Chương 13
22. Con đường ngoại ô Ohio đang vào mùa xuân. Từng vòm cây xanh mướt dịu mát khắp lối đi. Linh đạp xe tới trường, lòng da diết nhớ con đường Cầu Cất mùa này lại trổ lá bàng non. Tháng năm trôi thật vô tình. Cô nàng Linh mới hôm nào còn chân ướt chân ráo sang Mỹ, ngày nào cũng khóc vì nhớ nhà, vì lạnh, vì đồ ăn thức uống, vì lạc đường lạc chợ, vì bị kỳ thị, ghét bỏ... vậy mà giờ đã có thể thoải mái, tự tin vứt đâu cũng sống được. Cô đã chạy nước rút suốt năm qua để hoàn thành chương trình học của mình. Hôm nay cô đến trường nộp luận văn cho giáo sư. Nếu mọi việc hoàn thành như dự tính, cô sẽ kịp về ăn Tết ở nhà.
Mỗi lần nghĩ đến hai chữ "về nhà", tim cô lại đập thình thịch. Bốn năm, cũng đủ xa, và đủ lâu rồi đó nhỉ???
Chạy lên khoa gặp giáo sư, nghe ông góp ý thêm vài điểm cần chỉnh trang lại cho luận văn, tâm trạng Linh dần phấn khích vì về cơ bản, giáo sư đã đồng ý với các luận điểm của mình. Cô ôm đống tài liệu mà giáo sư cho mượn thêm ra về. Vừa xuống sân trường, cô nhận được điện thoại của Thành Cận. Cậu ta không giấu nổi tâm trạng, nói loạn xạ lên trong điện thoại.
"Lô, cậu bảo xem. Tớ làm thế nào bây giờ! Lê có bầu rồi."
Linh trợn mắt. Thành bị tăng ca hai năm, vẫn chưa ra trường, mà "bà chị" kia thì đã đi làm hai năm nay rồi. Giờ đùng cái có bầu, chẳng lẽ Thành lại làm "ông bố sinh viên"? Linh vừa buồn cười vừa chẳng hiểu đây là tin vui hay tin dữ, cuối cùng cô chép miệng.
"Tớ nghĩ đây là tin mừng. Biết đâu một đứa nhóc sẽ khiến cậu có động lực mà học hành tử tế hơn."
"Lô, tớ xoắn hết cả lên rồi. Giờ tớ nên làm thế nào?"
"Cậu hỏi anh Khánh đi! Anh ấy xử lý vụ này tốt hơn tớ."
"Ờ, ờ... Tớ biết rồi. À mà này, hôm qua, anh Khánh vừa bán lại cái xưởng cho thằng Híp đấy."
Linh kinh ngạc.
"Cái thằng đến là tởm. Hồi trước nó đòi ông Khánh để lại xưởng cho nó. Ông Khánh bảo OK, nhưng là năm năm nữa. Thế mà năm năm sau đúng là nó chồng tiền lên luôn. Ông Khánh có giãy đằng giời."
Linh nghe xong, bất giác môi nhướn lên một nụ cười. Cô nhớ Phương Híp từng ao ước có xưởng ấy thế nào. Cậu ấy mơ tưởng sẽ tự tay độ những con xe ra sao... Thật lạ lùng, ngày ấy, dù không phản đối, nhưng thâm tâm, Linh luôn cảm thấy rất khó tin để Phương có thể làm được. Vậy mà, cậu ấy đã làm được rồi.
