Phần 1 - Chương 7 - Duyệt binh tại Mạnh Tân
Sau khi Châu Văn Vương qua đời, Châu Võ Vương (tức Thái tử Cơ Phát) liền khẩn trương chuẩn bị mọi việc cho cuộc thảo phạt tiêu diệt triều đại nhà Thương sắp tới. Một hôm, Châu Võ Vương triệu Khương Thái Công đến để cùng bàn bạc về chuyện này.
Khương Thái Công nói với Châu Võ Vương :
- Việc tiêu diệt triều đại nhà Thương là việc mà lão thần lúc nào cũng luôn chuẩn bị. Tuy nhiên, tình hình trước mắt chưa phải là thời cơ chín mùi. Lão thần có phái mật thám đến dò xét tại Triều Ca, qua tin tức của họ cho biết, thì mối mâu thuẫn nội bộ trong giới quý tộc của triều đình nhà Thương đang rất gay gắt, nhưng chưa đến mức độ bùng nổ toàn diện. Đại Vương nên biết, triều đại nhà Thương mặc dù hết sức hủ bại, nhưng nói cho cùng, họ là một đại quốc, trong tay có đến mấy chục vạn quân. Nếu chúng ta chỉ dựa vào vũ lực để thảo phạt họ, thì tất nhiên phải trả một cái giá rất đắt. Do vậy, chúng ta nên chờ đợi đến khi nội bộ của triều đình nhà Thương hỗn loạn rồi thừa cơ hội đó tiến công, thì có thể dùng một sức mạnh yếu hơn để thắng sức mạnh mạnh hơn của họ. Qua đó có thể giành được một sự thành công to lớn, mà chỉ phải trả một cái giá rất thấp.
Võ Vương sau khi nghe qua lời phân tích tình hình của Khương Thái Công, bèn nói :
- Lời nói của Thượng Phụ rất đúng, nhưng vì hiện nay tam quân tướng sĩ đều nôn nóng, muốn tiêu diệt triều đại nhà Thương, nhất là nhiều nước chư hầu, cũng yêu cầu chúng ta nên đứng lên dẫn dắt họ để tiêu diệt Thương Trụ. Như vậy, nếu chúng ta không có hành động gì thì e rằng nhuệ khí cua tướng sĩ ta dần dần sẽ nguội lạnh, và quyết tâm chống Trụ của các nước chư hầu cũng sẽ nhợt nhạt dần. Cho nên tôi muốn nhân dịp tiến hành cuộc săn bắn mùa Thu sắp tới sẽ có một hành động gì đó để hâm nóng tinh thần của tướng sĩ và các nước chư hầu.
Không chờ Võ Vương nói hết lời, Thái Công vội vàng nói :
- Lão thần cũng đang có một ý nghĩ, nhưng chưa đem ra để thương lượng với chúa công. Vậy xin chúa công đừng vội nói rõ ý nghĩ của mình mà chúng tôi mỗi người sẽ viết ý nghĩ đó vào lòng bàn tay, rồi cùng xòe ra xem có tương đồng hay không ?
Võ Vương đáp :
- Được !
Thế là Võ Vương và Khương Thái Công mỗi người dùng một cây bút son viết năm chữ vào lòng bàn tay, rồi mới xòe ra để cùng nhau xem. Thật bất ngờ, vì ý nghĩ của đôi bên đều giống nhau. Thì ra trong lòng bàn tay của Võ Vương và Thái Công, đều viết năm chữ. "Duyệt binh tại Mạnh Tân". Hai người nhìn nhau cười xòa.
Khương Thái Công nói :
- Ý nghĩ của chúa công đúng là rất anh minh. Vì tiến hành cuộc duyệt binh tại Mạnh Tân một là có thể kiểm nghiệm thử thái độ của các nước chư hầu đối với chúng ta, để từ đó chúng ta càng vững bụng. Thứ hai là xem phản ứng của Trụ Vương đối với hành động của chúng ta ra sao, từ đó tìm hiểu thêm hư thực của triều đình nhà Thương. Thứ ba là có thể lợi dựng cuộc duyệt binh này để chúng ta tiến hành một cuộc diễn tập cho quân đội của mình. Như vậy, chỉ một hành động mà được ba điều tốt.
Thế là Võ Vương quyết định vào cuối tháng mười, sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh tại Mạnh Tân, và bố cáo quyết định này cho các chư hầu ở bốn phương biết.
