Chương 10 – Mười tám tuổi, thời gian như dòng nước trôi
Nghe đồn còn sông ngoài thị trấn này từng lấy đi không ít mạng người.
Gần đây là một bà quả phụ ở thị trấn trên, bà quả phụ này là người miền núi, con của bà hồi trẻ đã sớm đi vào con đường tội lỗi, trốn chui trốn lủi hai năm, cuối cùng vì phát hiện giết người mà bị phán tử hình, lúc xử án vừa tròn hai mươi lăm tuổi.
Mười ba năm sau, trấn trên phái xuống một cảnh sát chuyên môn rất cao đi bắt tội phạm cướp bóc, bởi vị bọn cướp bóc này làm hại bạn gái của anh cảnh sát kia, nên anh ta không dễ gì bỏ qua. Vụ án được hé mở, không chỉ chứng thực tội danh cướp bóc của bọn này, còn điều tra ra bọn chúng từng giết một mạng người mười ba năm trước. Đến tận lúc này, con của bà quả phụ ấy mới giải được nỗi hàm oan.
Bà ấy nghe thấy tin kích động này, suốt đêm chạy đến thắp cho con mình nén hương. Còn có đài truyền hình đến phỏng vấn bà lão, cũng mang cho bà lão cờ thưởng để bà lão trao cho viên cảnh sát phá án kia, ngày hôm sau lấy tiêu đề "Cảnh sát gương mẫu XX nhận cờ thưởng từ tay bà mẹ bảy mươi tuổi có con bị hàm oan" để lên trang đầu nhật báo.
Tên thị trấn nhỏ được xuất hiện trên mặt báo làm cho mọi người thật phấn khởi. Mà lúc mọi người phấn khởi truyền tay nhau tờ báo này, vào buổi chiều hôm ấy, bà lão nhảy sông tự vẫn. Mặc cho mắt thấy mọi người nhảy xuống cứu vớt, bà lão vẫn tự sát thành công.
Tôi ở bờ sông hóa vàng mã buổi chiều, xuyên qua làn nước trong xanh, giống như thấy bóng hình bà cụ in dưới đó.
Ngẩng đầu nhìn lên trời xanh, cúi đầu nhìn dòng nước lặng lẽ, phạm vi mười dặm không có bóng người, vừa đúng không khí trang nghiêm của nghi lễ tự sát. Tôi nghĩ sớm cũng là đi, muộn cũng là đi, nhảy vào con sông này còn có những người đi trước làm bạn, may mắn thì trôi đến nơi nào xa xôi, cũng giúp người nhà bớt phải bỏ tiền mua một cỗ quan tài, vì vậy có chút nóng lòng muốn thử. Đang lúc chuẩn bị nhắm mắt nhảy xuống, dường như nghe có một giọng nói: "Cô gái, cô có đói bụng hay không, nếu đói bụng thì đừng nhảy cầu, bằng không chết rồi cũng vẫn bị làm con ma đói, mà bị đói thì rất khổ, rất khổ đấy."
Tôi kinh sợ, cảm thấy bụng quả thật hơi đói.
Rất nhiều năm sau, tôi nghĩ, nếu khi đó không phải có giọng nói kia khuyên can, nhất định tôi đã nhảy xuống rồi.
Cho dù đã được chủ nghĩa Mác vũ trang, hơn nữa lúc thi chính trị cũng được đến chín mươi mốt điểm, nhưng đến nay tôi vẫn vững vàng tin tưởng giọng nói bên bờ sông năm đó là của bà quả phụ kia. Sở dĩ bà lão cứu tôi là vì mẹ tôi đã tự bỏ tiền túi ra giúp bà mua một cỗ quan tài an táng, để bà ấy không phải phơi thây nơi sông nước. Có thể thấy được, người làm thì có trời biết.
Nhưng tôi đã hạ quyết tâm tự sát, hơn nữa cho rằng chỉ có tự sát mới có thể có một cuộc sống tốt hơn.
