Hồi 54 - Yêu hóa long
Tôi nghe lão Trần mù kể chuyện xưa, mới biết lão này không ngờ lại từng là ông trùm của băng trộm mộ Xả Lĩnh, cũng là một đại nhân vật phong vân một thuở ở vùng Lưỡng Hồ. Nếu không phải mười mấy năm trước tôi biết một vài chuyện từ chỗ lão Dương Bì, giờ lại chứng thực với lão Trần, bằng không thì cũng không dám tin lão mù này lại từng có quá khứ huy hoàng đến thế.
Tôi sắp sang bờ bên kia đại dương để thực hiện giấc mơ Mỹ, từ nay về sau sẽ là cách xa ngàn dặm, cũng không biết năm nào tháng nào mới về nước lại nữa. Lão Dương Bì và Đinh Tư Điềm tuy đều đã khuất bóng nhiều năm, nhưng những tao ngộ ở động Bách Nhãn mười lăm năm trước từ đấy đến giờ vẫn là một khối tâm bệnh trong lòng, tôi nào còn lòng dạ nghe lão mù kể chuyện năm xưa lão ta dẫn theo huynh đệ đối phó Tương Tây thi vương gì nữa, chỉ muốn hỏi thăm xem lão ta có biết lão Dương Bì rốt cuộc là người như thế nào, tại sao sau khi chết, ông già còn bị sét đánh xuống thiêu xác như thế.
Năm đó lão Dương Bì đi theo lão Trần mù này hành sự, chẳng qua cũng chỉ là một tay thuộc hạ nhỏ nhoi không đáng để mắt, lão mù cũng không có ấn tượng gì sâu sắc, tôi đành phải kể lại một lượt những chuyện xảy ra trên thảo nguyên Nội Mông với lão ta.
Tôi kể hết chuyện xưa, rồi cả chuyện cách đây không lâu, tôi đọc báo biết tin trong triển lãm về tội ác của quân Nhật trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc ở Hải La Nhĩ, có bày mấy hiện vật chứng minh quân Nhật thời bấy giờ đang nghiên cứu vũ khí vi khuẩn, nghe đâu cả thế giới cũng chỉ có vài món như thế mà thôi. Ngoài một phòng phun hơi độc, còn có một lò thiêu xác của Đức sản xuất, cánh cửa lò màu đen ấy trông rất quen thuộc, vừa nhìn thấy tấm ảnh chụp cái lò đó, tôi liền nghĩ ngay: "Đây chẳng phải là cái lò thiêu xác đen ngòm mà suýt chút nữa mình chui ra theo lối ống khói đấy sao?" Xem ra, di tích trong động Bách Nhãn đã bị khai quật từ lâu rồi, chẳng qua tin tức bị phong tỏa rất kín kẽ, không công khai tuyên truyền ra mà thôi.
Tất cả những chuyện này tôi đều kể hết với lão mù, càng nghe gương mặt lão càng có vẻ trầm trọng, đung đưa bộ râu dê nghĩ ngợi một hồi lâu, cuối cùng cũng nhớ lại hai người lão Dương Bì và Dương Nhị Đản, liền tả lại cho tôi tướng mạo và khí độ của hai người ấy thời trẻ.
Muốn tìm mộ cổ chủ yếu phải dựa vào việc thăm dò tin tức ở trong dân gian, vì vậy dù là Mô Kim hiệu úy hay là Xả Lĩnh lực sĩ đều không thể không ngụy trang dưới một thân phận khác đi khắp xóm làng thôn trấn, thông dụng nhất chính là giả làm thầy phong thủy hoặc thầy bói. Năm xưa, lão Trần mù này đã lịch duyệt giang hồ, kiến đa thức quảng, lại tinh thông nhiều môn tiểu kỹ, đặc biệt là mấy thuật giang hồ như xem tướng, bói quẻ, đoán chữ... vì vậy giờ đây lão ta xem tướng đoán mệnh cho người khác, tuy chỉ để lừa tiền lừa bạc kiếm ăn, song nói năng vẫn có lý lẽ đầy đủ, không mấy khi lộ ra chút sơ hở nào.
