Chương 10: Vân thiều lục nữ
Xe ngựa băng qua con phố rộng thênh thang của Trường An rồi dừng lại ở Ngạc vương phủ.
Hoàng Tử Hà vừa theo Lý Thư Bạch xuống xe, ngẩng lên đã thấy Ngạc vương Lý Nhuận đứng ngay trước cổng. Vẫn nguyên dáng vẻ thanh tú thoát tục, gương mặt y tươi cười, dáng vẻ ôn nhu cao quý. Đường nét gương mặt vốn hơi yếu đuối, song được nốt ruồi son giữa trán tôn lên, tức thì trở nên rạng rỡ tươi tắn, rành rành là một mỹ nam.
Lý Nhuận mỉm cười gật đầu với Hoàng Tử Hà rồi bước tới nghênh đón Lý Thư Bạch, "Hôm nay chẳng phải Tứ ca nghị sự với Hải Thanh vương của Hồi Hột tại cung Đại Minh ư? Sao rảnh rỗi tới chơi vậy?"
"Có việc gì quan trọng đâu, chỉ làm theo thông lệ mà thôi. Ông ta tặng cho ta một chuỗi tràng bằng tử đàn vàng, ta nghĩ chắc đệ thích, nên đem đến tặng."
"Đúng là Tứ ca hiểu đệ nhất!" Lý Nhuận vui vẻ đón lấy, dùng đầu ngón tay vân vê từng hạt một, đoạn mời mọc, "Tứ ca vào nhà chơi, gần đây đệ kiếm được thứ trà trời ban, mới ra năm nay đấy, lát nữa ta sẽ pha trà cùng thưởng thức."
Lò đất hồng, cành thông mảnh. Cửa giả bốn bề sảnh đều mở toang, ngoài song lại dẫn một khe suối nhỏ, bày mấy hòn đá trắng, trồng một vạt thông thấp, đầy ý thơ tao nhã.
Hoàng Tử Hà bưng ly trà lên nhấp một ngụm, ngẩn đầu nhìn lên vách sảnh đương treo hai câu thơ của Vương Duy. Một câu là gió thông đùa nới dải, trăng núi soi gảy đàn(*). Một câu là trên đá xanh suối chảy, kẽ lá tùng trăng lùa(**)
(*) Trích trong bài Mời rượu Trương thiếu phủ.
(**) Trích trong bài Chiều thu trong núi.
Lý Thư Bạch bình phẩm, "Có thông, có suối, có đá, lại có khung cửa tròn như trăng, quả đã bước vào ý thơ của Ma Cật(*) vậy."
(*) Ma Cật là tên chữ của Vương Duy.
Hoàng Tử Hà hiểu ngay y định mượn cớ nói đến chuyện gì, bèn thẽ thọt góp một câu, "Nếu có thêm đàn, thì mới đủ mười phần ý thơ."
"Sùng Cổ nói phải, vừa hay chỗ đệ đang sẵn có một cầm sư." Lý Nhuận gật đầu, đoạn sai người đi mời Trần Niệm Nương. Chẳng bao lâu sau, Trần Niệm Nương ôm đàn bước vào, trong lúc hành lễ, nhác thấy Hoàng Tử Hà, bà ta lộ vẻ mừng rỡ, khẽ gật đầu chào cô, "Dương công công."
Bàn tay phải đang đút trong tay áo của Hoàng Tử Hà bất giác giật nảy lên, trong tay áo cô có một vật nho nhỏ được bọc bằng vải trắng. Cô bất giác lo ngại, nghĩ thầm, đây là viên ngọc có khắc tên bà mà Phùng Ức Nương đến chết cũng không rời đây.
Lòng cô thoáng thê lương song ngoài mặt vẫn tươi cười với bà ta, "Trần nương, bộ Hộ vẫn chưa tra được tin tức về lệnh sư tỷ, xem ra phải đợi ít lâu nữa."
Trần Niệm Nương gật đầu, dung mạo bà ta đã tiều tụy đôi phần, song ngón đàn vẫn khiến người ta phải trầm trồ như thế, một khúc vạn khe hòa, thánh thót luồn qua rặng thông, lại qua dòng suối, làm người nghe quên hết thế tục.
Lý Thư Bạch tấm tắc, "Bấy nhiêu cầm sư trong giáo phường chẳng ai bì được Trần cầm sư."
Lý Nhuận cười nói, "Đúng thế, giờ đây hẳn Trần cầm sư phải là quốc thủ rồi."
Lý Thư Bạch điềm nhiên nhắc, "Sùng Cổ, ta nhớ lần trước ngươi nghe Trần cầm sư diễn tấu trở về, nhiều lần ngơ ngẩn thất thần, còn âm thầm đi tập đàn, hôm nay có dịp, còn không mau thỉnh giáo Trần cầm sư?"
Hoàng Tử Hà thực bội phục bản lĩnh nói dối không chớp mắt của y, vội thuận nước đẩy thuyền, giúp Trần Niệm Nương cất đàn vào túi, lại ôm hộ cả cây đàn về phòng. Lý Nhuận đãi Trần Niệm Nương như thượng khách, tiểu viện bà ta ở nằm bên mé Đông vương phủ, trong sân trồng đầy thúy trúc, thoáng mát mà u tĩnh.
Trần Niệm Nương ngồi xuống sửa lại mấy dây, miệng giảng giải, "Đàn là môn phải khổ công cả đời, ta thấy tiểu công công thường bận rộn, muốn dốc lòng học đàn e rằng rất khó. Nếu công công chỉ hứng khởi nhất thời thì học mấy khúc dễ gảy là đủ. Cung, thương, giốc, chủy, vũ và mấy loại thế tay, thế ngón đã học qua rồi chứ?"
Hoàng Tử Hà liền thỉnh giáo, Trần Niệm Nương cũng chỉ bảo cặn kẽ từng điều, chớp mắt mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, người hầu của vương phủ cũng đưa đồ ăn tới cho họ.
