Chương 20
Uống xong cà phê, Nhiếp Vũ Thịnh vẫn lịch sự tiễn Thư Cầm về đến tận chung cư rồi mới gọi xe về. Thư Cầm vốn đã vào trong đại sảnh, nhưng nghĩ một lát lại ra ngoài, nhân đêm thanh gió mát mà dạo một vòng quanh đó, đoạn gọi cho Thịnh Phương Đình rồi vẫy taxi đến bar.
Tới nơi, thấy Thịnh Phương Đình đã đến trước, cô bèn tiến lại chào: "Giám đốc Thịnh!"
Thịnh Phương Đình ngẩng lên thấy cô, liền làm bộ ngạc nhiên, cười nói: "Giám đốc Thư có một mình thôi ư?"
"Không phải anh cũng một mình sao?"
Bấy giờ Thư Cầm mới sực nhớ ra hôm nay Thịnh Phương Đình vừa xuất viện, thật không nên hẹn anh đến bar, trong lòng thầm hối hận nhưng ngoài miệng lại đùa: "Giám đốc Thịnh, vừa ra viện đã lên bar, không sợ dạ dày không chịu nổi sao?"
Một mình ở nhà chẳng có việc gì, đành ra ngoài chơi một chút." Thịnh Phương Đình búng vào chiếc cốc đặt trên bàn. "Tôi uống nước hoa quả thôi. Song nếu có cháo, thật muốn húp một bát quá."
Nghe anh ta nói vậy, Thư Cầm cũng chợt thấy đói. Lúc đến bệnh viện cô chưa ăn tối, lại đúng lúc nhà họ Nhiếp xảy ra chuyện, Nhiếp Vũ Thịnh cũng chưa ăn tối, hai người ngồi trong quán uống xong cà phê là chia tay, lúc cô ra ngoài, vốn định đi ăn nhưng lại theo thói quen hẹn Thịnh Phương Đình tại quán bar.
"Vừa hay tôi chưa ăn cơm, gần đây có quán cháo khá ngon, Giám đốc Thịnh có muốn đi cùng không?"
"Được, thế thì tốt quá!"
Quán cháo Triều Châu này nằm trong một khu dân cư kiểu cũ, nếu không có cô nàng sành ăn Thư Cầm dẫn đường, chắc Thịnh Phương Đình có nằm mơ cũng không thể ngờ trong một khu như vậy lại có một quán cháo chính gốc thế nà
Hai người gọi cháo hải sản, lập tức hai bát cháo lớn nóng hổi được đưa lên. Ngồi ăn cháo lúc nửa đêm trong tiết chớm thu thế này thật tuyệt. Cuối cùng Thư Cầm cũng thấy thoải mái hơn đôi chút, bèn hỏi: "Người Thượng Hải các anh thường nói, ngon đến rụng cả lông mày đúng không nhỉ?"
Thịnh Phương Đình đáp: "Mẹ tôi mới là người Thượng Hải, tôi sinh ra ở nước ngoài, chỉ có thể coi là một nửa người Thượng Hải thôi."
Thư Cầm thở dài. Ông bà chủ quán đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Quảng Đông, họ nghe chẳng hiểu gì cả, chỉ cảm thấy đêm khuya thật tĩnh lặng. Ngoại trừ bọn họ còn có một bàn mấy người Triều Châu đến ăn cháo, vừa trò chuyện với ông bà chủ vừa cười vui vẻ. Bên trong quán náo nhiệt, nhưng bên ngoài lại chỉ có tiếng gió lùa qua tán lá, cùng tiếng côn trùng rả rích ngoài song, càng khiến người ta thêm vài phần thương cảm.
"Sao vậy?" Dường như Thịnh Phương Đình có bản năng nhìn mặt đoán ý người khác, "Hẹn tôi ra đây lẽ nào không phải có chuyện muốn nói ư?"
"Thất tình. Vừa chia tay với bạn trai." Thư Cầm làm mặt hề, "Không nói nữa, ăn cháo đi. Anh nói xem, sao tôi lại thảm thế này. Hồi đó chia tay với anh, tôi cũng đâu thấy thảm đến thế. Chắc bây giờ có tuổi, không chịu nổi giày vò nữa rồi."
Thịnh Phương Đình không nói gì, chuyện ở Mỹ anh không nhắc đến, Thư Cầm cũng không, đã là quá khứ thì cứ để nó qua đi. Sau khi về nước anh cố ý vào làm trong công ty cô. Hai người giống như người dưng nước lã, mà thực sự, cũng gần như người dưng nước lã.
Có đôi khi, tình yêu không phải muốn kiên trì là kiên trì được. Cuối cùng anh cũng về Trung Quốc, nhưng cô lại nói lời chia tay. Khi gia đình cô phản đối quyết liệt nhất cô cũng không hề đòi chia tay, vậy mà giờ chính cô lại chủ động dứt bỏ, anh thật không hiểu tại sao nữa. Cô nói: "Anh không hiểu sao? Tôi không muốn đợi nữa. Người như anh quá yêu bản thân. Dù tôi có hy sinh cả đời cho anh, chưa chắc anh đã để tâm đến tôi. Tôi nghĩ thông rồi, tại sao anh lại bảo tôi làm bạn với Nhiếp Vũ Thịnh, vì anh muốn qua tôi để tìm hiểu một vài điều anh quan tâm. Đến tôi anh cũng lợi dụng, sao anh có thể thật lòng yêu tôi chứ?"
Trong lòng cô hiểu rõ nên không muốn đến gần, cũng chẳng chịu rời xa. Còn anh, chỉ bàng quan đứng ngoài, nên càng hiểu rõ hơn. Anh nói chia tay hay không cũng không quan trọng, nhưng hy vọng cô có thể giúp mình một vài việc.
Rốt cuộc cô vẫn yêu anh nên mới đồng ý chăng?
Giờ là nửa đêm, ngồi trước một bát cháo nóng, hai người chẳng buồn vờ vịt nói đi nói lại cũng chỉ vài chuyện linh tinh. Thư Cầm lại chủ động nhắc đến mấy chuyện công việc nhưng Thịnh Phương Đình gạt đi: "Nửa đêm nửa hôm, có thể đừng nói chuyện công việc được không?"
Nói chuyện khác, cũng chẳng có gì đáng nói. Thư Cầm không muốn nhắc nhiều về Nhiếp Vũ Thịnh với anh, Thịnh Phương Đình cũng không nhắc.
Đột nhiên Thư Cầm hỏi: "Tại sao?"
Thịnh Phương Đình ngẩng lên nhìn cô, bình thản hỏi lại: "Cái gì tại sao?"
"Ban đầu tại sao bắt tôi phải làm bạn với anh ta?"
"Hai người vốn là bạn rồi, không phải sao?"
"Tại sao anh lại có hứng thú với Nhiếp Đông Viễn như vậy? Lúc nào cũng thu thập tin tức về ông ta."
"Tôi có tham vọng, cô cũng biết đấy. Tôi cần cơ hội, mà cơ hội chỉ đến với những người đã chuẩn bị sẵn sàng mà thôi."
Thư Cầm chăm chú nhìn anh, hỏi: "Anh không thể nói thật với tôi sao?"
