Hồi 46 - Giếng vàng
Lối ra của hang động không dài lắm ấy là một cái cầu đá thiên nhiên, dưới cầu nước ngầm cuồn cuộn, qua phía bên kia, khung cảnh đột ngột rộng mở. Không hiểu nguồn sáng ở đâu mà thấy phát ra một thứ ánh sáng lờ mờ xam xám. Trong ánh sáng mông lung đó, hiện lên một quần thể kiến trúc cổ xưa, nhất thời cũng không thể phân biệt rõ được quy mô bố cục thế nào. Chúng tôi cũng không nhìn ra những phòng ốc điện đường này là cổ vật của triều đại nào, chỉ biết những rường cột điêu khắc chạm trổ kỹ lưỡng kia đều hết sức xa xưa, thật khó tưởng tượng trong động Bách Nhãn này lại chôn vùi cả một quần thể đình đài lầu các như thế.
Trong những căn nhà căn điện cổ kính âm u ấy, tựa như có rất nhiều bóng đen đang đi qua đi lại, tiếng người huyên náo thoắt xa thoắt gần. Tuy rằng kiến trúc xa xưa, nhưng lại không hề có dấu hiệu gì của sự cũ kỹ đổ nát, tựa hồ như đến giờ vẫn có người cư ngụ bên trong vậy. Ba chúng tôi cứ trợn mắt há hốc cả miệng, trong đầu hiện ra một câu hỏi, lẽ nào mình thật sự đã bước vào thế giới của linh hồn người chết? Thậm chí, tôi còn bắt đầu nghi ngờ không hiểu mình đang sống hay đã chết rồi nữa, bằng không sao có thể nhìn thấy cảnh tượng ở chốn địa phủ này?
Tôi thấy nước dưới chân cầu, vội ngồi thụp xuống vốc lên mấy vốc hắt vào mặt mình. Nước ngầm lạnh thấu xương, đúng thực không phải đang nằm mơ, cảnh tượng trước mắt toàn bộ đều là sự thực trăm phần trăm.
Tuyền béo và Đinh Tư Điềm cũng học theo tôi, lấy nước lạnh rửa mặt. Chỉ nghe Tuyền béo nói: "Cái cầu này làm tôi nhớ đến quê nhà Phúc Kiến quá. Ở đấy cũng có một cái cầu đá thiên nhiên hình thành do dòng thác ngầm trong hang động xối vào, người nhà quê đều gọi là Cầu Tiên. Nhưng năm đó cậu Nhất này lại giở trò điêu ngoa, cứ bảo đấy là do thần tiên trên trời đi tè xuống tạo nên... Phía trước trông như cõi Âm tào Địa phủ nhỉ, bước vào đấy rồi, cũng không biết đời này kiếp này có còn cơ hội về quê nhìn lại Cầu Tiên không nữa... Thôi tốt nhất ta cứ nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ở lại Âm phủ làm đầu trâu mặt ngựa chuyên nghề dán áp phích đi."
Tôi thấy thần sắc Đinh Tư Điềm thoáng lộ nét ảm đạm, có lẽ tại cô nghe thấy Tuyền béo nhắc đến chuyện về nhà, nên cảm xúc nhớ quê cũng dấy lên. Lúc đó, tôi không biết rằng khi chịu áp lực lớn, con người ta thường sẽ nảy sinh một thứ cảm xúc vô cùng nhung nhớ quyến luyến quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Tôi nhìn vào vùng xám mờ sâu bên trong hang động, thở dài một tiếng, rồi nói với Đinh Tư Điềm và Tuyền béo: "Làm gì có nhà chứ, cha mẹ chúng ta nếu không phải bị thẩm vấn cách ly thì cũng bị đưa ra vùng biên làm việc rồi, nhà cửa phòng ốc đều niêm phong cả lại. Người cách mạng lấy việc thiên hạ làm việc của mình, sau này chúng ta cứ coi bốn biển là nhà thôi..." Nói tới đây, trong lòng tôi chợt bùng lên một ngọn lửa vô danh, hai hàm răng nghiến chặt lại, tôi đứng thẳng người lên, vẫy tay gọi hai người còn lại: "Bọn đế quốc còn bị chúng ta chôn vùi tiêu diệt rồi, còn sợ gì Âm tào Địa phủ với cả Diêm vương Diêm viếc nữa! Đằng nào cũng đã đến nước này rồi, không tìm được lão Dương Bì quyết không quay đầu lại, tôi thấy chúng ta cứ đi thẳng qua đó thôi, để xem bên trong cái thành quỷ ấy có cái thá gì."
