Chương 25
Tập đoàn Đông Viễn đã thanh toán tiền hàng cho các doanh nghiệp cung ứng đúng thời hạn. Theo đề xuất của Thịnh Phương Đình, công ty Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn đã ký hợp đồng 1 năm cung cấp hàng giá rẻ với công ty BQC, siêu thị bán lẻ đa quốc gia lớn nhất nước, Đông Viễn cung cấp cho BQC hai loại mặt hàng là nước tinh khiết và trà sữa với giá gần bằng giá thành sản xuất, đồng thời phải đảm nhận các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đổi lại, BQC sẽ thanh toán ngay một khoản tiền hàng lớn của quý sau cho Đông Viễn. Tiếp đó, công ty Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn lại hứa với tất cả các nhà cung ứng nguyên liệu sẽ tăng giá nhập nguyên liệu thêm 1%, hy vọng bọn họ không gây khó dễ trong thời điểm quan trọng này.
Ngoài việc đắc tội với các doanh nghiệp bán lẻ trong ngành và bị tổn thất lợi nhuận cho công ty BQC thì không còn vấn đề gì nữa, dù sao, vào phút chót, Đông Viễn cũng đã nhận được tiền hàng của BQC, và thanh toán hết tiền hàng cho các nhà cung ứng của siêu thị Đông Viễn, đồng thời làm đẹp lòng các nhà cung ứng nguyên liệu của công ty Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn.
Có lẽ người không vui nhất là các doanh nhiệp bán lẻ khác, Đông Viễn làm vậy không những đã tự gây tổn thất một khoản lợi nhuận khổng lồ, mà còn khiến cho sự cạ tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ và BQC không cùng một vạch xuất phát. Rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đua nhau gọi điện thoại kêu khổ với Phó Tổng giám đốc Quản lý thị trường của Đông Viễn, một số doanh nghiệp bán lẻ lớn còn gọi thẳng cho Nhiếp Vũ Thịnh: "Nhiếp tổng, các anh làm như thế, chúng tôi còn cần phải bán nước giải khát của Đông Viễn nữa không đây? Tất cả các cửa hàng của BQC chuẩn bị hạ giá xuống còn một đồng tư một chai, trong khi giá các anh giao cho chúng tôi đã là một đồng tư rồi!"
Người đe dọa cũng có, người kêu khổ cũng có, về sau hầu hết những cuộc điện thoại kiểu như vậy đều bị chặn lại ở chỗ thư ký Hàn. Nghe nói, còn có người phao tin sẽ cho "Tiểu Nhiếp tổng" biết tay. Nhiếp Vũ Thịnh gần đây có thêm biệt danh là "Tiểu Nhiếp tổng", cũng không biết ai lại ác mồm ác miệng như vậy. Dư luận đặt cho anh biệt danh này, có thể thấy lần này họ đã đắc tội quá nặng với các doanh nghiệp bán lẻ.
"Đắc tội thì đắc tội!" Thịnh Phương Đình đưa cho Nhiếp V
Thịnh một điếu thuốc, nói: "Bị ép quá, chúng ta chỉ còn cách giở trò lưu manh, buộc họ phải bán nước tinh khiết và trà sữa cho Đông Viễn... ai bảo thị phần của Đông Viễn lớn như vậy? Người nào có thị trường thì người đó có tiếng nói."
Nhiếp Vũ Thịnh cùng Thịnh Phương Đình ngồi trong phòng làm việc nhả khói, cảm thấy đôi khi làm lưu manh cũng thú vị ra phết.
Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Anh gọi điện cho Thư Cầm hỏi cô ấy tối nay có rảnh thì cùng đi ăn tối."
Thịnh Phương Đình lườm anh: "Anh hẹn bạn gái tôi ăn cơm, còn bắt tôi gọi điện thoại, dù là ông chủ cũng đừng bắt nạt người khác như thế chứ?"
Trải qua cuộc chiến khó khăn này, Nhiếp Vũ Thịnh đã xem Thịnh Phương Đình là người của mình từ lâu - người chung hoạn nạn mới có thể tin tưởng được. Anh nói: "Tôi định sẽ thay đổi nhân sự Ban lãnh đạo, hẹn Thư Cầm đi ăn, là định mời cô ấy về làm giám đốc Nhân sự cho chúng ta."
Thịnh Phương Đình thoáng sững ra: "Nếu tôi và cô ấy đều ở Đông Viễn thì không hay lắm."
"Hai người còn chưa kết hôn, hơn nữa, tôi tin tưởng Thư Cầm, cô ấy sẽ công tư phân minh mà." Nhiếp Vũ Thịnh cầm lấy điện thoại: "Anh không gọi thì tôi gọi nhé?"
Quả nhiên khi ăn cơm tối, Thư Cầm vừa nghe thấy ý kiến của Nhiếp Vũ Thịnh liền lắc đầu nói: "Nhiếp tổng, trước tiên cảm ơn anh, chức vụ đó rất hấp dẫn nhưng tôi và Thịnh Phương Đình đều ở Đông Viễn thì không thích hợp."
"Đánh hổ không gì bằng anh em ruột, ra trận không gì bằng bố con. Bạni không nhiều, người tin tưởng được cũng chẳng bao nhiêu. Lo xong vụ tiền hàng, tôi định sắp xếp người của mình vào Ban lãnh đạo. Bộ phận nhân sự là một bộ phận rất quan trọng, hoặc em tự mình đảm nhiệm, hoặc giới thiệu người tin cậy vào, dù sao anh cũng chỉ tin tưởng mỗi em thôi, tùy em tính, nếu em không làm thì anh sẽ dùng kế phản gián. Bây giờ ông chủ của em cũng biết anh rồi, anh cứ nói em là bạn gái của anh, em nghĩ xem liệu ông ta có chịu được 'bạn gái của Nhiếp tổng' Tập đoàn Đông Viễn tiếp tục ở công ty ông ta quản lý nhân sự nữa hay không?"
Thư Cầm nghe vậy trợn mắt nhìn anh: "Nhiếp Vũ Thịnh, trước đây anh đâu có thế này! Ai dạy anh thành ra trơ trẽn như vậy?"
Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Để đạt được mục đích một cách nhanh nhất, thi thoảng cũng đành làm lưu manh thôi."
Lại một lần khác giở trò lưu manh là nhắm vào Ban lãnh đạo. Thịnh Phương Đình bày cho anh, sau khi trả hết tiền hàng, tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn, thì lập tức triệu tập một cuộc họp cổ đông đặc biệt. Trong cuộc họp cổ đông, Nhiếp Vũ Thịnh đề xuất hai việc: Thứ nhất là thay đổi kế hoạch thưởng quyền mua cổ phần ưu đãi, vốn dĩ kế hoạch này là do Nhiếp Đông Viễn đề ra, đặc biệt dành cho thành viên Ban lãnh đạo, nên khi đề cập đến chuyện thay đổi, Ban lãnh đạo rất không hài lòng. Chuyện thứ hai còn trực tiếp hơn, Nhiếp Vũ Thịnh đề xuất việc bầu lại thành viên Hội đồng quản trị.
Mặc dù cổ phiếu mang tên Nhiếp Đông Viễn đã bị phong tỏa nhưng quyền bỏ phiếu vẫn không thay đổi. Đó cũng là lần đầu tiên Đàm Tĩnh đến Đông Viễn dự họp, bởi Tôn Bình có 5% cổ phần, còn cô là người giám hộ.
