Gửi bài:

Khi ta không phải thiên tài

Tặng ông Nội của con và ông Nội của Ba

Ông Nội tôi là một người rất đặc biệt. Trong khoảnh khắc tình cờ, tôi mới chợt nhận ra điều đó. Ba thì gật gù một cách nghiêm túc: "Tất cả các ông Nội đều là những người đặc biệt!"

Hiển nhiên là Ba đang muốn nói về ông Nội của Ba, tức ông cố của tôi, người vẫn xuất hiện thường xuyên trong các câu chuyện của ông Nội. Và tôi nhớ nhất là chuyện về người nông dân nghèo sống cạnh sông Gianh đã trở thành ông chủ một trang trại lớn như thế nào. "Tất cả bắt đầu bằng một tia sáng loé lên trong suy nghĩ - ông Nội tôi thường nói như vậy trước khi kể chuyện - nhưng muốn tia sáng loé lên thì những suy nghĩ phải chuyển động trước đã". Ông minh họa bằng cách làm cháy bó rơm khô với hai cục đá nhặt bên lề đường. "Phải có chuyển động thì mới có những tia sáng, con thấy không?"

Tất cả bắt đầu từ những tia sáng như thế. Vào một ngày nọ, ông cố lúc đó là anh nông dân tay trắng quyết định đem bán tất cả những tài sản mình có, ra chợ mua một con bò gầy giá một đồng rưỡi. Đó là thời kỳ khó khăn, mùa màng thất bát, con bò gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương, bước chân loạng choạng vì bị cột lâu ngày. Nó bị bỏ quên một góc ở chợ Bò (Đồng Hới, Quảng Bình) vì chẳng ai thèm để ý đến. Nó quá ít thịt đối với những lò mổ, và quá yếu ớt để kéo xe hay cày bừa. Ông cố tôi mang nó về và đưa nó vào tận trong thung lũng. Nơi đó ở xa làng, nhưng có nhiều cỏ non và không khí, có những khe nước hiếm hoi bé xíu róc rách chảy xuống từ trên những vách đá. Ông chăm cho con bò béo lên. Sau vài tháng, con bò gầy thành con bò béo, mông nó đủng đỉnh, bụng nó căng tròn, vì công việc thì nhẹ nhàng, lại ăn toàn cỏ tươi và nước ngọt. Ông mang nó ra chợ, bán lại với giá năm đồng, một đồng để tiêu xài, còn bốn đồng thì mua hai con bò gầy, và mang vào thung lũng chăm sóc. Cứ thế, mua một bò gầy, bán một bò béo, lại mua hai bò gầy... Có khi, ông giữ lại những con khỏe mạnh để cày bừa, hay để sinh con... và bán đi những con còn lại. Ba năm sau, ông có cả một đàn bò cả trăm con, có đất đai, vườn tược, có những người làm thuê trên khắp các cánh đồng... Ông trở thành một ông chủ trang trại giàu có nhất làng.

Sau hai ba cuộc chiến tranh, ông cố nuốt nước mắt chứng kiến gia tài của mình lần lượt tiêu tan cùng với loạn lạc và ly tán. Cho đến khi cả ông cũng ra đi. Nhưng câu chuyện về cuộc đời ông vẫn lưu truyền trong gia đình tôi như một huyền thoại. Câu chuyện bắt đầu từ một tia sáng lóe lên trong suy nghĩ, khi người nông dân nhìn thấy trong chợ những con bò béo giá cao, và những con bò gầy, giá rẻ.

Khi ông Nội kể câu chuyện đó, mẹ tôi cứ tấm tắc: "Ông cố kinh doanh giỏi thật!". Nhưng ông Nội nghiêm nghị : "Đó không phải là kinh doanh, đó là cuộc sống!" Ý ông muốn nói, những tia sáng phải loé lên luôn luôn trong mỗi ngày ta sống.

Kỉ niệm tôi nhớ nhất về ông là một cái Tết nóng bức của miền Trung. Đó là những ngày độc địa, cái nóng bất chợt giữa mùa đông thật đáng sợ, hơi nóng như bốc lên từ mặt đất. Gió táp vào mặt, nước ngọt chỉ còn trong một vài cái giếng sâu hơn 15 mét. Ông Nội là người chịu đựng cái nóng giỏi hơn ai hết. Cả buổi trưa, ông cũng lang thang ngoài đường. Chiều 28 Tết, ông trở về với đôi mắt sáng ngời: "Hà hà hà... Tết này nhà ta sẽ có tủ lạnh". Mẹ hoảng hốt nhìn ba. Thời đó, điện vẫn còn là thứ xa xỉ, nói gì đến tivi hay tủ lạnh. Nhưng tủ lạnh của ông Nội giá chỉ có năm nghìn. Tết năm đó, nhà tôi đãi khách bằng cây nhà lá vườn chính cống: Dưa leo, dưa hấu, rau muống, xà lách tươi rói, ổi, mận ướp lạnh... và uống nước chanh dây... với đá lạnh. Ai cũng trầm trồ vì cái "tủ lạnh" độc đáo của Nội tôi. Mùa hè sau đó, ngoài chợ rộ lên cơn sốt mua thùng xốp, loại thùng xốp đựng đá thường thấy ở những quán nước dã chiến lề đường. Giá thùng xốp tăng lên mười nghìn và cả xóm tôi ai cũng có trong nhà một "tủ lạnh" nhẹ tênh, gọn gàng, hữu ích trong mùa nắng nóng. Bên trong có đầy đủ mọi thứ rau quả và...nửa cây nước đá.

Ông Nội tôi vẫn nhắc đi nhắc lại rằng, chúng ta không phải là thiên tài, vì thế ta phải học mỗi ngày một chút. Có vài người sống cuộc đời của mình như thể họ sẽ sống mãi mãi. Vài người tranh đấu suốt đời để mưu cầu sự giàu có về vật chất hay danh vọng. Sự tham lam đẩy họ về phía trước. Nó là chất xúc tác của họ. Còn đối với ông Nội tôi, sự khôn ngoan chính là của cải mà ông tích luỹ được bao nhiêu năm trong đời. Ông cho rằng, ta chú tâm bao nhiêu, ta học được bao nhiêu, và nhớ được bao nhiêu những kinh nghiệm của mình- đó là điều cốt lõi của sự tồn tại.

Cùng với ông, tôi học được rằng tôi lúc này có thể yếu đuối, lúc khác rất quả cảm, đôi khi tôi sợ hãi, nhưng phần lớn thời gian còn lại – tôi tự do. Khi người ta có thể tự do, là khi những suy nghĩ có thể chuyển động muôn phương, và từ đó, lóe lên những tia sáng của sự sáng tạo. Với một tâm hồn tự do và trí óc rộng mở, thế giới sẽ luôn mới mẻ và không bao giờ quá bất ngờ đến nỗi ta không thể thích nghi. Tôi rất nhớ một câu nói của nhân vật Laura trong phim Men in Black II : "Từ khi ta còn bé, lúc được mọi người bảo cho biết ta phải nghĩ gì, tin gì, thì trái tim ta đã nói với ta rằng ở ngoài kia còn có nhiều hơn thế!". Và trái tim chỉ có thể nói được điều đó khi trái tim mở rộng và luôn luôn chuyển động.

Ngày đăng: 10/05/2013
Người đăng: Alex Chu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?