Pensée
Ta gửi cho người
Vào dịp đầu năm
Những đóa hoa pensée
Vàng rực như tia nắng
Tím ngắt như trời đêm
Những đóa hoa nhớ nhung...
Và hãy gửi trở lại ta
Một ý nghĩ của người....
(SARAH DOUDNEY)
Vườn nhà dì Thương trồng toàn hoa pensée và cúc dại, còn nhớ lần đầu tiên theo mẹ lên thăm dì Thương, tôi đã bước vào khu vườn ấy như bước vào một thiên đường, bằng những bước chân rón rén, khe khẽ, vì sợ rằng nhưng cánh hoa trông quá đỗi mỏng manh đang run rẩy kia sẽ rách toạc ra vì gió mất.
Ngày đó tôi mới bảytuổi. Bây giờ tôi 20, nghĩ cũng hơi kỳ lạ, tôi thấy mình thì lớn lên rõ rệt, còn dì Thương, ngôi nhà và khu vườn vẫn vậy, vẫn chỉ trồng toàn pensée và hoa cúc dại...
- Sao dì chỉ thích trồng pensée ?
- Dì cũng không biết, dì thấy nó đẹp và mỏng manh. Lúc trước dượng Khanh trồng toàn cúc, sau này dì trồng toàn pensée, chỉ để lại một vài khóm cúc dại, để nhớ dượng Khanh.
Và mắt dì Thương trở nên xa xăm...
Lúc tôi xách vali đi ra cửa, mẹ còn dặn:
- Di, con lên đó đừng đi chơi nhiều, ở nhà với dì Thương vài bữa cho dì vui. Nói rằng mẹ cũng muốn lên thăm nhưng công việc làm ăn bận bịu quá...
Mẹ thì bao giờ cũng vậy, suốt ngày không dứt ra nổi cái quầy thuốc Tây lúc nào cũng quây quần khách khứa, mặc dù mẹ cũng mười mấy năm chưa gặp lại dì Thương, và mặc dù trong tất cả các câu chuyện kể về ngày xưa của mẹ, luôn luôn có mặt dì. Ông cố tôi có hai vợ, vợ cả mất khi sinh bà ngoại tôi, ông cố cưới thêm bà hai để chăm sóc con, bà hai sinh mẹ dì Thương.
Mẹ tôi bao giờ cũng nhắc đến dì Thương với vẻ tội nghiệp. Mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ đã chịu nhiều lam lũ, nên khi dượng Khanh hỏi cưới, ai cũng bảo dì Thương may mắn. Dượng Khanh là con một, cũng mồ côi bố, nhưng gia đình khá giả và dượng thì hiền lành, giỏi giang. Ngày rước dâu dượng Khanh rước luôn mẹ vợ về Ban Mê sống chung.
Tưởng rằng dì Thương đã yên phận, có ai ngờ chỉ một hôm sau ngày cưới, dượng Khanh bắc ghế thay bóng đèn nhà tắm thì trượt ngã, đầu đập vào tường, chết ngay không trăn trối. Và trong ngôi nhà gỗ tựa lưng vào một đồi thông, xung quanh trồng toàn hoa cúc dại, từ đó có ba người đàn bà góa sống với nhau, hai già, một trẻ. Năm năm sau, mẹ ruột rồi đến mẹ chồng lần lượt mất. Dì Thương sống một mình.
Có lần tôi hỏi mẹ :
- Dì Thương còn trẻ, đẹp, sao không kiếm một người nào đó ?
- Không đâu, dì không phải là người như vậy. Dì là cô giáo, sống mẫu mực quen rồi.
- Mẫu mực thì không được tái giá sao ?
- Ôi chà, sống một mình mười mấy hai mươi năm rồi cũng yên ổn. Lấy chồng chi cho khổ đời hả con.
Tôi không biết dì Thương có nghĩ như mẹ không, nhưng tôi biết, tất cả họ hàng thân thuộc đều nghĩ như mẹ. Cũng phải thôi, bởi dòng họ nhà tôi loanh quanh cũng đã quen với không ít đàn bà góa. Và người ta nghĩ đàn bà chết chồng thì phải sống vậy suốt đời là điều hiển nhiên.
