Chương 30
Lưu Giác vui vẻ đi vào tướng phủ đã thấy Lý tướng ra đón. Dù chàng không thích ông ta, về danh nghĩa Lý tướng vẫn là nhạc phụ đại nhân của chàng, thấy Lý tướng mặt mày hơn hở, chàng cũng mỉm cười thi lễ, chàng được nghênh đón vào chính đường tướng phủ, hàn huyên mấy câu.
Lý tướng lòng thấp thỏm không yên. Địa vị của Cố tướng đã nâng một bậc, trở thành quốc trượng, còn trưởng nữ Thanh Lôi của ông lại bị giam lỏng cùng thái tử, không lâu nữa sẽ chuyển đến biệt uyển ở ngoại ô phía đông; thứ nữ Thanh Phỉ gả cho Thành Tư Duyệt không cao không thấp. Duy có đứa thứ ba, cơ hồ có nhiều vương vấn tình cảm với tân vương và Bình Nam vương. Cảnh diễn ra ở phủ An Thanh vương ông vẫn còn nhớ. Nếu Thanh La có thể gả cho vương thượng, không được làm hoàng hậu thì cũng làm quý phi, lại là quý phi được sủng ái nhất, địa vị của ông ta và Cố tướng sẽ ngang nhau. Sau này biết đâu có thể A La hạ sinh hoàng tử, nhờ mẫu thân được sủng ái mà hoàng tử được lập làm thái tử.
... Nhưng, cha con An Thanh vương... Trong đầu ông bao ý nghĩ xáo trộn, nhanh chóng đưa ra phán đoán mới. Vừa đăng cơ, tân vương quyết không gây ra chuyện cướp vợ của đại thần, hơn nữa, đại thần này lại không phải là người bình thường, mà là con ruột của lão vương thúc, là Bình Nam vương đại thắng quân Trần ở Lâm Nam, uy chấn thiên hạ, có công đắc lực phò tá tứ điện hạ lên ngôi! Hôn sự với Bình Nam vương đã chắc như đinh đóng cột, không còn nghi ngờ gì nữa.
Lúc này Lưu Giác đã vào đến cửa, chắc là đang lo lắng cho A La của chàng, nên ngữ khí của Lý tướng càng thêm thân mật và phỉnh nịnh: "Hiền tế à, con quả là tỏ rõ thần uy, trong trận Lâm Nam đã uy phong hiển hách, nghe nói quân Trần mới nghe danh đã tháo chạy! Lần này đôi mắt tinh tường lại lựa chọn đúng minh chủ, vương gia quả thực là phúc của Ninh quốc! Tiểu nữ có thể được đấng phu quân như thế, là phúc ba đời nhà ta!". Lưu Giác vừa nghe khắp người đã nổi da gà, nhe răng cười: "Tướng gia quá khen, đó là do vương thượng anh minh, dụng binh như thần! Lại thêm nhạc phụ đại nhân và quần thần cúc cung tận tụy, mới sáng suốt vạch trần ác tâm cùng mưu đồ của họ Vương, để không khiến vương thượng ta rồng ẩn biển khơi!".
Lý tướng giật mình, cười gượng, Bình Nam vương này thật có tài ăn nói.
Lại hàn huyên chuyện trên trời dưới bể một hồi, Lý tướng cuối cùng nhìn ra tâm trạng nôn nóng trong vẻ bề ngoài lịch duyệt cung kính của Lưu Giác, mới gõ vào đầu làm bộ nhớ ra: "Ôi chao, đầu óc ta, A Vân, mau đưa Bình Nam vương đến Đường viên thăm tam tiểu thư. Tiểu thư đã tỉnh chưa?".
"Vâng, lão gia! Nhưng tam tiểu thư... tiểu thư...". A Vân ấp úng, ngẩng đầu liếc Lưu Giác.
Lưu Giác bật dậy khỏi ghế, mắt nhìn Lý tướng. Lý tướng lòng thầm rên "ô chà", bụng nghĩ, sao mình lại quên đi thăm A La? Rồi ông ta vội hỏi: "Rút cục thế nào, nói mau!". Tay ông đã bắt đầu run.
"A Vân cô nương, xin đi trước dẫn đường". Lưu Giác không chờ nghe nàng ta trình bày, lời vừa nói đã sải bước ra ngoài.
A Vân vẫn còn đứng chần chừ, Lý tướng sực tỉnh, vội đích thân dẫn đường đến Đường viên: "Đi thăm A La, trời ơi hôm nay trong cung nhiều việc, khi Thành Tư Duyệt đưa A La về, biết là không có chuyện gì lớn, lão phu sơ suất quá!".
Lưu Giác trấn tĩnh, cười nói: "Tướng gia là trọng thần của Ninh quốc, hôm nay việc nhiều, Thành Tư Duyệt đã nói không có chuyện gì, chắc là ổn thôi".
Vào Đường viên, Lưu Anh chắp tay hành lễ với Lý tướng và Lưu Giác: "Tiểu thư vẫn chưa tỉnh, nhưng mạch vẫn bình ổn". Ánh mắt nhìn Lưu Giác lộ vẻ lo lắng.
