Gửi bài:

Chương 8 – Hắt xì ông mặt trời

Chương 8 – Hắt xì ông mặt trời

Tác giả: Mộc Phù Sinh

Dịch: Gia Gia

(1)

Một mình tôi lang thang không mục đích trên phố rất lâu rất lâu, cho đến khi nhận được điện thoại của Bạch Lâm.

"Cậu đi đâu rồi?" Vừa bắt máy lên thì nó đã hỏi, "Mình tìm cậu khắp nơi, gọi điện lại không chịu nghe, mình gọi cho cậu nãy giờ rồi đó."

Tôi sững người, "Sao vậy?"

"Sao vậy? Cậu hỏi mình sao vậy ư? Còn một tiếng rưỡi nữa là đến giờ biểu diễn, cây tì bà của cậu đâu?" Nó nộ khí xung thiên mà chất vấn.

Tới đây tôi mới sực nhớ ra, ngoại trừ việc ra gặp Mộ Thừa Hòa, tôi còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là phải về nhà lấy cây đàn tì bà cho bạn nữ cùng lớp mượn làm đạo cụ cho tiết mục múa cổ điển.

"Mình về nhà lấy ngay." Tôi tỉnh hoàn toàn rồi.

"Cậu còn đang trên đường?" Bạch Lâm càng tức thêm.

"Không xa đâu, mình về nhà ngay bây giờ, mình hứa danh dự, tuyệt đối không về trễ." Thiếu chút nữa là tôi chỉ tay lên trời thề luôn rồi.

"Được, cậu mà dám về muộn, mình đập cậu chết." Bạch Lâm kết thúc bằng một cậu nói nhẫn tâm.

Tôi cười hi hi, không giận chút nào, cúp máy xong liền vội vàng chạy về nhà.

Tôi biết, buổi biểu diễn lần này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với mọi người.

Mỗi tối thứ sáu của tuần cuối cùng trong tháng, trường chúng tôi đều sẽ tổ chức một đêm văn nghệ, địa điểm là sân bóng rổ ở khu Tây, mỗi khoa hoặc mỗi học viện sẽ luân phiên nhau, một vòng như thế sẽ là một năm.

Tháng 11 này chính là tiết mục của Học viện ngoại ngữ.

Học viện ngoại ngữ của chúng tôi có khoa Anh, khoa Đức, khoa Pháp, khoa Nhật và khoa Nga. Mỗi khoa sẽ chia nhau hai đến ba tiết mục, vừa đủ hợp thành một buổi biểu diễn văn nghệ 90 phút.

Lúc trước Bạch Lâm là phó Bộ trưởng Bộ văn nghệ của học viện chúng tôi, chỉ là bây giờ đã lên năm 4 nên phải lui lại. Nhưng tháng trước nó lại bị giáo viên phụ đạo kéo lại, bảo giúp đỡ các sư muội, phụ trách tiết mục của khoa Anh. Con người của Bạch Lâm, tuy không giỏi khiêu vũ, nhưng khả năng chỉ huy của nó phải nói là số một.

Không hiểu tại sao, những sinh viên năm 4 như chúng tôi không còn lề mề khi tham gia vào những hoạt động thế này như ba năm trước nữa, trái lại tất cả đều rất nghiêm túc. Có lẽ vì chúng tôi đã là lớp tốt nghiệp rồi, nên có chút cảm giác của lần biểu diễn cuối cùng chăng?

Tôi vốn lười dọn dẹp, cây tì bà đặt ngay trên tủ, hộp da sớm đã bị bong, dây kéo cũng đã bị hư, nhìn cũ vô cùng. Tôi đứng nhìn chiếc hộp, suy nghĩ thật nhanh, cuối cùng quyết định không mang nó theo, nếu không thì quá mất hình tượng rồi. Nhưng đến khi tôi ôm chiếc tì bà đứng chờ ở trạm xe buýt, tôi mới biết đây là một quyết định tệ hại biết chừng nào. Rất nhiều người đều nhìn tôi, ánh mắt của họ hướng về cây tì bà, rồi lại trở về gương mặt của tôi. Tôi bặm môi, không phải là đang tưởng tôi chuẩn bị ra chợ biểu diễn ban đêm chứ?!

Khi tôi về đến khu Tây thì đêm văn nghệ đã sắp bắt đầu,. Họ đang trang điểm ở hậu trường. Cô bạn nhảy điệu "phi thiên" lớp chúng tôi đã trang điểm xong, trên đầu đeo một búi tóc giả, chẳng biết Bạch Lâm đã kiếm từ đâu ra bộ trang phục của Thần Tiên tỷ tỷ trong "Tây Du Ký" cho bạn đó. Tôi thở hổn hển, chạy vào đưa tì bà cho nó.

Bạch Lâm đang thưởng thức kiệt tác của mình, nó hỏi tôi bằng giọng rất đắc ý: "Thấy sao?"

"Đẹp như Hằng Nga vậy đó."

"Người ta nhảy điệu phi thiên, đâu phải Hằng Nga đâu." Bạch Lâm sửa lỗi.

"Thì chẳng phải là một sao?"

"Làm sao mà là một được?"

"Hằng Nga uống tiên đơn xong rồi bay lên trời, đúng không?" Tôi hỏi.

"Đúng."

"Vậy thì tức là phi thiên rồi."

"Nhưng......"

Ngay khi tôi và Bạch Lâm còn đang thảo luận nguyên lý phi thiên của Hằng Nga thì người dẫn chương trình đã bắt đầu giới thiệu.

"Chào các bạn, chào các thầy cô, buổi tối vui vẻ! Vừa tiễn xong mùa thu hương quế, chúng ta đã lại chào đón tháng 11 của gió hàn. Tiết trời đầu đông, có thêm một chút lạnh, bớt đi một chút nóng, nhưng hiện trường của chúng ta lại tràn ngập tình cảm ấm áp......."

Hai người được mệnh danh là "Hoa khôi" và "Hot boy" của học viện ngoại ngữ chúng tôi đứng trên sân khấu, gò má hây hây đỏ, đang phối hợp rất ăn ý và giới thiệu một cách lưu loát để khai mạc cho buổi văn nghệ tối nay.

"Mình ra ngoài xem đây, chúc mọi người biểu diễn thành công." Tôi nói xong liền chạy ra ngoài, chỉ kịp nghe thấy Bạch Lâm kêu lên từ phía sau: "Nhớ giữ chỗ cho mình, lát nữa mình đi tìm cậu!"

Tôi chẳng thèm quay đầu lại, chỉ đưa tay lên ra hiệu OK.

Vẫn như mọi năm, tiết mục của học viện ngoại ngữ là luôn sôi nổi và đông đảo khán giả nhất, tôi làm gì còn tìm được chỗ ngồi nữa, cuối cùng đành kiếm đại một chốn trên cầu thang khán giả, ngồi luôn xuống đất.

Cũng may, đây là sân bóng rổ, ghế ngồi khán giả được thiết kế cao hơn sân khấu, nếu không thì với chiều cao của tôi, thật chẳng dám mơ đến việc được ngồi, dù có nhón chân lên cũng chưa chắc đã nhìn thấy phía trước.

Mở đầu là tiết mục đơn ca của khoa Pháp.

Tiếp theo là điệu nhảy nóng bỏng của sinh viên năm 2 khoa Anh.

Đèn trong sân hơi tối, tôi đảo mắt nhìn quanh, một số đã từng gặp, một số chưa từng nhìn thấy, nhưng đa phần tôi đều quên cả rồi. Mẹ thường nói với tôi: doanh trại cố định, lính thì vô định. Tôi chỉ mới mấy tháng không đến khu Tây thôi, mà đã xa lạ với những người ở đây đến vậy.

Không biết Triệu Hiểu Đường đến chưa nhỉ.

Tôi lấy điện thoại ra nhắn cho nó, không bao lâu nó đã trả lời.

"Mình tới rồi. Cậu ở đâu? Mình giành chỗ rồi nè."

"Mình ở phía sau." Tôi lại nhắn.

Sau đó, tôi trông thấy ở phía trước, bên trái, có người đứng dậy quay đầu nhìn. Đó là Triệu Hiểu Đường, nó đã tìm thấy tôi. Vóc dáng của Triệu Hiểu Đường thu hút rất nhiều ánh nhìn của nam sinh.

Triệu Hiểu Đường là một người đẹp đến lạ thường, vốn dĩ còn có nhiều người theo đuổi nó hơn thế nữa, nhưng tính tình quái gỡ không hợp với ngôi trường này của nó đã dọa mất những nam sinh đồng trang lứa này.

Khi chen lên được đến bên Triệu Hiểu Đường, đầu tôi cũng đã nhễ nhại mồ hôi.

"Bạch Lâm tìm thấy cậu chưa?" Nó hỏi.

"Tìm được rồi."

Tôi sợ nó hỏi nữa, nên cố tình chuyển đề tài: "Cậu có tờ giới thiệu chương trình không? Tiết mục của tụi mình nằm ở thứ mấy?"

"Cậu tự xem đi." Nó đưa luôn tờ giấy cho tôi.

Lúc này, tiết mục ảo thuật của hai nam sinh bên khoa Nga đã làm sôi sục không khí của cả hiện trường, tiếng vỗ tay vang mãi không thôi. Một trong hai nam sinh đó cầm micro lên, cười một cái rất nghịch ngợm, rồi nói: "Hôm nay mình có hai nhiệm vụ, một là biểu diễn ảo thuật, mình đã hoàn thành rồi. Và hai là nhận được lời ủy thác của MC, mình xin giới thiệu cho tiết mục tiếp theo, sư muội của mình sẽ đọc bài thơ "Яваслюбил". Hiển nhiên là các bạn cũng biết..... vì sao cậu ấy phải bắt mình giới thiệu rồi đó."

Nam sinh ấy ra hiệu về phía anh chàng MC đang đứng ở một góc. Sau đó mọi người đều bật cười, rất hiển nhiên, họ dùng tiếng Nga để làm tiêu đề, điều này quả thật là làm khó hot boy của chúng ta.

Nam sinh nói: "Được rồi, không cười nữa, hãy để chúng ta cùng dùng một tâm trạng khác thưởng thức bài thơ này. Tác giả của nó là Александр Сергеевич Пушкин."

Sau đó, toàn cảnh chợt tối lại.

Dưới nhạc nền du dương, tôi đã nghe thấy bài thơ đó.

"Яваслюбил:

любовьеще,бытьможет,

Вдушемоейугасланесовсем;

Нопустьонавасбольшенетревожит;

Янехочупечалитьвасничем.

Яваслюбилбезмолвно,безнадежно,

Торобостью,торевностьютомим;

Яваслюбилтакискренно,такнежно,

Какдайвамбоглюбимойбытьдругим

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

(Thúy Toàn dịch)

Cô gái đọc xong chữ cuối cùng của lời dịch, bàn tay cầm micro từ từ hạ xuống, đứng yên lặng rất lâu. Phát âm của cô ấy, có hơi khác với Mộ Thừa Hòa, nhàn nhạt, nhè nhẹ, nhưng cũng rất xúc tích. Cô gái mặc chiếc váy màu trắng, đứng dưới ánh đèn duy nhất trên sân khấu, đôi mắt to nhìn xuống khán đài, sáng đến trông như một phù thủy, là một phù thủy cô đơn giữa đêm hội náo nhiệt.

Sau đó, tràn pháo tay đã phá vỡ tất cả.

Tôi nghe thấy bên cạnh có người nói: "Chán nhất là kiểu đọc thơ thế này, nếu không có đoạn dịch lại sang tiếng Hoa ở phía sau, thì đoạn đầu hoàn toàn là như vịt nghe sấm."

Một người khác nói: "Tao thấy cũng được mà, nhìn kìa, nhỏ đó trông cũng được lắm."

Sau đó, những người khác cùng phá lên cười.

Triệu Hiểu Đường quay qua nhìn tôi khi vỗ tay, nó nói một cách kinh ngạc: "Tiết Đồng, cậu sao vậy?"

"Hả?" Tôi hồi thần, bàn tay lau qua gò má, mới phát hiện mình đã bất giác đẫm lệ từ lúc nào.

