Gửi bài:

Chương 33 - Tuổi trẻ là những hành trình một chiều

Chúng ta thích nói "Tôi yêu em", như thể chắc chắn sẽ yêu em, như thể tôi sinh ra là để chờ đợi em, như thể dù có bận lòng vì ai, nỗi nhớ của tôi vẫn luôn hướng về em vậy. Có những phút giây mà bạn ước gì sẽ ngừng lại mãi mãi, dù cho cuộc đời của bạn có tiêu tan ngay sau đó đi nữa, để cả hai được gắn kết trong một tấm hình. Hai mảnh sinh mệnh hợp lại thành khung ảnh, lênh đênh trên đại dương thăm thẳm. Kỷ niệm những hành khách đến với tuổi trẻ của chúng ta và những chuyến đi không có chiều về.

Lại sắp đến ngày 28 tháng 4. Vào ngày đó, một chuyến tàu sẽ mang theo chỗ ngồi và vị khách trên ghế ngồi lao vút vào miền ký ức xa thẳm.

Với những người hay nhung nhớ những hành khách thì ngày 28 tháng 4 quả là một ngày đặc biệt.

Một năm 365 ngày bạn lênh đênh trên dòng sông thời gian, đánh dấu mỗi ngày bằng vết khắc trên mạn thuyền, và rồi bạn không còn nhớ vì sao vết khắc lại sâu đến vậy, sâu đến mức không một con sóng dữ nào có thể làm lu mờ.

Tuổi thanh xuân của chúng ta đã vội vã khoác áo ra trận và chết nơi sa trường. Bạn vì ai xông pha giữa trận tiền, ai vì bạn lượm từng mảnh xương tàn? Những vết khắc vẫn lênh đênh trên dòng sông ấy, đắm trong làn nước xiết chỉ mình bạn thấy rõ.

Cuối thu năm 2003, nhận được điện thoại, anh bạn liền bắt taxi đến quán bar gần Lầu Trống.

Cửa gỗ của quán đã cũ sờn, dưới mái hiên treo chuông gió, áp phích quảng cáo trên bức tường bên cạnh vẫn còn mẩu tin cảnh báo dịch SARS. Anh bạn vừa tốt nghiệp đại học đẩy nhẹ cánh cửa, tiếng hát, tiếng nhạc vang vọng.

Năm tháng đó, dường như cả thế giới đều đang say sưa đĩa nhạc Diệp Huệ Mỹ của Châu Kiệt Luân. Nhưng nơi đây lại đang phát đi bản nhạc Quân cờ của Vương Phi. Anh bạn vòng qua các dãy bàn, nhạc chuyển sang bài Cánh diều của Trần Thăng.

"Anh biết em là cô bé hay lo lắng, nên khi chao liệng, anh không dám bay xa".

Anh bạn đến quán, cô bạn khóa trên không uống giọt rượu nào, chỉ nhìn anh chăm chú. Cô hỏi:

- Tôi có thể hỏi một câu không?

Nhớ lại, bỗng thấy khoảng thời gian đó tựa như một bức tranh cuộn dài vô tận của thế giới phồn hoa.

Chúng ta thích nói, tôi yêu em.

Mặt trời già cỗi, những gương mặt tuổi trẻ, nụ cười rạng rỡ, bản nhạc lay động và khung cảnh tựa tranh vẽ bên ngoài cửa sổ xe lửa.

Em đứng trong bụi cỏ, em đứng bên khóm hoa, em đứng dưới gốc cây, giọt sương trĩu nặng đầu cành, em đứng trên boong con thuyền sẽ cùng tôi trôi dạt muôn phương. Và khi thuyền rời bến, tôi ngoảnh lại để thấy em và tôi vẫn đứng giữa mù khơi, lưu luyến mênh mang biển biếc.

Chúng ta thích nói "Tôi yêu em", như thể chắc chắn sẽ yêu em, như thể tôi sinh ra là để chờ đợi em, như thể dù có bận lòng vì ai, nỗi nhớ của tôi vẫn luôn hướng về em vậy.

Vì tôi nhất định sẽ yêu em, nên dẫu phải quỳ gối để vượt qua vài ba chặng đường đời gian truân, tôi cũng không từ nan. Chỉ vì tôi muốn được nói câu, anh yêu em.

Sau khi chị khóa trên ra đi, anh bạn ở lì trong quán suốt nửa năm trời, ngày nào cũng say bí tỉ.