Về nhà ăn no chút cơm chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tự sát, bên ngoài tiếng ho khan của bà ngoại liên tục truyền vào, tôi lấy ra con dao sáng chói mua hồi trưa hôm nay.
Nửa ngày tôi mới tìm được động mạch cổ tay, vừa mới tìm xong, lưỡi dao mới hạ xuống một chút, Nhan Lãng ba tuổi nghiêng ngả lảo đảo chạy vào. Nó vừa nhìn thấy hung khí trên tay tôi, cũng nhìn thấy cổ tay đã bắt đầu rướm máu lập tức òa khóc lớn lên. Bà ngoại ở bên ngoài vất vả kìm lại trận ho: "Lãng Lãng khóc cái gì vậy?"
Tôi nói: "Không có gì, không có gì, thằng bé đái dầm ra quần thôi."
Bà ngoại không nói nữa, lại một trận ho khan dồn dập.
Tôi ôm Nhan Lãng hôn một cái nói: "Con ngoan, con ra ngoài chơi một lát đi."
Nhan Lãng không hề động đậy.
Ba năm trung học của tôi vì yêu sớm mà bận tối ngày tối mặt, thời gian ở cạnh Nhan Lãng quá ít, không hề phát hiện nó đã trở nên thông minh hiểu chuyện như thế.
Nó mang theo khuôn mặt nức nở hỏi: "Mẹ, có phải mẹ sắp chết không?"
Tôi nói: "Không có, chỉ là hai ngày rồi nóng quá nên chảy chút máu."
Nó nói: "Gạt người, trên TV có diễn cái này, mẹ sắp chết."
Tôi cảm thấy kinh ngạc trong lòng, nói: "Nếu mẹ thực sự muốn chết thì sao?"
Nó lập tức nói: "Mẹ không cần Lãng Lãng nữa sao?"
Tôi nói: "Con xem, bà ngoại ngồi tù, cụ ngoại lại bệnh nặng như vậy, mẹ không được đi học đại học, cũng chẳng có công việc gì, không nuôi nổi con rồi."
Nó nói: "Mỗi ngày con chỉ ăn một chút cơm."
Tôi nói: "Con chỉ ăn một chút cũng vô dụng, cụ ngoại cần ăn cơm, mẹ cũng cần ăn cơm, sẽ ăn hết cơm mất."
Nó nói: "Vậy con một chút cũng không ăn, để hết cho cụ ngoại ăn, để hết cho mẹ ăn."
Tôi nói: "Con ngốc, không ăn cơm sẽ đói chết."
Bị tôi nói như vậy, nó không nghĩ ra cách phản bác nào, đành nói sang chuyện khác, nước mắt ầng ậc trong hốc mắt, sốt ruột hỏi: "Nếu mẹ chết Lãng Lãng phải làm sao bây giờ?"
Mà tôi, rốt cuộc không nhịn được rơi lệ, tôi nói: "Mẹ cảm thấy mệt mỏi, không chống đỡ được. Sau khi mẹ chết đi sẽ có các cô đem con đến một nơi có rất nhiều bạn bè, mỗi ngày đều có cơm ăn, còn có nhiều đồ chơi để chơi nữa."
Nó càng tiến sâu vào trong lòng tôi nói: "Mẹ, vậy mẹ đưa Lãng Lãng theo đi. Con biết nơi mẹ nói là cô nhi viện, trước kia bà ngoại cũng thường nói, Lãng Lãng không nghe lời sẽ đưa Lãng Lãng đến cô nhi viện. Những đứa trẻ ở cô nhi viện hay bắt nạt người, không giống như mẹ nói, Lãng Lãng nhất định sẽ bị bắt nạt đến chết." Nói xong nó sợ hãi bật khóc.
Ký ức cuối cùng của tôi về đêm hôm đó, là bà ngoại khó khăn dựa vào khung cửa, hốc mắt hõm xuống ứa nước mắt, tôi ôm chặt lấy Nhan Lãng đau lòng khóc, hoa quế phiên phiến bay ngoài cửa sổ, mang theo mùi máu tươi thoang thoảng. Mà nghỉ hè mười tám tuổi năm ấy, là lần cuối cùng tôi ngửi được mùi máu tươi trong không gian, cho dù từ nay về sau có như thế nào, cũng không bao giờ tôi lại lựa chọn con đường tự sát.
