Gửi bài:

Chương 2: Hôn sự

Những lời ngọt ngào của Hứa Bân nhanh chóng dập tắt lửa giận của Hy Lôi. Vừa tan ca, Hứa Bân đã xuất hiện trước cổng cơ quan của Hy Lôi đúng giờ, mời cô ăn bít tết để tạ tội, cơn giận của Hy Lôi cũng dần dần nguôi. Trên đường về nhà, bàn tay Hứa Bân lại không ngoan ngoãn, cứ trượt đi trượt lại trên vai Hy Lôi, Hy Lôi cố ý gạt tay anh ra:

- Tránh ra, nhố nhăng!

Hứa Bân lại ôm chặt lấy cô, miệng cười đểu giả:

- Còn nhố nhăng hơn nữa cơ! - Sau đó anh hôn cô.

Chuyện hôn sự nhanh chóng được đề cập. Hy Lôi xin nghỉ, đưa Hứa Bân về thành phố C thăm gia đình mình. Bố mẹ cô đều là người rất cởi mở, tính tình Hứa Bân lại thoáng nên rất được lòng hai cụ, bố mẹ Hy Lôi không có vấn đề gì. Chỉ nói:

- Các con sau này sống hạnh phúc là được, bố mẹ không có ý kiến!

Bên nhà Hứa Bân đã bắt đầu tích cực chuẩn bị. Đúng như Mai Lạc nói, vì Hứa Bân là con một, nhà cửa lại to lớn rộng rãi nên đương nhiên phải sống cùng bố mẹ chồng. Bởi vì nhà anh mới mua mấy năm trước, lại không phải trang trí lại nên chỉ dán giấy dán tường mới trong phòng của Hứa Bân, thay rèm cửa mới, mẹ Hứa Bân ngày nào cũng chạy ngược chạy xuôi, mua chăn đệm, xem đồ dùng mới, còn đích thân tìm cho con trai một tiệm chụp ảnh cưới. Vì việc này mà Hứa Bân và Hy Lôi còn cãi nhau một trận. Hồi hai người yêu nhau, lúc Hy Lôi đi dạo trên phố đã thích một cửa hàng chụp ảnh cưới, cô cũng đã vào đó tư vấn và âm thầm so sánh, cái cửa hàng tên là "Kiếp trước kiếp này" chụp ảnh rất đẹp. Hy Lôi vẫn nghĩ khi nào kết hôn sẽ tới cửa hàng đó chụp ảnh, mà cô cũng đã nói chuyện này với Hứa Bân, không ngờ mẹ anh lại tự mình can thiệp, đặt sẵn tiền đặt cọc ở cửa hàng tên là "Cô dâu xinh đẹp".

Hôm đó, mẹ Hứa Bân hớn hở cầm tờ rơi quảng cáo của cửa hàng đó cho họ xem, nói là mình đã đặt được một gói chụp ảnh cưới với giá rất ưu đãi. Trái tim Hy Lôi bất giác chùng xuống, nhưng không thể hiện ra. Vừa ra khỏi công tiểu khu, hai người đã cãi nhau.

- Nếu chụp thì một mình anh đi mà chụp, em không đi!

- Đừng thế mà! Mẹ anh cũng là ý tốt thôi, nghĩ công việc của chúng ta bận rộn, không có thời gian nên mới tự mình lo hết. - Hứa Bân cũng cảm thấy ấm ức, không biết vì sao Hy Lôi bỗng dưng nổi giận.

- Em cưới hay là mẹ anh cưới! Ngay cả quyền chọn nơi chụp ảnh cưới mà em cũng không có sao? Rèm cửa là bà mua, hoa văn mà bà thích nhìn quê chết đi được, giấy dán tường cũng là bà chọn, trắng nhợt trắng nhạt, trông như mặt người chết ấy, chăn ga gối đệm cũng bà ấy mua, màu hồng quê kệch. Bỗng dưng em cảm thấy, tất cả những thứ này dường như chẳng liên quan gì tới em. Sao không hỏi em có thích hay không?

Hy Lôi nói một hơi ra hết những điều bất mãn, Hứa Bân lại xin lỗi rồi ngọt nhạt:

- Đừng giận mà. Mẹ thích lo mà! Thế em nói xem, đã định cả rồi thì làm thế nào, anh thấy cũng được mà, cửa hàng đó nhiều người chụp lắm, vả lại tiền đặt cọc cũng không lấy về được, thôi bỏ đi, anh về nói với mẹ, sau này đừng tự ý thế nữa, mua gì thì bàn bạc với mọi người trước, được không?