Sau đó, tôi không biết những tiết mục tiếp theo là gì nữa, tôi chỉ nhớ Bạch Lâm đã ôm chặt tôi, nói rất lớn tiếng: "Khóc gì chứ, có gì hay ho đâu. Cậu phải kiên cường lên!"

"Thứ sáu, ngày 21 tháng 10. Trời nhiều mây

"Em đã từng lẳng lặng mà yêu anh, không một chút hy vọng. Em đã từng yêu anh, chân thành đến thế, dịu dàng đến thế." Không hiểu tại sao, nghe đến đây lại tự nhiên khóc."

(2)

Thành phố A vào tháng 11 rất hay trời mưa.

Tôi cầm theo sách ra khỏi phòng, đi được vài bước, phát hiện mưa to hơn tôi tưởng, bèn vội vàng chạy bộ đến gốc cây to bên ngoài viện nữ sinh để trú mua. Chính ngay trong lúc tôi đắn đo xem mình có nên trở về phòng hay không, một cây dù đã che ở trên đầu tôi.

Tôi quay lại, nhìn thấy Lưu Khải.

"Tình cờ thật." Tôi nói

"Ừm, mình vừa lúc đi ngang đây."

Tôi cười cười với Lưu Khải.

"Mình đến thư viện tự học."

"Mình cũng vậy." Cậu ấy giơ giơ quyển sách trong tay.

"Cậu đọc sách Anh văn cấp 6?"

"Ừm, bây giờ tìm việc làm cạnh tranh lớn quá, năm sau mình định thử một lần cuối cùng nữa, tiện thể có thể hỏi bài cậu."

Tôi đã cúi gầm đầu, nhưng vẫn cảm nhận được ánh mắt nóng hổi phát ra từ cậu ấy. Lưu Khải chắc chắn không phải đúng lúc đi ngang đây, cũng không phải nổ lực muốn thi đậu cấp 6. Có lẽ cậu ấy đã đứng đây đợi tôi, có lẽ là Bạch Lâm đã báo tin.

Chợt nhớ đến câu nói của Bạch Lâm: Cho cậu ấy một cơ hội, cũng xem như cho mình một cơ hội.

Tôi nhích đi vài bước, sau đó nhìn ra phía xa, giả vờ nói đùa: "Được thôi, nhưng muốn mình phụ đạo cho thì phải trả tiền đó."

Cậu ấy sững người, sau đó lập tức tươi cười.

"Chúng ta đã thân vậy rồi, có thể giảm giá không?" Cậu ấy hỏi.

"Không được. Trái lại còn phải tính đắt hơn học sinh phổ thông nữa."

"Tại sao?"

"Vì cậu là sinh viên đại học. Cậu không thấy giáo viên đại học lương cao hơn giáo viên trung học sao?"

"Có sao? Mình cảm thấy cũng ngang nhau thôi mà."

"Không có thành ý gì hết. Nếu cậu còn lôi thôi nữa thì mình sẽ tìm một giáo viên chịu giảm giá cho cậu." Tôi nói hung dữ.

"......." Chiêu này linh nghiệm thật, cậu ấy lập tức tắt tiếng.

Hai chúng tôi đi trên con đường trải nhựa đến thư viện, Lưu Khải cầm dù che cho tôi, sau đó băng qua đường đi bộ ở bên lầu hành chính. Tôi cứ luôn cảm thấy chỗ này rất giống với khoảng sân phía dưới lầu Tứ Giáo ở khu Tây trước đây, đại khái là vì ở đây có trồng cây ngô đồng chăng.

Tôi quay đầu lại nhìn một cái.

Lưu Khải hỏi: "Có người quen à?"

Dưới ánh chiều tà, tôi nói không có, nhưng ánh mắt vẫn cứ nhìn về chỗ đó, một lúc sau mới chịu rời khỏi.

Hình như tôi đã trông thấy một Tiết Đồng khác ở đó, bên cạnh còn có Mộ Thừa Hòa.

Cô gái ngồi xổm dưới đất tìm kính sát tròng cho chàng trai bên cạnh, chàng trai đứng cầm dù che chắn những bông tuyết đang rũ xuống đầu cô gái. Cuối cùng, chàng trai nói: "Em đúng thật là một đứa trẻ."

Cảnh vật như thế, tựa như kiếp trước.

Dần dần, việc cùng đi tự học, cùng vào thư viện đã trở thành một điều tự nhiên.

Một ngày nào đó, tôi ngẩng đầu lên rời mắt khỏi đề ôn tập cấp 8, miệng chu lên giữ cây bút ở giữa môi và mũi, nhìn Lưu Khải đang ngồi ở đối diện, rất lâu. Dường như bị tôi nhìn đến có hơi không tự nhiên, cậu ấy hỏi: "Cậu làm gì vậy?"

"Tại sao lại thích mình?"

Mặc dù tôi đã hạ thấp giọng, nhưng nam sinh ngồi bên cạnh vẫn đã nghe thấy, hắn ngước mắt lên nhìn Lưu Khải rồi nhìn tôi, sau đó cúi đầu vào sách cười khúc khích.

Tôi tưởng Lưu Khải sẽ nói 'con mắt nào của cậu nhìn thấy mình thích cậu', nhưng thật không ngờ mặt của cậu ấy lại ửng đỏ lên như trái cà chua, sau đó cầm sách đặt đứng lên chặn mất tầm nhìn của tôi.

Nhìn bìa của quyển Luyện thi Anh văn cấp 6 một hồi lâu, cậu ấy vẫn cứ giữ mãi động tác đó, không chịu đầu hàng. Thế là tôi đành đầu hàng, tiếp tục chui đầu vào bài tập của mình.

Không biết trải qua bao lâu, điện thoại đột nhiên rung lên, có tin nhắn. Và người nhắn tin lại là Lưu Khải. Cậu ấy đã bắt đầu trở về với bài tập, tôi mở tin nhắn đó ra trong hồ nghi.

"Bởi vì cậu rất dễ thương."

Đọc thấy dòng chữ này, tôi đã phụt cười.

Nam sinh bên cạnh quay qua nhìn tôi một cách nghi ngờ. Tôi nhìn lại nó, vô tình lườm thấy quyển tạp chí ở cạnh tay người đó, nụ cười chợt tan biến.

Đó là quyển tạp chí chuyên đề Khoa học – Tự nhiên mà tôi không bao giờ đọc đến. Trang bìa giới thiệu các tiêu đề có nội dung nổi bật bên trong, một trong số đó đã hiện rõ ba chữ "Mộ Thừa Hòa" to tướng. Tôi không khống chế được ánh nhìn của mình, đành để nó dừng lại trên ba chữ ấy.

Nam sinh và tôi cách nhau một chỗ ngồi. Tạp chí được đặt ở một bên chung với chồng sách của cậu ta, cách tay phải của tôi không đến 10cm.

Tay của tôi khẽ đưa lên, rồi từ từ di dời qua đó, đã từng chút tiến gần hơn, đúng ngay lúc đã chạm được nó rồi, tôi lại chần chừ, ngón tay nắm trở về lòng bàn tay, rồi từ từ rút về.

Khi Tống Kỳ Kỳ trở về trường thì đã cận kề kỳ thi cuối kỳ. Tôi và Bạch Lâm ra trạm xe lửa đón nó. Vừa bước ra từ khu soát vé, nó đã làm chúng tôi há hốc miệng. Tống Kỳ Kỳ đã cắt đi mái tóc dài, quấn trên cổ một chiếc khăn choàng, làm cho cái đầu của nó trông càng nhỏ hơn.

Câu đầu tiên mà Tống Kỳ Kỳ nói với chúng tôi là: "Nhớ các cậu quá!"

Câu thứ hai là: "Mình và anh ta đã chia rồi, mình xin thề."

Còn về vấn đề đã nghĩ thông suốt điều gì, chia cái gì, nó không nói tới. Tiêu Chính cũng từ đó trở thành cấm địa của phòng chúng tôi, chúng tôi không bao giờ chủ động nhắc đến hắn ở trước mặt Tống Kỳ Kỳ nữa. Nhưng, Tống Kỳ Kỳ nói được là làm được. Đừng nói là đơn độc ra phố, cho dù là điện thoại nó cũng rất ít dùng tới. Đúng thật là đã hoàn toàn cắt đứt liên lạc với Tiêu Chính, tâm trí hoàn toàn dành cho việc học.

Ngày cuối cùng của năm, tôi và Tống Kỳ Kỳ cầm theo thau rửa mặt vào nhà tắm.

Nó chợt hỏi tôi: "Chuyện của cậu và Mộ Thừa Hòa thế nào rồi? Sao lâu quá không nghe cậu và Bạch Lâm nhắc đến?"

Tôi nhe răng cười: "Còn nhắc gì nữa, Thần nữ hữu tâm Tương vương vô mộng, xấu hổ chết đi được."

Nó khựng lại, đi tiếp được vài bước thì lại hỏi: "Tại sao?"

"Không phải đã nói rồi sao, chỉ tại mình tự cho là đa tình thôi."

"Không phải là vì mình chứ?"

Tôi vội phủ nhận, "Không phải, không phải."

"Hy vọng là không phải. Đừng vì một con sâu mà làm sầu nồi canh. Mình và..... Tiêu Chính, khác với cậu và Mộ Thừa Hòa."

Khi nhắc đến tên của Tiêu Chính, Tống Kỳ Kỳ nói rất chậm, thậm chí còn có hơi do dự, như là phải dùng hết sức lực mới để bản thân có thể dùng một ngữ điệu tự nhiên nhất để nói ra cái tên đó.

Tôi cười với nó, không tiếp tục đề tài khiến người ta thấy lạc lõng này nữa.

Khoa của chúng tôi thi ít môn hơn khoa của Lưu Khải, do đó tôi thi xong trước một ngày. Buổi sáng vừa kết thúc kỳ thi, thì chỉ một buổi trưa thôi, tầng lầu của khoa ngoại ngữ đã về mất một nửa. Tôi cũng suy nghĩ xem có nên mang ít đồ lặt vặt hay những vật dụng mùa đông về nhà không. Nếu cứ để chúng thế này, đến học kỳ sau chắc sẽ còn phiền phức hơn.

Nói là làm!

Hai tiếng sau tôi đã thu dọn được một vali đầy ắp, nói với Bạch Lâm một tiếng xong, một mình tôi kéo vali ra khỏi cửa.

Bạch Lâm hỏi vọng lại từ phía sau: "Tối cậu có về không?"

"Về chứ."

Từ viện nữ sinh đến trạm xe buýt ngoài cổng lớn phải đi khoảng hai mươi phút. Nếu đi đường lớn thì phải vòng qua khu sinh hoạt của sinh viện. Tôi và Bạch Lâm thường sẽ đi ngõ tắt bên cống nước nhỏ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Chiếc vali cỡ to của tôi đã phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của con đường nhỏ này. Tiếng cọ sát của bánh xe và đường xi măng tuy rất chói tai nhưng lại nhịp nhàng. Tôi vừa đi vừa hát, hai loại âm thanh đan xen với nhau. Ngờ đâu, cảnh đẹp không được lâu dài, đột nhiên bánh xe phát ra một tiếng "cạch" làm tan nát trái tim của tôi. Tôi thử kéo thêm vài cái nữa, nhưng vali chỉ di động về phía bên trái, bên phải cứ đứng yên bất động, rất hiển nhiên, nó muốn nói với tôi, nó đã hư rồi. Bánh xe bị hư, tôi chỉ còn cách gọi cho Lưu Khải, sau đó tiếp tục dùng hết sức xách nó lên định đi tiếp.

Ở chính giữa con đường tắt này có một ngã rẽ, phía trong toàn là bụi rậm, do đó bất kể là đi từ đằng nào tới, cũng đều chỉ nghe thấy tiếng bước chân, rất khó biết được tình cảnh ở góc bên kia. Cũng chính vì thế mà khi mới bắt đầu, nơi đây đã trở thành một trong top 10 địa điểm hẹn hò lý tưởng nhất của Đại học A. Chỉ là, sau này nhà trường đã xây lầu hành chính ở kế bên, giáo viên ra vào thường xuyên, lãnh đạo cũng nhiều, nên nó mới lại trở về với hẻo lánh.

