Phần 2 - Chương 6
Oanh Ca ra đi không cáo biệt. Mặc dù lão đại phu của y quán vô cùng kinh ngạc, nhưng chuyện này thực ra cũng nằm trong dự liệu của tôi, hai ngày trước, vừa mới xuống giường được cô đã nóng ruột muốn đi, chỉ là cơ thể còn quá yếu, mới ra đến cổng gặp gió đã ngã gục.
Nhìn Oanh Ca lảo đảo khụy xuống, tôi nghĩ, chỉ cần có sức để bước, cô ấy sẽ lập tức rời y quán, không đợi thêm một ngày. Cô nôn nóng muốn tìm câu trả lời, không thể chờ thêm một khắc. Quả nhiên, chưa đến hai ngày, cô để lại tiền thuốc, lẳng lặng ra đi.
Tôi không biết có nên tiếp tục đuổi theo Oanh Ca, bởi vì thân phận Thập Tam Nguyệt phu nhân thật giả thế nào hầu như đã biết, ngoài Dung Viên rốt cuộc đã chết hay chưa, thực ra không còn nghi vấn nào nữa, nhưng nếu chuyện này kết thúc ở đây, có nghĩa là ngày chia tay giữa tôi và Mộ Ngôn sắp đến.
Tôi không biết nên làm gì để cứu vãn, tôi muốn ở bên chàng thêm ít nữa, có thể do chàng không yên tâm để tôi đi một mình, ít nhất sẽ cùng tôi đi tìm Quân Vỹ và Tiểu Hoàng? Nếu thế, liệu có nên viết thư cho Quân Vỹ bảo anh ta hãy trốn thật xa, cả đời này đừng để cho chúng tôi tìm thấy?
Cho dù thế nào cũng nên thăm dò ý tứ Mộ Ngôn.
Đi thật nhanh đến tìm chàng, nhưng Mộ Ngôn không có trong phòng, mới sực nhớ nửa canh giờ trước nhìn thấy một con chim bồ câu đưa thư đậu vào cửa sổ phòng chàng, có lẽ Mộ Ngôn ra ngoài gặp khách. Tôi vừa quay ra vừa suy nghĩ chuyện về Thập Tam Nguyệt, nếu Dung Viên quả thật đã chết, vậy lời đồn chàng ta bị bệnh qua đời liệu có đáng tin?
Trong lịch sử cũng có không ít những truyền thuyết như vậy, nhưng vương cung là nơi quy tụ những danh y giỏi nhất nước, một bậc quân vương khó có thể chết vì bệnh. Nếu đúng như Mộ Ngôn nói, Bình hầu vương Dung Tầm lên ngôi là do bức cung chứ không phải Cảnh hầu chủ động nhường ngôi, như vậy tin đồn cái chết vì bệnh của Cảnh hầu nửa năm sau rất đáng nghi ngờ.
Tôi nghĩ lại, tiền triều tông thất bạc nhược, xã tắc suy yếu, có nhiều chư hầu, công tử Tương Tuyên Mộc của Tây Tấn giết phụ thân và huynh đệ cướp ngôi, bị Tề hầu vương lên án, mới liên kết với chư hầu trong thiên hạ cùng thảo phạt Tây Tấn, không đầy hai tháng, Tây Tấn đại bại, quốc thổ chia năm xẻ bảy, phần lãnh thổ lớn nhất bị nhập vào nước Tề.
Nếu tôi là phận nam nhi, biết Hoa Tư dẫn có thể thăm dò bí ẩn riêng tư của người khác, biết đâu nước Vệ sẽ không bị diệt.
Trí tưởng tượng của tôi từng bay bổng cho rằng mình không gặp thời. Ý nghĩ không thể nào gạt đi đó khiến tôi không khỏi bàng hoàng tiếc nuối, cuối cùng tôi hiểu tại sao các bậc tiền bối tu luyện Hoa Tư dẫn bằng cách lấy mạng sống của người khác không ai có kết cục tốt đẹp, bởi vì bản thân bí thuật đó đã là một tham vọng, dễ mê hoặc lòng người nhất, khi gieo mầm tham vọng, nếu không tự kiềm chế, cuối cùng sẽ có ngày sẽ bị chính bông hoa lớn nở ra từ mầm tham vọng đó đè chết.
Ngay bản thân tôi dù chỉ là người chết cũng không kìm nổi ảo tưởng có Hoa Tư dẫn tôi sẽ được những gì, nhưng chung quy, nếu nhìn nhận lại biến cố của Trịnh cung, ngoài có giá trị đối với các nước chư hầu trên mảnh đất đại lục sóng gió này thì chẳng liên quan gì đến tôi.
Ra khỏi y quán, nhìn núi non trùng điệp phía xa, không biết nên đi đâu tìm Mộ Ngôn, băn khoăn một hồi, quyết định đi dạo men theo con phố. Không có Tiểu Hoàng đi cùng, cảm thấy hơi buồn, nhưng lại nghĩ, nếu có Tiểu Hoàng, tìm thấy Mộ Ngôn, chẳng phải nó sẽ cản trở hai chúng tôi hay sao, vậy là lại không muốn có nó nữa.
