Thánh đường xưa
Ba năm, nhưng tưởng như lâu lắm rồi Nghi mới trở về quê ngoại. Lại đúng vào dịp Noel. Cô thức dậy vào buổi ban mai, nằm thật lâu trong giường để lắng nghe tiếng chim hót trong những vòm cây quanh vườn, tiếng gầu nước khua vào thành giếng, tiếng ai đó đổ nước vào thùng, và tiếng quét lá...
Ngoại cô thường có thói quen quét lá mỗi buổi sáng. Khi cây cỏ ngoài vườn còn ướt sương, khi những tia nắng đầu tiên chỉ vừa lướt trên những ngọn cây xa tít, nhuộm một màu vàng óng ánh, rất dịu. Bà dồn lá thành một đống to ở góc vườn rồi châm lửa đốt. Lá khô cháy giòn và lá tươi nổ lép bép.
Có những loại lá mà bọn trẻ con gọi là lá nổ, Nghi thường hái bỏ vào lửa, thích thú nhìn chúng nổ tanh tách và phồng rộp lên như cái bánh đa nướng. Cô đã sống những ngày tháng đẹp nhất của mình ở nơi này, một xứ đạo hiền hoà và bình yên. Cô đã trải qua một tuổi thơ trong trẻo và thánh thiện, một mối tình đầu cũng trong trẻo và thánh thiện như thế. Bởi vậy mà mỗi lúc nhớ về quê ngoại, nhớ tuổi thơ là Nghi lại nhớ Đông, nhớ đến da diết. Suốt ba năm đại học, cô chỉ chăm chú vào sách vở, và không rung động trước bất kỳ ai, mặc dù không hẳn là vì Đông, hoặc ít ra cô cũng tin rằng không phải vì anh. Cách đây không lâu cô đã nghe ai đó nói rằng anh vừa làm lễ tuyên thệ, cô có cảm giác lạ lẫm và cố hình dung ra anh trong chiếc áo chùng đen. Cô nhớ mình đã từng nói với Đông rằng cô muốn anh trở thành một nghệ sĩ chơi piano trong nhà hát lớn chứ không phải là một thầy tu chơi đàn ở nhà thờ. Cô luôn nhớ đôi bàn tay mảnh và dài của anh lướt trên những phím đàn tài hoa như thế nào.Và cô nhớ, nhớ mãi cái ngày bà ngoại mất, Đông đứng bên cạnh tháp chuông chờ cô đi lễ ra để ôm choàng cô vào lòng và nói:
-Em phải khóc đi Nghi, tại sao trong đám tang em không khóc.
Và cô đã khóc, khóc mãi trong vòng tay Đông, không một chút e thẹn, ngượng ngùng, chỉ thấy nhẹ lòng vì biết mình được yêu thương và thấu hiểu. Nhưng từ ngày vào thành phố, Nghi đã luôn biết rằng Đông là ký ức, là một mối tình đã qua, nếu như cô có thể gọi đó là một mối tình...
Anh lớn hơn cô vài tuổi. Và là một tu sinh. Lớn lên trong một gia đình ngoan đạo nên ngay từ bé, anh đã biết chắc rằng mình sẽ trở thành tu sĩ.
Còn cô chỉ là một cô bé con gầy gò và lặng lẽ, hát trong ca đoàn của giáo xứ. Bố mẹ cô đều sống ở thành phố, còn cô thì sống với bà ngoại ở giáo xứ yên lành này từ lúc bé xíu. Thỉnh thoảng, bà ngoại lại bảo cô mang lên nhà thờ cho cha xứ những món ăn ngon. Anh thường đàn cho ca đoàn của cô trong những buổi lễ chủ nhật dành cho thiếu nhi. Cô không phải là người hát hay nhất, cũng không phải là cô bé xinh xắn nhất, nhưng anh thương mến cô vì cô rất hiền lành.
Cho đến buổi lễ Giáng sinh năm cô tròn 16 tuổi. Khi ngồi vào đàn, anh gần như không nhận ra là cô đứng ngay bên cạnh, trong chiếc áo dài trắng mềm mại và tinh khôi. Đó là lần đầu tiên anh thấy cô mang áo dài, cũng là lần đầu tiên anh nhận ra rằng cô đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Nhìn nghiêng, gương mặt cô có nét gì đó thật thanh cao và thánh thiện, đôi mắt đen trong veo luôn nhìn thẳng về phía trước. Khi hát, chiếc cổ mảnh mai của cô ngước lên duyên dáng như một con thiên nga trắng: "Cao cung lên,khúc nhạc thiên thần xuống...". Trong một thoáng anh nhận ra rằng anh đã quên mất mình đang ở trong nhà thờ, anh cứ ngỡ như anh chỉ đang đàn cho mỗi một mình cô hát, và anh cũng chỉ nghe có mỗi tiếng hát của cô mà thôi...