Cuộc sống giống như một chuyến đi dài, chỉ cần có thể vượt qua giới hạn cuối cùng của khổ đau, sức chịu đựng của con người sẽ tự động được nâng cấp. Sau khi tự sát, tuy thể năng của tôi không được nâng cấp, nhưng lý chí dường như trở thành người bất tử, vận mệnh cũng không còn tối đen như thời gian trước.
Ngoài tháng tám, thế nào tôi lại nhận được thư trúng tuyển của đại học F.
Đại học F là một trường đại học ở vùng biên giới, bởi vì quá hẻo lánh nên đã sắp đóng cửa, chỉ thích hợp với những kẻ có tiền không thi được đại học. Tôi vốn đã định bỏ cuộc, nhưng ngày hôm sau có một xí nghiệp nông sản tìm đến, hy vọng giúp đỡ tôi học hết đại học, điều kiện tiên quyết là tôi phải giúp đỡ bọn họ làm nhân vật chính quay một bộ phim chuyên đề về xí nghiệp của bọn họ, bộ phim chuyên đề này để chứng minh rằng xí nghiệp của bọn họ là một xí nghiệp cực kỳ có ý thức trách nhiệm.
Vốn dĩ tôi muốn bọn họ đem tiền giúp tôi đi học để giúp bà ngoại tôi chữa bệnh, nhưng bọn họ cho rằng số tiền giúp đỡ bà ngoại tôi chữa bệnh sẽ không làm nổi bật được sự quan tâm của bọn họ tới nền giáo dục Trung Quốc, huống hồ quan tâm đến một bà lão chẳng sống được bao lâu nữa làm gì, bây giờ thịnh hành giúp đỡ sinh viên nghèo hơn.
Tôi cùng ông ta cò kè mặc cả đến giữa trưa, ông ta vỗ gáy: "Cô gái này thật khó nói, quên đi, quên đi, coi như tôi làm việc thiện, thuận tiện giúp đỡ cô chữa bệnh luôn cho bà ngoại vậy, nhưng cô phải trở thành người phát ngôn trường kỳ cho xí nghiệp chúng tôi, hàng năm đều phải quay một bộ phim chuyên đề. Aiz, cô cũng thật may mắn, nếu trước đây một thời gian, không phải tôi đi công tác nên các sinh viên nghèo khó xung quanh đã bị đối thủ cạnh tranh giúp đỡ hết rồi thì cô có thể hời như vậy sao?"
Tôi nói: "Đúng đúng, là tôi may mắn, là tôi may mắn."
Thật sự tôi cảm thấy mình may mắn lắm.
Trước khi vào đại học, tôi đối với mười tám năm làm người của mình đưa ra một kết luận nhỏ, con người ta rất khó hiểu, đau khổ đắng cay là điều không tránh khỏi, nhưng việc duy nhất làm cho tôi tiếc nuối là, những khi hạnh phúc chưa bao giờ biết trân trọng, mà đợi đến khi bất hạnh lại nhớ lại những hạnh phúc đã qua, lúc đó mới cảm thấy tiếc nuối khổ đau.
Hạnh phúc là thứ duy nhất không giống kinh nguyệt của phụ nữ, một tháng đúng ngày đến một lần, lần này không được thì chuẩn bị tốt chờ lần sau tiếp tục điều chỉnh. Mà đó là chiếc vé tàu, quá hạn rồi chẳng cách nào dùng được. Vì thế, tôi đưa ra một quyết định, quyết định trong cuộc đời này, không bao giờ ngu ngơ trong hạnh phúc nữa, cho dù hạnh phúc chỉ lộ ra một cái đuôi, cũng phải cố gắng hết sức bắt lấy. Hơn nữa, chuyện không vui hãy để theo gió bay đi, từ nay về sau làm người một lần nữa.