- Kể cũng lạ, nhìn quanh con thấy đàn bà góa nhiều hơn đàn ông goá, phải không mẹ ?
Ba tôi chen vào:
- Có lẽ vì đàn bà sống thọ hơn đàn ông.
Mẹ cay đắng :
- Mà cũng có lẽ đàn ông ít có người chịu sống lâu trong tình trạng góa vợ, vợ chết cỏ chưa kịp mọc đã rước bà khác về, làm gì có thời gian cho người ta gọi là ông góa vợ.
Ba lắc đầu, còn tôi phì cười vì cái giọng điệu chua chát của mẹ. Mẹ thì bao giờ chẳng chua chát thế, mẹ chỉ ngọt ngào với những bệnh nhân đến mua thuốc của mẹ mà thôi.
Nhưng tôi vẫn nghĩ dì Thương còn đẹp lắm, da trắng tóc mượt, chỉ có điều buồn quá, đôi khi nhìn mắt dì, đôi mắt đen láy, tôi cứ thấy muốn khóc. Không hiểu sao dì có thể sống như thế được, một mình, lặng lẽ và đơn độc.
Có những đêm, chị thức dậy giữa khuya, nhìn ảnh Khanh và thấy lòng trống hoác. Chị khóc không thành tiếng. Dường như mỗi lần nghĩ đến Khanh, chị chỉ nhớ hình ảnh của anh lúc còn sống, nhưng nó cũng mờ nhạt đi mỗi ngày, như một tấm ảnh bị thời gian bào mòn từng chi tiết. Đến độ, nhiều lúc chị tự hỏi người trong ảnh có thật là đã từng hiện hữu hay không? Chị có còn yêu Khanh hay không, chị cũng không chắc nữa, chỉ biết là quen thuộc quá, quen thuộc như cuộc sống này, con đường chị đến trường mỗi ngày, những đồng nghiệp, những người hàng xóm, và những lớp học trò đi qua. Hình như, cũng có đôi khi chị thấy mình trống trải, chị ước mong sự cô đơn có một biên giới để chị phải vượt qua bằng bất cứ giá nào, nhưng không, nó cứ trải rộng ra, dài ra mãi, đến vô tận. Một lần, chị xem cảnh người ta hốt cốt trong ti vi, cảnh người ta nhặt từng cái xương, phủi cát và cho vào bao ni lon. Chị hoảng loạn chạy ra trước mồ anh và bỗng dưng cảm thấy như mình đang rơi vào một cái hố sâu hun hút. Chị nhận ra rằng bao năm qua mình cứ đánh lừa mình bằng một ký ức. Khanh không còn nữa, không còn người đàn ông của chị. Cái chết là vậy. Đằng sau nó có thể có những thứ chị không tài nào biết được, nhưng chắc chắn con người đã từng là chồng chị không còn một chút mảy may nào hiện hữu...
Chiều Ban Mê nhẹ như có tơ rơi, những sợi mây xám tự mình xé nhỏ ra và rơi xuống khắp không gian, lành lạnh, buồn buồn, những cánh pensée vẫy từng phiến mỏng, trông như những cánh bướm đủ màu rập rờn bay trên lá xanh. Dì Thương lẩm nhẩm đọc :
"Ta gửi cho người
Vào dịp đầu năm
Những đóa hoa pensée
Vàng rực như tia nắng
Tím ngắt như trời đêm
Những đóa hoa nhớ nhung.
Và hãy gửi trở lại ta
Một ý nghĩ của người.
- Thơ hay quá.
Dì Thương như không nghe tôi nói, cười tủm tỉm, mơ màng:
- Có một người đàn ông...
- Ông ta thế nào hả dì ?
- Dì không biết. Dì chỉ gặp anh ta một lần.
Đó là người quen của một cô giáo dạy chung trường với chị. Anh ta đến để chụp ảnh những đóa pensée. Hơi phong trần, và trầm mặc. Bàn tay của anh ta ấm áp, mềm mại và đầy tin cẩn khi bắt tay chào chị. Đôi mắt anh ta như biết cười, thỉnh thoảng chúng lóe sáng lên khi anh ta nhìn những đoá hoa, nhưng cũng rất dịu dàng.