Lúc này đây, tôi nghe thấy đầu bên kia có người đang vừa nói chuyện vừa đi về phía tôi.

"Mấy năm trước bên Học viện công nghệ thông tin cũng đã chọn đề tài đó, tin chắc là cậu cũng có nghe nói rồi, sau 3 năm nghiên cứu, cuối cùng họ đã thành công. Hồi cuối năm nay, họ đã nhận được Giải nhất tiến bộ về Khoa học Kỹ thuật do quân đội trao tặng, trường chúng ta cũng có đăng báo biểu dương. Vốn dĩ về đề tài này ta đã có rất nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật lại cao. Ngờ đâu khi chúng ta hớn hở mang thành quả nghiên cứu đến bộ quân sự định giới thiệu, mới thấy ngượng ngạo. Lão Trần bọn họ trước đó không tiến hành phân tích và chứng minh nghiên cứu của mình với bộ đội, thành quả tuy tốt, nhưng quân đội lại không dùng được, cuối cùng chỉ còn cách mang về khóa vào tủ hồ sơ, chính thức trở thành một món đồ trang trí nhìn được mà không dùng được. Cho nên, trường chúng ta cũng phải suy nghĩ lại. Tiểu Mộ à, đặc biệt là cậu, bên cậu cũng có hợp tác với quân đội đó." Một người đàn ông trung niên nói bằng giọng khuyên bảo.

Tôi nghe người đó nói xong một đoạn thật dài thật nhiều nội dung, cuối cùng xuất hiện hai chữ "Tiểu Mộ", tim chợt giật thót lên.

Quả nhiên, tiếng của Mộ Thừa Hòa lập tức vọng đến.

"Chúng tôi sẽ chú ý." Anh ấy nói.

(3)

Quá bất ngờ, tôi hoảng hồn, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là tìm một nơi để nấp vào. Nhưng tình cảnh lúc này, đi tiếp cũng không được, mà đi ngược trở lại thì đã không kịp. Nếu bây giờ tôi vọt trở về, có lẽ cũng còn có thể, nhưng vali thì sao, đâu thể vứt nó ở đây. Để một chiếc vali trên con đường vắng, nhìn hơi giống đạo cụ trong các hoạt động khủng bố.

Bên phải của con đường này là rãnh cống hẹp, không thể nhảy vào đó, huống chi cho dù tôi có nhảy xuống cũng sẽ bị phát hiện. Bên trái là lùm cây cao gần bằng con người. Tôi nhanh chóng đưa ra quyết định, kéo hành lý nhảy vào trong, nấp dưới lùm cây đó.

May thay họ đi như đi dạo, nên rất chậm. Đợi sau khi tôi đã ổn định vị trí, họ mới từng bước từng bước đi qua.

"Mẹ cậu gần đây khỏe không?" Người đó hỏi.

Mộ Thừa Hòa nói: "Cũng khỏe."

Tôi ngồi nấp ở phía sau vạn niên thanh, nhìn ra ngoài qua những kẽ lá, không hề dời mắt.

"Tháng trước tôi đi họp ở thành B có gặp mẹ cậu. Ôi miệng lưỡi của bà ta, vẫn lợi hại như thời còn trẻ, vì cậu mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn sợ bà ấy."

"Sao?" Mộ Thừa Hòa hỏi.

"Cậu nói sao ư? Chắc chắn cậu phải biết rõ hơn tôi." Người đó cười nói: "Tiểu Mộ à, năm nay cũng 27 rồi phải không, lúc trước khi ở tuổi của cậu, tôi đã lấy vợ rồi. Nếu cậu đã có người mình thích rồi thì dắt về ra mắt mẹ đi, nếu không bà ấy sẽ còn tưởng những người làm khoa học như chúng tôi cướp hết thời gian của cậu đấy."

Không biết có phải là Mộ Thừa Hòa đang cười hay không, anh ấy không tiếp lời. Tiếng trò chuyện của họ càng ngày càng xa, tôi định đứng dậy xem cho chắc chắn nhưng lại không dám tùy tiện bước ra ngoài, đành tự nói với mình: chờ thêm chút nữa, chờ thêm chút nữa.

Ngờ đâu chính trong lúc chờ đợi như thế, tiếng bước chân đã lại vọng đến. Tôi tập trung tinh thần nghe thật kỹ, chỉ có một người. Nhưng người này chỉ đi tới gần chỗ tôi đang nấp thì đã dừng chân, lại còn đứng trước lùm vạn niên thanh, không dời bước.

Tôi nhìn đôi giày đó, hơi hồ nghi, nó hơi quen, hình như mới nhìn thấy lúc nãy. Nghĩ vậy, mặt của tôi tức thì trắng bệch.

Sau đó, chủ nhân của đôi giày đã cúi mặt xuống nói: "Tiết Đồng, em ngồi ở đây làm gì vậy?"

Tôi ngẩng mặt lên với tốc độ sấm chớp, bắt gặp ánh mắt của Mộ Thừa Hòa, lập tức đứng bật dậy, ú ớ: "Em..... em...." Não đã treo máy, tôi ước gì mình lập tức biến thành khói bay khỏi chỗ này như các Ninja Nhật Bản.

"Em đang tìm gì à?" Mộ Thừa Hòa nhướn khóe môi lên hỏi tôi.

Nếu nói đây là một câu hỏi thì chi bằng nói anh ấy đang nhắc tôi. Tôi lập tức gật đầu: "Dạ phải, tìm đồ."

"Tìm điện thoại?"

"Dạ phải." Tôi nói theo.

"Đâu?" Anh ấy nghiêng đầu hỏi tôi.

"Thì..." Còn chưa nói xong thì tôi chợt nhận ra điện thoại đang không giữ trên tay, đút tay vào túi áo ấm theo tiềm thức, cũng không có, trong thoắt chốc, tôi sực nhớ ra sau khi gọi điện cho Lưu Khải, tôi đã tiện tay bỏ nó vào balô trên vai.

Chột dạ, tôi liền thay đổi giọng điệu: "Thì... trong balô ạ."

Mộ Thừa Hòa nghe xong liền cười, đôi mắt híp lại, nhìn tôi đầy ý vị rồi "Ồ" một tiếng, độ cong của khóe môi càng thêm lớn. Lúc này tôi mới phản ứng ra, phải chăng anh ấy đã bẫy tôi? Giúp tôi nghĩ ra một lý do rồi để tôi tự động lòi đuôi? Nhìn cái đôi mắt mang đầy ý cười kia, tôi càng thêm khẳng định kết luận của mình. Cái người này lại chọc mình rồi!

Thế là, tôi lập tức thay sự chột dạ của mình bằng ánh mắt ai oán để nhìn hắn. Người này đang đứng ở bên ngoài, tôi đứng bên trong, chính giữa cách nhau một cây vạn niên thanh cao bằng nửa người. Giây phút này đây, ánh mắt của anh ấy đang nhìn tôi, sau đó tiến lên một bước. Tôi nhìn anh ấy một cách nghi ngờ. Điều tôi không ngờ đã xảy ra, anh ấy đột nhiên giơ tay trái lên đưa về phía tôi. Trái tim đột nhiên gia tăng nhịp đập. Ngón tay của anh ấy đã ngày càng tới gần. Một tấc, nửa tấc, một phân, nửa phân....

Chính ngay giây phút tay anh ấy sắp chạm vào tôi, tôi đã né qua một bên theo tiềm thức. Chỉ một góc độ rất nhỏ rất nhỏ như thế thôi, tôi đã tránh khỏi ngón tay của bàn tay trái của anh ấy, khiến chúng dừng lại giữa không trung, rất không tự nhiên.

Ngay trong lúc ấy, tôi dường như đã nhìn thấy trong đôi mắt của Mộ Thừa Hòa có gì đó xẹt qua rất nhanh. Đó là một thần sắc rất kỳ lạ. Nó biến mất nhanh đến thế, hoàn toàn không cho tôi cơ hội và thời gian để làm rõ nó là gì.

Sau này tôi cứ mãi suy nghĩ, người hậu đậu như tôi, phải chăng mãi mãi cũng không thể làm rõ được một số chuyện?

Thời khắc ấy qua đi rất nhanh chóng, nụ cười lại trở về trên gương mặt của anh ấy.

Thu tay trở về, anh ấy hỏi tôi: "Em định đứng mãi trong đó, tiếp tục chà đạp hoa cỏ của trường chúng ta?"

Tôi "A" lên một tiếng, vội nhảy trở ra.

"Đứng đây làm gì vậy?"

"Em.... em.... chờ người."

"Nghỉ đông rồi à?"

"Ừm." Tôi nói, "Nên em định dọn ít đồ dùng không cần trong học kỳ sau mang về nhà trước."

"Tìm được việc rồi?"

"Vẫn..... chưa." Tôi nói một cách ủ rũ.

"Kỳ nghỉ đông này có dự tính gì?"

"Mẹ bảo em tuần sau đến chỗ của mẹ cùng đón tết."

"Ồ." Anh ấy nói, "Tôi cũng sẽ ra nước ngoài."

Cuộc trò chuyện dường như đã gần kết thúc.

Để phá vỡ sự yên tĩnh này, tôi chủ động hỏi: "Công việc bận không?"

"Vẫn vậy."

"Thầy đừng kén chọn nữa." Tôi chợt nói.

"?" Anh ấy nhất thời không hiểu ý tôi.

"Lúc nãy em nghe lén cuộc trò chuyện đó rồi."

Anh ấy cười vô phương.

"Mẹ của thầy chắc nôn lắm nhỉ, có bắt thầy đi xem mắt không?" Tôi muốn chọc hắn.

"Vậy thì không, bà ấy biết tôi không có dự tính này."

"Tại sao?" Tôi ngạc nhiên.

Nụ cười trên gương mặt anh ấy dần tan biến, thay vào đó là giọng nói đều đều: "Chí hướng cuộc đời."

Đề tài đi đến đây, ngưng bặt.

Hai chúng tôi nhìn nhau, lại rơi vào sự im lặng ngượng ngùng.

"Tiểu Đồng!"

Lưu Khải vừa gọi vừa chạy về phía tôi.

"Đây..." Tôi vui vẻ trả lời cậu ấy. Không hiểu tại sao trong lòng lại có cảm giác được giải thoát.

Lưu Khải nhìn thấy Mộ Thừa Hòa ở bên cạnh tôi, liền lễ phép chào: "Thầy Mộ."

Mộ Thừa Hòa mỉm cười gật đầu, sau đó nói mình có việc rồi đi trước.

Sau đó, Lưu Khải xách hành lý của tôi ra khỏi lùm cây, còn không kìm được sự tò mò: "Sao cậu lại để nó chạy vào trong đó thế?"

"Ban đầu mình nghĩ nếu cậu không đến đón mình, mình sẽ giấu nó trong đó để buổi tối cậu tới lấy."

"Không phải chứ, cậu nghĩ vậy thật sao?"

"Đương nhiên." Tôi nghênh nghênh cằm.

Nói chuyện với Lưu Khải hoàn toàn khác với khi nói chuyện với ai kia. Cho dù là nói dối, cũng dễ dàng đến thế. Nhưng trong mắt Mộ Thừa Hòa, dường như bất kỳ cách thức mà tôi dùng để che đậy bên ngoài cũng đều là dư thừa.

"Tiết Đồng." Tiếng gọi của Lưu Khải kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ vẩn vơ.

"Hmm?"

Cậu ấy ra dấu bảo tôi sờ lên trán của mình, tôi làm theo, phát hiện trên tóc mái của mình có một vật lạ. Lấy xuống rồi mới biết đó là một chiếc lá nhỏ, màu xanh lá cây đậm, là lá của vạn niên thanh.

Chiếc lá đã vàng úa, nên hơi cong lại.

Hóa ra, lúc nãy anh ấy chỉ là muốn giúp tôi lấy nó xuống.

Tôi cảm thấy, Mộ Thừa Hòa đối với tôi mà nói, có một cảm giác kính sợ nhưng lại si mê.

Chỉ là, bắt đầu từ nay, tôi không cần cảm giác đó nữa.

(4)

Ngày thứ ba sau kỳ thi, tôi đã ngồi trên chuyến xe đến thành B.