Lưu Giác theo Lý tướng vào phòng, A La nằm thiêm thiếp trên giường, như đang chìm trong giấc mộng, sắc mặt hơi xanh, hơi thở nhè nhẹ. Chàng vội đi đến cầm tay xem mạch, quả nhiên mạch bình ổn, không có bất kỳ biểu hiện khác thường. Chàng khẽ gọi: "A La tỉnh dậy đi, là ta đây, A La!".
Dường như nàng không nghe thấy. Lưu Giác khẽ hỏi: "Thành Tư Duyệt đưa về phủ lúc nào?".
Một nữ tỳ đáp: "Giờ Ngọ ba khắc. Lúc đó Thành thị lang nói, thái y đã xem rồi, tiểu thư chỉ bị mất sức, không có gì lớn".
Mất sức? Bây giờ đã là giờ Dậu, ngủ liền hơn ba canh giờ vẫn chưa tỉnh? Lưu Giác thầm rên, hỏng rồi, không biết Vương Yến Hồi đã giở trò gì trên người A La. Chàng nhìn Lưu Anh, nói với Lý tướng: "Tướng gia xin cứ về nghỉ ngơi, ta sẽ vận công thử xem".
Lưu Anh vội gọi Lý tướng và hai nữ tỳ ra ngoài, cẩn thận đóng cửa, đứng canh bên ngoài.
Lưu Giác nhẹ nhàng đỡ A La dậy, cả người nàng cũng như đang ngủ, dựa vào người chàng, toàn thân như không chút sức lực, như không hề có cảm giác. Chàng lặng lẽ vận huyền công, truyền chân khí vào cơ thể nàng, cảm thấy nội kinh mạch bình thường, chân khí sau khi lọt vào hồi lâu không có dấu hiệu gì bất thường.
"A La! Nàng có nghe thấy không? Nàng có cảm thấy không?". Lưu Giác lại nhẹ nhàng hỏi.
A La không có phản ứng, Lưu Giác hoảng hốt, bất giác ôm nàng thật chặt. Tiếng tim đập và thân nhiệt áp vào khiến chàng hơi yên tâm, mới cảm thấy nàng vẫn còn sống. Lưu Giác hít nhẹ hơi ấm từ cơ thể nàng, nói nhỏ: "Đừng dọa ta, A La, nàng ngủ đủ rồi, dậy đi, tỉnh đi, nghe tiếng tim ta đập này, tim ta đập rất dữ, lòng ta rất bối rối, nàng tỉnh lại đi!". Nói đến câu cuối chàng dường như đã lắc người nàng. Nhưng chỉ có mấy sợ tóc mai lay động, khuôn mặt ngọc của A La vẫn bất động.
Lưu Giác giật mình, lại lo sợ ôm nàng vào lòng, đầu óc đã rối loạn, tình trạng bây giờ của A La ngoài hơi thở, nhịp tim và nhiệt độ, hoàn toàn giống một người đã chết. Chàng không cam lòng, lại ép ra chân khí một lần nữa thăm dò kinh mạch trong cơ thể A La, vẫn không phát hiện có gì khác.
Chàng từ từ đặt nàng nằm xuống, nhìn một hồi lâu. A La rút cục bị làm sao? Chàng cau mày, khẳng định có chỗ nào đó không ổn. Chàng nhảy ra kéo cửa, Lưu Anh nhìn thấy sắc mặt chàng, giật mình hỏi: "Tam tiểu thư...".
"Ngươi không được rời nửa bước, không được cho ai đến gần!". Lưu Giác lạnh lùng lệnh cho Lưu Anh rồi đi đến đại sảnh nói với Lý tướng: "A La không phải đang ngủ, tình trạng nàng ấy rất giống trúng tà. Ta đã lệnh không được ai đến gần, tướng gia đừng lo, ta sẽ tìm được câu trả lời". Nói xong chàng vội vã bỏ đi.
Trong Tùng phong đường, Tiểu Ngọc vẫn yếu ớt nằm trên giường, nghe thấy tiếng động bên ngoài, vội lấy gối kê người ngồi dậy.
Lưu Giác bước vào, trầm giọng hỏi: "Sức khỏe Tiểu Ngọc đang phục hồi tốt chứ?".
"Đa tạ vương gia quan tâm, Tiểu Ngọc không bị gì nghiêm trọng, nghỉ ngơi vài ngày là khỏe. Tiểu thư thế nào rồi ạ?". Tiểu Ngọc mỉm cười nhìn chàng, nàng biết Lưu Anh đã đến Đường viên bảo vệ A La nên cũng yên tâm.
"A La vẫn chưa tỉnh, tình trạng rất lạ, trông thì như đang ngủ. Nhưng nếu đúng như thái y nói, nàng chỉ bị mất sức thì không thể ngủ liền bốn canh giờ không tỉnh, mà lay gọi cũng không tỉnh. Cho nên, Tiểu Ngọc, ta muốn ngươi kể lại chi tiết mọi chuyện xảy ra khi Vương Yến Hồi đưa A La đi!". Chàng nhìn Tiểu Ngọc vẻ nghiêm túc.
