Chương 1 - Quả chín giữa hè
Sống ở tầng trên nhà tôi là một gia đình bác sĩ.
Ở thành phố phồn hoa này, người giàu, kẻ nghèo đủ cả, nhưng ai cũng đều có thể mắc bệnh, nói một cách khác, khi đối mặt với bệnh tật mọi người đều bình đẳng như nhau, chỉ là giai tầng không giống nhau mà thôi.
Gia đình tầng trên ấy, nếu nói tên ra thì chắc chẳng mấy ai biết, nhưng nếu nhắc đến học vị và sự tích về họ thì hầu như ai cũng biết. Những người có tuổi đều là bác sĩ của bệnh viện Đông Hoa – bệnh viện loại ba hạng A với số giường bệnh lớn nhất nằm trong top 100 bệnh viện tốt nhất cả nước, đồng thời cũng là bệnh viện thu phí cao nhất và có địa thế đẹp nhất.
Ông là viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, chuyên gia khoa ngoại, được hưởng phụ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện.
Bà là chủ nhiệm khoa sản, học sinh của Vương Thục Chinh[1].
[1]Vương Thục Chinh: Viện trưởng đầu tiên của Viện phụ sản trực thuộc bệnh viện số một Trung Quốc.
Kỳ lạ một điều là hai người không có con, xác suất bị vô sinh cơ bản có thể loại trừ. Năm đó những người có nguyện vọng muốn gia nhập vào lớp người không muốn sinh con phải chịu một áp lực tâm lý khá lớn, nhưng họ đã làm được.
Khi tôi lên ba, qua ông nội, tôi đã nhận họ làm bố mẹ nuôi, có con gái họ vui lắm. Họ đem các loại kim tiêm, thuốc tiêm, penicillin đến cho tôi làm dụng cụ dạy học vỡ lòng, hậu quả con búp bê vải nhà tôi bị bơm vào ba lọ penicillin, sau đó penicillin lên men bốc ra thứ mùi lạ, con búp bê vải bị vứt đi, vậy là những bước chân chập chững theo đuổi Y học của tôi đã bị chết nghẹt từ trong trứng nước.
Năm ấy, khi tôi điền hồ sơ thi đại học, bố mẹ nuôi liệt kê cho tôi hàng tá danh sách các trường Y, vì tôi đã có lựa chọn từ trước, cho nên tất cả đám tài liệu đó đã bị tôi vứt cho những phần tử yêu Y học điên cuồng trong lớp. Mấy đứa đấy sau này lấy đầu lâu làm mặt nạ, lấy xương cụt làm khóa dây chuyền, lên lớp học tổ chức phôi thai thì thi nhau chụp hình ảnh tế bào của cơ quan sinh dục. Đến khi thực tập lâm sàng thì bọn họ cuối cùng lại không có động tĩnh gì nữa, quay về thì cứ ôm lấy tôi mà khóc, nói tôi là tên thủ phạm đầu sỏ hại bọn họ, bắt tôi phải chịu trách nhiệm.
Tất cả những điều nói trên đều chứng minh một điều là bố mẹ nuôi của tôi là tuýp người rất giỏi, rất hiền lành lương thiện, nhưng cũng thường xuyên "có lòng" làm hỏng chuyện.
Từ nhỏ trong tôi đã cùng tồn tại hai cảm xúc vừa sợ hãi vừa quen thuộc với bệnh viện và bác sỹ, nhưng may mắn một điều là lúc nào tôi cũng khỏe mạnh, kể cả khoảng thời gian bốn năm ở Đức một mình, tôi cũng chưa một lần bị bệnh gì ngoài cảm cúm sơ sơ.
Ngược lại với tôi, cô em Dụ Lộ từ nhỏ đã ốm yếu, lại còn bị bệnh trầm cảm.
Có lẽ bác sỹ rất ghét những người ốm bơ phờ xung quanh mình, cho nên bố mẹ nuôi tôi không thích Dụ Lộ chút nào. Có một dạo họ rất nóng lòng muốn chữa bệnh cho Dụ Lộ, nhưng khi vừa nghe đến mỗi ngày kiên trì chạy ba kilomet, lên cơ bụng năm mươi cái là cô nàng đã run rẩy, hỏi vội rằng: "Có thuốc để uống không ạ?"
Đây chính là chứng bệnh chung của người Trung Quốc, đã ốm là phải uống thuốc, hoàn toàn phụ thuộc vào tác động bên ngoài mà mất đi bản năng của mình.
Bố nuôi tôi là chuyên gia khoa ngoại, tính tình không dễ chịu lắm, lúc đấy mới gào lên: "Con suốt ngày uống thuốc, để làm gì? Muốn sau này ta phẫu thuật cắt bỏ gan của con đi hả, hay là muốn sao?".
Cô nàng tủi thân, cúi đầu xuống không nói được câu nào. Tiếp đó, ông bắt đầu nhắc đến tôi: "Lần trước Dụ Tịch bị sốt, rồi sao, chưa cần vào viện đã khỏi rồi".
Tôi liền chen vào: "Con chạy hai vòng quanh sân vận động, về nhà lăn ra ngủ một giấc, thế là khỏi".
Ông lập tức mượn cớ nói tiếp: "Thấy không, đó là thể thao, sự sống bắt nguồn từ thể thao".
Tôi cũng thấy đúng như vậy. Từ nhỏ tôi đã nghịch ngợm hơn những đứa trẻ khác, bị thương không ít, nhưng chẳng mấy khi ốm; ngày còn đi học, sáng sớm luôn cùng bố nuôi chạy ba kilomet, thể dục xong thấy người khỏe khoắn, tinh thần cũng thoải mái, chẳng có lý do gì mà mắc chứng trầm cảm cả.
Ngược lại hệ hô hấp được rèn luyện, giọng cũng to, tính tình thì ngày càng giống bố nuôi, vừa nóng nảy vừa khó ưa.
Về chứng trầm cảm của Dụ Lộ thì tôi cũng chẳng muốn nói gì, tất cả đều do bố mẹ tôi quá nuông chiều nó mà ra cả.
