Hồi 48 - Thiệt lậu
Từ hang động chôn xác bên ngoài vẳng vào tiếng gió rít gào, cuốn theo âm thanh như thể quỷ khóc sói tru, lại như rồng gầm hổ hú, làm vách động rung lên bần bật, từng mảng bụi đen bay dập dờn trong không khí. Chúng tôi vung tay đánh tạt một làn khói đen ập vào mặt, chỉ thấy đầu ngón tay trơn trơn dinh dính, đều là mỡ nóng nhẫy, chẳng hiểu là mỡ người hay mỡ bò.
Lão Dương Bì hét lớn: "Con yêu long sắp về ổ rồi!" Nếu bị cơn gió đen này cuốn phải, thì chẳng khác nào bị thiêu đốt bằng nhiệt độ cao trong lò đốt xác, người đang sống sờ sờ chỉ trong chớp mắt sẽ biến thành tro bụi.
Tôi biết chuyện này không phải trò đùa, hai chân guồng liên tục, vừa chạy vừa thúc giục mấy người còn lại chạy cho mau. Cái hang để xác rùa này địa thế bằng phẳng, trận gió nóng ấy lùa vào trong đây thì đừng hòng sống sót, đường sống duy nhất chính là mau chóng nhảy xuống nước ngầm bên dưới cây cầu trước khi trận yêu phong vô hình vô ảnh đó xuất hiện. Lúc này, chẳng ai còn nghĩ được đến nguyên nhân hậu quả gì nữa, đồ đạc trên người thứ gì vứt được thì đều vứt đi hết, càng nhẹ thì chạy càng nhanh.
Âm thanh như thể ngàn vạn con quỷ đang gầm rú trong đêm bên ngoài cửa động càng lúc càng lớn, chúng tôi gần như vừa lăn vừa bò đến bên cạnh cây cầu, rồi men theo chỗ nham thạch ở cạnh chân cầu chui xuống làn nước ngầm lạnh thấu xương tủy. Chỗ nước này không sâu lắm, chỉ ngập chưa đến ngực, cảm giác lũ cá mù mắt lướt qua bên người tựa như có vô vàn bàn tay băng lạnh trơn nhẫy chọc loạn xà ngầu vào thân thể, càng khiến chúng tôi thêm kinh hãi. Ngay phía trên đầu là ngọn nghiệp hỏa vô cùng vô tận của chốn địa ngục A Tỳ rú rít phừng phừng, chỉ cần ló đầu lên khỏi mặt nước, tai liền lập tức nghe thấy tiếng gió nóng dữ tợn lướt vù qua.
Chúng tôi trầm mình xuống đợi một lúc lâu, tiếng gió bên trên đột nhiên im bặt, tất thảy trở về với trạng thái tĩnh lặng ban đầu, bấy giờ, bốn người mới ló đầu lên khỏi dòng nước ngầm, toàn thân ướt sũng. Sau khi xác định đã thật sự an toàn, chúng tôi mới lập cà lập cập leo lên cầu, lạnh đến nỗi ai nấy run bần bật, răng trên đập vào răng dưới, muốn nói mà không sao mở miệng ra nổi, cứ thế lò dò lần ra phía cửa động huyệt. Trong hang chứa xác khổng lồ bên ngoài, gần như tất cả thi thể đều bị "phần phong" thiêu đốt, trở thành tro than đen kịt. Điểm này không ngờ lại giống hệt như truyền thuyết về Quy miên địa, thi thể chôn trong hang động quy tập xác của lũ rùa cuối cùng toàn bộ sẽ vũ hóa phi thăng, không để lại dù chỉ là một mẩu xương nhỏ.