Tiểu Ngọc kinh hoàng thất sắc: "Sao có thể như vậy? Khi Vương Yến Hồi gọi thị vệ đưa tiểu thư đi, không có gì khác lạ!". Nàng bắt đầu nhớ lại tình hình lúc đó, "Khi trời sắp sáng, một tốp thị vệ xông vào mật thất. Vương Yến Hồi nói "Muốn chuyển chỗ khác cho tiểu thư, không biết tiểu thư có đồng ý không?". Tiểu thư trả lời "Được, ở đây cũng có thói quen uống trà sáng!". Khi tiểu thư đi ra không hề nhìn Tiểu Ngọc một cái. Sau đó lại qua hai canh giờ, có người vào, xưng là người của Ô y kỵ, đưa Tiểu Ngọc ra, hỏi tình hình của tiểu thư, rồi giao cho một người đưa Tiểu Ngọc ra khỏi cung, thật là không có gì khác thường!".
"Ngươi đừng khóc, Tiểu Ngọc! Khóc cũng chẳng ích gì, nghỉ ngơi vài ngày, khỏe rồi, lại đi thăm A La".
Lưu Giác không có được tin gì hữu ích, từ chỗ Ám Dạ cũng không, lòng như lửa đốt.
An Thanh vương trầm tư suy nghĩ: "Ở địa cung của Vương Yến Hồi có manh mối gì không?".
Lưu Giác mắt sáng lên: "Trong cung đột nhiên có thêm năm nghìn binh mã, liệu có phải họ vào qua đường mật đạo?".
"Rất có khả năng, ta gọi Ám Dạ cùng đi với con". An Thanh vương quyết đoán, "Nhất thiết không được để ai phát hiện hai người, bây giờ là thời khắc đặc biệt, lúc này phát hiện hai người bí mật vào Đông cung, không khéo lại bị nghi là thích khách, khiến quân vương nghi ngờ, không phải chuyện hay".
Việc không thể chậm trễ, Lưu Giác và Ám Dạ dùng khăn bịt mặt như nhau, lặng lẽ từ phía đông thâm nhập vào Đông cung. Vừa hạ xuống tường cung, họ đã phát hiện có một người đang đứng ở Ngọc Ly cung cách đó không xa. Hai người nín thở, Lưu Giác ra hiệu cho Ám Dạ, hai ngày nữa Tử Ly mới đăng cơ, bây giờ vẫn chưa vào Ngọc Long cung, vẫn ở Ngọc Ly cung.
Hai người lặng lẽ lui ra, nhờ bóng cây và bóng đêm, dựa vào trí nhớ âm thầm lọt vào Đông cung.
Đông cung lúc này không còn chút gì không khí phồn hoa náo nhiệt của ngày trước, mà im lìm như ngủ trong đêm, chỉ có hai thị vệ đứng gác, bên trong tĩnh lặng không một bóng người. Ám Dạ bay đến như một làn khói, Lưu Giác thầm thán phục khinh công của chàng ta cao hơn mình một bậc, thân thủ như thế rất thích hợp với nhiệm vụ của Cáp tổ. Thấy chàng ta bám lấy một góc mái hiên, lộn người nhảy xuống dưới với góc độ không thể tưởng tượng, quan sát bên trong nội điện từ kẽ hở của cửa. Nhờ ánh trăng lờ mờ, Ám Dạ thận trọng quan sát khung cảnh tĩnh mịch xung quanh, sau khi tin chắc không có người, mới ra hiệu với Lưu Giác. Lưu Giác nhón chân, lướt tới như con chim, nhanh nhẹn vọt đến. Sau đó một người quan sát động tĩnh, một người khẽ mở cửa sổ, cả hai né người lách vào tẩm điện của Đông cung thái tử phi.
Ám Dạ rõ ràng đã biết bố trí bên trong, mở lối vào địa cung một cách thành thạo, hai người theo bậc thềm đi sâu xuống dưới, sau khi vào bên trong, họ đóng cửa lối vào, tất cả lại trở về tĩnh lặng như chưa bị ai xâm phạm. Nền và mặt tường địa cung đều lóng lánh huỳnh quang, rõ ràng được xây bằng loại đá lân tinh. Hai người lướt nhanh về phía trước như bóng ma trong ánh lân tinh, suốt dọc đường không ai nói một câu, chỉ dùng tay ra hiệu, Ám Dạ liên tục đưa ra tín hiệu tay phức tạp, nói với Lưu Giác các loại bố trí khắp nơi. Hệ thống bẫy ở đây rất phức tạp, chỉ cần đi nhầm sẽ bị trúng bẫy mất mạng, khiến Lưu Giác vô cùng kinh sợ.