Thấy Trần Niệm Nương ăn rất ít, Hoàng Tử Hà bèn khuyên nhủ, "Trần nương, gần đây bà có vẻ gầy quá, xin bà đừng quá lo âu, phải giữ gìn lấy thân thể. Tôi nghĩ Phùng nương nhất định cũng không muốn thấy bộ dạng tiều tụy thế này của bà đâu."
Trần Niệm Nương ngẩng lên nhìn cô, gượng cười, "Đa tạ tiểu công công, song giờ đây ta không ăn ngon ngủ yên được, hễ nhắm mắt lại thấy gương mặt Ức Nương, chắc công công không hiểu được cảm giác ấy đâu. Mười mấy năm nay, hai tỷ muội nương tựa vào nhau, giờ Ức Nương để lại ta một mình, thực chẳng biết phải sống tiếp ra sao nữa."
Hoàng Tử Hà bất giác vỗ nhẹ lên tay bà ta, chạnh lòng nhớ tới cha mẹ và người thân đã vĩnh viễn bỏ mình mà đi. Cùng một lứa bên trời lận đận, song cô lại chẳng thể giải bày nông nỗi, đành lặng lẽ nắm chặt miếng ngọc dương chi nhỏ trong tay áo.
Cô trả lại Trần Niệm Nương bức họa bà ta đưa lần trước, "Tôi đã cho người phỏng lại một bức, đem theo bên người rồi, biết đâu sau này còn có thể giúp bà tìm kiếm, bà thấy có được không?"
Trần Niệm Nương trân trọng cất bức họa đi, "Dĩ nhiên là được, ta còn phải cảm tạ công công ấy chứ."
Hoàng Tử Hà lại hỏi, "Bà và Phùng nương thân thiết như thế, lẽ nào bà ta chưa bao giờ nhắc tới người nhờ vả bà ấy là ai ư?"
"Chưa từng. Ức Nương xưa nay chẳng giấu ta việc gì, song lần này lại nói đây là chuyện rất tốt, nhất định phải giúp người ta."
Hoàng Tử Hà trầm ngâm hỏi, "Phùng nương và bà hẳn không có gì giấu giếm nhau, bà nghĩ xem có người bạn cũ nào khiến bà ta cao hứng như thế chăng?"
Trần Niệm Nương so lại dây đàn, thong thả đáp, "Thực không dám giấu, tuy chúng ta lớn lên bên nhau, lại cùng học nghệ, nhưng Ức Nương mệnh bạc, từng bị bán vào lầu xanh, may sao không lâu sau có vị khách chuộc thân cho, rồi theo người ta đến Dương Châu, về sau vì đại phu nhân trong nhà khắc nghiệt nên Ức Nương phải cầm một món tiền ra đi, mua một căn nhà nhỏ, vào Vân Thiều Uyển Dương Châu làm cầm sư. Còn ta vẫn ở Lạc Dương, mãi đến mấy năm sau nhận được thư, mới biết Ức Nương đang ở Dương Châu. Thư rằng, Niệm Nương, năm xưa lúc trẻ chúng ta từng thề sống chết có nhau, nay nếu có lòng, thì có thể nương tựa nhau đến già..."
Kể đến đây, Trần Niệm Nương cũng lã chã hai hàng nước mắt. Dẫu dung nhan chẳng cách nào trẻ lại song nước mắt vẫn trong veo, "Bấy giờ ta ở Lạc Dương, thường đến các nhà vọng tộc dạy đàn, cuộc sống không có gì phải lo lắng. Song nhận được thư Ức Nương bèn gói ghém mấy bộ đồ đơn giản nhất, xuôi Nam xuống Dương Châu. Ức Nương không bao giờ nhắc lại cuộc sống mấy năm trước đó, ta cũng không muốn nói đến quá khứ của mình, bởi chúng ta đều hiểu, giữa đôi bên không cần phải nói làm chi nữa."
Bởi vậy, người bạn cũ của bà ấy, Niệm Nương cũng chẳng biết là ai ư?
Trần Niệm Nương thấy cô vẫn trầm tư, liền hỏi, "Tiểu công công, chuyện này có liên quan gì tới việc tìm kiếm Ức Nương không?"
Hoàng Tử Hà ngập ngừng một thoáng rồi gật đầu, "Có điều phía bộ Hộ chưa tìm thấy ghi chép, nên tôi định âm thầm tự tra xét xem, gần đây trong cung xảy ra vài việc, tôi và người của bộ Hình cũng như Đại Lý Tự có gặp nhau, nên tôi nghĩ không biết có thể nhân cơ hội này giúp bà tìm Ức Nương hay không."
Trần Niệm Nương vái cô một vái thật dài, đoạn nói, "Đa tạ tiểu công công! Có gì xin cứ hỏi, nếu biết ta nhất định sẽ nói, đã nói nhất định sẽ nói hết."
Hoàng Tử Hà vội đỡ bà ta dậy, "Theo tôi nghĩ, việc quan trọng nhất là tra xem người nhờ bà ấy vào kinh là ai."
"Trước đây ta cũng muốn dò hỏi, nhưng mà..." Trần Niệm Nương nghẹn ngào, "Có điều, ta quả không có manh mối gì cả..."
Hoàng Tử Hà trầm ngâm, "Tôi nghĩ, người có thể nhờ vả một cầm sư thì thân phận hẳn là tương tự hoặc xuất thân tương tự như bà ấy, ít nhất cũng không phải khách khứa đến nghe hát mà nhiều khả năng là tỷ muội trong Vân Thiều Uyển, hơn nữa có lẽ đã rời khỏi Vân Thiều Uyển, nên mới gọi là bạn cũ."