Ngày đã tàn, nền trời xanh màu ngọc bích, mặt trời lặn hắt lên chùm hào quang sáng rực, gió vẳng đến tiếng hát từ những thuyền cá trên sông, thành trì nhỏ lúc hoàng hôn thực êm ả. Thong thả, lúc đi lúc dừng, ngẫu nhiên bước vào một cửa hiệu bán đồ cổ, thực ra tôi không mấy hứng thú với đồ cổ, nhưng lúc này mắt vừa liếc đến một nơi, hai chân đã không thể nhúc nhích, đó là một chiếc trâm bạch ngọc chạm khắc tinh xảo lóng lánh trong ánh chiều muộn.
Đứng ngây trước quầy hồi lâu, cảm thấy chưa đã, lay ông chủ đang ngủ gật bên cạnh lấy ra cho xem, cầm lên ngắm nghía, lại ngơ ngẩn một hồi.
Lão chủ quán nheo nheo hai mắt: "Chiếc trâm này có đến hai trăm năm tuổi, là ngọc thượng hạng, chế tác thượng hạng, vừa mới nhập hôm qua, cô nương vừa nhìn đã thích vậy là rất có duyên với nó, nếu cô nương thích, lão xin để lại cho cô ba với giá trăm thù vàng".
Tôi lại thở dài, thẫn thờ hồi lâu, đừng nói ba trăm thù vàng, ngay một đồng tôi cũng không có. Nhưng chiếc trâm này quả thực rất hợp với Mộ Ngôn, khiến tôi không thể bỏ đi.
Chia tay với Mộ Ngôn là tất yếu, mà ngày tái ngộ lại xa vời vô định, hai mươi năm nay chàng gặp gỡ bao nhiêu cô gái, hai mươi năm sau, và hai mươi năm sau nữa chàng còn gặp bao nhiêu cô gái nữa, tôi chỉ là một trong những cô gái chàng đã gặp mà thôi, nhất định có ngày chàng sẽ quên.
Tôi vùi đầu vào lòng bàn tay, hồi lâu, ngẩng đầu buồn bã nhìn ông chủ: "Tôi có thể dùng vật gì để đổi lấy cái này?".
Ông ta băn khoăn, lại hỏi sang chuyện khác: "Chiếc trâm này có can hệ gì với cô nương ư?".
Tôi lắc đầu: "Không có can hệ gì, chỉ là tôi muốn có nó để tặng một người nhưng không có tiền, tôi nghĩ có lẽ người ấy sẽ thích vật này, sẽ suốt đời...".
Nói đến đây lại ngẩn ra, cảm thấy Mộ Ngôn sẽ không suốt đời dùng chiếc trâm này, lại miễn cưỡng nói chữa: "Đằng nào khi người ta giữ nó, có lẽ sẽ nhớ đến tôi".
Chủ quán nhìn tôi hồi lâu: "Vậy cô nương định dùng vật gì để đổi?".
Tôi ngẫm nghĩ: "Ở đây ông có nhận nuôi hổ không, bốn chân, vẫn còn sống".
"...".
Cuối cùng tôi dùng một bức họa để đổi lấy chiếc trâm bạch ngọc đó, lão chủ quán còn trả lại tôi một trăm thù vàng, khi nhận bức họa còn cười nói: "Nếu không biết rõ lai lịch, lão cơ hồ còn tưởng bức họa này của cô nương là bút tích của Văn Xương công chúa".
Tôi sửng sốt: "Bác thật uyên thâm, nếu là bút tích thật, bác bảo nó đáng giá bao nhiêu?".
Ông ta vuốt râu cười: "Không dưới một vạn đồng vàng".
Tôi kìm chế để khỏi xông vào lấy thêm vài món đồ cổ nữa. Lại thầm nghĩ, trên đời này ngoài tôi ra, còn ai biết bức sơn thủy vẽ thành Tùy Viễn này trị giá một vạn đồng tiền vàng, mà nếu như quả thật tôi còn sống, bức họa đó sao có thể có giá như vậy. Diệp Trăn đã chết, bút họa của Diệp Trăn cũng chết, cho dù tôi có vẽ tiếp, những gì vẽ ra cũng chỉ là phế phẩm mà thôi.
Khi ra khỏi hiệu đồ cổ, các nhà trên phố đã lên đèn, gặp lão đại phu của y quán đi mua rượu, qua ông ta được biết, Mộ Ngôn đến Trích Tiên lầu. Tôi tưởng đó là tửu lầu, đang định vào ăn tối, cầm cái trâm trong tay phấn khởi hỏi đường đến đó, vào đến cửa lầu mới biết đó là lầu xanh.