Và từ đó, anh để ý đến cô, một điều tự nhiên hơn tất cả mọi điều có thể xảy ra trên thế gian này. Và anh yêu cô, mặc dù anh tin rằng mình chưa bao giờ tỏ lộ cho ai biết, kể cả cô. Anh thấy mình sung sướng khi nghe bạn bè cô kể rằng ở trường, cô là một lớp trưởng rất được nể nang vì học giỏi và năng nổ. Anh thích nhìn ngắm cô cười nói giòn giã với bạn bè, và vô cùng hạnh phúc mỗi khi cô ngừng lại và ý nhị nhìn về phía anh với ánh mắt vừa táo bạo vừa thẹn thùng một cách dễ thương. Mỗi khi tan lễ, cô thường quỳ lại rất lâu và luôn là người ra về sau cùng. Anh đợi cô bên cạnh tháp chuông, chỉ để im lặng trao cho cô một gói kẹo nhỏ, một chùm ổi, hay chùm mận hái từ khu vườn của nhà thờ. Đôi khi, chỉ để hỏi :
-Hôm nay em có vui không?
Và nghe cô thì thầm :
-Dạ có.
Trong những buổi lễ, cô luôn tìm cách đứng ngay bên cạnh chiếc đàn dương cầm, và thỉnh thoảng anh lại mỉm cười với cô, sung sướng khi thấy đôi mắt cô long lanh và đôi môi cô mím lại để cố giấu nụ cười. Không ai biết điều đó, chỉ có anh và cô.
Đôi lúc, trong những giờ đọc kinh tối hoặc sáng, anh bỗng nhớ đến cô và thầm nghĩ: "Mình không muốn trở thành một linh mục nữa, mình sẽ nói với cha xứ là mình không thể trở thành linh mục được". Nhưng chỉ nghĩ đến thế thôi anh đã thấy hoảng sợ. Anh đã sống với vị cha xứ nghiêm khắc này từ lúc còn là một cậu bé lớp hai. Ông đã nuôi anh ăn học và tất cả mọi người trong gia đình đều tin chắc rằng anh không thể trở thành một cái gì khác ngoài một tu sĩ. Anh đã quen với những việc của nhà thờ, quen kéo chuông trước giờ lễ, quen với việc đèn đóm, âm thanh, đàn hát. Quen cả với kiểu sống trầm mặc và cô độc của một người tu hành, lủi thủi trong căn phòng nhỏ và đọc kinh rất nhiều lần trong ngày. Anh không thể dẫm đạp lên tất cả, chỉ vì cô. Anh không thể tưởng tượng được cô sẽ mang đến cho anh điều gì nhiều hơn thứ tình cảm trong sáng và vô hại ấy, thứ tình cảm mập mờ giữa tình yêu trai gái và tình anh em. Và gần như một sự ngây thơ, anh vẫn nghĩ cô là của riêng mình, và sẽ không bao giờ thuộc về ai khác.
Một buổi trưa tháng sáu, nắng đổ chói chang. Anh vừa về đến nhà thờ thì đã thấy cô chờ anh bên cạnh tháp chuông.Cô nhìn anh bằng đôi mắt long lanh chực khóc, và đôi má rám hồng lên vì nắng :
-Em lên xin cha xứ nghỉ hát ở ca đoàn, em phải vào Sài Gòn để học Đại học. Có lẽ... em sẽ ít có dịp về lại đây.
Anh đứng lặng, buông xuôi tay theo thân mình. Lòng xáo động dữ dội nhưng thừa biết mình sẽ không thể làm gì để giữ cô lại.
-Khi nào em đi?
-Chiều nay.
-Chiều nay?
Anh tự hỏi, cô nhìn anh như thế nghĩa là gì. Cô chờ đợi anh điều gì, chờ đợi anh một lời thổ lộ hay hứa hẹn mà anh không thể nào thốt ra được chăng. Nhưng cô chỉ lắc đầu nhè nhẹ rồi nói :
-Anh ở lại mạnh khoẻ.
Anh gật đầu và cô quay lưng đi. Anh chợt thấy lòng mình trống hoác.
-Nghi!