Vòng đông rẽ tây, không lâu sau hai người đã tìm được lối vào ngôi điện đá đó. Lưu Giác đại khái hiểu ra, địa đạo bên ngoài chằng chịt quanh co tựa mê cung bao bọc tòa điện, nếu không có người dẫn đường, những con đường lấp lánh lân tinh giống hệt nhau không thể phân biệt được, chỉ có thể quanh co chán chê rồi lại trở về vị trí ban đầu, chàng bất giác khâm phục Ám Dạ.
Ám Dạ cười nhìn chàng, nhẹ nhàng làm mấy động tác tay, ra hiệu bảo chàng, chàng ta ở Cáp tổ, phải thăm dò nắm tin tức, loại bỏ cạm bẫy là một trong những kỹ năng cơ bản.
Lưu Giác đứng trong ngôi điện đá, đưa mắt quan sát, thấy cách lối vào mấy trượng có một vũng máu lớn đã đông cứng, nhưng không thấy thi thể Vương Yến Hồi, liền ngoái đầu nhìn Ám Dạ. Ám Dạ cũng kinh ngạc, lẽ nào có người đã vào đây? Chàng lẳng lặng ra hiệu cho Lưu Giác dừng bước, cổ tay khẽ vẫy đã bắn ra sợi dây mảnh đến mức mắt thường không nhìn thấy, trong nháy mắt đã quấn vào cây cột đá đối diện lối vào ngôi điện, Ám Dạ khẽ giật dây thăm dò.
Lưu Giác đột nhiên cảm giác cách mười trượng có người đi đến, liền khẽ vỗ Ám Dạ. Ám Dạ vẫy tay thu lại sợi dây, hai người vọt lên như hai con dơi, không tiếng động lui khỏi tòa điện, ép chặt người vào một góc địa đạo.
Bên ngoài có năm người đi đến, hình như họ đều biết võ công, sau khi đi vào, họ kiếm khắp trong tòa điện. Hai người nín thở, vận nội công duy trì hơi thở. Một lát nghe thấy tiếng nói: "Vương thượng, không phát hiện địa cung có cửa ra".
Hai người kinh ngạc, không ngờ người đến lại là Lưu Phi.
Tử Ly xem xét kỹ bên trong tòa điện, ngoài ba cây cột hai chiếc ghế đá thì không có vật dụng nào khác. Chàng thẫn thờ đứng gần vũng máu khô, ngẩng đầu nhìn sợi dây thừng lủng lẳng từ trên đỉnh trần, hình ảnh A La lúc đó lại hiện lên trong đầu. Lúc chàng nhìn thấy nàng, A La đã hôn mê, không còn sinh khí. Lòng chàng đau nhói, chỉ hận rằng người bị treo ở đó sao không phải là mình nhưng chàng không dám bước nửa bước đến gần, cuối cùng vẫn không thể không ôm người con gái đang sắp chết trong lòng mình, bây giờ muốn đi thăm A La, nhưng lại không thể ra khỏi cửa cung một bước. Nghĩ đến tình cảnh này, lòng chàng bừng bừng mối hận, trừng trừng nhìn vũng máu khô trên nền. Đột nhiên nhớ tới đôi mắt lưu luyến đau đớn của Vương Yến Hồi trước lúc chết, bất giác thở dài: "Thi thể của thái tử phi đã thu xếp chưa?".
"Đã đưa về am Từ Thiện ở ngoại thành phía đông, chờ an táng".
"Truyền chỉ, hậu táng, đưa vào phi lăng!". Tử Ly thản nhiên hạ chỉ, "Đã không có lối ra, thì bịt chỗ này lại, hủy bẫy, san bằng lối vào mười trượng".
"Tuân lệnh!".
Tử Ly lại ngoái nhìn đoạn dây thừng lủng lẳng trên không, nói tiếp: "Vốn đã lệnh cho Thành thị lang thu xếp chuyện này, ngày mai Thành thị lang đến, nói với y, ở đây đã được niêm phong". Nói đoạn chàng hất tay áo quay ra.
Nghe thấy tiếng chân xa dần rồi mất hẳn, Lưu Giác và Ám Dạ mới dám thở bình thường. Lưu Giác bỗng hốt hoảng, ở đây không có lối ra, Tử Ly muốn niêm phong địa cung, họ làm thế nào ra được? Hai người nhìn nhau nhảy lên, nhanh chóng vọt ra phía lối vào. Vừa rẽ khỏi địa đạo, Lưu Giác kéo Ám Dạ, trên bậc đá trước mặt, những sọt đất đá đã đổ xuống ầm ầm, lối ra sẽ bị bịt kín ngay tức khắc, rõ ràng trước khi vào địa cung Tử Ly đã cho chuẩn bị đất đá lấp lối vào.
Lưu Giác nhún vai, cười: "Được, có thể nói được rồi".
Trong mắt Ám Dạ cũng không thấy sợ hãi, khẽ cười: "Thuộc hạ không tin, Vương Yến Hồi đã bỏ thời gian ba năm chỉ xây được mỗi cái hang đá này. Chúa thượng, xin mời đi theo Ám Dạ".