Trên thực tế, việc rờ mặt xem xương đều là giả trá hết cả, tướng mạo và xương cốt của con người đều do trời sinh, nếu bảo có tương quan gì đến vận mệnh hay phẩm đức thì thật quá khiên cưỡng. Có điều những kẻ giang hồ lão luyện như lão Trần mù này, đều có kinh nghiệm nhìn người riêng. Nhưng phải làm sao mới biết được nhân phẩm của một người như thế nào chứ?
Người cũng có nhiều loại người, điểm này thì không sai, nhưng không phải dựa trên thân phận địa vị mà quyết định ai sang ai hèn ai cao ai thấp. Trên đời có quân tử thì ắt phải có tiểu nhân, phương pháp nhìn người, chủ yếu là phải dựa vào chí hướng của người ấy xa hay gần, khí độ sâu rộng hay hạn hẹp thiển cận.
Chí hướng và khí độ của con người cao thấp khác nhau, tuyệt đối không thể vơ đũa cả nắm. Có người tầm nhìn hạn hẹp, chỉ vì cái lợi trước mắt, giống như con chim sẻ vậy, ngày nào cũng chỉ nghĩ đến thức ăn, nhét đầy cái bụng chẳng qua cũng chưa đến trăm hạt gạo, tiếng kêu của nó, xa nhất cũng không vượt qua được mấy mẫu đất. Đây chính là khí độ của chim sẻ. Nhưng lại có một số người vừa khéo ngược lại, họ có thể nhìn xa trông rộng, chí hướng như chim loan chim phượng, một khi sải cánh trên không là muốn vượt đi ngàn dặm, không phải cây ngô đồng thì không dừng chân xuống nghỉ, chỉ khi trông thấy vầng chiêu dương sơ sinh mới cất tiếng kêu vang động đất trời. Khí độ con người có cao có thấp, một nửa là do trời sinh, một nửa là do bản thân quyết định, sự khác biệt phải nói là vô cùng lớn.
Xả Lĩnh lực sĩ là hạng nửa trộm nửa cướp, thuộc đạo lục lâm. Tiêu chuẩn nhìn người của bọn họ là, thà gặp cướp quân tử còn hơn gặp quan tiểu nhân. Thông qua việc quan sát cách nói năng đi đứng, cùng những hành vi thường ngày, họ phán đoán một người có thích hợp nhập bọn hay không. Phương diện này tuyệt đối không thể qua loa đại khái, nhất là để đề phòng trong bọn có nội gián, hoặc hạng tiểu nhân dùng dao đâm lén sau lưng kẻ khác.
Trong ấn tượng của lão Trần mù, lão Dương Bì và người anh em Dương Nhị Đản đều là kẻ khí lượng hẹp hòi kém cỏi, mà tầm nhìn cũng không cao, nói khó nghe một chút, thì hai anh em nhà này đều có tướng mạo nô tài, chỉ thích hợp làm hạng người ăn kẻ ở thấp hèn, đặc biệt là tên Dương Nhị Đản, tuy bề ngoài thoạt trông như một tên chăn dê trung hậu, yên phận, nhưng đấy chỉ là hình dáng bên ngoài, chứ tâm địa khó lường, trong bụng đầy mưu mô tính toán. Có điều, khí độ của y không đủ, dẫu muốn làm điều gian trá cũng không đủ tài trí, loại người này lòng dạ xấu xa, cũng có gan làm chuyện bại hoại, nhưng lại thiếu cốt cách, khó mà thành được đại sự, sau này cũng chỉ đi phục dịch kẻ khác kết cục chẳng tốt đẹp gì cho cam.