Trại giam nơi mẹ làm việc cách trung tâm không xa lắm, vốn dĩ đơn vị đã thuê cho mẹ một căn hộ ba phòng, nhưng mẹ chê nó xa trại giam quá nên rất ít đến đó, chỉ ở trong ký túc xá của đơn vị. Ký túc xá đó thật chất là một chung cư, phòng vệ sinh và phòng tắm đều dùng chung, ăn cơm thì ở nhà ăn.

Sau khi tôi đến đây, cảm thấy việc gì cũng không tiện, còn không bằng trường của chúng tôi.

Vì thế mẹ đã cùng tôi về ở trong căn hộ ở trung tâm.

Trong ngày vận chuyển đồ đạc, nhiều đồng nghiệp của mẹ cũng đã đến giúp đỡ, trong đó có một bác khoảng năm mươi mấy tuổi rất nhiệt tình, anh tài xế trẻ tuổi kia suốt ngày cười hi hi gọi bác ấy là "Chính ủy Trần."

Bắt đầu từ sau cuộc cãi vã trước mộ của ba, tôi đặc biệt nhạy cảm với chữ "Trần", nên đã đặc biệt chú ý đến "Chính ủy Trần" này.

Bác ấy không cao, người hơi ốm, mặc cảnh phục vải mềm màu xanh lục đậm, trông như màu đen. Tính tình rất hòa thuận, chỉ là gương mặt trông có vẻ rất nghiêm túc, lúc nào cũng nghiêm mặt lại, hoàn toàn khác với ba của tôi. Lúc sau, dường như phát giác ra ánh mắt dò xét của tôi, bác ấy cũng bắt đầu nhìn tôi. Mẹ tôi thì không nói chữ nào về bác ấy.

Trước khi ngủ, tôi không nhịn được nữa, đánh liều hỏi: "Người đàn ông đó chính là người mà mẹ nói à?"

Mẹ nghi hoặc: "Con đang nói gì vậy? Gì mà đó với kia."

Tôi tức tối: "Thì cái bác Trần gì đó, hôm nay phụ mẹ dọn đồ đó!"

Mẹ nghe xong thì phì cười, "Thời gian gần đây đầu của con dùng để suy nghĩ cái gì vậy? Hễ ai họ Trần thì con đều nghi ngờ sao. Gì mà Trần gì đó chứ, hỗn láo. Bác Trần là chính ủy chỗ mẹ làm, không phải người mà lần trước mẹ....." Mẹ chợt dừng lại, "Không phải người lần trước mẹ nói với con."

"Ồ." Tôi đáp, "Ai bảo mẹ không nói rõ."

"À phải, con của bác ấy cũng học năm 4, tuần sau sau khi thi xong nghiên cứu sinh sẽ qua đây đón tết với bác ấy. Lúc đó hai con cũng có thể bầu bạn với nhau."

"Ồ."

"Bác ấy nói con gái bác ấy hướng nội, không thích tiếp xúc với người khác, sợ hai con sẽ không nói chuyện được. Mẹ thì nói từ nhỏ con đã rất dễ chịu, ai con cũng làm bạn được. Mẹ đã lỡ phóng đại lên rồi, con đừng gỡ khán đài của mẹ nha."

Một lúc sau, tôi sực nhớ ra một vấn đề rất nghiêm trọng, "Mẹ, bác Trần này, đã kết hôn hay đã ly hôn?"

Mẹ nổi giận, "Ta nói Tiết Đồng này, con bắt đầu quản mẹ rồi phải không, còn nghiêm ngặt hơn mẹ quản con nữa ha!"

Tôi không nhịn được, ngồi cười khờ.

Không biết là vì tôi đã dần trưởng thành hay là vì mẹ con chúng tôi hiện giờ gặp ít xa nhiều, tóm lại quan hệ của chúng tôi đã thân thiết hơn xưa rất nhiều.

Tôi chưa bao giờ cầm bản đồ lang thang trong một thành phố xa lạ, khi mới bắt đầu cũng thấy không quen lắm, nhưng chỉ vài ngày sau, tôi đã yêu phải cảm giác này.

Con gái của bác Trần đến đây sau tôi một tuần.

Bạn ấy tên Trần Nghiên, là một cô gái rất thanh toát, nước da rất trắng.

"Cậu học chuyên ngành gì vậy?" Tôi hỏi.

"Luật."

"Wow, ngành này tốt."

"Còn cậu?" Trần Nghiên hỏi.

"Anh ngữ."

"Tiếng Anh cũng tốt, chí ít khi thi nghiên cứu sinh, môn tiếng Anh có thể kéo được rất nhiều điểm. Sao cậu không thi thử?"

"Mình không muốn học tiếp." Tôi nói, "Hơn nữa học có gì tốt đâu, lại không thể kiếm tiền."

Đúng như nguyện vọng của mẹ, tôi và Trần Nghiên đã thật sự trở thành bạn thân.

Sau khi quen thân rồi, tôi mới phát hiện, trầm lặng và ít nói chỉ là vẻ ngoài của cậu ấy, bình thường cậu ấy cũng lanh chanh và thích nói chuyện như những con gái khác, hơn nữa còn rất là tò mò.

Có một lần khi nói về đơn vị làm việc của mẹ, tôi kinh ngạc: "Trại giam đó giam phạm nhân nam sao?"

"Ừ, ngay cả cái này cậu cũng không biết sao?" Trần Nghiên còn kinh ngạc hơn tôi.

"Mẹ mình không bao giờ nói chuyện trong chỗ làm cho mình biết, mình chỉ biết trước đây mẹ trông trại giam nữ, đồng nghiệp cũng hầu hết là nữ, nên mình tưởng trại giam bên này cũng là trại giam nữ. Hèn chi lần trước khi dọn nhà lại thấy nhiều cảnh sát nam đến thế."

"Đâu phải phụ nữ thì chỉ có thể trông gác phạm nhân nữ đâu. Trong trại giam nam, ngục cảnh nữ chỉ không thể gác thay và vào trại xá mà thôi." Hiển nhiên là cậu ấy biết nhiều hơn tôi.

"Tại sao không thể vào trại xá?" Tôi tò mò.

"Cũng không phải là tuyệt đối không thể vào, nhưng theo quy định, nếu cảnh sát nữ vào đó thì bắt buộc phải có hai cảnh sát nam đi cùng." Cậu ấy tiếp tục.

"Tại sao?"

Trần Nghiên không trả lời ngay, mà nhìn tôi chớp chớp đôi mắt to đẹp.

Và.... tôi hiểu rồi.

Tôi ôm bụng cười, chỉ vào mặt cậu ấy nói: "Nét mặt này của cậu nhìn dê thiệt."

Trần Nghiên hỏi: "Tự cậu không nghĩ chuyện ghê thì sao nhìn thấy mặt mình dê được?"

"Cậu biết nhiều thật." Tôi nói.

"Mình thích hỏi ba về công việc của ba."

"Hai người trò chuyện dễ lắm à?"

"Ừm" Trần Nghiên gật đầu, "Cậu đừng nhìn ba mình lúc nào cũng nghiêm mặt, thật ra ông ấy rất hiền."

Hiền? Tôi ngẩng đầu lên, hồi tưởng lại gương mặt da đen của bác Trần, kiểu nào cũng không thể liên kết nó với chữ "hiền" của Trần Nghiên.

Đêm 30 tết, hai chúng tôi mặc áo như hai cái thùng phi chạy ra đường bắn pháo bông.

Gần đến 0 giờ, Lưu Khải gọi điện cho tôi, nói rất lâu.

Trần Nghiên hỏi: "Bạn trai cậu à?"

"Ừm. Cũng tựa tựa vậy."

"Coi chừng mình nói mẹ cậu nghe đó nha."

"Bà ấy mới không quản mình những chuyện này." Tôi nói: "Còn cậu?"

"Mình không có." Trần Nghiên trả lời, "Mình không có thời gian rãnh."

"Hẹn hò đâu phải là chuyện rãnh." Tôi biện cãi.

"Mình không có dự tính này, cả đời này mình chỉ muốn sống một mình." Trần Nghiên nói.

"Tại sao?"

Trần Nghiên cảm khái: "Sống một mình sướng biết chừng nào, không lo không sầu, hơn nữa mình còn có lý tưởng khác." Ngữ khí ấy đặc biệt trịnh trọng. Lời nói của Trần Nghiên bất giác làm tôi nhớ đến Mộ Thừa Hòa, có phải vì cũng mang thái độ này với cuộc sống nên anh ấy mới muốn sống độc thân không.

Đột nhiên, điện thoại của tôi và Trần Nghiên cùng lúc rung lên.

Là mẹ.

"Alô." Tôi nói.

"Đồng Đồng, tụi con đang ở đâu?"

"Ở quảng trường trung tâm."

"Đêm nay con qua nhà Trần Nghiên, mẹ có việc phải về đơn vị, có lẽ không về được." Ngữ khí của mẹ rất nghiêm trọng.

"Sao vậy?" Tôi vội hỏi.

"Công việc. Con đừng hỏi, hãy tự mình chú ý an toàn." Khi nói đến công việc, thái độ của mẹ luôn như thế.

Tôi đã cúp máy, nhưng Trần Nghiên thì còn nói thêm một lúc nữa.

"Là ba cậu à?"

"Ừm. Ba nói trong ngục xảy ra chuyện lớn, có lẽ có người vượt ngục rồi."

"Không phải chứ!" Tôi tròn xoe mắt.

Dẫu rằng ngày thường mẹ luôn cách ly tôi với công việc của mẹ, nhưng xem tivi nhiều rồi, tôi cũng biết vượt ngục là một sự kiện lớn.

"Chúng ta phải làm sao?" Gặp phải chuyện thế này, tôi hoàn toàn không có chủ kiến.

"Xe của ba sẽ đến đón chúng ta." Trần Nghiên nói.

"Đi đâu?" Tôi hỏi.

"Về nhà mình."

Không bao lâu, tài xế Tiểu Lý đã lái xe đến nơi hẹn sẵn và chở tôi với Trần Nghiên về nhà.

Suốt chặng đường, sắc mặt của Tiểu Lý vô cùng cảnh giác. Chúng tôi gặp phải một trạm kiểm soát ở giao lộ, cảnh sát và cảnh sát vũ trang đang tra hỏi rất nghiêm ngặt mỗi một chiếc xe.

Mãi cho đến lúc này, tôi mới ý thức được sự việc này nghiêm trọng đến cỡ nào.

"Chuyện xảy ra từ lúc nào vậy?" Trần Nghiên hỏi.

Tiểu Lý và Trần Nghiên rất thân nhau, anh ấy nói: "Lúc ăn tối phạm nhân chắc chắn vẫn còn, thông thường 9g30 xem phim xong sẽ điểm danh rồi về phòng ngủ lúc 10 giờ. Hôm nay là giao thừa, do đó đã để họ xem xong chương trình Xuân Vãn, kết quả là vào lúc 12g30, phát hiện thiếu mất một người."

"Làm sao mà chạy ra được?" Tôi bồn chồn.

Khi vừa đến đây, tôi đã tới trại giam nơi mẹ làm. Trong ngoài được bao vây bằng hai vách tường, đặc biệt là vách tường bên ngoài, cao những ba tầng lầu, phía trên còn văng lưới điện áp cao, vòng bên ngoài cùng còn có cảnh sát vũ trang đi tuần.

Tiểu Lý nói: "Chắc chắn hắn vẫn chưa chạy ra ngoài, có thể là đang nấp ở đâu đó trong trại. Nên sau khi tới nơi, hai em chỉ có thể vào khu văn phòng. Trại giam hiện giờ đã dựng lô-cốt ở đầu đường, chỉ để đề phòng hắn nấp vào xe chở hàng thôi."

Tiểu Lý giải thích xong, chúng tôi đều im lặng.

Vài phút sau, xe đi qua trạm kiểm soát thứ hai.

Trong im lặng, Trần Nghiên lại hỏi: "Đó là ai vậy?"

Tiểu Lý nói: "Tội phạm mới, 50 tuổi, mới vào hồi tháng trước. Bỏ độc giết người, phán án hoãn tội chết 2 năm."

"Hoãn tội chết 2 năm?" Tôi hỏi.