Ám Dạ thận trọng đi vào trong địa đạo, tay rắc bột đen, rẽ mấy chỗ ngoặt, rồi lại trở về cửa vào tòa điện. Chàng lại từ một đầu khác đi ra, rắc bột màu đỏ đánh dấu, mấy lần như thế, cuối cùng họ vẫn quay trở về cửa tòa điện đó, mắt Ám Dạ đầy nghi hoặc: "Chúa thượng, địa đạo vòng vo, nhưng lại chỉ thông đến tòa điện đá này không hề có cửa ngầm khác".
Lưu Giác cười sang sảng: "Ta cũng không tin Vương Yến Hồi kỳ công xây tòa điện đá như vậy, mà bên trong lại chẳng có thứ gì!". Nói đoạn chàng quay trở vào nhà đá.
Tám cây cột chắc chắn trong tòa điện, không hoa mỹ, hai chiếc ghế đá có thể di chuyển, Ám Dạ gõ từng viên đá lát nền. Đến vũng máu của Vương Yến Hồi, chàng chợt nhún chân, trên hai bức tường phía sau mở ra hai cửa động đen ngòm, từ đó phát ra những tiếng gió "sì sì", Lưu Giác hốt hoảng nhảy dựng, rồi vọt lên không, nhưng không thấy mũi tên nào bay ra, bất giác trợn mắt nhìn Ám Dạ.
"Đã làm chúa thượng kinh động, Lưu Phi dám ngang nhiên bước vào, hệ thống bẫy trong địa cung tất đã bị dỡ bỏ". Ám Dạ nén cười.
Lưu Giác nhìn về hướng mũi tên nhằm vào, chính là vị trí chính giữa bức tường phía trái tòa điện đá, phía trên có một đoạn dây thừng lủng lẳng vẫn còn đung đưa bởi gió hút từ cửa động trên tường do vừa rồi Ám Dạ chạm vào chốt bẫy.
"Hình như là vết kiếm chặt đứt," Lưu Giác vừa quan sát vừa lẩm bẩm, chợt hiểu ra: "Vương Yến Hồi đã treo A La trên đó, định dùng bẫy tên giết nàng ấy?".
Ám Dạ cụp mi mắt: "Đằng nào người cũng đã được cứu, lão vương gia sợ chúa thượng lo lắng, bảo thuộc hạ không cần nói kỹ".
Lưu Giác ngẩng đầu nhìn sợi dây thừng, vừa hận vừa đau. Không biết A La bị treo bao lâu mới kiệt sức như thế, không biết nàng còn trải qua những gì mà đến giờ vẫn hôn mê bất tỉnh.
Chàng thở dài một tiếng, tung người vọt lên, nắm lấy sợi dây thừng, chàng muốn biết A La bị treo ở đây, cảm giác thế nào. Cơ thể chàng vừa buông lỏng, đu đưa theo sợi dây thừng, gió hun hút từ những cửa động dày đặc đen ngòm trước mặt phả vào mặt giống như những con rắn đang phun độc khiến chàng lạnh người.
Lúc đó A La sợ hãi tuyệt vọng thế nào? Nếu Ám Dạ không đến kịp, trận mưa tên dày đặc bắn ra từ những cửa động trên tường... Lưu Giác rùng mình, không dám nghĩ tiếp.
Ám Dạ thở dài nhìn thân hình Lưu Giác treo lơ lửng, có lẽ do quá yêu thành ra loạn trí. Chỗ sơ suất duy nhất trong kế hoạch tính toán chu toàn của lão vương gia là không biết Vương Yến Hồi đã giở trò với A La lúc nào. Chàng cúi đầu, lại tiếp tục gõ tìm trên nền đá xem có manh mối gì có thể giúp họ thoát ra địa đạo đã bị bịt kín này.
Lưu Giác đột nhiên "a" một tiếng. Ám Dạ ngẩng đầu, nhìn thấy Lưu Giác tay nắm sợi dây thừng, mắt nhìn phía trước, sau đó vọt lên, lao thẳng đến phía trên khung cửa tòa điện đá, thò tay lấy ra một cây tiêu nhỏ. Lưu Giác cầm lên quan sát, một cây tiêu rất bình thường, không có gì đặc biệt. Nghĩ một lúc đưa lên miệng thổi, một mũi tên không đầu bay ra, bên trên buộc một mảnh lụa mỏng.
Ám Dạ cẩn thận cầm mũi tên, giở mảnh lụa ra xem, bên trong có mấy hàng chữ nét thanh thoát: "Đặt thân vào vị trí của nàng ta, trải nghiệm nỗi đau đớn của nàng ta, tất là trân trọng nàng ta, yêu nàng ta hết mực. Thanh La bị trúng Thất hồn ngọc dẫn hương của thiếp, cần được ngâm mình một canh giờ trong suối băng ở hoàng lăng trên đỉnh Ngọc Tượng mới có thể tỉnh lại. Bây giờ chỉ có mình chàng mới cứu được nàng ta, thiết nghĩ, trải qua kiếp nạn đó, Lưu Giác ắt không dám tranh giành với Tử Ly nữa".
Ám Dạ đọc xong, lặng lẽ đưa cho Lưu Giác.