Hứa Ngụy ca hát suốt đêm ngày, anh ta nói cuộc đời thật tươi đẹp, anh ta nói hoa sen đang đua nở, anh ta nói chuyến đi bắt đầu từ đây. Mấy chai bia xếp đầy trên bàn vi tính. Màn hình chợt hiện dòng tin nhắn của một cô gái lạ, bảo rằng, tôi vừa đọc dòng trạng thái của anh, anh có điều gì không vui à? Anh bạn đáp, liên quan gì đến nhà cô. Cô gái nói, tôi cũng đang buồn đây, anh có thể trò chuyện với tôi một lát không? Anh bạn đáp, không có thời gian.

Đúng là anh không có thời gian thật, vì anh đang chờ đợi một khởi đầu.

Thời trẻ chúng ta đâu biết, có những bản nhạc một khi mở ra thì sẽ ngân lên khúc ly tán.

Nửa năm sau, anh bạn xin thôi việc, thu dọn hành lý, theo chị khóa trên thẳng tiến lên Bắc Kinh.

Họ thuê một căn hộ vùng ngoại ô. Đồ đạc trong nhà ngày càng nhiều, ảnh chụp chung ngày càng nhiều, các cuộc trò chuyện cũng ngày càng nhiều. Nếu căn phòng ấy có linh hồn, chắc chắn nó sẽ cảm thấy mỏi mệt nhưng vui vẻ. Ngày ngày bối rối, lúng túng nhưng vẫn tràn đầy hi vọng.

Sau đó, đồ đạc trong căn phòng ngày một ít đi, những bức ảnh không cánh mà bay, ti vi chiếu hết chương trình quảng cáo, đến thời sự, đến phim truyền hình, đến chúc ngủ ngon, và màn hình vô thanh im lìm cô độc suốt đêm, sau đó lại phụt sáng, phát tiếp chương trình thể dục buổi sáng.

Từ đó, căn phòng là nơi ăn chốn ở chỉ của một người.

Năm 2004, có một trận tuyết lớn ở Bắc Kinh. Anh bạn cầm hồ sơ bệnh lý đứng trước cổng bệnh viện. Anh từ chối đề nghị phẫu thuật của bác sỹ, gương mặt vô cảm, anh đi bộ hai mươi mấy cây số.

Hoa tuyết trút xuống như mưa, ai nấy đều cầm theo ô, bước chân vội vã, xe cộ giảm tốc độ, cả thế giới lạnh buốt tựa lưỡi dao băng ác độc.

Anh bạn ngồi ở bậu cửa sổ tầng mười mấy, đó là ngày thứ ba sau khi tuyết ngừng rơi. Chuông điện thoại reo inh ỏi, nhưng không ai nghe máy, chuông vẫn kêu inh ỏi đến khi máy tự tắt. Buổi chiều, có người đập cửa căn hộ rầm rầm, nửa tiếng sau, ai đó đã phá khóa.

Anh bạn ngạc nhiên quay đầu lại, đó là người bạn vừa từ Lyon bay về Bắc Kinh. Người bạn sốt ruột bay về, vì gọi điện thoại không ai nghe máy, vất vả lắm mới tìm ra căn hộ này. Người bạn vừa lau nước mắt, vừa giơ nắm đấm, muốn tẩn cho anh một trận nhừ tử.

Nhưng nhìn gương mặt xanh xao, nhợt nhạt của anh, nắm đấm không nỡ nện xuống mà biến thành cái ôm. Người bạn nghẹn ngào nói với anh:

- Phải sống thật khỏe mạnh đấy, đồ tồi!

- Phải sống thật khỏe mạnh đấy, đồ tồi!

Quanh ta không có chiến tranh, không có dịch bệnh, không có vũ khí, không có thuốc súng, không có ngày tận thế, nhưng có lúc, chúng ta vẫn phải thét gào, nạt nộ người quan trọng với ta rằng phải sống thật khỏe mạnh, thật khỏe mạnh, đồ tồi ạ.

Năm 2005, anh bạn xê dịch liên tục qua các thành phố, từ Quảng Châu đến Hồ Nam, từ Thành Đồ đến Thượng Hải, sau cùng, anh về lại Nam Kinh.

Anh đăng nhập phần mềm chat ngày trước, nhận được vô số tin nhắn. Giữa vô số những lời hỏi thăm, anh đọc được một bản tin sao chép vào tin nhắn, anh gần như nín thở.