"Những lời tôi nói đều là thật." Thịnh Phương Đình nói, "Tôi muốn có vị trí trọng yếu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhưng trong ngành này lại có quá nhiều doanh nghiệp gia đình, nếu không biết người biết ta, tôi tuyệt đối không thể vươn lên cao được. Tôi có hứng thú với Nhiếp Đông Viễn vì trường hợp của ông ta rất đặc thù. Nhiếp Vũ Thịnh không muốn kế thừa sản nghiệp, nên Nhiếp Đông Viễn sẽ phải tuyển CEO để chia sẻ bớt gánh nặng. Tôi muốn tiến vào đầu não của Đông Viễn, ở đó, tôi sẽ có không gian phát huy rộng hơn bất cứ công ty nào khác."
Thư Cầm nói: "Lý do này rất khó thuyết phục tôi."
"Cô không muốn tin thì thôi." Thịnh Phương Đình nói, "Tôi có chút khúc mắc với Nhiếp Đông Viễn nên bị kích thích bản tính hiếu thắng."
"Anh có khúc mắc gì với Nhiếp Đông Viễn?"
"Cô biết đấy, tôi rất ghét Nhiếp Đông Viễn, thái độ làm người và cung cách hành xử của ông ta, tôi đều ghét. Nhưng không thể không thừa nhận ông ta đã rất thành công trong ngành này. Ai cũng nói Nhiếp Đông Viễn đã tạo ra kỳ tích không ai có thể lặp lại. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã tạo nên Nhiếp Đông Viễn hiện nay." Anh khẽ cười khẩy, "Kỳ tích... tôi muốn thử một lần xem kỳ tích có thể lặp lại không!"
Thư Cầm biết Thịnh Phương Đình lòng đầy dã tâm, nhưng cô cũng chẳng nói thêm gì, chỉ đưa mắt nhìn anh. Người đàn ông này là vậy, b có vẻ ôn hoà nho nhã, thực chất lại rất bá đạo, đầy tham vọng, hễ muốn thứ gì, nhất định sẽ không từ thủ đoạn đoạt lấy.
Thư Cầm tin rằng Thịnh Phương Đình chướng mắt với Nhiếp Đông Viễn, vì phong cách hành xử của ông ta rất giống anh, phàm những người quá bá đạo, hẳn không thể cùng tồn tại với nhau được.
Cô nói: "Anh không hợp vào làm trong Đông Viễn đâu. Nhiếp Đông Viễn sẽ không chấp nhận cấp dưới như anh."
Thịnh Phương Đình nhếch môi cười: "Đúng vậy, vì thế tôi đang đợi cơ hội."
Ăn hết bát cháo cũng đã tang tảng sáng, khi bọn họ rời khỏi quán, lại có vài người sành ăn đến mua cháo, xem ra quán kinh doanh rất phát đạt. Thịnh Phương Đình vẫn chưa tận hứng, thuận miệng nói: "Quán này gần nhà như vậy mà tôi lại không biết."
Thư Cầm gắng xốc lại tinh thần, nói: "Quanh khu này nhiều quán ngon lắm. Ngoài quán cháo này còn có quán đồ ăn Hồ Nam, nhưng anh không được ăn cay. Rồi tôi sẽ vẽ cho anh cái bản đồ, trong mấy cây số quanh nhà anh có rất nhiều quán đáng để ăn."
"Cám ơn!" Thịnh Phương Đình cười, họ đã đi đến bên người, anh vẫy cho cô một chiếc taxi. Thư Cầm vốn bị viêm mũi dị ứng, gió lạnh thổi qua khiến cô không kìm được hắt hơi mấy cái, Thịnh Phương Đình liền nhanh nhẹn cởi áo vest choàng lên vai cô. Thư Cầm ngại ngùng cảm ơn: "Tôi không sao, anh mới ra viện, đừng để bị lạnh."
Thịnh Phương Đình nửa đùa nửa thật: "Tuy tôi mới ra viện nhưng cô lại vừa thất tình, tôi nên chăm sóc cô chứ."
Không hiểu tại sao, Thư Cầm cảm thấy câu nói này hơi chói tai. Thịnh Phương Đình lại cười: "Xin lỗi, tôi không nên nói như vậy. Nhưng cô biết đấy, đôi khi tôi cũng không kìm được đố kỵ."
Xe tới, anh mở cửa sau cho Thư Cầm, cô lên xe, định trả áo cho anh, nào ngờ anh lại mở luôn cửa trước, ngồi vào ghế phụ lái, thản nhiên hỏi: "Về nhà cô trước nhé?"
Thư Cầm nói: "Tự tôi gọi xe về là được rồi. Hôm nay anh vừa ra viện, về nghỉ ngơi sớm đi."
"Mẹ tôi nói, nếu ở cùng phụ nữ quá mười giờ tối thì người đàn ông phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đưa cô ấy về nhà, bằng không rất mất phong độ. Cô không định hại tôi mất phong độ đấy chứ?"
Thư Cầm đành cười trừ rồi nói địa chỉ cho lái xe. Cũng may chỗ ở của cô không xa lắm, khi đến nơi Thịnh Phương Đình còn dặn cô lên tới nhà nhớ nhắn tin cho anh rồi mới bảo lái xe đi. Bước vào thang máy, Thư Cầm mới sực nhớ ra mình vẫn khoác áo của anh, quên mất chưa trả.
Anh đã quen chăm sóc cô như vậy, hồi ở Mỹ, ban đầu cô cũng từng cảm động vì sự chăm sóc đó. Bao năm nay, tuy Nhiếp Vũ Thịnh cũng rất phong độ, nhưng khi hai người bên nhau, chủ yếu vẫn là cô chăm sóc anh. Hơn nữa, vì công việc cạnh tranh ác liệt đã khiến tính cách cô càng ngày càng mạnh mẽ, căn bản không nghĩ mình cần được chăm sóc, thậm chí trong nhiều trường hợp cô còn mạnh mẽ hơn cả đàn ông. Nhưng đêm nay dường như đã quay lại tình cảnh hồi còn ở Mỹ, lúc nào cũng có người chăm sóc cô chu đáo. Thư Cầm không biết cảm giác đó rốt cuộc là tốt hay xấu, cô chỉ thấy lòng mình rối bời. Còn về chiếc áo của Thịnh Phương Đình, cô quyết định sẽ đem đi giặt khô rồi trả anh sau.
Hôm sau khi đi làm cô tiện thể đem áo ra hiệu giặt khô. Tiệm giặt khô của khu chung cư đã mở cửa từ tám giờ, khi nhận đồ, nhân viên tiệm kiểm tra túi áo theo thông lệ, nào ngờ lại tìm thấy ví tiền: "Ồ, ví tiền của chồng chị phải không? Quên bỏ ra này."
