Chương 14 - Kinh xế trưa
Tu viện trưởng bộc lộ niềm tự hào
về sự giàu có của tu viện
và nỗi sợ hãi bọn phản giáo.
Cuối cùng, Adso thắc mắc
không hiểu mình có sai lầm
khi dấn thân vào đời chăng?
Chúng tôi gặp Tu viện trưởng tại bàn thờ chính trong giáo đường. Người đang theo dõi công việc của tu sinh, từ một nơi bí mật nào đó, họ mang ra một số bình, ly rượu lễ, lọ bánh thánh, và một thánh giá mà tôi đã không thấy trong buổi hành lễ sáng nay. Tôi không kiềm nổi một tiếng kêu thán phục khi nhìn thấy vẻ đẹp huy hoàng của các thánh vật này. Khi ấy là giữa ngọ, ánh nắng ùa qua các cửa sổ khu hát kinh, chảy tràn qua các cửa sổ ở tiền sảnh, tạo nên những dòng thác bạc, tựa như những con suối huyền ảo chảy nước thiêng, rọi sáng đây đó trong giáo đường và chan hòa khắp bàn thờ.
Tu viện trưởng thấy tôi thán phục bèn mỉm cười. Người nói với thầy trò tôi. – Những báu vật các con đang thấy và các báu vật khác, các con sẽ thấy sau này, là di sản của hàng nhiều thế kỷ tận tụy hiến dâng cho Chúa, là minh chứng cho quyền lực và sự thiêng liêng của tu viện này. Mặc dầu hôm nay một biến cố buồn bã đã làm u ám tu viện, nhưng khi nghĩ đến sự yếu đuối của chúng tôi, chúng tôi vẫn không quên quyền lực và sức mạnh của Đấng Toàn Năng. Giáng sinh sắp đến, chúng tôi khởi sự đánh bóng các thánh vật, để ngày sinh của Chúa Cứu Thế được cử hành một cách trọng thể và huy hoàng. Mọi thứ phải hiện ra hoàn toàn rực rỡ.
Trong khi nói, Tu viện trưởng quay mặt về gian giữa của nhà thờ. Dưới ánh thái dương bao dung, một vạt nắng từ phía trên chiếu rạng khuôn mặt Cha và đôi tay Người, nãy giờ giang rộng thành hình Thánh giá, nay vung lên cao khi Cha hăng say nói.
– Mọi tạo vật, dù vô hình hay hữu hình, đều là ánh sáng phát sinh ra từ ánh sáng. Vật bằng ngà này, thanh mã não này, và cả đá xung quanh chúng ta nữa, đều là ánh sáng, vì Cha thấy chúng tốt lành và đẹp đẽ, chúng hiện hữu theo luật tự cân đối và tự phân biệt mình với các loại, giống khác, tự xác lập mình bằng kích thước riêng, tự tìm ra một thứ tự và vị trí riêng tùy theo trọng lượng của chúng...
Thầy William nhã nhặn đằng hắng. – Hà... hừm! – Thầy thường làm thế mỗi khi muốn chuyển sang đề tài mới. Thầy chuyển đề tài rất khéo, vì theo thói quen của dân xứ thầy, trước khi phát biểu một nhận định nào đó, thầy đều đằng hắng rất lâu, như thể thầy phải động não ghê gớm mới có thể trình bày đầy đủ một ý tưởng. Tôi thì tin rằng trước khi phát biểu, thầy càng đằng hắng nhiều bao nhiêu thì càng tự tin vào điều mình sắp nói bấy nhiêu.
Thầy William tiếp tục: - Hừm... ừm... Chúng ta nên bàn về cuộc gặp gỡ để tranh luận về cái nghèo của Chúa.
- Cái nghèo... - Tu viện trưởng mơ màng nói, như thể khó khăn lắm mới rứt được khỏi cõi diễm lệ lấp lánh những viên ngọc đã du hồn ông - Ừ nhỉ, cuộc gặp gỡ.
Rồi họ bắt đầu bàn luận hăng say một số điểm tôi đã biết, một số điểm khác tôi cố nắm khi nghe họ nói.