Hy Lôi suy nghĩ một lúc, cũng chỉ đành như vậy. Mặc dù cửa hàng áo cưới đó mình không thích lắm, nhưng cũng không phải quá tệ, đành phải thỏa hiệp thôi.

Có lẽ Hứa Bân về cũng nói với mẹ là đừng tự ý quyết định mọi chuyện, sau này có chuyện gì thì hãy hỏi ý kiến Hy Lôi. Khi tới nhà anh một lần nữa là cô hẹn đi xem đồ trang sức. Lúc ấy là buổi trưa, cả nhà cùng ăn cơm, mẹ anh nói tới chuyện chụp ảnh, bà thản nhiên cười:

- Bọn trẻ con lắm ý kiến quá.

Hy Lôi vừa nghe thế đã định nói mình không còn là trẻ con, mình có suy nghĩ của mình. Nhưng lời đã ra đến miệng, cô lại cố nhịn rồi nuốt vào trong.

Ăn cơm xong, Hứa Bân gọi mẹ:

- Mẹ lấy tiền cho con! - Thanh niên vừa mới đi làm, tiền lương không cao, một tháng được hơn một nghìn, còn không đủ mình tiêu, thi thoảng tặng Hy Lôi một món quà nhỏ cũng chỉ là mấy món "đồ chơi" như kiểu dây chuyền bằng thủy tinh, chưa bao giờ tặng cô món trang sức nào đắt tiền. Bản thân Hứa Bân cũng chẳng có khoản tiết kiệm nào, cưới xin phải mua đồ trang sức toàn là tiền của nhà, cũng may các gia đình Trung Quốc đều như thế, vất vả cả đời chỉ là để tổ chức cho con cái một cái đám cưới đàng hoàng, bằng bạn bằng bè.

Mẹ anh chỉnh trang lại một chút, thay một bộ quần áo sạch sẽ rồi xách cái túi của mình lên, nói:

- Đi thôi!

Hy Lôi và Hứa Bân nhìn nhau, thì ra mẹ anh không hề có ý định đưa tiền cho họ tự đi mua mà còn đòi đi cùng! Hứa Bân nhận ra vẻ không vui trên mặt Hy Lôi, bèn nói:

- Mẹ, mẹ không cần đi đâu, đưa con tiền, bọn con tự đi.

Mẹ anh vừa nghe thế đã tỏ ra không vui:

- Sao hả, cùng đi dạo phố với hai đứa cũng không được à, các con xem, mẹ có thể tư vấn cho hai đứa mà! - Hứa Bân nghe mẹ nói thế, cũng không tiện nói gì nữa, đành cùng mẹ ra cửa. Dọc đường, mặt Hy Lôi cứ nặng như đeo đá.

2.

Trên con phố Đông nhộn nhịp nhất thành phố có một cửa hàng trang sức rất nổi tiếng, Hy Lôi thích một sợi lắc tay cẩn đá hồng ngọc, hơn một nghìn tệ. Hứa Bân đang định bảo nhân viên ghi hóa đơn thì mẹ nêu ra ý kiến:

- Ôi, Hy Lôi thích đá quý à! Nghe mẹ này, mua trang sức bằng vàng là kinh tế nhất, vừa sang trọng lại liên tục lên giá!

Hy Lôi vừa nghe nói thế đã lẩm bẩm:

- Mua trang sức chẳng phải để đeo thôi? Mình có buôn vàng đâu mà lo nó tăng giá hay giảm giá!

- Dù sao thì mẹ cũng cảm thấy đá quý không kinh tế! - Mẹ vẫn không buông tha.

Hứa Bân hơi bực mình, gắt lên:

- Mẹ, cô ấy thích thì cứ mua đi!

Lúc này bà mới miễn cưỡng đi thanh toán. Nhìn theo dáng mẹ anh, Hy Lôi cảm thấy vừa ấm ức, vừa bực mình, thấy cô nhân viên che miệng cười khúc khích.

Hy Lôi kéo cánh tay Hứa Bân, nói nhỏ:

- Bảo mẹ về đi, hai đứa đi với nhau, em thấy không thoải mái, thế này là cái kiểu gì! - Hứa Bân chỉ thở dài.