Đàm Tĩnh mấy ngày nay không thấy Nhiếp Vũ Thịnh, từ sau buổi tối hôm ấy, dường như anh đã hoàn toàn tuyệt vọng về cô. Anh sắp xếp bác sĩ, y tá hằng ngày đến tận nhà tiêm cho Tôn Bình, kiểm tra tình hình phục hồi vết mổ của nó, nhưng anh không quay về lần nào nữa.
Người trong Đông Viễn đều rất lịch sự với cô, ngay cả thư ký Hàn cũng tưởng cô là vợ của Nhiếp Vũ Thịnh. Nhiếp Vũ Thịnh trước nay rất trầm tính nên người ở Đông Viễn cũng không rõ anh đã kết hôn hay chưa. Lần trước khi có thông cáo thay đổi cổ phần, Ban lãnh đạo mới láng máng đoán già đoán non, còn kháo nhau rằng Tôn Bình là con riêng của ông Nhiếp Đông Viễn, vì dù sao cũng không mang họ Nhiếp. Nhưng sự việc xảy ra quá đột ngột, ông Nhiếp Đông Viễn lại giữ kín như bưng nên không ai dám dò hỏi cặn kẽ. Thư ký Hàn mấy ngày gần đây thường xuyên ra vào phòng làm việc của Chủ tịch nên biết được Nhiếp Vũ Thịnh ngày nào cũng phải gọi điện về nhà, người nhận điện là một cậu bé, thậm chí thư ký Hàn từng nhìn thấy cậu bé qua điện thoại, lúc ấy Nhiếp Vũ Thịnh đang trả lời email trên máy tính, điện thoại mở chế độ video call, trên màn hình một cậu bé rất đáng yêu đang nặn đất sét, vừa nặn vừa hỏi: "Chú xem này, cái này có giống mẹ không?"
Nhiếp Vũ Thịnh dù đang bận tối mắt cũng cố ngó xem con búp bê bằng đất sét đó, thư ký Hàn bắt gặp nụ cười toát ra từ tận đáy lòng anh, trước nay ông chưa bao giờ thấy Nhiếp Vũ Thịnh cười, đặc biệt là từ sau khi ông Nhiếp xảy ra chuyện. Ông vào để đưa văn bản, cũng không dám nấn ná lâu, đặt xuống bàn xong liền đi ngay, lúc ra đến cửa còn nghe thấy tiếng Nhiếp Vũ Thịnh hỏi cậu bé qua điện thoại: "Mẹ con ngủ trưa rồi à? Con uống sữa chưa? Cốc sữa của mẹ đâu rồi? Con bảo mẹ cũng uống rồi à?"
Giọng nói ấm áp như thế, có lẽ chỉ xuất hiện khi nhắc tới người mình yêu nhất mà thôi.
Tham gia cuộc họp này, Đàm Tĩnh mới phát hiện một mảng tính cách hoàn toàn xa lạ của Nhiếp Vũ Thịnh. Tác phong làm việc của anh khác hẳn khi ở bệnh viện, tại đây, dường như anh đã trở nên lạnh lùng đến vô tình, nói ra câu nào cũng sắc như dao, chứa đầy ẩn ý. Anh quyết liệt, độc đoán, không nể mặt ai, ngay trong cuộc họp, anh đã trục xuất Phác Ngọc Thành ra khỏi Hội đồng quản trị, chọn thêm hai người mới vào.
Cuộc họp cổ đông đặc biệt lần này cũng khiến ọi người phải thay đổi cách nhìn về Nhiếp Vũ Thịnh. Nhiếp Đông Viễn trước đây hành sự độc đoán, sau này khi Nhiếp Vũ Thịnh tiếp quản, mọi người đều cảm thấy cậu Nhiếp ôn hòa hơn nhiều so với ông Nhiếp. Nhưng đến hôm nay xem ra, sự ôn hòa trước đây chỉ là giả bộ mà thôi, về bản chất, Nhiếp Vũ Thịnh giống hệt như Nhiếp Đông Viễn, quen thói bá đạo nắm giữ quyền hành.
Trong cuộc họp lần này, Nhiếp Vũ Thịnh đã chính thức trở mặt với Ban lãnh đạo đương nhiệm, Phác Ngọc Thành hiểu anh muốn ép mình từ chức, nên suốt buổi ông không nói câu nào, để mặc cho Nhiếp Vũ Thịnh chỉ trích: "Cá biệt có một số cổ đông coi nhẹ lợi ích công ty, trong lúc công ty khó khăn nhất, lại khoanh tay đứng nhìn. Khoanh tay đứng nhìn vào lúc này chính là giậu đổ bìm leo! Đối với loại người giậu đổ bìm leo, một khi anh ta đã không coi trọng lợi ích của công ty thì tại sao công ty phải quan tâm đến lợi ích của anh ta?"
Đàm Tĩnh còn nhìn thấy Thịnh Phương Đình và Thư Cầm, cô vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Thư Cầm được Nhiếp Vũ Thịnh kéo về làm giám đốc Nhân sự, Thịnh Phương Đình thì được bổ sung vào Hội đồng quản trị, Thịnh Phương Đình chăm chú nghe Nhiếp Vũ Thịnh trút giận, không hề ngăn anh lại - Nhiếp Vũ Thịnh đã kìm nén cơn giận này quá lâu, cũng nên để anh trút ra cho hả.
Kết thúc cuộc họp, Nhiếp Vũ Thịnh còn phải làm thêm giờ, anh chẳng nói với Đàm Tĩnh một câu, chỉ bảo tài xế đưa cô về nhà. Trên đường đi, cô không nhịn được bèn gọi điện cho Thịnh Phương Đình, vẫn quen miệng anh là Giám đốc Thịnh: "Sao anh lại đến Đông Viễn làm việc vậy?"
"Vừa hay bên này đang thiếu người nên tôi đến giúp anh Nhiếp một tay."
"Ồ..." Đàm Tĩnh không biết nên nói gì, trước kia Thịnh Phương Đình từng giúp cô rất nhiều, nhưng sự việc thay đổi quá nhanh, mới vẻn vẹn vài tuần, Thịnh Phương Đình đã về làm cho Nhiếp Vũ Thịnh rồi.
Thịnh Phương Đình lịch sự nói: "Xin lỗi, giờ tôi có chút việc..."
"À vâng, chào anh."
"Tạm biệt."
Sau khi gặp Đàm Tĩnh, Thư Cầm cũng sốt ruột, làm thêm giờ xong Nhiếp Vũ Thịnh mời cô đi ăn cơm cùng, cả ba cùng dùng bữa ở quán ăn dưới lầu. Thư Cầm hỏi Nhiếp Vũ Thịnh: "Anh và Đàm Tĩnh thế nào rồi?"
"Cái gì thế nào rồi?"
"Đừng vờ vịt nữa, anh giữa thân như ngọc bao nhiêu năm chẳng phải để chờ cô ấy sao? Bây giờ con cũng có rồi, bọn anh lại cứ lần lữa mãi, còn ra cái gì nữa?"
Nhiếp Vũ Thịnh đáp, vẻ không chút bận tâm: "Đến lúc đó hãy nói, bây giờ còn tâm trí đâu mà quan tâm mấy chuyện này!"
Nhưng trong lòng Thư Cầm biết rõ thật ra anh rất để tâm. Nói như vậy, chắc chắn là vấn đề giữa anh và Đàm Tĩnh vẫn chưa được giải quyết. Có điều quả thật gần đây bận tối mặt tối mũi, Ban lãnh đạo đã có hai vị Phó tổng bị ép từ chức, Thư Cầm đang cuống lên tìm ứng cử viên xuất sắc để thay thế. Còn Nhiếp Vũ Thịnh do ký bản hợp đồng không bình đẳng kia với bên BQC, làm cho lợi nhuận của công ty Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn giảm sút trầm trọng, việc quay vòng vốn của Bất động sản Đông Viễn trước đây đã có vấn đề, nay lại không bán được nhà, đất thì đống băng, ngân hàng không cho vay vốn, Nhiếp Vũ Thịnh lo đến phát cáu, ngày nào cũng vắt óc tìm cách giải quyết vấn đề của công ty Bất động sản Đông Viễn.