Chúng tôi đi theo đường cũ trở về, lúc này lửa trong tầng ngầm viện nghiên cứu đã tắt, thế lửa cũng không lan tiến mấy tầng bên trên. Trong một gian phòng trên lầu, chúng tôi định lột mấy bộ quần áo của người chết để thay, nhưng rồi lại thấy chẳng thể nào mặc được thứ quần áo đó, đành bỏ lại, rồi đốt một đống lửa sưởi, hong cho khô người. Cả bốn người lạnh tái mét cả mặt, hai môi xanh tím, nhớ lại những gì vừa trải qua trong động Bách Nhãn này, thật đúng là không dám ngoảnh đầu lại. Đặc biệt là lão Dương Bì, ông già thấy thi thể người anh em Dương Nhị Đản của mình bị thiêu rụi cùng vô số xác chết khác trong hầm ngầm, thì hết sức đau xót. Lão Dương Bì quê ở Thiểm Tây, xưa nay theo tục thổ táng, người chết chôn dưới một nấm đất vàng vậy mới có mặt mũi mà đi gặp tổ tông, tư tưởng "nhập thổ vi an" đã bén rễ ăn sâu vào trong suy nghĩ. Lúc này, nửa túi thuốc lá đeo ở cái nõ điếu đã ướt sũng, không có thuốc, tinh thần càng không được yên, chốc chốc ông lão lại lắc đầu, thở ngắn thở dài, thật không biết trong lòng đang nghĩ điều gì nữa.
Tuyền béo thì chẳng hề để tâm chuyện xảy ra hôm nay, lại còn ra điều khuyên bảo mọi người: "Sao ai nấy đều ủ ê sầu thảm chẳng có tí tinh thần nào vậy, chẳng phải chúng ta vẫn đang sống khỏe sống mạnh đấy sao? Lần này không chỉ nhận thức được uy lực tàn khốc vô tình của tự nhiên, mà còn có thể rèn luyện phẩm chất ý chí của bản thân ở trình độ cực cao. Một chút thế này có đáng gì chứ, phải biết rằng, dòng lũ cách mạng mới chỉ vừa bắt đầu thôi, bãi bể mênh mang, chiến trường sau này mới thực sự là nơi chúng ta thể hiện bản sắc anh hùng chân chính."
Lòng rối như tơ vò, tôi cúi đầu suy nghĩ vẩn vơ, chẳng buồn để ý đến Tuyền béo cứ ra rả hót như khướu bên cạnh. Đinh Tư Điềm lại đang bận rộn kiểm tra thương tích cho cả bọn, vết chém trên vai tôi tuy sâu, nhưng may không phạm đến gân cốt, chỉ cần không bị viêm nhiễm gì thì chắc cũng không nguy hiểm lắm. Tuyền béo thì bị lão Dương Bì cắn mất một miếng thịt to trên cổ, thương thế không nhẹ, cựa quậy mạnh một chút là chỗ vết thương liền rỉ máu, nhưng cậu ta khỏe như gấu đen, da dày như da trâu, nên cũng chẳng coi chút đau đớn ấy vào đâu.
Tuyền béo phát hiện ra vết thương trên bàn tay Đinh Tư Điềm cũng chưa khép miệng. Cô bị thương từ lúc đoạt lấy thanh đao trong cái hang cây. Từ đầu đến giờ, tính ra lúc bốn người đều bị vây khốn trong cái hốc cây, đối mặt với hai con hoàng bì tử biết thuật đọc tâm là nguy hiểm nhất, hồi tưởng lại, nếu chẳng phải nơi đó địa hình chật hẹp, hoàn cảnh đặc thù thì không khéo cả bọn đã chôn xác trong hang cây đó thật rồi.
Tuyền béo nắm được lý, bèn nhất quyết không chịu buông tha lão Dương Bì. Cậu ta bắt ông già phải nhìn thật kỹ vết thương trên tay Đinh Tư Điềm, bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại xinh đẹp như thế, lại bị lưỡi đao cứa cho thấy cả xương, tất cả đều do lão Dương Bì gây ra cả. Cậu ta còn trách móc, bảo nếu ông già chịu nói sự thực ra sớm thì cũng không đến nỗi cả bọn sém chút nữa mất mạng. Chẳng những vậy, giờ cái ông lão Dương Bì đáng ghét ngụy trang thành tầng lớp bần hạ trung nông này dường như vẫn còn đầy một bụng âm mưu ngụy kế chưa nói hết ra với mọi người, thật là đáng căm đáng giận, xem ra ông này đã quyết tâm tuẫn táng cùng giai cấp địa chủ bóc lột rồi, nhất định phải hiệu triệu quần chúng cách mạng cùng hành động, mở đại hội phê đấu mới được.