Một lúc sau, mẹ lại gần, ba người lại tiếp tục chọn đồ. Hy Lôi lúc này cảm thấy chẳng còn chút hứng thú nào nữa, thấy những món đồ trang sức lấp lánh trước mắt chẳng còn chút hấp dẫn nào cả. Một lúc sau, mẹ anh lại vui vẻ gọi Hy Lôi:

- Lại đây này, xem cái nhẫn này có đẹp không!

Hy Lôi lại gần nhìn, một cái nhẫn vàng vừa to vừa thô, chẳng có hoa văn gì đặc biệt, nhưng vừa nhìn đã biết là trọng lượng rất đủ. Cô lắc đầu, tỏ ý không thích. Mẹ Hứa Bân không vui:

- Đeo cái này sang biết bao nhiêu, cái thể loại vàng trắng ấy trông chẳng khác gì bạc, nhẹ hều. Không hiểu sao bọn trẻ con các con lại thích cái thứ đó. Lại đây, xem cái này này!

Hy Lôi quay đầu lại, nước mắt bất giác rơi ra, quay đầu đi:

- Nhưng con thực sự không thích cái này! Không thì thôi không mua nữa, con không cần! - Càng nói càng thấy tủi thân, thế là cô bật khóc giữa cửa hàng đông đúc người qua lại.

Hứa Bân giật mình, vội vàng lại gần nựng cô, rồi lại quay sang khuyên mẹ mình:

- Mẹ, mẹ về đi, bọn con tự mua, con xin mẹ đấy!

Mẹ Hứa Bân không biết vì sao bỗng dưng Hy Lôi lại khóc, mình cũng chẳng biết làm thế nào, thở dài đau lòng rồi lấy 1 vạn tệ trong túi ra, dặn đi dặn lại:

- Nhiều tiền thế mẹ không yên tâm, giữ cẩn thận nhé! Mua cái gì thì phải xem cho kỹ, đừng chiều theo nó, đừng mua những món đồ không kinh tế. Mẹ đi nhé. - Trước khi đi, miệng bà còn nói, - Mẹ thấy vàng tốt lắm mà, có phải không nỡ mua cho hai đứa đâu! - Nhìn bóng mẹ khuất sau cánh cửa, Hứa Bân lại cảm thấy đau lòng. Hy Lôi đứng một bên sụt sịt, Hứa Bân vội vàng khuyên cô:

- Thôi mà, mẹ về rồi. Em thích gì thì cứ xem đi!

Mấy giọt nước mắt khiến tâm trạng của Hy Lôi đi xuống thê thảm, thế là cô tùy tiện chọn một sợi dây chuyền bạch kim trông cũng không đến nỗi, rồi mua một đôi nhẫn cưới cho hai người và đi ra khỏi cửa hàng.

Đi dạo một vòng trên phố, mua thêm mấy bộ quần áo. Hy Lôi dần dần quên những không vui ban nãy. Lúc này cô cảm thấy hơi đói, bèn bảo Hứa Bân vào một cửa hàng gần đó ăn gì lót dạ. Vừa quay đầu lại, bỗng dưng thấy cách đó không xa có một dáng người rất quen thuộc, cách họ khoảng mười mấy mét, chiếc áo len màu đỏ, cái váy màu đen, thân hình thấp béo, thì ra mẹ Hứa Bân vẫn luôn ở sau lưng họ. Hy Lôi muốn khóc mà không nặn ra nổi một giọt nước mắt. Hứa Bân cũng nhìn thấy, chờ mẹ lại gần, hỏi bà sao còn chưa về, bà ngượng ngùng cười:

- Mẹ sợ con cầm tiền không cẩn thận!

Hy Lôi không nhịn được:

- Anh ấy có phải là trẻ con đâu, đã lớn thế rồi!

- Vẫn phải chú ý một chút chứ. Nó lớn đến đâu thì trong mắt bác vẫn là trẻ con! Đúng rồi, hai đứa định đi đâu?

Hứa Bân nói:

- Bọn con định đi ăn, đi thôi mẹ, mấy mẹ con cùng đi!

- Ăn ở ngoài đắt lắm! Lại không sạch sẽ, con không đọc báo à, các nhà hàng toàn dùng dầu múc ở cống lên, nhà bếp thì ruồi nhặng bâu đầy, đi nào, về nhà, mẹ nấu cơm cho các con! - Hy Lôi thấy thế, không muốn đi lắm, Hứa Bân cũng không muốn về, bèn nói thôi đi dạo phố thêm chút nữa, bảo bà về trước. Mẹ anh không biết làm thế nào, đành nói:

- Bân này, thế con đưa đồ trang sức mới mua đây, mẹ mang về cất cho! Hai con mang đồ quý giá đi dạo phố, cẩn thận kẻo bị bọn trộm để ý!

