Chương 19 - Lâu ngày không gặp, diện mạo sẽ thay đổi
Người lùn đeo kính vừa gầy guộc vừa nực cười năm xưa lại trở thành cậu thiếu niên thanh nhã đầy tự tin, con gái ngưỡng mộ xếp hàng dài, còn cô gái từng là nàng công chúa Bạch Tuyết lớn lên lại thành cô thiếu nữ ngu ngốc bám gót hoàng tử bạch mã.
Từ hôm đó, cái tên Vu Vũ đã suyên suốt thời thanh xuân của Cát Niên.
Mỗi lần chạy bộ buổi sáng họ vẫn cứ người chạy trước người chạy sau như đã ngầm hẹn với nhau. Trước khi ra khỏi nhà, Cát Niên đều lén giấu một quả táo hoặc quả quýt vào túi áo thể thao, khi chạy đến chỗ không người, cô quay lại ném cho Vu Vũ: "tiểu hòa thượng, bắt lấy này!"
Vu Vũ thích ăn táo, nếu quýt ngọt, rất ngọt, thì cậu ấy sẽ giữ lại mang về cho bà nội. Vu Vũ và bà sống dựa vào nhau nhờ vào bảo hiểm xã hội dành cho người nghèo. Bà Vu Vũ tuổi đã cao, cuộc sống cũng không dễ dàng gì, Vu Vũ muốn đối xử tốt với bà một chút.
Sau khi lên trung học, Vu Vũ và Cát Niên lại được phân vào cùng một lớp. Trong lớp, họ không tụ lại thầm thì với nhau như những người bạn thân thiết, nhưng nếu có người bắt nạt Cát Niên, Vu Vũ sẽ lặng lẽ tiến lại gần kẻ đó. Cậu không cần phải động tay động chân, với thân phận con trai của tội phạm giết người thôi đã đủ để khiến người khác cảm thấy chuyện gì cậu cũng làm được rồi.
Khi tan học Cát Niên cũng bắt đầu trở về nhà trên con đường nhỏ. Cát Niên là khán giả duy nhất thưởng thức những thứ đồ chơi đẹp đẽ thú vị được Vu Vũ khéo léo tết từ những ngọn cỏ sâu róm và cỏ lau. Họ còn hợp tác đi trộm khoai lang khô phơi ở cửa hàng nhà chú Tài, khi ấy nhà chú Tài vẫn chưa mở cửa hàng. Thường thì Cát Niên sẽ rất nghiêm túc hỏi chú Tài những vấn đề về cuộc sống, còn Vu Vũ thì khẩn trương bốc một nắm khoai trong sọt. đến khi chú Tài ngẩng đầu lại thì người đã biến mất rồi. Chú Tài giận dữ đấm ngực dậm chân nói, nếu trẻ con thời nay được ngoan như Cát Niên thì thật tốt biết bao. Cát Niên "ngoan ngoãn" về họp mặt ăn khoai lang khô với Vu Vũ ở con đường nhỏ, trên thế gian không còn thứ gì ngon hơn được nữa.
Cát Niên còn rất yêu thích truyện kiếm hiệp, cô gần như đã mượn hết truyện của các cửa hàng truyện gần đó. Hồi đó 2 bác đã bắt đầu ngăn cản không cho Cát Niên đọc truyện linh tinh, thỉnh thoảng 2 bác lại kiểm tra cặp cô, nếu phát hiện có truyện thì cô sẽ bị mắng. Cát Niên cũng không dám để sách trong cặp, thế là giao cho Vu Vũ cất hộ, dù gì thì Vu Vũ cũng chẳng có ai quản, tự do hơn cô nhiều. Tối đến, Vu Vũ lại trèo lên bức tường sau nhà bác Cát Niên như một chú khỉ. Cậu dùng cành cây gõ gõ vào cửa sổ kính phòng Cát Niên ở phía đối diện. chờ khi Cát Niên thò đầu ra thfi Vu Vũ sẽ chuyển sách cho cô, Cát Niên cũng nhân tiện đưa luôn cho cậu vở bài tập toán vừa làm xong trong ngày.
Vu Vũ không thích đọc tiểu thuyết, cậu thường chế giễu sự say mê của Cát Niên.
