Ngoại truyện 12: Danh tướng
—Lịch sử không nêu rõ chi tiết diễn biến mà chỉ ghi lại kết quả, nhưng dân chúng lại nhớ kỹ ơn cứu mạng, người này hoàn toàn xứng với danh xưng đệ nhất danh tướng của Tây Mông—
Nếu thế giới này thật sự có cái gọi là tận thế và tuyệt chủng thì năm 785 theo lịch Bạch Thương chính là khoảng thời gian gần nhất với định nghĩa của mấy từ này. Mùa xuân năm này, Yến Tuân, Triệu Triệt ở Bắc Địa, và cả Gia Cát Nguyệt ở Thanh Hải đều lần lượt ra quân, thuộc địa của Đại Yến là Hoài Tống cũng nhiều lần nảy sinh xung đột với Biện Đường, lửa chiến tranh trên đại lục bốc cao tận trời. Tất cả đều mải mê với nội chiến mà không hề hay biết rằng, trên lãnh thổ Đại Yến âm thầm xuất hiện một thế lực cường đại và tà ác đang chậm rãi bành trướng.
Đầu tháng 4 năm 785, một tin tức truyền ra đã chấn động toàn bộ đại lục, khiến dân chúng vừa mới có được sáu năm sống yên bình kinh hãi: Phản thần của Biện Đường là Tĩnh An vương phi dẫn dắt ba ngàn binh mã âm thầm xâm nhập Mỹ Lâm Quan, trong ứng ngoài hợp với quân Khuyển Nhung đã mai phục ở quan ngoại từ trước tấn công cửa khẩu, mở rộng đại môn của Mỹ Lâm Quan để người Khuyển Nhung tràn vào. Toàn thể quan binh đóng giữ ở Mỹ Lâm Quan, tổng cộng hơn hai vạn tám ngàn người đều anh dũng hy sinh vì tổ quốc, không một ai sống sót.
Cùng lúc đó, một tin tức khác cũng nhanh chóng lan khắp đại lục.
Đến lúc này mọi người mới biết vị Tĩnh An vương phi thân phận bí ẩn kia chính là Bát công chúa Đại Hạ khi trước. Chẳng ai rõ nàng ta được Khuyển Nhung che chở từ khi nào, chỉ biết nàng ta đột ngột lộ ra thân phận, tuyên bố mượn binh Khuyển Nhung nhằm giành lại giang sơn Đại Hạ cho Triệu thị, rầm rộ phát binh tấn công phía đông Đại Yến dưới cờ báo thù phục quốc.
Đại hãn vương của Khuyển Nhung là Nạp Nhan Minh Liệt cũng hát vang bài ca mong muốn duy trì huyết mạch hoàng thất chính thống của nước bạn, giơ cao khẩu hiệu tiêu trừ phản tặc, hùng hồn xua binh đến biên giới phía đông Đại Yến.
Đây là lần thứ ba Triệu Thuần xuất hiện trên lịch sử võ đài của đại lục.
Lần đầu tiên là ngày 20 tháng 5 năm 775, buổi hôn lễ nhấn chìm thành Chân Hoàng trong biển máu tanh, tân nương Triệu Thuần nhờ hôn phu Yến Tuân mà phút chốc trở nên nổi danh, biến thành trò cười của toàn thiên hạ. Năm đó, Triệu Thuần mười sáu tuổi.
Lần thứ hai là đầu tháng 9 cùng năm đó, Yến Tuân thành công thoát khỏi thành Chân Hoàng, Bắc Yến tuyên bố độc lập, Đại Hạ nóng ruột đề nghị kết thân với Biện Đường. Sau khi Cửu công chúa Triệu Nghiên bị Lý Sách đuổi về nước, Triệu Thuần đơn thương độc mã đến Biện Đường trên danh nghĩa công chúa Đại Hạ tới hòa thân, đường hoàng xuất hiện trước mặt hoàng thất Biện Đường, nhưng cuối cùng lại xảy ra một sự kiện bôi nhọ rùm beng, vì tội kích động Trung ương quân làm phản mà bị trục xuất khỏi Biện Đường. Do không cam lòng, lại được Lạc vương khi ấy vẫn còn che giấu thực lực giúp đỡ, cùng năm đó nàng ta kết đồng minh với đại tướng Trọng Bành của Biện Đường sắp đặt kế hoạch khởi binh tại hoàng lăng trên Mi Sơn, mưu đồ tạo phản. Nhưng cuối cùng kế hoạch bị Lý Sách khi ấy vẫn còn là thái tử đoán được, về sau không còn nghe thấy tin tức của người phụ nữ này nữa.
Mãi đến mười ba năm sau, tức hiện giờ, nàng ta lại dùng thân phận Tĩnh An vương phi nghênh ngang mở rộng Mỹ Lâm Quan, mượn tám mươi vạn hùng binh từ dị tộc ở thảo nguyên, tự mình ra trận, dung túng lang sói Khuyển Nhung tràn vào tàn sát toàn bộ trung nguyên.
Bất kể là sau bao nhiêu năm, nhưng mỗi lần hồi tưởng lại, chẳng ai không thừa nhận đó quả thật là một kiếp nạn khủng khiếp đến cực độ. Ngay cả danh tướng hàng đầu đại lục như Gia Cát Nguyệt, Triệu Triệt hay Yến Tuân đều không ngờ tình thế có thể đảo lộn nhanh đến như vậy. Lúc mới được tin, Gia Cát Nguyệt còn cho rằng: Thay vì chờ đám người này đánh tới trước cửa, không bằng nhanh chân giải quyết bọn chúng trước, thuận tiện uy hiếp đòi Yến Tuân chút phí tổn luôn.