Thư Cầm cũng không ngờ trong túi có ví tiền, cô nhận lấy mở ra xem, thấy bên trong ngoài tiển và thẻ tín dụng còn có một chiếc chìa khoá. Hình dáng của chiếc chìa khoá này rất quen thuộc, vừa nhìn qua, cô bỗng thấy lòng chua xót, nước mắt chỉ chực trào ra. Đó là chìa khoá cửa của ngôi nhà hồi trước, nói là nhà, thật ra là phòng thuê. Có điều, trong mắt đôi tình nhân trẻ vô tư vô lự thì đó quả thật là nơi ấm áp nhất, chứa đựng những ký ức ngọt ngào nhất. Không ngờ anh vẫn giữ đến tận bây giờ.
Thư Cầm ngẩn ngơ nhìn chiếc chìa khoá hồi lâu, mãi đến khi bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của nhân viên tiệm giặt khô, cô mới vội vàng gập chiếc ví lại cất vào túi, nhủ bụng đến công ty sẽ trả cho Thịnh Phương Đình.
Buổi sáng, tuy sếp vắng mặt, nhưng công ty đang tiến hành tập huấn cho nhân viên nên cô cũng rất bận, đến trưa mới có thời gian rảnh tìm Thịnh Phương Đình trả ví. Thư Cầm làm như không có chuyện gì, chỉ nói: "Ngại quá, tôi đem áo đi tiệm giặt khô, đến hiệu giặt khô mới phát hiện có ví tiền, đáng ra tối qua phải trả anh rồi."
Thịnh Phương Đình cười: "Không sao, hôm qua muộn quá nên ngại không gọi cho cô, về nhà mới nhớ ví tiền bỏ trong túi áo vest, đành bảo lái xe đợi rồi lên nhà lấy tiền. Trí nhớ tôi dạo này chán thật, may mà không quên cả di động và chìa khoá, bằng không dù là sáng sớm cũng phải gọi điện làm phiền cô rồi."
Khách khí đến xa lạ.
"Tôi phải xin lỗi mới đúng." Thư Cầm nói, "Để tôi mời anh ăn trưa."
Có vài điều cô hơi lưỡng lự không biết có nên hỏi hay không
Anh đồng ý ngay: "Được thôi."
Hai người cùng ra quán gần công ty ăn cơm, vẫn là quán Đài Loan lần trước. Thư Cầm gọi cơm với thịt kho, cô ăn mãi món này mà chưa chán.
Thịnh Phương Đình chợt nói: "Tôi biết làm món này."
"Hả?" Thư Cầm ngạc nhiên, trước đây khi hai người còn bên nhau đều là cô nấu cơm, cô không thể tưởng tượng được người lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề như Thịnh Phương Đình lại có thể xuống bếp. Thư Cầm luôn nghĩ anh không biết nấu cơm, thường xuyên ăn ở ngoài, hơn nữa còn ăn uống thất thường nên mới bị xuất huyết dạ dày.
"Thật mà, mẹ tôi dạy. Bà không rành nấu nướng lắm nhưng vẫn dạy được tôi làm những món đơn giản như thịt kho. Một mình tôi về nước, bà luôn lo lắng tôi không có gì ăn..."
"Thịt kho nhìn có vẻ đơn giản, nhưng muốn làm cho ngon cũng khó đấy."
Thịnh Phương Đình nói: "Tôi có bí quyết gia truyền. Lần sau có cơ hội tôi sẽ mời cô thưởng thức tay nghề."
Thư Cầm nhìn anh, không đồng ý, cũng chẳng từ chối.
Đang nói chuyện thì Thịnh Phương Đình có điện thoại. Anh liếc qua màn hình rồi nói: "Xin lỗi, tôi đi nghe điện thoại." Dứt lời liền đứng dậy, ra khỏi quán ăn.
Trong điện thoại, giọng Đàm Tĩnh rất căng thẳng: "Luật sư Từ vừa nói chuyện với họ, thái độ của họ rất kiên quyết, nói điều kiện của chúng ta không có thành ý... tôi lo..."
"Cô đừng lo." Thịnh Phương Đình nhẹ nhàng an ủi, "Đưa điện thoại cho luật sư Từ đi, tôi muốn nói chuyện."
Luật sư Từ cầm máy, Thịnh Phương Đình hỏi vài câu, rồi cùng thảo luận về kế hoạch tiếp theo. Luật sư Từ nói: "À phải, hôm nay bệnh viện thông báo có thể làm phẫu thuật sớm, bác sĩ mổ chính là Phương Vịnh, Chủ nhiệm khoa Ngoại Tim mạch, Nhiếp Vũ Thịnh không tham gia mổ. Lát nữa Chủ nhiệm Phương sẽ đến nói chuyện với người nhà bệnh nhân, có lẽ Nhiếp Vũ Thịnh cũng có mặt."
"Họ không đồng ý điều kiện thì cứ hoãn mổ đi." Thịnh Phương Đình nói, "Anh đưa máy cho Đàm Tĩnh, để tôi khuyên cô ấy."
Đàm Tĩnh nghe Thịnh Phương Đình muốn mình từ chối ký giấy đồng ý phẫu thuật, liền cự tuyệt ngay: "Không được, đã kéo dài đến tận bây giờ, không thể kéo dài thêm nữa, tôi không thể lấy tính mạng của con ra mạo hiểm được."
"Đàm Tĩnh, trong đàm phán, ai không nhẫn nhịn được thì người đó sẽ thua. Cô lo lắng nhưng Nhiếp Vũ Thịnh còn lo hơn. Anh ta là bác sĩ, anh ta biết rõ hơn cô về hậu quả khi trì hoãn phẫu thuật, vì thế anh ta sẽ không kiên trì được. Chỉ cần nhà họ Nhiếp thoả hiệp thì cô sẽ giành được quyền giám hộ. Không phải cô muốn giữ con ở bên mình sao? Nếu phẫu thuật ngay lúc này, sau đó nhà họ Nhiếp sẽ giấu đứa trẻ đi, cô làm thế nào? Kiện họ à? Kiện đến vài năm cũng chưa chắc đã có kết quả. Cứ cho là cô thắng, nhưng họ không giao con cho cô thì cô làm gì được? Nhà họ Nhiếp có tiền có thế, trên cả nước này chỗ nào cũng có nhà của họ, tìm bừa một nơi giấu đứa trẻ đi thì cả đời cô cũng không tìm được."
"Tôi không thể để con mạo hiểm như vậy..."
"Cô bình tĩnh nghĩ lại xem, đây là cách duy nhất có hiệu quả để khống chế nhà họ Nhiếp trong lúc này. Phẫu thuật sớm một ngày có lẽ sẽ bớt rủi ro, nhưng giờ cháu bé đang trong bệnh viện, muộn một ngày cũng không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng thời gian làm phẫu thuật lại vô cùng quan trọng với cô, cô không đồng ý mổ thì họ cũng không còn cách nào, đành chấp nhận điều kiện của cô thôi."
"Tôi không làm được."
"Cô là một người mẹ, vì con, cô phải làm được!" Giọng Thịnh Phương Đình điềm tĩnh đến nghiêm nghị, "Cô muốn mất con thì bây giờ cứ ký giấy, còn muốn con ở bên mình thì hãy bảo Nhiếp Vũ Thịnh, trừ phi nhà họ Nhiếp đồng ý điều kiện của cô, nếu không cô sẽ không ký."
"Tôi không làm được..."