Từ khi đó tôi bắt đầu thử quên, quên mùa hè cấp ba năm đó.
Nhưng chủ động quên đi là chuyện cực kỳ khó khăn, phải tìm cái gì đó hỗ trợ, vì vậy tôi ra nhập câu lạc bộ tâm lý trong trường để cuối mỗi tuần đều có thể được tư vấn tâm lý miễn phí của thầy giáo. Mà dưới sự tận tình tư vấn của thầy, mảng ký ức này quả thực mơn mởn trưởng thành, mỗi chi tiết đều hiện lên sống động, làm cho tâm hồn của tôi trường kì bị bao phủ trong mùa đông băng giá, nhu cầu cấp bách cần một món soup gà cho tâm hồn[1], mà ngay cả khoa học cũng không thể thành soup gà cho tâm hồn của tôi, thật làm cho người ta tuyệt vọng.
Sau đó, tôi lại đọc tạp văn của Lỗ Tấn, nghiên cứu "Vì quên mất kỷ niệm", đoạn thứ nhất viết thế này: "Tôi sớm đã muốn viết văn, viết về kỉ niệm với vài tác gia trẻ. Điều này không phải vì gì khác, đơn giản là hai năm nay, sự bi phẫn lúc nào cũng gõ mạnh vào cõi lòng tôi, đến nay vẫn không ngừng nghỉ, tôi rất muốn mượn việc này xem như an ủi bản thân mình, đưa mình thoát khỏi đau thương, cho chính mình thoải mái một chút, nói thẳng ra, chính là tôi phải quên bọn họ đi thôi." Lời này làm tôi rung động rất lâu, làm cho tôi trong phút chốc có một cảm giác muốn chuẩn bị viết một cuốn sách, cũng để cứu rỗi bản thân mình, giúp chính mình quên đi những cái đã qua, tiếp nối người trước, mở đường cho người sau.
Từ mười sáu tuổi đến mười tám tuổi tôi đã làm nhiều việc có lỗi lắm, không quên được sẽ không bao giờ có đủ dũng khí để tiếp tục sống một cuộc sống tốt đẹp.
"Sám hối" viết trong hai năm, được cô giáo của tôi nhìn trúng, sau khi trau chuốt, dùng một bút danh thật quằn quại để xuất bản.
Khi đó đang thịnh hành dòng văn học trẻ đau thương, đó là lừa gạt, đấu đá, phản bội, tri âm, liều mạng, những thứ đó luôn được độc giả rất ưu ái. Mà "Sám hối" lại có sự lừa gạt đấu tranh, có tin tưởng và phản bội, quả thực là đủ cả, huống hồ cô giáo còn giúp tôi sửa chữa lại kết cục, biến nó thành một hồi bi kịch đau thương, xây dựng hình ảnh một cô gái bi thảm chồng bi thảm, đau đớn thêm đau đớn, chịu vết thương khi còn trẻ, vì thế được độc giả đánh giá rất cao.
Cô giáo giúp tôi sửa lại kết thúc như thế này: Nữ chính Tống Tiểu Mễ ôm bà ngoại đốt nhà tự thiêu thành công. Mẹ của Tống Tiểu Mễ biết tin này lập tức tự sát. Nhiều năm sau, trưởng trấn trước vẫn giữ lại một chút vết tích. Nam nhân vật chính đưa theo vợ và con gái đến tiếp nhận chức vụ trưởng trấn, việc đầu tiên của trưởng trấn mới là quy hoạch lại quảng trường. Ngôi nhà Tống Tiểu Mễ tự sát năm đó bị san bằng, bên trên dựng lên một khu chung cư, nam chính vì phát động mọi người đến mua khu chung cư này, chính mình đã làm gương mua trước một phòng, từ đó về sau cùng vợ và con gái sống cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.
Lần đầu tiên khi tôi nhìn thấy kết cục này đã cảm thấy, nếu năm đó tôi nghĩ sai, cố gắng tự sát, có khi sự việc sẽ phát triển đúng như thế này.