Chẳng ai ngờ được chiến cuộc lại có thể trở nên thảm thiết đến nhường này.
Nói đến Khuyển Nhung, có lẽ ấn tượng đầu tiên chính là một bọn man di tứ chi phát triển đầu óc mê muội. Trăm ngàn năm qua, dân tộc dũng mãnh này vẫn lởn vởn bên ngoài Mỹ Lâm Quan. Cuộc sống của bọn họ là những ngày rong ruổi trên lưng ngựa, chọn chỗ gần đồng cỏ và nguồn nước mà ở, không có nơi trú ngụ cố định, không có thành thị, không có chính quyền đồng nhất, không có trang bị tiên tiến, càng không có tướng chỉ huy ưu tú. Lúc lâm trận căn bản đều do thủ lĩnh dẫn một đám dân du mục cưỡi ngựa xung phong, gặp địch yếu thì xông lên chém giết, gặp địch mạnh thì quay đầu bỏ chạy.
Thế nên mỗi lần nói đến bọn họ, gần như toàn bộ quan binh ở đại lục đều khinh thường mắng một câu: Đồ mọi rợ!
Nhưng chưa hề có ai ngẫm qua, từ năm 775 khi Bắc Yến giành được độc lập đến năm 782 khi Đại Hạ diệt vong, cùng sáu năm nội chiến liên tục, đại lục Tây Mông thời loạn thế đã trải qua mười ba mùa đông. Còn Khuyển Nhung lại đi qua đoạn thời gian mười ba năm hết sức yên ắng, ngoại trừ mấy trận cướp bóc quy mô nhỏ thì bọn họ không hề phát động bất kỳ cuộc chiến toàn diện nào.
Mười ba năm, đủ khiến cỏ vàng trên thảo nguyên thay da đổi thịt hóa cỏ xanh hơn chục lần, đủ thời gian cho trẻ con học thành kỹ năng cưỡi ngựa múa đao. Dòng máu hiếu chiến ngủ đông suốt mười ba năm của người Khuyển Nhung cuối cùng lại bắt đầu sôi trào.
Mỹ Lâm Quan biến thành thông lộ mở đường cho kỵ binh Khuyển Nhung tràn vào, quân số như biển, đao thương tựa rừng, chiến mã điên cuồng hí to, tên nhọn như mưa. Khí thế đủ khiến quân binh canh giữ các thành phụ lân cận Mỹ Lâm Quan không đánh mà bại, phải bỏ thành chạy trốn.
Ngày 13 tháng 4, sáu bộ lạc lớn của Khuyển Nhung là Hồng Địch, Hoàng Mãng, Lam Tương, Hạt Huyết, Bạch Thượng, Hắc Thủy tụ họp với bốn bộ lạc đã đến Mỹ Lâm Quan từ trước. Đại hãn vương Nạp Nhan Hồng Liệt cũng kéo theo thân binh đến đây, mười một bộc lạc Khuyển Nhung đã tề tựu đầy đủ, nhân số đạt đến hơn một trăm năm mươi vạn.
Máu của các chiến sĩ Đại Yến còn chưa khô thì đại quân Khuyển Nhung đã xông vào chiếm giữ trung tâm thành. Dân chúng thấp thỏm trốn rịt trong nhà không dám phát ra tiếng động nào, sợ sẽ chọc phải sát tinh đến từ phương bắc này. Có điều do quân số quá đông, quân doanh trong thành không đủ chỗ, Tam vương tử Thác Cáp của Khuyển Nhung chỉ hừ một tiếng rồi dẫn thân binh giết bớt dân, chiếm cứ mấy trăm gian nhà cho đội của mình.
Chính hành động này đã mở đầu cơn ác mộng tanh tưởi mùi máu của người dân Mỹ Lâm Quan. Rất nhanh sau đó, thủ lĩnh của các bộ lạc khác liền học theo, đến khi Nạp Nhan Minh Liệt biết được thì trời đã tối, Mỹ Lâm Quan đã không còn một người dân nào sống sót.
Liên tiếp mười ngày, Triệu Thuần cùng thuộc hạ của mình ở rịt trong phủ tổng binh của Mỹ Lâm Quan. Tiếng chém giết, tiếng kêu thét thảm thiết, tiếng mắng chửi phẫn nộ, ánh lửa cháy phừng phừng, tiếng khóc nức nở của phụ nữ bị cưỡng hiếp không ngừng đập tan sự yên lặng của bóng đêm, truyền đến từng ngóc ngách nhỏ của thành Mỹ Lâm.
Gã thuộc hạ tái mặt hỏi nhỏ: "Vương phi, đám người thảo nguyên kia điên rồi, bọn họ đang tàn sát dân thường."
Triệu Thuần ngồi trong bóng đêm, lẳng lặng không nói tiếng nào, tựa như không hề nghe thấy lời thuộc hạ nói.
Triệu Thuần không hề biết, bên trong phòng hội nghị cách vách, đám thủ lĩnh Khuyển Nhung đã trải rộng bản đồ bắt đầu tính toán kế hoạch chia chiến lợi phẩm, sau khi công phá được Mỹ Lâm Quan, chiếm lấy toàn bộ thổ địa đại lục đối với bọn họ là chuyện dễ như trở bàn tay. Mười một thủ lĩnh mặt đỏ tía tai tranh cãi một hồi, nhờ có sự can thiệp của Đại hãn vương mới miễn cưỡng thỏa thuận xong. Trời vừa sáng, thủ lĩnh các bộc lạc liền nhanh chóng dẫn nhân mã của mình rời khỏi Mỹ Lâm Quan, chia đường chạy thẳng về phía trung tâm đại lục phồn hoa.