Tôi cũng không gần gũi với bố mẹ lắm, có thời gian còn bị bỏ rơi, còn Dụ Lộ là viên minh châu trong tay họ, được nuông chiều hết mức, cả ngày chỉ nghe thấy nó thở dài, rồi viết một lô xích xông những câu nói linh tinh, nào là "Hoa rơi người chết nào ai biết", rồi thì "Hoa xuân trăng thu ai biết khi nào tàn"..., chẳng có việc gì cũng khóc, khóc xong rồi thì tự than, tự thán chán rồi lại khóc kêu đau.
Hai năm cấp ba Dụ Lộ nghỉ học ở nhà, bạn bè đồng trang lứa gần như đã đi học đại học hết rồi. Bố tôi có quan hệ tốt với ông hiệu trưởng trường cấp ba, quyết định cho cô nàng học thêm một năm nữa coi như là đã tốt nghiệp. Vậy mà kết quả là cô nàng vừa nhìn thấy sách vở là lăn đùng ra giường vật vã: "Ôi đau đầu quá, khó chịu quá đi mất".
Về sau chẳng ai dám nhắc đến chuyện này nữa.
Bạn nói xem có cách nào không? Từ nhỏ tôi đã ham mê bóng rổ, trốn học, mang mớ kết quả thi thấp tẹt về liền bị mẹ cho một cái tát trời giáng: "Mày mà không vào được trường điểm thì đừng có vác mặt về nhà nữa". Thế là tôi phải ngoan ngoãn ôm mặt về phòng đọc sách, không dám ho he gì.
Cho nên mới nói chứng trầm cảm đều do được nuông chiều quá mà ra, điều kiện sống tốt quá mới không ốm mà cứ rên lên như thế, nếu cuộc sống mà nghèo đói như nông dân, thì còn hơi đâu nghĩ đến mấy vấn đề tinh thần nữa, được ăn no đã là tốt lắm rồi.
Dạo này thấy Dụ Lộ có vẻ tiến bộ. Cuối tuần tôi về nhà lấy quần áo, thấy cô nàng đang ôm máy tính chat chit, trên màn hình cả QQ[2] và MSN[3] cùng mở, biểu tượng chim cánh cụt đáng ghét kia cứ kêu quàng quạc liên hồi, thật bực mình.
[2] QQ: phần mềm chat rất phổ biến ở Trung Quốc, có biểu tượng là chim cánh cụt.
[3] MSN – viết tắt từ tiếng Anh Microsoft Network – một tập hợp dịch vụ Internet được cung cấp bởi Microsoft.
Khuôn mặt hớn hở, lộ ra cái vẻ thẹn thùng của thiếu nữ mới lớn.
Tôi đoán Dụ Lộ đang yêu anh nào trên mạng, nhân lúc cô nàng đi vệ sinh, tôi mới nhìn trộm, tên của cậu kia là một chùm hỏa tinh văn mà tôi không thể nhận ra được, nội dung chat rất tình tứ, hồi tôi còn yêu Đồng Nhược Thiên cũng chẳng bao giờ nói những lời sến súa như thế: "Vợ yêu à, chồng nhớ vợ yêu rồi, nào, hun cái nào, muah!".
"Vợ cũng nhớ chồng yêu lắm, hội nhà #Y%$& vừa đến bắt nạt người ta, hu hu hu, vợ không đọ nổi với bọn họ, chồng phải giúp vợ đấy".
"Ngoan nào cưng, chồng đang đi mua quần áo, đợi lát nữa chồng sẽ gọi hội anh Siêu đến xả giận cho vợ nhé".
Tôi không tìm thêm được gì nữa, lặng lẽ rời khỏi phòng Dụ Lộ, chị giúp việc vắt cam tươi, đặt lên bàn một cốc, quên không cho đường, hơi đắng, nhưng tôi không để ý đến điều ấy.
Đột nhiên tôi cười ranh mãnh, thật không dám nghĩ mình lại đểu đến vậy, nhưng, không gian ác thì thật có lỗi với bản thân bao năm nay phải chịu uất ức, cho nên tôi chọn cách im lặng.
Lúc bước ra khỏi nhà tôi còn nghe thấy tiếng mắng học sinh của bố tôi từ trên tầng vọng xuống, dạo này tính khí ông khó ưa hết mức, bởi vì ông đang trong thời kỳ tự mình ép mình cai thuốc. Bình thường ông hay ca thán với tôi, hết thuốc là cảm thấy hết đối tượng để trút giận, tôi mua rất nhiều loại kẹo cao su, nhưng ông không thích ăn, toàn đưa mẹ nuôi tôi mang đến chia cho mấy cô y tá ở viện.
Thực ra rất nhiều người nghĩ rằng bác sỹ là hình mẫu của lối sống lành mạnh, ăn uống đúng giờ, không rượu, không thuốc lá, sống có nề nếp, nhưng bác sỹ cũng là người, đặc biệt là bác sỹ khoa ngoại ở Trung Quốc, áp lực chuẩn đoán và phẫu thuật rất lớn, không hút thuốc, không uống rượu chắc là lạc loài lắm.
Ngày trước Đồng Nhược Thiên cũng hút thuốc ác lắm, mỗi ngày một bao, nhưng tay và răng của anh ta lại rất sạch sẽ. có lần tôi mắng anh ta là đồ không tim không phổi, anh ta chỉ tay vào phổi mình nói: "Chỗ này đen hết rồi". Sau đó chỉ tiếp xuống dưới, "Tim đây, cũng sắp hết rồi".
Cuối cùng Đồng Nhược Thiên chìa đôi tay nhợt nhạt ra: "Đây là kết quả của việc cọ tay bằng PVP-I[4] hàng ngày đấy".
[4] Povodone- iodine là một phức hợp hữu cơ dùng để sát trùng vết thương.
Lúc đó tôi rất khó chịu, cảm thấy áp lực của việc học ngành Y rất lớn, cuộc sống gian nan, người con trai này khiến tôi bỏ không nổi, do vậy tôi lại tiếp tục chịu đựng sự giày vò lúc gần lúc xa của anh ta.