Đầu tháng mười năm đó, Võ Vương và Thái Công đích thân dẫn ba vạn giáp sĩ, ba nghìn Hổ Bôn, một nghìn cỗ chiến xa rời Cảo Kinh, vượt ra Lâm Đồng, lại vượt qua Mãnh Trì, ồ ạt tiến về phía Đông. Đội ngũ này kéo đài đến hai mươi dặm.
Sau nhiều ngày hành quân, ba đạo quân đã tiến tới Lạc Ấp, còn cách Mạnh Tân không bao xa. Khương Thái Công đích thân chỉ huy ba vạn đại quân và nhiều xe chở theo lương thảo cùng vượt sông. Một đạo quân khác do đại tướng Nam Cung Thích chỉ huy, được xem là tả quân. Một đạo quân thứ ba do tướng quân Hoàng Hiểu chỉ huy, được xem là hửu quân. Riêng Khương Thái Công và Võ Vương thì chỉ huy trung quân, do đại tướng Võ Cát hộ giá. Trên mặt sông rộng mênh mông, ba đoàn thuyền dài như ba con rồng to, từ hướng Nam tiến lên hướng Bắc trông thật oai hùng.
Trong lần họp mặt để minh thệ với các nước chư hầu này, Võ Vương đã phát ra một trăm thiệp mời, nhưng số người nghe tin tự đến lên đến tám trăm. Họ dẫn theo ngoài một vạn binh sĩ. Vì các nước chư hầu đối với hành động ngang ngược, bạo tàn của Trụ Vương triều nhà Thương, từ lâu đã tỏ ra không nhẫn nhịn được. Nay Tây Châu quật khởi, thật chẳng khác nào một bó đuốc sáng rực đốt cháy lên ngọn lửa hy vọng trong lòng các quốc vương ở các nước chư hầu. Đồng thời, Tây Châu cũng chẳng khác chi một cục nam châm lớn, thu hút tất cả các nước chư hầu về với mình.
Do vậy, sau khi nhận được thiệp mời của Võ Vương, không có nước chư hầu nào lại không vui mừng phấn khởi. Riêng những chư hầu không nhận được thiệp mời cũng tự động kéo tớí bằng lòng tham gia cuộc liên minh này. Tuy nhiên, ở vùng Trung Nguyên có rất nhiều chư hầu, mặc dù họ đều thừa nhận Kỳ Châu là một nước chư hầu lớn nhưng vẫn xem Kỳ Châu là một chư hầu lạc hậu ở phía Tây, nên vẫn có ý dè dặt. Họ đến đây ngoài ý muốn được cùng liên minh, còn có một ý muốn khác là nhân cơ hội này xem Châu Võ Vương là người ra sao.
Chiếc thuyền to của Võ Vương và Thái Công ngồi đã sắp cập bến. Thái Công phóng mắt nhìn ra, thấy thủ lĩnh và binh sĩ của các nước chư hầu đã đứng thành đội ngũ trên bờ phía Bắc, chờ nghênh đón Võ Vương. Thái Công biết cuộc họp mặt liên minh ngày hôm nay đối với Tây Châu rất quan trọng. Ông biết một số chư hầu ở vùng Trung Nguyên ỷ mình có một nền kinh tế phát triển, nên ít nhiều xem nhẹ Tây Kỳ. Do vậy, ông bèn lên tiếng đề nghị :
- Khi thuyền cập bến xong, mời Võ Vương cưỡi ngựa để ngang nhiên tiếp nhận sự nghênh đón của các chư hầu. Vì một vị minh chủ cần phải có một phong độ hiên ngang, khí khái, đừng để người ta xem thường. Vậy chốc nữa đây lão thân sẽ đi trước dẫn cương ngựa cho Đại dương, và mời Châu Công đi sau cầm roi ngựa để cho chư hầu các nước thấy được, văn võ đại thần của nước ta đều hết sức cung kính Đại vương. Qua đó sẽ làm tăng thêm uy danh của Đại vương trong các chư hầu.
Thử hỏi Võ Vương nào lại bằng lòng để cho Khương Thái Công cầm cương dẫn ngựa cho mình. Nhưng Châu Công cũng như văn võ đại thần đều bảo lời nói của Thái Công là hữu lý. Đứng trước một duyệt binh long trọng hôm nay, không thể có thái độ tùy tiện, mà phải làm cho thực trang nghiêm, đường hoàng. Cho nên Võ Vương đành phải đồng ý.