Trong tất cả thế lực trên đại lục, bao gồm cả thuộc địa Hoài Tống, Thanh Hải là phe đầu tiên đứng ra tỏ ý sẵn sàng điều động toàn bộ binh lực giúp Đại Yến chống lại Khuyển Nhung. Ngay sau đó, trước ánh mắt dõi theo của tất cả mọi người, song vương của Thanh Hải điều binh tụ tập ở Thùy Vi Quan, rút về tất cả quân nhân từng có hiềm khích với Đại Yến, mở cửa khẩu tiến về phía bắc giúp đỡ thành Bắc Sóc đang bị vây hãm.
Phe Thanh Hải cùng lúc chia ra ba đường, một do Thanh Hải vương Gia Cát Nguyệt dẫn dắt quân chủ lực đi giải vây cho Bắc Sóc, một do Đại tướng quân Nguyệt Thất mang theo thư của Gia Cát Nguyệt đến Bắc Địa tìm Triệu Triệt, còn Tú Lệ vương Sở Kiều thì bí mật tới Biện Đường bàn luận kế hoạch xuất binh.
Đầu tháng 5, Triệu Triệt đồng ý với đề nghị của Gia Cát Nguyệt, dẫn binh đến cao nguyên Bắc Yến. Mà Yến hoàng cũng yên tâm mở rộng biên giới để nghênh đón kình địch ngày thường vốn hận mình đến thấu xương này tiến vào quốc thổ Đại Yến.
Và từ ba ngày trước, Đường hoàng Lý Tu Nghi cũng đã trao quyền cho thái phó phụ chính Tôn Đệ, phối hợp với Tú Lệ vương Sở Kiều dẫn hai mươi vạn đại quân lên đường đến Đường Hộ Quan.
Quả thực là một tình cảnh khôi hài quá sức tưởng tượng, nếu Khuyển Nhung không ào vào thì người đời nghĩ nát óc cũng chẳng thể ngờ được sẽ có một ngày như vậy. Suốt sáu năm nay, bốn thế lực này liên tục chiến tranh, cứ mười này đánh một trận nhỏ, mỗi tháng đánh một trận lớn, hận nhau đến mức vừa thấy là lập tức lăn xả vào nhau. Chẳng ai ngờ được sẽ có một ngày bọn họ có thể chung tay chống địch.
Bất kể là thời nay hay thời sau, không người nào có thể phủ nhận vai trò của Tú Lệ vương trong diễn biến này.
Nàng từng là chủ nhân của Thượng Thận, là thần bảo hộ của cao nguyên Bắc Yến, là thân tính số một của Yến hoàng, là đại tướng từng giúp Bắc Sóc chống cự với trăm vạn quân binh Đại Hạ. Còn hiện giờ, nàng là thê tử của Thanh Hải vương, đồng thời cũng là thân vương phụ chính của Biện Đường, phu quân nàng và người nắm quyền Bắc Địa là Triệu Triệt có quan hệ hết sức thân cận, tướng lĩnh dưới quyền nàng lại đa phần xuất thân từ cao nguyên Thượng Thận.
Ngoài ra, ban đầu khi Khuyển Nhung dấy binh xâm lăng, Bắc Địa khoanh tay đứng nhìn, Biện Đường thờ ơ như không, thuộc địa Hoài Tống có dụng ý riêng, Đại Yến một mình thọ địch, vừa phải chống cự quân xâm lăng vừa phải phòng bị những thế lực này. Chỉ có nàng là đoán được diễn biến sắp đến của cuộc chiến, chính nàng đã bình tĩnh nhận ra dã tâm nung nấu hơn mười năm qua của người Khuyển Nhung, quyết đoán vứt hết mọi ân oán, bắt tay vạch ra chiến lược tỉ mỉ, cũng tích cực bôn tẩu liên lạc với các thế lực còn lại, thuyết phục bọn họ đồng tâm hiệp lực.
Người làm công tác phối hợp này, chỉ có nàng là thích hợp nhất. Cũng chỉ mình nàng mới bình thường hóa được mọi xung đột cùng mâu thuẫn, tạm thời áp chế mọi hoài nghi giữa các phe, cũng chỉ nàng mới có khả năng thúc đẩy sự liên kết này.
Sự rối rắm trong chuyện này, người thông minh nhất suy tính đến nát óc cũng không thể gỡ, nhưng nàng lại làm được.
Nhận được tin Biện Đường, Thanh Hải, Bắc Địa và Đại Yến đồng thời xuất binh, Đại hãn vương của Khuyển Nhung tức giận đến tột độ. Trước khi tấn công Mỹ Lâm Quan, bọn họ cũng từng nghĩ đến cục diện này, nhưng khi ấy tất cả thủ lĩnh của các bộ tộc đều cười phì một tiếng rồi bỏ qua.
Cũng khó trách, ai chẳng biết quan hệ dây mơ rễ má giữa Yến Tuân và ba thế lực kia chứ? Mấy người đó không nhân cơ hội thọc Yến Tuân một đao là đã nhân từ lắm rồi, làm gì có chuyện chạy tới giúp đỡ?
Nhưng thực tế ở ngay trước mắt, trực tiếp đập nát ảo tưởng tiêu diệt Đại Yến trong một tháng, san bằng toàn đại lục trong hai tháng và xưng bá phương đông trong vòng nửa năm của đám người đến từ quan ngoại này.
Thẹn quá thành giận, người Khuyển Nhung càng thêm điên cuồng giết chóc, kỵ binh *rầm rập* đánh thẳng vào trung tâm Bắc Yến.