Đứng thần người ra một lúc trên cầu thang, tôi nghĩ giờ về thẳng trường là tốt nhất, thực tế thì tôi cũng làm như vậy rồi, nhưng tự nhiên tâm trạng lại rất buồn bã, bên ngoài ánh dương rực rỡ ngập tràn ý thu, nhưng tận đáy lòng tôi lại như có một lớp sương mù bao phủ.
Tôi cảm thấy Đồng Nhược Thiên là một tên khốn, đã lâu lắm rồi, tôi chưa từng hận anh ta đến vậy.
Anh ta kiêu ngạo, quá kiêu ngạo, khi còn yêu tôi, anh ta cả gan khiêu khích cả thầy giáo thì thôi không nói làm gì, dù sao người ta cũng còn nể mặt bố nuôi, hơn nữa cũng biết bố đẻ tôi là ai; nhưng lúc chia tay tôi, anh ta vừa nói vừa cười: "Dụ Tịch à, em phải hiểu rằng, hồi đầu anh thích em không phải vì địa vị của bố nuôi em, cũng không phải vì thế lực nhà em, mà bởi vì em là em, hồi ấy người anh thích chỉ có mình em thôi, cho nên bây giờ mình chia tay, cũng là vì anh không còn thích em nữa. Nếu như anh muốn ở lại bệnh viện Đông Hoa như thế, thì sao anh có thể chia tay em được chứ".
Khi đó tôi chỉ biết khẽ lắc đầu, nói: "Đồng Nhược Thiên à, anh đúng là một người không biết thỏa hiệp".
Chia tay trong lặng lẽ.
Sau này không biết tại sao, đoạn đối thoại ấy đến tai bố nuôi tôi, ông tức đến mức hút hết cả một bao thuốc, đập rung bàn hội chẩn trong văn phòng nghe: "Không thèm, hừ, vậy cứ để cho nó không thèm đi".
Chiều hôm ấy dạy "Khái quát về ngoại khoa" cho sinh viên lớp cử nhân, hết tiết, bố nuôi tôi đến Học viện Dược, sinh viên trong lớp đều căng thẳng nói: "Vị giáo sư này, thật đáng sợ, đúng là Godzilla[5] phiên bản già".
[5] Godzilla- con quái vật nổi tiếng của điện ảnh Nhật Bản với hình dáng của một con khủng long.
Đấy là sau này các bạn tôi nói lại với tôi thế, may là bệnh viện của Đông Hoa là bệnh viện trực thuộc số một của trường đại học tôi theo học.
Thế là Đồng Nhược Thiên bị phân bổ đến bệnh viện Đông y lớn nhất ở ngoại thành, ngày ngày làm bạn với loại bệnh hậu môn trực tràng, nghĩ đến tôi vừa thấy hận anh ta, lại vừa thấy thương anh ta, cũng vừa cảm thấy có lỗi với anh ta.
Là anh ta đòi chia tay với tôi đấy chứ, thế mà tôi bỗng nhiên lại trở thành thủ phạm.
Tôi thật sự bắt đầu cảm thấy nhớ anh ta. Tôi đến đài phun nước giữa quảng trường trung tâm, tìm một chỗ sạch sẽ ngồi xuống.
Bầu trời xanh nhạt, không phải nhìn thấy đáy trong suốt, mà là tầng tầng sương khói đang bao phủ, dưới bầu trời như vậy, tôi không muốn nghĩ gì hết.
Chỉ là tôi nghĩ anh ta kiêu ngạo như thế, ngạo mạn đến mức không chịu cúi đầu xuống dù chỉ một chút thôi.
Hoàn toàn tương phản với tôi.
Chắc vì thế mà tôi mới thích anh ta, chiều theo ý anh ta hết cỡ, thay đổi cả tính cách của mình, nhưng thói đời khi con cáo bị chàng hoàng tử thuần phục rồi, thì hoàng tử lại nhớ đến bông hoa hồng của chàng.
Từ ngày chia tay đến nay, đã hơn ba năm rồi.
Tối hôm đó tôi đang ở ký túc xá xem bộ phim hài Nhật Bản Ánh sáng của đom đóm, nó làm tôi cười lăn cười bò.
Tối đó tôi vốn không định xem phim giết thời gian, nhưng đám bạn cùng phòng đều ra ngoài hết rồi, đi ăn sinh nhật thì phải, chỉ còn mỗi mình tôi – nhân vật không quan trọng gì ở lại phòng. Thế là tôi mua một chai bia về uống trong lúc xem phim.
Đêm thu gió mát, thật là dễ chịu.
Tôi thấy Hotaru[6] ngốc nghếch một cách đáng yêu, rồi tôi nhìn lại mình, mái tóc búi cao, áo phông, quần thể thao, chân đi dép tông, tay cầm lon bia, bống thấy mình cũng ngốc đến đáng yêu như vậy.
[6] Hotaru: Vai nữ chính trong phim Ánh sáng của Đom đóm.
Sau khi Đồng Nhược Thiên ra đi, tôi đã thề là phải trở thành một người đẹp trí tuệ, để sau này hắn gặp lại tôi nhất định sẽ phải hối hận. Nhưng sau ba hôm chăm chỉ đến phòng tự học thì tôi không thể tiếp tục được nữa.
Và thế là tôi thu mình vào cái mai rùa trở thành kẻ lười biếng, không ý chí, không mục tiêu.
Đến đoạn ông chú Fujuki[7] ôm lấy Hotaru, tôi đang hứng chí đập bàn thì tiếng chuông điện thoại chợt vang lên, mở ra thấy là số điện thoại của mẹ: "Mẹ! Chuyện gì vậy ạ?".
[7] Fujuki: Vai nam chính trong phim Ánh sáng của Đom đóm.
"Lộ Lộ, Lộ Lộ...". Mẹ tôi cũng được coi là người đã trải qua nhiều phong ba bão táp rồi, vậy mà giờ đây lại cuống không nói nên lời. Tôi chỉ đành an ủi: "Mẹ cứ bình tĩnh nói nào, Dụ Lộ làm sao rồi ạ?".
