Chương 15 - Sau kinh chiều
Mặc dù chương này ngắn,
nhưng trong đây lão Alinardo kể
nhiều điều thú vị
về Mê Cung và cách xâm nhập vào đó.
Tôi thức giấc khi giờ ăn chiều sắp điểm. Tôi cảm thấy lừ đừ và ngái ngủ, vì ngủ ngày cũng như tội lỗi của thân xác: càng được thì càng thèm, nhưng vẫn cảm thấy không đã, vừa thừa lại vừa thiếu.
Thầy William không ở trong phòng, chắc hẳn thầy dậy sớm hơn tôi nhiều. Sau khi tìm kiếm một chốc, tôi thấy thầy từ Đại dinh đi ra. Thầy bảo vừa ở trong phòng thư tịch, giở qua sổ thư mục và quan sát các tu sĩ làm việc, để cố đến gần bàn Venantius, tiếp tục lục xét. Vì lẽ này, lẽ nọ các tu sĩ dường như cố ngăn không cho thầy lục xét các giấy tờ ở đó. Trước tiên, Malachi tiến đến, đưa cho thầy xem các bức minh họa quý giá. Kế đó, làm thầy bận rộn với những nguyên cớ không đâu. Rồi nữa, khi thầy cố tình tiếp tục xem xét thì Berengar lởn vởn quanh thầy, đề nghị giúp một tay.
Cuối cùng, thấy thầy tôi lộ vẻ quyết tâm xem xét các đồ vật của Venantius, Malachi thẳng thừng bảo thầy rằng: có lẽ thầy cần xin phép Tu viện trưởng mới được lục lạo giấy tờ của người quá cố; dù rằng Huynh ấy là quản thư viện đi nữa cũng không dám nhòm ngó đến chúng để tỏ lòng tôn kính và tuân thủ kỷ luật. Dầu sao, theo lời yêu cầu của chính thầy William, chưa có ai động đến chiếc bàn đó, và sẽ không ai được phép đến gần nó, nếu chưa có chỉ thị của Tu viện trưởng. Thầy tôi thấy không đáng đọ sức với Malachi, mặc dù tất cả mọi thứ rầy rà sợ sệt về giấy tờ của Venantius chỉ làm thầy thêm háo hức muốn tìm hiểu chúng. Thầy đã hạ quyết tâm sẽ trở lại đây đêm nay, nhưng chưa biết bằng cách nào, do đó thầy nghĩ chớ nên gây chuyện thêm nữa. Tuy nhiên, đầu óc thầy bị ám ảnh bởi các tư tưởng trả đũa, mà nếu không phát xuất từ lòng khao khát tìm kiếm sự thật thì những ý tưởng này có vẻ ngoan cố và đáng trách.
Trước khi vào nhà ăn, chúng tôi tản bộ trong nhà dòng một lát nữa, mượn trời đêm lạnh giá xua đi cơn buồn ngủ. Vài tu sĩ còn lại đi lại nơi đây để tĩnh tâm. Từ nhà dòng nhìn ra khu vườn, chúng tôi thoáng thấy lão Alinardo, vì cơ thể yếu đuối, nên thường ở ngoài trời với cây cỏ mỗi khi không phải cầu nguyện trong nhà thờ. Huynh ấy dường như không cảm thấy lạnh và đang ngồi ở vòm cổng ngoài.
Thầy William cất tiếng chào Huynh và người tu sĩ già nua vui mừng thấy có người đến nói chuyện với mình. Thầy William nói:
- Một ngày yên lành nhỉ?
- Nhờ ơn trên.
- Thanh bình trên thiên đường, nhưng u ám dưới hạ giới. Huynh có thân Venantius không?
- Venantius nào? - Rồi mắt Huynh loé lên. – À, cái cậu đã chết à? Con quái vật đang đi rong trong thư viện....
- Quái vật gì?
- Con khổng quái từ biển đến... Bảy đầu mười sừng và trên mỗi sừng có vương miện, và trên mỗi đầu có ba tên báng bổ. Con thú trông giống báo, chân gấu, miệng sư tử... Tôi đã thấy nó.