Ba chúng tôi lấy nước lạnh táp vào mặt, đều cảm thấy tinh thần phấn chấn lên nhiều, miệng hát vang một ca khúc cổ động, kiểu tung hỏa lực đánh bại bè lũ đen tối, từng bước từng bước đi vào vùng âm u xám xịt kia. Bốn phía hang núi chập chờn ánh lửa ma trơi, thứ lửa ma ấy kỳ thực chính là lân tinh, chỉ cần tiếp xúc với dương khí của người sống, là từng đám từng đám cầu lửa màu xanh lục sẽ theo dấu người, thoắt sáng thoắt tối. Chúng tôi phải cậy vào tráng trí đấu tranh hừng hực mới dám đi sâu vào bên trong, nhưng càng đến gần tòa thành mây khói vẩn vít ấy, lại càng thấy hai chân mềm nhũn, bước thấp bước cao, tưởng như đang giẫm lên gối bông, muốn đứng vững cũng thấy rõ là rất mất sức.
Tôi thầm rủa mình vô dụng, sao càng đi chân lại càng mềm nhũn ra thế này, tương lai ngộ nhỡ có xảy ra Đại chiến thế giới lần thứ Ba, ra chiến trường gặp địch đổ máu, há chẳng phải sẽ sợ vãi cả đái ra quần hay sao?
Chợt một bóng người màu xám hùng hục lướt thẳng về phía chúng tôi. Cả ba người đều giật bắn mình, loạng choạng nhảy tránh vội sang một bên, nơi cửa hang lùa vào một trận gió lạnh, cái bóng kia liền lập tức biến vào vùng tối, không thấy đâu nữa. Cơn gió cuộn đến đâu, đình đài lầu các, đèn đuốc bóng người biến mất đến đấy, trong chớp mắt tất cả đã không tăm tích, chỉ còn lập lòe ánh lửa ma trơi dày đặc giữa những tảng đá lởm chởm. Bọn tôi đều lấy làm kinh ngạc: "Có phải chợ ma không nhỉ?" Tuyền béo thò tay ra sờ mó chỗ cái bóng người kia biến mất một hồi lâu, rồi thắc mắc: "Sao lại chui vào trong đất được nhỉ?"
Tôi cảm thấy dưới chân càng lúc càng không vững, vội kéo Đinh Tư Điềm và Tuyền béo dựa vào vách núi, bấy giờ mới phát hiện không phải vì sợ quá chân mềm nhũn ra, mà tại mặt đất không hề bằng phẳng, bước đi liền giẫm lên nhiều khối đá hình tròn, rất dễ mất trọng tâm. Khói nhạt phủ kín mặt đất trong sơn động, chân bước đều lún vào trong đó, không nhìn được bên dưới, tôi bèn thò tay xuống sờ thử, định xem cho rõ rốt cuộc là thứ gì.
Đinh Tư Điềm căng thẳng hỏi tôi xem dưới đất có gì, liệu có phải xương đầu lâu người chết hay không. Tôi bảo, làm gì có chuyện đầu lâu to như thế, giống như là cái chảo ngược xuống đất hơn, rờ thử thấy trơn bóng. Trong lúc nói chuyện, tay tôi đã rờ đến mép vật ấy, liền vận lực một cái, không ngờ đã nhấc được cả một khối gỗ lên khỏi mặt đất.