Một nữ sinh của Đại học Sư Phạm Nam Kinh tự tử vì u uất.

Anh cảm thấy cái tên này sao nghe quen đến thế.

Hai cái tên trùng khớp nhau, hai thời điểm chồng lên nhau.

Rất lâu rất lâu trước đây, màn hình vi tính của anh bỗng hiện lên tin nhắn của một cô gái lạ, bảo rằng, tôi vừa đọc dòng trạng thái của anh, anh có điều gì không vui à? Anh bạn đáp, liên quan gì đến nhà cô. Cô gái nói, tôi cũng đang buồn đây, anh có thể trò chuyện với tôi một lát không? Anh bạn đáp, không có thời gian.

Thời gian nữ sinh tự tử chính vào ngày thứ ba sau cuộc hội thoại giữa họ.

Đến tận bây giờ, anh vẫn luôn cho rằng, nếu hôm đó anh chịu trò chuyện với nữ sinh đó, có lẽ cô ấy không nhảy lầu tự tử.

Đó là cuộc gặp gỡ bên ngoài sinh mệnh, những đường thẳng không giao nhau, chúng ta cùng trượt xuống những vực thẳm khác nhau. Anh chỉ có thể dự đám tang một người lạ trong ký ức của mình.

Anh viết rất nhiều thư cho cô bạn khóa trên, mãi đến năm 2007.

Người đọc không biết lá thư được viết cho ai. Mỗi người đều có câu chuyện riêng, họ mượn những trang viết của tác giả, làm công cụ tưởng nhớ chính mình.

Năm 2007, Đa Diễm, bạn đọc hâm mộ những bài viết của anh bạn, gửi tặng anh bạn một chiếc vòng mã não.

Năm 2008, Đa Diễm bảo, tôi sẽ đi tàu hỏa đến một số tỉnh khác, sau đó sẽ tới Nam Kinh gặp anh.

Cuối tháng 4 năm 2008, vòng mã não đặt trên chậu rửa mặt đột nhiên đứt dây, hạt mã não vương khắp nền đất.

5 giờ 30 phút chiều ngày 1 tháng 5, chuyên gia trang điểm đẩy cửa bước vào, ngẫn người nhìn anh bạn, hoảng hốt hỏi:

- Cậu có đến tạp chí Thiên Nhai không?

Anh bạn cảm thấy người này thật lạ lùng:

- Không đi.

- Cậu có quen Phó tổng biên tập bên đó không?

Anh lắc đầu:

- Không quen.

Lạ nhỉ, Phó tổng bên đó bị tai nạn tàu hỏa, qua đời rồi. Bạn bè trong làng báo vào trang cá nhân của cô ấy gửi lời tiễn biệt, tôi thấy ảnh của cậu trên trang cá nhân của cô ấy mà sợ chết khiếp.

Anh bạn thấy tay mình lạnh như băng:

- Có nhớ tên cô ấy là gì không?

- Hình như là Đa Diễm gì đó.

Anh bạn ngồi xuống, rồi đứng lên, lại ngồi xuống, rồi lại đứng lên. Rất lâu sau anh mới hiểu mình muốn gọi điện thoại.

Anh đứng đó, xoay lưng về phía dòng người qua lại như mắc cửi, cầm chặt di động trên tay, xới tung danh bạ điện thoại. Từ chữ cái A tìm đến chữ cái Z.

Nhưng biết gọi cho ai bây giờ?

Không chọn số nào, nhưng anh vẫn áp điện thoại vào tai, và yên lặng chờ đợi ai đó cất tiếng "a lô".

Không ai lên tiếng. Đành tiếp tục chờ vậy.

Bỏ di động xuống, anh bỗng thấy dòng người qua lại trược mặt, ai nấy đều rất cao.

- Sao lại ngồi giữa hành lang thế này?

Đồng nghiệp hỏi:

- Có phải bạn của anh không?

Anh đáp:

- Ừ.

- Ôi, ngay cả tôi cũng cảm thấy rất tệ.

- Đáng sợ quá, cuộc đời thật vô thường.

- Liệu có ảnh hưởng đến buổi ghi hình không?

- Tôi không sao.

Sau đó,anh tiếp tục tìm kiếm danh bạ điện thoại. Đồng nghiệp và chuyên gia trang điểm tiếp tục đàm đạo về sự vô thường của đời người.