Nhất thời không biết cảm giác thế nào, chưa bao giờ nghĩ Mộ Ngôn có thể vào lầu xanh, nhưng coi như vẫn giữ được bình tĩnh, lót tay ít tiền cho một người làm công trong đó mới đến trước một cái đình hóng mát trên đài cao, nhìn thấy một cô gái tư dung xinh đẹp ngồi trước cây đàn thập huyền, còn Mộ Ngôn dáng ung dung nhàn nhã đang ngồi pha trà bên bộ ấm chén bằng đá mộc ngư.
Trong đình có một chiếc lò sưởi nhỏ rất xinh xắn, trong lò than củi cháy đượm bốc ngọn lửa xanh, chắc là đốt bằng than gỗ trám, tôi nghĩ đến một cái tên, đã cảm thấy mặt mình trắng bệch, Tần Tử Yên. Nghĩ đến đây, sự phẫn nộ của người đến hỏi tội bỗng chốc tiêu tan, nếu cô gái kia là Tử Yên thật, lúc này tôi đến có thể làm được gì? Thử hình dung khi tôi đến Mộ Ngôn sẽ giới thiệu thế này: "Đây là Tử Yên, sang năm chúng tôi sẽ thành hôn, nhân tiện mời cô đến dự tiệc rượu". Phản ứng kìm chế nhất mà tôi có thể nghĩ ra là xông đến bóp cổ chàng rồi cùng chết với chàng. Trở gót định quay ra, ngẩn đầu phát hiện ánh mắt hai người ngồi trong đình đã cùng lúc dừng trên người tôi, đây là một cái đài cao đơn độc ở hậu viên Trích Tiên lầu, có nghĩa xung quanh không có bất kỳ chỗ nào để trốn.
Tôi ngẩng đầu trợn mắt nhìn Mộ Ngôn, lát sau, đủng đỉnh đi đến, ngồi xuống một chỗ cách họ khá xa, Mộ Ngôn nhìn lướt tôi một cái, lại cúi đầu pha trà, chàng làm gì trông cũng rất duyên dáng.
Lúc này màn đêm đang lan tràn, bốn góc mái hiên cong của đình hóng mát đã treo đèn lồng, trong ngôi lầu chính phía trước vẳng ra tiếng hát, có ngân lượng hậu hĩnh thì sẽ có hưởng thụ âm nhạc đích thực, đây là nơi đơn giản nhất thế gian.
Nhưng vẫn còn một vấn đề cần giải quyết, tôi ghé đầu hỏi cô gái ngồi sau cây đàn: "Cô là Liên Tinh thật sao?".
Cô gái không trả lời, người tiếp lời là Mộ Ngôn: "Liên Tinh cô nương hôm trước từ Kim thành kinh đô nước Triệu đến thành Tùy Viễn, sẽ lưu lại đây hai tháng, bái vũ sư ở Trích Tiên lầu học múa".
Tôi liếc chàng: "Hai người quen nhau?".
Chàng đang rót nước nóng tráng ấm chén, rót lên cả nắp ấm, cử chỉ rất duyên dáng đẹp mắt, như lưu thủy hành vân, "Không quen, sao?".
Tôi nghiêm mặt: "Nói dối!".
Cuối cùng chàng ngẩng đầu: "Ồ? Sao tôi lại nói dối?".
Tôi nhìn mặt chàng, cảm thấy khuôn mặt đó quả thực rất đẹp, sao có thể lừa dối: "Huynh nói cô ấy mới đến hai ngày, huynh cũng lần đầu đến thành Tùy Viễn, sao có thể ngồi với nhau?".
Liên Tinh nét mặt như cười như không, lên tiếng: "Nô gia trước đây quả thực chưa gặp Mộ công tử, hôm nay có thể cùng công tử hàn huyên, chẳng qua là cơ duyên, vả lại có những điều...". Nói đoạn mỉm cười, liếc Mộ Ngôn "... khá hòa hợp với công tử mà thôi".
Mộ Ngôn gật đầu tán đồng: "Chính là thế".
Nói xong vẫn tiếp tục tráng cốc chén, rồi như chợt nhớ ra: "Ăn tối chưa?".
Cảm giác của tôi lúc này là tức muốn chết.
Chàng cười, quay đầu nói với Liên Tinh: "Bảo mang ít đồ ăn, xem ra cô ấy đói rồi".
Tôi nghiến răng, đứng dậy bỏ đi: "Huynh mới đói, cả nhà huynh đói".
Kết quả đứng lên quá vội, chân giẫm vào gấu váy, suýt ngã vào lò sưởi, bị chàng kéo lại: "Định đi đâu?".
Tôi mím môi, ép nước mắt không cho chảy ra: "Đi dạo!".
Chàng để tôi ngồi xuống: "Ăn xong hãy đi".
Tôi hất tay chàng: "Không ăn, tôi quen đi dạo trước bữa tối".
Chàng cau mày: "Có thói quen đó từ lúc nào? Sao tôi không biết?".