"Con đến bệnh viện Đông Hoa nhanh đi, con bé vừa cắt tay tự tử ở nhà".
Tôi giật mình, nhưng vẫn chưa đến mức nhảy dựng lên. Cái ghế ngửa ra đằng sau kêu răng rắc, cả người ngã ngửa ra, may thay đằng sau là đống sách báo cũ của cô bạn cùng phòng nên tôi chỉ bị ngã nhẹ thôi. Mẹ tôi lại giục: "Con đến luôn nhé, mẹ và bố đang trên đường rồi".
Sau đó liền tắt máy.
Tôi mặc quần áo, thay đôi dép, lấy vội thẻ ngân hàng, điện thoại rồi lập tức bắt taxi đến bệnh viện. Anh lái xe ngạc nhiên vô cùng vì rõ ràng là quãng đường chỉ mất mười phút đi bộ thì chẳng cần phải đi taxi làm gì.
Bảo anh ta dừng lại tại quán ở Macdonald để mua cốc Sprite, tôi vốn là người biết chăm sóc bản thân, vì vừa rồi thay quần áo toát nhiều mồ hôi nên cơ thể bắt buộc phải được bù thêm nước, như thế tuần hoàn trong cơ thể mới được cân bằng.
Nói không lo lắng thì là nói dối, nhưng tôi biết Dụ Lộ không thể chết được, chắc là chết đi sống lại, trong bụng mừng thầm, nhưng trời sinh tôi không phải là kẻ máu lạnh, cầm cốc Sprite mà tay cũng vẫn run lẩy bẩy.
Nhà tôi xảy ra chuyện không may như vậy, nhưng nói thật là tôi lại thấy rất phấn khởi.
Quả nhiên năm phút sau, xe cứu thương lao vào đỗ trước cửa phòng cấp cứu, mấy cô y tá chạy tới nhấc giường đẩy xuống. Tôi thấy khuôn mặt trắng bệch của Dụ Lộ, đôi mắt nhắm nghiền như đã mất hết cảm giác rồi.
Ở đằng kia mấy cô y tá nói gì đó, tôi chẳng nghe rõ, loáng thoáng đâu như là Dụ Lộ cắt tay tự tử, nhưng chỉ cắt vào động mạch, chưa cắt phải tĩnh mạch, có điều là con bé còn uống cả một lọ thuốc ngủ nên phải rửa ruột.
Chị giúp việc cũng đến, đang dìu mẹ. Tôi thấy đôi mắt đã lâu lắm rồi không khóc của mẹ đỏ hoe. Bố cũng đến rồi, anh lái xe đứng ngoài cổng nhìn gia đình tôi với vẻ thương cảm.
Dụ Lộ được đẩy vào phòng cấp cứu.
Lần đầu tiên tôi thấy Dụ Lộ được quan tâm đến thế, nói thật là tôi thực sự ngưỡng mộ con bé.
Bố mẹ tôi được gọi vào hỏi tình hình, chị giúp việc lén lút kể lại sự việc với tôi.
Lần trước tôi bắt gặp con bé đang ngồi chat mới chỉ là một phần mở đầu câu chuyện. Con bé ngốc nghếch, ngây thơ, bạn trên mạng thực ra là người yêu online nói muốn gặp mặt con bé nói chuyện. Tất nhiên là mẹ tôi không đồng ý rồi, thế là nhân lúc chị giúp việc đi chợ nó liền trốn ra ngoài. Kết quả là sau khi gặp thằng bé ở quán Internet, thấy cậu ấy quá sáng sủa đẹp trai liền chết mê chết mệt, nhưng khổ một nỗi là cậu ấy thấy con bé mặc toàn đồ hiệu xa xỉ nên hoảng quá, nghĩ mình đã động đến người đáng lẽ không nên động đến, liền tìm cách tránh né, sau này cũng chẳng thấy mặt mũi đâu nữa.
Khổ nỗi Dụ Lộ lại chết mê chết mệt cậu thiếu niên đẹp trai đó, ngày ngày lên mạng nhắn tin, nhưng cậu ấy vẫn bặt vô âm tín, thế là con bé nhất thời nghĩ quẩn mới ra nông nỗi này.
Chị giúp việc vừa kể vừa mắng thằng bé kia, khẩu khí có vẻ rất thương Dụ Lộ.
Vậy mà sao trong chuyện này tôi lại thấy Dụ Lộ mới là người đầu óc có vấn đề, tôi đánh giá cao cậu bé ấy, dù tình yêu online không đáng tin, nhưng thấy Dụ Lộ là người giàu nếu tâm địa xấu thì chỉ cần cậu ấy dụ dỗ ngon ngọt một chút sẽ dễ dàng lừa được khối tiền, không chừng lại lừa bán luôn con bé đi cũng nên.
Cậu bé này có nhân cách, suy nghĩ giản đơn, không bị cái thế giới ảo rối rắm này làm hư hỏng.
Tôi hỏi: "Thế giờ cậu bé kia đâu?".
"Hình như bị bắt rồi thì phải".
Tôi trợn tròn mắt, lẩm bẩm: "Trời, lý lẽ gì vậy?". Rồi tự thấy mình lắm lời quá liền lắc cốc Sprite, tìm một chỗ ngồi xuống.
Phòng cấp cứu còn có ti vi, chỉ tiếc là đang phát tin thời sự.
Quả nhiên là Dụ Lộ không có gì nguy hiểm lắm, đã được truyền máu và rửa ruột rồi, nhưng vừa tỉnh con bé đã giày vò than thở sao mình vẫn chưa chết. Bác sỹ tức đến mức chắc hối hận vì vừa nãy đã rửa ruột cứu nó, liền tiêm cho nó một liều thuốc an thần để trấn an lại.
Một lúc sau nó đã bình tĩnh lại.
Bố mẹ tôi bắt đầu phiền não, chị giúp việc càng buồn rầu, vì Dụ Lộ nói cái chăn này nặng quá, phải thay cái khác.
Tôi đứng bên cạnh cười ruồi, nghĩ thầm cô sắp chết đến nơi rồi mà còn đòi hưởng thụ, đúng là có người sinh ra đã được hưởng thụ những thứ đồ xa xỉ.