Đến cuối tuần Nhiếp Vũ Thịnh mới rảnh rang được một chút, anh quyết định đi Hồng Kông thăm bố nhưng bị chặn lại ở sân bay. Người bên cục Quản lý Xuất nhập cảnh tịch thu hộ chiếu của anh, nói: "Anh Nhiếp, hộ chiếu của anh có vấn đề, phiền anh theo chúng tôi để xử lý."
Anh bị đưa đến một căn phòng, không lâu sau, có hai viên cảnh sát đến, một trong hai người nói với anh rằng, anh bị cấm xuất cảnh.
Nhiếp Vũ Thịnh sửng sốt: "Cái gì? Tại sao?"
"Có người tố cáo anh tội nhận hối lộ, vụ án này chúng tôi đang tiến hành điều tra, hơn nữa tình tiết vụ án nghiêm trọng nên tạm thời anh không được xuất cảnh."
Nhiếp Vũ Thịnh thần người ra một lúc rồi hỏi: "Tôi có thể gọi điện cho luật sư của mình không?"
"Đương nhiên là được."
Anh bị đưa đến phòng Kinh tế sở Công and để phối hợp điều tra, đến đây anh mới biết hóa ra có người đã tố cáo anh ăn hoa hồng của công ty CM nên mới chọn dự án này đưa vào bệnh viện, hơn nữa ca phẫu thuật đầu tiên đã làm chết một người.
Hiểu ra vấn đề, anh không nén được giận dữ: "Tôi không hề ăn hoa hồng, hơn nữa dự án của công ty CM đã được nhóm chuyên gia kiểm định rất nhiều lần, bệnh viện mới quyết định rất nhiều lần, bệnh viện mới quyết định đưa vào. Tôi lại là bác sĩ chính phụ trách bệnh nhân, lúc đầu tôi đã khuyên nên dùng phương pháp phẫu thuật truyền thống, là người nhà bệnh nhân lựa chọn phương án của công ty CM, những điều này đều được ghi chép trong biên bản trò chuyện và giấy đồng ý tiến hành phẫu thuật."
Nhưng cảnh sát hoàn toàn không quan tâm đến điều đó: "Anh nói những điều này đều vô ích. Có bác sĩ nào không ăn chiết khấu đâu?"
Nhiếp Vũ Thịnh gằn từng chữ một: "Tôi làm bác sĩ lâm sàng mấy năm nay, chưa hề nhận chiết khấu tiền thuốc bao giờ, cũng chưa hề nhận phong bì của bệnh nhân. Anh tin hay không thì tùy!"
"À, to mồm nhỉ! Vậy sự cố y tế kia là thế nào?"
"Đấy có phải là sự cố y tế hay không cần có bệnh viện tuyến trên cử đoàn giám định đến giám định mới biết được. Anh là cảnh sát, không được ăn nói hồ đồ, càng không thể đưa ra kết luận tùy tiện như vậy."
Luật sư đến nơi thì cảnh sát đã tra hỏi xong. Ra khỏi sở Cảnh sát, mặt Nhiếp Vũ Thịnh sầm xuống. Lên xe, anh gọi điện cho Chủ nhiệm Phương, ông vô cùng ngạc nhiên nói: "Mấy hôm nay người nhà bệnh nhân không đến làm loạn nữa, tôi tưởng họ thôi rồi, không ngờ lại giở trò này. Tiểu Nhiếp, cậu không phải lo, chúng tôi đều biết cậu trong sạch, cậu chưa bao giờ ăn chiết khấu. Mà ca mổ ấy khẳng định không phải là sự cố y tế."
Chủ nhiệm Phương là bác sĩ ngoại khoa tim mạch có tiếng trong nước, ông nói không phải sự cố y tế không phải là thiên vị học trò, càng không phải vì nửa đầu ca phẫu thuật này do ông đảm nhiệm. Trong mắt Chủ nhiệm Phương, kỹ thuật là kỹ thuật. Giả dụ ông hay Nhiếp Vũ Thịnh không xử lý tốt về mặt kỹ thuật, dẫn đến cái chết của bệnh nhân, đó mới là sự cố y tế. Còn nếu ông và Nhiếp Vũ Thịnh đều không có sai sót nào trên bàn mổ, quá trình điều trị trong bệnh viện cũng không có vấn đề gì, thì cái chết của bệnh nhân chỉ là do cấp cứu vô hiệu mà thôi.
Chính vì vậy, ông mới khẳng định đó không phải là sự cố y tế. Cây ngay không sợ chết đứng, cho dù bộ Y tế có phái cả trăm chuyên gia xuống giám định,, chỉ cần hỏi rõ quá trình phẫu thuật và điều trị là biết không thể nào cấu thành sự cố y tế được.
Nhưng Chủ nhiệm Phương và bác sĩ Nhiếp đều không ngờ người nhà bệnh nhân đã chi tiền ột công ty truyền thông mạng tạo scandal, bắt đầu làm ầm ĩ chuyện này trên mạng. Do mâu thuẫn giữa bác sĩ với bệnh nhân vốn gay gắt, nên lần trước sau khi phát trên truyền hình, trên mạng liền dấy lên không ít lời bàn tán, rất nhiều người cho rằng chắc chắn bệnh viện đã nhận hoa hồng, nếu không sao lại xúi giục bệnh nhân thực hiện ca phẫu thuật rủi ro cao như vậy? Đây chính là coi thường mạng sống con người, đêm bệnh nhân ra làm thí nghiệm. Còn về phía gia đình bệnh nhân, người nhà họ bị chết như vậy, chẳng lẽ còn cấm họ đến làm loạn một trận hay sao?
Mà bây giờ công ty truyền thông mạng kia lại dần dần đổ hết lỗi cho Nhiếp Vũ Thịnh. Họ tung ảnh và tư liệu về Nhiếp Đông Viễn lên khắp nơi trên mạng, gọi anh là bác sĩ vô đạo đức, nhẫn tâm lừa người bệnh làm phẫu thuật. Nhất thời làm dư luận xôn xao, trên mạng đầy lời ong tiếng ve.
Tình hình dần trở nên mất kiểm soát, có người con truy ra cả hoàn cảnh gia đình anh, nói chắc anh không nhận tiền đút lót, vì anh đường đường là con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đông Viễn. Nhưng một phe khác phản đối, nói không lẽ công tử con nhà giàu thì không nhận tiền hối lộ sao? Trong lúc mọi người đang tranh luận gay gắt thì có người lại tung một tin động trời: "Tập đoàn Đông Viễn và công ty CM có quan hệ lợi ích với nhau, chính vì Nhiếp Vũ Thịnh là thái tử của Tập đoàn Đông Viễn, nên việc anh tiến cử dự án của công ty CM là quả hợp tình hợp lý! Các vật liệu cấy ghép tim và máy điều hòa nhịp tim của công ty CM đều được phân phối bởi công ty Dược phẩm Khánh Sinh lừng danh trong nước, mà công ty Dược phẩm Khánh Sinh lại thuộc Tập đoàn Khánh Sinh được niêm yết trên sàn chứng khoán, cũng chính là cổ đông lớn thứ hai của công ty Đông Viễn niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông!"