"Có nghĩa là 2 năm sau mới chấp hành án phạt, nếu trong hai năm này, phạm nhân không có hành vi phạm tội, án sẽ tự động được chuyển sang tù chung thân. Trái lại, nếu phạm tội thì sẽ chấp hành án tử hình ngay lập tức." Trần Nghiên giải thích.

Khi đến dưới lầu nhà Trần Nghiên, Tiểu Lý khóa xe cẩn thận, nằng nặc phải đưa chúng tôi lên lầu.

"Em có Tiết Đồng đi cùng, không sao đâu." Trần Nghiên nói.

"Anh nhất định phải đưa hai em lên nhà, nhìn hai em khóa cửa cẩn thận rồi mới đi." Tiểu Lý nhấn mạnh, "Chúng ta không biết người đó sẽ xuất hiện ở đâu, sẽ làm gì."

Trần Nghiên gật đầu, không từ chối nữa.

Tôi đột nhiên có hơi sợ.

4 giờ khuya, tôi mơ hồ nghe thấy tiếng động gì đó. Lúc nãy hai chúng tôi nằm trên ghế sopha xem lại chương trình Xuân Vãn, được một lúc thì đã thiếp đi.

Tôi đứng dậy, nhìn quanh một vòng.

Để dễ dàng khẳng định nguồn gốc phát ra tiếng động hơn, tôi cầm remote lên giảm âm lượng lại.

Trần Nghiên cũng đã tỉnh.

"Sao vậy?" Nó dụi mắt.

"Suỵt......" Tôi làm động tác im lặng.

Sau đó, tiếng động ấy lại xuất hiện lần nữa, còn là phát ra từ cửa lớn.

Hai chúng tôi nhìn nhau, rồi cùng hướng ra dán mắt vào cánh cửa chống trộm. Tim của tôi đập thình thịch, hai tay siết chặt remote.

Khóa cửa xoay một cái, từ từ mở ra.

Giây phút đó, tôi cơ hồ đã quên mất hô hấp, thậm chí còn tưởng tượng đến việc sắp xảy ra.

"Nghiên Nghiên?"

Có nửa thân người chồm vào từ phía sau cửa, là Bác Trần!

"Ba, là ba sao!" Trần Nghiên nói. Cùng với lúc ấy, tôi cũng thở phù nhẹ nhõm.

"Ba làm tụi con sợ chết rồi, sao về mà không gọi điện trước?"

"Sợ hai con đã ngủ."

Người xuất hiện tiếp theo là mẹ tôi.

"Chuyện sao rồi?" Trần Nghiên hỏi.

"Tìm được rồi." Bác Trần cởi áo khoác xuống.

"Tìm thấy ở đâu?"

"Ngay trong trại giam, nấp ở chỗ tối, vẫn đang tìm cách bỏ trốn."

Tôi nhìn họ, cảm giác như vừa trải qua một giấc mơ. Đột nhiên xảy ra chuyện, lại đột nhiên trở về như ban đầu. Người muốn vượt ngục kia cuối cùng sẽ ra sao, cũng không đến lượt tôi quan tâm nữa.

Kỳ nghỉ đông đã gần hết, một ngày trước khi tôi về thành phố A, mẹ đã trò chuyện với tôi. Tôi tưởng mẹ lại định nói chuyện về bác Trần kia, nhưng không phải, mẹ hỏi chuyện học của tôi.

"Con có dự tính gì cho tương lai?"

"Con đang tìm việc."

"Sau này định làm gì?"

"Không biết."

"Không biết?"

"Dạ phải, Trần Nghiên sướng hơn con, mục tiêu lý tưởng rõ ràng đến vậy. Bạn bè của con những ai chưa tìm được việc thì tết này đều ở lại trường tìm kiếm cơ hội."

Lưu Khải đang thi làm nhân viên nhà nước.

Tống Kỳ Kỳ đã ký hợp đồng với một trường trung cấp ở dưới quê, về đó làm giáo viên.

Sư huynh Lý còn hai năm nữa mới tốt nghiệp bằng thạc sĩ, nguyện vọng của Bạch Lâm là ở lại thành phố A với anh ấy, về mục tiêu công việc, nó không để tâm lắm.

Triệu Hiểu Đường muốn làm cố vấn trong công ty bất động sản.

Vậy còn tôi?

Ngoài việc phải thi đỗ cấp 8 trong học kỳ sau, tôi còn có mục tiêu gì?

"Mẹ, mẹ nói xem con nên làm gì?"

Mẹ nhìn tôi, xoa đầu tôi, "Nếu chưa suy nghĩ kỹ thì hãy từ từ, không thì cứ về nhà đã, để mẹ nuôi."

"Hay là... con cũng thi làm cảnh sát?"

"Không được."

"Tại sao? Chẳng phải mẹ cũng là cảnh sát sao."

"Chính vì mẹ làm nghề này, nên mới không hy vọng con đi theo con đường này." Ngừng lại một lúc, mẹ hạ thấp giọng: "Quá cực rồi."

(5)

Học kỳ mới đã khai giảng, tôi và Lưu Khải tiếp tục phát triển đều đều, nhưng loại hình phát triển này chỉ giới hạn trong các tiết mục cùng đi ăn, tự học, và cậu ấy lấy nước giúp tôi. Bên cạnh đó, phòng ký túc xá của chúng tôi đã xảy ra một chuyện kỳ lạ, và chủ nhân của sự biến hóa này chính là Triệu Hiểu Đường. Nó đột nhiên duỗi tóc thẳng tắp, các kiểu quần áo quái dị và bóng mắt nhũ đủ màu sắc trước đây cũng tự nhiên biến mất khỏi người nó, hơn nữa còn về phòng đúng giờ vào mỗi đêm.

Tôi không kìm được sự tò mò: "Sao tự nhiên ra dáng như sinh viên vậy?"

Triệu Hiểu Đường phản bác: "Tớ vốn dĩ là một sinh viên."

"Vậy sao? Vậy mà tới bây giờ mình mới phát hiện."

Nó lườm tôi một cái thật lạnh, "Có tin là mình bóp cổ cậu ngay bây giờ không?"

Ngày 14 tháng 3, nghe nói là White Day. Vốn dĩ tôi không biết điều này, cũng nhờ Bạch Lâm huyên thuyên mãi về White Day, tôi mới biết hóa ra còn có một ngày như thế. 14 tháng 2 vừa qua đúng lúc nhằm vào dịp tết, các đôi tình nhân nhà trường đa phần đều mỗi người một phương, do đó ngày lễ White Day này đã được xem là một sự bù đắp, cả trường đều náo nhiệt vô cùng.

Ngày 14, thứ tư, buổi tối Lưu Khải có môn chuyên ngành, do đó cậu ấy đã mua vé xem phim buổi chiều. Nơi chúng tôi xem phim đương nhiên không phải là rạp chiếu phim lậu ở khu Tây mà tôi và Bạch Lâm thường tới giả làm thành viên nữa, mà là một rạp chiếu phim sang trọng ngay trung tâm thành phố. Có lẽ đây cũng có thể xem là cuộc hẹn đầu tiên tương đối chính thức nhất, và ra dáng hẹn hò nhất của chúng tôi.

Trong đại sảnh rạp chiếu phim có rất nhiều thanh niên nam nữ chạc tuổi chúng tôi. Khi đi đến chỗ bán thức ăn ở góc quẹo, tôi trông thấy một dòng chữ dán trên tủ kem: Yêu cô ấy, thì hãy mời cô ấy ăn Häagen-Dazs. Hiển nhiên là Lưu Khải cũng đã nhìn thấy, ánh mắt của chúng tôi vô tình gặp nhau.

"Ăn không?" Cậu ấy hỏi.

"Không ăn. Vừa đắt vừa lạnh." Tôi quay đầu sang hướng khác, đi nhanh hơn trong ngượng ngùng, bỏ lại Lưu Khải ở phía sau.

Lời tôi nói là thật lòng, hôm nay đích thật rất lạnh. Vốn dĩ mùa xuân đã đến rồi, ngờ đâu từ hôm qua thì nhiệt độ lại đột ngột hạ thấp, làm mọi người trở tay không kịp. Chiếc áo ấm dày nhất của tôi đã bị gói về nhà rồi, giờ chỉ còn cách mặc thêm mấy lớp áo để chống hàn thôi.

Phim vừa khởi chiếu không bao lâu, tôi đã không cưỡng lại được cơn lạnh mà ngồi ho khàn.

Lưu Khải nhìn tôi.

Tôi nói: "Không sao."

Chiếu được một nửa, cổ họng của tôi bắt đầu ngứa, tôi lại bắt đầu ho. Để tránh làm phiền người khác, tôi cố hết sức hạ thấp âm thanh của mình. Lưu Khải thấy tôi kìm nén khổ sở như vậy, liền lấy tay vỗ lưng cho tôi. Cơn ho đã tạm ngưng, chính ngay lúc tôi tưởng rằng mình có thể tiếp tục an tâm xem phim thì Lưu Khải nói: "Em lạnh không?" Ngay tức thì, tay của cậu ấy rời khỏi lưng của tôi, sau đó đưa ra trước, nắm lấy tay tôi.

Tôi giật mình. Quay đầu qua nhìn cậu ấy. Lưu Khải nhìn về phía màn hình, rất bình tĩnh, nét mặt không một chút cảm xúc, nhưng bàn tay thì vẫn nắm lấy tôi, không hề rời khỏi. Một giây, mười giây, ba mươi giây...... vẫn vậy.

Tôi không biết phải làm sao, hễ gặp phải những chuyện thế này tôi sẽ lại hoảng sợ và không biết cách giải quyết. Tôi sợ tôi rút tay ra sẽ làm tổn thương cậu ấy, nhưng nếu tôi cứ im lặng như thế, có khi nào cậu ấy sẽ còn cử chỉ thân mật hơn nữa không? Thế là, tôi hốt hoảng, tôi ngồi im chẳng dám động đậy, cứ để mặc cậu ấy như thế, song toàn thân tôi đã hoàn toàn đông cứng.

Sống đã 21 năm, ngoại trừ ba tôi ra thì tôi chưa từng có cử chỉ thân mật với bất kỳ người khác phái nào. Cũng vì thế mà đoạn sau của bộ phim tôi hoàn toàn không có tâm trí theo dõi, chỉ cảm giác thấy lòng bàn tay của Lưu Khải cũng đang chảy mồ hôi, lớp nước ẩm ướt đó dính vào lòng bàn tay của tôi, làm cho chúng vừa nhích, vừa khó chịu.

Còn nhớ trong tiết Nghe nhìn của năm 3, giáo viên trình chiếu rất nhiều phim điện ảnh, trong đó có một nữ chính từng nói, cô ấy những tưởng khi hôn người mình yêu, gót chân sẽ rất tự nhiên mà rời khỏi mặt đất, để nhón lên hướng đến hạnh phúc, đó là cảm giác như mất đi bản thân. Tôi cũng đã từng nghĩ vậy, tôi luôn cảm thấy khi bạn trai của tôi nắm tay tôi lần đầu, tôi sẽ cảm thấy ấm áp và ngọt ngào.

Nhưng giờ đây, hiện thực và tưởng tượng... hơi khác nhau.

May thay bóng tối trong rạp chiếu đã che đậy sự gượng gạo của tôi. Câu chuyện đã phát triển đến lúc gây cấn, người ngồi phía trước tôi quay qua trao đổi với người bạn đi cùng, tôi cũng thừa cơ thay đổi tư thế ngồi, sau đó rút tay mình ra khỏi tay của Lưu Khải một cách tự nhiên.

Có lẽ là vì quá đột ngột, tôi vẫn chưa kịp thích ứng; Cũng có lẽ là vì từ nhỏ tôi đã không mấy thích tiếp xúc cơ thể với người khác; Hoặc có lẽ là do tôi cảm thấy không khí trong đây không thích hợp. Tóm lại từ khi thu tay lại, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Sau khi ra khỏi rạp chiếu phim, tôi cố gắng để mình tỏ ra rất vui vẻ. Ăn tối xong, cậu ấy vào học, và tôi về phòng.

Ngày hôm nay đã trải qua như thế.