Như tôi đã nói trong lời MỞ ĐẦU quyển Hồi ký trung thực này, cuộc gặp gỡ này liên quan đến cuộc tranh cãi song đôi, một mặt giữa Nhà Vua với Giáo Hoàng, mặt khác giữa giáo hoàng với dòng Francisco; các tu sĩ này, qua nhiều năm tại Đại hội Perugia đã tiếp nhận các lý thuyết của dòng Thánh thần về sự cơ nghèo của Chúa. Buổi gặp gỡ này cũng liên quan đến một cuộc xào xáo xảy ra vì dòng Francisco về phe với Nhà vua tạo ra một tam giác kẻ thù và đồng minh mà nay đã biến thành một tứ giác, nhờ sự can thiệp của các tu viện trưởng dòng Benedict.
Cha bề trên hiện đang sẵn sàng hợp tác với sứ giả của Hoàng đế là thầy William, và đóng vai trò trung gian giữa dòng Francisco và Giáo hoàng. Thực ra, trong cuộc tranh cãi khốc liệt đe dọa đến sự thống nhất của Giáo hội, Cha trưởng dòng Francisco là Michael xứ Cèsena đã nhiều lần bị Giáo hoàng John triệu hồi về Avignon. Cuối cùng, Cha đành chấp nhận lời mời đến dự buổi gặp gỡ này, vì ông không muốn đặt chính dòng mình vào mối mâu thuẫn không hàn gắn được với đức Giáo hoàng. Cha muốn thấy ngay sự thắng thế của mình và đạt được sự thỏa thuận của Giáo hoàng, hoàn toàn không phải vì Cha phỏng đoán mình sẽ không còn giữ được chức Trưởng dòng nếu không được Giáo hoàng nhất trí.
Có nhiều người đã cam đoan với Cha rằng Giáo hoàng sẽ giăng bẫy đợi Cha tại Pháp, buộc Cha tội phản giáo và đem ra xử. Do đó, họ khuyên Cha Michael nên cố thương thuyết, trước khi xuất hiện tại Avignon. Marsilius còn có ý hay hơn: phái theo Cha Michael một sứ giả của triều đình để trình lên Giáo hoàng quan điểm của những người ủng hộ Hoàng đế, không chỉ để thuyết phục lão Giáo hoàng Cahors mà còn để củng cố địa vị của Cha Michael, một thành viên trong phái đoàn của triều đình, để ông khỏi biến thành mồi ngon cho Giáo hoàng trả thù.
Tuy nhiên, ý kiến này có nhiều điểm bất lợi và không thể được thực hiện ngay. Từ đó, nảy sinh đề nghị nên có một buổi hội kiến trước, giữa phái đoàn nhà vua và vài sứ giả của Giáo hoàng, để thăm dò quan điểm lẫn nhau và soạn thảo một hiệp nghị gặp gỡ sau này, trong đó phải đảm bảo an ninh cho các đại biểu người Ý. William xứ Baskerville đã được chỉ định để tổ chức buổi gặp gỡ đầu tiên. Sau đó, thầy sẽ trình bày quan điểm của các nhà thần học triều đình tại Avignon, nếu thầy cho hành trình đến đấy là không nguy hiểm. Đây là một dự định không đơn giản, vì người ta cho rằng Giáo hoàng muốn Cha Michael đến đó một mình để có thể bắt Cha tuân phục; Giáo hoàng sẽ cử một phái đoàn đi Ý và chỉ thị cho họ phải phá hoại cuộc hành trình của các sứ giả triều đình. Cho đến nay, thầy William đã hoạt động rất có hiệu quả. Sau những cuộc bàn bạc lâu dài với nhiều Tu viện trưởng dòng Benedict, thầy đã chọn Tu viện này, chính vì Tu viện trưởng nổi tiếng trung thành với Hoàng đế, nhưng nhờ tài ngoại giao khéo léo nên cũng được phần nào cảm tình của Giáo hoàng. Là địa phận trung lập, nên tu viện sẽ là nơi hai nhóm gặp gỡ.
Giờ đây, sau những biến cố vừa xảy ra ở tu viện, Tu viện trưởng cảm thấy bồn chồn bất an, bèn bộc lộ nỗi hoài nghi với thầy William. Nếu Phái đoàn đến Tu viện khi chưa tìm ra thủ phạm gây ra hai vụ án mạng, họ sẽ nghĩ rằng trong những bức tường kín đáo này có ai đó có khả năng dùng những hành động bạo lực tác oai tác quái để gây ảnh hưởng đến quyết định của các sứ giả của Giáo hoàng.