"Cô thử nghĩ đến Nhiếp Đông Viễn đi, cô định cứ thế bỏ qua cho ông ta sao? Ông ta là người hại chết cha cô, hại chết mẹ cô. Giờ cô cứ để ông ta được như ý, cướp con của cô đi mà không phải trả bất cứ cái giá nào ư?"
"Chuyện này không liên quan đến việc phẫu thuật của con tôi..."
"Nếu nhà họ Nhiếp không nể nang thằng bé, giờ cô đồng ý phẫu thuật, sau này dù cô giành được quyền giám hộ, họ cũng sẽ không dễ dàng chịu nộp phí nuôi dưỡng. Nếu bọn họ thật sự coi trọng đứa trẻ này, xem nó là cốt nhục thì bất kể cô đưa ra điều kiện gì về kinh tế họ cũng sẽ mau mắn đáp ứng ngay, để cô đồng ý ký giấy phẫu thuật càng nhanh càng tốt. Có rất nhiều thứ không thể mua được bằng tiền, đạo lý này cô hiểu, Nhiếp Đông Viễn cũng hiểu."
Đàm Tĩnh nấc lên nghẹn ngào: "Bình Bình đã phải chịu khổ nhiều quá rồi..."
"Vì thế sau này cô không được để nó chịu khổ thêm nữa, phải giành mọi thứ tốt nhất cho nó. Đừng khóc, cũng đừng làm loạn lên. Thế này đi, cô cho đối phương hai mươi tư giờ, nếu họ đồng ý điều kiện thì cô ký giấy, nếu không, cô lập tức chuyển viện ngay. Tôi hứa nhất định sẽ tìm giúp cô một bệnh viện tốt nhất để mổ cho cháu."
Đàm Tĩnh bán tín bán nghi hỏi: "Như vậy có được không?"
"Đương nhiên cô không được nói nếu họ không đồng ý thì cô sẽ chuyển viện cho con. Thôi, cô đưa máy cho luật sư Từ, để tôi bảo anh ấy đi nói với họ."
Đàm Tĩnh đưa máy cho luật sư Từ, anh ta nói chuyện với Thịnh Phương Đình một lúc, rồi tắt máy bảo Đàm Tĩnh: "Chị Tôn, việc này cứ để tôi ra mặt, chị đừng nói gì cả, nếu người nhà họ Nhiếp hoặc luật sư của họ đến tìm, chị cũng đừng nói chuyện. Chị cứ yên tâm, chúng ta sẽ không làm lỡ việc điều trị của cháu đâu, chỉ là đang nghĩ cách để đòi quyền lợi nhiều nhất cho chị và cháu thôi."
Đàm Tĩnh nói: "Tôi không cần quyền lợi gì cả..."
"Quyền giám hộ là quyền lợi chính yếu nhất." Luật sư Từ an ủi cô, "Mọi việc chúng ta làm hiện nay đều là để giữ con lại bên chị. Tôi biết chị không cần bồi thường về mặt kinh tế, nhưng chúng ta cần để nhà họ Nhiếp nhận thức được cái giá đắt đỏ phải trả, như vậy họ mới từ bỏ quyền giám hộ."
Nhiếp Vũ Thịnh hoàn toàn không thể ngờ Đàm Tĩnh lại thông báo cho luật sư, cô không đồng ý làm phẫu thuật ngay, trừ phi nhà họ Nhiếp từ bỏ quyền giám hộ, đền bù một số tiền nuôi dưỡng kếch sù cùng quyền sở hữu cổ phần.
Khi biết tin này, Nhiếp Vũ Thịnh hoàn toàn sững sờ, còn Nhiếp Đông Viễn thì bừng bừng lửa giận, đã lâu lắm rồi, không kẻ nào dám uy hiếp ông như vậy. Nhiếp Đông Viễn chỉ cười khẩy: "Năm đó tưởng cô ta chỉ là con nha đầu miệng còn hôi sữa, không ngờ giờ đã thành con sư tử tham lam rồi."
"Đây không phải ý của Đàm Tĩnh." Nhiếp Vũ Thịnh nói, "Cô ấy không phải hạng người như vậy."
"Rốt cuộc đến lúc nào anh mới chịu nhận ra bộ mặt thật của con đàn bà đó hả? Ban đầu mở mồm là đòi anh một triệu, tôi còn nghĩ, được, một triệu, tôi trả, vì cô ta ngậm đắng nuốt cay sinh thằng bé ra, còn nuôi lớn đến ngần này. Nhưng anh nhìn xem, cô ta nói không giữ lời, còn đòi ra giá trên trời, lòng tham vô đáy. Trong mắt cô ta, thằng bé là cái gì? Chỉ là công cụ để tống tiền chúng ta mà thôi!"
Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy cả thân thể lẫn tinh thần đều kiệt quệ, anh nói: "Thôi bố ạ, có lẽ Đàm Tĩnh muốn chúng ta từ bỏ quyền giám hộ. Con đi nói chuyện với cô ấy vậy, con quyền giám hộ nữa, mau mau làm phẫu thuật cho thằng bé."
"Vớ vẩn! Cô ta tưởng nắm thằng bé trong tay là có quyền mặc cả với chúng ta sao? Anh không cần quyền giám hộ, thì cháu tôi làm sao? Chẳng phải lần trước anh bảo tôi rằng cô ta nói không cần quyền giám hộ, chỉ cần chúng ta đưa tiền sao? Cháu tôi rơi vào tay loại người như cô ta, làm sao sống yên ổn được? Nó theo cô ta chịu khổ bao năm như vậy mà giờ còn bị mẹ đẻ biến thành cây hái tiền. Cô ta không đồng ý phẫu thuật thì tôi không để yên đâu!"
"Bố..."
"Gọi luật sư đi, tôi trả năm triệu, mặc kệ cô ta có cần không. Không được nữa thì tự tôi ký tên đồng ý phẫu thuật!"
"Bố, làm vậy không đúng quy định của bệnh viện... Bố hay con ký đều vô ích thôi..."
"Vậy thì chuyển viện! Chuyển đến Hồng Kông phẫu thuật là xong! Máy bay đâu? Anh mau gọi cho thư ký Trương chuẩn bị máy bay!"
"Tình hình hiện nay của thằng bé không thể chịu đựng chuyến bay dài." Nhiếp Vũ Thịnh gần như muốn nổ tung, "Để con đi nói chuyện với Đàm Tĩnh, cô ấy không phải người không hiểu đạo lý. Thằng bé đối với cô ấy còn quan trọng hơn tính mạng, vì nó việc gì cô ấy cũng có thể làm, con không tin cô ấy vì chuyện tiền nong mà không đồng ý phẫu thuật."
"Anh muốn đâm đầu vào tường thì đi đi." Ông Nhiếp Đông Viễn kết luận, "Đàm Tĩnh sẽ không gặp anh đâu."
Nhiếp Vũ Thịnh không tin lời bố, anh đến phòng bệnh nhưng quả thật bị luật sư chặn lại, anh ta nhỏ nhẹ nói: "Xin lỗi anh Nhiếp, đương sự của tôi không muốn gặp anh, mong anh đừng làm phiền cô ấy."