Lão Trần mù này nói cũng đúng thật, Dương Nhị Đản trước là bị dụ đi làm thổ phỉ, rơi vào tà đạo, rồi lại đi theo người Nhật làm Hán gian, chơi với lửa rốt cuộc đã tự thiêu chính mình, cuối cùng chết vô cùng thê thảm. Thì ra, từ mỗi hành vi cử chỉ thường ngày, cũng có thể nhìn ra một kẻ có tâm thuật bất chính hay không. Có điều, bản lĩnh nhìn người xét lòng dạ ấy cần có kinh nghiệm và sự từng trải vô cùng phong phú, thậm chí còn khó hơn xem phong thủy rất nhiều, xét cho cùng thì vẫn là "họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm."
Lão mù tiếp đấy lại kể một số chuyện của hai anh em lão Dương Bì, nhưng cũng không biết gì về sự việc ở động Bách Nhãn. Tôi bèn hỏi lão về lời dặn dò của lão Dương Bì trươc lúc lâm chung. Tại sao lại phải đào sâu tám thước, lõa thể chôn chổng ngược chân lên trời? Tại sao lại bị trời giáng sấm sét đánh xuống như thế? Tại sao trong mộ lại xuất hiện một con hoàng bì tử to tướng cũng bị sét đánh cháy thành than? Bao nhiêu năm nay tôi cũng chưa từng gặp chuyện gì giống như thế cả, đến bây giờ hồi tưởng lại, cũng vẫn mờ mờ mịt mịt, không nghĩ ra được duyên cớ bên trong.
Lão mù từ sau bận xuống Vân Nam trộm mộ thì không gặp lại anh em lão Dương Bì nữa, những chuyện xảy ra về sau, toàn bộ đều do tôi thuật lại. Lão nghe tôi kể những quái sự xảy ra sau cái chết của lão Dương Bì, nét mặt thoáng lộ vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Dường như lão cũng biết một số sự việc của Nguyên giáo, ngẫm nghĩ một lúc, rồi hừ lạnh nói: "Người tính rốt cuộc cũng không bằng trời tính..."
Tôi hỏi lão mù, lời này nghĩa là sao, lẽ nào những chuyện lão Dương Bì sắp đặt trước lúc chết còn có ẩn tình gì khác.
Lão mù gật đầu nói: "Nhất tiên sinh cũng là bậc lão làng trong nghề đổ đấu, lên núi xuống rừng, chắc hẳn cũng gặp đủ loại lăng mộ rồi. Nhưng đã bao giờ tiên sinh nghe nói trên đời này có chuyện chôn cắm đầu xuống đất mà lại còn lõa thể hay không? Tự nhiên là không có rồi, bởi đây không phải là cách thức chôn cất mai táng gì cả, lão Dương Bì này sợ rằng còn có dụng tâm khác."
Hồi trước lão Trần mù này cũng có ý đồ trộm mộ Hoàng đại tiên, nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau mà chưa thể động thủ được, Dương Nhị Đản sở dĩ có thể thuận lợi tìm được miếu Hoàng đại tiên chôn dưới đất, chính là nhờ vào một số đầu mối quan trọng năm xưa y thăm dò được từ chỗ lão Trần này.
Đám Nguyên giáo thờ phụng Hoàng đại tiên ấy bắt nguồn từ núi Tiểu Ba Lặc thuộc dãy Đại Hưng An Lĩnh. Tương truyền trên núi Tiểu Ba Lặc có một con hoàng bì tử toàn thân trắng như tuyết, thể hình to ngang con chó, miệng nhả hồng châu. Viên châu này là do sinh linh trải qua thời gian ngưng kết lại, cũng là một thứ báu vật tương tự như ngưu hoàng. Có một số bọn lừa đảo buôn thần bán thánh liền lợi dụng con hoàng bì tử này làm chiêu bài, tụ tập chúng nhân kiếm tiền bất chính, lại còn dùng tà thuật để mê hoặc lòng người.