Tin động trời này được tiết lộ rất chuyên nghiệp, phía dưới còn có hình minh họa chi tiết mối quan hệ giữa bốn bên là công ty CM, công ty Dược phẩm Khánh Sinh, Tập đoàn Khánh Sinh và công ty Đông Viễn, đăng cả hình chụp những tư liệu công khai của công ty Đông Viễn ở sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông, trong cột thông tin về cổ đông, có tên của Tập đoàn Khánh Sinh.
Thông tin này vừa bung ra ngay lập tức khiến dư luận dậy sóng, trở thành tiêu điểm của các trang mạng lớn ngày liền. Các phương tiện truyền thông bắt đầu can thiệp, liên tục đưa tin, áp lực khổng lồ từ dư luận đã khiến các nhà chức trách không thể ngồi yên được nữa, bèn cử một tổ công tác đến bệnh viện, lập tức tiến hành điều tra giám định sự cố y tế này. Dù vậy, trên mạng vẫn tràn ngập lời ong tiếng ve, vì trong số thành viên của nhóm chuyên gia được công bố, người đứng đầu là Phó Chủ tịch hội Nghiên cứu học thuật ngoại khoa tim mạch, mà Chủ nhiệm Phương cũng là Phó Chủ tịch của hội này. Trong mắt cư dân mạng, cuộc điều trần này hẳn đã được dàn xếp trước nên không thể công bằng, dưới sự tác động với ý đồ xấu, dư luận lại càng thêm nghi ngờ phẫn nộ.
Nhiếp Vũ Thịnh quay trở lại bệnh viện trong tình cảnh ấy. Tổ công tác yêu cầu anh nói rõ tình hình, trong khi đó, trên mạng vẫn tranh luận gay gắt, bất luận phía bệnh viện nói gì đi nữa cũng chẳng ai chịu tin, thậm chí trong bệnh án có một chữ bị viết nhầm, gạch đi viết lại cũng bị coi là sửa đổi hồ sơ để che giấu sự thật. Chủ nhiệm Phương nuốt không trôi cơn giận này, ông nổi trận lôi đình mắng: "Lão Uông là Phó chủ tịch nên sẽ bênh vực tôi à? Logic kiểu quái gì thế? Bọn họ cứ luôn miệng nói phải phái những chuyên gia giỏi nhất xuống, giờ phái xuống rồi lại bảo chắc chắn sẽ thiên vị bao che. Các chuyên gia tim mạch nổi tiếng trong nước đều là thành viên hội nghiên cứu của chúng tôi, theo như lập luận vớ vẩn của họ thì bất kể phái ai xuống, cũng đều là thiên vị bao che hết!"
Nhiếp Vũ Thịnh không có cách nào an ủi chủ nhiệm, đành nói: "Chú đừng giận quá, đa số mọi người vẫn hiểu lý lẽ mà. Cây ngay không sợ chết đứng, sẽ có người tin tưởng chúng ta."
"Tin tưởng gì chứ?" Chủ nhiệm Phương đùng đùng tức giận, "Hôm qua còn có một lũ người kéo đến bên ngoài bệnh viện, giăng biểu ngữ, nói chúng ta cấu kết với công ty trên sàn chứng khoán, vì tiền mà giết người. Đến cả mấy trò từ thời Cách mạng Văn hóa cũng lôi ra, chỉ thiếu chưa dán báo tường[1] nữa thôi. Tôi không thể nhịn được việc đám người đó bôi nhọ bệnh viện, bôi nhọ khoa Ngoại Tim mạch chúng ta."
[1] Dán báo tường: Một hình thức phát biểu của dư luận, thịnh hành vào những năm 50 cho đến đầu những năm 80 thế kỷ trước, nhất là trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng, đồng thời chứng minh sự vô tội của mình, dưới sự kiên trì của Chủ nhiệm Phương, lần đầu tiên, bệnh viện Phổ Nhân quyết định tổ chức một buổi điều trần công khai. Không chỉ có các thành viên của nhóm chuyên gia, gia đình bệnh nhân, mà đông đảo phóng viên báo chí cũng được mời đến tham dự. Bệnh viện Phổ Nhân chưa bao giờ náo nhiệt đến thế, dù đã dành riêng một phòng họp lớn nhất có sức chứa hơn 300 người. vậy mà vẫn chật ních. Nhiều bác sĩ không có ca trực hôm nay cũng đến đây, mọi người đều rất quan tâm đến chuyện này, cả hành lang cũng chật kín người.
Hai ngày nay Nhiếp Vũ Thịnh bị báo mạng ví như quỷ dữ, người nhà bệnh nhân nhìn anh bằng ánh mắt đầy căm phẫn, hận nỗi không thể lao đến ăn tươi nuốt sống. Giới truyền thông vốn luôn có định kiến với anh, cảm thấy gã công tử này chắc hẳn trình độ có hạn, nhà lại giàu có, nên xin vào bệnh viện cho có chỗ trú chân qua ngày mà thôi. Ấy vậy mà, khi Nhiếp Vũ Thịnh vừa bước ra, mọi người ở đó đều kinh ngạc. Hôm nay anh không khoác áo blouse, chỉ mặc thường phục, nhưng nhìn anh không khác gì những bác sĩ khác. Hơn nữa khi giới thiệu về lý lịch, học lực, kinh nghiệm lâm sàng, kinh nghiệm nghề nghiệp, đều rất ưu tú và xuất chúng.
Các chuyên gia bắt đầu chất vấn, thái độ của Nhiếp Vũ Thịnh hết sức thành khẩn, tay nghề khéo léo, anh miêu tả chính xác tình trạng của bệnh nhân và quá trình phẫu thuật, đối với việc phân tích bệnh tình, sơ kết trước khi mổ, các chi tiết trong ca mổ, anh đều trả lời trôi chảy. Ngay những người ngoài ngành như đám phóng viên nghe đến đây cũng biết ca phẫu thuật này đến 80% là không có vấn đề gì, càng khỏi nói đến các chuyên gia ngồi trên bàn chủ tọa. Chủ nhiệm Phương là người thứ hai bị chất vấn, các chuyên gia chỉ hỏi ông một vài chi tiết bổ sung, khoa Ngoại Tim mạch đưa ra biên bản ghi lại hai lần nói chuyện với người nhà bệnh nhân và giấy đồng ý phẫu thuật, trong hai biên bản đều viết rất rõ, Nhiếp Vũ Thịnh đề nghị bệnh nhân sử dụng phương án phẫu thuật truyền thống, nhưng người nhà bệnh nhân lại bày tỏ, họ nghe nói có dự án trợ cấp của công ty CM nên hy vọng bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp mới. Nhiếp Vũ Thịnh cũng đã giải thích cặn kẽ cho họ những rủi ro cũng như tai nạn ngoài ý muốn của phương pháp này.
Về cơ bản trong suốt quá trình không có gì bắt bẻ được cả. Chủ nhiệm Phương nói: "Khả năng bệnh nhân bị phản ứng đào thải là rất thấp, khi công ty CM đưa dự án này về nước, ở Mỹ và Canada đã tiến hành hơn 1000 ca phẫu thuật lâm sàng, tỷ lệ xuất hiện phản ứng đào thải không đến 1/1000, ở Hồng Kông và Nhật Bản cũng tiến hành phẫu thuật lâm sàng tương tự, và gần như không xuất hiện phản ứng đào thải nào. Khi chúng tôi quyết định áp dụng, cũng đã xem xét đến những rủi ro về mặt này, hơn nữa trước khi phẫu thuật, chúng tôi cũng đã giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết... Những điều này đều có ghi chép trong biên bản, các vị chuyên gia, phóng viên, và người nhà bệnh nhân có thể đối chiếu."