Hứa Bân thấy mẹ nói thế, chẳng nghĩ ngợi gì, lập tức lôi mấy món đồ trang sức trong túi ra đưa mẹ.

Một cảm giác kỳ lạ không thể gọi tên dâng lên trong lòng Hy Lôi, cô bỗng dưng cảm thấy hình như mình không cảm nhận được chút nào niềm vui của đám cưới mà trước đây cô từng tưởng tượng.

Sau khi mẹ ra đường, hai người ăn cơm ở một quán ven đường, nhai cơm mà cứ như nhai rơm. Hứa Bân vốn còn định đến nhà Hy Lôi ngồi chơi một lúc, nhưng Hy Lôi nói là mình rất mệt nên bỏ về một mình.

Mai Lạc vẫn chưa đi làm về, một mình Hy Lôi nằm trong phòng, chẳng có ai để nói chuyện, lần đầu tiên cô thấy nghi ngờ về tương lai của mình và Hứa Bân: liệu có thực sự hạnh phúc không? Sao mọi thứ đều không bình thường vậy! Rốt cuộc thì chỗ nào có vấn đề!

Cầm điện thoại di động lên, nhưng chẳng nghĩ ra ai để tâm sự, gọi điện thoại về nhà, giọng nói của mẹ cô vang lên:

- Lôi Lôi à, thế nào, đám cưới chuẩn bị thế nào rồi?

- Tốt mẹ ạ! Mọi thứ đều tốt!

- Đi làm có mệt không, đừng thức khuya nhé, sắp làm cô dâu rồi, đừng để thâm quầng mắt là không xinh nữa đâu!

- Con biết mà! Mẹ, mẹ cũng phải chú ý sức khỏe nhé! Lớn tuổi rồi, có chuyện gì thì nghĩ thoáng một chút, đừng có cãi nhau với bố vì những việc nhỏ, sức khỏe của mình quan trọng hơn! - Nói mãi nói mãi, Hy Lôi sợ mình không nhịn được sẽ khóc.

- Mẹ biết rồi, con cũng thế, phải hòa hợp với Hứa Bân đấy! Ở nhà người ta cũng phải ngoan ngoãn, chăm chỉ một chút.

Hy Lôi đáp lời rồi mau chóng cúp điện thoại. Cuối cùng không kìm được, nước mắt tuôn ra. Cô biết, mình đã lớn rồi, mẹ cũng già rồi, không còn là một cô gái lúc nào cũng có thể thổ lộ tâm sự với mẹ được nữa. Tương lai chỉ có mình mình đối mặt.

3.

Tháng 10, cuối cùng cũng đã tới ngày quan trọng nhất trong cuộc đời Hy Lôi và Hứa Bân. Khoác lên mình chiếc váy cưới, trông Hy Lôi đẹp ngất ngây, chiếc xe hoa đưa Hy Lôi đi qua nửa thành phố, Hứa Bân nắm tay cô, ánh mắt anh ngập trong nụ cười. Giây phút đó, hạnh phúc vẫn tràn đầy trong tim.

Bố Hứa Bân có rất nhiều bạn bè, họ hàng thân thích nhà Hứa Bân đa số là sống ở thành phố này, tiệc cưới ngồi kín 50 bàn, vô cùng xa hoa. Bố mẹ Hy Lôi từ thành phố C tới. Trong lễ cưới, người chủ trì hôn lễ yêu cầu cô dâu chú rể cúi lưng chào bố mẹ đôi bên, nói những câu rất lãng mạn, khi cúi lưng trước mẹ, Hy Lôi rơi nước mắt, hôn nhân có lẽ là một khởi đầu mới trong cuộc đời, mặc dù từ khi học đại học phải sống xa nhà, sống ở ngoài đã mấy năm, nhưng khi thực sự phải rời khỏi gia đình mà mình từng sinh ra và lớn lên, bước chân vào một gia đình khác, trong lòng cô bỗng thấy thật hụt hẫng.

Lúc ăn cơm, mẹ Hy Lôi kéo tay bà thông gia Phương Xảo Trân:

- Chị thông gia, tôi giao con cho chị, nó vẫn còn trẻ con, còn nhiều tật xấu lắm, chị cứ dạy bảo cháu nó nhé.

