Những chuyện vặt vãnh
Căn nhà thuê triệu rưỡi một tháng, chỉ có bốn người ở. Gia đình cậu mợ khá giả nên thuê nguyên căn nhà đầy đủ tiện nghi này cho Huy trọ học. Hai chị em Giang và chú Khôi- một ông chú họ hai mươi sáu tuổi thất nghiệp- thuộc dạng ở ké, cốt chỉ để trông nom, dọn dẹp nhà cửa và coi sóc giùm quý tử của cậu mợ...
Sáng, Giang lên lớp, trưa ghé chợ rồi chạy vội về nấu cơm, chiều lại cuống cuồng đi học. Cơm nước, chợ búa, giặt giũ mỗi ngày, Giang thấy mình như một bà nội trợ đảm đang, phục vụ một lúc đến ba ông trời con vô tích sự. Ở ké như thế này, hai chị em Giang tiết kiệm được khoản tiền nhà không nhỏ. Nhưng mỗi lần về đến nhà là Giang lại bực phát điên lên khi thấy ba ông tướng nằm dài thượt ra xem tivi, nhà cửa bộn bề nào áo quần, sách vở, báo chí, và đĩa CD của Huy..
Huy đang học năm thứ hai khoa tin học trường dân lập, cao mét tám, dáng thể thao lực lưỡng, nhưng tính khí vô lo như một đứa con nít, suốt ngày chỉ ôm cái vi tính chơi game từ sáng đến tối. Cậu cung cấp tiền một tháng hai triệu, mợ lâu lâu lại dấm dúi một ít, ngoài tiền ăn, tiền nhà đưa riêng cho Giang. Chẳng bao giờ Giang thấy Huy học, chỉ thấy mua hàng đống đĩa CD ca nhạc và game về chất đầy bàn, vứt lung tung quanh nhà. Huy thi rớt cả chục môn, cứ tỉnh rụi đóng tiền thi lại. Khi ở nhà thì dửng dưng với mọi chuyện, chỉ dán người vào máy vi tính và đến kỳ thi lại nhờ chú Khôi dạy cho vài chiêu "quay cóp". Chú Khôi đóng vai trò sư phụ một cách nhiệt tình, bao nhiêu bí kíp thời sinh viên đem truyền thụ hết. Giang nghe, khó chịu ra mặt, lâu lâu lại xen vô một câu. Bây giờ ra đời chỉ có kiến thức thật mới mong đua tranh với người ta, chứ quay bài để lấy điểm cao, tốt nghiệp khá giỏi mà dốt thì cũng thất nghiệp thôi. Nói vậy, chú Khôi cũng chẳng chạnh lòng.
Chú Khôi tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ tại chức, học thêm một năm nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Rồi lang bang hoài không xin được việc. Lâu lâu lại gửi email qua cho bà chị bên Mỹ, báo cáo là tháng sau em đi làm và xin chị ít tiền xài cho tới lúc đó, mà "tháng sau" của chú Khôi thì đợi đến dài cả cổ cũng không thấy tới. Chú Khôi bảo, lương không trên hai triệu một tháng thì nhất định không làm. Giang cãi, người xin việc lúc nào cũng đầy ra đó, khối người giỏi hơn mình. Học chừng đó, năng lực chừng đó mà đòi lương khởi điểm cho cao. Cứ tưởng chỉ mình mình khôn còn thiên hạ ngu hết chắc. Nói dữ vậy, chú Khôi cũng chẳng giận. Tạm thời cứ bơ bơ sống nhờ vào mấy "em", nhờ vào cái vẻ điển trai, có duyên ăn nói, theo như lời chú Khôi là "tán em nào chết em đó".
Hiện giờ chú Khôi đang quen một cô bé nhỏ hơn Giang hai tuổi, bán hàng ở một showroom vải cách nhà trọ một đoạn, mũm mĩm như búp bê. Tuần hai lần chú Khôi không ngủ ở nhà. Giang hỏi thì cười nham nhở :"Thuê phòng!". Giang nhăn mặt, nhìn cô bé ngoan vậy. Vào tay ông này như trứng vào tay ác. Từ hồi Giang học năm một cho đến giờ, bao nhiêu cô gái qua tay chú Khôi, Giang biết hết. Cô nào cũng khờ khạo tin đến bán mạng, khi chia tay thì lại tìm tới nhà khóc nghêu khóc ngao...