Về sau, giáo phái này dần dần lan rộng ra đến những vùng biên viễn hoang vu, dân chúng ngu muội đi theo vô cùng đông đảo, cuối cùng vì có ý đồ mưu phản nên đã bị quan phủ trấn áp. Lũ hoàng bì tử thành tinh ấy có thể nhiếp hồn người ta, nhưng chúng sợ nhất là nghe Lạt ma niệm chú. Quan quân được đại lạt ma của tu viện Trát Thực Luân hiệp trợ, liền đại khai sát giới, hầu hết giáo đồ Nguyên giáo đều bị vây bắt tiêu diệt. Đám tàn dư còn lại mang theo di hài của Hoàng đại tiên chạy về nơi thâm sơn cùng cốc, tu tạo một ngôi miếu Hoàng đại tiên ở chốn hoang vu không dấu chân người, bên trên là miếu, còn bên dưới thực chất là mộ phần chôn cất cỗ quan tài chiêu hồn của Hoàng đại tiên.
Cũng không hiểu tại sao lại trùng hợp thế, ngôi miếu Hoàng đại tiên trong chốn rừng sâu này vừa khéo lại xây trên đúng mạch vàng, dân đào vàng thời bấy giờ không ai là không tin Hoàng đại tiên, cho đến khi đào đứt mạch đất làm núi lở sụt xuống chôn vùi cả ngôi miêu dưới đất đá. Lão Trần đã từng có ý định dẫn theo thủ hạ đi đào ngôi miêu Hoàng đại tiên đó để lấy nội đan bên trong quan tài đồng, nhưng nghe nói cỗ quan tài ấy đã bị yểm bùa, kẻ nào mở ra ắt sẽ mất mạng. Khi chưa rõ chân tướng, lão Trần mù cũng không dám làm ẩu, phỏng chừng trong lúc nói chuyện lão ta đã lộ ra một ít phong thanh, nên mới để Dương Nhị Đản biết được một vài đầu mối.
Phần này lão mù kể về cơ bản là trùng khớp với nội dung tôi nghe được từ miệng lão Dương Bì trong động Bách Nhãn mười mấy năm trước. Nhưng những chuyện về sau, lão mù cũng chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm và sự từng trải của mình mà suy đoán. Lão đoán rằng, có thể lão Dương Bì đã phát hiện ra tà thuật gì đó của Nguyên giáo trong động Bách Nhãn, rồi nảy sinh ham muốn vượt phận mình, dự định đoạt lấy bí mật của thiên địa tạo hóa. Vì rằng trong Nguyên giáo vốn có thuyết "hóa long", cho rằng một người sau khi chết, nếu không mặc gì, chôn chúc đầu xuống đất ở nơi long khí ngưng kết, bảy ngày sau sẽ có thể mọc vảy mọc vuốt, hóa thành rồng bay lên trời. Phải chôn cắm đầu xuống đất là bởi đầu là nguồn gốc của tư duy, là căn nguyên của bách thể, dùng tà pháp này hút lấy long khí trong mạch đất, có thể khiến con cháu được hưởng phúc ấm trăm đời. Nhưng lão Dương Bì không tích được cái đức ấy mà lại muốn làm chuyện nghịch thiên, cuối cùng người tính không bằng trời tính, rốt cuộc cũng chỉ là công toi, chẳng thể hóa thành rồng.