"Cái đó có gì mà hấp dẫn cậu thế?" Vu Vũ thường hỏi cô như vậy.
Cát Niên nói với cậu về đại hiệp Tiêu Thu Thủy trong lòng mình. Cô đã đọc nhiều truyện kiếm hiệp như vậy rồi nhưng cũng chỉ có một Tiêu Thu Thủy, cũng chỉ có một Đường Phương.
Vu Vũ lại không nghĩ thế. Cậu bảo cái tên Tiêu Thu Thủy cứ như tên con gái ấy, đâu có giống đại hiệp. Đại hiệp thì phải giống như Tiêu Phong, tiếng tăm vang khắp giang hồ, tung hoành nơi biên ải. cậu còn nói, tổ tiên của cậu là người Tây Bắc, khi trưởng thành, sẽ có một ngày cậu sẽ rời khỏi đây để ra biên ải sống.
Cát Niên cũng đã đọc Thiên Long bát bộ, cô không nỡ nói thẳng ra, Tiêu Phong là anh hùng một đời, cũng nếm hết ngọt bùi đắng cay của cuộc đời, đến cuối cùng ngã xuống bi tráng nhưng cũng thật thê lương, hơn nữa lại đúng cái gọi là "anh hùng khí đoản, nhi nữ thường tình". Trong truyện, chẳng phải hẹn ước của chàng và A Châu cũng chỉ là một giấc mơ hư ảo thôi sao?
Sau năm lớp Bảy, trường học yêu cầu học sinh phát triển toàn diện văn thể mỹ, mỗi học sinh đều phải tham gia một môn thể thao. Học sinh nam thường chọn bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, học sinh nữ thì thích thể dục thẩm mỹ, đá cầu. Vu Vũ chọn cầu lông vì so với các môn khác, cầu lông không yêu cầu quá cao về thể lực. Cậu chưa từng bị lên cơn ở trường, cả giáo viên và học sinh, không một ai biết cậu bị mắc bệnh ấy.
Cát Niên cũng chọn cầu lông, cô nói là mình không thích thể dục nhịp điệu và đá cầu, nhưng thật ra là cô lo Vu Vũ không có ai tập đánh cầu cùng.
Nắm vững được nội dung chủ yếu của môn cầu lông, niềm yêu thích của Vu Vũ với môn này bỗng tăng lên mạnh mẽ. có thời gian rỗi là 2 người lại chạy đến mảnh đất trống ở khu nghĩa trang liệt sĩ để luyện tập. Cát Niên vốn chỉ là đi thi ăn may, nhưng sau kĩ thuật của cô thành thạo qua từng ngày luyện tập, đánh trả cầu không những chuẩn mà còn rất hiểm. nếu phải so sánh thì Vu Vũ hoàn toàn không phải đối thủ của cô. Một lần trèo lên lấy cầu mắc trên cây, Vu Vũ lau mồ hôi trán cười: "đây đâu phải cậu đến tập cùng tớ! cậu đến để làm nhụt chí tớ thì có!"
Có một lần, những đứa trẻ trong vùng chạy đến chơi ở gần khu nghĩa trang, nhìn thấy 2 người cười đùa thì nói với giọng kì cục: "Ô kìa, vai kề vai, không biết xấu hổ... Tạ Cát Niên chơi với con trai tội phạm giết người kìa..."
Gương mặt Vu Vũ không lộ ra một nét biểu cảm nào, cậu đã quen việc bị chụp mũ như thế này rồi. Cát Niên thì vừa hoảng sợ vừa tức giận, cô không hiểu tại sao mọi người lại không chịu tha cho Vu Vũ, cậu ấy làm gì sai sao?
Nhìn bóng dáng đám trẻ chạy đi, Cát Niên nhặt một nắm đá ném về phía chúng nhưng Vu Vũ ngăn lại. cậu là con trai tội phạm giết người nhưng cậu chưa từng hại ai.
Tin đồn Cát Niên chơi với Vu Vũ lại đồn đến tai 2 bác. Người ta đều nói tận mắt nhìn thấy họ sau khi tan học đều cùng về nhà trên con đường nhỏ đó, mà thời gian về nhà nấu cơm của Cát Niên càng ngày càng muộn cũng là sự thật. bác gái đứng trước cửa nhà tức giận mắng Cát Niên: "Có phải cháu chơi với con trai kẻ giết người không?"