Tôi nghiến răng: "Bắt đầu từ hôm nay".
Đi khá xa, sau lưng truyền đến tiếng cười nhẹ của Liên Tinh: "Xem ra tiểu cô nương giận lắm".
Chỉ trách thính giác tôi quá tốt, nhưng đồng thời lại muốn nghe phản ứng của Mộ Ngôn, dỏng tai nghe, chỉ có một câu, "Kệ cô ấy". Nước mắt lập tức trào ra, thầm nghĩ, đáng ghét, con người đó thật đáng ghét.
Trên trời sao dần dần mọc dầy, giống như lẵng hoa nở trong đêm, tôi ngồi trong cái lều tranh phía sau y quán suy nghĩ sự đời, gió hồ thổi qua, cảm thấy hơi lạnh, rụt tay vào ống tay áo.
Cái gọi là nghĩ thì dễ làm thì khó, đúng là một đạo lý bất biến từ cổ chí kim, giống như tôi luôn mong mình suy nghĩ thông thoáng, cũng luôn cho là thực ra mình đã nghĩ thông, khi xảy ra sự việc mới thấy, nghĩ thông hay không chỉ là trong ý niệm, mà ý niệm này quả là đa biến. Ngửa nhìn bầu trời có những vệt sao rơi, tôi thở dài.
Chưa thở hết, sau lưng có tiếng chân bước, không cần ngoái đầu cũng biết là Mộ Ngôn, tôi vội ngậm miệng, giả bộ không phát hiện ra chàng, cũng tuyệt nhiên không mở miệng hỏi chàng. Mộ Ngôn mỉm cười, tự ý đến ngồi bên cạnh: "Vừa rồi biết được một tin rất thú vị, có muốn nghe không?".
Tôi ngoảnh mặt đi: "Không!".
Chàng để hộp thức ăn xuống: "Tôi lại tưởng cô sẽ vui".
Chàng dừng lại, "Là tin về Cảnh hầu vương Dung Viên".
Tôi ngoảnh lại: "Sao? Vậy thì nghe tạm".
Tôi tưởng sẽ được tin về tung tích của Dung Viên, nhưng chỉ thấy hơi ngạc nhiên khi được tin, sau khi Dung Viên thoái vị, luôn có thánh dược Bách Lý Việt bí mật ở bên, Mộ Ngôn tay cầm cái quạt vẻ phấn khởi: "Bách Lý Việt là người cuối cùng ở bên Cảnh hầu vương, Dung Viên sống hay chết, vụ hỏa hoạn ở hành cung Đông Sơn là thế nào, chỉ cần hỏi ông ta là biết".
Ý nghĩ nào đó lóe lên trong đầu, tôi vội hỏi: "Có phải Oanh Ca đến thành Tùy Viễn là để tìm Bách Lý Việt? Ông ta bây giờ ở đâu?". Mặc dù biết Quân sư phụ có qua lại với Bách Lý Việt, nhưng nghe nói, hành tung của thánh dược luôn bất định, chắc là ẩn cư ở một nơi hoang vắng nào đó.
Mộ Ngôn mỉm cười gật đầu: "Đoán rất đúng, không chỉ có thế, Bình hầu vương Dung Tầm sở dĩ xuất hiện trên chiếc thuyền bình dân kia, có lẽ cũng là đến thành Tùy Viễn tìm Bách Lý Việt".
Tôi hơi ngạc nhiên: "Chàng ta tìm Bách Lý Việt làm gì? Lẽ nào Cảnh hầu vương thực sự chưa chết, ngay chàng ta cũng không biết tông tích Dung Viên?".
Mộ Ngôn đăm chiêu nhìn tôi: "Chuyện đó không nghe nói, theo tin tôi hỏi được, Nguyệt phu nhân được Bình hầu vương sủng ái trong cung không hiểu sao tự nhiên chết, lúc sắp an táng, một thầy bói thân tín nói Nguyệt phu nhân số chưa tận, còn có thể cứu, vậy là đi khắp nơi tìm danh y, mười mấy ngày trước đã hỏi thăm biết được Bách Lý Việt đang ẩn cư ở thành Tùy Viễn".
Tôi không nén nổi, bật cười: "Chàng ta đúng là rất có lòng, thân là quân vương tôn quý lại thân chinh đi thỉnh cầu lang y, tình với Cẩm Tước quả là sâu nặng". Vừa nói như vậy bỗng dưng nhớ ra, như thế này hóa ra đang nói chuyện tâm tình với Mộ Ngôn, vội vàng mím môi, làm bộ giận dữ, từ giờ bất luận chàng nói gì, nhất định không chịu tiếp lời.
Chàng cau mày: "Vừa rồi còn tốt thế, lại sao rồi?". Nhưng tôi vẫn làm thinh.
Lát sau, chàng thở dài: "Đói bụng nên phá quấy phải không? Ăn tối chưa?".