Cố che đậy các án mạng đã xảy ra cũng chẳng ích gì, vì nếu có chuyện gì xảy ra nữa, các sứ giả sẽ nghi ngờ có âm mưu chống đối họ. Do đó, chỉ có hai cách giải quyết: hoặc là thầy William phải phát hiện ra hung thủ trước khi phái đoàn đến (đến đây, Tu viện trưởng hằn học nhìn thầy tôi, như thể trách thầm thầy chưa giải quyết được vấn đề gì cả), hoặc là phải thành thật báo hết với Trưởng phái đoàn và yêu cầu ông cộng tác giúp đỡ và đặt tu viện dưới sự giám sát chặt chẽ trong suốt thời gian xảy ra cuộc tranh luận. Tu viện trưởng không thích phương án thứ hai, vì như vậy có nghĩa là nhượng bộ một phần uy quyền của ông, và đặt chính các tu sĩ của ông dưới sự kiểm soát của người Pháp. Nhưng ông không thể liều lĩnh mãi được. Cả thầy William lẫn Tu viện trưởng đều bực bội vì diễn tiến của tình hình; tuy nhiên, họ không có sự lựa chọn nào hơn. Do vậy, họ đề nghị để sang ngày hôm sau mới có quyết định tối hậu. Trong khi đó, họ chỉ còn biết phó thác cho ơn trên và trông cậy vào tài năng của thầy William.
Thầy William nói: - Thưa Đức Cha, con sẽ làm hết sức mình, nhưng mặt khác, con không hiểu tại sao vấn đề này lại có thể làm phương hại đến cuộc họp bàn. Ngay cả sứ giả của Giáo hoàng cũng sẽ thông cảm rằng có sự khác biệt giữa hành động của một kẻ điên, hoặc một tên khát máu, hay có lẽ là một gã đã mất linh hồn, với những vấn đề nghiêm trọng mà các người chính trực cần bàn bạc với nhau.
Tu viện trưởng chằm chặp nhìn thầy William, hỏi: - Con nghĩ thế sao? Nên nhớ rằng: những người từ Avignon biết họ sẽ phải gặp các tu sĩ dòng Khất thực, nghĩa là những người rất nguy hiểm đối với họ, những người rất gần gũi với Dòng Anh em nghèo khó và những kẻ còn sa đọa hơn, đó là những tên phản giáo tay đã nhuốm máu. – Nói đến đây, Tu viện trưởng hạ giọng – Và nếu so với các tội ác của chúng thì các biến cố khủng khiếp xảy ra ở đây chỉ như làn sương dưới nắng.
Thầy William gào lên – Không thể so sánh như vậy! Cha không thể đặt các tu sĩ dòng Khất thực ở Đại hội xứ Perugia ngang hàng với lũ phản giáo đã hiểu sai lời dạy của Phúc Âm, biến cuộc chiến đấu chống lại kẻ giàu thành một loạt các cuộc trả thù cá nhân hay những cơn cuồng điên đẫm máu...
Tu viện trưởng cộc cằn nói – Cách đây không lâu và cách đây không xa, lũ ấy, theo cách con gọi, đã tàn sát và đốt phá dinh cơ của Giám mục xứ Vercelli và những ngọn núi bên kia Novara.
- Cha muốn nói đến Fra Dolcino và các tông đồ?
- Bọn tông đồ giả hiệu – Tu viện trưởng chỉnh thầy. Thế là một lần nữa tôi nghe nhắc đến Fra Dolcino và các tông đồ giả hiệu, một lần nữa, nói một cách bóng gió pha chút kinh hoàng.
Thầy William nhất trí ngay – Vâng, bọn tông đồ giả hiệu, nhưng chúng không liên hệ gì đến các Huynh dòng Khất thực.
Tu viện trưởng nhấn mạnh – ...Cả hai bọn đều tôn thờ Joachim xứ Calebria, kẻ tự cho mình đáng sùng kính, không tin con cứ hỏi Ubertino xem.
- Con phải thưa cùng Đức Cha rằng hiện nay Huynh ấy đang ở trong dòng của Cha, - thầy William mỉm cười và cúi đầu nói, như thể ngợi khen Cha Tu viện trưởng đã thu phục được một người tiếng tăm như thế.