"Ồ, nếu về chuyện này thì ta nghĩ, có lẽ là... người mà Ức Nương quen biết trong giai đoạn chúng ta ly tán." Trần Niệm Nương bấm đốt tay nhẩm tính, rồi cặn kẽ kể ra, "Ức Nương sống cùng ta bấy nhiêu năm, các mối quan hệ cũng rất đơn giản, sau khi đến Vân Thiều Uyển, những người Ức Nương quen thì ta đều quen cả. Bởi vậy ta nghĩ có lẽ là người bạn cũ quen biết trong mấy năm chúng ta xa nhau, ta không quen song tỷ ấy lại khá thân thiết, bằng không nhất định đã kể với ta là ai nhờ vả mình đưa con gái người bạn cũ lên kinh rồi."
"Bà và Phùng nương mất liên lạc với nhau từ khi nào? Chẳng hay người biết chuyện khi ấy còn sống không?"
"Từ mười lăm năm trước rồi. Vân Thiều Uyển là phường ca múa, người đến kẻ đi tấp nập, hôm nay còn ngồi bên nhau cười cười nói nói, chớp mắt đã ai đi đường nấy, huống hồ là chuyện đã mười lăm năm. Những người già năm xưa giờ đa phần biệt tăm biệt tích rồi."
"Song tôi nghĩ, mười mấy năm rồi còn có thể gửi gắm một việc quan trọng như thế, hẳn không phải người quen sơ, ít nhất thời ấy cũng từng xảy ra chuyện gì đó, nên đến giờ bà ấy vẫn ghi nhớ trong lòng." Hoàng Tử Hà nghĩ ngợi, "Mười mấy năm nay, lẽ nào Ức Nương chưa từng nhắc đến với bà ư?"
Trần Niệm Nương trầm ngâm hồi lâu, chợt à lên một tiếng, "Vân Thiều Lục Nữ..."
Vừa nghe nhắc Vân Thiều Lục Nữ, Hoàng Tử Hà lập tức nhớ tới câu chuyện Cẩm Nô kể. Cô vội gặng, "Niệm Nương, bà nói rõ cho tôi nghe được không?"
"Đó là sáu tỷ muội đứng đầu các danh kỹ Dương Châu mười mấy năm trước, cùng dựng nên Vân Thiều Uyển, hai chữ 'Vân Thiều' lấy từ 'Vân Thiều Phủ' của Tắc Thiên hoàng đế(*) năm xưa. Đến nay trong Vân Thiều Uyển vẫn thờ thanh đoản kiếm năm xưa Tắc Thiên hoàng đế dùng để thuần phục ngựa đó."
(*) Năm Như Ý thứ nhất (692) Võ Tắc Thiên đổi tên gọi "giáo phường" thành "Vân Thiều Phủ". Đến thời Đường Trung Tông mới đổi lại là "giáo phường".
Một phường ca múa lại đi thờ một thanh đoản kiếm, khiến Hoàng Tử Hà không khỏi tò mò, "Lưỡi dao của Tắc Thiên hoàng đế dùng khi thuần phục ngựa ư? Sao lại thất lạc đến tận Dương Châu?"
"Đại tỷ trong Vân Thiều Lục Nữ là hậu duệ của Công Tôn Đại Nương, năm xưa kiếm thuật của Công Tôn Đại Nương lừng danh thiên hạ, được Huyền Tông hoàng đế ban cho đoản kiếm đó. Sau loạn An Sử, đệ tử của Công Tôn Đại Nương là Lý Thập Nhị Nương lại truyền đoản kiếm ấy cho đồ tôn, chính là Vân Thiều đệ nhất nữ Giang Hoành Ba."
"Vậy trong sáu người, Ức Nương thân với ai nhất?"
"Lúc ta tới thì chỉ còn đại tỷ Giang Hoành Ba mà thôi, nghe nói năm người kia trong mấy năm hoặc đã xuất giá hoặc đã bỏ đi rồi. Song thỉnh thoảng Ức Nương cũng nói, nếu năm xưa không nhờ Vân Thiều Lục Nữ thì tỷ ấy chẳng tài nào thoát nổi nhà tay lái buôn từng chuộc thân giúp. Hình như đại phu nhân của người đó muốn bán tỷ ấy đi, may mà các tỷ muội ở Vân Thiều Uyển mến tài nên ra sức điều đình với bà ta, mới chuộc thân được về. Chỉ đáng tiếc xuất giá xong, thỉnh thoảng lắm họ mới có thư gửi về, trừ đại tỷ Giang Hoành Ba và tam tỷ Lan Đại ra, ta chưa từng gặp những người khác. Bọn họ nổi danh trong chốn yên hoa, nhưng dẫu sao cũng xuất thân từ phường ca múa, ta nghĩ... khó lòng đặt chân được vào chốn danh gia vọng tộc."
Hoàng Tử Hà lặng lẽ gật đầu, tuy vẫn không thể xác định được người nhờ cậy Ức Nương có phải một trong Vân Thiều Lục Nữ hay không, nhưng dẫu sao cũng có chút manh mối. Sực nhớ ra một chuyện, cô lại hỏi, "Phải rồi, Trần nương! Bà đến từ Vân Thiều Uyển, vậy có quen Cẩm Nô không?"
"Hẳn là quen rồi. Lần trước ta được vinh hạnh biểu diễn cho các vị vương gia xem cũng là nhờ Cẩm Nô giới thiệu, bằng không sao có thể gặp mặt quý nhân chứ?"
"Bà kể cho tôi nghe vài chuyện về Cẩm Nô được không?" Hoàng Tử Hà nắm lấy tay bà ta hỏi, "Ví như, cuộc sống lúc trước của cô ấy, thân thiết với những người nào, hoặc... các tỷ muội xung quanh thế nào chẳng hạn."