Anh ta chỉ hỏi chị sống một mình sao? Chị gật đầu. Anh ta bảo chị có một khu vườn rất đẹp. Chị cười. "Cám ơn." Anh ta nói anh ta thích hoa pensée, chị hỏi tại sao. Và anh ta đọc:"Ta gửi cho người...". Anh ta chỉ đọc một lần, nhưng chị thuộc ngay.
- Dì thích ông ta ?
- Dì không biết...Không...
- Ông ấy bây giờ ở đâu?
- Dì không biết, nghe đâu anh ta đang sống ở nước ngoài với gia đình.
- Có vợ ?
- Dì không biết.
- Sao dì không hỏi bạn dì ?
- Sao dì phải hỏi ? Dì chỉ nói với anh ta có mấy câu.
Tôi nhìn dì Thương, dì lắc đầu khe khẽ, mắt hơi long lanh.
- Dì thích ông ta. Cháu nghĩ vậy.
- Không, dì không nghĩ mình sẽ thích người đàn ông nào nữa, ngoài dượng Khanh.
- Nhưng tại sao? Dượng Khanh không còn, và dì thì sống một mình bao nhiêu năm.
- Dì quen sống thế này. Và người ta cũng quen nhìn dì thế này.
- Sao cứ phải nghĩ đến chuyện người ta sẽ nói gì. Cháu thì cứ sống theo ý cháu, không làm hại ai, không xúc phạm ai, và bản thân mình hạnh phúc. Vậy thôi.
Nhưng làm sao chị có thể sống như thế được. Ba chị mất lúc chị còn trong bụng mẹ. Mẹ chồng chị cũng góa bụa khi mới hăm mấy tuổi. Và họ đã nuôi con một mình, sao chị lại cần phải tìm một người đàn ông?
- Kể cho dì nghe chuyện tình yêu của cháu đi ?
- Mối tình đầu của cháu tên Kha, lúc đó cháu vừa vào năm nhất, lơ ngơ láo ngáo, gặp ngay Kha lãng tử hào hoa, hát rất hay và có cái kiểu phun khói thuốc cực kỳ lãng mạn. Cháu nghĩ mình yêu bởi những điều đó, được sáu tháng thì cháu chia tay vì ngoài những điều đó ra Kha chẳng còn gì khác, nhạt nhẽo, chán chường. Vậy thôi. Bây giờ cháu yêu người khác. Anh ấy thông minh, mạnh mẽ và... nồng nàn. Anh ấy thường đi công tác xa, và mỗi lần gặp lại nhau, môi cháu bao giờ cũng bầm dập vì hôn.
Dì Thương nhăn mặt:
- Lớp trẻ bây giờ có dễ dãi với tình yêu quá không nhỉ ?
- Cũng có thể.
- Cháu thì sao ?
- Dì nghe câu này chưa "Ta đã nhiều phen đau khổ, ta đã đôi khi lầm lỡ. Nhưng ta đã yêu. Chính là ta đã sống"
- Ái chà! Ai nói vậy ?
- Musset! Nói thật, cháu cũng không đồng ý với sự dễ dãi và buông tuồng. Nhưng với cháu, tất cả đều không quan trọng, miễn sao tình yêu chân thành.
Tôi rúc mình trong chiếc chăn dày, chống cằm nhìn dì Thương thay áo.
- Chà, thân hình dì đẹp quá- Tôi cười khúc khích.
- Phù.. đừng nhìn.
- Nhưng...
- Nhưng sao?
- Không sao. Cháu đọc ở đâu đó rằng "Da thịt phụ nữ phải được nuôi dưỡng bằng sự vuốt ve" Có lẽ cũng đúng.
Dì quay mặt đi, dấu nụ cười vào trong làn tóc đen nhánh, lắc đầu.
- Ngủ đi, quỷ ạ, ngủ đi !