Chú Khôi hay kể chuyện về Công, vừa là bạn nhậu vừa là "chủ nợ", đang học Ngoại thương. Công theo đuổi cô hoa khôi của lớp. Ban đầu gia đình cô gái thấy Công dân tỉnh, ở trọ chứ không ngờ nhà Công giàu có tiếng nên phản đối kịch liệt. Năm sau Công mua một căn nhà hai tầng, rộng thênh thang ở Tân Bình, sống một mình, cả nhà cô gái quay lại o bế. Bây giờ, Công thậm chí còn dám rủ "ông già vợ" đi nhậu. Có khi còn kéo bạn bè qua bắt "bà già vợ" nấu nướng nhậu nhẹt nữa. Chú Khôi kết luận, đồng tiền có uy lực riêng của nó. Nó có thể làm thay đổi thái độ của người ta đối với mình, thấy chưa?
Huy vậy, chú Khôi vậy, Giang cứ lo em mình ảnh hưởng, ham chơi mà bỏ bê chuyện học hành. Lâm rớt đại học năm ngoái, ở lại Sài Gòn luyện thi. Tính lầm lì từ bé, hỏi ba câu mới trả lời một câu. Từ khi thi rớt, không ai trách móc gì nhưng nó càng lầm lì tợn. Lúc nhỏ, suốt ngày nó lê la ngoài đồng bắt dế, bẫy giông nên da đen bóng, tóc cháy vàng, nhìn rặt vẻ dân quê chính hiệu.
Vào Sài Gòn chưa đầy năm, Lâm đã theo chú Khôi nhậu như hũ chìm. Giang không cách gì ngăn được. La lối, năn nỉ, nặng nhẹ hôm trước hôm sau lại như cũ. Lúc say thì nói cũng bằng thừa. Lúc tỉnh, nó lại im thin thít, lặng lẽ đến trường, lặng lẽ ăn cơm, lặng lẽ ngồi vào bàn học bài, và lặng lẽ biến mất đến khuya lắc khuya lơ mới về. Hôm nào cũng say, để nguyên giày dép, nai nịt, quần áo sặc mùi men, nằm vắt người ngang qua giường ngủ luôn đến sáng. Thà nó ồn ào, Giang còn dễ xử. Đây nó cứ im im, chẳng tâm sự, chẳng kể chuyện. Giang chẳng biết nó buồn hay vui, mà cũng chẳng rảnh rang gì để hỏi han. Ba mẹ quanh năm chỉ lo việc ruộng vườn, nhà có hai chị em, bây giờ cả hai đều vào Sài Gòn, việc chăm nom dạy dỗ Lâm coi như khoán trắng cho Giang. Bạn bè nó ở trường Giang không kiểm soát được, đêm nằm gác tay lên trán cứ thấy lo đến sốt cả ruột. Thậm chí còn thấy đau đớn vì thằng em trai càng ngày càng rời xa vòng tay của mình, muốn bảo vệ cũng chẳng biết làm cách nào để bảo vệ.
******
Tối thứ bảy, chú Khôi diện quần áo phẳng phiu, tóc vuốt gel bóng loáng, đi từ sớm. Huy vẫn dán dính người bên máy vi tính, đầu lắc lư theo từng tiếng ình chéo của trò chơi điện tử. Lâm lại đi đâu từ chiều. Dạo trước, Lâm để ý cô bé xinh xinh có cặp mắt tròn như hạt nhãn ở tiệm uốn tóc bên cạnh, nên thỉnh thoảng anh chàng lại ra trước cửa ngồi nhìn mông lung. Ý Giang không thích, vì cô bé xinh thật, nhưng có vẻ "sành điệu" lắm. Có lần Giang lân la hỏi thì Lâm lừ lừ mắt: "Làm gì có chuyện đó." Nhưng chú Khôi nói cho Giang biết, hai đứa cũng đi uống cà phê với nhau vài lần, trong đó hai lần có mặt chú Khôi. Ban đầu cô bé cũng có vẻ thích Lâm. Nhưng chỉ tháng sau, đã thấy khép nép ngồi bên cạnh một anh chàng khác, trông cao ráo, bảnh bao và giàu có, tuần sau, lại thấy tóc nhuộm lơ thơ mấy sợi tím xanh, trông xinh và hấp dẫn hơn, quần lửng áo sát cánh, cái điện thoại di động màu đỏ dắt sau túi quần, chiều chiều lại cười cười nhí nhảnh leo lên xe anh chàng bảnh bao đi mất....