Hóa ra từ đầu chí cuối chàng đều tưởng tôi đói nên giận dỗi, tôi thở một hơi dài, ngoái đầu lườm chàng: "Đây không đói! Không ăn!".
Bàn tay đang mở nắp hộp cơm dừng lại: "Cái gì?".
Tôi đang định hùng hồn nhắc lại lần nữa, miệng đã bị chàng nhét một viên bánh chẻo to đùng, nheo mắt nhìn tôi: "Vừa rồi nói gì, nói lại xem". Miệng tôi bị nghẹn bởi cái bánh, lòng có dư, sức không đủ, cố sức định nhè cái bánh ra.
Chàng lại tiếp: "Dám nhè ra thử xem".
Tôi vốn định thử nhè ra, nhưng sau lưng bỗng nhiên có con gì kêu "choác" một tiếng, giật nảy người, nuốt vội cái bánh, đang định mở miệng nói, đôi đũa gắp chiếc bánh khác đã đưa sát miệng tôi: "Vừa rồi đã mua cho cô bánh chẻo nhân tôm phỉ thúy trên phố, nào, ăn cái nữa".
Mặc dù vừa rồi coi như bị thua, nhưng nhất quyết không chịu lép vế, tôi tức giận ngoảnh đầu sang bên: "Không ăn, đã nói là không ăn, huynh lắm chuyện quá".
Đôi đũa dừng trên không, chàng thu đũa về, giọng thản nhiên: "Được, không ăn thì đem cho người khác".
Tôi còn tưởng vừa rồi mình nói quá, nghe thấy chàng nói vậy, lại tức sôi người, vốn định kiềm chế, nhưng không kiềm được, cảm thấy mắt sắp đỏ lên, giả bộ tỏ ra lạnh lùng, chẳng biết làm gì nữa, đành cố nén khóc: "Mang đi thì mang đi, mang cho cái cô Liên Tinh kia ăn, cô ta nhất định cảm kích, ăn xong sẽ đánh đàn cho huynh nghe, đằng nào tôi cũng chẳng biết gì, miễn cưỡng đánh một khúc là lấy tính mạng người ta".
Tôi như bị nghẹn, không nói được nữa, trong ống tay áo là chiếc trâm mua định tặng chàng, chiếc trâm bỏ bao nhiêu công sức mới có được, vậy mà chàng lại đầu mày cuối mắt với cô gái khác. Lại còn cho là tôi giận dỗi vì đói bụng. Chàng không biết cả đời này tôi không biết đói là thế nào.
Mộ Ngôn nhìn tôi, ánh mắt lạ lùng, như có gì suy nghĩ, lại mông lung như mặt đầm sâu dưới trăng, lúc sau bỗng hạ giọng nói: "A Phất, cô...".
Tôi ngắt lời chàng: "Tôi xấu xí, lại luôn quấy rầy huynh, đằng nào chuyện của Thập Tam Nguyệt cũng làm rõ rồi, ngày mai huynh đi đi, đi tìm cô Liên Tinh kia đi, đừng theo tôi nữa".
Nói xong ngay tôi cũng giật mình, bất giác run run. Sao tôi lại muốn đuổi chàng, hơn nữa tôi cũng đâu thấy phiền phức gì, nhưng lời tiếp lời cứ thế nói ra, khiến lòng tôi đau nhói từng cơn, hình như Mộ Ngôn cũng buồn.
Chàng lại mỉm cười, thong thả phe phẩy cái quạt: "Đã đuổi tôi đi, vậy thanh toán hết tiền công cho tôi".
Tôi cảm thấy lạ: "Tôi nợ huynh tiền công bao giờ?".
Chàng chống đầu nhìn tôi: "Sau khi gặp lại ở Bích sơn tôi đã làm hộ vệ cho cô mười ngày, không nhanh quên như vậy chứ?".
Tôi tức giận: "Tôi không nói thuê huynh làm hộ vệ, là huynh tự làm!".
Chàng không nói, chỉ phe phẩy quạt. Tôi cảm thấy bực mình, chủ yếu là không ngờ chàng đáng ghét như vậy, còn nhớ hôm nay dùng bức tranh đổi chiếc trâm, sau khi hối lộ lão bộc ở Trích Tiên lầu còn lại hơn chín mươi thù vàng, vừa lần túi tiền trong ống tay vừa bực mình hơn, tôi còn chưa kịp móc tiền ra, chàng đã gập quạt lại, lạnh lùng nói: "Một ngày một trăm thù vàng, chỉ tính nửa tháng thôi, vậy là một nghìn năm trăm thù, trả xong tiền công, sáng mai tôi lên đường, không làm phiền cô nữa".
Bàn tay tôi dừng lại trong ống tay áo, kinh ngạc nhìn chàng: "Sao lại đắt thế?".
Chàng dửng dưng nhìn tôi, dửng dưng phe phẩy quạt, dửng dưng mở miệng: "Con người tôi, so với những hộ vệ khác cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ khác một chữ thôi, đó là: đắt".