Cô quay lại, nhìn anh điềm tĩnh đến lạ lùng, giống như cô đã biết chắc anh sẽ gọi cô, thậm chí biết chắc sẽ nói gì:
-Em... cố gắng học giỏi nhé!
Cô mỉm cười nhè nhẹ, rồi lại gật đầu và quay đi. Anh đâu cần phải dặn cô như vậy, anh biết chứ. Anh luôn luôn biết rằng cô sẽ là một sinh viên giỏi, cô sẽ làm được điều cô muốn và sẽ trở thành một cái gì đó trong đời, mạnh mẽ và không bao giờ khuất phục. Một cái gì đó, khác anh.
Từ khi Nghi đi, anh thấy mình trở nên trống rỗng và vô vị, nhưng anh chấp nhận sự vô vị đó và gọi nó là "sự bình yên". Anh tiếp tục đàn cho ca đoàn hát, tiếp tục học tiếng Latinh, học thần học, học ngoại ngữ và âm nhạc ở chủng viện. Rồi hai năm sau, anh chính thức khoác lên người chiếc áo chùng đen và đợi thời gian thử thách để trở thành linh mục. Thỉnh thoảng, anh vẫn nghe một vài người nhắc đến Nghi, nhưng anh tin rằng cô như một cơn bão đã đi xa, và lòng anh phẳng lặng trở lại. Anh nghĩ rằng mình đã không nhớ mong Nghi trong chừng ấy năm tháng, không momg muốn gặp lại cô dù rằng anh vẫn dành cho cô một lời cầu nguyện mỗi đêm. Điều đó có nghĩa là Nghi sẽ không bao giờ khuấy động tâm hồn anh được nữa. Anh vẫn tưởng như thế, cho đến một ngày, tiếng chuông Giáng Sinh lại ngân lên binh boong và Nghi trở về...
Đông đứng ngay trước mặt Nghi và vẫn còn kinh ngạc. Từ ngày anh mặc áo chùng, tất cả mọi người đều gọi anh là "thầy", nhưng anh không hề cảm thấy bất bình khi Nghi vẫn gọi anh là "Anh!". Dường như trong thâm tâm, anh chưa bao giờ nghĩ rằng Nghi có thể gọi anh khác đi được. Trong bóng tối, Nghi đẹp một cách kỳ lạ. Đôi mắt trong như không có đáy, cái miệng, và cái cánh mũi hếch lên bướng bỉnh của cô vẫn quen thuộc với anh như thể cô chưa bao giờ xa anh lâu đến vậy. Đông ngửi thấy mùi chanh thoang thoảng từ mái tóc Nghi, có thể, từ đôi môi của cô nữa. Một cách hoàn toàn vô thức, anh đưa tay sờ lên mặt cô, dường như để nhận xem có đúng là cô hay không, hay để chứng thực rằng cô đang thật sự hiện hữu :
-Em vẫn đẹp lắm!
Nghi mỉm cười và anh thấy bàng hoàng cả người, bàng hoàng vì những lời mình vừa thốt ra, bàng hoàng vì anh đã không hề chờ đợi được gặp lại cô, và còn bàng hoàng vì những tình cảm không lường được đang trỗi dậy mạnh mẽ trong anh. Nếu ngày xưa đối với anh cô là một thiên thần tinh khôi thì bây giờ cô là niềm khát khao chực bùng cháy, chực huỷ hoại tất cả mọi thứ. Và Đông biết rõ, chỉ dấn thêm một bước nữa thôi thì cô sẽ là sự lầm lạc của anh, là nỗi ô nhục của gia đình anh, và của tất cả những giáo dân ngoan đạo xứ này.
Nghi ngước mắt lên, và thấy đôi mắt Đông nhìn cô đăm đắm xuyên qua màn đêm, nửa khao khát, nửa sợ hãi. Bỗng dưng, Nghi muốn oà khóc, cô biết Đông không thể vứt bỏ tất cả để ôm choàng lấy cô. Trong bóng tối, cái cổ cồn của chiếc áo tu sĩ nổi rõ lên màu trắng toát, trắng đến đáng sợ. Nó như một nhát dao đâm mạnh vào tim cô. Cô vừa thấy mình tội lỗi, vừa nguyền rủa sự hèn nhát của cô, và cả của anh. Bởi cô bỗng nhận ra mình yêu anh, vẫn yêu anh từ ngày xưa cho đến tận bây giờ, bất kể ba năm trời không gặp, bất kể chiếc áo chùng đen mà anh đang khoác trên người. Cô muốn gục đầu vào ngực anh và kể cho anh nghe cô đã nhớ anh như thế nào, rằng cô đã thèm khát có được sự vững chãi và dịu dàng của anh bên cạnh như thế nào. Rồi Nghi ước gì Đông đừng nhìn cô nồng nàn như thế. Cô lại ước có ai đó đến gần họ ngay lúc này để anh rời xa cô ra. Đông sẽ trở thành linh mục, điều đó là không thể thay đổi, không bao giờ thay đổi được. Nghi biết rằng Đông hiến dâng cuộc đời mình cho việc tu hành không chỉ vì niềm tin, mà còn vì niềm tự hào của gia đình, vì bổn phận và cả vì những tham vọng của bản thân anh. Đó là một con đường đã được vạch sẵn và Đông chưa bao giờ bước chệch khỏi con đường đó.