Trần Niệm Nương vắt óc nghĩ ngợi, đoạn cau mày đáp, "Vân Thiều Uyển rất đông ca kỹ, có điều ta giỏi đàn mà Cẩm Nô thạo tỳ bà, hai ngón đó đều thuộc gác Băng Huyền nên ngày thường thi thoảng cũng gặp nhau, song chẳng qua chỉ gật đầu chào hỏi qua loa thôi. Tại Dương Châu, tài nghệ của cô ấy được coi là mười phần xuất chúng trong lớp trẻ, dáng người xinh đẹp, lại thích bày tiệc rong chơi, là kẻ ham vui nổi tiếng, con cháu nhà giàu hoặc quan lại giao du với cô ấy không biết bao nhiêu mà kể, song thân thiết hình như chẳng có ai. Chắc công công cũng biết, tuy Cẩm Nô sống phóng đãng song tính tình rất tốt, khéo ứng xử, lại nhiệt tình với người khác. Lần này ta lưu lạc trong kinh, cô ấy chẳng qua chỉ tình cờ đi ngang trông thấy, vậy mà tức tốc nhảy từ trên xe của Chiêu vương xuống hàn huyên, biết được tình cảnh bèn thuê giúp ta một căn phòng trọ dài ngày. Ta thấy trong giáo phường cô ấy cũng là người biết cư xử, còn về các tỷ muội ở Dương Châu hay ở đây thì ta không rõ."
Hoàng Tử Hà đành tìm một chuyện chẳng mấy quan trọng hỏi tiếp, "Nghe nói sư phụ cô ấy tên Mai Vãn Trí, là một trong Vân Thiều Lục Nữ?"
"Chuyện này ta cũng chỉ nghe nói. Năm xưa tại Vân Thiều Uyển, Mai Vãn Trí được coi là đứng đầu về nhạc cụ, lúc Cẩm Nô năm tuổi được bà ta nhặt về, coi như con gái, về sau Mai Vãn Trí sinh một con gái tên Tuyết Sắc, mọi người đều nói bà ấy đối với Tuyết Sắc còn không bằng đối với Cẩm Nô."
"Tuyết Sắc... Huyết Sắc(*)?" Hoàng Tử Hà nhẩm lại hai chữ này, đột nhiên trong nháy mắt, một tia chớp xẹt qua khiến đầu óc cô lạnh buốt, rồi lại nóng bừng lên.
(*) Trong tiếng Trung, hai chữ Tuyết Sắc và Huyết Sắc phát âm tương tự nhau
Trần Niệm Nương không hề nhận thấy biểu hiện khác lạ của Hoàng Tử Hà, chỉ nói, "Đúng vậy, Tuyết Sắc. Chồng Mai Vãn Trí là một họa sư họ Trình, rất đẹp, vẽ cũng rất giỏi, nhưng suy nghĩ không giống người thường. Người bình thường đặt tên hay chọn tên Hoa tên Yến, còn ông ta lại đặt tên cho con là Tuyết Sắc, khiến rất nhiều người nghe lầm thành 'Huyết Sắc', chỉ biết nhăn nhó cười khổ cho đứa con gái xinh đẹp của Mai Vãn Trí."
Hoàng Tử Hà cảm thấy mây mù trước mắt mình đang từ từ tan ra, không kềm chế được chộp lấy tay Trần Niệm Nương gặng hỏi, "Trần nương, vậy Tuyết Sắc con gái Mai Vãn Trí giờ ra sao rồi?"
Trần Niệm Nương ngạc nhiên nhìn Hoàng Tử Hà, rõ ràng không hiểu tại sao đang nói về Cẩm Nô lại đột ngột quay sang hỏi chuyện Tuyết Sắc. Song bà ta cũng đành chiều theo, rù rì kể lại, "Đứa con gái ấy của Mai Vãn Trí, có thể nói là số vất vả. Chưa đầy năm tuổi thì mẹ qua đời, cha con dắt díu nhau về quê cũ ở Liễu Châu, song cha nó chẳng có nghề kiếm sống, vẽ tranh dù sao cũng không đủ kiếm ăn qua ngày, ông ta đã đói khổ lại thêm bệnh tật, cuối cùng khi nó mười tuổi, người cha nhắm mắt xuôi tay. Thân thích họ hàng trong nhà xưa nay vẫn lom lom dòm ngó như hổ đói liền xồ đến chiếm luôn nhà nó, khiến nó không chốn dung thân, bị người ta chà đạp. Về sau có mấy người khác trong Vân Thiều Lục Nữ biết cảnh ngộ của nó, mới gọi đến Dương Châu. Lúc nó đến ta đã ở Vân Thiều Uyển rồi, chỉ thấy một đứa bé mười ba tuổi, gầy gò bẩn thỉu, vậy mà có thể bôn ba ngàn dặm đến tận Dương Châu. Bấy giờ tất cả người ở đó đều ròng ròng nước mắt, nhớ lại năm xưa Mai Vãn Trí lộng lẫy xinh đẹp, diễm lệ cao sang như thế, chỉ để lại một đứa con gái, vậy mà lại lâm vào cảnh ngộ ấy..."
"Vậy Tuyết Sắc hiện giờ ở đâu?"
"Lan Đại đón nó đến ở với bà ấy, ta cũng chỉ thỉnh thoảng gặp nó ở Vân Thiều Uyển mà thôi, đa phần là vào dịp lễ tết, những khi Vân Thiều Uyển bận rộn, dàn ca múa hoặc hợp tấu thiếu một hai chân, nó thường theo Lan Đại tới giúp đỡ."
"Ồ... cô ấy biết đánh đàn ư?"
"Biết, nó từng theo học Ức Nương một thời gian. Tay nó rất đẹp, xương ngón tay dài mà có lực, thực ra rất hợp học cầm sắt tỳ bà, song chẳng rõ vì sao lại học rất chậm, thiếu ngộ tính, mọi người đều than rằng tư thái phong hoa tuyệt đại năm xưa của Mai Vãn Trí coi như thất truyền."
"Mai Vãn Trí là một đại mỹ nhân ư?" Hoàng Tử Hà lại hỏi.