- Cha biết, Cha biết. Con phải hiểu rằng dòng tu của Cha đã mở rộng vòng tay huynh đệ biết bao đón các tu sĩ dòng Thánh thần, khi họ phải chịu đựng cơn thịnh nộ của Giáo hoàng. Cha không chỉ nói đến Ubertino mà còn ám chỉ nhiều Sư huynh khác, khiêm nhường hơn, ít ai biết đến; nhưng có lẽ chúng ta cần tìm hiểu họ thêm. Bởi vì, đã có lần Tu viện đón nhận những kẻ đào tẩu đến đây trong bộ quần áo dòng Khất thực, và sau đó Cha được biết các thói xấu đốn mạt của đời họ, đẩy họ gần kề với tu sĩ dòng Dolcino...
- Ở đây cũng thế ư?
- Ở đây cũng thế. Thành thật mà nói, điều Cha biết cũng còn ít ỏi và không đủ để buộc tội. Nhưng do con đang điều tra cuộc sống trong Tu viện này, nên tốt hơn cũng cần nên biết. Căn cứ trên những gì Cha đã nghe và phỏng đoán, Cha ngờ rằng – nên nhớ, Cha chỉ ngờ thôi nhé – rằng trong đời viên quản hầm của chúng ta đã có một thời kỳ mờ ám. Huynh ấy đến đây hai năm trước, theo đoàn tu sĩ dòng Khất thực lũ lượt kéo tới.
- Viên quản hầm ư? Remigio là tu sĩ dòng Dolcino à? Trông Huynh ấy như thể một người hòa nhã nhất, ít chú ý đến cái nghèo nhất.
- Cha không có gì phàn nàn Huynh ấy và đã tận dụng khả năng phục vụ tốt của Huynh ấy. Và cả cộng đồng đều biết ơn Huynh. Cha lưu ý con điều này để con thấy rất dễ tìm thấy mối liên hệ giữa một thầy tu dòng chúng ta và một tu sĩ Anh em nghèo khó.
Thầy William cắt ngang: - lại một lần nữa, xin lỗi Cha, Cha lại bị lung lạc nữa rồi. Chúng ta đang nói về dòng Dolcino chớ không phải dòng Anh em nghèo khó. Và, khi nói về dòng Dolcino thì không phải đang nói đến một ai, vì thực ra họ có rất nhiều. Thế nhưng, không nên gọi họ là khát máu. Quá lắm ta có thể trách họ đã áp dụng một cách thiếu cân nhắc những điều mà các tu sĩ dòng Thánh thần đã thuyết giảng một cách ôn hòa hơn, nhờ lòng kính Chúa chân thực. Ở đây, con công nhận rằng sự phân biệt phái này với phái kia là rất mơ hồ....
- William này, con biết nhiều về bọn phản giáo như thể con cùng phường với chúng, con có thể nói cho Cha biết sự thật nằm ở đâu không?
Thầy William buồn bã đáp – Có khi sự thật chẳng nằm ở đâu cả.
- Thấy chưa? Chính con cũng không thể phân biệt tên phản giáo này với tên phản giáo kia. Ít nhất, Cha cũng có một nguyên tắc. Cha biết bọn phản giáo là những kẻ đe dọa đến dòng tu bảo vệ thần dân của Chúa. Cha bênh vực triều đình, vì nó đã bảo đảm dòng tu cho ta. Cha chống lại Giáo hoàng, vì ông đã giao thần quyền lại cho các giám mục của các đô thị, các giám mục này liên minh với các thương nhân và phường hội và do đó sẽ không có khả năng duy trì dòng tu. Chúng ta đã duy trì được dòng tu hằng nhiều thế kỷ. Với bọn phản giáo, Cha cũng có một nguyên tắc được tóm tắt trong câu trả lời mà Giám mục Côteaux, Arnal Amalaricus đã đáp lại những người hỏi ông nên làm gì với dân thành Béziers: "Giết hết bọn chúng đi, Chúa sẽ nhận ra con cái của Ngài".
Thầy William yên lặng nhìn xuống một lát đoạn nói – Thành Béziers bị chiếm và lực lượng của chúng ta đã tàn sát gần hai mươi ngàn người, không phân biệt nam phụ lão ấu. Khi cuộc tàn sát chấm dứt, thành phố bị cướp sạch và thiêu rụi.