6 giờ 30 phút tối ngày 1 tháng 5, buổi ghi hình trực tiếp bắt đầu.

Đồng nghiệp nói:

- Chào mừng quý khán giả đã đến với buổi ghi hình trực tiếp của chúng tôi. Xin trân trọng giới thiệu sự hiện diện của ba vị khách nam và ba vị khách nữ. Đây là lần đầu tiên họ gặp nhau, nhưng biết đâu tình yêu sẽ nảy nở trong chương trình này và chúng ta sẽ có một cái kết hạnh phúc.

Đầu óc anh bạn hoàn toàn trống rỗng, anh nghe loáng thoáng cô bạn đồng nghiệp của mình đang nói gì đó. Nếu thế, anh cũng phải nói gì chứ, không thể để cô ấy dẫn chương trình một mình.

Anh không nghe thấy mình nói gì.

Anh ngoảnh sang, từ khẩu hình của cô bạn đồng nghiệp, anh có thể đoán cô ấy đang nói gì, bởi vì họ đã thuộc làu kịch bản mỗi ngày.

Cô ấy nói:

- Bây giờ chúng ta sẽ đến với tiết mục đầu tiên, hỏi đáp tình yêu.

Anh nói theo đồng nghiệp, cảm thấy những thứ này rất quen thuộc, đúng rồi, ngày nào chẳng nói đi nói lại. Nhưng tiếp theo tôi phải làm gì nhỉ?

Anh không biết, nên anh cứ nói mãi không ngừng.

Nhưng vì không nhìn thấy khẩu hình của mình, anh không biết mình đang nói gì.

Khách mời nam và khách mời nữ nắm tay nhau, nụ cười rạng rỡ.

Anh im bặt, anh nhớ rằng, theo kế hoạch, sau đó, buổi truyền hình trực tiếp sẽ kết thúc. 7 giờ 30 phút tối ngày 1 tháng 5, anh khởi động xe, một người bạn vừa từ Bắc Kinh ghé qua, anh phải lái xe tới điểm hẹn, mời bạn dùng cơm.

Anh sẽ đến Tân Nhai Khẩu.

Nhưng chiếc xe vừa ra tới cổng cơ quan thì dừng lại.

Bàn chân anh run lên, mềm nhũn, không đạp nổi ga, đạp không nổi ga, mẹ kiếp!

Sao lại thế nhỉ, mẹ kiếp! Anh không thốt nổi một câu chửi thề, nước mắt anh như mưa.

Không ga nổi! Anh nằm bò trên vô lăng, nước mắt lã chã.

7 giờ 50 phút tối ngày 1 tháng 5, anh hiểu ra vì sao trong buổi ghi hình trực tiếp, anh cứ nói mãi, không ngừng nghỉ, bởi vì nước mắt rưng rưng chực trào ra.

1 giờ 0 phút đêm ngày 2 tháng 5, người bạn đã đi rồi. Anh mở bao thuốc thứ hai, châm một điếu, làm một hơi, rồi gác điếu thuốc lên thành gạt tàn.

Điếu thuốc lặng lẽ nằm yên trên đó, cháy xém một đoạn dài.

Tàn thuốc rơi xuống, giống như nỗi niềm nhung nhớ sắp sửa rớt xuống bên bạn.

Khi tàn thuốc rớt xuống, nước mắt anh bạn cũng vừa rớt xuống mặt bàn.

Đa Diễm bảo sẽ đến Nam Kinh thăm anh. Có lẽ chuyến tàu đó cũng là một phần của hành trình.

Khoang tàu mang theo Đa Diễm trật khỏi đường ray.

Chỉ một phút trật bánh, bạn vẫn thấy tôi, nhưng tôi không thấy bạn nữa.

Nếu còn có ngày mai, phải làm sao để nói lời tạm biệt?

Anh ghét cay ghét đắng tiếng còi tàu, vì nó là biểu tượng của sự ly biệt. Đa Diễm còn chưa đến Nam Kinh, anh đã khóc cạn nước mắt. Anh thậm chí còn không đủ tư cách để nghe tiếng còi tàu ly biệt.

Cuốn sách mới lật qua trang phụ bìa, tác giả đã nói lời giã biệt.

Đa Diễm trịnh trọng giới thiệu, chiếc vòng phải ngâm trong nước suối, rồi mới được đeo. Đeo bên tay trái hay tay phải cũng phải tính kỹ, vì nó không giống nhau. Nhưng anh chưa kịp ngâm nước, chiếc vòng đã đứt lìa.