Đinh Tư Điềm không đồng ý với quan điểm của Tuyền béo: "Mao chủ tịch đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta phải kiên trì nguyên tắc thực sự cầu thị, mọi người đều bình đẳng trước chân lý. Trong tình hình chân tướng chưa rõ ràng, tuyệt đối không được võ đoán và áp bức nhân dân, thế thì có khác gì quân phiệt đâu chứ. Mình tin ông lão Dương Bì có nỗi khổ riêng, vả lại, Tuyền béo bạn cũng đừng quên, mạng của chúng ta vừa rồi đều do ông ấy cứu về đấy nhé."
Tuyền béo lập tức nói ngay với Đinh Tư Điềm: "Nguyên tắc mà bạn nói chỉ thích hợp áp dụng cho mâu thuẫn nội bộ trong quần chúng nhân dân, còn vấn đề đường lối thì nhất quyết không thể dung hòa được. Chúng ta cần phải xác định lập trường rõ ràng, tôi thấy lão Dương Bì này bụng dạ khó lường, ai mà biết được trong đầu ông ta có giấu giếm mưu đồ lật lọng gì hay không?" Nói dứt lời, cậu ta lại quay sang hỏi tôi: "Ê Nhất, cậu cũng tỏ thái độ đi chứ, tôi nói có lý không hả?"
Tôi nói với Tuyền béo và Đinh Tư Điềm: "Theo lẽ thường, sự việc đàn bò mất tích không liên quan gì đến bọn mình, nhưng hai hôm nay chúng ta vào sinh ra tử mà không chớp mắt lấy một lần, không ai làm con rùa rụt đầu, đó là vì cái gì chứ? Tôi nghĩ, chính là bởi chúng ta tin rằng lão Dương Bì là bần nông ba đời, thanh niên trí thức chúng ta và giai cấp bần hạ trung nông xưa nay vai kề vai, tim liền tim, thảy đều là giai cấp vô sản cả. Quan điểm của mọi người tôi đều không đồng ý, tuy rằng tôi vẫn bảo lưu ý kiến về thành phần giai cấp của ông lão Dương Bì, thậm chí còn rất nghi ngờ động cơ của ông, không biết rốt cuộc ông có mục đích gì. Song đồng thời, tôi cũng cảm thấy hết sức căng thẳng, lo lắng và bất an trước hành động quá khích của Tuyền béo, vì điều này không hề phù hợp với nguyên tắc về thái độ khách quan trước vấn đề cụ thể, phương pháp phân tích cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lê một chút nào cả."
Tuyền béo vẫn kiên trì đòi đấu tố, kêu toáng lên: "Nhất này, tiên sư nhà cậu, đừng có giở cái trò khách quan với chẳng thái độ với tôi nhé. Đây rõ rành rành là muốn theo chủ nghĩa trung dung điều hòa rồi! Có nói cũng như không, tôi muốn cậu hãy dùng lập trường của con cháu một quân nhân cách mạng chân chính mà bày tỏ thái độ của mình ấy!"
Ba chúng tôi còn đang tranh chấp chưa ngã ngũ thì lão Dương Bì đột nhiên lên tiếng: "Đừng cãi nhau nữa, cãi cái gì chứ? Tôi có chuyện giấu giếm mấy thanh niên trí thức các cô cậu, chỉ vì sợ để vị thủ trưởng họ Nghê kia biết được thôi..."
Một lời này khiến cả bọn đều bất ngờ, không hiểu sao lão Dương Bì lại đột nhiên lôi cả tay thủ trưởng họ Nghê kia vào. Chẳng lẽ tay đó cũng có quan hệ mờ ám gì với khu vực động Bách Nhãn này sao? Nhất thời, ba chúng tôi đều im lặng, để lão Dương Bì nói rõ sự tình, bằng không lúc về đến khu chăn nuôi bị người ta gặng hỏi, thật cũng chẳng biết phải ăn nói thế nào nữa.