- Huynh đã thấy nó ở đâu? Trong thư viện à?
- Thư viện hả? Sao lại ở đấy? Từ bao năm qua tôi không đến phòng thư tịch và chưa bao giờ thấy thư viện. Chả ai đến thư viện. Tôi biết những người đã lên thư viện...
- Ai? Malachi ư? Hay Begengar?
Cụ già cười gằn - Ồ không... Trước đó cơ. Quản thư viện tiền nhiệm của Malachi, nhiều năm trước đây.
- Ai vậy?
- Tôi không nhớ, ông ấy chết khi Malachi hãy còn trẻ. Và người đến trước thầy của Malachi, là người phụ tá quản thư viện trẻ, khi tôi còn thanh niên... Nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân lên thư viện. Cái Mê cung ấy...
- Thư viện là Mê cung ư?
Cụ già mơ màng ngâm: - Mê cung diễn tả thế giới này một cách đặc thù. Lối vào thì rộng mở, nhưng lối ra thì nhỏ hẹp hơn. Người ta vào mà không biết lối ra. Thư viện là một Mê cung, là dấu hiệu của Mê cung trên thế gian... Người ta không được vượt qua dãy cột trụ của Hercules...
- Thế nên Huynh không biết cách vào Thư viện khi Đại dinh đóng cửa à?
- Có chứ - Cụ già cười - nhiều người biết lắm. Người ta vào bằng đường lò thiêu xương. Huynh có thể đi xuyên qua lò ấy, nhưng Huynh không muốn đi đường này đâu. Các tu sĩ quá cố canh giữ nó.
- Các tu sĩ quá cố canh lò xương... Không phải là những người ban đêm cầm đèn đi trong Thư viện chứ?
Cụ già tỏ vẻ kinh ngạc: - Cầm đèn ư? Tôi chưa bao giờ nghe chuyện này. Các tu sĩ quá cố ở trong lò thiêu xương, xương từ nhà mồ dần dà rơi xuống và chất đống ở đó để chận đường đi qua. Huynh chưa bao giờ nhìn thấy bàn thờ trong nhà nguyện mở vào lò xương này à?
- Có phải bàn thờ thứ ba bên trái, sau cánh ngang không?
- Cái thứ ba hả? Có lẽ? Đó là bàn thờ bằng đá có chạm hàng ngàn bộ xương. Nhấn vào đôi mắt của sọ thứ tư bên tay phải... và Huynh sẽ lọt vào lò xương. Nhưng đừng có đến đó, tôi chẳng đến đó bao giờ. Tu viện trưởng không thích thế đâu.
- Thế còn con quái vật? Huynh đã thấy nó ở đâu?
- Quái vật ư? À, cái tên phản giáo... Hắn sắp đến, thời hoàng kim đã qua, chúng ta đang đợi hắn...
- Nhưng thời hoàng kim cách đây ba trăm năm rồi, lúc đó hắn có tới đâu.
- Sau một ngàn năm trôi qua, tên phản giáo sẽ không đến. Lúc bấy giờ là thời thịnh trị của chính nghĩa và sẽ có một trận thư hùng chung quyết...
- Nhưng phái chính thống sẽ trị vì một ngàn năm. Nếu không, họ sẽ trị vì từ ngày Chúa mất đến cuối thời hoàng kim, và lẽ ra tên phản giáo đã đến lúc ấy rồi, nếu không thì phe chính nghĩa vẫn chưa lên trị vì, và tên phản giáo vẫn còn ở xa lắm.
- Thời hoàng kim không phải tính từ ngày Chúa mất, mà từ ngày hiến dâng thành phố Constantine ba thế kỷ sau đó. Tính đến nay đã một ngàn năm.
- Thế thời thịnh trị của chính nghĩa đang cáo chung à?
- Tôi không biết... Tôi không biết nữa. Tôi mệt mỏi rồi. Tính toán thật khó. Beatus xứ Liébana tính như thế đó; hỏi Jorge ấy, Huynh ấy còn trẻ, Huynh ấy nhớ giỏi. Nhưng thời gian đã chín muồi. Huynh có nghe bảy hồi kèn không?