Chiều hôm sau, Triệu Hiểu Đường vừa bước vào phòng thì đã ném cho chúng tôi một quả bom, nó hào phóng nói: "Tối nay bạn trai của mình sẽ đãi các cậu ăn."

"Không phải chứ?" Tôi và Bạch Lâm cùng nói. "Cậu có bạn trai từ lúc nào?"

"Các cậu cũng quen."

"Không phải chứ?" Hai chúng tôi bắt chước theo biểu cảm của Châu Tinh Trì, nâng cao giọng lên rồi cảm thán thêm một lần.

"Là Mộ Hải."

"Mộ Hải là ai?" Bạch Lâm hỏi.

"Cái tên này hình như có nghe qua ở đâu rồi." Tôi vừa nói vừa trầm tư.

Triệu Hiểu Đường lườm tôi một cái, nó nhắc nhở: "Có nhớ hồi năm 3, có một lần chúng ta ra ngoài gặp một người bạn trên mạng của mình, cậu còn bị nhận lầm thành mình đó, chính là Mộ Hải đấy."

"À!!!!" Tôi bừng tỉnh ngộ, "Sau đó anh ta còn mời tụi mình đi karaoke, hại mình gặp phải Mộ Thừa Hòa."

"Đúng rồi." Triệu Hiểu Đường gật đầu.

"Nickname của anh ta là gì nhỉ....."

"Mộ Dung Thanh Phong."

Thật lòng mà nói, sự xuất hiện của Mộ Hải làm chúng tôi "rớt hết mắt kiếng". Hình tượng của anh ta hoàn toàn sai lệch với mẫu bạn trai lý tưởng của bất cứ người bạn trai tin đồn nào của Triệu Hiểu Đường. Là một người thuộc chủng loại khác loài trong lớp chúng tôi, điều kiện chọn bạn trai của Triệu Hiểu Đường chỉ có một nguyên tắc: Nếu anh không phải rất giàu, thì chí ít anh phải rất đẹp trai. Rất hiển nhiên, Mộ Hải không thuộc dạng một, cũng không phù hợp với dạng hai.

Nhưng Triệu Hiểu Đường lại chọn anh ấy, thậm chí còn thay đổi một số tác phong trước đây của mình.

"Lúc đi phỏng vấn việc làm mình đã gặp anh ấy. Anh ấy là một người đàn ông tốt."

Bạch Lâm nói: "Đàn ông tốt nhiều biết chừng nào, sao lúc trước không thấy cậu thích?"

Lập tức, Triệu Hiểu Đường phun ra một câu làm tôi và Bạch Lâm muốn ngất xỉu. Nó nói: "Nội hàm của anh ấy đã thu hút mình sâu sắc." Nó vốn dĩ dùng giọng điệu đùa giỡn để nói câu nói này, nhưng, ngay giây phút ấy, tôi lại nhìn thấy nụ cười mỉm xuất hiện trên gương mặt của nó. Nụ cười ngọt ngào.

Buổi tối khi ăn với Mộ Hải, mọi người đều tỏ ra rất không tự nhiên. Thứ nhất, anh ấy đã là người ra làm việc trong xã hội, không có nhiều đề tài để nói với chúng tôi như Lưu Khải và sư huynh Lý. Thứ hai, mặc dù hiện giờ anh ấy đã là gia quyến của phòng chúng tôi, nhưng lúc trước chúng tôi cũng đã từng "chém" anh ấy như một con nai tơ, do đó không khỏi ái ngại khi ngồi trước anh ấy.

Vì vậy mà đề tài trò chuyện hoàn toàn giao cho sư huynh và Lưu Khải. Ba người đàn ông khi thì nói chuyện chính trị, lúc lại thảo luận tin nóng xã hội, còn nói cả các điểm du lịch, sau đó trở về ngành địa ốc của Mộ Hải, bốn đứa con gái chúng tôi thỉnh thoảng sẽ xen vào vài câu, quan hệ xem như cũng đã thân thuộc hơn. Cuối cùng, đề tài chuyển về sư huynh Lý – người có trình độ học vấn cao nhất ở đây.

Mộ Hải nói: "Học ngành của em là cũng xem như nhân tài khoa học của đất nước rồi, rất nhiều cơ hội làm việc đấy."

Sư huynh Lý lắc đầu cười khổ.

Mộ Hải lại nói: "Anh có một người họ hàng cũng dạy môn Vật Lý trong trường của mấy em, rất nổi tiếng, tên là Mộ Thừa Hòa." Lời vừa dứt, ngoài Lưu Khải ra, năm chúng tôi đều sững người.

"Anh là họ hàng của thầy Mộ?" Bạch Lâm hỏi trước.

"Sao trước đây chưa từng nghe anh nói?" Triệu Hiểu Đường là người thứ hai.

"Là họ hàng thế nào?" Tống Kỳ Kỳ làm người hỏi thứ ba.

"Mấy em....." Mộ Hải nói, "Hình như đều rất kinh ngạc."

Lưu Khải không biết chuyện gì nên tốt bụng giải thích: "Thầy Mộ là giáo sư dạy sư huynh Lý, cũng từng dạy môn tiếng Nga cho Tiết Đồng."

Chỉ có sư huynh Lý là hướng mắt qua bên trái nhìn chúng tôi, rồi lại quay sang bên phải nhìn Lưu Khải và Mộ Hải, bị kẹp ở giữa, nét mặt của anh ấy trông khá phức tạp.

Bạch Lâm lén nhìn sư huynh Lý ra dấu hiệu gì đó.

"Anh và thầy Mộ là anh em họ ruột thịt ư?" Tôi bình tĩnh hỏi.

"Không phải, anh làm gì có phúc phần như vậy. Anh ấy là cháu ngoại của cháu của ông nội của ba anh."

Anh ấy nói xong, cả bàn chúng tôi đều cùng giữ im lặng.

Cuối cùng, Triệu Hiểu Đường dũng cảm đáp lại: "Cái quan hệ kiểu này anh nói xong cũng như không nói, chẳng hiểu gì cả."

Mộ Hải suy nghĩ một lúc, rồi giải thích bằng một phương thức khác: "Ông ngoại của anh ấy và ông nội của anh có cùng một ông nội."

"À!!!" Mặc dù mọi người đều đã ồ lên, còn cùng gật đầu, nhưng tôi cảm thấy chắc là họ cũng cùng cấp độ với tôi thôi, tức là không hiểu.

Một lúc sau, Tống Kỳ Kỳ đặt ra câu hỏi: "Ông ngoại của thầy và ông nội của anh là anh em chú bác, vậy sao hai người lại mang cùng một cái họ?"

"Mộ Thừa Hòa theo họ của mẹ mà." Mộ Hải nói.

"Ba của thầy Mộ trước đây là giáo sư của trường bọn em, nhưng đã qua đời từ rất sớm, vì thế mà sau này thầy mới theo họ của mẹ chăng." Sư huynh Lý tự giải thích.

Về chuyện của ba mình, trước đây Mộ Thừa Hòa từng chính miệng nói với tôi, do đó suy đoán của tôi và sư huynh Lý là giống nhau.

Ngờ đâu Mộ Hải lại lắc đầu phủ nhận: "Không phải, từ nhỏ anh ấy đã họ Mộ. Gia đình của anh ấy.... vài ba câu thì nói không hết đâu, không phải người như chúng ta có thể hiểu được."

Sau bữa cơm, Mộ Hải trả tiền xong đi ra thì phát hiện tôi đang đứng một mình ngoài cửa, tay cầm túi xách của những người còn lại.

"Người đâu cả rồi?" Anh ấy hỏi.

"Đi toilet rồi."

Mộ Hải nghe xong thì cười hi hi.

Chiều cao của anh ấy và Mộ Thừa Hòa ngang ngửa nhau, nhưng gương mặt lại chẳng giống nhau. Thật không thể ngờ lại mang cùng một họ, mà còn là họ hàng.

Đột nhiên, tôi bất giác đặt ra câu hỏi: "Ngày thường anh và thầy Mộ có thân nhau không?"

"Không thân lắm."

Thấy tôi dùng ánh mắt trông chờ nhìn anh ấy, Mộ Hải bổ sung thêm: "Ngẫu nhiên vào các dịp lễ tết, cả nhà họp lại dùng bữa cơm. Nhưng hễ có mặt anh ấy thì những đứa trẻ trong nhà sẽ đặc biệt náo nhiệt."

"Vậy sao?"

"Anh ấy rất có lòng kiên nhẫn đối với người khác, tính tình lại tốt. Trong não anh ấy chẳng biết đã chứa bao nhiêu thứ, anh ấy mà kể chuyện thì y như rằng sẽ làm bọn trẻ ngẩn cả người."

Tôi không nhịn được cười, nhất thời chợt nhớ đến Bành Vũ, nhớ đến nét mặt sùng bái của nó mỗi khi nhắc đến Mộ Thừa Hòa.

(6)

Mộ Hải lại nói: "Chắc chắn là anh ấy rất được học sinh yêu thích phải không, đẹp trai thế mà."

Tôi nói một cách không tự nhiên, "Phải đó, thầy giảng bài rất thú vị."

Bất chợt, Mộ Hải cảm thán: "Thật ra, trưởng thành trong một gia đình như thế mà anh ấy còn có được tính cách như vậy là rất không dễ dàng."

Tôi ngẩn ngơ, "Tại sao?"

"Tụi em không biết sao?" Mộ Hải hỏi lại.

Tôi lắc đầu sững sờ. Thế là, Mộ Hải đã dùng vài ba câu để khái quát ngắn gọn lịch sử cách mạng của ông ngoại của Mộ Thừa Hòa, và lịch sử tham chính của mẹ của anh ấy. Tiếp đó còn bổ sung thêm: "Mẹ của anh ấy là điển hình của người phụ nữ mạnh mẽ và hết mình vì công việc, vì thế trước khi ba của anh ấy qua đời, phần lớn thời gian anh ấy đều ở cùng với ba của mình."

"Ba của thầy Mộ trước đây cũng là giáo sư trong trường của em."

Mộ Hải nói: "Nếu như không phải qua đời sớm như vậy, giờ đây ba của anh ấy chắc chắn cũng là một người rất đáng nể."

"Vậy...." Tôi nói, "Chắc chắn là thầy Mộ rất giống ba của mình rồi?"

"Gương mặt có giống hay không thì anh không nhớ nữa. Tính cách thì có hơi giống, lại...... không phải rất giống." Khi nói những lời ấy, sắc mặt của Mộ Hải rất kỳ lạ, không biết có phải đang cố nắm bắt gì đó trong ký ức hay không.

Khi tôi muốn hỏi tiếp nữa thì họ đã trở ra từ quán lẩu.

Trở về ký túc xá, tôi mở máy vi tính lên tra cứu tên của mẹ của Mộ Thừa Hòa, trang web nhảy ra rất nhiều tin tức liên quan. Trong đó có một tấm hình là nói về cuộc thăm viến cán bộ đã về hưu của một tỉnh huyện xa của thành phố A. Người phụ nữ đi đầu trong chiếc áo màu lục đậm, mái tóc ngắn mạnh mẽ, chính là mẹ của Mộ Thừa Hòa.

Thật không ngờ trước đây tôi đã từng gặp bà ấy. Năm xưa, tôi đã lên khán đài lãnh giải thay ba tôi. Người trao tặng chiếc huân chương biểu dương nặng trĩu đó, chính là bà ấy. Tôi đặc biệt ấn tượng với con người này.

Màn hình trình chiếu đoạn phim liên quan đến ba, tôi xem lại hình ảnh của ba trước giây phút ra đi, và tình cảnh khi họ cứu ba. Tôi đứng trước micro trên khán đài, sớm đã khóc không thành tiếng. Sau đó, có một người phụ nữ tiến tới, trao giải cho tôi, khi ôm tôi vào lòng, bà ấy đã nói nhỏ bên tai tôi: "Con à, con phải kiên cường."

Mãi cho đến khi đã bước xuống sân khấu, tôi mới nhìn rõ được gương mặt của bà ấy.

Có thể nào.... lúc ấy Mộ Thừa Hòa cũng có mặt?

Hoặc là, anh ấy đã nhìn thấy cô gái được mẹ mình ôm vào lòng thông qua tivi. Bởi thế trong những ngày tháng sau đó, anh ấy mới quan tâm tôi như vậy?