Ông bỏ kính xuống, nói: "Ca phẫu thuật này, tôi đã làm hết trách nhiệm, khoa Ngoại Tim mạch đã làm hết trách nhiệm, bệnh viện đã làm hết trách nhiệm."
Trong giây lát, cả hội trường im lặng đến nỗi chiếc kim rơi xuống đất cũng có thể nghe tiếng, Chủ nhiệm Phng chủ trì hội nghị hắng giọng nói: "Các vị chuyên gia còn câu hỏi nào nữa không?"
Các chuyên gia sau khi đến bệnh viện, hỏi xong những vấn đề cơ bản, xem xét các giấy tờ có liên quan, liền biết ngay đây không phải là một sự cố y tế, chỉ là dưới áp lực của dư luận, họ không thể không làm cho nghiêm túc. Bây giờ tất cả các vấn đề đã hỏi hết rồi, họ trao đổi ý kiến với nhau, Chủ nhiệm Tôn đứng đầu tổ chuyên gia lắc đầu, tỏ ý không còn vấn đề gì để hỏi nữa. Chủ nhiệm Phùng lại hỏi: "Người nhà bệnh nhân còn vấn đề gì muốn hỏi không?"
Từ phía chỗ ngồi của gia đình bệnh nhân có một người đàn ông đứng lên, Nhiếp Vũ Thịnh không biết người đó, khắp hội trường lại bắt đầu rộ những tiếng xì xào, nghe nói người đàn ông này là anh họ của bệnh nhân, họ Đàm, làm nghề luật sư, nên rất ghê gớm. Gia đình bệnh nhân chủ yếu dựa vào anh ta, hiện giờ cũng do anh ta đứng ra chất vấn. Thần sắc anh ta có vẻ âm trầm, sau khi đứng dậy, anh ta cứ nhìn chằm chằm vào Nhiếp Vũ Thịnh, Nhiếp Vũ Thịnh cũng rất bình tĩnh, không hề né tránh ánh mắt của anh ta.
"Bác sĩ Nhiếp, anh là bác sĩ điều trị chính của bệnh nhân?"
"Đúng vậy."
"Tất cả các biên bản nói chuyện đều do anh và gia đình bệnh nhân nói chuyện xong, yêu cầu họ ký vào đó?"
"Đúng vậy."
"Sau khi công ty CM đưa dự án vào, anh là người chịu trách nhiệm về công tác chuẩn bị giai đoạn đầu?"
"Đúng vậy."
"Như tôi được biết, theo kế hoạch ban đầu thì bệnh nhân đầu tiên của ca phẫu thuật này, không phải em họ tôi, mà là một người khác, xin hỏi bệnh nhân đó là ai?"
Nhiếp Vũ Thịnh thoáng ngẩn ra rồi đáp: "Xin lỗi, liên quan đến tình hình của các bệnh nhân khác, tôi không thể nói cho anh."
"Vậy sao? Vậy để tôi nói giúp anh, bệnh nhân dự kiến sẽ được làm phẫu thuật CM đầu tiên tên là Tôn Bình, năm nay lên 6 tuổi bị mắc Tứ chứng Fallot, là một trong những chứng bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng. Bệnh nhân Tôn Bình này trước nằm điều trị ở giường số 39, phòng 11 khoa Ngoại Tim mạch của các anh, nhưng về sau không được tiến hành phẫu thuật CM mà chuyển sang làm phẫu thuật truyền thống, giờ sức khỏe hồi phục và đã xuất viện. Bác sĩ Nhiếp, tại sao anh không làm phẫu thuật CM cho Tôn Bình mà lại làm phẫu thuật truyền thống?"
"Tình trạng mỗi bệnh nhân khác nhau, người nhà Tôn Bình yêu cầu làm phẫu thuật truyền thống."
"Nói vậy là người nhà bệnh nhân Tôn Bình cũng biết khả năng rủi ro của phẫu thuật CM cao hơn nhiều so với phẫu thuật truyền thống?" Luật sư Đàm vặn lại.
Nhiếp Vũ Thịnh im lặng hồi lâu mới đáp: "Phải."
"Bác sĩ Nhiếp, vậy tại lúc đó anh lại đề nghị em họ tôi làm phẫu thuật CM?"
"Tôi cũng đã đề nghị phương án phẫu thuật truyền thống..."
Luật sư Đàm ngắt lời anh: "Anh với Tôn Bình có quan hệ gì?"
Nghe câu hỏi đó, lòng Nhiếp Vũ Thịnh chùng hẳn xuống, nhưng anh vẫn rất bình tĩnh, nói: "Điều đó không liên quan gì tới việc này."
"Đương nhiên có liên quan! Thế nào là 'lương y như từ mẫu'? Thân là một bác sĩ thì phải đối xử với bệnh nhân như cha mẹ đối với con cái. Tại sao anh lại không làm phẫu thuật CM cho Tôn Bình? Bởi vì Tôn Bình là con đẻ của anh!"
Cả hội trường "ồ" lên kinh ngạc, mấy phóng viên ngồi phía sau cũng nhao nhao đứng dậy bấm máy ảnh không ngớt, toàn thân Nhiếp Vũ Thịnh run lên vì tức giận nhưng anh chỉ siết chặt nắm tay, nhìn thẳng vào mắt luật sư Đàm, nhắc lại rành rọt từng chữ: "Không liên quan gì tới việc này."
"Được. Anh không muốn biến con trai mình thành vật thí nghiệm cho ca phẫu thuật nên đưa con trai của người khác vào thay." Luật sư Đàm chỉ về phái người thân của nạn nhân, gay gắt nói: "Anh nhìn đi, đây là cha của bệnh nhân, chính anh đã khiến người đầu bạc như ông ấy phải tiễn kẻ đầu xanh! Anh có dám nhìn thẳng vào ông ấy không? Anh có dám vỗ ngực nói 'lương y như từ mẫu' nữa không? Công ty Đông Viễn của cha anh câu kết với Tập đoàn Khánh Sinh, còn anh thì đưa dự án CM vào trong bệnh viện, chúng tôi không hiểu những thuật ngữ chuyên ngành của anh, nhưng chúng tôi tin rằng anh đã vì lợi ích cá nhân mà đánh mất lương tâm của một bác sĩ!"
Người nhà bệnh nhân cùng những người khác trong hội trường đồng loạt đứng dậy hoan hô, nhao nhao nói: "Mắng hay lắm." Các bác sĩ nhìn nhau không nói lời nào, chẳng ai ngờ sự việc lại ra nông nỗi này. Luật sư Đàm cười nhạt, nói: "Bác sĩ Nhiếp, bản lý lịch của anh hoành tráng quá nhỉ! Tốt nghiệp trường Đại học nổi tiếng ở Mỹ, hai bằng tiến sĩ, về nước lại được bệnh viện danh tiếng nhất xem như nhân tài trẻ tuổi mà nhận vào khoa Ngoại Tim mạch. Có điều, anh vốn không có tư cách trở thành một bác sĩ lâm sàng, bởi anh mắc bệnh tâm lý nghiêm trọng!" Anh ta giơ một tập giấy lên rồi quăng xuống bàn, "Bác sĩ Nhiếp, trong vỏn vẹn ba năm ở Mỹ, anh đã phải đi gặp bác sĩ tâm lý tất cả 47 lần! Rốt cục anh có vấn đề nghiêm trọng gì mà hàng tu phải đến gặp bác sĩ tâm lý vậy hả? thế mà đường đường là bệnh viện Phổ Nhân, trong đợt tuyển dụng lại tuyển một nhân tài như thế này vào làm! Tôi xin phép được hỏi các vị chuyên gia ngồi đây: một người mắc bệnh tâm lý nghiêm trọng có thể trở thành bác sĩ lâm sàng không? Các vị có cho phép người như vậy làm việc tại tuyến đầu bệnh viện không? Nếu bệnh tâm lý của anh ta phát tác, đột ngột trở thành một kẻ cuồng sát thì làm thế nào? Bệnh viện Phổ Nhân chỉ nhìn vào lý lịch, bất kể việc mình tuyển dụng phải một bệnh nhân tâm thần ư?"