Nhiếp Vũ Thịnh thực không thể ngờ sự việc lại diễn ra hệt như lời bố mình, anh gọi cho Đàm Tĩnh thấy tắt máy. Đang lúc bế tắc thì Chủ nhiệm Phương biết chuyện người nhà bệnh nhân không chịu ký giấy phẫu thuật, bèn cho người đi tìm Nhiếp Vũ Thịnh tới. Ông còn thận trọng đóng cửa văn phòng lại rồi mới hỏi: "Chuyện gì vậy? Sao đột nhiên mẹ thằng bé lại không đồng ý mổ?"
"Cô ấy đang đàm phán với bố cháu... yêu cầu ông ấy đồng ý một số điều kiện về vật chất..."
Chủ nhiệm Phương nghe vậy liền nổi giận, suýt nữa buột miệng chửi um lên: "Có người mẹ như vậy sao? Kéo dài thời gian thì có gì tốt cho thằng bé? Tôi không mổ nữa! Cô ta muốn kéo dài thì kéo. Rõ ràng cô ta không coi thằng bé là cốt nhục của mình, đúng là vô nhân tính mà!"
Nhiếp Vũ Thịnh đau khổ vạn phần, anh không muốn tin lại làm vậy, bèn giải thích: "Cô ấy không phải loại người đó, lần này không biết ai đã thay cô ấy đưa ra chủ ý này, nếu là cô ấy. chắc chắn sẽ không làm vậy. Hơn nữa cô ấy cũng không biết tìm luật sư..."
"Biết người biết mặt khó biết lòng... Nhiếp Vũ Thịnh ơi Nhiếp Vũ Thịnh, cậu nói xem mắt nhìn người của mình thế nào mà lại có con với loại người như thế..."
Nhìn bộ dạng đau khổ của Nhiếp Vũ Thịnh, Chủ nhiệm Phương cũng không nỡ xát muối thêm vào vết thương anh nữa, đành thở dài: "Nếu cô ta chỉ cần tiền thì miễn là không quá đáng, cứ đưa tiền là xong, chữa bệnh cho thằng bé quan trọng hơn. Loại người như thế thật không xứng làm mẹ."
"Cô ấy không chỉ cần tiền, cô ấy còn đòi một số cổ phần của công ty bố cháu dưới tên thằng bé. Như vậy trước khi nó thành niên, nếu cô ấy là người giám hộ..."
"Ồ, bực mình thật, loại phụ nữ gì thế này, điều kiện như vậy cũng nghĩ ra được. Cậu mau nghĩ cách đi. Ôi, cậu toàn vướng vào những việc đâu đâu ấy, tôi nghe thôi mà đã... Cậu bàn bạc với bố cậu đi, loại người như thế lòng tham vô đáy, thật là..." Tuy đang giận dữ nhưng trước mặt Nhiếp Vũ Thịnh, Chủ nhiệm Phương cũng không tiện dùng những từ quá khó nghe để nói về Đàm Tĩnh. Nhiếp Vũ Thịnh hiểu, nên trong lòng lại càng buồn hơn. Anh tin tất cả đều không phải chủ ý của Đàm Tĩnh, có điều cô cứ dồn ép từng bước khiến anh không sao thở nổi. Đàm Tĩnh chỉ hạn cho hai mươi tư tiếng, đối với anh, đó chính là một quả bom hẹn giờ hai mươi tư tiếng, mỗi giây mỗi phút trôi qua đều khiến anh thót cả tim.
Anh quay lại phòng ông Nhiếp Đông Viễn, đúng lúc luật sư đang báo cáo lại với ông tình hình mới nhất, bên Đàm Tĩnh đang chuẩn bị xe, xem ra định chuyển viện.
"Thương lượng được thì làm phẫu thuật, nếu không được, cô ta liền giấu thằng bé đi." Trong một khoảnh khắc, dường như tất cả vẻ già nua của Nhiếp Đông Viễn đều lộ cả ra ngoài, ông mệt mỏi nói, "Kẻ đứng đằng sau cô ta cũng thật inh! Biết điểm yếu của chúng ta nên chiêu nào cũng nhằm vào đó. Chuyện này một mình Đàm Tĩnh không thể nghĩ ra được, thêm cả tay luật sư kia nữa, anh đi tìm hiểu xem làm sao hắn biết Đàm Tĩnh? Còn nữa, sao đột nhiên cô ta lại có tiền mời luật sư?"
Luật sư Kiều, cố vấn pháp luật của Tập đoàn Đông Viễn cười đáp: "Chắc ngài không biết, khi có vụ kiện phân chia tài sản lớn, luật sư có thể miễn chi phí ban đầu. Chỉ cần thắng kiện, hoặc hoà giải bên ngoài tòa án thành công, căn cứ theo phần tài sản đương sự được chia, luật sư sẽ được nhận ngay phí luật sư với tỉ lệ rất cao, thường cũng phải 30%, thậm chí đến 50%. Món tiền bồi thường và cổ phần mà hiện giờ đối phương yêu cầu đã là một con số rất lớnư vậy, chỉ cần cãi thắng hoặc hoà giải được vụ kiện này, luật sư có thể cầm vài chục triệu rồi, chút chi phí ban đầu kia có đáng gì?"
Ông Nhiếp Đông Viễn cười: "Thì ra trong ngành các ông cũng thật nhiều trò."
Luật sư Kiều làm cố vấn pháp luật cho Tập đoàn Đông Viễn đã nhiều năm, quan hệ với Nhiếp Đông Viễn cũng khá thân thiết, chỉ cười cười, nói nửa đùa nửa thật: "Không phải là ngành này của chúng tôi lắm mánh khoé, mà là danh tiếng của ngài quá nổi đấy thôi. Đông Viễn là công ty đã niêm yết trên sàn cổ phiếu, ngài lại là doanh nhân nổi tiếng, luật sư chỉ cần nghe nói thân chủ muốn kiện ngài đòi tài sản, chắc hẳn món tiền ấy không thể nhỏ, đương nhiên sẽ vui vẻ thử thôi."
Nhiếp Đông Viễn lại cười: "Vậy ông nói xem chúng ta nên đối phó thế nào?"
"Thượng, trung, hạ sách, phải xem ngài muốn dùng sách lược nào."
"Ồ, ông nói tôi nghe xem."
"Thượng sách là 'tráng sĩ cắt tay'[1], chỗ dựa của đối phương là thằng bé, hễ ngài tỏ vẻ không hứng thú với nó, tự nhiên đối phương sẽ mất chỗ dựa. Một khi mất chỗ dựa thì chẳng cần đàm phán chuyện tài sản gì đó nữa. Ngài cho thấy mình không cần quyền giám hộ, như vậy mọi suy tính của đối phương sẽ thành ra vô ích."
[1] Thành ngữ nói đến các tráng sĩ khi bị rắn cắn vào cổ tay thì phải chặt đứt đi để ngăn chặn nọc độc lan ra toàn thân, là phép ẩn dụ ý chỉ hành động dứt khoát, không do dự.
"Trung sách thì sao?"