Nếu còn có ngày mai, ta biết phải điểm trang gương mặt em như thế nào? Cô dâu chưa đánh phấn, nước mắt đã đầm đìa khăn áo.

Nghe nói, trên blog cá nhân của Đa Diễm, có ảnh của anh.

Anh vào blog của cô lúc 1 giờ đêm ngày 4 tháng 5.

Vào giờ này, anh mới có đủ dũng khí để lên mạng, mới có đủ dũng khí vào diễn đàn Tianya, mới có đủ dũng khí để đọc từng trang từng trang những lời tiễn biệt của bạn bè cô gái. Sau đó, từ đường link trên diễn đàn, anh vào trang blog của cô.

Anh lật xem từng tấm từng tấm trong album ảnh.

Sau nhiều bức ảnh chụp phong cảnh, anh nhận ra bức ảnh của mình.

Đó là bức ảnh chụp anh mặc bộ đồ màu trắng. Anh nợ Đa Diễm một cái kết cho cuốn tiểu thuyết về cô ấy.

Anh làm đứt chiếc vòng của Đa Diễm.

Anh đứng nơi góc nhỏ trên trang blog của Đa Diễm.

Còn một anh bạn khác thì đang khóc như mưa, ngoài blog.

Người ta vô tình dẫm nát những bông hoa nhỏ bé nép mình nơi bậc thềm. Bông hoa ấy mới nhỏ bé, yếu ớt làm sao, nhưng nó đã sẵn sàng cho một mùa đông. Cỏ xanh rạp người ca hát. Mây hồng và thời gian đều trôi đi không trở lại.

Ánh nắng tinh nghịch len qua kẽ lá, bóng nắng nhảy múa lấm tấm, năm tháng lấp lánh, gương mặt là quê hương của những nụ cười, chân trần bước trong gió cuốn. Cô gái giơ tay, sương mờ phiêu lãng, lau lách nghiêng đầu nắm tay dòng nước xiết.

Non xanh, nước biếc, người đâu đã già mà chẳng thấy đâu.

Thì ra điều này là có thật.

Trong đợt chuyển nhà năm 2009, anh bạn tình cờ tìm thấy quyển bệnh lý đã ố vàng, có lẽ trên quyển sổ vẫn còn vết dấu của hàng ngàn vạn bông hoa tuyết.

Trong đợt chuyển nhà năm 2010, anh bạn tình cờ tìm thấy hộp băng cát sét. Mười năm trước, có người đã chọc đầu bút máy vào giữa cuộn băng, xoay tròn nhiều vòng, quấn lại những đoạn băng từ bị kéo văng ra ngoài.

Đó là năm anh bắt đầu ba mươi năm cuộc đời chân trời góc bể.

Năm 2011, anh trở về quán bar Mùa Đông 2003. Nơi đó vẫn bật nhạc Vương Phi và Trần Thăng.

Nghe nhạc, để rồi lại thấy thấp thoáng bóng con thuyền nhỏ bồng bềnh khơi xa.

Tháng 5 năm 2012, tôi ngồi nơi góc phố, bên dòng lưu thủy dưới những cây cầu trong thị trấn giăng mắc đèn lồng.

Mặt nước lăn tăn, sóng sánh những quả cầu thắm sắc đỏ như mờ như ảo.

Tôi bước lên cầu, bỗng thấy trước mặt mình như có một cánh cửa. Đó là cánh cửa ở Nam Kinh.

Tôi mở cánh cửa gỗ cũ sờn, dưới mái hiên treo chuông gió, áp phích quảng cáo trên bức tường bên cạnh vẫn còn mẩu tin cảnh báo dịch SARS.

Chàng trai vừa tốt nghiệp đại học đẩy nhẹ cánh cửa, tiếng hát tiếng nhạc vang vọng.

Năm tháng đó, dường như cả thế giới đều đang say sưa đĩa nhạc Diệp Huệ Mỹ của Châu Kiệt Luân. Nhưng nơi đây lại đang phát đi bản nhạc Quân cờ của Vương Phi. Anh bạn vòng qua các dãy bàn, nhạc chuyển sang bài Cánh diều của Trần Thăng.

"Anh biết em là cô bé hay lo lắng, nên khi chao liệng, anh không dám bay xa".