Tôi bị chàng chọc tức muốn chết. Buổi tối hôm đó kết thúc bằng việc tôi ném túi tiền vào đầu Mộ Ngôn.
Nhưng ngày hôm sau đã cảm thấy nên đi xin lỗi Mộ Ngôn. Nghĩ lại, nếu chàng cho tôi là người thất thường cũng chẳng có gì lạ, chàng không hề biết tôi thích chàng, giống như một lính hầu đi công cán với quan phủ, khi cần đi bộ lại nhất định cưỡi ngựa, còn đòi cưỡi chung ngựa với quan phủ, mà lại ấp úng không nói ra được nguyên do, quan phủ đó ngoài cảm thấy anh ta bị thần kinh cũng chẳng có ý nghĩ nào khác.
Từ trước tới giờ tôi chẳng qua chỉ mong một cái ngoái đầu của Mộ Ngôn, ôm hy vọng mong manh như vậy để quên thời gian, cuối cùng ngày chàng xa tôi càng tới gần, mỗi ngày càng gần, nhưng không hề khiến tôi thỏa mãn, trái lại càng muốn được nhiều hơn.
Luôn không muốn nghĩ, nhưng cuối cùng đã có thể bình tĩnh, suy nghĩ kỹ, mới nhận ra tình trạng như vậy thật đáng sợ. Tình cảm của tôi đối với Mộ Ngôn thực ra không thuần túy như tôi tưởng, cứ thế này nhất định không ổn, có lẽ thực sự cần suy nghĩ lại, chủ động rời xa chàng.
Chưa sắp xếp xong ý nghĩ trong đầu, chợt cửa phòng bị đẩy ra, tôi ngẩn người nhìn Mộ Ngôn nét mặt thản nhiên đứng ở cửa, nói theo phản xạ: "Chào...". Chưa nói xong, không biết có phải do căng thẳng, đột nhiên cắn vào lưỡi.
Trong ấn tượng của tôi, tư thái Mộ Ngôn luôn phong nhã nhàn tản, rất ít khi thấy chàng nghiêm túc, lại còn có một cử chỉ thất lễ, tự đẩy cửa vào khi chưa được người ta cho phép. Một bức họa được mở ra trên bàn, tôi ghé lại nhìn, lại cắn vào lưỡi lần nữa, chính là bức họa tôi bán cho ông chủ hiệu đồ cổ hôm qua.
Ngẩng nhìn qua cửa sổ, trên bờ giậu tre, dây tơ hồng bò tràn lan, xen lẫn những bông hoa màu tím rất đẹp. Mộ Ngôn ngồi bên bàn, cánh tay nhàn tản chống mép bàn, ánh mắt lạ lùng hướng vào tôi vẻ thăm dò, lát sau mỉm cười, cúi đầu nhìn bức tranh sơn thủy mở rộng trên bàn, khẽ nói: "Vẽ khá lắm, nhưng từ nay đừng vẽ nữa".
Tôi thấy lạ, hỏi: "Sao huynh có bức họa này?".
Chàng không phủ nhận: "Cô kiếm được rất nhiều tiền, thành Tùy Viễn bé tí, đột nhiên cô có nhiều tiền như vậy, hỏi loanh quanh là biết ngay".
Tôi không nói gì, bụng nghĩ mình vẫn giận chàng, không nên tỏ ra thân mật, nhưng vừa rồi đã quyết định xin lỗi chàng, vậy là bỗng dưng không biết nên tỏ thái độ thế nào. Chàng lại như chưa yên tâm, ngón tay gõ xuống bàn, vẻ mặt nghiêm túc, nhắc lại lần nữa: "A Phất, nhớ đấy, từ nay không được vẽ nữa".
Tôi không hiểu: "Tại sao?".
Chàng không trả lời, tiếp tục ngắm bức tranh: "Nghe ông chủ hiệu nói, bức tranh này đáng giá bốn trăm thù vàng, vậy cô gán nợ cho tôi, tính ra cô vẫn còn nợ tôi một ngàn thù vàng, ồ, nên tiếp tục cố gắng".
Tôi bất lực, phản đối: "Huynh không thể vô lý như vậy".
Chàng cười giễu tôi: "Với trẻ con lý lẽ làm gì, trước giờ lúc nào cô chẳng vô lý!". Không đợi tôi phản ứng, chàng đã mang nghiên mực đến: "Tranh đẹp đấy, nhưng tiếc là chưa có đề từ, muốn một đề từ thế nào?".
Ánh nắng chiếu xiên, tôi nhìn chàng trong ánh sáng vàng như mật đó, bỗng nghĩ tới cái đêm sao đầy trời năm xưa, tôi bị rắn độc cắn ngất xỉu, chàng bế tôi, xiêm áo thoảng mùi hương mai, đêm trường mênh mang. Mộ Ngôn lại giục: "A Phất?".
Tôi lặng lẽ nhìn chàng: "Đối hoa đối tửu, lạc mai thành sầu, thập lý trường đình thủy du du"(*).