- Một cuộc thánh chiến chẳng qua cũng chỉ là một cuộc chiến tranh thôi.
- Do đó, có lẽ không nên có Thánh chiến. Nhưng con đang nói gì nhỉ? Con đến đây để bênh vực quyền lợi của vua Louis, người cũng đang tàn sát nước Ý. Chính con cũng đang bị kẹt trong thế đồng minh kỳ lạ giữa những tu sĩ dòng Thánh thần và triều đinh, giữa triều đình với Marsillius, người tranh thủ vương quyền của nhân dân. Và thế đồng minh kỳ lạ giữa Đức Cha và Con, chúng ta khác biệt nhau cả về lý tưởng lẫn truyền thống. Nhưng chúng ta có hai sứ mệnh chung: phải dàn xếp cho buổi họp bàn sắp tới thành công, và phải tìm cho ra kẻ sát nhân. Chúng ta hãy cố tiến hành công việc trong không khí hòa thuận.
Tu viện trưởng giang tay ra – Sư huynh William, hãy đến hôn Cha để chứng tỏ sự hòa thuận. Với một người có kiến thức như con, Cha có thể tranh luận không biết chán về những điểm tinh tế trong Thần học và Đức học. Tuy nhiên, ta cũng không nên mải mê tranh luận như các giáo sư ở Paris. Con có lý: chúng ta có một sứ mệnh quan trọng trước mắt, cần tiến hành một cách ăn ý. Nhưng Cha đã nói đến những điều trên vì tin rằng chúng có liên hệ với nhau. Con hiểu không? Có thể có một mối liên hệ - hay đúng hơn là mối liên hệ mà những người khác có thể tìm ra – giữa các án mạng xảy ra tại đây và các luận thuyết do các Sư huynh của con đề ra. Chính vì thế mà Cha cảnh giác con, và chính vì thế, con phải gạt đi mọi nghi ngờ và những lời bóng gió về những người ở Avignon.
- Phải chăng Đức Cha đang vạch cho con một phương hướng điều tra? Cha có tin rằng nguyên nhân của các biến cố vừa mới xảy ra có thể tìm thấy trong quá khứ tăm tối có liên quan đến bọn phản giáo của một trong các tu sĩ ở đây không?
Tu viện trưởng yên lặng một lúc nhìn thầy William, nhưng mặt không biểu lộ một cảm xúc nào, đoạn nói:
- Trong biến cố tang thương này, con là người điều tra. Nhiệm vụ của con là phải đa nghi, thậm chi phải đa nghi thái quá nữa. Ở đây, Cha chỉ là một linh mục thường. Cha cũng nói thêm rằng, nếu Cha biết quá khứ của một trong các tu sĩ của Cha là cơ sở cho sự nghi ngờ chính đáng, chính ta sẽ sẵn sàng nhổ đi cái cây xấu xa đó. Điều Cha biết, con cũng biết. Điều Cha không biết, cần được trí khôn của con soi rọi.
Tu viện trưởng gật đầu cáo biệt và rời giáo đường.
*
* *
Thầy William nhíu mày nói: - Chuyện này càng lúc càng rắc rối, Adso ạ. Chúng ta theo đuổi một bản thảo; chúng ta chú ý đến các cuộc đấu khẩu giữa các tu sĩ quá hiếu kỳ và những hành động của các tu sĩ dâm đãng khác; và bây giờ, một dấu vết hoàn toàn khác biệt lại nổi lên, ngày càng đậm nét hơn. Viên quản hầm, rồi... Con thú kỳ lạ Salvatore cũng đã cùng viên quản hầm đến đây... Nhưng chúng ta phải đi nghỉ thôi, vì chúng ta định thức suốt đêm nay mà.
- Thế, thầy vẫn định đột nhập Thư viện tối nay ư? Thầy không định từ bỏ dấu vết thứ nhất chứ?
- Không đâu. Dẫu sao, ai bảo hai dấu vết này tách biệt nhau? Còn việc của viên quản hầm có thể chỉ là một sự nghi ngờ của Tu viện trưởng mà thôi.