"Cậu đang xem gì vậy?" Bạch Lâm chợt chồm qua nhìn màn hình vi tính của tôi, "Sao lại cứ ngồi thẫn thờ thế này?"

"Không có gì." Tôi hốt hoảng tắt trình duyện web đi.

Bất luận ý định ban đầu của anh ấy là gì, cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Tôi càng tìm hiểu thì chỉ càng chứng minh rằng trước đây mình đã tự tác đa tình như thế nào.

Đèn đã tắt, chúng tôi trở về giường của mình, báo cáo lại ấn tượng về Mộ Hải với Triệu Hiểu Đường.

"Chín chắn hơn chúng ta." Tống Kỳ Kỳ nói.

"Hơi khờ, hơi ngớ ngẩn." Bạch Lâm vừa nói vừa cười.

Ngay lập tức, tôi nghe thấy một tiếng mắng nhỏ, Bạch Lâm "Ây yo" một tiếng, "Triệu Hiểu Đường! Cậu làm gì mà ném gối vào mình chứ?"

"Chẳng nói được câu nào hay." Triệu Hiểu Đường hứ lạnh.

"Còn chưa làm vợ người ta mà đã không cho mình nói xấu người đàn ông của cậu rồi sao, bắt đầu bênh vực rồi sao?" Bạch Lâm nghiến răng cãi lại.

"Được rồi được rồi, tới phiên Tiết Đồng." Tống Kỳ Kỳ ra mặt ổn định trật tự.

"Mình cảm thấy Mộ Hải là người tốt." Tôi nói.

Bạch Lâm ngồi bật dậy, cười hì hì nói: "Tiết Đồng à, cậu như thế này là yêu ai yêu cả đường đi lối về rồi, cậu nhìn Mộ Thừa Hòa thuận mắt, rồi coi như cả nhà họ hàng của thầy cũng thuận mắt nốt."

Tống Kỳ Kỳ nói: "Tiểu Bạch, cậu đừng nói bừa nữa, chúng ta nói chuyện nghiêm túc đi."

Bạch Lâm hỏi: "Chuyện nghiêm túc gì?"

Tống Kỳ Kỳ nói: "Hỏi Tiết Đồng."

Tôi nói: "Hỏi mình cái gì?"

Bạch Lâm tiếp lời: "Cậu nói xem, còn ai nữa ngoài Mộ Thừa Hòa. Hôm nay suýt nữa đã lộ tẩy ở trước mặt Lưu Khải rồi. Mình cảm thấy hình như sư huynh nhà mình đã nhìn ra được điều gì rồi."

Triệu Hiểu Đường nói: "Mình dám thề mình không nói gì với Mộ Hải hết."

Tống Kỳ Kỳ nói: "Tiết Đồng, cậu thật lòng muốn qua lại với Lưu Khải chứ?"

Tôi không nói gì, trái lại là Bạch Lâm đã tiếp lời: "Đó là điều đương nhiên, mình hiểu Tiểu Đồng, cậu ấy tuyệt đối không phải loại người đứng núi này trông núi nọ."

Tôi nói: "Mình..... mình cũng không biết nữa. Mình không biết mình có yêu Lưu Khải hay không, tóm lại mình cảm thấy cậu ấy tốt với mình, vậy mình cũng phải tốt với cậu ấy hơn nữa."

Bạch Lâm nói: "Vậy là đúng rồi. Nói chung bắt đầu từ nay, chuyện của Tiết Đồng và Mộ Thừa Hòa chỉ giấu trong lòng của bốn chúng ta thôi, mãi mãi cũng không được lấy ra nói, kể cả bạn trai của mình."

"Ừm."

"Được."

Tống Kỳ Kỳ và Triệu Hiểu Đường nhất trí tán đồng.

(7)

Học kỳ này, vì muốn đáp ứng nhu cầu tìm việc của sinh viên, nhà trường đã mở một lớp tư vấn hướng nghiệp.

Giảng viên của lớp học này họ Trương, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, thầy Trương đã lăn lộn trong những thành thị ở phương Nam, đến năm nay mới trở về trường nhận chức giảng dạy. Đại khái là vì làm việc ở bên ngoài đã rất nhiều năm chăng, ở thầy đã bớt đi khí tiết của một học giả, khi giảng bài, thầy luôn xem chúng tôi là bạn, do đó rất tùy ý.

Có một lần, thầy nói: "Sau khi bước vào xã hội, áp lực của đàn ông chắc chắn sẽ lớn hơn phụ nữ. Huống chi đàn ông vốn dĩ là phải ra ngoài xông pha. Nhưng...." Thầy dừng lại một lúc, "Có lẽ bây giờ các bạn sẽ cảm thấy tôi có thói con buôn, lời nói không giống phong cách nên có của bậc thầy giáo, nhưng tôi vẫn phải nói cho các bạn nam nghe, có những lúc, một cuộc hôn nhân có giá trị sẽ giúp bạn rút ngắn 10 năm phấn đấu."

"Ý tôi không phải bắt các bạn nhất định phải đi theo hướng đó, mà là sau này, khi các bạn suy nghĩ đến bến đậu tình cảm, thì nhân tố này là vô cùng quan trọng."

Bạch Lâm bĩu môi khinh bỉ: "Làm giỏi chi bằng cưới khôn, thời đại bây giờ câu này cũng rất thích hợp dùng cho đàn ông, quả đúng là nam nữ bình đẳng rồi ha."

Khi chúng tôi thi xong cấp 8 thì Lưu Khải cũng đã thuận lợi thông qua kỳ thi viết và phỏng vấn của cuộc tuyển nhân viên công chức, Trần Nghiên cũng gọi điện báo với tôi rằng sau khi thi lại, nó đã đậu. Mọi người đều đang tiến về chí hướng của mình, ngoại trừ tôi.

Ngày lãnh bằng tốt nghiệp, chúng tôi mặc lễ phục tốt nghiệp, cầm máy ảnh, đi lòng vòng trong sân trường ghi dấu lại mọi ngõ ngách: Hồ bơi được trong dùng để nuôi cá trong mùa đông, Hồ Nguyệt Nha trồng hoa sen ở phía sau thư viện, Rừng hoa quế ở bên dưới lầu Tứ Giáo......

Buổi tối, trong bữa tiệc chia tay, rất nhiều giáo viên đến dự. Tâm trạng của giáo viên phụ đạo rất tốt, nên cho phép chúng tôi uống bia.

Hầu hết các bạn đều quấn quýt lấy thầy giáo đẹp trai nhất khoa – Trần Đình, thay nhau trút rượu thầy. Nghe nói tửu lượng của thầy rất cao, nhưng trong tình hình thế này, có cao cách mấy cũng không chống đỡ nổi chiến thuật biển người của học sinh, vì thế cuối cùng thầy đã bại trận.

"Thầy Trần, thầy Mộ của tụi em đâu?" Một nữ sinh hỏi, "Trong tất cả giáo viên dạy tụi em, chỉ còn thiếu thầy ấy thôi."

"Nhìn mấy em thế này, thầy ấy không dám tới đó." Trần Đình hất đầu một cái, "Sớm đã trốn đi nơi khác công tác rồi."

Sau bữa ăn tối, tiệc khoa dần dần chuyển thành hoạt động cùng lớp, sau đó tiếp tục điên cuồng suốt đêm.

Bạch Lâm kéo lấy tôi với Triệu Hiểu Đường, "Hai cậu mỗi tuần đều phải ra gặp mình." Tiếp đó quay qua nói với Tống Kỳ Kỳ: "Cậu về quê rồi thì mỗi ngày đều phải nhắn tin với mình. Nghỉ đông phải về đây thăm tụi mình."

Vốn tưởng rằng ngày cuối cùng sẽ xảy ra cảnh khóc thét kinh thiên động địa, nhưng, chúng tôi đích thật đã tốt nghiệp trong lặng lẽ. Hôm sau, ba chúng tôi cùng tiễn Tống Kỳ Kỳ ra bến xe, sau khi trở về thì cũng bắt đầu mạnh ai nấy đi. Thế là, từ sau ngày từ biệt ấy, tất cả thành viên lớp tốt nghiệp của khoa Anh của Học viện ngoại ngữ trực thuộc Đại học A, bắt đầu cuộc sống khác nhau của mình.

Lưu Khải thi đỗ vào Cục Tư Pháp của thành phố A với thành tích đứng đầu, nghe nói ba của cậu ấy rất vui mừng.

Tôi nói: "Nhưng công việc này đâu có liên quan gì đến chuyên ngành của anh đâu."

Lưu Khải nói: "Vậy cũng đâu có cách nào khác."

Tôi nói: "Tạm gác chuyện lãng phí hết 4 năm đại học không nói, lâu nay anh vẫn rất thích chuyên ngành này, bây giờ từ bỏ như vậy không phải rất đáng tiếc sao?"

Lưu Khải bất lực nói: "Vì sinh tồn, chúng ta chỉ có thể thỏa hiệp."

Tôi nhìn cậu ấy, không nói gì.

Và rồi, tôi cũng tìm được công việc trợ lý hành chính trong công ty địa ốc nơi Triệu Hiểu Đường đang làm. Công ty thông báo đến tôi tháng sau bắt đầu đi làm. Khoảng thời gian chờ đợi nhập chức ấy, tôi ngồi một mình ở nhà, chẳng biết làm gì. Thỉnh thoảng đi ăn với Lưu Khải, đi xem phim, cuối tuần thì vào công viên.

Lưu Khải thường kể chuyện trong văn phòng cho tôi nghe.

Cuối tuần này, chúng tôi bắt gặp một đồng nghiệp nữ của cậu ấy trên đường. "Tiểu Lưu, bạn gái à?"

"Ừm." Lưu Khải giới thiệu chúng tôi cho nhau.

Đợi khi cô ấy rời khỏi, tôi nói: "Hình như có gặp qua ở đâu rồi?"

"Cô ấy là sư tỷ của em đó. Trong lần em biểu diễn đàn tì bà, cô ấy là người dẫn chương trình mà."

"Không phải chứ."

Tôi quay đầu nhìn bóng lưng kia. Vị sư tỷ này lúc ấy tóc dài, chỉ lớn hơn chúng tôi hai ba tuổi, trông như một tiên nữ vậy. Tôi nhớ có một lần cô ấy diễn thuyết trên sân khấu, còn nhớ cái thần thái khi cô ấy dùng ngữ điệu sôi sục để nói về chí hướng và tương lai của mình, hoàn toàn làm chấn động tâm hồn của những đứa mới tiếp xúc với môi trường đại học như chúng tôi. Còn bây giờ, tuy vẫn xinh đẹp, nhưng đã là gương mặt của một người bị cuộc sống và công việc lớn nhỏ tôi rèn, trông không khác gì những người khác, đi trên phố, bận tâm chuyện gia đình, con người cũng bất chợt trở nên già hơn.

Khi đứng chờ tàu điện ngầm, tôi nói trong thương cảm: "Em không muốn mình phải sống cuộc đời như thế."

Lưu Khải hỏi: "Thế nào?"

Tôi nói: "Mỗi ngày đi làm, tan ca, vì cuộc sống mà không ngừng bôn ba, sau đó là gia đình, con cái, bận rộn suốt ngày, rồi cứ thế từng ngày già cỗi. Quên mất lý tưởng ban đầu là gì, thậm chí trở nên không có lý tưởng, em không muốn có cuộc sống như thế."

Lưu Khải không hiểu: "Chẳng phải mỗi một người đều sống như vậy sao?"

Tôi cảm thấy thương cảm: "Do đó em không muốn."

"Tiểu Đồng...." Lưu Khải nói, "Em không cảm thấy, em rất kỳ lạ sao?"

"Em chỉ đang tìm kiếm phương hướng cuộc sống của mình."

"Làm việc, kết hôn, sinh con. Cuộc sống của một người bình thường chính là như thế. Hơn nữa, anh cảm thấy đấy cũng là một niềm hạnh phúc."

"Em biết, nhưng em không hiểu tại sao tương lai của mình lại mơ hồ như vậy."