Vốn tưởng như vậy coi như hòa giải, hòa giải như vậy thực ra rất tốt, kết quả khi Mộ Ngôn vừa viết xong đề từ, thì đại phu đến tìm, sau lưng có một cô gái đi theo, tự xưng là nha đầu ở Trích Tiên lầu hầu hạ Liên Tinh cô nương, phụng mệnh cô nương đến mời Mộ công tử lại phủ hàn huyên.
Mộ Ngôn cuộn bức tranh, theo cô gái đi ra, đến cửa ngoái lại nói: "Tôi đi một lát về ngay".
Tôi vốn đã nghĩ, cứ nhịn cho xong, bèn cố nhịn, nhưng một lần nữa không nhịn được: "Huynh đi luôn đi không cần quay lại nữa!".
Cô gái đứng bên che miệng cười. Chàng dường như cảm thấy nực cười: "Lại giận gì thế, tôi đi làm chính sự, từ trước đến giờ chẳng phải rất...", chàng nghĩ một lát, dùng từ "ngoan", "... sao mấy ngày nay động tý là nổi cáu?".
Tôi nghĩ, thì ra chàng đã bắt đầu chê bai tôi, quả nhiên vừa rồi quyết định chủ động rời xa chàng là đúng, nhưng trong lòng lại thấy tủi thân, buồn bã ngoảnh đầu đi.
Còn chàng dừng ở cửa một lát, không nói gì nữa, quả quyết đi theo cô gái. Người tôi thích thực ra chẳng hề quan tâm đến tôi, trước đây tôi nghĩ chỉ cần được ở bên chàng, chỉ cần được nhìn thấy chàng là vui rồi, bởi vì chàng không thích tôi, cũng không thích người khác ngay trước mặt tôi, nhưng bây giờ sự thể đã thế này, tôi ngắm nhìn bàn tay mình, mọi chuyện chẳng có ý nghĩa gì hết.
Tôi gục đầu xuống bàn, mặc cho nỗi buồn xâm lấn, lát sau cố nghĩ lại những chuyện vui để thay đổi tâm trạng, nửa canh giờ sau cảm thấy dễ chịu hơn.
Mộ Ngôn có cuộc sống riêng của chàng, tôi có cuộc sống riêng của tôi, còn tôi nên cùng với Quân Vỹ, thầm nghĩ, có nên đi tìm Quân Vỹ, vừa ngẩng đầu, đã giật nảy người, ôm ngực rất lâu, mãi mới cất tiếng chào người vừa đi đến: "Oanh Ca cô nương, cô không sao chứ?".
Từ sau khi cô bỏ đi, tôi đã nghĩ sau này sẽ khó gặp lại, không biết hôm nay cô chủ động đến đây là có việc gì, chỉ cảm thấy trông cô có gì rất khác so với cô gái áo tím gặp ban đầu, lúc đó trong mắt cô có ánh sáng, lúc này hoàn toàn trống rỗng.
Cô nhìn tôi như thể không nghe thấy lời tôi, không biết bao lâu sau nới chậm rãi nói: "Tôi nghe nói thánh nhân không nói chơi, tôi đã gặp một thánh nhân, ông ta kể với tôi một số chuyện, nhưng tôi lại không tin những chuyện đó là thật. Ông ta nói cô là người duy nhất có thể giúp tôi, dùng ảo thuật của cô có thể nhìn thấy những gì người đời không nhìn thấy, những gì tôi muốn biết cô đều có thể giúp tôi nhìn thấy hết, ông ta bảo tôi đến tìm cô".
Ánh mặt trời rọi qua cửa sổ, tôi đoán được điều cô muốn, nhưng không biết mình có đoán đúng, dừng lại một lát, tôi chống tay lên trán hỏi cô: "Cô muốn biết điều gì?".
Môi cô động đậy: "Tôi muốn biết về phu quân của tôi", lời chưa dứt đã nghẹn ngào, nhưng lập tức kiềm chế, "... muốn biết tại sao chàng bỏ tôi, bây giờ, chàng ở đâu?".
Ngoài dệt mộng cảnh, Hoa Tư dẫn còn có công năng đó, có thể nhìn thấy quá khứ của người khác khi người đó không có mặt, nhưng nhất định phải có một vật mà người đó rất yêu thích làm vật dẫn cùng với máu của tôi, như vậy đánh bất cứ khúc đàn nào cũng không quan trọng.
Có điều dẫu phải dụng công như vậy, quá khứ nhìn thấy cũng chỉ là một ý nghĩ, một quá khứ của người đó liên quan tới vật dẫn. Giống như tôi muốn nhìn thấy quá khứ của Mộ Ngôn, lựa chọn dùng cây đàn của chàng làm vật dẫn, ngâm trong máu của tôi hai canh giờ, trong một không gian khép kín, dùng cây đàn đó đánh bất cứ khúc nào, trong không gian sẽ hiện ra cảnh tương tri, tương ngộ, và mọi cảnh liên quan của chàng với cây đàn kia, nhưng ngoài cái đó cũng không thể biết gì hơn.