"Ta chưa gặp bao giờ, có điều nghe nói là giai nhân tuyệt sắc!" Trần Niệm Nương nói như chém đinh chặt sắt. "Bấy nhiêu năm nay, trong Vân Thiều Uyển ngày ngày đều có những mỹ nhân xuất sắc, bản thân Tuyết Sắc cũng là mỹ nữ hiếm thấy, song Ức Nương luôn nói, Tuyết Sắc còn xa mới bì nổi mẹ mình. Nếu luận về mỹ mạo, chỉ Mai Vãn Trí mới được coi là diễm lệ rạng rỡ, lộng lẫy mê người - cái gọi là riêng có mẫu đơn là quốc sắc, chỉ mình bà ấy xứng thôi."
"Ừm, tôi cũng nghe Cẩm Nô kể sư phụ cô ấy là mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành."
"Lúc Mai Vãn Trí qua đời, Cẩm Nô mới chừng mười tuổi, song xưa nay ta vẫn nghe cô ấy kể chuyện sư phụ mình, không chỉ vì Mai Vãn Trí đã nhặt cô ấy về từ lúc năm tuổi, cứu mạng cô ấy, mà Cẩm Nô thực lòng sùng kính Mai Vãn Trí. Nghe nói khi rời Vân Thiều Uyển lên kinh, cô ấy đã ôm tỳ bà quỳ trước bức họa Mai Vãn Trí suốt nửa canh giờ."
"Vậy Tuyết Sắc hoặc Mai Vãn Trí có tranh vẽ ư?" Hoàng Tử Hà hỏi.
"Mai Vãn Trí có, chồng bà ta là họa sư, nghe nói xuất thân nghèo khổ nhưng rất tài hoa. Năm xưa ông ta từng họa cho Vân Thiều Lục Nữ một bức Du xuân đồ, đủ cả sáu người, hiện do Lan Đại cất giữ."
Hoàng Tử Hà lặng lẽ gật đầu, lại hỏi, "Tôi mượn xem bức họa ấy được không?"
Trần Niệm Nương đáp, "Khó gì đâu, hiện giờ Lan Đại cũng rời khỏi Dương Châu rồi, trước khi đi còn để lại địa chỉ ở Bồ Châu, để ta viết thư bảo Tuyết Sắc đem tranh đến, chỉ mất một hai ngày thôi."
Hoàng Tử Hà mừng rỡ, "Thật ư? Vậy tốt quá rồi, nếu Tuyết Sắc có thể đích thân đem tranh đến, tôi nghĩ chuyện này ắt sẽ có bước tiến vượt bậc."
"Được, hôm nay ta sẽ viết thư cho Lan Đại ngay."
"Đa tạ Trần nương!"
"Phường ca múa ở Dương Châu..."
Trở về vương phủ, Hoàng Tử Hà liền thuật lại mọi chuyện cho Lý Thư Bạch, nghe xong y phải nhíu mày, "Sao lại dây dưa đến việc lâu đến thế, lại ở nơi xa như thế?"
"Tôi cũng không ngờ. Song xem xét đủ loại dấu vết thì dường như có liên quan thật."
Họ vừa bàn luận về vụ án, vừa theo nhịp cầu cong cong bắc ngang dòng nước thong thả đi về phía hiên Tịnh Dữu. Lý Thư Bạch xưa nay không thích nhiều người đi theo hầu hạ, nên đám thị vệ hoạn quan đều đi xa xa phía sau, chỉ mình Hoàng Tử Hà và y thả bộ trên cầu.
Ngoái lại thấy trên bờ nước và trong cánh rừng, từng ngọn đèn lồng đã lần lượt thắp lên, ánh đèn, ánh trăng và ánh sao cùng rọi xuống mặt nước dập dềnh, lấp la lấp loáng, trông hai người như đi giữa trăng sao.
Bỗng nhiên, cả hai bất giác đều dừng chân giữa cầu, nhìn xuống vầng sáng mênh mông dưới nước. Gió đêm đã ấm dần lên, tiết trời cuối xuân đầu hạ quả là rất hợp lòng người.
Lý Thư Bạch quay sang nhìn Hoàng Tử Hà đứng phía sau cách mình chừng một bước, trông thấy trăng sao lấp lánh sáng rực trong mắt cô, y cũng không khỏi khựng lại một thoáng.
Đúng lúc này, có tiếng chân huỳnh huỵch trên bờ đột ngột phá tan bầu không khí tĩnh lặng. Một kẻ đang hối hả lao lên cầu, miệng la lớn, "Vương gia! Vương gia!"
Lý Thư Bạch đưa mắt nhìn sang, thấy đám thị vệ đã ngăn kẻ kia lại, bèn quay người đi về phía đó, chỉ thấy dưới ánh đèn có một người đương hốt hoảng đứng ngay tại đầu cầu, chính là Chu Tử Tần.
Lý Thư Bạch ra hiệu cho đám thị vệ để Chu Tử Tần lên cầu, bản thân y cũng quay người đi thẳng tới ngồi trong đình trên cầu, tỏ ý mời Chu Tử Tần ngồi rồi hỏi, "Xảy ra chuyện gì thế?"
Chu Tử Tần ngồi xuống chiếc ghế đá đối diện y, sợ sệt siết chặt hai nắm tay lại, ngập ngừng mãi.
Lý Thư Bạch cau mày hỏi, "Rốt cuộc là chuyện gì thế?"
"Tôi... Tôi có lẽ..." Chu Tử Tần nói, môi tái nhợt cắt không được giọt máu run lên bần bật, gã ngước nhìn Lý Thư Bạch, lại nhìn sang Hoàng Tử Hà, hồi lâu mới rặn ra được mấy chữ lí nhí, "Có lẽ... đã giết người..."
Lý Thư Bạch nhướng mày hỏi, "Có lẽ à?"
"Chính là... tôi không nói rõ ngay được, chuyện này Sùng Cổ cũng biết đấy, tôi thực sự không định giết họ mà!"
Hoàng Tử Hà kinh ngạc nhìn Chu Tử Tần, "Sao lại liên quan đến tôi nữa?"
"Vì nạn nhân chính là mấy tên ăn mày tối qua ta đã đưa đồ ăn đến cho đó!"
Chu Tử Tần vừa dứt lời Hoàng Tử Hà đã a lên một tiếng, buột miệng hỏi, "Là mấy người tối qua ư?"