Sự xuất hiện của Di dường như làm xáo động cuộc đời chị. Cô có vẻ gì đó rất mới mẻ, đầy sức sống. Nguồn sống như bừng lên, toát ra từ đôi mắt sáng, từ cái miệng tươi, từ bộ ngực căng, và những bước chân dài. Cô khỏe mạnh, trẻ trung và tự chủ. Và những lý lẽ, những quy tắc mà chị nằm lòng bỗng trở nên bất lực trước Di.
Đôi khi, chị cũng nhớ đến bàn tay người đàn ông, ấm áp và mềm mại. Bỗng dưng chị thấy mình như lên cơn sốt. Nóng ran ở hai bàn tay, ở ngực. Chị cố nhớ lại những gì diễn ra trong đêm tân hôn và thảng thốt nhận ra rằng mình không còn nhớ nữa. Chỉ loáng thoáng nhớ rằng mình đã sợ hãi, đã đau đớn và hạnh phúc. Nhưng nó ra sao thì chị không còn nhớ. Chị bỗng nghĩ, phải chăng có một phần của cuộc sống mà chị đã lãng quên.
Và đôi khi, ngồi trước hiên nhà ngắm cả vườn pensée khoe sắc, vừa dịu dàng mong manh, vừa lộng lẫy, chị bỗng nhận ra là mình nhớ đến anh ta.
Ở chơi nhà dì Thương đúng một tuần, tôi về lại Sài Gòn, quay cuồng với sách vở, bạn bè, với học hành và yêu đương. Cho đến hơn một năm sau, vừa về đến nhà, mẹ đưa cho tôi một phong bì và nhăn mặt "Dì Thương lấy chồng rồi. Một ông Việt Kiều li dị vợ". Mẹ đau đớn vì một quyết định trọng đại đến như thế mà dì chỉ cho mẹ biết khi sự đã rồi, mẹ thậm chí chẳng biết mặt chú rể.
Dì Thương không làm lễ ở nhà thờ, không tiệc tùng, chỉ làm một buổi ra mắt nhỏ với đồng nghiệp ở trường rồi đưa nhau đi. Mẹ cằn nhằn: không biết dì Thương gặp hồi nào, không biết ông ta ra sao, có thật lòng thương dì không? Không biết bao điều không biết khác...
Ba cười to "Đúng là đàn bà, có phải chuyện của em đâu mà lo, dì Thương nó cũng đã ba mươi tám rồi chứ có phải mười tám đâu mà em sợ, chỉ cầu mong cho nó hạnh phúc" Tôi mở phong bì mỏng, bên trong chỉ có một tấm thiệp nhỏ, dán một đóa pensée ép khô, và dòng chữ giản dị : "Dì hạnh phúc". Tôi mỉm cười. A, mày mỏng manh làm sao, pensée. Những phiến mỏng xòe rộng và mượt mà như nhung, như những ánh mắt, như những cánh bướm, khẽ lay động trong làn gió nhẹ... Tôi tin là dì hạnh phúc. Mỗi người đều có cách riêng của mình, một cách riêng để sống và hạnh phúc, phải vậy không ?
- Bữa điểm tâm bằng hồ dán
- Trận đòn mùa khoai mì
- Những chiếc hộp
- Còn tiếng ve sầu
- Khi ta không phải thiên tài
- Ký ức đồng giao
- Lá cuối năm
- Lúc lắc trí oc
- Những chiếc bánh tét con
- Mưa đầu mùa, nhớ ếch om!
- Thương trái mãng cầu bở
- Nhà có cửa hông
- Hãy luôn mở cửa
- Đá mọc trong vườn
- Giấc mơ màu khói
- Hãy đến một nơi xa lạ
- Tìm về núi cũ xem mai nở
- Trong lâu đài kí ức
- Tết bên chồng
- Hãy tìm tôi giữa một cánh đồng
- Sinh nhật bạn thân
- Hoa tường vi buổi sáng
- Giao thừa không ở nhà mình
- Lớp mười hai
- Những chuyện vặt vãnh
- Tạm biệt Rainy
- Khói khuynh diệp
- Pensée
- Tonic và chocolate nóng
- Thánh đường xưa