Cát Niên vẫn luôn cúi đầu "chịu tội" sợ hãi trả lời: "Cậu ấy không giết người. đến một con gà cậu ấy cũng chưa từng giết."
Cát Niên rất ít khi cãi lại, lần này bác gái bị chọc giận, cả người run bắn, lên giọng quát: "Ô, còn bảo vệ nó nữa cơ đấy. Thế sao không gả cho nó đi, không đi theo nó đi còn ở đây làm gì? Chỉ cần đừng có nói tao đây dạy mày như thế thì mày muốn làm gì thì làm!"
Tiếng quát của bác khiến cho các nhà hàng xóm kéo nhau túm tụm lại, mọi người hiếu kỳ ngó xem, chủ đề này khiến những người không liên quan thấy rất hứng thú. Cát Niên không nói gì nữa, cô mặc cho bác hết mắng mỏ lại quát tháo, mắt ầng ậc nước nhìn ánh nắng xế chiều.
Hai đám mây che phủ những tia sáng cuối cùng, trông giống như một chú gấu nhỏ đang mỉm cười. Vu Vũ từng bảo buổi tối mà có mây nghĩa là mai trời sẽ có nắng. Ngày mai sẽ là một ngày đẹp trời, sợ gì chứ!
Nhưng Cát Niên còn nhìn thấy cửa nhà Vu Vũ mở ra một chút rồi lại đóng chặt.
Mấy ngày sau đó, sau khi tan học Vu Vũ đều không đợi Cát Niên. Trường sắp tổ chức cuộc thi đánh cầu lông, đây là hoạt động tập thể đầu tiên mà Vu Vũ chủ động đăng kí, nhưng cậu không chuẩn bị gì cả. Cát Niên chặn đường Vu Vũ hỏi tại sao. Vu Vũ trả lời là vợt hỏng, không có tiền mua cái mới nên không tham gia thi đấu, sau này cũng không đánh cầu nữa.
Cát Niên biết rõ hoàn cảnh gia đình Vu Vũ, dù đây chỉ là cái cớ thì cô cũng không thể phản bác lại được. Tối đến, Cát Niên đóng chặt cửa đếm số "tiền cứu mạng" cô tích góp mấy năm nay. Đếm đi đếm lại vẫn chỉ có 7 tệ 6 hào. Một cái vợt cầu lông mới rẻ nhất hồi ấy cũng phải 12 tệ, như thế cô không đủ tiền rồi. tiền bố đưa thì bà bác giữ khư khư, muốn lấy được một đồng cũng khó hơn cả lên trời.
Bố Cát Niên làm ở viện Kiển sát, công việc ổn định, trong lòng ông thường cảm thấy hổ thẹn vì tiền sinh hoạt hàng ngày đưa cho con gái không nhiều, tiền ăn mặc, đồ dùng cá nhân, tiền tiêu vặt đều bao gồm trong đó cả. Nhưng bác gái lại yêu cầu Cát Niên ăn sáng bằng đồ ăn thừa tối hôm qua, như thế thì tiết kiệm được tiền ăn sáng. Cát Niên trằn trọc cả đêm nghĩ lý do để lấy được 5 tệ từ chỗ bác gái nhưng lý do nào cũng không đủ thuyết phục.
Sáng sớm hôm sau, Cát Niên, cô gái ngoan hiền run run lấy ra một tờ 5 tệ từ túi đựng tiền lẻ bán hàng của bác, nhét vào trong tất, thế là hoàn thành hành vi phạm tội lớn nhất từ khi sinh ra đến giờ. Mồ hôi Cát Niên cứ túa ra, trong lòng đã dự liệu đến tình huống xấu nhất, nếu bị phát hiện thì cô cam tâm tình nguyện ngồi tù.
Nhưng cả 2 bác đều không phát hiện ra. một ngày sau, Cát Niên lén lút mua cho Vu Vũ một cây vợt mới. Vu Vũ cầm cây vợt mới trong tay ngẩn ngơ hỏi: "cậu lấy đâu ra tiền vậy?"