Thuật "hóa long" mà lão mù nói đến ấy, xét cho cùng cũng chỉ là chuyện hư ảo. Nhưng hồi trước lão đi trộm mộ, đích thực từng gặp những cái xác được chôn theo nhiều phương thức cổ quái rồi sinh ra thi biến, trên người mọc ra vảy thịt cũng chẳng phải chuyện gì ghê gớm. Người khác tin thì tin, nhưng dân làm nghề trộm mộ đổ đấu thì không nên tin vào những chuyện này. Ngoài khả năng này ra, còn có thể suy đoán theo chiều hướng khác nữa. Ấy là, lão Dương Bì một mình vào động xác rùa, sau khi mở giếng vàng ra liền bất tỉnh nhân sự. Vì sinh mạch, long khí trong động Bách Nhãn đều bị người ngoài phá đi rồi, nên những vật tà ác náu mình ở đây đã ám lên người ông già. Nếu không phải lão Dương Bì muốn hóa rồng, thì chắc chắn đây là mưu đồ của tà vật ám quẻ lên người ông lão. Có điều, ý trời khó đoán, chưa đến bảy ngày thì cái xác đã bị đào lên khỏi lòng đất, bị sét đánh cháy thui rồi. Sinh linh vạn vật cũng giống như huyệt mạch phong thủy, đều phải có thủy có chung, một khi tồn tại quá lâu, phạm vào quy luật có sinh ắt có tử, thì ắt sẽ phải gánh nhận kiếp số. Xem ra là bọn hoàng bì tử trên núi Tiểu Ba Lặc kia khí số đã tận, muốn trốn cũng không thể nào trốn được.
Tôi cảm thấy khả năng thứ hai có vẻ lớn hơn một chút, năm đó sau khi ra khỏi động Bách Nhãn, lão Dương Bì đột nhiên trở nên hết sức kỳ dị, hoàn toàn khác hẳn thường ngày, giờ nhớ lại mới thấy lạ, khi ấy tôi còn tưởng là ông già hao tổn tâm lực quá độ nên mới vậy, chỉ nôn nóng muốn đưa ông đến bệnh viện khám bệnh chứ cũng không nghĩ theo hướng nào khác, làm sao mà ngờ được ông già lại bị hoàng bì tử nhập lên người cơ chứ.
Nghĩ đến việc người chết rồi mà còn bị hoàng bì tử lợi dụng, tôi bỗng sực tỉnh ngộ, có lẽ cả hai khả năng mà lão mù nói đều không tồn tại. Cứ coi như lão Dương Bì có ý đồ táng xác mình vào huyệt báu phong thủy để tạo phúc ấm cho con cháu đời sau? Nhưng trong cái lều Mông Cổ ấy làm sao có huyệt phong thủy được? Lẽ nào tấm long phù bằng đồng xanh mà lão Dương Bì lén lút lấy trong quan tài đồng kia lại là pháp khí phong thủy thời cổ? Thứ ấy để bên trong quan tài của con chồn lông vàng kia đã mấy trăm năm, nhất định còn mang theo hơi xác của con hoàng bì tử ấy, không thể nào tiêu trừ được. Sau đó, long phù được phát hiện ra bên trong cái xác cháy đen, chắc chắn là trước khi chết lão Dương Bì đã cố nuốt vào trong bụng. Lũ hoàng bì tử nhận ra mùi của tổ tiên nhà chúng, vậy nên mới có một con hoàng bì tử chui vào trong xác chết định lấy long phù đi. Những chuyện ma tà yêu quái gì gì khác thì tôi không tin lắm, nhưng đạo phong thủy vốn cực kỳ thâm ảo, người thường khó mà hiểu hết cho đành, không hiểu có phải vì tấm long phù kia nên mới gây ra trận sấm sét đó hay không nhỉ?
Trước đây tôi cho rằng long phù chỉ là một món minh khí bồi táng cùng Hoàng đại tiên, nhưng sau buổi nói chuyện dài với lão mù, nghĩ lại kỹ càng hơn từ một góc độ khác, càng nghĩ càng cảm thấy tấm long phù kia không phải thứ tầm thường. Đáng tiếc, nó đã bị Đinh Tư Điềm vứt vào lùm cỏ trên thảo nguyên mất rồi. Chuyện cũ đã qua, những trải nghiệm ấy tựa như một giấc mộng lớn, những suy đoán này rốt cuộc cũng chỉ là suy đoán phiến diện, chắc gì đã đúng. Trừ phi có thể khiến người chết sống lại, bằng không chúng tôi vĩnh viễn cũng không có cách nào biết được chân tướng sự việc năm xưa. Tôi nhớ lại chuyện tấm long phù, bèn thuận miệng hỏi lão mù xem có biết lá bùa bằng đồng xanh đó rốt cuộc là thứ gì hay không.