Lưu Giác đọc xong tái mặt vò mảnh lụa trong tay. Vương Yến Hồi giỏi lắm, đến trò này mà cũng nghĩ ra.
Muốn giải Thất hồn ngọc dẫn hương chỉ có dùng nước suối băng trong hoàng lăng, suối băng trong suốt, bắt nguồn từ sông băng vạn năm không tan. Di thể các đời hoàng đế Ninh quốc đều được quàn ở hoàng lăng, diện mạo vẫn bảo tồn muôn năm không đổi. Hoàng lăng do các thủ lăng nhân(*) truyền đời canh giữ, chỉ có Ninh vương được vào hoàng lăng, trừ khi băng hà được đưa vào hoàng lăng yên nghỉ, mỗi năm Ninh vương cũng chỉ được một lần vào thăm dung nhan liệt tổ liệt tông. Lúc này chỉ có Tử Ly có thể đưa A La vào tắm ở suối băng để giải Thất hồn ngọc dẫn hương. Như vậy, A La chắc chắn phải là phi tử của hoàng đế Ninh quốc. Nếu muốn Tử Ly đưa A La vào tắm ở suối băng, nhất thiết phải trao A La cho Tử Ly, trở thành hoàng phi của Ninh vương? Như vậy chẳng phải cố tình đẩy chàng và Tử Ly vào nghịch cảnh tranh giành một cô gái sao?
(*) Thủ lăng nhân: Người canh lăng (BTV).
Ám Dạ thấy Lưu Giác toàn thân run rẩy, bất giác thở dài: "Chúa thượng, trên mảnh lụa còn có sơ đồ đường ra phải không?".
Lưu Giác tức giận ngây người hồi lâu, mới nói: "Theo sơ đồ chỉ dẫn thoát ra ngoài hẵng hay!".
Hai người theo ký hiệu trên sơ đồ, ấn vào một chốt bẫy, quả nhiên thấy một chiếc cột di chuyển, lộ ra một bậc thang. Ám Dạ né người nhảy xuống thăm dò trước, Lưu Giác theo sát sau, đi hai canh giờ mới đến một cái cửa bằng đá dày nặng trịch. Họ đẩy cửa bước ra, bên ngoài ánh trăng trong vắt như nước, dãy núi sừng sững nguy nga, có tiếng suối chảy rì rào, sau khi đi ra, cửa đá tự động đóng lại, đẩy lần nữa đã không hề nhúc nhích, thì ra cửa chỉ có thể mở từ bên trong. Sau khi cửa đá đóng lại, hoàn toàn lẫn vào núi, không hề nhìn thấy dấu vết cửa hang đâu.
Lưu Giác quay đầu nhìn, có thể thấp thoáng nhìn thấy cổng thành phía đông, thì ra họ đã ở ngoại thành phía đông. Chàng nhìn dòng suối, đột nhiên nghĩ đến có lần đã cùng A La cưỡi ngựa đến đây, bất ngờ bị đánh lén. Lúc đó chàng đã cảnh giác bố trí, đánh lui những sát thủ bịt mặt, đã nói với A La hãy tin vào chàng, trừ phi chàng chết, chàng sẽ bảo vệ che chở nàng suốt đời suốt kiếp. A La mở to mắt nhìn chàng, như ngây ngất, như cảm động, thời khắc đó... Lại nghĩ đến những lời viết trên mảnh lụa, lòng chàng đau như cắt. A La của chàng! Đôi mắt đó không bao giờ mở ra được nữa sao? Phải trao nàng cho Tử Ly ư?
Chàng không chịu nổi, lập tức nhảy xuống suối trầm mình trong nước. Nước suối mùa xuân vẫn còn lạnh khiến chàng nổi da gà, nghĩ đến lần đầu gặp A La cũng ở bên suối trong Đào hoa yến. Gió thổi tung mái bờm lộ ra đôi mắt lóng lánh như thủy tinh, nghĩ đến lúc nàng bỏ trốn, chàng buồn bã, cũng trầm mình xuống suối như thế này. Nhưng bây giờ, nước suối đầu xuân buốt thấu xương cũng không lạnh bằng trái tim chàng, cái buốt giá chích vào da thịt đau đến mấy cũng không bằng cơn đau từng trận vò xé lòng chàng. Tử Ly lưu luyến không quên A La, sao có thể bỏ qua cơ hội này, cho nên chàng ta nhất định sẽ cứu A La. Nhưng nếu cứu được A La, nghĩa là nàng sẽ trở thành hoàng phi của chàng ta! Hiện thực này quá tàn khốc! A La biết làm sao? Mình biết làm sao? Lưu Giác đằm mình trong nước suối, hai tay nắm chặt. Chàng mở mắt, cách làn nước trong xanh, ánh trăng trên đầu bàng bạc tròng trành như lòng chàng. Lần đầu tiên chàng thấy khó khăn như vậy, lần đầu tiên chàng bất lực như vậy.
