Hãy đến một nơi xa lạ
Tôi nhớ có người nói rằng: "Giáng Sinh luôn luôn là khoảnh khắc bạn cảm thấy nhớ nhà - kể cả khi bạn vẫn đang ở nhà" (Carol Nelson). Ấy vậy mà mười năm nay tôi đã phải đón Noel ở Sài Gòn, hỏi sao tôi không nhớ nhà cho được.
Tôi lớn lên giữa một xứ đạo. Và ký ức về Noel đầu tiên của tôi là năm bảy tuổi, khi tôi được chọn vào đội thiên thần múa bài "Cao cung lên" ở nhà thờ trong buổi lễ nửa đêm. Lần đó, tôi đã khóc đến sưng mắt để đòi ba phải cho tôi uốn tóc xoăn, và mẹ phải may cho tôi một cái áo đầm trắng. Phải vậy chứ, vì tất cả các thiên thần đều có mái tóc xoăn, mang áo trắng và đeo một đôi cánh cũng trắng tinh. Mất bao nhiêu nước mắt thuyết phục, đến khi ba mẹ tôi đồng ý thì hỡi ôi, tôi bị loại khỏi đội múa vì... tay chân cứng quá!
Để xoa dịu nỗi buồn của cô gái nhỏ, những người lớn trong gia đình đã làm tất cả để Giáng Sinh năm ấy trở thành một sự kiện tuyệt vời nhất trong đời tôi. Có lẽ vì vậy mà từ đó Giáng Sinh đã trở nên rất quan trọng với tôi! Cậu làm cho tôi một chiếc đèn ngôi sao thật lớn. Dì tôi làm bánh buche, mẹ ngâm dâu tây... Cả nhà cùng nhau thiết kế một hang đá khổng lồ với cây lồ ô, rơm và bao xi măng, dựng "cây thông" bằng cành dương đính bông gòn và kim tuyến, treo đèn rực rỡ hơn bất cứ nhà nào trong xóm. Chúng tôi ăn Réveillon với nồi cháo gà vàng ngậy, thơm phức của bà ngoại...
Nhưng điều đặc biệt nhất đối với tôi, đó là Ba Mẹ đã quyết định đưa tôi đi lễ nửa đêm ở một giáo xứ khác, để tôi không phải chạnh lòng khi thấy bạn bè múa "Cao cung lên" trong đôi cánh thiên thần. Đó là một giáo đường lạ, với những giáo dân tôi chưa từng gặp bao giờ. Nhưng chính khung cảnh náo nhiệt, ấm cúng, sự hồ hởi vui mừng của tất cả mọi người, bài thánh ca quen thuộc "Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng..." đã khiến tôi cảm thấy mọi thứ đều vô cùng thân thuộc.
Rất nhiều năm đón Noel ở Sài Gòn, nỗi nhớ quê nhà luôn tràn ngập trong tim, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn hay buồn chán. Bởi mỗi một đêm Giáng Sinh, tôi đều tìm đến một nơi hoàn toàn xa lạ, chưa đặt chân đến bao giờ. Có năm, tôi không đi lễ ở nhà thờ quen mà ghé thánh đường nhỏ tên là "Phanxicô khó khăn" trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Có năm, tôi đi dự lễ hội hoá trang ở một trường Đại học với người bạn mới quen. Năm sau, tôi tham gia đội tình nguyện mặc áo ông già Noel đi phát quà cho trẻ em đường phố ở Tao Đàn. Một lần khác, tôi xin một chân bán hàng thời vụ tại một cửa hàng bán đồ trang trí cây thông trước cửa Nhà thờ Tân Định. Nhưng cũng có lúc, không có cuộc hẹn nào cho đêm Giáng Sinh, tôi đã một mình bước chân vào quán cà phê lạ, ngồi đối diện với cây nến nhỏ và lặng ngắm những cặp tình nhân...