Mẹ chồng cũng hoan hỉ ra mặt:

- Chị yên tâm đi, tôi sẽ coi Hy Lôi như con gái ruột của mình.

Hôn lễ kết thúc, bố mẹ cũng quay về.

Hy Lôi cảm thấy thật hụt hẫng, vừa mệt vừa đau buốt cả lưng. Vừa về tới phòng mới, cô đã ngã vật ra giường.

Buổi tối, bố Hứa Bân còn ở bên ngoài uống rượu và chơi bài với mấy người bạn nữa, mẹ chồng ở nhà, chờ bạn bè về hết thì dọn dẹp nhà cửa rồi ngồi ở phòng khách xem tivi.

Bởi vì trong nhà có người già nên bạn bè cảm thấy không tiện nên không ai tới "quậy động phòng". Hứa Bân tắm xong, cười cười bò lên giường. Hy Lôi đã cảm thấy rất mệt, nhưng nghĩ ít nhiều đêm nay cũng là đêm tân hôn, không muốn Hứa Bân mất hứng.

Đây không phải là lần đầu tiên nên mọi thứ đều rất nhẹ nhàng, Hứa Bân thuần thục cởi áo cho Hy Lôi, nhẹ nhàng tắt đèn. Ánh trăng đêm thu rọi vào phòng, soi sáng làn da trắng ngần của Hy Lôi. Hứa Bân tham lam hôn lên cái bụng nhỏ, cánh tay, cổ, môi của Hy Lôi, cơn buồn ngủ trong cô cũng dần dần tan biến, không lâu sau, cả căn phòng đã ngập trong mùi hương của hạnh phúc.

Dù sao cũng còn trẻ, Hứa Bân nổi hứng, ghé sát tai cô nói:

- Cưng, em lên đi!

Hy Lôi xấu hổ không chịu, Hứa Bân cứ quấn lấy cô, lúc này cô mới miễn cưỡng trèo lên. Mái tóc dài tung ra, Hy Lôi nhẹ nhàng chuyển động thân hình, Hứa Bân phát ra những âm thanh hưởng thụ.

Tiếng tivi bên ngoài không biết đã nhỏ đi từ lúc nào, nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn không hề phát hiện ra, Hứa Bân phát ra âm thanh rất to. Bỗng dưng Hy Lôi cảm thấy sau lưng có một cơn gió lạnh thổi tới, cửa phòng bị mở ra, mẹ chồng giận dữ đứng sau lưng, không bật đèn.

Hy Lôi và Hứa Bân cứng đờ người. Ham muốn vừa mới dâng lên trong thoáng chốc đã biến mất không để lại dấu vết. Hy Lôi vẫn ngồi trên người Hứa Bân, cả người lõa lồ. Mẹ chồng đứng ở đó mấy giây, rồi ra sức đẩy Hy Lôi một cái, Hứa Bân vội vàng lấy chăn che lên cho cô.

Ba người im lặng trong bóng tối mấy giây. Trong đầu Hy Lôi nghe như có một tiếng nổ, vẫn chưa kịp phản ứng lại.

Hứa Bân vừa giận vừa xấu hổ, gắt lên:

- Mẹ, mẹ làm cái gì thế! Ra ngoài đi!

Mẹ chồng mở miệng, trong giọng nói của bà có sự hà khắc không thể tha thứ:

- Hứa Bân, mẹ nói cho con biết, còn trẻ muốn chơi thế nào cũng được, nhưng con phải nhớ, tuyệt đối không được để đàn bà trèo lên trên con!

Hứa Bân vội vàng nói:

- Con biết rồi, mẹ ra ngoài mau đi!

Mẹ chồng quay người đi ra. Hy Lôi bị mẹ chồng đẩy sang một bên, vẫn đang vùi mình vào chăn nghẹn ngào khóc, một cảm giác nhục nhã đã choán hết cả tư duy cô. Hứa Bân an ủi cô rất lâu nhưng Hy Lôi vẫn không nói gì. Cả đêm không nói. Đêm tân hôn đã kết thúc trong tình cảnh thật nực cười. Ánh trăng ngoài cửa sổ không biết đã biến mất từ lúc nào, cả trời đất ngập trong bóng tối khổng lồ và sự yên tĩnh vô tận, Hy Lôi mệt mỏi vô cùng, nhưng không tài nào dỗ giấc được, vừa nãy mẹ chồng lao vào rồi đẩy cô ra đã khiến cô hoàn toàn tỉnh táo.