Nghe lão Dương Bì giải thích, thì ra ông cũng không có ý giấu giếm chúng tôi sự thực gì, chỉ là trong thời đại cả xã hội đang hừng hực phong trào bài trừ mê tín dị đoan này, đến người có ý thức giác ngộ thấp như ông già cũng biết có một số chuyện không thể nói bừa nói bậy, nói ra rồi sẽ lập tức trở thành cái bia cho tất cả mọi người nhắm vào. Mấy chuyện ông che giấu đều là những tục lệ ở quê, chuyện này để đám thanh niên trí thức nhập gia tùy tục biết cũng không sao, chỉ sợ không may lọt đến tai ủy ban thì phiền phức to.
Lão Dương Bì sở dĩ nắm rõ tình hình khu vực động Bách Nhãn này như lòng bàn tay thế, là bởi sau khi người anh em Dương Nhị Đản của ông lão tìm thấy cái rương đồng kia, mang đến cơ sở nghiên cứu của quân Nhật liền mất tích, tuy ông lão lại nhu nhược nhát gan, không dám tiến vào tra xét chân tướng, song mấy chục năm nay ông cũng chẳng ở không. Năm xưa, ông đi theo tay trộm mộ họ Trần kia cũng học được một ít ngón nghề, biết rằng có rất nhiều con đường tìm long mạch đổ đấu, chẳng hạn như cải trang, thay hình đổi dạng đến những nơi có mộ cổ thăm dò, tìm hiểu đầu mối từ miệng những người dân bản địa, ví như trên núi có truyền thuyết gì, có di tích gì không... qua những đầu mối ấy, một là có thể tìm ra vị trí mộ cổ, hai là cùng có thể từ một khía cạnh khác mà suy luận xem xung quanh mộ cổ có gì nguy hiểm không, dân hắc đạo gọi là "đạp mâm". Đạp mâm vốn là một môn biểu diễn tạp kỹ trong dân gian, ý chỉ phải cẩn thận, thăm dò hung cát hư thực, trong giới đổ đấu coi cách dùng phương thức này để thăm dò những đầu mối quan trọng là "thiệt lậu".
Lão Dương Bì ở khu vực xung quanh động Bách Nhãn đã thăm dò được vô số thông tin kiểu này, chắp nối những truyền thuyết dân gian tản mác lại với nhau, rồi dựa trên kinh nghiệm trước đây tiến hành sàng lọc, loại trừ, đã dần dần biết được một chút nội tình đằng sau tấm màn bí mật phủ che động Bách Nhãn.
Thực ra động Bách Nhãn vốn không phải hang động chứa xác hay mồ mả gì của người Tiên Ty cả, bên trong cũng có rất ít xác chết của dân bộ tộc này, nhưng nơi này và động Cát Tiên, đích thực là hai địa thánh địa đại biểu cho Âm và Dương, Sinh và Tử. Bởi người thời cổ sống trên mảnh đất này đã phát hiện có rất nhiều rùa lớn đến đây vùi xác, lại thường có hình ảnh đình đài lầu các như cõi tiên xuất hiện trong hang động, không biết đó chỉ là ảo ảnh do hải khí trong mai rùa sinh ra, liền cho rằng đấy là địa ngục, cõi về của vong linh người chết. Dân du mục xưa nay vẫn coi trọng nhất là thiên táng, không để tâm nhiều đến chuyện nhập thổ vi an, nhưng cũng vẫn có khá đông người thuộc các dân tộc có bối cảnh văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đến đây thực hiện nghi thức tế núi.
Cho đến khi ở vùng Đại Hưng An Lĩnh xuất hiện "Nguyên giáo," "Nguyên" ở đây chính là "Hoàng", tôn giáo này thờ phụng Nguyên đại tiên, chữ "Hoàng" xung với hành kim, vì vậy không gọi là "Hoàng" mà đổi trại đi thành "Nguyên", một độ cũng vô cùng thịnh vượng, tín đồ vô số. Tương truyền, đại vu sư (thầy mo) của Nguyên giáo là một nữ tử do Hoàng đại tiên hóa ra, cả ngày đeo mặt nạ ngồi trong điện, thiện nam tín nữ đến lễ bái, cầu gì được đó.