Tấm long phù bằng đồng xanh ấy hình con rồng không có mắt, tạo hình cổ phác, chắc là vật từ mấy nghìn năm về trước, bên trên có đúc những bùa chú mờ mờ khó thể nhận ra. Tôi cho rằng những vết khắc bên trên là một loại đạo cụ để giao tiếp với linh giới bằng một loại ngôn ngữ bí mật nào đó. Thời xưa, có sự phân biệt giữa các loại chất liệu như đồng, ngọc, đá. Đồng phù tương đối phổ biến, nhưng tấm long phù trong động Bách Nhãn này lại thuộc loại hiếm thấy, tương truyền là do lũ rùa ở Quy miên địa mang từ đáy biển lên. Lại nói về Quy miên địa, sau này khi kiến thức phong thủy của tôi nhiều thêm, mới biết những nơi gọi là Quy miên địa ấy đều do con người kiến tạo ra bằng cách giết rất nhiều rùa lớn, chôn dưới lòng đất sâu, người ta có thể thu lấy linh khí trong xương cốt chúng để sử dụng, thuộc vào loại huyệt phong thủy nhân tạo.
Lão mù nghe tôi miêu tả lại long phù, ngạc nhiên thốt lên: "Bùa, là thứ dùng để hộ thân, long phù không có mắt, phỏng có ích gì? Họa long thời phải điểm nhãn chứ nhỉ..." Sau đó dường như lão lại sực nghĩ ra gì đó, thần sắc đột nhiên trở nên nghiêm trọng: "Ở dưới biển mang lên? Đáy biển? Đó... đó không phải là không có mắt... mà là không thấy, lẽ nào là mười sáu quẻ Thiên thời cổ đại?" Vừa nói, lão vừa giơ bốn ngón tay gầy guộc lên với tôi, làm bốn dấu hiệu khác nhau.
Tôi nghe tới đây càng cảm thấy tò mò, sao lại có quan hệ với quẻ Thiên mà Chu Công suy diễn ra nữa chứ? Đang định hỏi cho rõ ràng tường tận, thì lão mù đột nhiên rụt tay lại, sắc mặt đại biến, giơ mũi ra hướng gió hít hít vài cái như thể bắt được tín hiệu nguy hiểm trong không khí, đoạn lão vội vàng lật đật đứng lên: "Xảy ra chuyện lớn rồi, lão phu phải đi đây..."
Dứt lời, lão già đã giơ gậy trúc dò đường, mò mẫm lẩn vào sau vạt cây rậm rạp trong công viên Đào Nhiên Đình, thoắt cái đã không thấy bóng dáng đâu nữa. Tôi thầm nhủ, lão mù này sao nói đi là đi luôn vậy, đang định đuổi theo, nhưng vừa ngước mắt lên, liền thấy trong công viên bỗng dưng xuất hiện một đám người khí thế hung hăng, toàn là những bà những cô đeo băng đỏ trong Ủy ban khu dân cư.
Tất cả cùng chỉ chỉ trỏ trỏ vào gian đình nghỉ mát tôi đang ngồi, nhao nhao kêu rằng lão thầy bói đeo kính đen ấy rõ ràng ở đây, lúc nãy ở đằng xa vẫn còn trông thấy, sao thoắt cái đã biến mất đâu rồi. Vừa cãi vã, họ vừa hò nhau đuổi theo, bắt được rồi phải đưa lão ra đồn công an, cái thứ tư tưởng mê tín phong kiến ấy chuyên làm mục rỗng linh hồn con người, cứ tin vào lão ta thì làm sao kiến thiết được đất nước? Mấy bà mấy cô xôn xao một bận, rồi chia làm mấy nhóm đi vây bắt lão Trần mù.