Quan sát kỹ lưỡng trong làn khói bụi và mùi hôi thối xộc lên mũi, mới phát hiện hóa ra thứ bị tôi nhấc lên đó là một cái mai rùa to tướng, bên trong vẫn còn xác của con rùa già, đã mọc lông dày đặc. Xem ra, trong hang này còn có vô số mai rùa thế này nữa. Tuyền béo và Đinh Tư Điềm đều lấy làm lạ, không hiểu thế này là thế nào.
Riêng tôi thì bỗng sực hiểu ra: Đây là Quy miên địa, Quy miên địa thực sự, là nơi lũ rùa già dưới biển khi tự biết mạng mình không còn được bao lâu nữa, bò đến để tự chôn xác, giống hệt như những gì được tả trong Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật. Những cái xác chôn ở tầng phía trên, nhất định là muốn mượn linh khí của Quy miên địa này hòng "vũ hóa phi thăng" rồi.
Đinh Tư Điềm hỏi tôi: "Vậy đây có phải chốn Âm tào Địa phủ không?" Tôi lắc đầu, kiến thức của tôi cũng rất hữu hạn, ai mà biết đám người cổ đại đó nghĩ thế nào chứ. Có điều, nghe nói ở các vùng duyên hải có truyền thuyết rằng, rùa già sống dưới biển nghìn năm vạn năm, trong vỏ mai và thi thể đều có rất nhiều "hải khí", vì vậy ở nơi đàn rùa chôn thây, tất sẽ sinh ảo ảnh của nơi chúng từng sinh sống. Tòa kiến trúc xam xám mờ mờ mà chúng tôi trông thấy đó, rất có thể là nơi tụ tập của lũ rùa ngoài biển khơi. Tôi đoán, có đến tám phần mười là bởi người thời xưa đã coi ảo ảnh do hải khí của lũ rùa tạo ra thành chốn Âm tào Địa phủ, nên mới chôn nhiều người chết ở đây như thế, đồng thời còn nghĩ ra truyền thuyết về Quỷ nha môn nữa.
Thời bấy giờ, tôi mới chỉ biết được chút ít ngoài rìa của thuật phong thủy, ấy là bởi những lúc nhàn rỗi thường giở cuốn Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật ra xem bừa, cộng với hồi bé nghe ông nội Hồ Quốc Hoa kể chuyện, còn lý luận cụ thể thì hoàn toàn không nắm rõ. Đằng nào thì nói ra mấy chuyện này, Tuyền béo với Đinh Tư Điềm cũng chẳng thể hiểu được, chúng tôi đành tạm gác lại, tiếp tục tìm kiếm lão Dương Bì trong hang động khổng lồ.
Đi sâu nữa vào là đã đến cận cùng của hang động, dưới đất và trên đầu lởm chởm thạch nhũ, khói nhẹ vẩn vít bay. Ở đây có một cái giường đá lớn, bên dưới có rất nhiều quan tài đá, tạc thành hình người, dài chưa đến nửa mét, nằm nghiêng ngả rất hỗn loạn. Trên nắp quan tài đều có hình khắc đủ loại nhân vật nam nữ, đường nét tuy sinh động, nhưng mặt mũi lại khiến người ta có cảm giác vô cùng đáng ghét. Tuyền béo nhìn thấy thì bực cả mình, giơ chân đá luôn. Chiếc quan tài vốn đã bị cậy ra rồi lại đậy vào, nắp đóng không chặt lắm, Tuyền béo đá cho một cú liền đổ nhào, thứ ở bên trong lăn lông lốc dưới đất, liếc thấy chỉ là xác một con hoàng bì tử, Tuyền béo tức quá chửi bới loạn cả lên.