Đây chính là cuộc hôn nhân mà cô sắp phải đối mặt, một tương lai không thể dự báo được.

4.

Địa điểm cô và Hứa Bân lựa chọn cho tuần trăng mật là Hải Nam, biển cuối thu giống như một người phụ nữ u buồn, không hề có vẻ náo nhiệt và phồn hoa của mùa hè. Dọc đường, Hy Lôi tỏ ra không mấy hứng thú, nói chuyện rất ít, buổi tối, hai người ở trong khách sạn Tam Á nổi tiếng, Hứa Bân vẫn còn tràn đầy hứng thú với "tình dục", nhưng Hy Lôi thì rất lạnh lùng, chỉ để mặc anh muốn làm gì thì làm. Hứa Bân cố gắng một lúc lâu mà Hy Lôi vẫn trơ như khúc gỗ, cũng cảm thấy chán nên tụt khỏi người cô, biết là Hy Lôi vẫn còn giận vì chuyện đêm tân hôn.

- Cục cưng, em đừng giận nữa được không? Anh biết là em giận, anh cũng giận, mẹ tư tưởng phong kiến mà, đừng chấp bà!

Cuối cùng Hy Lôi cũng mở miệng ra:

- Thế sao anh không nói mẹ, làm sao mà có thể như thế được? Đến cả chuyện này cũng đòi quản.

- Bà là mẹ anh, anh nói thế nào? - Hy Lôi nhìn Hứa Bân, thực sự không tin những lời này lại do chính miệng anh nói, thật là điển hình của một kiểu có hiếu tới ngu xuẩn.

- Mẹ thì làm sao, mẹ làm sai việc gì thì không được nói hả? Ngu ngốc! Đần độn! Biến thái! - Giọng nói của Hy Lôi càng lúc càng cao, bao nhiêu uất ức kìm nén những ngày nay đều phát tiết ra cả.

Một hồi lâu sau, Hứa Bân lại sát lại gần, giống như một cô con dâu cúi đầu nói:

- Vợ yêu, chúng ta cưới nhau rồi, đừng cãi nhau nữa được không. Giờ đi nghỉ tuần trăng mật thì vui vẻ một chút! - Thấy dáng vẻ đáng thương của Hứa Bân, nhớ lại bình thường Hứa Bân đối xử với mình rất tốt, Hy Lôi lại mềm lòng.

Tuần trăng mật vừa kết thúc, lẽ ra còn hai ngày nghỉ cưới nữa nhưng Hy Lôi vẫn đi làm trước. Buổi tối về nhà, mẹ chồng đã nấu xong cơm, ngoài ban công treo đầy những bộ quần áo bà vừa giặt xong. Mẹ chồng đã giặt hết quần áo bẩn mà Hy Lôi với chồng đi du lịch mang về. Ngửi thấy mùi thơm của thức ăn, nhìn những bộ quần áo đang được cơn gió hoàng hôn thổi khô, giây phút đó, trái tim yếu đuối của Hy Lôi bỗng thấy vô cùng cảm động. Trên bàn ăn, mẹ chồng không ngừng gắp trứng rang cho Hứa Bân, nói:

- Còn trẻ, đừng quan hệ nhiều quá, ăn cái này cho bổ. Còn nữa, uống canh này đi. Xem con trai mẹ kìa, mắt thâm quầng cả rồi.

Miếng cơm Hy Lôi vừa mới và vào miệng bỗng dưng nghẹn đắng lại, mặt cô đỏ bừng.

Ông Hứa Trường Thiên lườm vợ một cái, chẳng nói gì nữa. Hứa Bân cũng trách mẹ:

- Ghét quá, mẹ nói gì thế!

Khó nhọc ăn hết bữa cơm. Hy Lôi thu dọn bát đũa, chuẩn bị đi rửa bát.

Bình thường cô ghét nhất là rửa bát, ở nhà cô chẳng bao giờ phải làm việc này. Thuê nhà ở ngoài, có lúc nấu cơm, nhưng nếu có Hứa Bân ở đó thì Hứa Bân sẽ phải rửa, Hứa Bân thường ngọt ngào rót vào tai cô:

- Tay của cưng vừa trắng và mềm, chỉ dùng để đánh máy thôi, ai nỡ để cưng rửa bát!