"Tiết Đồng, nếu em không thích, em cũng có thể không làm việc, anh có thể nuôi em."

"Em không phải ý này." Tôi hốt hoảng rồi.

"Vậy chứ ý em là sao?" Lưu Khải hỏi ngược lại trong giận dỗi.

Một cảm giác bất lực bỗng dâng trào làm tôi đột nhiên cảm thấy thân tâm đều mệt mỏi.

Hôm đó, vốn dĩ tôi định mời Lưu Khải đến nhà tôi, cùng mua thức ăn về nấu nướng, vì cậu ấy chưa từng đến đây, chỉ không ngờ kết quả lại là cuộc tan rã không vui.

Về đến nhà, tôi mở vi tính lên, tên của Mộ Thừa Hòa đang hiển thị trên MSN.

Lưu Khải nói, mỗi con người đều sống như thế. Nhưng, tôi biết, Mộ Thừa Hòa không phải. Có lẽ, anh ấy cũng đã từng gặp phải chuyện không như ý, nhưng anh ấy không chịu thua. Trong đêm đông của hai năm trước, anh ấy đã từng nói với tôi về Zhukovsky, nói về ước mơ của mình. Tôi mãi mãi ghi nhớ nét mặt của anh ấy khi nói đến những ước mơ đó, đôi mắt cố chấp và kiên định như viên sỏi vậy.

Bạn bè của tôi không nhiều, người đang đăng nhập hiện giờ chỉ có mình anh ấy thôi, tôi lại không có thói quen đăng nhập ẩn, do đó nếu hiện giờ anh ấy đang dùng MSN, vậy chắc chắn sẽ nhìn thấy tôi. Nếu như, anh ấy đã nhìn thấy tôi, mà tôi lại không chào, thì hình như hơi bất lịch sự. Và nếu như, cho đến bây giờ mà tôi còn cố ý né tránh, vờ như đăng xuất hoặc ẩn mình, thì càng không có phẩm chất.

Thế là, tôi gửi qua đó một cái mặt cười.

Po3a: Thầy Mộ, chào thấy ạ.

Mộ Thừa Hòa: Tiết Đồng, lâu quá không gặp. Tìm được công việc rồi?

Po3a: Ừm, tìm được rồi.

Mộ Thừa Hòa: Vậy thì tốt. Đã đi làm rồi?

Po3a: Vẫn chưa, còn đang nghỉ ngơi ở nhà. Tháng sau mới chính thức đi làm. Còn thầy? Gần đây sao rồi?

Mộ Thừa Hòa: Tôi vừa trở về từ Moscow.

Po3a: Chả trách thầy không đến tham dự tiệc tốt nghiệp của tụi em.

Mộ Thừa Hòa: Nghe Trần Đình nói thầy ấy bị các em làm thảm lắm.

Po3a: Hahaha, quả là thảm thật.

Mộ Thừa Hòa: Vậy xem như tôi đã thoát khỏi một kiếp nạn rồi.

Không khí trò chuyện hài hòa hẳn lên, tôi cũng cảm thấy thong thả hơn nhiều.

Po3a: Đi Moscow có mang đồ gì ngon về đây không?

Mộ Thừa Hòa: Nói ra thì đúng thật là có một thứ rất thích hợp với em.

Po3a: Là gì?

Mộ Thừa Hòa: Em đoán xem.

Po3a: Vodka!

Mộ Thừa Hòa: Thông minh. Nghe điện thoại.

Tôi tưởng ý của anh ấy là có điện thoại đến phải đi nghe điện thoại, ngờ đâu điện thoại của bản thân lại rung lên, và người gọi là Mộ Thừa Hòa.

"Tiết Đồng?" Giọng của anh ấy rất nhanh rất trong, có vẻ như tâm trạng không tệ.

"A. Có!" Tôi nó, "Tặng Vodka cho em thật sao?"

"Lúc về đã tình cờ trông thấy khi đi ngang cửa hàng, đột nhiên nhớ ra hình như từng hứa với em."

"Em muốn uống ngay quá."

"Hôm nay muộn quá rồi, ngày mai em đến lấy." Anh ấy nói.

Anh ấy cho tôi biết thời gian và địa điểm gặp mặt, tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: "Thầy Mộ........."

"Sao?"

"Em có thể đi cùng với một người bạn không?"

Giọng nói của Mộ Thừa Hòa có hơi chần chừ, "Bạn?"

"Lần trước thầy đã gặp qua, là bạn trai của em, tên Lưu Khải." Tôi nói trong e dè.

Bên kia đầu dây dường như có ngưng lại một lúc, sau đó tôi nghe anh ấy nói: "Không thành vấn đề."

Trước khi ngủ, tôi gọi cho Lưu Khải, nói với cậu ấy về chuyện gặp thầy Mộ.

"Nhưng, anh phải tăng ca." Lưu Khải nói, "Thứ hai phải họp, ngày mai phải chỉnh lý đầy đủ các tư liệu."

"Không thể dành ra một ít thời gian?"

"Tiểu Đồng, em biết mà, anh mới đi làm, anh phải nỗ lực hơn người khác."

"Nhưng......"

"Thầy Mộ đúng không, anh gặp qua rất nhiều lần rồi. Em nói rõ lý do anh không thể có mặt cho thầy biết, thầy sẽ hiểu mà."

"Nhưng, em hy vọng anh có thể đi cùng."

"Lần sau anh nhất định sẽ đi. Nếu đi ăn, em có đủ tiền không? Em đã tốt nghiệp rồi, đừng để thầy chi trả nữa."

Lưu Khải lôi thôi căn dặn một hồi, không cho tôi cơ hội được nói thêm lời nào thì đã gác máy.

Tôi nằm trên giường, đang do dự suy nghĩ xem có nên hẹn lại giờ khác với Mộ Thừa Hòa hay không thì Bạch Lâm lại gọi điện đến.

"Tiết Đồng! Mình tức quá rồi!" Nó mở bài.

"Sao rồi?"

"Ông sếp của mình đó, đúng là biến thái mà, hôm qua chính tay ông ấy đã đưa biểu mẫu cho mình bảo gửi đến bộ phận marketing. Rõ ràng là ông ấy đã lấy nhầm, vậy mà lại nói mình không biết làm việc. Mình chỉ lầm bầm trong miệng vài câu thôi, vậy mà ông ấy kêu mình vào phòng hội nghị chỉ trách mình đến nửa ngày, nước miếng phun cả lên mặt mình! Còn bắt mình tăng ca cho tới giờ này......."

Bạch Lâm lại bắt đầu chương trình than thở chí ít ba lần một tuần của nó rồi. Và tôi cũng bắt đầu vừa nghe vừa phụ họa theo rồi, cuối cùng mi mắt chống chịu không nổi, tôi nghe liên khúc thôi miên của nó bên tai, thiếp ngủ...

Trong giấc ngủ, tôi mơ rất nhiều, đều là những kỷ niệm của thời ký túc xá, chúng giống như một phim điện ảnh, chọn cảnh mà hiện ra, chớp qua chớp lại. Sáng sớm, điện thoại của mẹ đã đánh thức tôi.

"Mẹ, có chuyện à?" Mẹ rất ít khi chủ động tìm tôi.

"Hôm qua Trần Nghiên có liên lạc với con không?"

Không có."

"Vậy gần đây?"

"Cũng không."

"Vậy thôi vậy." Tự nhiên hỏi mấy câu kỳ lạ xong, bà ấy nhanh chóng cúp máy.

Mộng đẹp vẫn còn muốn tiếp tục, do đó tôi lại nhắm mắt ngủ tiếp. Không biết đã qua bao lâu, cho đến khi nghe thấy tiếng gọi con trai ăn cơm vọng đến từ ngoài lang cang của nhà kế bên.

Ăn cơm?

Tôi giật mình tỉnh táo hẳn, ngồi bật dậy, cầm điện thoại lên xem thời gian, 11:51. Trời ạ! Chỉ còn 9 phút nữa là đến giờ hẹn.

"Thầy Mộ......." Tôi vừa thay quần áo vừa gọi điện.

"Tôi đang trên xe, còn mấy phút nữa là đến." Anh ấy nói.

"Không phải! Không phải! Em vẫn chưa ra khỏi cửa."

"Vậy à?" Anh ấy nói, "Không sao, hai em cứ từ từ, không gấp."

"Lưu Khải có công việc không thể đến. Em vừa ngủ dậy, cho nên, chắc chắn là thầy phải chờ rất lâu rất lâu."

Anh ấy trầm ngâm một hồi, "Tôi đang ở gần nhà em, nói địa chỉ đi, tôi qua đón."

Tôi bồn chồn, không kìm được lòng hỏi: "Địa chỉ cũng không biết mà sao thầy biết đang ở gần nhà em?"

Anh ấy đáp: "Lần trước ở Starbucks, em nói nhà em rất gần đó."

Tôi dừng hết mọi cử động. Thật không ngờ, một chi tiết nhỏ như thế mà anh ấy cũng ghi nhớ, lúc đó tôi chỉ vì muốn từ chối lời đề nghị của anh ấy nên mới nói bừa một lý do thôi.

Tôi xuống đến dưới đường, đợi không đến hai phút thì xe của Mộ Thừa Hòa xuất hiện, không thể không thừa nhận rằng, khả năng phương hướng và trí nhớ của anh ấy thật sự là cao siêu đến kinh người. Địa hình khu này rất phức tạp, Bạch Lâm đã đến rất nhiều lần rồi mà vẫn chưa nhận rõ đông nam tây bắc.

Tôi vẫy tay với anh ấy. Mộ Thừa Hòa nhìn thấy tôi, từ từ tấp xe vào lề, hạ kiếng cửa sổ, nhìn tôi cười, đôi mắt uốn thành một độ cong rất đẹp.

Đêm qua có mưa, nên thời tiết trưa hôm nay cũng mát hơn rất nhiều. Ánh mặt trời êm dịu đang ở trên đỉnh đầu, lâu lâu lại nấp vào những áng mây.

Tôi đứng dưới bóng râm, nhìn Mộ Thừa Hòa xuống xe đi về phía tôi. Tóc của anh ấy vốn dĩ đã hơi nâu, giờ đây dưới ánh mặt trời, mái tóc ấy dường như được mạ lên một lớp vàng.

Phía sau có một chiếc xe chạy đến, anh ấy quay đầu lại nhìn, rồi nhanh chóng né sang một chỗ khác. Ngay khi ánh mắt tiếp xúc với ánh mặt trời, bước chân của anh ấy khựng lại, rồi lập tức nhíu mắt, hắt xì một cái.

Sau đó, đi được hai bước, lại hắt xì một cái.

Tôi không nhịn được cười. Đôi mắt của anh ấy híp lại, chân mày chụm vào nhau, rồi phát ra một âm thanh nhỏ tựa tựa như "a xì", nhìn y như một con chuột túi bị cảm vậy.

"Thầy là cậu bé hắt xì ông mặt trời!" Tôi nói như là phát hiện ra chuyện lạ lẫm vậy.

"Cậu bé hắt xì?"

"Chính là loại người giống thầy đó, cứ nhìn thấy ông mặt trời là hắt xì, đây là một cách xưng hô dễ thương."

"Mới nghe lần đầu."

"Lúc nhỏ em đọc sách mới biết đó, không ngờ thầy lại là người như vậy." Tôi nói.

Nhưng anh ấy lại phát ra một câu cảm thán: "Mới chớp mắt, em đã thành một đại cô nương rồi."

Đột nhiên tôi cảm thấy, lần này gặp lại anh ấy, lòng tôi thản nhiên hơn rất nhiều.

"Lưu Khải phải tăng ca nên không đến được, bảo em nói xin lỗi với thầy."

"Không sao."

Anh ấy hỏi tôi: "Chúng ta tìm một nơi ở gần đây ăn trưa vậy. Lúc đến đây, đường bên kia kẹt lắm."

Tôi đề nghị: "Vậy hay là lên lầu đi, lên nhà em ăn, hôm qua em mua nhiều thức ăn lắm nhưng chưa nấu, thế nào?"

Anh ấy ngẩng đầu nhìn lên lầu, "Tiện không?"

"Rất tiện ấy chứ."

Ngày đăng: 15/05/2013
Người đăng: Alex Chu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?