Võ Vương cưỡi ngựa, đi qua đội ngũ của các chư hầu đang đứng nghênh đón. Nhà vua không ngớt đưa tay lên để chào đại thần, binh lính các nước chư hầu, thái độ rất nhiệt tình, nhã nhặn. Các nước chư hầu thấy Võ Vương có diện mạo đường đường, oai phong lẫm liệt, ra vẻ là một bậc đế vương, nên vô cùng ngưỡng mộ. Họ lại nhìn thấy Khương Thái Công là người nổi danh như cồn, lại đi bộ dẫn ngựa cho Võ Vương còn Châu Công thì đi sau cầm roi ngựa, nên vô cùng kinh ngạc. Họ nghĩ bụng: ngay đến một vị Thái sư mà cũng đi bộ cầm cương dẫn ngựa cho Võ Vương, như vậy đủ thấy tuy Võ Vương tuổi trẻ, nhưng uy tín rất cao, tất nhiên phải là người có có đầy đủ thao lược, có uy danh của một bậc thiên tử nên mới được như thế. Do vậy, Võ Vương đi tới đâu, các chư hầu đều nhiệt liệt hoan nghênh tới đó.
Sau khi Võ Vương tiếp nhận sự chào đón của các nước chư hầu, bèn cùng tám trăm lãnh tụ của các nước nối gót nhau đi vào Mạnh Tân. Lúc bấy giờ trời đã sắp sửa hoàng hôn.
Ngay đêm đó, Võ Vương thết tiệc tại Mạnh Tân để khoản đãi tám trăm chư hầu có mặt. Binh lính của Võ vương cũng như trên mười vạn binh sĩ của các nước chư hầu thì hạ trại đóng ở ngoài thành. Qua sự thương lượng và nhất trí của mọi người, ngày hôm sau sẽ cử hành một nghi lễ minh thệ long trọng tại hiệu trường, tọa lạc về phía Tây của thành Mạnh Tân.
Trời vừa hửng sáng, binh mã của các chư hầu đều kéo tới hiệu trường nằm tại phái Tây thành Mạnh Tân. Bên trong hiệu trường cũng như bên ngoài, mười vạn binh mã của các nước chư hầu đứng thành hàng ngũ dày đặc, trông thực trang nghiêm, hùng tráng. Tại trung tâm hiệu trường được xây một đài cao, bên trên có bàn thờ trời đất. Hai bên đài cao là nơi đặt chỗ ngồi cho tám trăm thủ lĩnh của các nước chư hầu.
Đến giờ Ngọ, hơn tám trăm chư hầu nối đuôi nhau từ cửa phía Tây đi vào hiệu trường, rồi theo trật tự ngồi xuống vị trí của mình. Lúc bấy giờ, Võ Vương được mười tám giáp sĩ đi theo hộ vệ, từ ngoài tiến vào hiệu trường, rồi bước lên đài cao cử hành nghi lễ cáo tế trời đất và các thánh thần. Tiếp đó, Khương Thái công mình mặc khôi giáp, dẫn theo một con ngựa trắng. Châu Công cũng mặc khôi giáp, dẫn theo một con bò đen. Cả hai từ phía sau đài cao bước ra trước đài, rồi đứng yên lại. Không khí tại hiệu trường hết sức trang nghiêm.
Võ Vương nhìn quanh hiệu trường một lượt, rồi đưa cao cánh tay phải lên, to tiếng nói :
- Thưa các vị thủ lĩnh các bang quốc bằng hữu ! Thưa toàn thể các tướng sĩ ! Tiểu tử Cơ Phát tuân theo di mệnh tiên vương, dẫn đại quân tiến về phía Đông để duyệt binh tại Mạnh Tân. Và cũng để bàn bạc kế hoạch tiêu diệt Thương Trụ với tất cả các vị. Hôm nay có mặt trên tám trăm chư hầu, ai ai cũng xem Thương Trụ là kẻ thù chung. Qua đó cũng đủ thấy, chúng ta đã hành động đúng theo ý trời và lòng người.
Câu nói vừa dứt thì tại hiệu trường nổi lên tiếng hoan hô như sấm động. Một lúc lâu sau, tiếng hoan hô mới dần dần lắng xuống.
Võ Vương lại nói tiếp :
- Vua Trụ triều nhà Thương, là một tên hôn quân hoang dâm vô độ, bạo ngược tàn nhẫn, lúc nào cũng xua quân đi chinh phạt khắp mọi nơi, làm cho bá tánh lâm vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Vậy, nếu các vị thủ lảnh của các bang quốc bằng hữu, cho rằng vua Trụ triều nhà Thương là đáng thảo phạt, thì xin hãy cùng minh thệ với tôi !
