên tôi dòng thác ngọt ngào khôn tả, toàn thân tôi dường như biến thành một con mắt, có thể nhìn được phía sau, và tôi đột nhiên nhìn thấy rõ vạn vật chung quanh. Tôi hiểu rằng từ tình yêu đã phát sinh sự hợp nhất, sự dịu dàng, điều thiện, nụ hôn và sự viên mãn, như tôi đã từng nghe nói nhưng lại tưởng nói đến điều gì khác. Khi gần đến đỉnh khoái lạc, tôi thoáng nhớ rằng có lẽ đêm đó tôi đã bị con Quỷ dâm dục hớp hồn, con Quỷ bị đọa nay đã hiện nguyên hình quỉ quái trước một linh hồn đang ngây ngất hỏi: "Mi là ai" mà biết cách cướp linh hồn ta, cám dỗ thân xác ta. Nhưng tôi lập tức tin rằng điều tôi đắn đo mới chính thực quỷ quái, vì chẳng có gì tốt đẹp, thiêng liêng hơn điều tôi đang trải nghiệm, mà sự ngọt ngào cứ mỗi phút lại trào dâng thêm...
Giờ đây, khi viết lại những dòng này, miêu tả cái giây phút khoái cảm ấy mà tôi đã trải qua, tái sinh nó trên mảnh da này tay tôi còn run rẩy. Thôi, chúng ta hãy quay về với sứ mệnh thuật các sự kiện trong ngày, và tất cả nỗi bàng hoàng mình đã trót đắm chìm vào. Đấy, tôi đã kể các bạn nghe điều tôi nhớ lại vào dịp đó và đã để ngòi bút yếu mềm của tôi, người viết sử trung thành và chân thực, ngừng lại.
Tôi nằm, bên cạnh cô gái không biết trong bao lâu. Tay nàng xoa nhè nhẹ lên thân thể đẫm mồ hôi của tôi. Lòng tôi lâng lâng bồi hồi, như ánh lửa cuối cùng chập chờn tắt dần dưới đồng tro tàn, khi lửa ngọn đã tàn lụi. Tôi sẽ chẳng ngại ngần gọi một người được ban cho một kinh nghiệm tương tự như thế trong đời là một người hạnh phúc, mặc dù khoảng khắc này rất chóng vánh và hiếm hoi. Như thể mình không còn tồn tại, mình không biết mình là ai, mình cảm thấy thấp kém và gần biến vào hư vô. Cả tâm hồn tôi bị lôi cuốn đến nỗi đánh mất trí nhớ trong niềm hoan lạc; hẳn là sự rạng rỡ của vầng thái dương vĩnh cửu, niềm vui phát sinh từ đó khiến con người rộng mở, cao cả, phóng khoáng, còn vết nứt rộng mở mà con người mang trong chính mình sẽ chẳng còn khép lại dễ dàng nữa, vì đó là vết chém của gươm ái tình, và hạ giới này không có gì ngọt ngào và khủng khiếp hơn.
Lòng đắm chìm trong niềm vui khôn tả, tôi ngủ thiếp đi.
o0o
Hồi lâu sau, tôi mở mắt ra và ánh trăng đã mờ hơn, có lẽ bị mây che. Tôi duỗi tay ra nhưng không thấy cô gái đâu cả. Tôi quay đầu lại, nàng đã ra đi.
Khi người con gái đã thỏa mãn dục vọng và khao khát của tôi đi rồi, tôi mới bất ngờ nhận thấy dục vọng của mình là phù phiếm và nỗi khao khát là sa đọa. "Sau cuộc giao hoan, mọi thú vật đều thấy buồn" (7). Tôi biết mình đã phạm tội. Giờ đây sau bao nhiêu năm than van cay đắng sự lầm lạc của mình, tôi vẫn không tài nào quên đêm ấy tôi đã sung sướng biết bao và đối với Đấng Toàn năng, người đã tạo ra một điều tốt đẹp, tôi sẽ sai trái nếu không công nhận rằng giữa hai kẻ phạm tội đó đã xảy ra một việc mà chính bản chất nó cũng tốt đẹp. Có lẽ tuổi già hiện nay khiến tôi thấy thẹn thùng nhớ lại thuở thanh xuân tươi đẹp của mình. Đáng lẽ tôi phải hướng suy nghĩ của mình vào cái chết đang gần kề. Ngày ấy, còn là thanh niên, tôi đã không nghĩ đến cái chết, mà tôi khóc ngất đi vì tội lỗi của mình.