Nghĩ là có Hứa Bân giúp mình nên Hy Lôi thong thả cầm bát đũa lên, mang vào phòng bếp.

Nhưng hôm nay không còn ai tỏ ra khách sáo với cô nữa, mẹ chồng vào nói cho cô biết rửa sạch sẽ bát đũa thì để vào đâu, cái nào là khăn lau khô bát, sau đó ra ngoài, Hứa Bân thì vừa buông bát đũa xuống đã vào thư phòng lên mạng. Hy Lôi mở vòi nước, nhớ lại những lời mẹ chồng nói lần đầu tiên đến đây, bà nói:

- Cháu bây giờ là khách, rửa bát thì chờ cưới rồi hãy tính!

Mặc dù chỉ là một chuyện nhỏ, làm chút việc nhà cũng chẳng đáng gì, nhưng Hy Lôi vẫn cảm thấy thật ngượng ngập.

Ngày thứ ba thì cuối cùng Hy Lôi cũng kháng nghị với Hứa Bân:

- Đồ lừa đảo, anh là đồ lừa đảo, chẳng phải ngày trước anh nói tay em vừa trắng vừa mềm, chỉ để đánh chữ thôi sao? Sao giờ ngày nào cũng bắt em rửa bát. Với lại mẹ anh không phải đi làm, em đi làm cả ngày vất vả còn bắt em rửa bát.

Hứa Bân thản nhiên:

- Rửa có vài cái bát thôi mà? Có gì mà phải làm to chuyện? Để đấy, anh rửa! - Hứa Bân vừa nói xong đã xắn tay áo lên, chuẩn bị rửa bát. Hy Lôi sung sướng toét miệng cười, lau khô tay, hôn lên má Hứa Bân một cái:

- Ông xã tuyệt quá!

Lúc đó mẹ chồng đi ngang qua cửa phòng bếp, thấy Hứa Bân đang rửa bát, vội vàng gọi thất thanh:

- Trời ơi, con trai, sao con lại rửa bát! Để đấy, để mẹ rửa! - Bà không phê phán Hy Lôi, nhưng bà đi thẳng vào, giằng cái giẻ rửa bát trong tay con trai, đưa tay ra định rửa, đẩy con trai sang một bên, - Tránh ra, tránh ra, đàn ông đừng có loanh quanh trong bếp, mẹ ghét nhất là đàn ông ở trong bếp, giống đàn bà lắm!

Từ đó, chỉ cần Hy Lôi rửa bát, Hứa Bân định giúp đỡ là mẹ chồng lập tức xuất hiện, bảo là để đó mình rửa. Mấy lần như thế, Hy Lôi chẳng dám mong ước xa xỉ là Hứa Bân sẽ rửa bát giúp mình nữa.

Tối nào ăn cơm xong, cả nhà cũng ngồi ở phòng khách xem tivi với nhau. Hy Lôi không thích xem tivi, nhưng chưa gì đã chui về phòng mình thì không hay lắm, thế là ngày nào cô cũng ngồi xem một lát, mẹ chồng thích xem phim Hàn, thi thoảng còn bình luận vài câu, có lúc còn khen Hy Lôi vài câu:

- Cái nhân vật nữ chính trong phim này mẹ thấy cũng chẳng ra sao, còn không xinh bằng Hy Lôi nhà mình! Đúng không con trai! - Mỗi khi như thế, Hứa Bân thường đắc ý nói:

- Đương nhiên rồi!

Hy Lôi nghe mẹ nói vậy, chỉ cười nhạt. Đa phần thì mẹ chồng thấy cảm khái trước những cô con dâu hiền thục, đảm đang của Hàn Quốc:

- Nhìn con dâu Hàn Quốc ngoan ngoãn thế, lại hiểu phép tắc nữa, lúc nào cũng cung kính với bố mẹ chồng.

Hy Lôi giả bộ như không nghe thấy, có lúc xem thấy trong tivi có những cô gái rất giỏi giang trong công việc, lúc nào cũng ngẩng cao đầu trước đám đàn ông, mẹ chồng lại chặc lưỡi:

- Một người đàn bà ra ngoài xuất đầu lộ diện, chỉ trỏ sai bảo bọn đàn ông thì còn ra cái gì. Đàn bà cứ ngoan ngoãn ở nhà chăm chồng chăm con phải tốt không!