Cát Niên duỗi chân nằm xuống phía dưới cây lựu, mặt tỉnh bơ nói: "lấy trộm từ trong túi của bác tớ."
Vu Vũ nhảy lên: "cậu có làm sao không thế?"
Cát Niên tiếp lời: "Cậu là con trai tội phạm giết người, tớ là kẻ trộm, chúng ta chơi với nhau, không ai được chê ai hết."
Vu Vũ ngẩn ra nói không lên lời, một lúc sau Cát Niên cảm thấy Vu Vũ nằm xuống thảm cỏ, giống như cô, cũng nhìn trân trân lên bầu trời.
Không có một cơn gió nào nhưng có một bông hoa lựu rụng xuống, rơi đúng trán Cát Niên, rất nhẹ, phải chăng tiếng hoa nở cũng nhẹ như vậy?
Cát Niên ngả đầu về phía Vu Vũ, Vu Vũ nhặt hoa giúp cô.
"Vu Vũ, nếu cây lựu của cậu kết trái, tớ nằm ở đây, quả chín rơi trúng vào người tớ thì tốt."
Vu Vũ nói: "cậu thật ngốc, lựu có cây đực cây cái. Ở đây chỉ có một cây, lựu của tớ không kết quả được đâu."
Đầu năm lớp 8, thời khóa biểu dầy đặc hơn. Cát Niên vốn thành tích bình thường, nhưng vào thời điểm quan trọng lại phát huy được sức bền. cũng giống như chạy đường dài, từ trước tới giờ cô chưa từng là người đứng nhất ngay từ khi bắt đầu, nhưng vào giai đoạn nước rút, khi những người khác đã thấm mệt rồi thì cô vẫn băng băng tiến về phía trước.
Vì thành tích môn toán xuất sắc, tiếng Anh cũng khá, chăm chỉ học một thời gian, trong vài kỳ thi cuối cùng thành tích của cô ở những lần sau đều cao hơn lần trước. Có lúc giáo viên chữa bài văn đại phát từ bi, tổng điểm của Cát Niên thậm chí có thể được xếp vào top năm của lớp. Các thầy cô giáo đều nói Cát Niên khiến mọi người phải ngạc nhiên, cô sẽ là điển hình được biểu dương trong cuộc họp phụ huynh. Bác gái hiếm khi đi họp cũng vui mừng khôn xiết, cứ luôn miệng nói trận mắng của mình lần đó đã có hiệu quả.
Còn Vu Vũ thì thành tích vẫn thấp như trước đây. Cậu nói mình không phải người có thể học hành. Cát Niên cảm thấy cậu ấy thông minh hơn bất kỳ ai, nhưng lại không chú tâm vào chuyện học. Cát Niên nỗ lực như vậy là muốn thi vào trường Trung học số 7 tốt nhất thành phố. Vì như thế cô có thể vào sống trong ký túc xá của trường và cách xa bà bác ra.
Càng gần ngày thi lên cấp Ba, các loại kiểm tra ngày càng nhiều, các loại tiền cần nộp cũng liên tục không ngớt. chỉ trong một tuần, Cát Niên đã hỏi xin tiền bác gái 2 lần để mua tài liệu học, vì thế khi trường báo nộp lệ phí thi, Cát Niên nhớ lại những lời nói kháy của bác khi móc tiền ra mà không sao mở miệng xin nổi. đến ngày cuối cùng nộp tiền, cô vẫn không có chỗ nào để vay, thực sự rất lo lắng, không hiểu tại sao bỗng nghĩ đến việc về nhà xin bố mẹ.
Lần cuối Cát Niên gặp bố mẹ và em trai khoảng hơn 2 tháng trước, khi cả nhà đến thăm nhà 2 bác. Em trai Cát Niên biết đi rồi, nhưng chưa nhận ra được người chị này. Có lẽ là khoảng cách khiến người ta thân thiết hơn, khi gặp mặt, bố mẹ cũng tỏ ra rất quan tâm đến Cát Niên.