Tự thấy mình thừa thãi quá tôi đành ra uống Sprite và xem thời sự.
Tôi vốn tưởng rằng Dụ Lộ sắp không qua khỏi, muốn trăn trối trước khi ra đi.
Mong nó có thể nói rằng: "Bố mẹ, hãy yêu thương chị con hơn chút nữa, hãy quan tâm đến chị ấy", thì dù tôi có tự tử ngay lập tức chắc cũng chẳng hối tiếc gì.
Tôi không biết sự việc này sẽ đem lại điều gì cho gia đình tôi, dẫu sao cũng chẳng liên quan gì đến tôi lắm, tôi lại tiếp tục hút Sprite. Đột nhiên cảm giác như có ai đó ngồi bên cạnh, toàn mùi thuốc sát trùng vô cùng quen thuộc.
Bất giác tôi cứ ngỡ như Đồng Nhược Thiên quay trở lại, đưa mắt nhìn sang hóa ra là một khuôn mặt xa lạ.
Chỉ nhận ra rằng trước mắt tôi là một người rất đẹp trai, khuôn mặt toát lên vẻ ngay thẳng phóng khoáng. Là một sinh viên ngành văn học Anh Mỹ, lập tức trong đầu tôi hiện ra những câu thơ trong bài Sonnet 18[8] của Shakespear[9]: "Shall I compare thee to a summer's day? Thou are more lovely and more temperate", có nghĩa là "Anh có nên ví em với ngày mùa hạ? Em đáng yêu hơn và rất đỗi hiền hòa".
[8] Sonnet là bài thơ có 14 câu được gieo vần theo một kiểu xác định, Sonnet 18 là bài thơ nói về sự ngưỡng mộ của nhà thơ với nhân vật tự tình "em".
[9] William Shakespeare (1564-1616), được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại.
Ngày ấy tôi cũng chẳng đem Đồng Nhược Thiên ra so sánh với câu này, cùng lắm là ví von bằng những từ ngữ đơn giản nhất.
Đại khái được dịch ra tiếng Trung là: "Tiêu tiêu túc túc, sảng lãng thanh cử, lãng lãng như tùng hạ phong, cao nhi từ dẫn". Tôi cũng hiếm có dịp được văn vẻ như thế.
Anh ra mặc áo blouse trắng, áo sơ mi màu xanh nhạt bên trong, ngực đeo thẻ, quần dài và giày da. Tôi đã nhìn Đồng Nhược Thiên như vậy không biết bao lần, vậy mà trước một người lạ vẫn cảm thấy đẹp ngỡ ngàng.
"Anh là bác sỹ khoa ngoại à?", tôi hỏi.
Đôi mắt sáng long lanh kia nhìn tôi vài giây rồi gật đầu: "Làm sao cô biết hay vậy?".
"À, tay của anh rất trắng, lúc buông tay xuống rất chắc, và cũng không có mùi thuốc sát trùng hay mùi cồn". Tất nhiên là tôi đang ba hoa rồi, bởi vì tôi đã thấy thẻ đeo của anh ta – Cố Tông Kỳ, bác sỹ khoa ngoại, bệnh viện Đông Hoa.
"Bệnh nhân cắt cổ tay giường cấp cứu số năm là em gái em à?". Anh ta hạ thấp giọng xuống, nhưng nghe sao mà hay đến thế.
Tự nhiên tôi lại có cảm giác muốn nói rất nhiều: "Vâng, là em ruột em, trông không giống nhau hả?".
Anh ta gật đầu: "Sao mà tôi thấy em chẳng lo lắng gì hết thế?",
"Sao phải lo lắng chứ? Chẳng phải vẫn chưa chết sao?".
Tôi chớp chớp mắt: "Em đã bị mấy lần tự tử của cô nàng làm cho chán lắm rồi, nó mà còn tự tử nữa khéo em cũng mắc chứng buộc phải bắt chước theo nó mất".
Anh ta lặng yên nghe, rồi nói: "Cô ấy bị trầm cảm nhẹ phải không?".
"Đúng thế đấy ạ, em chỉ mong có một ngày nó được lượn qua Quỷ môn quan một lần thật sự để sáng mắt ra". Tôi rít Sprite hơi cuối, "Sống dẫu sao cũng tốt hơn chết chứ, mà nó cũng không phải kiểu thà làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành".
Anh ta lặng thinh, một lúc sau mới nói: "Đúng là con người được sống đã là điều tuyệt vời nhất rồi".
Một câu đơn giản nhưng quả thực rất có lý, tôi gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Anh ta nói chậm rãi, rõ ràng từng câu từng chữ, hơn nữa rất nhẹ nhàng, khiến người ta cảm thấy rung động trong lòng. Có vẻ như anh ta coi tôi là bệnh nhân mất rồi.
Đa phần bác sỹ khoa ngoại chẳng có mấy ai tính cách hiền dịu cả, phần lớn họ đều rất sôi nổi hoạt bát.
Người như anh ta có thể tồn tại trong môi trường khoa ngoại như thế cũng coi như một kỳ tích, không những được rất nhiều bệnh nhân yêu mến mà ngay cả sinh viên thực tập và y tá ở đây cũng yêu quý anh ta.
"Tôi là Cố Tông Kỳ, là bác sỹ khoa ngoại như em vừa dự đoán".
"Em là Dụ Tịch, sinh viên Học viện Ngoại ngữ của trường mình".
Anh ta gật đầu, tôi đưa tay ném vỏ cốc Sprite vào thùng rác cách đấy năm mét, và hỏi: "Anh trực ban à?".
"Ừ, anh ở ngay trong bệnh viện, vừa nãy có ca phẫu thuật, phòng cấp cứu điện bọn anh tới làm, vừa mới xong".
"Phẫu thuật có thú vị không anh?", tôi thốt ra một câu hỏi kỳ quặc.
Nếu như phẫu thuật thú vị thì tôi có thể tha thứ cho Đồng Nhược Thiên, vì ngày ấy anh ta suốt ngày chỉ biết đến phẫu thuật, ngay cả thời gian ăn cơm với tôi cũng chẳng có.