Lâm thất tình, hay đi uống say và về khật khưỡng. Giang bực mình, nghĩ bụng là chẳng đáng để phải như vậy, không đáng chút nào. Ba cái chuyện vớ vẩn đó. Cũng giống như chuyện với Phong và Vi trước đây, Giang thấy cũng chẳng đáng, nên không thèm giải thích gì với Vi cả.
Năm thứ hai đại học, Giang chơi thân với Vi lắm, mặc dù hai đứa cứ như hai thái cực. Giang ít nói, Vi huyên thuyên. Vi tóc dài, Giang tóc ngắn. Giang lành lạnh còn Vi lúc nào cũng cười khoe chiếc răng khểnh thật duyên. Phong cùng quê với Vi, học trên Giang một lớp, đẹp trai kiểu công tử, trắng trẻo và yếu đuối. Vi thích Phong, còn Phong thích Giang, kiểu tình cảm lòng vòng, giấu giấu diếm diếm. Cho đến hôm Vi rủ rê cả bọn về Hà Tiên.
Chiều đó, Vi thuê xe ôm chạy về thăm nhà ở gần Hòn Chông, cách Hà Tiên chừng 20 cây số, để Giang và Phong ở lại thị xã.
Phong dắt Giang đi chơi, ngang một ngôi chùa thấp lè tè, bé tí xíu. Phong kể chuyện bà ái thiếp của Mạc Thiên Tích bị vợ cả ghen nhốt vào lu suýt chết, được Mạc Thiên Tích cứu nhưng chán đời tu ở chùa Phù Dung.
- Giang có coi "Áo cưới trước cổng chùa" không? Chùa này ở trong vở đó...
Rồi hai đứa đến cửa khẩu Xà Xía, anh bảo vệ giơ batoong ngăn lại. Phong chỉ tay qua phía bên kia cửa khẩu, giới thiệu với giọng điệu của một hướng dẫn viên du lịch đang đứng trước Vạn lý trường thành:
- Bên đó là Campuchia đó, thấy không?
Giang chỉ thấy chán chán, mong cho Vi mau trở lại, rồi về. Dân Hà Tiên phơi tôm khô ngoài đường, bụi thốc mù mịt. Không khí sặc mùi tôm ẩm. Hà Tiên như nước lợ, chẳng ngọt chẳng mặn. Nhàn nhạt giống y như Phong...
Lúc hai đứa ngồi ăn ghẹ luộc ở mũi Nai, Phong hỏi :
- Rượu nhé ?
- Ừ, thì rượu.
Phong cho Giang uống một thứ rượu gì đó của Campuchia pha với Bò húc. "Dân ở đây uống vậy". Ừ, thì uống. Ngọt ngọt, đằm đằm. Nhưng say. Về khách sạn, Phong theo Giang vào phòng, ngả ngớn đưa tay choàng qua vai. Giang trợn mắt gạt ra. Phong đứng thẳng, nói tha thiết như trong mấy bộ phim tình cảm lãng mạn:
- Giang à, anh yêu em.
Giang chưa kịp phản ứng gì thì cũng giống như trong phim, Vi đùng đùng đẩy cửa bước vào. Sau lần đó, Phong quê quê làm mặt lạnh. Vi mặt mũi u ám giận luôn cả Giang. Từ Hà Tiên về, chẳng ai nói với ai câu nào.