Lý Thư Bạch liếc cô, đoạn trầm giọng nói, "Tử Tần, kể rõ đầu đuôi chuyện xem nào."
"Vâng." Chu Tử Tần căng thẳng hồi tưởng lại, rồi kể bằng giọng run run, "Tối qua Thôi đại nhân mời chúng tôi đến Chuế Cẩm Lâu uống rượu, tôi nghe nói có cả vị công công từng phá vụ án Bốn Phương nhà vương gia, đoán là Sùng Cổ nên cũng tới tham dự. Cuối bữa, thấy trên bàn có mấy món ăn mới động đũa qua loa, bèn đem gói lại cho mấy tên ăn mày kia. Trước đây tôi cũng thường làm vậy, xưa nay chưa từng xảy ra chuyện gì cả."
Hoàng Tử Hà gật đầu, ý bảo lời kể của gã không có vấn đề gì.
"Sau đó, sáng nay tôi tỉnh giấc, nghe nói người của bộ Hình đang nghiệm thi bèn chạy tới xem, kết quả phát hiện... phát hiện người chết chính là mấy tên ăn mày tối qua!"
Hoàng Tử Hà hỏi, "Chắc gì đã là do đồ ăn chúng ta đưa đến có độc? Tối qua lúc ăn chúng ta có thấy gì lạ đâu."
Chu Tử Tần căng thẳng tóm lấy tay cô đáp, "Không đâu, là thật đó! Mấy người đó quả thực trúng độc mà chết.Ta nhặt được chiếc lá sen gói đồ ăn hôm qua, lén đem về nhà kiểm nghiệm, kết quả phát hiện thấy dấu vết chất kịch độc... hơn nữa còn là loại độc rất hiếm thấy ở đây."
Thấy Lý Thư Bạch liếc nhìn tay mình, Hoàng Tử Hà đành lẳng lặng rút tay lại, hỏi tiếp, "Là loại độc gì vậy?"
"Nhựa cây độc tiễn, mạn Nam Man thường gọi là 'kiến huyết phong hầu', nghe nói hễ trúng độc thì không đi được quá mười bước đã lăn ra chết, là một trong những thứ độc nhất trên đời." Chu Tử Tần cau mày, "Ở kinh thành rất hiếm thấy thứ đó, trước đây ta cũng chỉ đọc trong sách mà thôi, người trúng độc này da thịt toàn thân sẽ thâm đen lại rồi thối rữa, râu tóc móng tay và răng đều rụng hết, không thể nhận diện được, cực kỳ đáng sợ."
"Mấy tên ăn mày kia cũng bị thế ư?"
"Ừ, hiện giờ bộ Hình đã hạ lệnh, vụ án này rất đáng sợ, nhất định phải tra cho ra tên sát thủ tàn độc đó." Môi Chu Tử Tần tái nhợt, hai vai run lên bần bật, "Nhưng Sùng Cổ, công công cũng biết mà, ta... ta thực sự không có ý hại người đâu!"
Hoàng Tử Hà cau mày, "Vấn đề là chúng ta không sao cả, vậy tại sao đồ chúng ta đưa đến lại đột nhiên dính chất độc được?"
"Hơn nữa... Hơn nữa còn do chúng ta chính tay gói lại, đích thân đưa đến nữa chứ!"
Lý Thư Bạch bỗng chen vào, "Ta thấy vấn đề quan trọng nhất là kẻ nào đã hạ độc vào đồ ăn của các ngươi?"
Hoàng Tử Hà gật đầu, "Bấy giờ ở đó có Thôi đại nhân, Vương Uẩn, hai chúng tôi, mấy viên quan trong Đại Lý Tự... cả Cẩm Nô nữa."
Chu Tử Tần bấm ngón tay suy xét từng người một lượt, rõ ràng đều không thể đặt giả thiết họ là hung thủ, cuối cùng đành rầu rĩ ngẩng lên hỏi, "Sùng Cổ, công công bảo chuyện này liệu có tra đến chúng ta không?"
"Theo công tử thì sao?" Hoàng Tử Hà hỏi lại.
"Tối qua khi chúng ta đến đó, trên phố đã sắp giờ giới nghiêm nên không ai nhìn thấy cả, ta nghĩ có lẽ là... Chỉ cần chúng ta không nói ra, chắc không sao đâu nhỉ?"
"Sai nha xử lý thế nào tôi không biết, song nếu là tôi, đầu tiên sẽ cho điều tra những thức ăn còn sót lại trong dạ dày nạn nhân. Ăn mày hiếm khi được ăn mấy món ngon như vậy, nên hung thủ sẽ bị khoanh vùng là con cháu nhà giàu sang quyền quý. Đồng thời, lá sen bỏ lại hiện trường vẫn còn tươi, phần nhiều là do các quán rượu hay mua dự phòng, nếu là đồ ăn của người thường tự nấu, đều dùng lá sen khô gói lại, chứ mấy ai chuẩn bị sẵn lá sen tươi để gói đồ ăn? Phải biết địa thế kinh thành khá thấp, lại trũng, lá sen trong thành mới nhú thôi, lá sen các quán rượu thường dùng đều phải đặt sẵn từ ngư dân ở ngoại ô, sáng ra lúc đưa cá tôm đến tiện thể hái luôn, cũng xem như là hàng hiếm."
"Vậy... Vậy có thể là cố ý đánh lạc hướng, nên mới dùng lá sen tươi gói đồ ăn..."
"Có thể. Nhưng trước khi xét đến khả năng đó, đám bổ khoái hẳn đã phải sục sạo hết các quán rượu lớn, sau đó chẳng mấy chốc sẽ moi ra công tử nhà Chu đại nhân Chu Tử Tần xưa nay không bao giờ bỏ phí đồ ăn, nắm được các món tối qua công tử gói đem về, chứng cứ xác thực, có thể lập tức trình lên xin chỉ thị có nên mời công tử đến nha môn uống trà hay không rồi?"