Hai bàn tay đan vào nhau đặt trên đầu gối, ngón tay thon dài kiên nghị, đó là số mệnh của một bác sỹ ngoại khoa xuất sắc. Anh ta hình như trả lời rất cẩn trọng: "Có cảm giác thành công, niềm hạnh phúc của một bác sỹ có trách nhiệm hơn nữa cũng xuất phát từ điều này".
Tôi rất ưng ý câu trả lời này, cười một cách chân thành.
Phòng cấp cứu ban đêm chỉ có vài người, bên ngoài đại sảnh bóng đêm đã bao trùm, mấy ngọn đèn bên đường lúc sáng lúc tối, đêm, cuối cùng cũng mát mẻ hơn. Có thể đó là một đêm bình yên, có thể tất cả những bác sỹ phải trực đêm đều lo sợ sẽ có một sự cố nào đó bất ngờ xảy ra trong đêm.
Có thể là bệnh tình của một bệnh nhân nào đó đột nhiên xấu đi, cũng có thể là phải cấp cứu.
Cuộc sống của bác sỹ lúc nào cũng phải lo sợ bất an.
Ti vi đang quảng cáo thuốc an thần Thái thái tĩnh tâm.
Bỗng nhiên tôi lại hỏi anh chàng đẹp trai bên cạnh một câu hỏi ngớ ngẩn: "Anh có mất ngủ không?". Sau đó cảm thấy câu hỏi này đa nghĩa quá liền vội vàng giải thích: "Ý em là lúc anh phải trực đêm, điện thoại mở 24/24, có ngủ chắc cũng căng thẳng lo lắng lắm nhỉ?".
Bởi vì thần kinh tôi hơi yếu, nếu điện thoại mở thì không thể ngủ được.
Anh ta cười nhạt: "Đương nhiên là sẽ căng thẳng, nhưng có cách nào khác đâu, có lúc người thì ngủ rồi nhưng đầu vẫn tỉnh lắm, vẫn đang đợi chuông điện thoại, đó là một cảm giác rất đau khổ".
"Nhưng vẫn phải ngủ?".
Khóe môi hơi nhếch lên, điệu bộ vô cùng đáng yêu: "Đúng thế, có thể ngủ nhưng tuyệt đối không được lim dim, được nằm ngủ nhưng không được ngồi ngủ".
Tôi cảm thấy anh ta nói sao chẳng hài hước gì cả, mà nói rất say sưa, nhưng nhạt nhẽo vô vị, thế là tôi chẳng biết nói thêm gì nữa, đành hỏi: "Anh vừa làm phẫu thật gì vậy?".
"Phẫu thuật cắt nối ruột".
Nhớ mang máng rằng trước kia Đồng Nhược Thiên cũng nhắc tới phẫu thuật này, lúc đó tôi hỏi anh ta về nó thì anh ta bực bội vứt cho tôi cuốn sách Ngoại khoa dày cộp, còn chẳng thèm ngẩng đầu lên bảo: "Có hứng thú thì về tự mò xem đi".
Cuốn sách về ngoại khoa ấy đúng là dày và nặng như đá vậy, hơn nữa lại rất đắt. Trong đống sách chuyên ngành của tôi, ngoài cuốn tuyển tập tác phẩm của Mary Norton[10] đang đọc ra thì chẳng cuốn nào bì được.
[10] Nhà văn Mary Norton (1903-1992). Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Những người vay mượn tí hon được Nhã Nam dịch và xuất bản năm 2010.
Thêm cuốn Nội khoa nữa thì đúng là thiên hạ vô song rồi.
Lúc ấy tôi chỉ lật có vài trang, thấy toàn là những loại bệnh chưa từng nghe qua bao giờ, càng đọc càng không hiểu, mà Đồng Nhược Thiên cũng chẳng có ý định nói cho tôi biết phẫu thuật đấy là gì, nên tôi lặng lẽ đặt nó cạnh tay anh ta rồi đi làm việc của mình.
Không phải là cảm giác khác ngành khác nghề nên xa cách, mà đơn giản là cái cảm giác thấy buồn buồn khi bị đuổi khéo đi như vậy. Anh ta còn là người yêu tôi cơ đấy.
Thấy tôi khẽ chau mày, anh chàng bác sỹ đẹp trai kia hỏi dò: "Bệnh nhân bị xoắn ruột nên cần phải làm phẫu thuật ngoại khoa, cô muốn biết rõ nó như thế nào không?".
Tôi gật đầu: "Muốn".
Có trời chứng giám, thực sự là tôi chỉ muốn biết chứ không phải là cố tình muốn kiếm chuyện để nói với anh ta. Chỉ là tự nhiên mà thành như thế thôi.
Từ trong túi áo anh ta rút ra một quyển sổ và một cây bút, lật đến trang cuối cùng, đặt bút xuống và hỏi: "Em có biết vị trí của ruột non không?".
Tất nhiên là tôi lắc đầu.
"Ruột là ống dẫn dài nhất trong hệ tiêu hóa, nó bao gồm ruột tá, ruột chay, ruột non, manh tràng, kết tràng và trực tràng. Bệnh nhân vừa nãy là bị xoắn đại tràng xích ma. Đây, chính là vị trí này".
"Xoắn ruột, hiểu theo mặt chữ thì là xoắn quanh quai ruột, bình thường sẽ xoắn theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 360 độ, nặng thì có thể xoắn từ 360 độ đến 720 độ".
Kinh khủng thế cơ à, vậy thì có mà bị xoắn đứt ý chứ, tôi toát mồ hôi hột.
"Xoắn ruột thường được phân thành xoắn ruột non và xoắn đại tràng xích ma. Xoắn ruột non thường gặp ở thanh niên, đa phần là do ăn lại vận động mạnh. Còn xoắn đại tràng xích ma thường gặp ở người già, có tiền sử táo bón, triệu trứng điển hình là bụng trướng. Bệnh này rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong tới ba mươi phần trăm".