Ở một bàn khách nọ có một chàng trai, bên cạnh chàng trai là cô gái. Cô gái hỏi:

- Tôi có thể hỏi một câu không?

Tôi đứng sau lưng cô gái, thấy chàng trai nở nụ cười tươi tắn, đưa tay lên lau nước mưa trên đầu và nói:

- Sao gấp thế?

Cô gái cúi đầu:

- Tôi thích một người, có nên nói ra không?

Chàng trai thoáng sững sờ, cười thật tươi bảo:

- Chỉ cần không phải là tôi thì cứ nói.

Cô gái ngẩng đầu, bảo:

- Thế thì thôi không nói nữa.

Nước mắt tôi lăn dài. Tôi muốn khẽ khàng nhắc nhở chàng trai, nếu vậy thì đừng hỏi làm gì. Bởi vì, sau đó, đồ đạc trong căn phòng sẽ ngày một ít đi, những bức ảnh không cánh mà bay, ti vi để suốt đêm, và ngoài kia một trận tuyết lớn đang ào ào kéo đến.

Sau đó, bạn cứ phải nói mãi không hết những lời dối trá. Đó là khi mẹ gọi điện hỏi han cuộc sống của bạn. Bạn bảo, con ổn.

Nước mắt tôi không ngừng rơi.

Tôi yêu em, còn em có yêu tôi không?

Tôi yêu em, như thể chắc chắn sẽ yêu em, như thể tôi sinh ra là để chờ đợi em, như thể dù có bận lòng vì ai, nỗi nhớ của tôi vẫn luôn hướng về em. Tôi nhất định sẽ yêu em, nên có những đoạn đường đời mà dù phải quỳ xuống, tôi cũng quyết vượt qua. Chàng trai trước mặt nở nụ cười thật tươi, nói:

- Không sao, tôi biết em đang lo lắng điều gì. Đúng là có rất nhiều khó khăn. Vậy tôi sẽ đưa em đi Bắc Kinh.

Cô gái nói:

- Vâng.

Tôi muốn nói với cô gái, đừng dễ dàng bảo "vâng" như vậy. Bởi vì, sau đó, anh ta sẽ khiến cô bị tổn thương, cô sẽ khóc ròng đến nỗi khiến người khác đau lòng. Đêm sâu sẽ tra tấn cô, đường về sẽ bùn sình lầy lội, thành phố trở nên lạnh lẽo, và nụ cười chỉ trở lại trên môi cô tám năm sau.

Cô gái nói:

- Anh phải giúp em.

Chàng trai bảo:

- Ừ.

- Không được lừa dối em.

- Ừ.

Tuổi trẻ thật dễ gật đầu. Ai cũng gật đầu, nhưng thời gian thì không.

Bạn gật đầu, quán bar vẫn mở nhạc thê lương, chuông gió hắt ánh đèn đường sắc lạnh, cả thế giới chìm trong sương mù mông lung. Bạn gật đầu, cánh cửa chầm chậm khép lại, còn tôi vẫn đứng trên cây cầu.

Trên tay tôi là tấm vé máy bay chiều về.

Tôi có thể trở về thành phố này, nhưng thời gian không có đường ray của chiều ngược lại.

Tôi bỗng ước ao phút giây này ngưng đọng mãi mãi, dù cuộc đời tôi có tiêu tan ngay sau đó đi nữa. Làn gió ve vuốt nụ cười, bàn tay nắm lấy các ngón tay, nhớ nhung sẽ thành gặp gỡ.

Từ đó, chúng ta sẽ được gắn kết trong một tấm hình. Hai mảnh sinh mệnh hợp lại thành khung ảnh, lênh đênh trên đại dương sâu thăm thẳm.

Kỷ niệm ngày 28 tháng 4 năm 2008. Kỷ niệm chuyến tàu T195 đến nay vẫn chưa có câu trả lời thích đáng. Kỷ niệm Đa Diễm, một blogger. Kỷ niệm tôi một blog của Đa Diễm. Kỷ niệm cô gái đã chết thật cô độc trong blog. Kỷ niệm gương mặt mệt mỏi ấy. Kỷ niệm anh yêu em. Kỷ niệm đám tang tôi chẳng thể tham dự. Kỷ niệm những vị khách trên chuyến tàu tuổi trẻ và những hành trình không có chiều về.

 

Mục lục
Ngày đăng: 18/03/2016
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Farkle King - Game Xúc Xắc thử thách con tim

Mục lục