Ngày 23 tháng 5, Bắc Sóc Quan lại một lần nữa trở thành tiêu điểm của cả đại lục, quân chủ lực của cả bốn quốc gia tề tụ ở bình nguyên Hỏa Lôi, tổng số lên đến một trăm hai mươi vạn.
Trước khi khai chiến thì phải đề ra tổng thống soái, bên Đại Yến dĩ nhiên không nhân nhượng đề nghị Yến Tuân, bên Thanh Hải đẩy Gia Cát Nguyệt lên, Bắc Địa có hai ý kiến, các tiểu quốc phía tây Bắc Địa đề cử Triệu Triệt, nhóm thống trị biên cảnh giáp với Bắc Yến thì ủng hộ Triệu Dương, Đường hoàng Lý Tu Nghi không ra trận nhưng Tôn Đệ vẫn báo tên cậu bé xí phần, nói có thể ngày ngày dùng bồ câu đưa thư hỏi xin ý kiến cao minh của tiểu hoàng đế nhà mình.
Đủ loại ý kiến nêu ra, bên nào cũng không chịu thua, ầm ĩ đến mức suýt sập trướng, tranh luận hết hai ngày mà cũng chưa có được một thỏa thuận đồng nhất. Cuối cùng, Tôn Đệ không nhịn được nữa, quăng ra đề nghị muốn Tú Lệ vương Sở Kiều đảm nhiệm chức tổng soái của chiến dịch này thì mọi tranh cãi mới tạm thời dịu lại.
Sở Kiều là Thanh Hải vương phi nhưng trên danh nghĩa cũng là thân vương phụ chính của Biện Đường. Dựa vào quan hệ giữa nàng và tiểu hoàng đế Lý Tu Nghi, thêm chiến tích bảo vệ Đường Kinh năm đó, trên dưới Biện Đường dĩ nhiên đều gật gù tán thành. Phe Thanh Hải trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng Gia Cát Nguyệt thoải mái chọn ủng hộ vợ nhà mình. Kế đó Triệu Triệt cũng về phe Gia Cát Nguyệt. Triệu Dương ban đầu tham dự cũng chỉ vì không muốn để Triệu Triệt và Yến Tuấn chiếm lợi, cho nên cũng sảng khoái đồng ý. Chỉ mình Đại Yến đến sáng ngày thứ hai mới chậm chạp thông truyền ý kiến của Yến hoàng: Không có dị nghị.
Thế nên, chiến dịch rầm rộ quy mô lớn nhất trong lịch sử đại lục này, liên quân toàn do tinh binh hợp thành này chợt quy về dưới trướng của Sở Kiều. Một trăm hai mươi vạn nam tử hán lại do một người phụ nữ dẫn dắt.
Ngày 25 tháng 5, kế hoạch phòng thủ thành Bắc Sóc chính thức được triển khai.
Sở Kiều điều động sáu mươi vạn binh sĩ cùng năm mươi vạn dân phu bắt tay xây dựng tuyến phòng ngự dọc theo núi Lạc Nhật. Nàng thiết kế chiến hào và cạm bẫy đặt dày đặc từ chân núi đến tận cổng thành, chốt phòng thủ cắm chi chít như sao trên trời, trải rộng khắp một vùng.
Vậy nên khi quân tiên phong của Khuyển Nhung chạy tới, Tam vương tử Thác Cáp khiếp sợ đến không thể khép miệng khi nhìn thấy bày trí phòng thủ trước mắt. Phản ứng đầu tiên của hắn chính là cảm thán: Đối phương bị điên rồi.
Phòng ngự như vậy sẽ chẳng ai điên tự tìm chết công kích thẳng vào. Thế nên Tam vương tử đương nhiên quả quyết chọn một con đường khác – chính là Xích Độ.
Không thể trách Thác Cáp không thông minh, dù sao thì đối mặt với hàng phòng ngự chặt chẽ này, ai dám có gan đi tấn công chứ?
Nhưng hắn lại không biết, đằng sau hình ảnh phòng ngự rầm rộ như vậy chỉ có năm mươi vạn dân phu tay không tấc sắt, bọn họ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất chính là giơ cao cờ chiến, có người đến thì dậm chân hô hào khiến bụi tung mù mịt.
Chỉ thế mà thôi.
Trong khi đó, bên trong thành Xích Độ nhỏ bé lại đang có hơn tám mươi vạn đại quân mai phục, kiên nhẫn chờ đợi hắn đến.
Kết quả không cần nói cũng biết. Sau ba ngày chiến đấu liên tục, mười vạn quân của Thác Cáp chết dần chỉ còn bốn vạn, nước sông Xích Độ nhiễm đỏ máu tươi, nhiều ngày cũng không thể dùng làm nước uống.
Thác Cáp không có lương thực dự trữ nên lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Mà liên quân lại chơi chiêu thay nhau ra trận, từ từ hành hạ bòn rút thể lực binh sĩ của hắn.
Sang ngày thứ năm, cuối cùng bên Thác Cáp cử người đến báo tin muốn giơ vũ khí đầu hàng.
Nhưng từ đại bản doanh liên quân lại hạ một lệnh khiến tất cả đều chấn động, yêu cầu xin hàng không được chấp nhận, trừ phi bọn họ đưa ra đầu Thác Cáp để an ủi vong linh của hai mươi vạn dân binh ở Mỹ Lâm Quan.
Thác Cáp tức giận, ra lệnh tiếp tục chiến đấu, nhưng cuối cùng vẫn không thể thoát thân.
Hai ngày sau khi xin hàng, hắn bị thân binh của mình giết chết ngay trong đêm, tất cả thuộc hạ giơ vũ khí đầu hàng, bị liên quân bắt làm tù binh.