Mấy năm trôi qua, bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu sự kiện. Dù cách nửa vòng trái đất, song Linh vẫn nghe tường tận đủ mọi chuyện qua cái miệng ba la bô lô của Thành, hay những câu chuyện cóp nhặt mà mẹ thường kể. Chuyện cô Tràm mở rộng nhà hàng thành chuỗi nhà hàng "Công chúa Vịt", chuyện Phương Híp chia tay chị Hằng kia, nhưng chị ta không đồng ý, ngày ngày đến ăn vạ. Cô Tràm tức lên chạy ra hẳn phường, đúng lúc người ta thu chương trình phát thanh trực tiếp mà tranh mic, cảnh cáo cái cô gái đang khủng bố con trai mình, khiến nó trở thành câu chuyện truyền kỳ của cả phường, thậm chí còn lên báo tỉnh hẳn hoi. Rồi chuyện Phương Híp bỗng chú tâm học hành, đạt thành tích cực kỳ xuất sắc, ngay giữa năm thứ ba đã được mời làm part time kiếm được khá tiền. Đến chuyện chị Hằng kia muốn quay lại với anh Khánh, nhưng không thành, chẳng biết uất hận làm sao đi rưới xăng đốt xưởng của anh Khánh, may mà phát hiện kịp nên bị công an hốt về đồn cho muỗi cắn hai đêm. Lại chuyện năm nay lũ về, anh Khánh, Thành Cận, và Phương Híp vẫn chạy qua nhà, kê đồ đạc giúp bố mẹ cô... Rồi chuyện anh Khánh loằng ngoằng thế nào cuối cùng lại đâm ra thích Thương, cô bạn yêu màu hồng cùng phòng với Linh ở ký túc ngày trước. Sau khi anh Khánh chiến đấu với mấy anh chàng râu ria xong, họ cũng đã chuẩn bị rục rịch đến bước cưới xin rồi.
Nhưng, khi mà mọi kênh liên lạc đã được kết nối, thì duy nhất với Phương Híp, Linh vẫn không sao bình thường lại được. Cô nghe tin về Phương nhiều, song hai người không hề có sự liên lạc trực tiếp nào với nhau. Tận đến khi cô sang Mỹ được hơn một năm, đúng vào ngày sinh nhật cô, trong hòm thư cô lập từ ngày sang đây xuất hiện một thư mới. Trong thư chỉ viết:
"Xin chào. Cậu có khỏe không? Hôm nay sinh nhật cậu, tớ muốn chúc mừng. Hy vọng là cậu vui.
Tớ bây giờ tốt hơn nhiều."
Lá thư khiến Linh phải mất một ngày mới reply được. Cô cũng chỉ viết vài chữ ngắn ngủn, "Ừ, cảm ơn. Tớ rất vui. Cậu cũng vậy, mỗi ngày một tốt hơn nhé". Hòm thư của Phương giờ không còn là cái địa chỉ ngốc nghếch ngày nào.
Sau lần đó, thỉnh thoảng Phương Híp lại viết một email cho cô. Cái nào cũng rất chừng mực, hỏi han tình hình cô học hành bên này thế nào, ăn ở ra sao. Linh cũng đáp lại với sự chừng mực như thế. Vào ngày Tết, cũng có lần cậu ấy gọi một cuộc điện thoại chúc mừng, cả hai không nói gì nhiều, thậm chí chỉ là đôi ba câu chuyện về những người khác. Nhưng Linh nhớ mãi, hôm ấy, cho đến tận khi nghe tiếng gác máy, tim cô vẫn đập thình thịch. Tiếng nói của cậu ấy, hơn nửa vòng trái đất, vẫn làm Linh ngẩn người.
Cuộc gọi thứ hai là cuộc gọi cô sẽ không bao giờ quên. Lúc đó, Linh sang Mỹ đã được hai năm, vào một buổi chiều, bỗng nhiên cô nhận được điện thoại từ Việt Nam. Ở đây buổi chiều, nghĩa là bên ấy đang là đêm, gần sáng rồi. Có người gọi điện cho cô. Vừa nói vừa khóc.
"Lô Lô. Lô Lô của tớ! Mặc kệ cậu có coi tớ là người dưng, có không thèm nhìn đến mặt tớ, thì cậu vẫn là Lô Lô của tớ. Lô Lô, hôm nay tớ kiếm được một món tiền. Ngày xưa kiếm được tiền sửa xe từ xưởng của anh Khánh, tớ có thể đưa cậu đi ăn cháo cá. Giờ tớ kiếm được gấp một trăm lần như thế, thì cậu ở đâu rồi??? Lô Lô, bao giờ cậu về? Lô Lô, tớ nhớ cậu.
Lô Lô, anh rất nhớ em."
Điện thoại của cô bị ngắt nửa chừng, do hết pin. Cô cuống cuồng lên đi tìm cục xạc, đến khi tìm được, khởi động lại máy, cô chỉ thấy máy im lìm. Cô gọi lại, chuông điện thoại reo mà chẳng thấy người nhấc máy.
Sáng hôm sau, trong email của cô xuất hiện một lá thư mới. Trong đó chỉ có vẻn vẹn mười hai từ ngắn ngủi: "Hôm qua tớ say, không biết mình nói gì. Đừng để ý".