Tôi run rẩy đứng dậy, vì đã nằm quá lâu trên nền đá lạnh trong nhà bếp nên toàn thân tôi tê cứng. Tôi mặc quần áo vào, rồi lên cơn sốt. Tôi liếc vào góc, nhìn thấy cái bọc mà cô gái đã để lại khi bỏ chạy. Tôi cúi xuống xem xét: nó là một bọc vải, dường như lấy từ nhà bếp. Tôi mở ra, thoạt đầu không biết có gì ở bên trong, phần vì ánh sáng lờ mờ, phần vì hình thù mơ hồ của vật đó. Rồi tôi hiểu ra. Trước mắt tôi, giữa những cục máu và miếng thịt nhầy nhụa trăng trắng, hiện ra một quả tim to tướng, tuy chết rồi, nhưng những mạch máu rõ rệt vẫn còn thoi thóp đập.
Mắt tôi tối sầm lại, miệng đắng nghét. Tôi thét lên và ngã gục xuống.
Chú thích:
(1) "Historica fratris Dulcini Heresiarche"
(2) "De Ta Fabula Narratur"
(3) Ngọn núi ở nước Jordan, phía đông bắc Biển Chết.
(4) "Terribilis ut castrorum acies ordinata"
(5) "Pulchra sunt ubera quae paululum supereminent et tument modice"
(6) "O langueo, causam languoris video nec caveo!"
(7) "Omne animal triste post coitum"
- Chương 1 - Vài dòng về tác giả
- Chương 2 - Lời mở đầu
- Chương 3 - Khởi đầu từ một bản thảo
- Chương 4 - Ghi chú
- Chương 5 - Ngày thứ nhất
- Chương 6 - Kinh xế sáng
- Chương 7 - Kinh trưa
- Chương 8 - Gần giờ kinh xế trưa và sau kinh xế trưa
- Chương 9 - Kinh chiều
- Chương 10 - Kinh tối
- Chương 11 - Ngày thứ hai
- Chương 12 - Kinh xế sáng
- Chương 13 - Kinh trưa
- Chương 14 - Kinh xế trưa
- Chương 15 - Sau kinh chiều
- Chương 16 - Kinh tối
- Chương 17 - Đêm
- Chương 18 - Ngày thứ ba
- Chương 19 - Kinh xế sáng
- Chương 20 - Kinh trưa
- Chương 21 - Kinh xế trưa
- Chương 22 - Kinh chiều
- Chương 23 - Sau kinh tối
- Chương 24 - Đêm
- Chương 25 - Ngày thứ tư
- Chương 26 - Kinh đầu
- Chương 27 - Kinh xế sáng
- Chương 28 - Kinh trưa
- Chương 29 - Kinh xế trưa
- Chương 30 - Kinh chiều
- Chương 31 - Kinh tối
- Chương 32 - Sau kinh tối
- Chương 33 - Đêm
- Chương 34 - Ngày thứ năm
- Chương 35 - Kinh xế sáng
- Chương 36 - Kinh trưa
- Chương 37 - Kinh xế trưa
- Chương 38 - Kinh chiều
- Chương 39 - Kinh tối
- Chương 40 - Ngày thứ sáu
- Chương 41 - Kinh ngợi khen
- Chương 42 - Kinh đầu
- Chương 43 - Kinh xế sáng
- Chương 44 - Sau kinh xế sáng
- Chương 45 - Kinh trưa
- Chương 46 - Kinh xế trưa
- Chương 47 - Giữa kinh chiều và kinh tối
- Chương 48 - Sau kinh tối
- Chương 49 - Ngày thứ bảy
- Chương 50 - Đêm
- Chương 51 - Trang cuối cùng