Đây chính là thắng lợi đầu tiên của người Tây Mông kể từ khi Khuyển Nhung đặt chân vào đại lục đến nay.
Bằng chiến thuật táo bạo và sự sáng suốt gan dạ của mình, Sở Kiều đã vây hãm mười vạn đại quân, giảm thiểu tối đa thương vong bên mình, giết bảy vạn kẻ địch, bắt giữ ba vạn làm tù binh, lấy được thủ cấp của thủ lĩnh địch, giành toàn thắng.
Tin tức truyền ra khắp Tây Mông, tất cả người dân đều vỗ tay tung hô.
Tối hôm đó, Triệu Triệt ngồi trong đại trướng của phe Thanh Hải, rót đầy rượu kính Sở Kiều rồi nói: "Cô hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu đệ nhất danh tướng của Tây Mông."
Sang ngày thứ hai, Sở Kiều chỉnh đốn đại quân rút về Bắc Sóc, bêu đầu của Thác Cáp ngay trước trận phòng thủ, lẳng lặng chờ đợi Đại hãn vương của Khuyển Nhung – Nạp Nhan Minh Liệt.
................................................................................................
Từ phía quân đội Khuyển Nhung chợt truyền ra tiếng chiêng trống dồn dập, cờ chiến bay *phần phật*. Lính liên lạc hốt hoảng rút về báo tin, tướng chỉ huy lộ vẻ mặt lo âu, lập tức lớn tiếng gào to.
Cảnh tượng vô cùng hoảng loạn.
Gia Cát Nguyệt nhíu mày, nhẹ thúc bụng ngựa tiến lên, đội kỵ binh nhanh chóng tách ra nhường đường. Giữa hoang nguyên đầy cỏ vàng, thân ảnh mặc giáp sắt đen khoác áo lông xanh thẫm của nam tử tuấn tú nhìn tựa một thượng thần từ Thiên Sơn, sau lưng hắn là dãy núi tuyết trải dài trùng điệp. Gió từ xa thổi lại khiến tóc mai nam tử tung bay, mắt sâu thăm thẳm, môi đỏ thẫm, khí tức tà mị cao quý như lang vương của đỉnh núi tuyết.
Hắn thúc ngựa tiến lên, chăm chú quan sát phía đối diện, mi tâm nhíu chặt.
Chỉ mới vừa khai chiến, đến cùng là chuyện gì mà có thể khiến đám người Khuyển Nhung vốn dũng mãnh tự phụ lại hoảng loạn như thế?
"Vương! Mé tây núi Lạc Nhật phát hiện rất đông kỵ binh Bắc Yến, đang phi hỏa tốc đến đây." Thám báo thúc ngựa tới, nhanh chóng xuống ngựa quỳ trên mặt đất lạnh như băng, cao giọng báo cáo.
Gia Cát Nguyệt nhíu mày, im lặng suy nghĩ một chốc rồi trầm giọng hỏi: "Bao nhiêu người? Là ai dẫn binh?"
"Tạm chời vẫn chưa rõ."
"Tiếp tục do thám."
"Rõ."
Vó ngựa cuồn cuộn, hai đội thám báo mang theo ấn tín của Thanh Hải rời đi. Mặt trời đỏ rực ngả về phía tây, nhuộm hồng cả một vùng. Vây giết truy đuổi liên tục tám ngày, hôm nay chính là trận cuối cùng.
Quân Bắc Yến? Rốt cuột là ai? Nhanh như vậy đã đánh xong trận ở Thượng Thận rồi?
Gia Cát Nguyệt xoay người trở về đại trướng, trải rộng bản đồ ra trên bàn. Trời bên ngoài đã tối, hắn chăm chú ngồi trước bàn, hai ngọn nến trên bàn lẳng lặng cháy, tỏa ra ánh sáng dìu dịu.
Người Khuyển Nhung công phá cửa khẩu, trên đường đốt giết cướp bóc liên tục, cũng may Yến Tuân phản ứng nhanh, kịp thời sơ tán dân chúng biến Bắc Yến trở thành vườn không nhà trống chờ đợi kẻ địch. Nhưng dân chúng ở Mỹ Lâm Quan thì không may mắn như thế, toàn bộ đều chết dưới sự tàn sát của người Khuyển Nhung, ngay cả trẻ con mới chào đời cũng chịu cùng số phận. Thám báo lúc trước đưa tin về có nói, hai mươi tám thành trì lân cận Mỹ Lâm Quan không một bóng người, tất cả dân chúng trong thành, không phân biệt già trẻ lớn bé hay nam nữ gì, đều bị người Khuyển Nhung lôi ra khu rừng cách thành hai mươi dặm treo cổ tập thể. Lúc thám báo chạy tới thì chỉ nhìn thấy hình ảnh kền kền bu kín trên không trung, đang rúc rỉa xác người.
Lúc nghe tin, toàn bộ tướng lĩnh Thanh Hải có mặt trong trướng đều là mãnh tướng dày dạn sa trường nhưng cũng mặt trắng bệch, hồi lâu cũng không nói được một câu. Cuối cùng, chỉ có Lương Thiếu Khanh kinh hoàng thốt lên: "Bọn chúng có còn là người không vậy?"
Đương nhiên là người, hơn nữa còn là người sống sờ sờ, đang giơ chiến đao hùng hổ đi về phía bọn họ.