Chu Tử Tần tức thì ngồi phệt xuống ghế, mặt tái ngắt, mắt trợn trừng.
Hoàng Tử Hà bất lực hỏi, "Hằng ngày chẳng phải vẫn làm việc với thi thể đấy thôi, sao tôi không biết công tử sợ xác chết đến này nhỉ?"
Chu Tử Tần yếu ớt đáp, "Ta chỉ thích nghiên cứu thi thể, chứ đâu có thích biến người ta thành thi thể."
Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch vừa đưa mắt nhìn nhau thì Cảnh Hữu bước vào bẩm báo, "Vương gia, có Thôi đại nhân cầu kiến."
Lý Thư Bạch hỏi, "Đại Lý Tự lại có chuyện gì tìm ta ư?"
"Bẩm, nghe nói là chuyện liên quan đến vụ án."
Câu này khiến Chu Tử Tần đứng bật dậy, "Không, không thể nào, có phải hắn biết tôi ở đây không..."
"Tử Tần." Lý Thư Bạch liếc gã.
Bấy giờ Chu Tử Tần mới tỉnh ngộ, nhận ra mình đã căng thẳng quá mức, dù Thôi Thuần Trạm biết gã là hung thủ, cũng không thể đến thẳng Quỳ vương phủ đòi người được.
Lý Thư Bạch quay sang nhìn Cảnh Hữu, hờ hững nói, "Mời Thôi đại nhân vào."
Thôi Thuần Trạm rảo bước tiến vào, sau khi hành lễ với Lý Thư Bạch còn gật đầu chào hỏi Hoàng Tử Hà và Chu Tử Tần. Chu Tử Tầnđương nơm nớp, thấy hắn không quá chú ý đến mình, mới hơi vững dạ.
Nào ngờ Thôi Thuần Trạm đi thẳng vào đề, ngay câu đầu tiên đã nói, "Lần này đến cầu kiến, hẳn vương gia đã biết ý định của ty chức. Tử Tần, Dương công công, lẽ nào hai vị cũng biết rồi?"
Chu Tử Tần giật thót, lắp bắp, "Đệ, đệ biết rồi..."
"Ồ, vậy có phải đệ cũng nghe nói..." Hắn nhìn Lý Thư Bạch, ngập ngừng chốc lát mới tiếp, "Nghe nói thi thể vô cùng quái dị, da thịt toàn thân đen sạm thối rữa, không nhận được mặt mũi nữa..."
Sắc mặt Chu Tử Tần càng tái nhợt, run run nói, "Đệ, đệ đã thấy rồi..."
"Gì cơ, Thì ra đệ đã xem qua thi thể rồi à?" Thôi Thuần Trạm thoáng kinh ngạc, rồi nói với vẻ thâm thúy, "Xem ra danh tiếng Tử Tần đã lừng lẫy cả kinh thành rồi, ngay đến chuyện thế này, trong cung cũng báo cho đệ tới xem trước."
Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch nhìn nhau, đều cảm thấy có phần không đúng lắm. Song Chu Tử Tần vẫn đương hồn phi phách tán, chưa thoát được nỗi kinh hoàng vì bản thân là hung thủ, chỉ đờ đẫn gật đầu.
"Tuy đệ thường kiểm nghiệm thi thể, nhưng đây cũng là lần đầu thấy cảnh này nhỉ? Sự tàn độc của hung thủ quả là độc nhất vô nhị, xưa nay chưa từng có!" Thôi Thuần Trạm lắc đầu than, "Đừng nói đệ, đến cả ta nghe thấy tin này cũng ngẩn người ra. Đây hẳn là vụ án tàn nhẫn đáng sợ nhất tại kinh thành trong vòng mười năm trở lại đây ấy. Tử Tần, hình như đệ cũng nghiên cứu khá sâu về độc dược, có nhận ra được là loại độc gì không?"
Chu Tử Tần há miệng, song một lúc lâu cũng không thốt ra được nửa lời.
Hoàng Tử Hà đang định đạp chân gã thì nghe thấy Lý Thư Bạch bên cạnh thong thả lên tiếng, "Tử Tần đến tìm ta cũng vì việc này, cho rằng hung thủ đã dùng nhựa cây độc tiễn."
Thôi Thuần Trạm gật đầu, "Ty chức biết ngay Tử Tần sẽ phát hiện được mà."
Chu Tử Tần lại lộ ra vẻ nơm nớp, nét mặt như muốn nói "Tôi có liên quan đến chuyện này, là tôi có tật giật mình."
Hoàng Tử Hà hậm hực trừng mắt nhìn cái gã chẳng nên thân ấy, thầm nhủ, chúng ta cũng là kẻ bị hại, sao lúc này ngươi không thể vờ làm bộ thản nhiên kia chứ? Nếu bây giờ bịdính líu vào, thì về sau làm sao điều tra tìm ra hung thủ thực sự được?
Trái lại, Lý Thư Bạch quay sang nhìn Thôi Thuần Trạm hỏi, "Phát hiện di thể Vương Nhược ở đâu vậy?"
Hoàng Tử Hà không ngờ y lại hờ hững hỏi một câu như thế, chẳng buồn rào đón mà đi thẳng vào đề, không khỏi nghiêng đầu nhìn sang, thấy nét mặt y tuy có phần nghiêm trọng song ánh mắt vẫn lạnh nhạt, chẳng mảy may xao động, khiến cô thấy lòng lạnh hẳn đi.
Câu này của Lý Thư Bạch vừa thốt ra, Chu Tử Tần lập tức nhảy dựng lên, "Gì, gì cơ? Vương Nhược... Vương cô nương vừa mất tích bí ẩn trong cung đã chết rồi ư? Còn tìm thấy cả di thể?"
Thôi Thuần Trạm ngạc nhiên nhìn gã, "Nãy giờ chẳng phải chúng ta đang nói chuyện này ư?"
"Đệ... chuyện đệ nói..." Chu Tử Tần khó mở lời, cứ lúng túng mãi không dám nói tiếp.