- Tại sao lại hồi kèn?
- Thế Huynh không nghe cậu minh hoạ kia chết như thế nào à? Sứ thần thứ nhất thổi hồi kèn đầu tiên, rồi mưa đá và lửa đổ xuống chan hoà với máu. Sứ thần thứ hai thổi hồi thứ hai, rồi phần thứ ba của biển hóa máu... Cậu thứ nhì không phải chết trong biển máu sao? Hãy coi chừng hồi kèn thứ ba! Một phần ba sinh vật dưới biển sẽ chết. Chúa trừng phạt chúng ta Thế giới quanh tu viện đầy rẫy bọn phản giáo: họ bảo tôi rằng trên ngai vàng La Mã có một tên Giáo hoàng sa đoạ, dùng bánh thánh để triệu hồn, rồi cho lươn trạch ăn bánh thánh... và trong nội bộ chúng ta đã có kẻ vi phạm luật cấm, phá vỡ dấu niêm phong của Mê cung...
- Ai bảo Huynh thế?
- Tôi nghe được. Ai cũng thì thầm rằng tội ác đã xâm nhập tu viện. Chú có đậu kê không?
Cụ già hỏi tôi, khiến tôi ngạc nhiên – nên tôi bối rối đáp - Thực con không thứ đậu đó ạ.
- Lần tới mang cho ta ít đậu kê nhá. Ta ngậm nó trong miệng cho đến khi chúng mềm ra... con có thấy cái miệng móm sọm của ta chứ? Đậu đó làm chảy nước miếng, nước mang lại sự sống. Con nhớ mang cho ta ít đậu kê nhé!
- Mai con sẽ mang đến một ít.
Tôi nói đến đó thì cụ đã ngủ thiếp đi mất. Chúng tôi đi về nhà ăn.
- Chương 1 - Vài dòng về tác giả
- Chương 2 - Lời mở đầu
- Chương 3 - Khởi đầu từ một bản thảo
- Chương 4 - Ghi chú
- Chương 5 - Ngày thứ nhất
- Chương 6 - Kinh xế sáng
- Chương 7 - Kinh trưa
- Chương 8 - Gần giờ kinh xế trưa và sau kinh xế trưa
- Chương 9 - Kinh chiều
- Chương 10 - Kinh tối
- Chương 11 - Ngày thứ hai
- Chương 12 - Kinh xế sáng
- Chương 13 - Kinh trưa
- Chương 14 - Kinh xế trưa
- Chương 15 - Sau kinh chiều
- Chương 16 - Kinh tối
- Chương 17 - Đêm
- Chương 18 - Ngày thứ ba
- Chương 19 - Kinh xế sáng
- Chương 20 - Kinh trưa
- Chương 21 - Kinh xế trưa
- Chương 22 - Kinh chiều
- Chương 23 - Sau kinh tối
- Chương 24 - Đêm
- Chương 25 - Ngày thứ tư
- Chương 26 - Kinh đầu
- Chương 27 - Kinh xế sáng
- Chương 28 - Kinh trưa
- Chương 29 - Kinh xế trưa
- Chương 30 - Kinh chiều
- Chương 31 - Kinh tối
- Chương 32 - Sau kinh tối
- Chương 33 - Đêm
- Chương 34 - Ngày thứ năm
- Chương 35 - Kinh xế sáng
- Chương 36 - Kinh trưa
- Chương 37 - Kinh xế trưa
- Chương 38 - Kinh chiều
- Chương 39 - Kinh tối
- Chương 40 - Ngày thứ sáu
- Chương 41 - Kinh ngợi khen
- Chương 42 - Kinh đầu
- Chương 43 - Kinh xế sáng
- Chương 44 - Sau kinh xế sáng
- Chương 45 - Kinh trưa
- Chương 46 - Kinh xế trưa
- Chương 47 - Giữa kinh chiều và kinh tối
- Chương 48 - Sau kinh tối
- Chương 49 - Ngày thứ bảy
- Chương 50 - Đêm
- Chương 51 - Trang cuối cùng