Gửi bài:

Tết bên chồng

Hăm bảy Tết, tôi gọi điện về nhắc mẹ năm nay có cúm gia cầm, mẹ nhớ nấu sườn non với măng chứ đừng mua gà vịt nữa. Mẹ căn dặn: "Năm đầu tiên ăn Tết bên chồng, con có nhớ nhà cũng đừng ủ rũ. Ráng sửa soạn Tết nhất cho chu toàn, và cởi mở thật lòng để vui trọn Tết với gia đình, nghen con..." Thương mẹ đến nghẹn ngào.

Nỗi nhớ căn nhà nhỏ, những niềm vui đơn sơ chợt lên đầy ứ. Bữa cơm ngày Ba Mươi năm nay thiếu mất một người, thiếu bàn tay con gái giúp mẹ bày biện... Mẹ rầy, có bày biện gì đâu, năm nay cả làng mất mùa, rau hoa xuống giá... Vậy là quê tôi lại ăn một cái Tết nghèo.

Mà thật ra tôi đã bắt đầu ngơ ngẩn nhớ nhà, nhớ Tết quê ngay từ khi nhìn thấy má chồng mua về một thúng kiệu to. Khác với cái gấp gáp của nhà nông, má lo chuẩn bị sắm sửa Tết trước cả tháng trời: gửi mua từ Phan Thiết mấy thùng nước mắm đặc biệt, gạo ngon một bao, tự mình làm mấy hũ kiệu chua... Món kiệu chua của má ngon nổi tiếng. Tôi học được cách làm kiệu, cẩn thận và tỉ mỉ từ cách cắt rễ. Phải cắt sao cho vừa, cắt lẹm sẽ khiến kiệu mềm nhũn khi ngâm, cắt dư rễ thì nhìn rất xấu... Ngày Tết bày ra cái gì cũng phải đẹp, tinh tươm, từ mỗi món ăn, chính là thể hiện cái đảm đang của người phụ nữ - má bảo vậy.

Ngày hăm ba tiễn ông Táo về Trời, má đặt mấy cặp bánh chưng, giò chả, mua bánh mứt, hoa tươi. Không khí trong nhà trở nên chộn rộn nhất vào ngày 30. Đúng mười một giờ trưa sẽ rước ông bà. Cánh đàn ông lo sửa soạn bàn thờ, sắp xếp bàn ghế. Mấy chị em dâu xúm xít nấu nướng theo sự chỉ dẫn của má. Trong những cuộc chuyện trò có sự háo hức, nôn nao. Hôm nay chị Tư sẽ về chứ? Vợ chồng cô Tám và mấy đứa nhỏ bao giờ mới tới? Rồi hùa nhau than thở sao năm nào má cũng bày chi lắm thứ, làm phát mệt. Lại bần thần nhớ nhà!

Giờ này ở quê, chắc mẹ đang cặm cụi một mình xắt đu đủ, cà rốt để làm dưa món... Năm nào cũng nghe mẹ than y chang một câu: "Đi cày ba vụ không đủ ăn tết ba ngày". Mà đúng vậy, nhà nông bắt đầu nhắc đến tiếng "Tết" từ giữa năm. Vụ kiệu Tết thả từ tháng Sáu, đến tháng chạp mới được thu hoạch. Những nhà trồng dưa gieo hạt từ tháng Mười. Trồng hoa thì bắt đầu từ cuối hè. Làm quanh năm để dành đến Tết. Mà phải đến ngày 29, 30 mới biết vụ này thu được bao nhiêu, có tiều tiêu Tết không hay vừa đủ trả nợ. Tôi nhớ hoài một năm kia, đến tận sáng ba mươi, cả nhà vẫn phải dậy từ năm giờ để ra ruộng cắt dưa leo.

Trong khi ba mẹ chở dưa ra chợ mấy chị em tôi ở nhà thấp thỏm lo chẳng biết hôm nay giá dưa cao hay thấp. Nếu hai ngàn một ký thì được bao nhiêu tiền... Đến trưa mẹ về, mặt tươi rói, tay xách hai giỏ nặng trái cây, bánh mứt, rượu thịt: "Lời rồi nghen, ba ngàn rưỡi một ký!". Tôi hỏi : "Sao mẹ mua nhiều vậy? Năm nay ăn Tết to hả mẹ". Ba cười sảng khoái: "Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết. Keo kiết như ai cũng rượu chè. Khà khà!" Rồi ngay sau đó, ba dẫn mấy đứa con trai đi chọn mua mai, còn hai mẹ con vào bếp, nói cười rổn rảng...

Má chồng tôi đã ngoài 80 tuổi vẫn quán xuyến từng việc nhỏ trong nhà. Đối với bà, việc rước tổ tiên về ăn Tết, con cháu sum họp trong bữa cơm trưa Ba Mươi và cúng trời đất ngay thời khắc Giao Thừa gần như là những sự kiện quan trọng nhất trong một năm. Bữa cơm cuối năm là bữa cơm sum họp. Cả nhà quây quần bên nhau. Bàn ăn bày biện đẹp đẽ. Và những món ăn ngày Tết được bày ra, rất đầy đủ. Bên cạnh đĩa bánh chưng cắt khéo là những miếng thịt kho màu hổ phách thơm lựng, đĩa củ kiệu chắc thịt, trắng tinh, có vị chua ngọt vừa phải pha lẫn với hương vị nồng nồng, cắn vào nghe giòn tan. Tô canh khổ qua dồn thịt điểm mấy cọng hành, dưa giá, nem chua chả lụa... Dĩa dưa hấu đỏ tươi, ngọt lành. Không khí ấm cúng, thơm ngát mùi nhang, rộn rã tiếng cười. Chồng tôi tươi cười bảo, giờ anh mới cảm thấy Tết thật sự bắt đầu.

Giao thừa đến. Trong xóm, nhà nào cũng có một cái bàn nhỏ đặt giữa sân để cúng Giao thừa. Trên bày ngũ quả, nhang đèn, bánh mứt, nước, rượu, và một bình hoa Vạn thọ. Trời về khuya mát lạnh, bên thềm nhà hoa mai nở trong ngời từng cánh, vàng êm trong bóng đêm. Mùi nhang thơm phảng phất, quyện theo từng sợi khói mỏng tan vào không trung, làm ấm cả những làn gió khuya đang nhẹ thổi. Tôi đứng nhìn bàn ông Thiên mà buồn như sắp khóc. Đột nhiên có bàn tay vuốt tóc tôi và giọng má bảo khẽ: "Cúng Giao Thừa với má nghe con!".

Má bước ra sân, mái tóc bạc trắng bới gọn ghẽ, mặt trang nghiêm, thắp nhang cúi đầu khấn nguyện. Tôi đột nhiên thấy má gần gũi kỳ lạ. Những khoảng cách e dè thường ngày trong tôi giờ biến mất. Giờ phút mới thiêng liêng làm sao. Tôi cũng cúi đầu theo má. Cầu cho năm mới an khang, gia đình hạnh phúc. Cầu cho cha mẹ anh em ngoài quê xa luôn được bình an. Cầu cho ba má chồng sống lâu trăm tuổi... Chợt thoáng nhớ lời mẹ dặn dò "hãy cởi mở thật lòng để vui trọn Tết với gia đình, nghen con!"

Ngày đăng: 07/05/2013
Người đăng: Alex Chu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?