Lâm Kiều và Tô Kỳ cùng con gái bọn họ sống những ngày vui vẻ hạnh phúc, nhiều năm sau, bọn họ đều quên ở khi thời thanh xuân nổi loạn đã từng quen biết một cô gái tên Nhan Tống, cô gái đó đã bị bọn họ hại nhà tan cửa nát, không chịu đựng nổi liền cùng người nhà tự sát.
Tôi càng nghĩ càng nhập tâm, càng nhập tâm lại càng cảm thấy may mắn vì mình còn sống.
Sau khi tốt nghiệp chính quy, vì nghề bắt buộc nên tôi lại phải học tiếp, tôi thành công thi đỗ làm nghiên cứu sinh khoa Trung văn đại học T. Sức khỏe bà ngoại cũng tốt dần, hơn nữa với tiền nhuận bút của "Sám hối", bà có thể vào viện dưỡng lão ở trấn trên, mà Nhan Lãng chuyển trường học đến thành phố C theo tôi. Khi hạnh phúc sẽ hiểu được thế nào là chắt chiu hạnh phúc, tôi cảm thấy hiện tại, tôi hạnh phúc lắm.
Con đường sâu hun hút, khí lạnh át người, một cô gái đậm người đi qua chúng tôi, liếc mắt nhìn một cái, đột nhiên vắt chân lên cổ chạy. Tôi nghĩ hiện trường này thật giống cướp đường, cô gái kia nặng nề như vậy mà còn có thể bước đi như bay, tiềm lực của con người thật không thể lường được.
Đôi mắt đẹp của Lâm Kiều sau gọng kính vàng, thâm sâu mà trầm mặc.
Một cơn gió lạnh tạt vào mặt tôi, tôi run run một chút rồi nói: "Ừm, tôi rất tốt, mấy năm nay rất tốt."
Anh ta không nói chuyện, sau một lúc lâu, đưa tay nâng cằm tôi: "Em khóc?"
Tôi sửng sốt lắc mạnh đầu: "Mẹ nó, cát rơi vào mắt đỏ lên chút không được à. Mấy năm nay tôi sống chết thế nào liên quan gì đến anh? Con mẹ nó, đồ biến thái."
Anh ta cứng người lại, Tôi thừa dịp đó giãy ra chạy nhanh như chớp.
Được một đoạn quay đầu lại nhìn, anh ta vẫn còn đứng dưới ngọn đèn thất thần.
[1] Tên một series sách vun đắp tâm hồn cải tạo thái độ sống =]
- Chương 01 – Gặp lại anh giờ đây đã không còn như xưa
- Chương 02 – Đâu hình bóng cũ
- Chương 03 – Chu Việt Việt đi xem mặt
- Chương 04
- Chương 05
- Chương 06 – Bao năm qua, em sống có tốt không?
- Chương 07 – Chúng ta là bạn bè cả đời
- Chương 8
- Chương 09 – Mùa hè năm ấy lạnh thấu xương
- Chương 10 – Mười tám tuổi, thời gian như dòng nước trôi
- Chương 11 – Bạn gái của hắn
- Chương 12 – Chuyển đến cùng nhà
- Chương 13 – Tại sao em lại bảo vệ tôi?
- Chương 14 – Lolita trong danh bạ?
- Chương 15 – Ngọc Mãn Lâu
- Chương 16 – Ngày hôm qua không dễ lãng quên
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20 – Yên tâm yêu tôi
- Chương 21 - Không có gì phải sợ, mình bảo bọc cho cậu
- Chương 22 – Tần Mạc, chúc mừng sinh nhật
- Chương 23 - Bánh Trứng, tám năm không gặp
- Chương 24 - Nếu vận mệnh cũng có dáng hình
- Chương 25 - Sẽ có một cô gái tốt ở bên anh
- Chương 26 - Chúng ta đã bỏ lỡ tám năm
- Phiên ngoại 1 - Chiếc chai thở dài
- Phiên ngoại 2 - Vượt tường (Hết)