"Trung sách là áp dụng cả biện pháp cứng rắn và mềm dẻo. Trước tiên dùng kế hoãn binh, đáp ứng một phần điều kiện của đối phương. Quan trọng là không cho quyền sở hữu cổ phần mà đưa tiền trước, nhiều một chút cũng không sao, để đối phương đồng ý cho thằng bé phẫu thuật. Trung sách này chính là cò kè mặc cả, cô ta đòi giá trên trời thì chúng ta trả giá dưới đất, có lẽ sẽ kéo dài một hai ngày, đối phương cũng có thể sẽ giở trò."
"Thế hạ sách là gì?"
"Vừa đàm phán vừa nghĩ cách làm phẫu thuật. Thể chế của bệnh viện cũng được nới lỏng bớt rồi, không thể nào thấy chết không cứu."
Nhiếp Đông Viễn quay lại nhìn Nhiếp Vũ Thịnh, hỏi: "Thế nào, ba kế của luật sư Kiều, anh muốn dùng cái nào?"
Thấy Nhiếp Vũ Thịnh không nói gì, Nhiếp Đông Viễn quay sang bảo luật sư Kiều: "Chịu rồi, con trai tô phải cái mềm lòng. Trông chờ vào nó thì cả đời chỉ tổ bị người ta chén sạch cả thịt lẫn xương thôi. Ông nói xem sau này Đông Viễn của chúng ta phải làm sao đây... Tôi lại bệnh tật thế này, đến khi nhắm mắt liệu nó có gánh vác nổi không?"
Luật sư Kiều an ủi: "Ngài lo xa quá, đó không biết là chuyện của bao nhiêu năm sau. Tiểu Nhiếp còn trẻ, thiếu từng trải, cứ trải nghiệm nhiều, đối mặt với nhiều sóng gió tự nhiên sẽ ổn thoả thôi."
"Một người phụ nữ cũng không giải quyết xong, còn trông chờ gì nó thừa kế Đông Viễn? Thôi vậy."
Đến nước này thì Nhiếp Vũ Thịnh không thể không lên tiếng: "Bố, con không có hứng thú với Đông Viễn. Bố cũng từng nói sẽ không ép buộc con phải gánh vác công việc của bố kia mà."
"Thế thì tôi giao Đông Viễn cho ai? Anh nói xem, tôi có thể giao cho ai đây?"
"Bố, tức giận không tốt cho sức khoẻ, hơn nữa con cũng không muốn chọc bố giận." Nhiếp Vũ Thịnh nói, "Bố muốn giao Đông Viễn cho ai thì giao."
Thấy hai cha con bỗng trở nên căng thẳng với nhau, luật sư Kiều vội giảng hoà: "Thanh niên bây giờ toàn vậy, con gái tôi năm nay mới học cấp ba mà đã nói sau này lên đại học không muốn học Luật. Mỗi thế hệ đều có cách nghĩ riêng, Tiểu Nhiếp làm ở bệnh viện cũng rất tốt. Tôi nghe nói mọi người đều khen bác sĩ Nhiếp ở khoa Ngoại Tim mạch là có tiền đồ nhất, có thể thấy Tiểu Nhiếp rất có tiếng tăm bên ngoài." Rồi ông nói với Nhiếp Vũ Thịnh, "Tiểu Nhiếp nghĩ xem vụ này chúng ta nên làm thế nào. Giờ đối phương cho chúng ta hai mươi tư tiếng, rõ ràng là 'bắt thiên tử để lệnh chư hầu'. Hiện nay thằng bé đang trong tay cô ta, điều kiện đưa ra lại quá quắt như thế, tuyệt đối không được đồng ý."
"Cả ba kế sách đều không dùng." Nhiếp Đông Viễn cười khẩy, "Nói với cô ta rằng, tôi chấp nhận mọi điều kiện, lập tức viết giấy chuyển nhượng cổ phần, còn quyền giám hộ thì để sau khi phẫu thuật xong rồi nói. Cô ta trăm mưu ngàn kế, tôi sẽ khiến cô ta thất bại. Tưởng cổ phần đứng tên thằng bé là cô ta sẽ thành người giám hộ sao? Vụ kiện đòi quyền giám hộ chưa chắc cô ta đã thắng kia mà. Cổ phần đứng tên cháu tôi cũng chẳng khác gì dưới tên tôi hết."
"Được." Luật sư Kiều ra ngoài gọi cho luật sư đối phương. Ông Nhiếp Đông Viễn bảo con trai: "Việc này anh không cần quan tâm nữa, nhưng anh phải đảm bảo một việc, thằng bé bắt buộc phải được phẫu thuật ở bệnh viện này."
"Bố muốn làm gì?"
"Khoa Tim bệnh viện này tốt nhất cả nước, Chủ nhiệm Phương của các anh là một trong bác sĩ khoa Tim uy tín nhất, bố hy vọng vẫn là ông ấy mổ cho thằng bé. Anh tưởng bố muốn làm gì? Anh nghĩ bố tồi tệ vậy sao? Bố chỉ sợ Đàm Tĩnh lại trở mặt, đưa thằng bé đi mất tăm mất tích thì anh đi đâu tìm chứ?"
Nhiếp Vũ Thịnh không nói gì, vừa rồi quả thực anh tưởng bố mình sẽ ngấm ngầm ra tay làm điều gì đó. Những người gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng ít nhiều đều có chút tự phụ, cảm thấy luồn lách bên lề pháp luật là một loại năng lực chứ không phải một hành vi phạm pháp.
Sau khi nhận được điện thoại của luật sư, Đàm Tĩnh không khỏi thở phào. Tuy làm theo lời Thịnh Phương Đình, nhưng trong lòng cô không hề muốn như vậy chút nào. Khi biết nhà họ Nhiếp đồng ý mọi điều kiện bồi thường, tâm trạng cô rất phức tạp. Lấy ca mổ ra ép nhà họ Nhiếp đã là vượt quá giới hạn đạo đức của cô, nhưng kết quả nhận được lại hết sức bất ngờ, Nhiếp Đông Viễn thà chấp nhận điều kiện quá quắt như vậy cũng không muốn từ bỏ quyền giám hộ.
Luật sư đàm phán với luật sư, đôi bên đều không nhún nhường nửa bước, tranh cãi từng điều khoản một trong bản thoả thuận, đặc biệt là việc đàm phán quyền giám hộ sau ca phẫu thuật, luật sư Từ kiên quyết không nhượng bộ, nhất định muốn nhà họ Nhiếp từ bỏ quyền giám hộ. Lúc này Tôn Bình đã được chuyển tới phòng VIP, các luật sư lại tranh cãi gay gắt ngay tại gian phòng khách phía ngoài. Đàm Tĩnh ở bên trong nghe loáng thoáng câu được câu chăng, chỉ cảm thấy lòng dạ rối bời. Cuối cùng luật sư Từ còn liên lạc với Thịnh Phương Đình mấy lần liền, thấy thời gian càng lúc càng muộn, Đàm Tĩnh không kìm được gọi thẳng cho Thịnh Phương Đình: "Hay cứ để Bình Bình làm phẫu thuật trước đi, nhà họ Nhiếp đã đồng ý bồi thường tất cả rồi..."