Cát Niên hạ quyết tâm, ăn xong cơm trưa cô vội vàng bắt xe bus đi vào thành phố. Sống ở ngoại ô năm sáu năm nay, mảnh sân ở viện kiểm sát đã trở nên xa lạ với cô.
Về nhà cần đổi tuyến xe ở trong trung tâm thành phố, đang là giờ cao điểm tan làm, tan học nên giao thông không được thông suốt lắm. Cát Niên ngồi ngẩn ra ở hàng ghế phía dưới, trước mặt là 2 người cùng tuổi mặc đồng phục học sinh. Cô gái thì nói liến thoắng không ngừng nghỉ, còn cậu con trai thì đang nút tai.
Điều khiến Cát Niên chú ý là chiếc cổ áo của cậu con trai ấy. Đồng phục được mặc cách ngày, không thể nào mới được, đồng phục của hầu hết mọi người khi nhìn gần đều thấy hơi ố vàng. Vu Vũ cũng có thể coi là người sạch sẽ, cậu tự giặt quần áo, chưa bao giờ luộm thuộm, chất vải áo đồng phục lại chẳng ra sao, giặt nhiều sẽ bị bạc và mỏng đi.
Bộ đồng phục của cậu con trai trước mặt Cát Niên, từ cổ áo đến toàn thân đều là một màu trắng tinh đến không thể tin nổi, như đồ mới vậy, cổ áo thẳng đứng, nếp là cũng nhìn rõ mồn một.
Cát Niên tặc lưỡi, chất lượng đồng phục của thành phố đúng là có khác, nhưng rồi cô lại chú ý đến cô gái ngồi cạnh cậu ta. Cô gái mặc bộ đồng phục giống của cậu con trai kia nhưng độ sạch sẽ và sáng bình thường, không thể so sánh được với áo của cậu ta.
Người nào lại cầu kỳ trong việc mặc đồng phục như thế? Theo Cát Niên thì đồng phục là thứ phải mặc đến khi hỏng không mặc nổi nữa mới thôi. Tóc sau gáy của cậu con trai cắt ngắn, đường viền tai rất hoàn hảo, dái tay to và dài. Sách nói người có dái tai to sẽ rất giàu có sung túc. Cát Niên cứ nghĩ, cứ nghĩ rồi đắm chìm vào dòng chảy tư duy của chính mình, số phận của con người là do trời sắp đặt thật sao?
Cô gái trước mặt Cát Niên quả thật khiến người ta phải khâm phục, không có ai tiếp lời mà cô có thể nói một mình liên tục trong thời gian dài như vậy. Cái gì gọi là cảnh giới? nó là đây. Thậm chí Cát Niên đang ngẩn ra cũng nghe lõm bõm được vài câu.
"À, cậu thật sự không biết ai nhét vào ngăn bàn cậu sao? nét chữ ấy là của ai? Có phải người trong lớp mình không? Lớp mình có ai mà lại to gan thế chứ! Đúng rồi, cậu có thấy vẻ mặt của Lưu Diễm Hồng không? Cô ta tức giận lắm đấy, cứ như cậu là tài sản của cô ta ấy... cũng tốt, cho cô ta tức chết..."
Cuối cùng thì xe cũng vào bến, Cát Niên đeo cặp đứng dậy. Cô định khi đi qua chỗ ngồi của cậu con trai kia sẽ giả vờ vô tình quay đầu lại nhìn một cái. Chỉ là Cát Niên thấy tò mò thôi. Người có đôi tai nhiều phúc như vậy sẽ có gương mặt như thế nào đây? Liệu có giống phật tổ như lại không?
Nhưng ai ngờ cậu ta lại đứng dậy trước Cát Niên, nói với cô gái bên cạnh: "Tớ đến nơi rồi, tạm biệt."
Xem ra họ cùng xuống ở một bến.
Cổng trước của khu nhà cho nhân viên Viện Kiểm sát ở cách bến xe 200 m về phía trước. Cát Niên cúi đầu vừa đi vừa nghĩ lát gặp bố mẹ thì nên nói gì đầu tiên.
Bảo vệ khu đó không biết đã thay bao nhiêu người, họ không biết Cát Niên nên cô bị chặn lại.
"Cô bé tìm ai?"
"Tìm bố cháu... à, Tạ Mậu Hoa."