Gia Cát Nguyệt bất giác nhớ những lời Sở Kiều từng nói khi bọn họ rời khỏi Thanh Hải. Đây không phải là một cuộc chiến bình thường, đây không phải là trận tranh đoạt lãnh thổ giữa Đại Yến và người Khuyển Nhung từ quan ngoại, đây chính là một nền văn hóa muốn thôn tính một nền văn hóa khác, là sự dã man muốn nhuốm máu hủy diệt văn minh. Trong cuộc chiến này, không ai có thể làm ngư ông đắc lợi hay ở đằng sau chờ cướp thời cơ. Nếu để người Khuyển Nhung chiếm thế thượng phong, cho dù bọn họ có thể nhân lúc Đại Yến suy yếu giành lại vài mảnh đất thì sau đó sẽ phải trả giá đắt gấp mười gấp trăm lần.
Lúc được tin từ thám báo, hắn mới đột nhiên hiểu rõ lời nói này của nàng.
Đứng trước tình hình này, để tranh đấu nội bộ tồn tại chẳng khác gì tự hủy tường thành bảo vệ của bản thân. Đối mặt với kỵ binh Khuyển Nhung hung hãn, đối mặt với phương thức tác chiến tàn bạo như vậy, không ai có thể chỉ bo bo giữ thân, không ai được phép ngồi không hưởng lộc cả.
Trận thủ thành Bắc Sóc giành được đại thắng, hỏa pháo Sở Kiều phát minh trong lúc bảo vệ Xích Độ năm xưa đã phát huy tác dụng cực lớn.
Giằng co liên tục suốt nửa tháng, bên Khuyển Nhung thương vong nặng nề. Cuối cùng, bộ lạc Hắc Thủy bại trận trước, gã thủ lĩnh hoảng loạn dẫn tàn quân bỏ trốn khiến cánh trái của Khuyển Nhung hoàn toàn bỏ trống. Sở Kiều nhân cơ hội tiêu diệt phòng thủ cách trái của địch, làm tê liệt liên lạc giữa trung quân và cánh phải địch. Sau đó, nàng thuận thế tấn công dồn dập, khiến người Khuyển Nhung đánh trận nào bại trận đó. Bảy mươi vạn đại quân còn sống tựa như gặp phải đại dịch, các thủ lĩnh bộ lạc thi nhau dẫn thân binh chạy trốn.
Thừa thắng xông lên, Sở Kiều hạ lệnh phân liên quân thành bảy đạo chia ra đến bảo vệ Thanh Hải, Biện Đường, Bắc Địa bên Triệu Triệt, Bắc Địa bên Triệu Dương, Hoài Tống, Đại Yến và Bắc Yến, vừa đi vừa đuổi giết tàn binh của Khuyển Nhung.
Trách nhiệm của Gia Cát Nguyệt chính là khu vực núi Lạc Nhật, vị trí chủ chốt của cao nguyên Bắc Yến.
"Cấp báo ~!" Một thám báo nhanh chóng quay lại, lập tức tung mình khỏi ngựa, tay giơ cao một vật, nói to: "Vương, chiến dịch ở Thượng Thận vẫn chưa kết thúc, lần này quân Yến chỉ có ba ngàn kỵ binh, do hoàng đế Đại Yến dẫn đầu."
"Yến Tuân?" Gia Cát Nguyệt nhíu mày, cúi đầu nhìn lại, trong tay thám báo quả nhiên là kim tiễn của Yến Tuân.
Hắn im lặng nhìn mũi tên kia, mày khẽ chau, không nói tiếng nào. Lương Thiếu Khanh đứng bên cạnh nghe vậy thì buột miệng hỏi: "Sao hắn lại đến đây? Còn chỉ dẫn theo chừng ấy binh?"
"Lập tức truyền lệnh cho Nguyệt Thất điều thêm hai đội kỵ binh tấn công chủ lực của bên Khuyển Nhung. Bằng mọi giá phải xác minh được thân phận của kẻ cầm quân."
"Rõ!"
Trời sập tối, tiếng chém giết vẫn vang vọng như sấm, mặt trăng lên cao rồi lại rơi xuống. Gia Cát Nguyệt ngồi trong trướng suốt đêm không ngủ, trước bình minh, Nguyệt Thất cuối cùng cũng gửi tin về, có thể gần như khẳng định người trấn giữ doanh trại địch nơi này chính là Đại hãn của Khuyển Nhung.
Gia Cát Nguyệt cong môi nở một nụ cười nhạt, thảo nào, thì ra con sói đầu đàn đang ở đây, thảo nào Yến Tuân lại đích thân dẫn tinh binh chạy đến.
"Chuẩn bị giáp!" Gia Cát Nguyệt đứng dậy, ra lệnh. Ngay sau đó liền có thân vệ mang giáp trụ vào trong.
Thanh Hải vương mặc chiến giáp xanh thẫm, khoác áo choàng bạc, cầm chiến đao sải bước đến bên chiến mã. Kèn hiệu nhất thời vang vọng khắp quân doanh, Lương Thiếu Khanh vọt ra khỏi trướng của mình, kích động chạy tới nắm lấy cương ngựa của Gia Cát Nguyệt, hét to: "Vương, chớ có giả ngu với ta! Tiểu Kiều đã đặc biệt dặn ta coi chừng không cho vương tự mình ra trận!"
Gia Cát Nguyệt bất đắc dĩ nhìn hắn rồi khoát tay với phía sau, lập tức có người tiến lên kéo Lương đại học sĩ về trướng của mình.
"Ngươi – ngươi – ngươi, đồ nói mà không giữ lời! Tiểu Kiều sẽ mắng ta đến chết mất!" Tiếng hét như heo bị mổ vang lên, chấn động đến cả binh sĩ đang hăng hái chuẩn bị tác chiến.