"Họ đồng ý bồi thường toàn bộ chỉ vì họ biết có khả năng thắng kiện, giành được quyền giám hộ. Nếu họ thắng thì số cổ phần đứng tên cháu bé vẫn là của Nhiếp Đông Viễn, chẳng có gì khác biệt cả." Thịnh Phương Đình nói, "Nhiếp Đông Viễn là kẻ giảo hoạt, chắc chắn ông ta đồng ý dễ dàng như vậy là vì biết cô sẽ mềm lòng, đồng ý cho làm phẫu thuật."
"Giám đốc Thịnh, tôi không cần tiền. Tôi không muốn Bình Bình phải chịu khổ thêm nữa..." Đàm Tĩnh nói, "Giám đốc Thịnh, tôi rất cảm ơn anh đã giúp tôi một việc lớn như vậy. Nhưng có lẽ anh không hiểu, bất luận thế nào tôi cũng không muốn trả giá bằng việc làm hại con. Có lẽ anh đã nghe một câu chuyện cổ, có hai người phụ nữ đều nói đứa trẻ là con mình, quan huyện bèn bảo mỗi người cầm một tay đứa trẻ mà kéo, ai kéo được con về phía mình thì là của người đó. Kết quả hai người phụ nữ cùng kéo khiến đứa trẻ đau quá khóc oà lên, người thả tay đứa trẻ ra trước chính là mẹ đẻ. Chỉ có mẹ đẻ mới xót con, không nỡ để con đau đớn."
Thịnh Phương Đình trầm ngâm một chút, nói: "Thôi được, cô cứ ký thoả thuận đi, để thằng bé làm phẫu thuật trước. Vụ quyền giám hộ chưa chắc chúng ta đã thua."
Anh ngắt máy, rồi trầm tư hồi lâu.
Hiệp đầu tiên, bề ngoài có vẻ như Đàm Tĩnh tạm thời giành thắng lợi nhưng cô không thể nào vui được. Dưới sự giúp đỡ của luật sư, cô chỉ ký một bản thoả thuận bồi thường rồi nhanh chóng nói với bệnh viện dồng ý phẫu thuật.
Sắp đến giờ tan sở, Chủ nhiệm Phương giận dữ không muốn thực hiện ca mổ này. Cuối cùng vẫn là Nhiếp Vũ Thịnh đến văn phòng chủ nhiệm, anh không nói gì, chỉ đứng đó đau đáu nhìn ông đầy mong đợi. Thấy thế, Chủ nhiệm Phương không khỏi thở dài: "Đều tại tôi chiều hư cậu rồi!" Tuy không biết phải làm sao với cậu học trò này nhưng ông cũng chẳng vui vẻ gì, "Tự cậu đi nói chuyện với người nhà bệnh nhân đi, ký xong giấy thì mang cho tôi, tôi nhất định không gặp cô ta đâu."
Nhiếp Vũ Thịnh không dám phản bác lại câu nào, đành liều mình đi gặp Đàm Tĩnh. May sao lần này cô không từ chối, chỉ là vẫn có mặt luật sư ở đó.
Đã gần hai ngày nay anh chưa gặp Tôn Bình, vừa thấy anh bước vào phòng bệnh, Tôn Bình liền cười ngượng nghịu, rồi giấu mặt ra sau lưng Đàm Tĩnh. Nhiếp Vũ Thịnh cảm thấy mình đã hồn bay phách lạc, trước đây ngày nào anh cũng nói chuyện với người nhà bệnh nhân, có kỹ xảo, lại có kinh nghiệm, vậy mà hôm nay anh lại khiến cuộc nói chuyện rối như một mớ bòng bong. Nhiếp Vũ Thịnh chỉ đọc giấy đồng ý phẫu thuật và gây mê cho Đàm Tĩnh nghe một cách đơn điệu, những điều khoản đã thuộc nằm lòng, cũng bị anh đọc lên bằng giọng đều đều tẻ ngắt.
Cũng may Đàm Tĩnh không nói gì, thậm chí chẳng căn vặn một từ chuyên ngành nào, hoàn toàn trái ngược với lần nói chuyện trước về chương trình CM. Lần đó cô hỏi rất nhiều, rất tỉ mỉ, chỉ sợ bỏ sót một chi tiết nào đó. Vậy mà lần này cô chỉ hỏi một câu: "Bác sĩ Nhiếp, ca mổ này do anh thực hiện sao?"
"Không, tôi không làm được." Nhiếp Vũ Thịnh chua chát nói, "Thầy tôi sẽ mổ, chính là Chủ nhiệm Phương. Cô yên tâm, ông ấy là bác sĩ uy tín nhất trong cả nước, nhân vật hàng đầu của khoa Ngoại Tim mạch, chẳng có ai đứng mổ chính tốt hơn ông ấy đâu."
Đàm Tĩnh khẽ gật đầu, nói: "Cảm ơn."
Hai chữ này tựa lưỡi dao cắt vào ngực Nhiếp Vũ Thịnh. Anh thấy vô cùng đau đớn, đành quay mặt đi. Tôn Bình thò đầu ra từ sau lưng Đàm Tĩnh, mím chặt môi, rồi chợt nho với anh. Nụ cười ấy khiến sống mũi anh cay cay, cổ họng như bị thứ gì đó lèn chặt, khó chịu đến cực điểm.
"Tôi có thể nói chuyện với Bình Bình vài câu không?"
Đàm Tĩnh không nói gì, ngẩng lên nhìn luật sư. Anh ta rất biết điều: "Tôi ra ngoài hút thuốc."
Đàm Tĩnh đứng dậy bước đến cạnh cửa sổ, Nhiếp Vũ Thịnh tiến lại bên giường bệnh. Có lẽ vì thiếu dinh dưỡng nên tóc Tôn Bình lơ thơ, răng thay mãi không mọc được cái mới, khi cười, hai hàm răng trắng đều như những hạt gạo nếp lại bị khuyết mất một chỗ. Bù lại, cặp mắt Tôn Bình đen láy trong veo, phản chiếu được cả hình ảnh người đối diện. Nhiếp Vũ Thịnh nhìn con, chẳng biết nên nói gì, chỉ vô thức nắm chặt lấy thanh chắn giường. Tôn Bình vốn rất sợ anh, nhưng lần này gặp anh có vẻ lại rất vui, còn lôi một món đồ chơi ra khoe: "Siêu nhân này, chơi thích lắm! Ông của Phong Phong tặng cháu đấy!" Từ nhỏ đến giờ, đến đồ chơi bình thường Bình Bình cũng hiếm khi có, đừng nói đến loại đồ chơi siêu nhân cao cấp như vậy. Hôm đó, trong phòng Vui chơi, sau khi được ông Nhiếp Đông Viễn ón đồ chơi này, dù sao cũng vẫn là trẻ con, Bình Bình lập tức thấy ông Phong Phong là người tốt nhất, rộng rãi nhất thế giới. Hơn nữa lúc đó bé nghe Nhiếp Vũ Thịnh gọi Nhiếp Đông Viễn là bố, biết anh là con của ông Phong Phong, nên ấn tượng về anh cũng tốt hơn. Hôm nay gặp lại, Bình Bình rất vui, còn hào hứng làm quen với anh: "Chú à, chú là con của ông Phong Phong, vậy thì chú là bố của Phong Phong đúng không? Phong Phong sướng thật đấy, bố là bác sĩ, ông lại mua nhiều đồ chơi thế này, không chỉ cho bạn ấy chơi mà còn tặng cho cả bạn của bạn ấy nữa... Phong Phong sướng thật đấy! Cháu không có ông..."