Cát Niên ngoan ngoãn trả lời, lúc ấy cô lại thấy "đồng phục áo trắng" vào trong một cách thuận lợi, nghe thấy bảo vệ chào còn quay đầu lại nhìn. Nhưng cậu ta quay nhanh quá cô không nhìn rõ được mặt. không ngờ cậu ta cũng sống ở đây, chưa biết chừng còn là con của đồng nghiệp bố mình. Cát Niên rời khỏi đây đã lâu quá rồi, chắc chắn có nhiều người mới đến, những bạn học cũ cũng không biết giời thế nào rồi.
Bảo vệ cho Cát Niên vào, cô men theo con đường có bóng mát đi qua tòa nhà làm việc rồi nhà trẻ. Năm kia Tạ Mậu Hoa chuyển khỏi khu nhà ống cũ sang nhà mới được phân, Cát Niên đến đây cũng chỉ một hai lần, mong là đi không nhầm đường.
Đang là giờ nghỉ trưa nên đường cũng vắng người. đi một lúc mà "đồng phục cổ trắng" vẫn đi phía trước Cát Niên. Cát Niên lâu ngày mới về nhà, lại là vì tiền, càng về gần nhà thì lại càng thấy lo, bước đi càng nặng nề, do dự nên cũng quên luôn việc xem tướng của người ta. Thậm chí cậu con trai đó quay lại nhìn Cát Niên vài lần mà cô cũng không nhận ra.
Tòa nhà mới dành cho nhân viên đã ở trước mắt, Cát Niên băng qua thảm cỏ, từ bên phải đột ngột xuất hiện một người khiến Cát Niên tâm hồn đang lơ lửng sợ suýt chút nữa thì hồn xiêu phách tán.
"cậu là ai? Cậu đi theo tôi làm cái gì?" cậu con trai kia nói với giọng chất vấn.
Cát Niên hơi lùi lại nhìn xung quanh không thấy ai mới xác định được cậu ta đang hỏi mình.
Người đó cao hơn Cát Niên một cái đầu, đồng phục trắng tinh, cuối cùng Cát Niên cũng nhìn rõ được gương mặt cậu ta. Không rồi, vầng trán cao, giàu có mà trường thọ, sống mũi cao, có ý chí, tràn đầy sức sống; môi mọng má bóng, được ăn no mặc ấm lại ăn nói khéo léo; đuôi mắt hơi vểnh lên, mệnh đào hoa, khá tùy tiện; cằm hơi nhọn, lòng dạ hẹp hòi, nóng nảy. Nói chung, gương mặt này được trời sinh ra là có phúc. Vu Vũ cũng là cậu bé ưa nhìn nhưng lông mày lại thể hiện không được nhiều may mắn.
Cát Niên còn chú ý phía trên lông mày trái của cậu ta có một nốt ruồi nhỏ. sách nói gì ấy nhỉ, cô cố gắng nhớ lại, à đúng rồi, trong cỏ có ngọc, thông minh, nhưng viên "ngọc" của cậu ta lại hơi lệch, chỉ cần sang dịch đi một chút nữa là thành tướng "dâm tặc". Nguy hiểm, nguy hiểm thật! Cát Niên mừng thay cho "đồng phục cổ trắng" không bị một nốt ruồi làm hỏng cả cái tướng đẹp.
Cô không hề biết là bộ dạng nhìn trân trân vào đối phương của mình kỳ quặc đến mức nào.
"Cậu theo dõi tôi từ xe bus đến đây làm gì? Tôi sớm đã nhận thấy suốt dọc đường cậu cứ lén lén lút lút. Cậu nhìn cái gì mà nhìn hả?"
Cậu con trai nói khiến Cát Niên cứng họng, cô trước giờ vẫn là người nghĩ nhanh hơn nói. Hơn nữa cô không thể nào lại nói là mình đang nhìn cái nốt ruồi suýt nữa thì thành "dâm tặc" trên lông mày của cậu ta.