Kỳ thực, kẻ được gọi là Hoàng tiên cô ấy, chẳng qua chỉ là một cái xác vô danh được chế thành vỏ da người, lũ lừa đảo bỏ một con hoàng bì tử vào bên trong, lợi dụng ảo thuật để mê hoặc lòng người. Có điều, lão Dương Bì không biết điểm này, ông già vẫn nói cái xác ấy thực đúng là do Hoàng đại tiên biến ra, nhưng tôi và Tuyền béo thì đã thấy thứ vỏ da người rỗng ruột này trong gian mật thất, nên mới biết được sự ly kỳ khúc chiết bên trong.
Lão Dương Bì nghe tôi kể chuyện con rối da người ấy, cũng có cảm giác như bừng tỉnh ngộ, ngay sau đấy, ông già lại tiếp tục kể về Nguyên giáo. Nguyên giáo hấp thu rất nhiều thuật bùa phép của dân bản địa vùng Đông Bắc, như là thuật nhảy đại thần. Nhảy đại thần chính là một vũ điệu của đạo Shaman, nhưng giáo phái này lại tiến hành một cách cực kỳ bí mật, về sau còn lan rộng ra đến tận thảo nguyên. Khu vực động Bách Nhãn này là vùng trọng yếu tiếp giáp giữa sa mạc và thảo nguyên, bây giờ ở khe núi thường hay có người và súc vật mất tích. Sau khi Hoàng đại tiên chết, đám lừa đảo Nguyên giáo liền rêu rao rằng dưới lòng đất có con yêu long, trốn từ Âm phủ ra tác quái, chỉ cần mang thi thể Hoàng đại tiên chôn ở động Bách Nhãn là sẽ trấn áp được hồn phách nó, nên đã xây một ngôi mộ có giếng vàng phong thủy, táng xác Hoàng đại tiên, cũng chính là con rối da người kia vào đó. Kỳ thực bọn chúng làm vậy, chẳng qua chỉ để chiếm mảnh đất báu quy tập xác rùa, ngưng kết được sinh thủy này mà thôi. Chẳng những thế, chúng còn tuyên truyền rằng, nếu các tín đồ trong giáo quyên góp tiền bạc, sau khi chết táng vào đất này liền có thể vũ hóa phi thăng, kết quả là vô số người dốc cả gia tài vào đó. Nhất thời, người người đều theo, trong hai trăm năm, khu động Bách Nhãn này không biết đã chôn bao nhiêu người chết nữa.
Hoàng đại tiên của Nguyên giáo, như đã nói, trên thực tế chỉ là một cái xác phụ nữ bị khoét rỗng. Ngoài ra giáo phái này còn có một cái rương chiêu hồn bằng đồng, bên trong chứa xác một con hoàng bì tử già đã bị thi biến. Cái rương chiêu hồn này đặt bên trong giếng vàng, xung quanh còn nuôi một số chồn lông vàng để canh giữ. Nghe nói, hồn phách của tất cả người chết trong ngôi mộ tập thể này bị hút cả vào trong cái rương đó, nếu người nhà muốn nói chuyện với những người đã chết nhiều năm, chỉ cần nộp vàng bạc cho Nguyên giáo, Hoàng đại tiên liền có thể dùng cái rương đồng triệu hồi vong hồn trở lại cõi Dương.
Nhưng vật cực tắc phản, Nguyên giáo trải qua thời kỳ cực thịnh, cuối cùng cũng bị giai cấp thông trị trấn áp, dần dần suy bại, đám tín đồ còn sót lại mang theo chiếc rương chiêu hồn lẩn về vùng rừng sâu núi thẳm bên trong dãy Đại Hưng An Lĩnh, xây một ngôi miếu thờ Hoàng đại tiên, tiếp tục những trò thần bí của họ. Bây giờ trong núi có mạch vàng, người tìm vàng cực nhiều, vì từ thời xa xưa đã có truyền thuyết rằng vàng ở trên núi đều do hoàng bì tử cất giấu, vì vậy những người đào vàng ấy đều đến thắp hương cúng bái. Miếu Hoàng đại tiên lại được một độ trung hưng.