Có tiếng chuông đồng hồ điểm mười tiếng, chậm rãi. Đông bất giác lùi lại:
- Sắp lễ rồi.
- Phải, sắp lễ rồi.
- Em vào nhà thờ chứ?
- Em không biết.
Đông quay nhìn vào bên trong, ngần ngừ:
- Anh phải đàn cho ca đoàn hát thanh ca.
- Em biết.
Đông cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô và lắc khẽ:
- Có lẽ... anh vào trước, em vào sau nhé!
Nghi gật đầu nhè nhẹ. Nhìn Đông đi như chạy về phía cửa nhà thờ, cô nghe như có cái gì đổ vỡ trong lòng mình. Đó là lúc cô nhận ra rằng Đông sợ mọi người nhìn thấy. Nhưng không thể trách anh được. Không thể trách được. Đời người ta vẫn khổ sở bởi những khát khao bị kìm nén. Có lẽ, cô là phần yếu đuối nhất của tâm hồn Đông. Cô chầm chậm bước ra khỏi cổng giáo đường. Đêm lạnh. Và gió thổi vi vút. Đêm Giáng sinh thường mang đến cho Nghi một cảm giác lạ kỳ, vừa ấm áp, vừa trống trải. Nghi thoáng nghe tiếng dương cầm vang lên điệu nhạc quen thuộc "Cao cung lên, khúc nhạc thiên thần xuống, hoà trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương... Ôi linh thiêng...". Sau lưng cô, tháp chuông bắt đầu ngân lên từng tiếng bing...boong...trong trẻo. Ngay lúc này, Nghi biết mình phải đi xa, xa thật xa, trước khi cô có ý định lôi kéo Đông, hay cám dỗ anh.
Mối tình đầu cũng giống như tiếng chuông vậy. Nó đã qua rồi dẫu ta vẫn nghe như những âm vang của nó còn đọng mãi. Không ai có thể tìm lại một tiếng chuông, cũng không ai nên cố tìm cách giữ lại một tiếng chuông. Hãy để những cơn gió nguyên sơ mang thanh âm ấy đi xa. Nếu không thể tạo nên một điều gì tốt đẹp hơn hiện tại, thì cũng đừng nên phá vỡ hiện tại. Có một thánh đường trong tim anh, tim cô, và những gì cất giấu bên trong đó là thiêng liêng. Nhưng những tham vọng, những bổn phận, cũng như nỗi sợ hãi trước nhân gian bắt họ dừng lại.
Đêm thánh vô cùng, và cánh cửa thánh đường xưa đã khép. Cô chỉ ước một điều, ước gì, nó đừng trở nên hoang phế với thời gian.
- Bữa điểm tâm bằng hồ dán
- Trận đòn mùa khoai mì
- Những chiếc hộp
- Còn tiếng ve sầu
- Khi ta không phải thiên tài
- Ký ức đồng giao
- Lá cuối năm
- Lúc lắc trí oc
- Những chiếc bánh tét con
- Mưa đầu mùa, nhớ ếch om!
- Thương trái mãng cầu bở
- Nhà có cửa hông
- Hãy luôn mở cửa
- Đá mọc trong vườn
- Giấc mơ màu khói
- Hãy đến một nơi xa lạ
- Tìm về núi cũ xem mai nở
- Trong lâu đài kí ức
- Tết bên chồng
- Hãy tìm tôi giữa một cánh đồng
- Sinh nhật bạn thân
- Hoa tường vi buổi sáng
- Giao thừa không ở nhà mình
- Lớp mười hai
- Những chuyện vặt vãnh
- Tạm biệt Rainy
- Khói khuynh diệp
- Pensée
- Tonic và chocolate nóng
- Thánh đường xưa