Hoàng Tử Hà đành đỡ lời, "Thực ra trước khi Thôi đại nhân tới, chúng tôi đang thảo luận về cái chết ly kỳ của mấy tên ăn mày trong kinh."
Thôi Thuần Trạm xua tay, "Giờ ai còn quan tâm tới cái chết của mấy tên ăn mày được chứ! Thân thích của hoàng hậu mất tích rồi chết thảm trong cung, phen này Đại Lý Tự đừng hòng được yên thân!"
Chu Tử Tần lí nhí nói, "Ăn mày cũng là người mà, huống hồ lại là ba bốn mạng người... ai da!"
Là Hoàng Tử Hà đá gã một cái, ý bảo tạm thời đừng dẫn lửa tự thiêu. Gã đành ngậm miệng lại.
Thôi Thuần Trạm lại nói, "Vừa nãy các vị không thảo luận chuyện này, tai sao vương gia lại biết ty chức đang nói tới Vương cô nương?"
"Khắp thiên hạ này, còn chuyện gì khiến trong cung phải gọi người đến khám nghiệm, lại phái ngươi tìm ta trước nhất nữa chứ?" Lý Thư Bạch điềm nhiên giải thích.
Huống hồ từ lúc bước vào còn giấu đầu hở đuôi, ra sức tỏ vẻ rầu rĩ thông cảm, ai mà không biết đại nhân muốn biểu đạt cái gì chứ? Hoàng Tử Hà mắng thầm.
"Nói vậy là... Thì ra nãy giờ chúng ta ông nói gà bà nói vịt ư?" Cuối cùng Chu Tử Tần đã định thần lại, tử khí trên mặt cũng tan đi, con ngươi bắt đầu chuyển động.
Thôi Thuần Trạm gật đầu đáp, "Đúng thế, xem ra mọi người đều hiểu lầm rồi. Thảo nào, ta còn thấy lạ, sao đệ có thể đi khám nghiệm thi thể vương phi trước cả ta chứ?"
Trong bốn người, chỉ mình Hoàng Tử Hà bình tĩnh hỏi vào việc chính, "Xin hỏi Thôi đại nhân, di thể Vương cô nương được tìm thấy ở đâu vậy?"
"Kể ra chắc các vị không tin." Thôi Thuần Trạm cau mày, "Đêm hôm qua, di thể đột nhiên xuất hiện ở gác Đông điện Ung Thuần cung Đại Minh."
"Cái gì?" Chu Tử Tần lại nhảy dựng lên, "Cô ấy, cô ấy chẳng phải đã mất tích từ đó sao?"
"Đúng thế, bên đó vì xảy ra chuyện nên những đồ bài trí bên trong vẫn giữ nguyên. Sáng nay, các hoạn quan đến mở cửa ra, thình lình phát hiện thi thể Vương cô nương nằm trên giường, còn nguyên quần áo trang sức như lúc mất tích, song cả người đã đen sạm thối rữa, trúng độc mà chết."
Hoàng Tử Hà cau mày im lặng.
Chu Tử Tần ngạc nhiên nói, "Quả là chuyện lạ trong thiên hạ... Rõ ràng người đã mất tích, sao đột nhiên lại xuất hiện, hơn nữa còn thần không hay quỷ chẳng biết biến mất, rồi lại thần không hay quỷ chẳng biết xuất hiện..."
"Đúng thế, tựa hồ trước giờ cô ấy vẫn ở đó, chưa từng mất tích vậy, chỉ là trong hai ba hôm ấy đã biến thành thứ gì đó chúng ta không trông thấy được." Thôi Thuần Trạm lắc đầu than, "Vụ án này bắt tay vào e là khó đây..."
Lý Thư Bạch đứng dậy ra cửa gọi Cảnh Dục đến giúp y thay đồ, chuẩn bị vào cung đến điện Ung Thuần.
Hoàng Tử Hà cũng chỉnh đốn lại trang phục, nghi hoặc hỏi, "Trên đời sao có thể có thứ gì không nhìn thấy được chứ?"
Thôi Thuần Trạm cười đáp, "Hẳn là phải có, bằng không sao hơn hai trăm người tìm không ra?"
Chu Tử Tần vội nói, "Tôi về nhà lấy mấy món đồ, các vị nhất định phải đợi tôi nhé, cho tôi vào cung với!"
Lý Thư Bạch phớt lờ gã, xăm xăm đi thẳng ra ngoài, chỉ buông một câu, "Đừng nhiều chuyện, tốt xấu gì cũng là thiên kim nhà họ Vương, sao có thể để ngươi động dao kéo vào di thể chứ."
Chu Tử Tần nằn nì, "Vậy tôi đi theo xem có được không?"
Lý Thư Bạch hất cằm về phía Thôi Thuần Trạm, "Đại Lý Tự của Thôi đại nhân chẳng phải thường nhờ người khám nghiệm hiện trường ư? Giờ nhờ thêm một lần có sao?"
Thôi Thuần Trạm lập tức vẫy tay với gã, "Đến đây, Tử Tần, xe ngựa của ta đậu ngay cửa ngách này."
- Chương 18: Ngọc nước xiêm gió
- Chương 17: Hoa mày lóa mắt
- Chương 16: Khi giả thành thật
- Chương 15: Bóng cây soi nước
- Chương 14: Phố dài vắng lặng
- Chương 13: Tuyết sắc lan đại
- Chương 12: Bóng hoa bên tường
- Chương 11: Không hình không tiếng
- Chương 10: Vân thiều lục nữ
- Chương 9: Thu lộ hành sương
- Chương 8: Nghiêng ngả thiên hạ
- Chương 7: Huyết sắc mịt mờ
- Chương 6: Chim trong lồng
- Chương 5: Vàng say tím đắm
- Chương 4: Khởi lưu ly
- Chương 3: Thân là hoạn quan
- Chương 2: Bồ đề bốn phương
- Chương 1: Tiếng dữ đồn xa