Gia Cát Nguyệt lẳng lặng quay đầu nhìn về phía chiến trường đỏ lửa trước mặt, trầm giọng ra lệnh: "Lên đường."
Đại quân *rầm rập* xuất hành.
Cùng một lúc, ở cách đó không xa, một người đi đến cạnh Yến Tuân thấp giọng nói: "Hoàng thượng, Thanh Hải vương tự mình dẫn binh đến."
"Thế à?" Yến Tuân lãnh đạm đáp lời, sau lại hơi nhíu mày, chẳng rõ vì sao, cảm giác phấn chấn thời niên thiếu khi bị giam cầm muốn thoát ra chợt ùa về, hắn nói bằng giọng hết sức kiên định: "Nhất định phải bắt được Đại hãn Khuyển Nhung trước quân Thanh Hải."
"Mạt tướng tuân lệnh!"
Đại quân Yến nhanh chóng xuất phát, để lại bụi mù cuồn cuộn sau lưng.
- Chương 001: Toà án quân sự
- Chương 002: Vũ dục lai sơn*
- Chương 003: Vì nước vong thân
- Chương 005: Ngậm máu nuốt cay
- Chương 004: Bãi săn hoàng gia
- Chương 006: Nợ máu phải trả bằng máu
- Chương 007: Đi hay ở
- Chương 008: Máu nhuộm đại môn
- Chương 009: Kinh gia diệt vong
- Chương 010: Vừa mới bắt đầu
- Chương 011: Yến thế tử
- Chương 012: Phương thức sinh tồn
- Chương 013: Liên tiêu đái đả*
- Chương 014: Hư ảo giả tạo
- Chương 015: Kim phong ngọc lộ*
- Chương 016: Đêm trên cánh đồng tuyết
- Chương 017: Mỗi người một ngả
- Chương 018: Ngụy thị môn phiệt
- Chương 019: Được cứu
- Chương 020: Học cưỡi ngựa
- Chương 021: Chó ngáp phải ruồi
- Chương 022: Nghi ngờ
- Chương 023: Gặp chiêu tiếp chiêu
- Chương 024: Cơ hội
- Chương 025: Mượn đao giết người
- Chương 026: Ai nhanh hơn ai
- Chương 027: Thay đổi kế hoạch
- Chương 028: Thanh mai trúc mã
- Chương 029: Đại loạn tương khởi*
- Chương 030: Thân và tâm khác biệt
- Chương 031: Chạy tìm đường sống
- Chương 032: Khúc ca quân hành
- Chương 033: Họa phúc cùng hưởng
- Chương 034: Đội tuyết trở về
- Chương 035: Xông vào hang hổ
- Chương 036: Quan ải như sắt
- Chương 037: Bị bắt giam
- Chương 038: Bên nhau dưới trăng lạnh
- Chương 039: Gió lớn nổi lên
- Chương 040: Mối hận thiên cổ
- Chương 041: Huyết lệ*
- Chương 042: Lệ chảy thành sông
- Chương 043: Cuối cùng sẽ có một ngày như thế
- Chương 044: Thời gian thấm thoát thoi đưa
- Chương 045: Năm tháng phảng phất
- Chương 046: Hai đứa trẻ ngày xưa
- Chương 047: Bằng hữu từ xa đến
- Chương 048: Hậu duệ quý tộc thiên triều
- Chương 049: Thập Tam hoàng tử
- Chương 050: Thua ở đâu
- Chương 051: Mục Hợp thiếu chủ
- Chương 052: Bắt đầu báo thù
- Chương 053: Áo lông chồn
- Chương 054: Không biết sống chết
- Chương 055: Gặp lại Gia Cát Nguyệt
- Chương 056: Quốc yến Đại Hạ
- Chương 057: Oan gia ngõ hẹp
- Chương 058: Hoàng tước tại hậu*
- Chương 059: Thiên tử tứ hôn
- Chương 060: An ủi dịu dàng
- Chương 061: Dạ yến đính hôn
- Chương 062: Thẳng tay đánh Thái tử
- Chương 063: Cực phẩm thái tử
- Chương 064: Kẻ ác cúi đầu
- Chương 065: Cường ngạnh ép gả
- Chương 66: Họa thủy
- Chương 067: Ngũ long tranh mỹ nhân
- Chương 068: Chia đường
- Chương 069: Gặp nạn tại trường săn
- Chương 070: Xuống tay nhanh gọn
- Chương 071: Ám sát khó khăn
- Chương 072: Nhu tình thiết cốt*
- Chương 073: Hoàng hậu tạ thế
- Chương 074: Bắc Yến độc lập
- Chương 075: Mây đen trước trận chiến
- Chương 076: Ngự tiền hối hôn (Hối hôn trước mặt thánh giá)
- Chương 077: Trời đổi sao dời
- Chương 078: Nhuộm máu thành Chân Hoàng
- Chương 079: Huyết hải thâm cừu
- Chương 080: Hai bờ Thiên Nhai
- Chương 081: Thẳng hướng Biện Đường
- Chương 082: Thư sinh giữa đường
- Chương 083: Tái nhập nô tịch
- Chương 084: Đầu thành Hiền Dương
- Chương 085: Lý Sách đại hôn
- Chương 086: Chiêm phủ nội loạn
- Chương 087: Giương oai ở Chiêm phủ
- Chương 088: Thiếu nữ mơ mộng
- Chương 089: Xuân sắc vô biên
- Chương 90: Gặp lại cố nhân
- Chương 091: Oan gia gặp lại
- Chương 092: Nhậm chức
- Chương 93: Vó ngựa đạp trên bùn
- Chương 94: Gần đến Biện Đường
- Chương 95: Xúi quẩy đụng độ
- Chương 96: Cảnh xuân trong phòng tắm
- Chương 97: Thiếu ngươi một mạng
- Chương 098: Yến Tuân công kích
- Chương 099: Vẽ mi trong khuê phòng
- Chương 100: Thù lớn chưa trả
- Chương 101: Sánh vai chiến đấu
- Chương 102: Nguy cơ chạm mặt
- Chương 103: Ta sẽ chờ xem
- Chương 104: Tín ngưỡng cả đời
- Chương 105: Bất chợt thăng chức thành cha mẹ
- Chương 106: Mưa gió kéo đến
- Chương 107: Chiến đấu trong đêm mưa
- Chương 108: Nhìn thấy Yến Tuân
- Chương 109: Ta không làm được!