Tôi phát hiện trên bệ đá này khắc rất nhiều hình ảnh đàn bà đeo mặt nạ làm phép, chiêm bốc, lại có rất nhiều người chân thành quỳ lạy dâng lễ, bèn nhắc nhở Tuyền béo chớ nên làm bậy, đây rất có thể chính là nơi ban đầu đặt cái xác của nữ vu sư đeo mặt nạ kia. Có điều, bảo đấy là một cái xác thực ra cũng không được thích đáng cho lắm, người đàn bà ấy đã bị khoét rỗng, chỉ còn lại bộ da, gọi là đạo cụ của bọn lừa đảo dùng kết hợp với hoàng bì tử để mê hoặc lòng người thì đúng hơn. Cảm giác hốt hoảng bất an khi lần đầu tiên nhìn thấy cái vỏ xác trong gian thạch thất dường như lại xuất hiện, có lẽ chúng tôi đã không còn cách lão Dương Bì và cái rương đông thần bí kia quá xa nữa.
Trong lúc tôi và Tuyền béo nói chuyện, Đinh Tư Điềm đã vòng sang phía bên kia bệ đá, đột nhiên khẽ kêu lên một tiếng, tôi vội vàng chạy qua xem sao. Chỉ thấy lão Dương Bì đang ôm cái rương đồng nằm hôn mê bất tỉnh đằng sau bệ đá. Bậc đá hình chữ nhật dường như là một cái nắp, đã bị ông đẩy ra một góc nhỏ, lộ ra một cái hốc, bên trong xây quây bằng những viên gạch to tướng. Trên viên gạch có tiêu ký hình con rồng màu đen, hình dạng giản ước, nếu không phải có móng vuốt, thì rất dễ nhận lầm thành con lươn. Tôi thấy kỳ lạ, nhìn đi nhìn lại thật kỹ mấy lượt, các tiêu ký hình rồng trên gạch cơ hồ giống hệt nhau, khó hiểu nhất là lũ rồng đều không có mắt. Thường có câu rằng "vẽ rồng điểm mắt", rồng không có mắt há chẳng phải thành rồng mù hay sao? Trong cái hốc này mai rùa cũng xếp tầng tầng lớp lớp, dường như chính là một cái "giếng vàng" trong huyệt mộ phong thủy, dùng để ngưng tụ sinh khí trong mạch đất, nhưng không hiểu người ta vẽ rồng lên mấy viên gạch này để làm gì? Tôi đoán, lũ rồng không có mắt không hiểu có phải do người Nhật làm hay không? Nhưng nhìn kỹ lại thì có vẻ không phải, trên viên gạch không hề có dấu vết bị con người cạo xóa.
Tôi thấy cái rương đồng cổ quái kia chưa bị mở ra rốt cuộc cũng thở phào nhẹ nhõm. Ba người bước đến đỡ lão Dương Bì dậy, vừa xoa ngực vừa đấm lưng, lại luôn miệng gọi tên, một lúc lâu mới khiến ông tỉnh lại được. Thì ra, lúc ông đẩy phiến đá chắn bên trên huyệt động ra, liền bị âm khí tích tụ bên trong xông lên làm xây xẩm mặt mày, ngất xỉu tại chỗ. Cũng may đây là giếng vàng trong cổ mộ, khí thể bên trong tuy đã trầm tích nhiều năm, nhưng lại là sinh khí được hun đúc trong đất báu phong thủy, chứ nếu là hơi xác chết thì ba hồn bảy vía ít nhất cũng bay mất đi một nửa rồi.
Lão Dương Bì định thần lại, vẫn chưa hiểu ba chúng tôi tìm được ông bằng cách nào. Còn tôi, tuy có rất nhiều điều cần hỏi, nhưng thấy âm phong trong hang động này lúc có lúc không, những lúc không có gió thì cảnh tượng đình đài lầu các nhà cửa mờ mờ ảo ảo kia lại hiện ra, không khí thập phần quỷ dị, xem ra nơi này không tiện ở lâu, không phải là nơi để nói chuyện, nên phải tính toán dẫn cả bọn mau chóng rời khỏi đây trước. Nhưng ánh mắt lão Dương Bì vô cùng hỗn loạn, cứ nhìn chằm chằm vào cái rương đồng dưới đất: "Mau bỏ cái rương đồng vào giếng vàng..." Ông già không ngừng lặp đi lặp lại, chỉ nói với chúng tôi một câu duy nhất ấy.