Mặt Nhiếp Vũ Thịnh trắng bệch, anh còn chưa kịp lên tiếng thì Chủ nhiệm Phương đã không giữ nổi bình tĩnh, đập bàn đứng bật dậy: "Anh ăn nói cho cẩn thận, đừng có ngậm máu phun người! Cái gì mà bệnh nhân tâm thần? Anh đang công kích nhân thân người khác đấy!"
Luật sư Đàm khẽ cười, ung dung hỏi: "Bác sĩ Nhiếp, luật pháp nước Mỹ có quy định: bác sĩ tâm lý không được tiết lộ tình trạng bệnh nhân, nên tôi không có cách nào để biết bệnh tình của anh rút cục nghiêm trọng đến cỡ nào, cũng chẳng thể lấy được báo cáo chẩn đoán bệnh lý của anh. Nhưng tôi muốn hỏi anh một điều, trước mặt tất cả các bác sĩ, tất cả các chuyên gia, tất cả người nhà bệnh nhân có mặt ở đây, anh có dám lấy danh dự người bố đang bệnh nặng của mình ra thề rằng tôi ngậm máu phun người, anh từ trước đến giờ chưa từng đến khám bác sĩ tâm lý ở Mỹ không?"
Các phóng viên ở dưới bắt đầu thi nhau gọi điện về tòa báo, số khác rút di động ra nhanh nhảu viết tin vắn. Vốn dĩ mọi người đều nghĩ buổi chất vấn này sẽ kết thúc bằng việc phát thông cáo, nhưng giờ chuyện này còn chưa yên thì chuyện khác đã đến, hơn nữa những lời chỉ trích của người nhà bệnh nhân câu nào cũng nhằm trúng vào chỗ hiểm, chuyện nào cũng khiến người ta cứng họng, còn việc những lời buộc tội này rốt cuộc nhằm vào sự cố y tế hay nhằm vào cá nhân Nhiếp Vũ Thịnh, đã không còn ai để ý được nữa.
Nhiếp Vũ Thịnh biết mình đang bị rơi vào một cái bẫy, đối phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hơn nữa sự chuẩn bị này không phải người thường có thể làm được, bọn họ thậm chí còn điều tra ra một số chuyện trong thời gian anh ở Mỹ. Khi mới đặt chân lên nước Mỹ, anh thường xuyên nằm mơ thấy ác mộng, một người học lâm sàng như anh cũng biết đây là vấn đề về tâm lý, nên đã tích cực phối hợp với bác sĩ tâm lý, cuối cùng tuy không khỏi hẳn nhưng bệnh tình không tái phát nữa. Nhưng bây giờ khi đối phương dồn anh vào chân tường, thậm chí còn mang cả người cha đang bệnh nặng của anh ra, anh thật sự không có cách nào chống đỡ nổi. Thấy anh làm thinh hồi lâu, luật sư Đàm khẽ cười: "Bác sĩ Nhiếp, xem ra anh không dám thề rồi. Anh nói đủ chuyện trên trời dưới đất, người nhà bệnh nhân chúng tôi đều không phải người trong ngành, không phát hiện ra anh có vấn đề gì, cũng không phát hiện ra bệnh viện các anh có, nhưng anh đừng có ép người quá đáng. Nếu phẫu thuật CM không có vấn đề, tại sao anh không làm phẫu thuật cho con anh? Điều này đã đủ chứng minh vấn đề rồi! Hơn nữa tại sao anh không dám thề? Ở nước ngoài anh phải điều trị tâm lý lâu như vậy, chúng tôi cũng không truy cứu xem anh mắc bệnh tâm lý gì, nhưng một người như anh có xứng đáng làm bác sĩ lâm sàng không? Anh có xứng không?"
Luật sư Đàm cao giọng: "Chúng tôi không có yêu cầu nào khác! Chúng tôi chỉ muốn mời chuyên gia tâm lý tới đây, giám định bác sĩ Nhiếp, xem tình trạng tâm lý của anh ta rốt cục có phù hợp để làm một bác sĩ lâm sàng hay không, anh ta có đủ tư cách cầm giấy phép hành nghề bác sĩ hay không? Em họ tôi không hiểu sao lại bị tên bác sĩ mắc bệnh tâm lý nghiêm trọng này xúi giục, trở thành vật thí nghiệm cho dự án CM! Chúng tôi bảo lưu quyền truy cứu tất cả trách nhiệm pháp luật! Chúng tôi sẽ kiện bệnh viện Phổ Nhân vô trách nhiệm, nhận hối lộ, làm người bệnh tử vong, khiến gia đình chúng tôi phải gánh chịu nỗi đau mất mát, chúng tôi quyết không cho qua vụ này, chúng tôi phải truy cứu đến cùng!"
Nhiếp Vũ Thịnh không biết mình đã rời khỏi hội trường như thế nào. Tất cả đều nhìn anh bằng ánh mắt kỳ thị. Anh từng đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong thời gian gần đây, nhưng chưa lần nào cảm thấy tuyệt vọng như lần này.
Ở Trung Quốc, nhắc đến bệnh tâm lý, hầu hết mọi người đều hiểu sai về nó, thậm chí nhiều bác sĩ cũng không nắm được hết. Anh phải giải thích thế nào đây? Tuy rằng anh có hàng vạn điều không thẹn với lòng, nhưng bây giờ anh mọc trăm cái miệng cũng khó mà biện bạch. Các phóng viên sau phút sừng sờ đều tranh nhau đưa ra câu hỏi, cục diện trở nên mất kiểm soát hoàn toàn. Cuối cùng Chủ nhiệm Phùng phải vội vàng tuyên bố kết thúc phiên điều trần, sau đó hướng dẫn các chuyên gia rời khỏi hội trường trước.
Nhiếp Vũ Thịnh vừa hơi tỉnh táo lại một chút đã bị người ta kéo vào phòng họp nhỏ bên cạnh, có người đưa cho anh một cốc trà nóng. Anh giống một đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, bưng cốc trà nóng trong tay mà cả người lạnh toát, hơi giá toát ra từ tận đáy lòng. Người hiểu tình hình cụ thể của anh lúc ở Mỹ không nhiều, biết anh đã tới bác sĩ tâm lý nhiều lần lại càng ít. Trận đại náo của người nhà bệnh nhân hôm nay, dường như hoàn toàn nhằm vào anh, đây không giống một vụ gây sự bình thường ở bệnh viện, mà là một vụ việc đã được bàn mưu tính kế chu đáo từ lâu rồi.
Anh ngẩng đầu lên, thấy Chủ nhiệm Phương đang đứng ngay bên cạnh, còn có anh Đổng và Tiểu Mẫn, mấy đồng nghiệp đều chăm chú nhìn anh đầy quan tâm, như sợ anh đột nhiên mất bình tĩnh gây ra chuyện gì ngốc nghếch vậy. Thấy anh dần dần tỉnh táo lại, Chủ nhiệm Phương nói: "Tiểu Nhiếp, rốt cuộc là chuyện gì vậy? Người nhà bệnh nhân sao có thể biết những điều này?