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, vì có vài kẻ gan lớn tày trời, không nén nổi tò mò mà lén xem trong cái rương đồng kia rốt cuộc là thứ gì, kết quả khiến cả một vùng quanh đó người chết vô số, mạch vàng trong núi chẳng rõ là đã đào hết hay mọc chân chạy mất mà cũng tan biến luôn, về sau, lại có một trận lở đất chôn vùi ngôi miếu Hoàng đại tiên ấy, không ai còn biết bên trong đó có gì nữa. Cũng chính vì thế, mà nấm đất trong núi Đoàn Sơn ấy mới được gọi là Mộ Hoàng Bì Tử, có điều, rất hiếm người biết nguồn gốc cái tên này, lão Dương Bì cũng chỉ là tình cờ nghe ngóng được mà thôi.
Về sau, quân Quan Đông thành lập một đơn vị bí mật chuyên môn nghiên cứu vũ khí giết người, ở bên ngoài chỉ biết đến với cái tên đơn vị bộ đội cấp nước. Đơn vị này rất có hứng thú với truyền thuyết kể trên, cho rằng cái rương đồng là một loại vũ khí bí mật cổ xưa, đào bới trong động Bách Nhãn mà không thấy, bèn mua chuộc bọn Hán gian đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng đã giành được về tay. Có điều, khi chiếc rương đồng được mang đến động Bách Nhãn, liền sau đó xảy ra một tai nạn khủng khiếp, người chết sạch sành sanh không sống sót mống nào. Còn người trong viện nghiên cứu này đã chết như thế nào, thì cũng có rất nhiều khả năng, chưa chắc đều do bị lũ rận trong rương đồng hút đến cạn kiệt sinh khí mà chết. Thậm chí, cũng có khả năng là do hai con hoàng bì tử toàn thân lông trắng kia gây ra, bọn chúng biết được trong cái rương đồng ấy là lão tổ tông của mình, bèn bám đuôi theo đến đây rồi hại chết tất cả người sống trong khu vực động Bách Nhãn này chỉ trong một đêm. Với thủ đoạn kỳ dị đáng sợ của chúng, cũng không phải là không thể gây nên sự việc như thế. Từ điểm này có thể nói, hoàng bì tử cũng coi như là có cống hiến cho công cuộc kháng Nhật rồi. Đương nhiên, đây chỉ là suy đoán về sau, trừ phi người chết sống lại, tiết lộ mọi sự việc đã xảy ra ngày hôm đó, bằng không thì chúng tôi vĩnh viễn cũng không thể nào biết được đáp án thực sự. Tóm lại, sự việc người sống trong viện nghiên cứu này chết tiệt hết cả, chắc chắn là có liên quan đến cái rương đồng mà bọn thổ phỉ Nê Hội kia mang tới.
Lão Dương Bì tuy biết cái rương chiêu hồn này đã rơi vào động Bách Nhãn, người anh em ruột thịt của ông tám chín phần cũng đã chết ở trong đó, nhưng bao nhiêu năm nay ông vẫn không đủ dũng khí tiến vào xem thử, bởi xét cho cùng nơi đó cũng là Quỷ nha môn, chỉ có đường vào mà không có lối ra trong truyền thuyết. Vì vậy, ông vẫn ở trên thảo nguyên làm việc lặt vặt mưu sinh, đến sau giải phóng được liệt vào thành phần bần hạ trung nông, chuyển sang làm chăn nuôi, lại càng chẳng có cơ hội đến động Bách Nhãn nữa.
Có điều, trời đất gió mưa khó lường, năm nay các khu chăn nuôi đều bị thiên tai, chỉ có vùng thảo nguyên này là mọi sự bình an, trở thành điển hình thúc đẩy sản xuất cách mạng. Tay thủ trưởng họ Nghê kia còn truyền chỉ thị, ở gần Mông Cổ còn một vùng đồng cỏ lớn để không, cần phải lợi dụng triệt để, chuyển một nhóm dân du mục chịu ảnh hưởng của thiên tai mang theo gia súc đến đó qua mùa đông giá lạnh.