Lưu Giác không chịu nổi, từ dưới nước nhảy lên, hai tay đấm mạnh vào mặt nước, đập nát ánh trăng. Hai tay chàng vẫn điên cuồng đấm, khuôn mặt tươi trẻ hồn nhiên của chàng thấm nỗi bi thương khôn xiết. Dần dần chàng kiệt sức, toàn thân bải hoải, ngồi rũ trong nước.
Ám Dạ quay đi không thể nhìn thêm nữa, ánh mắt chứa chan mối đồng cảm sâu sắc, lặng lẽ xoay lưng lại, đứng bên bờ suối, chờ đợi Lưu Giác bình tâm.
Không biết bao lâu, phía sau vọng đến giọng nói bình tĩnh của Lưu Giác: "Về thôi, Ám Dạ, không nên để cha ta lo lắng".
"Cổng thành chưa mở, thuộc hạ nghĩ ta tìm chỗ nào hơ khô quần áo trước đã!". Ám Dạ cung kính trả lời như không nhìn thấy mọi chuyện vừa rồi, lòng khâm phục Lưu Giác đã nhanh chóng bình tâm.
"Được!".
Ám Dạ giơ tay bắn một ống pháo hiệu: "Sẽ có người báo bình an với lão vương gia".
Trời đã tang tảng sáng, cổng thành mở ra, hai người trở về vương phủ.
An Thanh vương đã chờ rất lâu, nghe nói lại tình hình, ngồi lặng trầm ngâm.
"Cha, không còn cách nào ư?".
"Có, chỉ có điều...". An Thanh vương muốn nói lại thôi. Biện pháp chỉ có một, đó là Tử Ly chỉ cần lấy nước ở suối băng ra, dẫn đến nơi tích tuyết vạn năm trên đỉnh Ngọc Tượng, để A La ngâm mình ở đó. Chỉ e Tử Ly không chịu. An Thanh vương nhìn con trai.
Ánh mắt Lưu Giác kiên định: "Cha cứ nói đừng ngại, khó mấy con cũng làm được!".
An Thanh vương quay lưng lại: "Nếu Tử Ly không đưa A La vào tắm ở suối băng trong hoàng lăng thì không cần phải nạp con bé làm phi, tiên hoàng tổ cũng từng lấy nước ở thác băng cứu người, nhưng theo tổ chế phải chịu hình phạt long biện(**), chuyện này con cũng biết".
(**) Long biện: Nghĩa là roi rồng, chỉ việc chịu hình phạt đánh roi (BTV).
Hình phạt long biện... Lưu Giác giật mình. Hình phạt nặng nhất đối người trong hoàng tộc phạm tội chính là long biện. Chiếc roi bện bằng gân giảo long, được chôn sâu nhiều năm trong suối băng, hấp thụ đủ âm khí, hàn khí. Ba roi quất ra, người không có nội công, huyết mạch ngũ tạng lập tức đông kết, nếu người ra roi dùng nội lực, nội tạng có thể sẽ bị dập nát chết tại chỗ. Người có nội công mặc dù không chết, nhưng hàn khí thấm vào kinh mạch, mỗi độ mưa gió, trở lạnh hay tuyết rơi sẽ đau đớn cùng cực, mọi thuốc thang đều vô hiệu!
Long biện nhiều năm ngâm trong suối băng tỏa ra hàn khí người thường không chịu nổi, không cầm nổi roi. Tử Ly muốn lấy nước ở suối băng thì phải chịu ba roi của thủ lăng nhân võ công thâm hậu. Dù người chịu hình phạt có nội công tốt đến mấy, huyết mạch cũng bị tổn thương nặng nề mà sinh bệnh. Cho dù hoàng tộc có linh dược trị thương, không đến nỗi để hoàng đế bị hành hạ đau đớn vào mỗi độ đông hàn tuyết rơi, nhưng mỗi năm vào dịp Đại Tuyết, người chịu hình phạt long biện nhất thiết phải được xông hơi kháng hàn, nghe nói, tiếng kêu thảm thiết của tiên hoàng tổ trong ngày hôm đó vang vọng khắp trong ngoài cung, xuyên thấu tâm can, không ai chịu nổi. Tình trạng thủy hỏa tương khắc, nóng lạnh ép nhau, chỉ nghĩ cũng đã rùng mình.
Giọng An Thanh vương đầy hối hận: "Trăm thứ chu toàn vẫn không tránh khỏi một thứ sơ suất, nếu cha biết hai người đó có minh ước, dù nói gì cha cũng sẽ không đưa A La vào cung, cho dù vào cung, cũng sớm cứu nó ra, không đến nỗi xảy ra chuyện này. Tại cha đã dặn Ám Dạ lựa đúng thời cơ mới cứu người, không cần quá vội vàng. Đều là lỗi của cha".
Lưu Giác trầm lặng rất lâu, An Thanh vương giục: "Con đi thăm A La đi!".
Sau khi Lưu Giác đi khỏi, An Thanh vương cho gọi Xích Phong: "Thất hồn ngọc dẫn hương là thuốc bí truyền của vương thất Hạ quốc phía tây nam, làm sao Vương Yến Hồi có được? Ngươi mau đi tra rõ".