Tôi thấy tình hình này, liền lập tức hiểu ra tám chín phần, chắc chắn là việc lão Trần mù đi xem bói lừa tiền đã bại lộ, mới đến nỗi bị các bà các cô nổi máu truy đuổi đến thế. Có điều lỗ mũi của lão già này cũng thật linh, quả không hổ danh là tay trùm trộm mộ phái Xả Lĩnh năm xưa, thuật ngửi đất nghe gió đích thực không ai bì kịp. Để yểm hộ cho lão rút lui an toàn, tôi vội vàng giả bộ làm một nhân chứng nhiệt tình, giơ tay chỉ về phía ngược với phía lão mù bỏ chạy, lớn tiếng kêu lên với đám đàn bà: "Tôi vừa thấy lão già lừa đảo hoạt động mê tín dị đoan ấy chạy ra phía kia kìa!"
Cả đám các bà các mợ đeo băng đỏ cứ tưởng thật, liền đuổi theo hướng tôi vừa chỉ. Tôi chỉ đường bậy bạ, sợ sẽ bị Ủy ban giữ lại hỏi tội, đương nhiên cũng không dám nấn ná ở công viên ấy nữa, vội băng qua khu vực cây cối rậm rạp đó mà lỉnh đi, tiện thể loanh quanh tìm kiếm lão Trần mù luôn. Nhưng trong ngoài công viên đều mất hút bóng dáng lão ta, tôi tìm đến tận tối mịt, mò đến cả nơi ở và những chỗ lão thường hoạt động tìm thử mà cũng không thấy lão già xuất hiện.
- Hồi 1 - Mùa đông đói kém
- Hồi 2 - Mộ bì hoàng tử
- Hồi 3 - Bẫy đêm
- Hồi 4 - Truyền thống gấu
- Hồi 5 - Cắt tay móc mật
- Hồi 6 - Quỷ nha môn
- Hồi 7 - Lão điếu gia
- Hồi 8 - Thòng lọng
- Hồi 9 - Cắt gạch mộ
- Hồi 10 - Lá thư đến từ thảo nguyên
- Hồi 11 - Khu vực cấm
- Hồi 12
- Hồi 13 - Ruồi trâu
- Hồi 14
- Hồi 15 - Con du diên [25]
- Hồi 16 - Canh cá
- Hồi 17 - Động bách nhãn
- Hồi 18 - Tranh khắc rồng
- Hồi 19 - Dẫn hồn kê
- Hồi 20
- Hồi 21 - Hung thiết
- Hồi 22 - Ngọn đèn lẻ loi
- Hồi 23 - Người thứ năm
- Hồi 24 - Trăm vảy gấm
- Hồi 25 - Âm hồn bất tán
- Hồi 26 - Cương thi
- Hồi 27 - Quy miên địa
- Hồi 28 - Túi đồ kiểu Nga
- Hồi 29 - Cốc tai Motolov [30]
- Hồi 30 - Tinh biến
- Hồi 31 - Cái hang kinh hoàng
- Hồi 32 - Thuật đọc tâm
- Hồi 33 - Cổ vật nghìn năm
- Hồi 34 - Phiên hiệu số "0"
- Hồi 35 - Xác chết trong hầm đất
- Hồi 36 - Phòng cấm
- Hồi 37 - Mặt nạ
- Hồi 38 - Chất chống thối rữa
- Hồi 39 - Tủ cất giữ tiêu bản
- Hồi 40 - Thủ cung sa
- Hồi 41 - Lão Dương Bì, kẻ trộm mộ
- Hồi 42 - Đường không lối về
- Hồi 43 - Mộng
- Hồi 44 - Con đường tăm tối
- Hồi 45 - Điện Diêm La
- Hồi 46 - Giếng vàng
- Hồi 47 - Thủy Đảm
- Hồi 48 - Thiệt lậu
- Hồi 49 - Phần phong
- Hồi 50 - Huyệt sâu tám thước
- Hồi 51 - Sấm sét
- Hồi 52 - Sinh ly tử biệt
- Hồi 53 - Trùm trộm mộ phái Xả Lĩnh
- Hồi 54 - Yêu hóa long