Lão Dương Bì vừa nghe chuyện này đã sợ bủn rủn cả người, nhiều năm nay, cũng bởi các loại truyền thuyết chỉ nghe đã dựng hết cả tóc gáy về động Bách Nhãn, thực sự không ai dám tiến vào khu vực đồi núi ấy cả. Dân du mục đến đây, Ủy ban Cách mạng sớm muộn gì cũng phát hiện ra trong núi có giấu một cái rương chiêu hồn. Chuyện khác thì cũng không nói, nhưng vong hồn của Dương Nhị Đản vẫn còn bị nhốt trong đó, ngoài ra, nói sao thì cũng không thể nào mở mắt trân trân ra đấy nhìn người ta đi vào rồi mất mạng cho được. Nhưng chuyện này làm sao ông già dám nói ra chứ. Bản thân ông cũng không ngờ chuyến này mình lại đi càng lúc càng sâu vào bên trong động Bách Nhãn, đến khi trông thấy thi thể bị thi sâm cuốn lấy của Dương Nhị Đản, ông mới không sao khống chế được cảm xúc, suýt chút nữa mở cái rương đồng đó ra, cũng may là Tuyền béo đã kịp thời cản lại.
Sau đó, nhân lúc chúng tôi đều cực độ mệt mỏi mà ngủ thiếp đi, lão Dương Bì tuổi cao ngủ ít, chỉ mơ màng một lúc rồi tỉnh dậy. Ông già đi theo người họ Trần kia đổ đấu mấy năm cũng không uổng phí, đã học được thuật thoát thân khá tài tình. Ông lấy lưỡi đao cọ đứt dây lưng da trói tay chân mình, rồi lén lút trở lại gian mật thất kia, khóc rống lên với Dương Nhị Đản một chập, còn nhiếc móc y biển khổ sao không biết quay đầu.
Tuyền béo nghe giọng kể thê lương buồn thảm của lão Dương Bì, đột nhiên lại thấy mềm lòng, liền chõ miệng vào khuyên: "Làm thổ phỉ, làm Hán gian mà chết, nhẹ tựa lông hồng..." Đinh Tư Điềm sợ Tuyền béo lỡ mồm, tiếp đấy sẽ nói toàn mấy lời vớ vẩn chọc đúng vào nỗi đau của lão Dương Bì, bèn vội vàng đưa tay bịt miệng cậu ta lại.
Lão Dương Bì thở dài một tiếng, chết đúng là nhẹ tựa lông hồng, người chết để danh, nhạn chết để tiếng, nếu như cái chết còn nhẹ hơn cả sợi lông hồng, đó há chẳng phải là một nỗi bi thương lớn lao lắm hay sao? Lần thứ hai trở lại gian mật thất, nhìn thấy thi thể của Dương Nhị Đản, lão Dương Bì cuối cùng cũng tỉnh ngộ ra được phần nào. Kết cục của người này toàn bộ đều do y tự chuốc lấy, mình đã khuyên y cả trăm cả nghìn lần rồi, anh em ruột thịt, làm như vậy cũng coi như là đã tận tình tận nghĩa. Sau đấy, ông lại lo một thời gian nữa sự việc ở động Bách Nhãn sẽ bị lộ, sợ cái rương bị người nào không hiểu chân tướng vô tình mở ra, làm hại đến tính mạng kẻ vô tội, bèn quyết định đem nó chôn vào giếng vàng bên dưới động rùa, kết quả là bị Tuyền béo vô ý làm vỡ toang, ông già vội cuống cuồng bảo mọi người nhảy xuống dưới giếng vàng, may mắn tìm được đường sống trong cõi chết. Vậy là, cái rương đồng chiêu hồn của Hoàng đại tiên đã bị hoàn toàn phá hủy.
Tôi nghe tới đây, cảm thấy chuyện cái rương đồng đựng xác con chồn vàng có thể chiêu hồn ấy, giờ thật khó mà đoán biết được là đúng hay không. Thời xưa, đám thầy cúng thầy mo thường dùng thủ đoạn này để lừa ăn lừa uống, nhưng chuyện gọi hồn oan lên để tra án thẩm vấn cũng đã có từ thời cổ đại, chẳng ai biết thật giả thế nào. Có điều, tôi thà tin rằng đó chỉ là trò ảo thuật lừa đảo còn hơn, bằng không người chết rồi vẫn không được giải thoát, người sống chỉ cần bỏ tiền ra là có thể gọi lên lục vấn hỏi han, một kẻ theo chủ nghĩa duy vật như tôi thật không tài nào chấp nhận nổi.