Tôi chống cằm nhìn anh ta viết viết vẽ vẽ, ánh đèn hắt vào, vẻ chăm chú giảng giải của anh ta rất có tác phong sư phạm, có lẽ giảng bài cho học sinh nhiều rồi nên nói chuyện cũng rất rõ ràng mạch lạc.
Tự nhiên tôi cảm thấy tính cách con người anh ta chắc chắn là điềm đạm, nhẹ nhàng giống như dòng nước ấm áp.
Nhưng tôi cũng sợ nhất kiểu tính cách này, rất thật thà, có lúc lại khiến người khác thấy phiền phức, tính ôn hòa đến mức muốn cãi nhau một trận mà không được.
Anh ta giảng một lúc rồi hỏi: "Hiểu chưa em?".
Thực ra là tôi hiểu hết rồi, nhưng vẫn muốn hỏi anh ta rằng tại sao lại nói với tôi những thứ linh tinh này, với lại không phải anh đang trực hay sao mà lại đến nói chuyện với người nhà bệnh nhân vậy.
Bác sỹ không được trêu chọc bệnh nhân, nhưng được trêu chọc người nhà bệnh nhân hay không thì đó lại là một vấn đề nghiêm túc đấy.
Trong khi tôi đang nghĩ lung tung thì bố tôi gọi, ông hỏi xem bên trường tôi có giáo viên tâm lý giỏi nào không, vì ông thấy rằng chứng uất ức dẫn đến tự sát của Dụ Lộ cần phải tìm một giáo viên tâm lý thật giỏi để điều trị.
Còn tôi thì lại thấy nên cho cô nàng mấy cái bạt tai chứ không phải là sự nhẹ nhàng mềm mại của giáo viên tâm lý.
Tôi nói rằng trường tôi có một giáo viên tâm lý rất giỏi, với sinh viên trong trường thì không thu phí, nhưng với sinh viên trường khác thì thu phí ba nghìn tệ. Bố tôi cũng chẳng phải cau mày với cái giá đấy, lấy luôn số điện thoại rồi giao nhiệm vụ cho thư ký gọi.
Nhìn Dụ Lộ ngủ ngon trên giường bệnh, tôi chẳng nói được điều gì, chỉ thấy cô nàng là khắc tinh, là hung tinh.
Khắc tinh với bố mẹ tôi, chứ với tôi thì chẳng có quan hệ gì.
Tôi quay về ghế ngồi, anh chàng bác sỹ đẹp trai Cố Tông Kỳ đang nguệch ngoạc vẽ linh tinh trên quyển sổ, tôi trầm lặng một lúc rồi nói: "Nhưng thực sự có lúc em mong ai đó đừng bao giờ tồn tại trên thế gian này".
Anh ta hiểu ý tôi nói, nhất định hiểu.
Khi bạn cảm thấy buồn nhất, có một người lắng nghe bạn nói, hay nói với bạn những điều chẳng quan trọng gì, như vậy còn tốt hơn là chôn sâu những đau khổ vô bờ bến vào đáy lòng.
Tôi lại nói: "Có phải em rất tồi không? Tâm địa thật độc ác phải không?".
Tôi nhìn anh ta, chẳng cho anh ta thời gian trả lời, nói tiếp: "Mà sao anh không về phòng đi, phòng các anh chắc ở cầu thang tầng hai nhỉ?".
Anh ta vẫn im lặng.
Thế là tôi đau khổ phát hiện ra rằng sao tôi lại lắm lời đến vậy, tôi bây giờ không phải là nên ngồi đây đợi ông anh bác sỹ của tôi đến vỗ về cho con tim đang tổn thương của mình sao. Vậy mà cứ như đang ăn xin lòng thương hại của người khác vậy.
Cuối cùng thì anh ta cũng nói với tôi một câu, khiến tôi không nói thêm được lời nào: "Thực ra, khi tôi làm phẫu thuật xong thì nhận được tin ông nội qua đời vì chảy máu não, cho nên...".
Cho nên không nói tiếp gì được nữa.
Vậy là tôi đã hiểu rồi, anh ta chỉ cần một người nói chuyện, vừa may là tôi có ở đây, lại còn nói tương đối nhiều.
Tôi muốn bóp chết cảm giác của tôi lúc này.
Và tôi đứng lên, định vuốt nhẹ mái tóc mềm mại của anh ta để an ủi, nhưng rồi tôi lại không dám.
Tôi chỉ nói: "Đừng nghĩ nhiều nữa, có thể thì về nhà một chuyến, cũng coi như là thể hiện tấm lòng hiếu thuận với ông lần cuối cùng".
Ở phòng trực chính là có thể không cần trực vì phía dưới còn có các nhân viên khác và ba lớp thực tập sinh.
Anh ta ngẩng đầu, nhìn tôi bằng đôi mắt dịu dàng, khẽ cười, như cơn gió xuân thoảng qua khiến tôi thấy ngại ngùng. Anh ta nói: "Không sao, ngày mai giao ca xong rồi tôi về. Cám ơn em".
Tôi quay lại quán MacDonald mua Sprite, thực ra tôi không muốn uống nữa, nên vừa đi vừa đổ hết dọc đường về, cho đến tận cổng ký túc.
Trời đã tối đen rồi, cái se lạnh của mùa thu cuối cùng cũng xuất hiện, len lỏi trong cơn gió đêm.
Tôi ngước nhìn bầu trời đêm, có chiếc máy bay bay qua, để lại làn khói mờ ảo, rồi dần tan biến. Hình ảnh anh chàng bác sỹ Cố Tông Kỳ cũng thế, bỗng chốc tan biến trong tâm trí tôi.
Nhưng giọng nói ấm áp nhẹ nhàng của anh ta, mới nghe một lần mà tôi nhớ mãi.
Về đến phòng, tôi liền lên mạng kiếm ông anh tán chuyện. Anh ta vừa lên đã hỏi: "Tịch Tịch à, có người yêu chưa em?".
Tôi ngán ngẩm trả lời: "Em chưa đến hai mươi lăm tuổi mà".