"Lắp ba lắp bắp... Ồ, tôi hiểu rồi! bức thư với những lời nói sởn gai ốc trong ngăn bàn tôi sáng nay là của cậu hả?" cậu con trai bừng tỉnh rồi lại nhìn Cát Niên với vẻ đầy nghi hoặc và chế giễu. Dường như cậu ta muốn nói, người như cậu sao lại làm được chuyện đó chứ! Nhưng dù gì thì cậu ta cũng là trẻ con, đối mặt với người ái mộ, dù có hiên ngang nhưng vẫn không tránh khỏi có chút đỏ mặt.
"Hả?" thế là thế quái nào? Cát Niên chẳng hiểu gì cả.
"cậu không phải học sinh trường tôi? Đi xa như vậy chỉ vì việc này? Đúng là thừa hơi!"
Cát Niên coi như đã hiểu, khả năng suy đoán của "đồng phục cổ trắng" tốt như bản lĩnh ngồi ghế theo số vậy. Cô không nói gì, chỉ nhìn cậu ta với ánh mắt như ca ngợi sự hoàn hảo rồi như một "hồn ma" lượn qua cậu ta.
"Đứng lại, ai cho đi bừa như thế hả?"
Cát Niên không muốn dây dưa với những kẻ vô vị, cô chỉ muốn đăng kí thi rồi đi luôn, phải mất bốn mươi phút để về, chiều cô còn phải đi học. Cậu ta càng gọi thì cô lại chạy càng nhanh.
Tầng một, tầng hai, tầng ba... đến rồi. bố đã bốc được một căn khá đẹp. Cát Niên lấy chìa khóa ra cắm vào ổ nhưng hết lần này đến lần khác đều không được, rồi cô bỗng dừng lại. xem ra cô đã bị "đồng phục cổ trắng" dọa cho thành ngốc rồi, cô làm gì có chìa khóa căn hộ mới của bố! Còn tưởng đây là khu nhà ống cũ sao? cái chìa khóa này nên vứt đi từ lâu rồi.
"Đồng phục cổ trắng" đi theo cô, mặt đầy cảnh giác: "cậu đứng trước cửa nhà người ta làm cái gì?"
"tớ, tớ về nhà!" Cát Niên cũng không chịu được ánh mắt như nhìn kẻ trộm của cậu ta.
Cậu ta phì cười: "Về nhà? Thế sao chìa khóa không cho vào được vậy?"
"Bố tớ sống ở trong đó." Cát Niên quay người gõ cửa, bố mẹ mau ra giải vây đi.
"Cậu đừng có mà cố giả vờ đi! Chú Tạ lái xe cho bố tôi bảy năm nay, sống bên dưới nhà tôi hai năm rồi. cậu là con gái của chú ấy? Con gái chú ấy có vấn đề đã bị nhốt trong bệnh viện rồi. giờ chú ấy chỉ có một cậu con trai nuôi thôi." Cậu ta vừa chỉ vào đầu mình vừa nói.
Con gái? Não có vấn đề? Ở viện?
Cát Niên nối các từ này với nhau, rồi chầm chậm cắn chặt môi dưới.
Cuối cùng cửa nhà bố mẹ mới chầm chậm mở ra, bố vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa mắt nhắm mắt mở đứng sau cánh cửa.
"ai làm ồn vậy? ủa, là con à Cát Niên? Sao con lại đến đây?"
Cát Niên cũng đang hỏi mình câu đó, hôm nay cô đến đây là sai lầm sao?
"Cát Niên? Cậu... cậu không phải là Tạ Cát Niên đấy chứ?" cậu con trai kinh ngạc.
"Hàn Thuật, các cháu..." Tạ Mậu Hoa nhìn cậu con trai, nét mặt dịu xuống hẳn, thậm chí còn có chút như lấy lòng. Cát Niên nghĩ, nếu có thể thì chắc bố gọi cậu ta là "Hàn thiếu gia" mất.
Thì ra cậu ta là là Hàn Thuật, đúng rồi, Hàn Thuật, cậu con trai mà cô chẳng nhớ nổi tên. Cát Niên còn học cùng nhà trẻ với cậu ta một năm. Người ta thường nói người lâu ngày không gặp thì diện mạo sẽ thay đổi. giờ đâu chỉ có diện mạo, dường như đã thay đến mấy lớp da rồi ấy chứ. Người lùn đeo kính vừa gầy guộc vừa nực cười năm xưa lại trở thành cậu thiếu niên thanh nhã đầy tự tin, con gái ngưỡng mộ xếp hàng dài, còn cô gái từng là nàng công chúa Bạch Tuyết lớn lên lại thành cô thiếu nữ ngu ngốc bám gót hoàng tử bạch mã.