Giáng Sinh, đó là một thời điểm đặc biệt, không chỉ về mặt tôn giáo. Nó là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm, có lẽ chỉ sau Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu tháng mười hai, ông già Noel đã dạo những bước đầu tiên trên đường phố Sài Gòn. Các cửa hiệu đều trang trí chủ đạo ba màu trắng, xanh lá và đỏ sậm, những con phố chuyên bán cây thông và đồ trang trí bắt đầu nhộn nhịp. Các shop bán quần áo và đồ chơi trẻ em treo lủng lẳng những dây dài các bộ quần áo Noel đỏ rực. Các trung tâm thương mại lớn giăng đèn và dựng cây thông khổng lồ với tượng ông già Tuyết bên cỗ xe tuần lộc... Phố Sài Gòn nhộn nhịp đến từng bước chân đi...
Nhưng dưới mắt tôi, Giáng Sinh là thời điểm đặc biệt còn vì một lý do khác. Nếu như bạn ở xa nhà vào khoảnh khắc Giao thừa tết Nguyên đán, cảm giác lớn nhất có lẽ là nỗi cô đơn. Ngay cả khi bạn đang đứng giữa một buổi party đông đúc, một quán cà phê quen, những người bạn thân thiết. Khoảnh khắc Giao thừa luôn khiến bạn nhận ra một khoảng cách nhất định với những người khác và ngay lập tức bạn muốn trở về căn nhà ấm áp của mình bên những người ruột thịt. Đó là khoảnh khắc bất cứ ai cũng thấy lòng chùng xuống một cách vô thức, thu mình lại trong nỗi khát khao được trở về.
Giáng Sinh thì khác, một thời điểm không có lý do gì để buồn. Một niềm hân hoan rõ rệt in trên mỗi gương mặt dù lạ hay quen. Một không khí nhộn nhịp, ấm cúng, đầy chia sẻ và cởi mở hiện diện ở bất cứ đâu sẽ khiến bạn không cảm thấy e dè khi phải là người lạ. Đón Giao thừa ở nhà người khác thì thật vô duyên và lạc lõng, nhưng ăn Réveillon ở nhà bè bạn lại là những khoảnh khắc tuyệt vời.
Đối với tôi, Giáng Sinh luôn là thời điểm giúp tôi nhận ra những khía cạnh tốt đẹp ở người khác một cách dễ dàng nhất. Những con người này, tôi có thể đã gặp họ đâu đó trên đường, khi họ càu nhàu vì khói bụi, nhăn nhó và bẳn gắt vì những chuyện bực mình ở gia đình hay nơi công sở. Bình thường họ trưng ra những bộ mặt có thể đáng ghét biết bao nhiêu, nhưng vào đêm Noel, họ ăn mặc rất đẹp, họ cười nói một cách thoải mái và vui vẻ! Họ thân thiện và đáng yêu! Cũng như tôi, họ cảm thấy dễ chịu, bình an, trái tim mở rộng và sẵn sàng chia sẻ niềm vui.
Vì vậy, tôi gọi Giáng Sinh là thời điểm tốt nhất để bắt đầu một tình bạn! Hãy đến một nơi xa lạ vào đêm Giáng Sinh. Biết đâu bạn sẽ gặp tôi ở đó, với nụ cười trên môi, tôi sẽ chúc bạn câu này: "Cầu cho niềm vui của hôm nay luôn tràn đầy ân phúc, và mỗi con đường đều dẫn đến bình an" (Agnes M. Pharo). Giáng Sinh vui vẻ !
- Bữa điểm tâm bằng hồ dán
- Trận đòn mùa khoai mì
- Những chiếc hộp
- Còn tiếng ve sầu
- Khi ta không phải thiên tài
- Ký ức đồng giao
- Lá cuối năm
- Lúc lắc trí oc
- Những chiếc bánh tét con
- Mưa đầu mùa, nhớ ếch om!
- Thương trái mãng cầu bở
- Nhà có cửa hông
- Hãy luôn mở cửa
- Đá mọc trong vườn
- Giấc mơ màu khói
- Hãy đến một nơi xa lạ
- Tìm về núi cũ xem mai nở
- Trong lâu đài kí ức
- Tết bên chồng
- Hãy tìm tôi giữa một cánh đồng
- Sinh nhật bạn thân
- Hoa tường vi buổi sáng
- Giao thừa không ở nhà mình
- Lớp mười hai
- Những chuyện vặt vãnh
- Tạm biệt Rainy
- Khói khuynh diệp
- Pensée
- Tonic và chocolate nóng
- Thánh đường xưa