Cao Y Thần là đàn anh của Đồng Nhược Thiên, là một gã đào hoa thứ thiệt. Thời buổi này thứ đàn ông có vẻ bề ngoài đẹp trai không hiếm, giàu có cũng chẳng phải là khó tìm, nhưng nhân tài trí thức tài giỏi hơn người mới là hiếm có.
Anh ta quả là rất đào hoa, mà lại có cái vẻ hấp dẫn khó cưỡng lại như Trần Quán Hy[11]. Bất kể là cô gái nào cũng dễ dàng bị anh ta dỗ dành nịnh nọt ngon ngọt. Phải nói là anh ta là mẫu đàn ông tán cô nào là cô ấy đổ cái rụp.
[11] Là một diễn viên điện ảnh, ca sĩ Cantopop Hồng Kông.
Anh chàng này lại còn từng định viết một cuốn tự truyện truyền kỳ với cái tên Ai động vào em yêu của ta thế.
Sau khi tôi chia tay Đồng Nhược Thiên, anh ta quay ra chọc ghẹo tôi. Có lúc thấy vô vị tôi cũng trêu đùa lại anh ta, nói chuyện theo kiểu nửa thật nửa đùa. Anh ta có những suy nghĩ viển vông về tôi, nhất là khi biết giữa tôi và Đồng Nhược Thiên chưa vượt quá giới hạn thì anh ta càng trở nên đểu hơn.
Tôi nổi mụn, anh ta liền bảo do không cân bằng nội tiết, cần phải có hơi trai.
Tôi đau bụng tháng thì anh ta lại bảo cần có anh nào giúp làm ấm.
Dù vậy tôi cũng không thấy ghét gì anh ta, tuy anh ta có vẻ lưu manh thật đấy nhưng mà là một kẻ lưu manh có văn hóa, có tố chất. Anh ta trêu ghẹo tôi chứng tỏ là tôi cũng có chút hấp dẫn nữ tính chứ không đến nỗi suy sụp sau khi thất tình.
Có lần tôi nói với anh ta, nếu như đến năm tôi hai mươi lăm tuổi mà vẫn chưa có người yêu, thì thôi tôi sẽ chọn anh ta làm người yêu luôn cho xong.
Thế là lần nào anh ta cũng hỏi xem tôi đã có người yêu chưa và cứ đếm thời gian cho đến sinh nhật thứ hai mươi lăm của tôi.
Anh ta là bác sỹ khoa ngoại của bệnh viện Đông Hoa, cũng là cư dân thường trú tại khu cầu thang tầng hai, vì vậy tôi mới hỏi dò anh ta xem có biết Cố Tông Kỳ không.
Anh ta nói là có quen, tôi mới hỏi con người ấy như thế nào, anh ta liền trả lời rằng rất tốt, nhưng...
Tôi thích nhất chính là chữ "nhưng" này. Hễ là người mà Cao Y Thần không ưa thì trên phương diện quan hệ nam nữ đều rất có quy tắc. Hơn nữa nhất định là tuýp người dù có nhiều cơ hội được đưa miếng ngon lên tận miệng đi chăng nữa thì cũng không xơi đâu.
Quả nhiên anh ta nói Cố Tông Kỳ tốt người tốt nết, tính cách ôn hòa, chẳng có chút gì không giống bác sỹ khoa ngoại cả, chỉ mỗi tội là cứ ngơ ngơ.
Tôi không tiếp chuyện anh ta nữa mà bỏ đi làm một trắc nghiệm nho nhỏ.
Đây là một trắc nghiệm rất vớ vẩn nhưng mà rất hữu ích, đó là tính toán cái giá của đàn ông. Mỗi người đều có giá gốc là một nghìn tệ. Nếu cao hơn một mét tám thì cứ hơn một centimet lại được cộng một trăm. Còn nếu thấp hơn một mét bảy thì cứ thấp hơn một centimet sẽ bị trừ hai trăm. Biết chơi bóng chuyền, bóng rổ hoặc bóng đá, mỗi loại sẽ được cộng một trăm. Biết trượt patin thì lại trừ ba trăm, biết bơi được cộng một trăm. Nếu trọng lượng vượt quá bảy mươi lăm cân, thì cứ quá hai cân rưỡi lại bị trừ một trăm...
Tôi vốn ghét tính toán như thế mà cuối cùng cũng tính được giá của Cố Tông Kỳ, thêm cả giá tham khảo của Đồng Nhược Thiên.
Giá Cố Tông Kỳ rơi vào khoảng một nghìn chín trăm đến hai nghìn năm trăm tệ, còn Đồng Nhược Thiên chỉ có một nghìn năm trăm.
Chênh lệch quá lớn.
Vậy là tôi bắt đầu ngồi suy đoán, Cố Tông Kỳ đúng là rất tuyệt, nếu đẹp trai mà cũng được cộng điểm nữa thì giá của anh ta nhất định còn cao hơn. Đưa ra được kết luận này, tôi tắt máy và leo lên giường đi ngủ.
Đã lâu lắm rồi, cuối cùng đêm nay tôi mới không mơ tới Đồng Nhược Thiên, và cũng không mơ đến Cố Tông Kỳ.
Tôi mơ đến bố nuôi, ông đang giảng cho tôi nghe về bệnh xoắn ruột, tôi chẳng hiểu cái gì cả, ông tức quá liền gầm lên khiến tôi bật cười tỉnh giấc.
- Chương 1 - Quả chín giữa hè
- Chương 2 - Hoa hướng dương của Van Gogh
- Chương 3 - Khi tình yêu bừng nở như hoa mùa hè
- Chương 4 - Em đã từng yêu anh nhưng giờ chỉ muốn quên anh
- Chương 5 - Quen với sự cô đơn
- Chương 6 - Giấc mộng đêm hè
- Chương 7 - Điều chưa biết
- Chương 8 - Tình yêu một nửa
- Chương 9 - Tình yêu hoa xuân nở mùa thu
- Chương 10 - Lòng rối như tơ vò
- Chương 11 - Ký ức của ngày này năm trước
- Chương 12 - Anh sẽ mãi mãi bên em (Hết)
- Ngoại truyện - Đã từng có một người mà anh yêu như yêu chính sinh mạng mình