"Bố, con vào được không?" Cát Niên nắm chặt dây ba lô. Nhiều lúc cô nói với chính mình rằng, con người phải biết cách bỏ qua cho chính mình, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng.
"Chú Tạ, không phải chú nói Cát Niên não có vấn đề đó sao?" Hàn Thuật nói thẳng không câu nệ gì, dường như cậu không nhìn thấy sự hoảng hốt trên mặt Tạ Mậu Hoa, có lẽ ở đây cậu ta chưa từng phải để ý đến sắc mặt của ai hết.
Cát Niên không đợi bố trả lời, cô len qua khe hở giữa bố và cửa để vào trong, trước khi vào cô ngoảnh lại nhìn Hàn Thuật một cái.
Ánh mắt đó khiến Hàn Thuật cảm thấy rất bối rối vì lỡ ăn dưa bở cảm thấy Tạ Cát Niên nhiều năm không gặp đang hỉ hả trước sự ngốc nghếch của cậu.
- Chương 1 - Chiếc gương của Hàn Thuật
- Chương 2 - Tương phùng sau 11 năm
- Chương 3 - Tình yêu có thể mất đi nhưng cảm giác tội lỗi thì không
- Chương 4 - Ai lúc này cô đơn sẽ cô đơn mãi
- Chương 5 - Tình yêu là nỗi đau mà chúng ta không nỡ trút bỏ
- Chương 6 - Sống lâu là nhờ bất động
- Chương 7 - Hàn Thuật & Cát Niên
- Chương 8 - Mười một năm qua đi rồi, nhưng cuộc đời này vẫn chưa hết
- Chương 9 - Hàn Thuật, đây là chuyện của tôi
- Chương 10 - Cho anh nhìn về em – 1997
- Chương 11 - Ai chẳng có một giấc mơ như vậy
- Chương 12 - Hãy nói đi, nói rằng anh có lỗi với em
- Chương 13 - Chưa kịp bắt đầu đã kết thúc
- Chương 14 - Tôi tha thứ không có nghĩa là tôi đã quên
- Chương 15 - Từ bướm đến nhộng
- Chương 16 - Thế giới hoàn mỹ của một con người
- Chương 17 - Vu Vũ, Vu Vũ!
- Chương 18 - Duyên phận ở lòng bàn tay
- Chương 19 - Lâu ngày không gặp, diện mạo sẽ thay đổi
- Chương 20 - Hãy đưa tớ đi
- Chương 21 - Dược thành bích hải nan bôn
- Chương 22 - Tớ luôn dõi theo bước đi của cậu
- Chương 23 - Nhà vua và dân lành
- Chương 24 - Ai sẽ thích bạn Kazuma
- Chương 25 - Thất thương quyền, tiên thương kỷ, hậu thương nhân
- Chương 26 - Thiếp ở phía Nam Vu Sơn.
- Chương 27 - Sự chờ đợi ngọt ngào
- Chương 28 - Thề nguyện là sự trông chờ vô vọng nhất thế gian
- Chương 29 - Sao cậu không thi đua với bà Marie Curie ấy!
- Chương 30 - Không có ai là không thể thay thế
- Chương 31 - Một hạt mưa trên Vu sơn
- Chương 32 - May áo cô dâu cho người khác
- Chương 33 - Đừng tốt với tôi như vậy
- Chương 34 - Nhớ chào tạm biệt
- Chương 35 - Ai là cặp đôi của ai
- Chương 36 - Câu chuyện hóa thành bươm bướm
- Chương 37 - Sự tự do duy nhất
- Chương 38 - Cậu ấy ở đâu?
- Chương 39 - Cậu ta không phải cậu
- Chương 40 - Tạm biệt Cát Niên
- Chương 41 - Thế giới là một màu xám xịt
- Chương 42 - Hãy để quá khứ trở thành dĩ vãng