Vậy mà đã hai năm rồi, Phong ra trường về Rạch Giá cưới vợ. Vi cũng có người yêu, mặt mày lúc nào cũng hớn hở. Chỉ có điều gặp Giang vẫn cứ lạnh lùng như người lạ.
Một giờ rưỡi sáng, Giang không để điện thoại kịp reo đến tiếng thứ hai. Lâm bị tai nạn đang nằm ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Huy ngáy như kéo gỗ, chú Khôi vắng nhà. Giang đành một mình dắt xe ra, tim đập thình thịch. Đường khuya vắng và cô ghét bệnh viện.
Phòng cấp cứu không có giường nào trống. Y tá trực than phiền là Lâm không bị gì nặng nhưng cứ nằm ì ra đó mà ngủ, trong khi không có giường trống.
- Có một đứa bạn nữa, về rồi, cả hai đều uống rượu nên lạng quạng đâm vào xe taxi, may mà không bị gì – cô y tá chép miệng – mới chừng đó tuổi...
Giang nhìn quanh, thấy Lâm nằm thẳng băng ở cuối phòng, thân hình xênh xang, tay chân trầy xước từng mảng đỏ lòm, may mà mặt mũi nguyên vẹn. Giang vừa mừng, vừa giận, tim gan cứ sôi lên không nói được câu nào, lẳng lặng chở em về. Ngồi sau xe, Lâm im lìm như đá, cái vẻ lầm lầm kiểu như biết rằng mình có lỗi, nhưng lại nghĩ là có nói hay xin lỗi thì Giang cũng không tài nào hiểu được nó. Mà có khi Giang không hiểu nó thật, những nỗi buồn của một thằng con trai mới lớn, cả những vấn đề mà Giang cho là vặt vãnh.
Về đến nhà, Lâm lại nằm vật ra giường mà ngủ. Khi Giang mang băng bông vào phòng, nhìn thấy Lâm với đôi môi mím chặt, hai đường lông mày nhíu lại, giọt nước mắt đọng trên khóe mi, đang ngủ say sưa trong cái dáng vẻ cay đắng hồn nhiên của một thằng con trai hai mươi tuổi vừa chạm ngõ đời. Đột nhiên Giang thấy muốn khóc. Thế là cô ngồi xuống, và lặng lẽ khóc. Bây giờ Giang mới tự hỏi, có phải chuyện gì mình cho là nhỏ thì đối với mọi người nó cũng là chuyện nhỏ hay không ?
Sáng sớm, chú Khôi về, thấy Giang gục đầu ngủ bên đi-văng, nước mắt hoen vằn vện trên má. Còn Lâm thì ngồi bên cạnh nhìn chị, mắt cũng đỏ hoe. Chú Khôi cười, mới đụng xe sơ sơ thôi, có gì đâu mà khóc. Chiều nay đi nhậu xả xui nghen. Lâm lầm bầm: nhậu cái gì, Lâm thề từ nay không đụng tới giọt rượu nào nữa.
- Bữa điểm tâm bằng hồ dán
- Trận đòn mùa khoai mì
- Những chiếc hộp
- Còn tiếng ve sầu
- Khi ta không phải thiên tài
- Ký ức đồng giao
- Lá cuối năm
- Lúc lắc trí oc
- Những chiếc bánh tét con
- Mưa đầu mùa, nhớ ếch om!
- Thương trái mãng cầu bở
- Nhà có cửa hông
- Hãy luôn mở cửa
- Đá mọc trong vườn
- Giấc mơ màu khói
- Hãy đến một nơi xa lạ
- Tìm về núi cũ xem mai nở
- Trong lâu đài kí ức
- Tết bên chồng
- Hãy tìm tôi giữa một cánh đồng
- Sinh nhật bạn thân
- Hoa tường vi buổi sáng
- Giao thừa không ở nhà mình
- Lớp mười hai
- Những chuyện vặt vãnh
- Tạm biệt Rainy
- Khói khuynh diệp
- Pensée
- Tonic và chocolate nóng
- Thánh đường xưa