Có lúc Hy Lôi không nhịn được phản bác vài câu:

- Mẹ, tư tưởng của mẹ từ đời nào rồi, xã hội hiện đại, ai có năng lực thì người đó làm việc. Có những người phụ nữ chỉ hợp ở nhà chăm con, nhưng có người thì hợp với cuộc sống ở công ty, không thể vơ đũa cả nắm được. - Mẹ chồng không nói lại được Hy Lôi, nhưng vẫn không chịu thua:

- Dù sao mẹ thấy đàn bà mạnh mẽ quá cũng không tốt!

Hàng ngày, thời gian cô thấy thoải mái nhất chính là lúc rửa bát xong và về phòng của mình. Lên mạng, viết bài, đọc sách, nghe nhạc, tự do tự tại, sau khi sự tự do của mình bị gói gọn trong gian phòng ngủ, Hy Lôi phát hiện ra chỉ có nơi này là thuộc về mình thực sự. Nhà bếp là khoảng trời riêng của mẹ chồng, thư phòng là nơi bố chồng thường trong đó, tất cả đều là sách vở và những bức tranh mà ông thích, phòng khách là nơi công cộng. Nhưng cuối cùng Hy Lôi mới phát hiện ra, thì ra phòng ngủ của mình thực ra là nơi hoàn toàn không có chút riêng tư nào sau khi cô đi làm. Buổi tối rửa bát xong, lúc tìm đồ lót, Hy Lôi phát hiện ra quần áo của mình ở trong tủ đã bị sắp xếp lại, nó không có vẻ bừa bộn như trước mà được sắp xếp rất gọn gàng. Quyển sách mình đã đọc xong tiện tay để ở đầu giường cũng được đặt lên giá sách. Những điều này đều là mẹ chồng cô làm lúc dọn dẹp phòng sau khi họ đã đi làm. Đúng thế, mẹ chồng cô rất chăm chỉ dọn dẹp phòng ngủ của vợ chồng cô, nhưng trong lòng Hy Lôi lại cảm thấy rất không thoải mái, mẹ chồng cô thì thấy chẳng có gì không ổn cả, buổi tối lúc xem tivi, bà nói với Hy Lôi như thể đang dạy con gái mình:

- Con gái thì phải thu dọn phòng mình sạch sẽ một chút, thấy quần áo trong tủ bừa bộn thì phải gập lại chứ. - Hy Lôi lặng lẽ lắng nghe, không biết phải trả lời thế nào, đành im lặng.

Cơ quan của Hy Lôi cách nhà 4, 5 bến xe buýt, 8 rưỡi sáng vào làm, thói quen của Hy Lôi là dậy vào lúc 6 rưỡi sáng, nửa tiếng đánh răng rửa mặt và chải đầu, nửa tiếng ngồi xe buýt, tới cơ quan là khoảng hơn 7h40 phút, sau đó thu dọn bàn làm việc rồi ăn sáng, thời gian vừa vặn. Nhưng từ sau khi kết hôn, thói quen này đã bị phá vỡ. Giờ giấc ngủ nghỉ của mẹ chồng rất có quy luật, hôm nào cũng không xem tivi quá 10 giờ, cứ đúng 10 giờ là đi ngủ, sáng đúng 6 giờ là dậy, sau đó quét dọn ở bên ngoài, rồi còn phụ trách đứng ngoài gọi họ:

- Con trai, Hy Lôi, dậy thôi, 6 giờ rồi. Chậm chạp là muộn đấy.

Nếu không nghe thấy động tĩnh gì thì cứ cách 5 phút bà lại gọi một lần. Hứa Bân ý chí rất kiên cường nên anh vẫn có thể ngủ tới 7 rưỡi trong tiếng gọi của bà. Lâu dần, đồng hồ sinh học của Hy Lôi cũng bị điều chỉnh về trước nửa tiếng, cứ tới 6 giờ là cô tự động tỉnh. Tới cơ quan cô lại phải ngủ bù một chút, đồng nghiệp Tiểu Lộc ở cùng ban biên tập đùa cô:

- Còn trẻ, đừng lao lực quá nhé!

Hy Lôi cười khổ trong bụng, họ đâu biết ở nhà mình có một cái đồng hồ báo thức rất tận tâm!

Có thể đây chính là hôn nhân! Cô nhớ lại câu nói kinh điển của Trương Ái Linh, "Đời người giống như một chiếc váy xinh đẹp, trong đó chứa đầy rận!", trong lòng cô thầm nói với mình: thay đổi, không thể thay đổi, hãy chấp nhận đi!

Ngày đăng: 13/06/2017
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?