Lão Dương Bì không nói với chúng tôi chuyện cái rương chiêu hồn và Hoàng đại tiên, thực tế là bởi lo tay họ Nghê kia biết ra. Ông lão này tuy không hiểu tình hình đấu tranh cho lắm, song cũng hiểu nếu để người ta chụp cái mũ ấy lên đầu thì không chỉ bản thân mình không gánh nổi tội, mà cả nhà con trai cũng phải chịu liên lụy nữa.
Thời trước giải phóng, ông đã theo một tay trùm trộm mộ đổ đấu mấy năm, kiến văn rất rộng, biết được rất nhiều sự việc ly kỳ, chẳng qua bình thường vẫn cứ giấu giếm không để lộ mình mà thôi. Tuy ông không hiểu thuật phong thủy thanh ô, nhưng tiếp xúc với mộ cổ mộ hoang nhiều, cũng nghe hơi nồi chõ được một vài điều cơ bản. Trong mắt các bậc chuyên gia, nước trong giếng vàng là nơi long khí tụ tập, rồng nhả quỳnh tương, có tác dụng khởi tử hồi sinh. Thứ long khí vô hình vô ảnh ở ngoài khe núi kia chính là bắt nguồn từ đây, đối với ông, thứ long khí có thể nuốt lấy mọi sinh vật sống đó, chính là một con rồng thực thụ. Kể tới đây, lão Dương Bì đột nhiên giơ nắm tay lên, xòe ra, để lộ một lá bùa hình con rồng không có mắt bằng đồng xanh cho chúng tôi xem, đồng thời nói ra một thông tin cuối cùng.
- Hồi 1 - Mùa đông đói kém
- Hồi 2 - Mộ bì hoàng tử
- Hồi 3 - Bẫy đêm
- Hồi 4 - Truyền thống gấu
- Hồi 5 - Cắt tay móc mật
- Hồi 6 - Quỷ nha môn
- Hồi 7 - Lão điếu gia
- Hồi 8 - Thòng lọng
- Hồi 9 - Cắt gạch mộ
- Hồi 10 - Lá thư đến từ thảo nguyên
- Hồi 11 - Khu vực cấm
- Hồi 12
- Hồi 13 - Ruồi trâu
- Hồi 14
- Hồi 15 - Con du diên [25]
- Hồi 16 - Canh cá
- Hồi 17 - Động bách nhãn
- Hồi 18 - Tranh khắc rồng
- Hồi 19 - Dẫn hồn kê
- Hồi 20
- Hồi 21 - Hung thiết
- Hồi 22 - Ngọn đèn lẻ loi
- Hồi 23 - Người thứ năm
- Hồi 24 - Trăm vảy gấm
- Hồi 25 - Âm hồn bất tán
- Hồi 26 - Cương thi
- Hồi 27 - Quy miên địa
- Hồi 28 - Túi đồ kiểu Nga
- Hồi 29 - Cốc tai Motolov [30]
- Hồi 30 - Tinh biến
- Hồi 31 - Cái hang kinh hoàng
- Hồi 32 - Thuật đọc tâm
- Hồi 33 - Cổ vật nghìn năm
- Hồi 34 - Phiên hiệu số "0"
- Hồi 35 - Xác chết trong hầm đất
- Hồi 36 - Phòng cấm
- Hồi 37 - Mặt nạ
- Hồi 38 - Chất chống thối rữa
- Hồi 39 - Tủ cất giữ tiêu bản
- Hồi 40 - Thủ cung sa
- Hồi 41 - Lão Dương Bì, kẻ trộm mộ
- Hồi 42 - Đường không lối về
- Hồi 43 - Mộng
- Hồi 44 - Con đường tăm tối
- Hồi 45 - Điện Diêm La
- Hồi 46 - Giếng vàng
- Hồi 47 - Thủy Đảm
- Hồi 48 - Thiệt lậu
- Hồi 49 - Phần phong
- Hồi 50 - Huyệt sâu tám thước
- Hồi 51 - Sấm sét
- Hồi 52 - Sinh ly tử biệt
- Hồi 53 - Trùm trộm mộ phái Xả Lĩnh
- Hồi 54 - Yêu hóa long