Tuyền béo và Đinh Tư Điềm đều ngoảnh lại nhìn tôi. Tôi biết hai người đang đợi tôi đưa ra chủ ý, có nên làm theo lời lão Dương Bì hay không? Tôi thầm nhủ, cái thứ họa hại này tuyệt đối không thể mang trở về khu chăn nuôi được, ném vào trong giếng vàng này cũng tốt. Vì đang nôn nóng muốn rời khỏi đây, tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, liền gật đầu đồng ý luôn. Tôi đang định ra tay thì Tuyền béo đã sớm hơn một bước, bước đến ôm lấy cái rương toan ném vào trong cái hốc tối đen. Nhưng không ngờ cái rương ấy niên đại đã quá lâu, đồ cổ vốn mỏng manh, chất đồng đã bị thủy thổ làm cho hư hoại, rồi lại bị lão Dương Bì vừa lê vừa kéo đi cả một quãng dài, Tuyền béo vừa cầm lên khỏi mặt đất, nắp và thân rương đã rời nhau ra, thứ đựng ở bên trong liền rơi xuống đất đánh "bộp" một tiếng.
- Hồi 1 - Mùa đông đói kém
- Hồi 2 - Mộ bì hoàng tử
- Hồi 3 - Bẫy đêm
- Hồi 4 - Truyền thống gấu
- Hồi 5 - Cắt tay móc mật
- Hồi 6 - Quỷ nha môn
- Hồi 7 - Lão điếu gia
- Hồi 8 - Thòng lọng
- Hồi 9 - Cắt gạch mộ
- Hồi 10 - Lá thư đến từ thảo nguyên
- Hồi 11 - Khu vực cấm
- Hồi 12
- Hồi 13 - Ruồi trâu
- Hồi 14
- Hồi 15 - Con du diên [25]
- Hồi 16 - Canh cá
- Hồi 17 - Động bách nhãn
- Hồi 18 - Tranh khắc rồng
- Hồi 19 - Dẫn hồn kê
- Hồi 20
- Hồi 21 - Hung thiết
- Hồi 22 - Ngọn đèn lẻ loi
- Hồi 23 - Người thứ năm
- Hồi 24 - Trăm vảy gấm
- Hồi 25 - Âm hồn bất tán
- Hồi 26 - Cương thi
- Hồi 27 - Quy miên địa
- Hồi 28 - Túi đồ kiểu Nga
- Hồi 29 - Cốc tai Motolov [30]
- Hồi 30 - Tinh biến
- Hồi 31 - Cái hang kinh hoàng
- Hồi 32 - Thuật đọc tâm
- Hồi 33 - Cổ vật nghìn năm
- Hồi 34 - Phiên hiệu số "0"
- Hồi 35 - Xác chết trong hầm đất
- Hồi 36 - Phòng cấm
- Hồi 37 - Mặt nạ
- Hồi 38 - Chất chống thối rữa
- Hồi 39 - Tủ cất giữ tiêu bản
- Hồi 40 - Thủ cung sa
- Hồi 41 - Lão Dương Bì, kẻ trộm mộ
- Hồi 42 - Đường không lối về
- Hồi 43 - Mộng
- Hồi 44 - Con đường tăm tối
- Hồi 45 - Điện Diêm La
- Hồi 46 - Giếng vàng
- Hồi 47 - Thủy Đảm
- Hồi 48 - Thiệt lậu
- Hồi 49 - Phần phong
- Hồi 50 - Huyệt sâu tám thước
- Hồi 51 - Sấm sét
- Hồi 52 - Sinh ly tử biệt
- Hồi 53 - Trùm trộm mộ phái Xả Lĩnh
- Hồi 54 - Yêu hóa long