Lý tướng và các phu nhân đang tụ tập ở Đường viên, đứa con gái thứ ba này hiện là hy vọng của cả nhà, vậy mà giờ lại dở sống dở chết thế này. Nữ tỳ lo lắng bẩm báo: "Chỉ làm ướt môi tiểu thư, không bón được thuốc vào miệng".
Tiếng than, khóc lại ào lên.
Lưu Giác nghe vậy lòng như lửa đốt, sầm mặt nói: "Tướng gia cùng các vị phu nhân xin mời về phòng nghỉ ngơi, bản vương tự có cách".
Nghe thấy thế tim Lý tướng cơ hồ nảy lên, Bình Nam vương sắc mặt đã sạm đen! Ông mếu máo gượng cười: "A La đành giao phó cho vương gia!".
Trong phòng A La vẫn đang thiêm thiếp ngủ, sắc mặt càng trắng nhợt. Nếu cứ tiếp tục ngủ nữa, không ăn không uống, nàng chắc chắn sẽ đói khát chết dần chết mòn trong hôn mê.
Lưu Anh bưng lên một bát nước trắng, Lưu Giác đón lấy, hớp một ngụm, mở miệng A La đẩy vào, một tay vận nội công đẩy nước trôi xuống cổ họng, một bát nước nhỏ bón nửa canh giờ mới hết. Chàng nhẹ nhàng lau những giọt nước rớt bên khóe miệng nàng, chỉ bón nước như vậy nàng cũng không thể trụ được mấy ngày.
Lưu Anh lặng lẽ thu dọn bát, đóng cửa đi ra, nhìn Lưu Giác anh ta không chịu nổi.
Lưu Giác ngồi bên mép giường, khẽ khàng vuốt ve khuôn mặt A La, chàng cầm tay nàng lên. Khuôn mặt này từng bướng bỉnh thách thức chàng, đôi tay này từng gảy khúc "Nhớ chàng mà say". Đôi tay này cũng từng ôm chàng rất chặt, A La mới chủ động ôm chàng có một lần. Nghĩ đến đây chàng cảm thấy như có mũi kim chích vào lòng. Chàng không muốn trao nàng cho Tử Ly, A La đã nói nàng thích chàng, chàng cũng chỉ được nghe một lần. Nhưng sao đành ngồi nhìn nàng chết.
Lưu Giác thì thầm nói với nàng: "A La nếu nàng tỉnh lại, người nàng nhìn thấy là Tử Ly, nàng có thất vọng không? Nếu khi tỉnh lại, nàng đã trở thành vương phi của Tử Ly nàng có hận ta không? Ta không thể không cứu nàng, không thể để nàng tiếp tục ngủ thế này, nàng sẽ yếu dần rồi khô héo. A La, tha lỗi cho ta, nếu nàng tỉnh lại, nhất định phải tha lỗi cho ta!".
Chàng vùi đầu vào tay nàng, miệng chạm vào lòng bàn tay âm ấm của nàng. Bàn tay mới ấm áp làm sao! Chàng cầm không được, buông không nỡ: "A La, chỉ cần nàng sống, chỉ cần nàng sống, ta sẽ bất chấp tất cả. Cho dù phải trải qua những gì, chỉ cần nàng không muốn, ta nhất định không để nàng tủi thân! Nếu không chúng ta sẽ chạy trốn, ta sẽ đưa nàng đi, cha sẽ tha thứ cho ta, Ô y kỵ sẽ hiểu ta, ta sẽ đưa nàng đi!".
Chàng thì thầm nói xong, giọng đã nghẹn ứ. Thật bất lực, thật không đành! Nhưng trên đời luôn có bao nhiêu ngang trái bất lực cản trở những kẻ hữu tình. Người đời thường mong cho những kẻ hữu tình cuối cùng được sống bên nhau, chỉ có điều những kẻ hữu tình thường quá khó khăn để được bên nhau! Lưu Giác từ từ đứng lên, đắp chăn cẩn thận cho A La, ngơ ngẩn nhìn nàng, nhìn mãi cũng không đủ. Khuôn mặt xinh đẹp này luôn có ma lực hấp dẫn chàng, luôn khiến chàng hút mắt: "A La nàng cũng không nỡ xa ta phải không? Nhưng ta đành xa nàng... Ta sẽ không bỏ nàng mãi mãi, ta nói được làm được. Nếu có ngày đó, nếu nàng quả thực không chịu được, cho dù phạm tội đại nghịch, cho dù nếu bị bắt chắc chắn chịu tội chém đầu, ta cũng nhất định đưa nàng đi!".
Lại nhìn lần nữa, không, không thể nhìn thêm nữa! Lưu Giác quả quyết đứng lên, không ngoảnh lại, đẩy cửa bước ra.
"Trông nom cẩn thận!".
"Chúa thượng!". Lưu Anh lo lắng.
"Ta đã nói rồi, ngươi có một chủ nhân, chính là nàng ấy". Lưu Giác trầm giọng nói, rồi bước nhanh ra khỏi Đường viên.
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45 - Kết
- Chương phiên ngoại