Thầy đi về hướng khu nhà trọ của những người hành hương. Đến ngưỡng cửa, thầy ngưng lại và nói, như thể tiếp tục các nhận xét ban nãy:
- Dẫu sao, Tu viện trưởng đã yêu cầu thầy điều tra về cái chết của Adelmo, vì Cha nghĩ có một cái gì đó không lành mạnh diễn ra giữa các thầy tu trẻ của mình. Nhưng vì cái chết của Venantius dấy lên các mối nghi ngờ khác, có lẽ Tu viện trưởng cảm thấy mấu chốt của sự bí ẩn nằm trong Thư viện, và Cha không muốn có một cuộc điều tra nào xảy ra ở đó cả. Do đó, Cha đã gợi ý cho thầy về viên quản hầm, để đánh lạc hướng chú ý của thầy khỏi Đại dinh...
- Nhưng tại sao Cha ấy lại không muốn...
- Đừng hỏi quá nhiều. Ngay từ đầu, Tu viện trưởng đã bảo thầy chớ động đến Thư viện. Cha ấy hẳn có lý do riêng. Có lẽ Cha có dính líu đến một chuyện gì đó mà Cha cho rằng không có liên hệ tới cái chết của Adelmo, nhưng bây giờ Cha nhận thấy chuyện tai tiếng đang lan tràn có thể động chạm đến mình. Cha không muốn sự thật được phơi bày, hay ít ra không muốn chính thầy phơi bày nó...
Tôi nản lòng nói: - Thì ra chúng ta đang ở một nơi bị Chúa ruồng bỏ.
- Con có bao giờ tìm thấy nơi nào mà Chúa cảm thấy thoải mái không?
Sau đó, thầy cho tôi đi nghỉ. Tôi nằm trên sạp, tự kết luận rằng cha tôi lẽ ra không nên đẩy tôi vào đời, đời sao phức tạp hơn tôi tưởng. Tôi đã học được quá nhiều điều.
Tôi cầu nguyện khi thiếp dần: "Xin hãy cứu con khỏi miệng sư tử" (1)
Chú thích:
(1) Salva me ab ore leonis
- Chương 1 - Vài dòng về tác giả
- Chương 2 - Lời mở đầu
- Chương 3 - Khởi đầu từ một bản thảo
- Chương 4 - Ghi chú
- Chương 5 - Ngày thứ nhất
- Chương 6 - Kinh xế sáng
- Chương 7 - Kinh trưa
- Chương 8 - Gần giờ kinh xế trưa và sau kinh xế trưa
- Chương 9 - Kinh chiều
- Chương 10 - Kinh tối
- Chương 11 - Ngày thứ hai
- Chương 12 - Kinh xế sáng
- Chương 13 - Kinh trưa
- Chương 14 - Kinh xế trưa
- Chương 15 - Sau kinh chiều
- Chương 16 - Kinh tối
- Chương 17 - Đêm
- Chương 18 - Ngày thứ ba
- Chương 19 - Kinh xế sáng
- Chương 20 - Kinh trưa
- Chương 21 - Kinh xế trưa
- Chương 22 - Kinh chiều
- Chương 23 - Sau kinh tối
- Chương 24 - Đêm
- Chương 25 - Ngày thứ tư
- Chương 26 - Kinh đầu
- Chương 27 - Kinh xế sáng
- Chương 28 - Kinh trưa
- Chương 29 - Kinh xế trưa
- Chương 30 - Kinh chiều
- Chương 31 - Kinh tối
- Chương 32 - Sau kinh tối
- Chương 33 - Đêm
- Chương 34 - Ngày thứ năm
- Chương 35 - Kinh xế sáng
- Chương 36 - Kinh trưa
- Chương 37 - Kinh xế trưa
- Chương 38 - Kinh chiều
- Chương 39 - Kinh tối
- Chương 40 - Ngày thứ sáu
- Chương 41 - Kinh ngợi khen
- Chương 42 - Kinh đầu
- Chương 43 - Kinh xế sáng
- Chương 44 - Sau kinh xế sáng
- Chương 45 - Kinh trưa
- Chương 46 - Kinh xế trưa
- Chương 47 - Giữa kinh chiều và kinh tối
- Chương 48 - Sau kinh tối
- Chương 49 - Ngày thứ bảy
- Chương 50 - Đêm
- Chương 51 - Trang cuối cùng