- Chương 110: Lý Sách đào hôn
- Chương 111: Ban đêm dạo Đường Kinh
- Chương 112: Vị Thái tử đa tình
- Chương 113: Đêm ngồi trò chuyện bên bờ hồ lấp lánh sao
- Chương 114: Nhu tình cuối hạ
- Chương 115: Trói buộc
- Chương 116: Tề tụ ở cổ thành
- Chương 117: Từ biệt bên hồ lạnh
- Chương 118: Ngô đồng vạn dặm
- Chương 119: Lý Sách khẩu chiến
- Chương 120: Ngươi quá non nớt
- Chương 121: Nam tranh nữ chiến
- Chương 122: Tắm máu Đường Kinh
- Chương 123: Thư sinh xúi quẩy
- Chương 124: Cứu tinh đến
- Chương 125: Thư sinh biện luận
- Chương 126: Trên đỉnh Mi Sơn
- Chương 127: Yến Sở tụ hội
- Chương 128: Lý luận quân sự hiện đại
- Chương 129: Gió Bắc Sóc
- Chương 130: Bắc Yến thức tỉnh
- Chương 131: Thâm tình mênh mông
- Chương 132: Hồng nhạn đưa tin
- Chương 133: Chuyện trước kia
- Chương 134: Bắc phạt bắt đầu
- Chương 135: Trận chiến dưới chân núi Lạc Nhật
- Chương 136: Tinh quang nơi chiến địa
- Chương 137: Vương giả trở về
- Chương 138: Chiến tranh Bắc phạt kết thúc
- Chương 139: Ta trở về rồi
- Chương 140: Êm đềm như nước
- Chương 141: Cành trúc xanh biếc
- Chương 142: Ánh trăng mênh mang
- Chương 143: Tâm duyệt quân hề*
- Chương 144: Huynh làm sao vậy?
- Chương 145: Gặp mặt kẻ thù
- Chương 146: Dưới gốc cổ thụ
- Chương 147: Huynh tự bảo trọng
- Chương 148: Tâm như tang điền*
- Chương 149: Đại chiến bắt đầu
- Chương 150: Song hùng hội tụ
- Chương 151: Tâm như tro tàn
- Chương 152: Hoàng tuyền trong gang tấc
- Chương 153: Tiếng pháo giòn tan
- Chương 154: Thấm thoắt đã hai năm
- Chương 155: Đoạn tuyệt
- Chương 156: Tự do vạn tuế
- Chương 157: Bi ca ngút ngàn
- Chương 158: Thanh Hải vương
- Chương 159: Biển người lớp lớp
- Chương 160: Chỉ nguyện khanh bình yên
- Chương 161: Trong ánh đèn mông lung
- Chương 162: Còn sống thật tốt quá
- Chương 163: Giấc mộng kê vàng*
- Chương 164: Gió Bắc ẩn tình
- Chương 165: Cao tay bày kế
- Chương 166: Sớm sớm chiều chiều
- Chương 167: Nam Bắc ngược đầu
- Chương 168: Bình nguyên nổi gió
- Chương 169: Người thương đi xa
- Chương 170: Cuộc sống điền viên
- Chương 171: Trùng phùng giữa đường
- Chương 172: Chờ chàng trở lại
- Chương 173: Đại Đường biến động
- Chương 174: Hổ dữ ăn thịt con
- Chương 175: Hải đường vẫn như xưa
- Chương 176: Đại Đường phồn vinh
- Chương 177: Tú Lệ hoàng phi
- Chương 178: Lấy giang sơn làm vật cược
- Chương 179: Thẳng thắn bộc lộ
- Chương 180: Động phòng hoa chúc
- Chương 181: Kim phong ngọc lộ
- Chương 182: Lần lượt gặp lại cố nhân
- Chương 183: Sống chết không rời
- Chương 184: Không sợ khi có chàng
- Chương 185: Nghĩa trang Yến thị
- Chương 186: Gặp mặt tình địch
- Chương 187: Thiên tử băng hà
- Chương 188: Quân Yến tựa sóng triều
- Chương 189: Sinh mạng mới giữa thời loạn
- Chương 190: Trùng phùng
- Chương 191: Thiên hạ ở trước mắt, nắm hay buông? (Đại kết cục)
- Ngoại truyện 1: Ý thu
- Ngoại truyện 2: Âm dương
- Ngoại truyện 3: Người đã khuất
- Ngoại truyện 4: Huyền Mặc
- Ngoại truyện 5: Lễ tế
- Ngoại truyện 6: Hoa lê
- Ngoại truyện 7: Vảy ngược
- Ngoại truyện 8: Thanh Hải
- Ngoại truyện 9: Trân châu
- Ngoại truyện 10: Thép cứng
- Ngoại truyện 11: Lang yên*
- Ngoại truyện 12: Danh tướng
- Ngoại truyện 13: Luân hồi