Câu nói của Võ Vương vừa dứt, thì phía dưới lại nổi lên tiếng hoan hô như sấm. Lúc đó, Khương Thái Công, Châu Công cùng tuốt kiếm đâm chết con ngựa trắng và con bò đen, rồi sai người khiêng đặt lên bàn. Võ Vương từ trên đài cao bước xuống, tay trái nắm lỗ tai con bò, tay phải cầm dao rạch một đường dài trên lỗ tai của nó. Sau đó, Võ Vương cùng thủ lĩnh của hơn tám trăm chư hầu uống rượu pha máu, để cùng minh thệ với trời đất : "Cùng nhau thảo phạt kẻ có tội để cứu dân lành, đồng tâm hiệp lực tiêu diệt Thương Trụ, có họa cùng chịu, có phước cùng hưởng !"
Thề xong, tám trăm chư hầu cũng như văn võ bá quan của Kỳ Châu đều hết sức phấn khởi, yêu cầu nên nhân cơ hội này xua quân đánh vào Triều Ca, tiêu diệt Thương Trụ. Nhưng Võ Vương và Khương Thái công đã kịp thời giải thích với mọi người. Khương Thái công nói :
- Thương Trụ là một tên hôn quân vô đạo, con người cũng như thần thánh đều căm hận, đáng lý ra hắn phải bị thiên tru địa diệt từ lâu rồi. Nhưng, vì triều đình nhà Thương là một đại quốc, đã có cơ sở thống trị hơn sáu trăm năm qua. Trong tay của nó có mấy mươi vạn quân đội. Cho dù hiện nay triều đình nhà Thương đang hết sức hủ bại, nội bộ mâu thuẫn lớp lớp, nhưng vẫn chưa tới thời kỳ sụp đổ. Cho nên, đối với một thế lực to lớn như vậy, chúng ta không thể manh động liều lĩnh. Nhất là qua cuộc duyệt binh tại Mạnh Tân hiện nay, triều đình nhà Thương chắc chắn đã có sự cảnh giác đề phòng. Vậy, chúng ta cần phải chờ đợi khi có thời cơ thuận tiện, chỉ cần khởi binh là giành được thắng lợi vào tay.
Chư hầu các nước nghe lời nói của Thái Công có lý, nên cùng hẹn hò nhau sẽ liên hệ chặt chẽ, báo cho nhau biết tin tức diễn biến hằng ngày. Chờ khi cơ hội đến, mọi người bằng lòng nghe theo lệnh chỉ huy của Võ Vương, đồng tâm hiệp lực thảo phạt Trụ Vương triều nhà Thương.
- Phần 1 - Khương Thượng - Vị Tổ Thỉ các Mưu lược gia Trung Quốc
- Phần 1 - Chương 1 - Sinh vào thời loạn
- Phần 1 - Chương 2 - Những ngày ở Triều Ca
- Phần 1 - Chương 3 - Buông câu tại Bàn Khê
- Phần 1 - Chương 4 - Nửa đêm đến viếng
- Phần 1 - Chương 5 - Diệt trừ vây cánh
- Phần 1 - Chương 6 - Văn Vương gởi gấm con côi
- Phần 1 - Chương 7 - Duyệt binh tại Mạnh Tân
- Phần 1 - Chương 8 - Quyết chiến tại Mục Dã
- Phần 1 - Chương 9 - Được phong ở Tề Quốc
- Phần 2 - Phạm Lãi - Mưu lược gia biết tự rút lui đúng lúc
- Phần 2 - Chương 1 - Đại biến lúc giữa đêm
- Phần 2 - Chương 2 - Nghị hòa cứu nước
- Phần 2 - Chương 3 - Một dạ trung thành
- Phần 2 - Chương 4 - Cắt tình yêu, dâng người đẹp
- Phần 2 - Chương 5 - Phò Ngô phục thù
- Phần 2 - Chương 6 - Mạnh dạn tự rút lui
- Phần 3 - Tôn Tẩn - Một nhà mưu lược quân sự nhẫn nhục bất khuất
- Phần 3 - Chương 1 - Kết nghĩa Kim Lang
- Phần 3 - Chương 2 - Giả điên để tránh họa
- Phần 3 - Chương 3 - Dùng trí thắng đua ngựa
- Phần 3 - Chương 4 - Vây Ngụy cứu Triệu