"Cháu không biết..."
Anh Đổng chen vào: "Tiểu Nhiếp, chúng tôi đều tin tưởng cậu. Nhưng đám phóng viên ngoài đó nhất định sẽ viết linh tinh, cậu phải cẩn thận đấy..."
Tiểu Mẫn hỏi: "Sư huynh, rốt cuộc anh đã đắc tội với ai? Hay là kết thù với kẻ nào? Sao lại có người thông đồng với người nhà bệnh nhân để chơi anh như vậy chứ!"
Bất kể đồng nghiệp nói gì, trong đầu Nhiếp Vũ Thịnh chỉ có một mảng trống không, chuyện hôm nay giống như sét giữa trời quang, dội thẳng vào đỉnh đầu anh. Đám phóng viên sẽ viết gì anh không biết, nhưng anh biết sự nghiệp của mình đến đây là hết. Bệnh viện dưới áp lực to lớn của dư luận, nhất định sẽ có phản ứng bảo thủ nhất. Dù anh không có lỗi, dù anh không thẹn với lòng, bệnh viện cũng không thể bảo vệ anh nữa.
Anh từng vì nghề nghiệp này mà nỗ lực mười năm, dự định coi đó là sự nghiệp đáng tự hào cả đời. Động cơ học y nói ra thì hết sức ngây thơ nực cười, nhưng khi thực sự bước vào cánh cửa trường y, anh đã thật lòng muốn cống hiến cả đời cho y học. Trong công tác lâm sàng, có vất vả đến mấy anh cũng chưa từng thấy khổ, đâu phải đứng bàn mổ hàng mấy mấy tiếng đồng hồ, anh vẫn thấy tất cả tiền tài trên đời này cũng khó mà đổi được cảm giác vui vẻ và thành tựu của bác sĩ trong khoảnh khắc người bệnh chuyển nguy thành an. Vì vậy dù bố anh luôn muốn anh trở về công ty Đông Viễn làm việc, dù trong mắt bố khoản lương của bệnh viện thực sự không đáng nhắc đến, nhưng anh vẫn ngoan cố kiên trì bao nhiêu năm nay.
Anh là người thẳng thắn, yêu một người có thể yêu mười năm, hai mươi năm, thậm chí cả đời không thay đổi. Tương tự như vậy, yêu thích một công việc gì, cũng có thể thích mười năm, hai mươi năm, thậm chí theo đuổi cả đời.
Sau khi bố ốm nặng, anh bị buộc tạm thời tiếp quản công việc của Đông Viễn, nhưng anh luôn coi đó là tạm thời, anh nghĩ thế nào cũng có ngày anh trở lại, trở lại bệnh viện, bởi vì anh thích làm bác sĩ lâm sàng.
Có điều, trước nay anh chưa bao giờ nghĩ, sự nghiệp bác sĩ của anh lại phải đặt dấu chấm hết nhanh đến vậy.
Chủ nhiệm Phương còn đau khổ hơn anh, ông biết tư chất của Nhiếp Vũ Thịnh, nên đã coi anh là người kế nhiệm tốt nhất trong khoa Ngoại Tim mạch, dạy bảo anh từng ly từng tí một, ngay cả đám tiến sĩ học trò ông cũng biết, người được thầy cưng nhất là Nhiếp Vũ Thịnh. Tuy nhiên, mấy cô cậu tiến sĩ cũng đều nể phục anh, bởi kỹ thuật của Nhiếp Vũ Thịnh không chê vào đâu được, cùng làm phẫu thuật, nhưng động tác của anh luôn luôn chuẩn xác nhất, phán đoán của anh luôn luôn nhạy bén nhấthó khăn đến mấy dường như đều không làm khó được anh, anh dám moi ra ổ bệnh từ góc độ khó khăn nhất, anh có thể mạo hiểm để cứu chữa cho bệnh nhân.
"Tiểu Nhiếp, để tôi đi nói với Viện trưởng, cậu đừng lo."
Nhiếp Vũ Thịnh hơi định thần lại, anh phải suy nghĩ một lát mới hiểu được câu nói của Chủ nhiệm Phương. Rồi như biết Chủ nhiệm Phương định làm gì, anh vội kéo áo ông lại, cầu khẩn như một đứa trẻ: "Chú đừng đi, đừng để mất thêm cả chú nữa! Khoa Ngoại Tim mạch thiếu cháu thì không sao nhưng thiếu chú thì không thể."
Chủ nhiệm Phương mắng: "Nói linh tinh! Khoa Ngoại Tim mạch chúng ta là một tập thể, tập thể cậu có biết không? Tập thể chính là thiếu bất cứ ai cũng không được! Cậu cho rằng cậu là một cá nhân sao? Cậu là một phần của khoa Ngoại Tim mạch!"
Nhiếp Vũ Thịnh dặn anh Đổng: "Sư huynh, anh để ý Chủ nhiệm, em đi gặp Viện trưởng."
Anh Đổng kêu lên: "Nhiếp Vũ Thịnh, cậu đừng làm chuyện ngu ngốc! Đám người đó miệng lưỡi độc địa, nói cái gì thì là cái đó sao? Cũng phải có quá trình điều tra thu thập chứng cứ đã chứ..."
Nhiếp Vũ Thịnh cười khổ: "Hôm nay không phải đã điều tra lấy chứng cứ rồi đó sao?"
Nói rằng, anh quay mình bước ra ngoài, Chủ nhiệm Phương cuồng lên, gọi với theo: "Nhiếp Vũ Thịnh, cậu quay lại cho tôi! Cậu gặp Viện trưởng làm gì? Muốn gặp Viện trưởng cũng phải là tôi đi! Tên nhãi con kia!"
Thấy Chủ nhiệm Phương lo lắng, anh Đổng quyết định chặn cửa lại, khuyên nhủ: "Thầy, thầy đừng đi, Tiểu Nhiếp xử lý được mà!"
"Xử lý cái đầu cậu ta ấy!" Chủ nhiệm Phương mắng, "Cậu ta đã quyết, dù cả đời này không làm bác sĩ nữa cũng phải bảo vệ khoa Ngoại Tim mạch chúng ta, bảo vệ danh tiếng cho bệnh viện Phổ Nhân chúng ta..."
Trong phòng làm việc của Viện trưởng, Nhiếp Vũ Thịnh giao nộp thẻ bác sĩ đeo trước ngực. Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn cố giữ anh lại, vị Phó Viện trưởng này cũng xuất thân từ bác sĩ ngoại khoa, là người theo phái kỹ thuật cũ, nên nói chuyện vô cùng cứng rắn: "Bệnh viện chúng ta không có lỗi! Hoàn toàn không có lỗi! Cùng lắm xin bộ Y tế phái tổ chuyên gia đến là được chứ gì! Phổ Nhân từ trước đến nay chưa từng xảy ra chuyện như vậy, nếu chúng ta sai, thì cứ chửi chúng ta đi, phải xử lý thế nào thì xử lý thế đó. Bây giờ chúng ta không có gì sai cả, Tiểu Nhiếp, tôi không đồng ý cho cậu nghỉ việc! Nhất định không đồng ý! Bọn họ muốn làm ầm ĩ thế nào thì ầm ĩ thế đó! Cùng lắm khởi kiện lên tòa án, chúng ta theo kiện!