Bình Bình ngập ngừng một chút, hoang mang hỏi nhỏ: "Sao chú lại khóc?"
Đàm Tĩnh không hề quay đầu lại, bên ngoài trời đã tối, tòa nhà đối diện lần lượt sáng đèn, xe cộ ngược xuôi nườm nượp trên con đường phía xa, trông như một dòng sông ánh sáng. Trong phòng bệnh chỉ bật một ngọn đèn ở đầu giường, hắt bóng cô lên tấm kính cửa sổ, nước mắt đã lăn dài trên má từ lâu. Nhiều lúc cô cảm thấy không thể chịu nổi nữa, xưa nay cô chưa bao giờ nghĩ mình kiên cường, chỉ là bị cuộc sống giày vò đến chai lì mà thôi. Mỗi lần tuyệt vọng, vì đôi mắt của con, vì tiếng nói của con, vì tiếng con gọi "mẹ", mà hết lần này sang lần khác, cô đều vùng vẫy đứng lên. Dần dà cô trở nên rất hiếm khi khóc, khóc lóc có ích gì chứ? Có kiếm tiền được không? Có chữa được bệnh cho con không?
Có điều hôm nay cô đã thả lỏng bản thân, vì không muốn quay lại nhìn Nhiếp Vũ Thịnh. Qua tấm kính cửa sổ, cô thấy anh đang ôm con khóc như một đứa trẻ. Anh chưa từng khóc trước mặt cô. Dù là năm đó, khi cô muốn bỏ đi, anh cũng chỉ đỏ mắt lên, liên tục hỏi,
Tại sao?
Tại sao số phận lại trêu đùa con người như vậy? Tại sao câu chuyện hồi xưa lại như một cơn ác mộng? Tại sao cô không được phép yêu người mà cô yêu?
Thật tàn nhẫn!
Thật bất công!
Nhiếp Vũ Thịnh vùi mặt vào áo con, bộ quần áo bệnh nhân toả ra mùi thuốc khử trùng quen thuộc, nước mắt chảy đẫm áo khiến mắt anh cay xè, nước mắt âm thầm thấm vào lớp vải. Tôn Bình không nói gì, chỉ mở tròn mắt nhìn anh, đôi tay nhỏ ôm chặt lấy anh. Anh biết mình đã khiến con sợ, chỉ là anh không kìm chế được. Tôn Bình bối rối một lát, cuối cùng học theo người lớn, khẽ vỗ lưng Nhiếp Vũ Thịnh, nhỏ giọng: "Chú đừng khóc mà..."
Toàn thân anh run rẩy, dùng hết sức mới ngẩng được đầu lên, qua màn nước mắt, anh nhìn thấy ánh mắt lo lắng của con nhưng chẳng nói được lời nào. Anh ôm con vào lòng, lo sợ ôm chặt quá con sẽ ngạt thở, vì tim của bé không tốt. Một lúc sau Nhiếp Vũ Thịnh mới buông tay, cúi xuống nhìn con, không biết phải làm sao. Anh vừa cúi đầu, nước mắt đã lại rơi xuống, Tôn Bình rụt rè giơ tay vuốt gương mặt ướt đẫm của anh. Nhiếp Vũ Thịnh gắng hết sức mới nhếch được khoé môi, nặn ra một nụ cười gượng gạo, hỏi: "Mai Bình Bình làm phẫu thuật rồi, có sợ không?"
"Không ạ! Phẫu thuật xong cháu sẽ có một trái tim khoẻ mạnh, có thể được mẹ đưa đến công viên chơi cầu trượt."
"Chú cũng đưa cháu đi chơi được không?"
Tôn Bình nghĩ một chút rồi hỏi: "Chú có đưa Phong Phong đi không?"
"Chú không đưa Phong Phong đi, bạn ấy ra viện về nhà rồi, sẽ có người đưa bạn ấy đi. Chú chỉ đưa cháu đi thôi."
Nào ngờ Bình Bình chợt lắc đầu: "Chú đưa Phong Phong đi đi... chắc chắn bạn ấy rất muốn chơi cùng chú. Bố cháu chưa bao giờ đưa cháu đi chơi cả... Cháu muốn bố đưa đi công viên nhất."
Nhiếp Vũ Thịnh thấy mắt cay cay, lại ôm lấy con vào lòng, vùi mặt vào mái đầu bé. Những sợi tóc ngắn chọc vào mắt khiến anh vừa đau vừa ngứa, nước mắt không ngừng chảy ra. Anh như trở lại hồi thơ dại, khi biết mẹ đã ra đi không bao giờ quay về nữa, hồi nhỏ còn có thể oà lên khóc thật lớn, nhưng bây giờ anh chỉ biết âm thầm rơi lệ. Không biết bao lâu sau, Đàm Tĩnh quay lại, đến bên giường, bế con ra khỏi lòng anh: "Bình Bình ngoan, chúng ta phải đi ngủ rồi."
Nhiếp Vũ Thịnh túm lấy cánh tay Đàm Tĩnh, cô nhất thời không giằng ra được. Anh dang tay ra ôm cả con và cô vào lòng.
"Anh xin lỗi..."
Đàm Tĩnh ngoảnh mặt đi, một lúc lâu sau mới quay lại nói: "Anh chẳng làm gì có lỗi với tôi cả, không cần xin lỗi."
"Em không muốn cho anh biết nguyên nhân thì anh chỉ có thể nghĩ ngợi lung tung..."
"Trước mặt trẻ con đừng nói những điều đó." Đàm Tĩnh ôm lấy con, "Buông ra đi!"
Anh buông tay, nhưng vành mắt vẫn đỏ ửng, nhìn cô bằng ánh mắt vô tội, hệt như Bình Bình mỗi khi phải chịu ấm ức vậy. Lòng Đàm Tĩnh vô cùng chua xót, cô lấy cớ bế con quay người đi, không để ý đến anh nữa.
Nhiếp Vũ Thịnh gắng trấn tĩnh lại rồi nói: "Mai anh làm ca sáng, anh sẽ vào phòng phẫu thuật cùng Bình Bình. Nếu thuận lợi thì bốn tiếng là ra được rồi. Em ở ngoài... nếu có bất cứ chuyện gì, có thể gọi cho anh."
"Ngày mai chồng tôi sẽ đến, tôi thông báo cho anh ấy rồi." Đàm Tĩnh nói, "Bác sĩ Nhiếp, sau khi phẫu thuật xong tôi sẽ cảm ơn vì mọi việc anh đã làm cho Bình Bình, nhưng tôi không giao quyền giám hộ cho anh đâu."
Nhiếp Vũ Thịnh lại trầm mặc, một lúc lâu sau, anh nghe thấy giọng mình vừa cay đắng, vừa chua chát: "Anh biết rồi."