Nhiếp Vũ Thịnh đợi Phó Viện trưởng trút giận xong mới nhẹ nhàng nói: "Thôi chú ạ, chú từng dạy chúng cháu lấy đại cục làm trọng mà. Cứ để họ tiếp tục làm ầm ĩ như thế, bệnh viện sẽ không thể hoạt động bình thường được. Lần trước lúc giải quyết sự cố y tế, Viện trưởng Lưu đã nói, chú ấy biết chúng cháu không phục, bản thân Viện trưởng Lưu cũng không phục. Nhưng chúng ta là bệnh viện, chúng ta phải nhanh chóng xử lý những việc này, để cứu chứa thêm nhiều bệnh nhân nữa."
"Nhưng mười năm học y, hôm nay cậu lại từ bỏ như vậy..."
Nhiếp Vũ Thịnh chợt mỉm cười: "Nhớ lúc mới đến bệnh viện làm việc, Chủ nhiệm Phương từng hỏi cháu, học y mười năm, đã học được nghề bác sĩ coi thứ gì là quan trọng nhất chưa? Lúc đó cháu ngẩn người, nói kỹ thuật quan trọng nhất. Chủ nhiệm Phương nhấn mạnh từng chữ nói với cháu, rằng bệnh nhân quan trọng nhất."
Nghe những lời này, Phó Viện trưởng không nói gì thêm, chỉ vỗ nhẹ vào vai anh thở dài.
Nhiếp Vũ Thịnh vẫn còn việc phải bàn giao nên từ phòng Viện trưởng đi ra, anh liền quay lại khoa Ngoại Tim mạch. Bên khoa Nhi đã gọi Chủ nhiệm Phương sang bên đó, dù hôm nay khoa Ngoại Tim mạch có cuộc họp điều trần nhưng một sản phụ ở khoa Sản vừa sinh mổ một đứa trẻ toàn thân tím tái, sau khi khoa Sản và khoa Nhi dốc toàn lực cấp cứu, phát hiện đứa trẻ có dị tật về tim mạch rất phức tạp, chủ nhiệm khoa Nhi thấy không ổn, liền gọi điện cho Chủ nhiệm Phương, lập tức quyết định hội chẩn phẫu thuật.
Bệnh viện là như vậy, dù trời có sập xuống nhưng lúc cần cấp cứu cho bệnh nhân, thì vẫn phải cấp cứu trước đã.
Nhiếp Vũ Thịnh xin nghỉ phép một thời gian, những bệnh nhân mà anh tiếp nhận điều trị cơ bản đều đã xuất viện, do vậy công việc không nhiều, việc bàn giao cũng rất nhanh chóng.
Anh Đổng cũng đã vào phòng phẫu thuật, làm phụ mổ cho Chủ nhiệm Phương. Chỉ có Tiểu Mẫn đỏ hoe cả mắt, nhất là khi Nhiếp Vũ Thịnh bàn giao tất cả bệnh án của bệnh nhân, thu dọn đồ đạc cá nhân rồi nói: "Anh đi đây," Tiểu Mẫn suýt bật khóc, mếu máo: "Sư huynh, anh đợi thầy về hẵng đi, nếu thầy về mà không thấy anh thì biết làm thế nào..."
Nhiếp Vũ Thịnh cười nói: "Ngốc ạ, anh thôi việc không làm nữa chứ có phải đi đến chân trời góc biển đâu, khi nào mọi người muốn gặp anh thì cứ gọi điện, anh mời mọi người ăn cơm."
Nhiếp Vũ Thịnh thôi việc quá đột ngột nên chưa có mấy người hay. Trong cuộc điều trần của bệnh viện ngày hôm nay, nhiều người đã nghe được chuyện của anh, nên k anh đi qua hành lang khoa Ngoại Tim mạch, rất đông bác sĩ y tá đứng lại chào hỏi, động viên anh mấy câu. Từ thang máy đi xuống, mỗi đồng nghiệp mà anh gặp đều ngỡ rằng anh đang trên đường ra về sau cuộc họp điều trần, nên chỉ gật đầu chào, Nhiếp Vũ Thịnh cũng cười cười gật đầu chào lại, tựa như ngày thường đi làm về vậy. Ra đến tận bãi đỗ xe, ngoái đầu lại nhìn tòa nhà của khoa Ngoại Tim mạch, anh mới thấy lòng đau xót khôn nguôi.
Biết bao lần bị điện thoại cấp cứu lôi dậy lúc nửa đêm, anh đã đỗ xe ở đây, đi về phía toàn nhà sáng rực ánh đèn của khoa Ngoại Tim mạch. Biết bao lần hết giờ tăng ca anh lê đôi chân tê cứng vì đứng mổ ra bãi đỗ tìm xe của mình, có điều, không lần nào anh thấy lưu luyến như lần này. Anh đứng ở bãi đỗ xe, nhìn lại tòa nhà 38 tầng của khoa Ngoại Tim mạch hồi lâu, chẳng biết bao lâu sau, anh mới mở cửa lên xe.
Bảo vệ ở cửa ra của bãi đỗ xe nhìn thấy anh, theo thói quen đợi anh lấy thẻ đỗ xe ra, nhưng thẻ đỗ xe của Nhiếp Vũ Thịnh cùng những giấy tờ chứng nhận công tác khác như thẻ bác sĩ... đều đã bàn giao lại, anh nhớ mang máng xe ngoài bệnh viện thường phải thu phí đỗ xe theo giờ, có điều một giờ bao nhiêu tiền thì chịu không nhớ nổi, đành mở ví tìm tờ 100 tệ đưa cho bảo vệ. Bảo vệ ngây ra một lát rồi cười hỏi: "Bác sĩ Nhiếp, hôm nay quên mang thẻ à? Thôi, anh về đi, lần sau tính luôn vào thẻ cũng được". Vừa nói, bảo vệ vừa nâng barie lên cho anh ra.
Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Không còn có lần sau đâu, tính luôn lần này đi."
Bảo vệ lòng đầy thắc mắc, ngập ngừng nhận lấy tiền rồi tìm tiền lẻ trả lại cho anh. Nhiếp Vũ Thịnh nhận tiền, gật đầu chào bảo vệ, nói: "Cảm ơn anh."
Bảo vệ chợt cảm thấy thần thái của Nhiếp Vũ Thịnh hôm nay hơi khác lạ, nhưng cũng không nghĩ gì nhiều.
Nhiếp Vũ Thịnh lái xe ra khỏi bệnh viện, lòng đầy hoang mang. Sự việc hôm nay xảy đến quá nhanh, quá đột ngột, mãi đến tận bây giờ, anh mới dần dần lấy lại được phản ứng. Bố bệnh nặng, Đông Viễn lâm nguy, anh luôn ở trong trạng thái cực kỳ bận rộn và căng thẳng, tuy rất mệt mỏi nhưng anh vẫn biết rõ mình đang làm gì, mình sẽ làm gì. Anh chỉ là đang tạm thời đối phó với khủng hoảng bất ngờ, anh biết cơn khủng hoảng này sẽ có ngày kết thúc, sẽ có một ngày anh sẽ trở lại với công việc ở bệnh viện. Nhưng giờ đây, điều đó lại đột ngột thay đổi, giống như mục tiêu cả đời anh đột nhiên bị chặn đứng vậy, anh không còn là một bác sĩ nữa.
Tựa như bước hụt, như cảm giác mệt nhoài sau ca phẫu thuật, cuối cùng chỉ còn lại nỗi buồn trống rỗng. Trong cái thành phố quá đỗi thân thuộc, giữa những ngõ phố chằng chịt phức tạp như mạch máu này, anh chợt thấy mất phương hướng. Anh mơ hồ nắm lấy vô l, đột nhiên không biết mình nên đi về hướng nào.