Hơn nữa làm vậy rất hao tổn nguyên khí, lại không giống Hoa Tư mộng có thể giúp tu luyện viên giao châu, trái lại chỉ tiêu hao pháp lực của viên giao châu mà thôi, một lần tiêu hao pháp lực của viên giao châu tôi phải đổi hai năm sinh mạng của mình .
Chuyện này khiến tôi không thể không cân nhắc, thâm tâm tôi cũng thông cảm với cô, nhưng bản thân tôi cũng có nỗi khổ riêng, tôi đắn đo đưa ra đề nghị: "Cô muốn tôi dùng pháp thuật giúp cô, tôi không biết như thế có thể gọi là giúp hay không, bởi vì pháp thuật mà tôi làm được chỉ có thể là cô phải hiến thân mình cho tôi, tôi sẽ dùng xương cốt của cô làm thành cây cổ cầm, dùng cây cổ cầm đó đánh ra mộng cảnh, tái hiện quá khứ của cô và phu quân. Trong mộng cảnh đó cô sẽ nhìn thấy tất cả quá khứ của cô và phu quân liên quan tới cây cổ cầm, nếu phu quân cô hiện còn sống, tôi sẽ tặng chàng cổ cầm đó, nếu chàng đã chết, tôi sẽ táng cô cùng với chàng, để hai người mãi mãi bên nhau, nếu cô bằng lòng, tôi sẽ giúp".
Khuôn mặt Oanh Ca vốn trắng bợt, lại càng trắng bợt hơn, đôi mắt đen đã hoàn toàn thất thần. Phải, có ai bằng lòng dùng tính mạng đi đổi lấy một kết cục chưa biết. Tôi đứng lên: "Oanh Ca cô nương, xin lỗi tôi không tiễn...".
Lời chưa dứt, cô đã cắt ngang: "Tôi bằng lòng".
Tôi ngẩng lên: "Cô nói gì?".
Hai tay cô ôm trán, giọng lạnh lùng cố trấn tĩnh nhưng vẫn run run: "Gần đây, tôi thường nghĩ mình giống một mầm cây cố bật lên khỏi đất, muốn tìm một cây khác leo bám, nhưng không sao tìm được, lại không biết làm thế nào trồng lại mầm cây đó. Chỉ có thể cảm thấy rễ mình đang bắt đầu khô héo, dần dần khô héo từ thân tới lá, có lẽ sắp chết. Cô không biết cảm giác chết khô dần dần như thế nào đâu. Trước đây tôi cũng không biết".
Cô dừng một lát, bình tĩnh lại, "Nếu quả thực có thể dùng thân tôi làm thành cây đàn thì quá tốt, sẽ tốt hơn chết khô dần dần, lại còn được ở bên chàng, cũng không cần chạy khắp nơi, chạy khắp nơi tìm chàng nữa".
Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy Oanh Ca nói dài như thế, nhẹ nhàng hơn, nặng nề hơn bất cứ câu nào cô từng nói trước đây. Tôi lặng lẽ nhìn cô, lát sau, nói: "Tôi đùa cô đấy, tóc cô rất dài, rất đẹp, tôi không cần xương cốt của cô, chỉ cần đưa tôi mái tóc, tôi sẽ dùng nó làm dây đàn cũng có thể làm được cây đàn tôi muốn".
Sau đó cần một gian mật thất, một chiếc đàn không dây, một cái bát, một con dao.
Hai canh giờ sau, tôi vớt tóc Oanh Ca khỏi bát máu, tẽ ra trên lòng bàn tay giống như dải lụa đỏ dùng để may áo cưới.
Những giọt máu li ti đậu chắc trên sợi tóc, dù đem giũ cũng không rơi, tôi se chúng thành bảy sợi dây đàn, lắp vào cây đàn gỗ phong, những dây đàn màu đỏ óng ánh dưới ánh nến.
Sở dĩ cần một gian mật thất là bởi vì nếu đang làm có người quấy rầy tất cả sẽ uổng công, làm lại từ đầu cũng không dễ bởi vì tôi vẫn còn máu, nhưng tóc Oanh Ca không thể mọc nhanh như vậy.
Đang lúng túng thì cửa phòng bị gõ nhẹ hai tiếng, từ cách gõ cửa có thể đoán khách là ai, tôi lững thững ra mở cửa, đột nhiên sực nhớ vấn đề có thể giải quyết, vội bước nhanh ra mở then cửa, Mộ Ngôn đứng ngoài, ánh mắt dừng lại sau lưng tôi, nhìn một lượt rồi lại nhìn tôi: "Đang làm gì vậy?". Tôi liếc chàng, cắn môi ngoảnh mặt sang bên: "Cho chàng cơ hội lập công chuộc tội, được không?".
Mộ Ngôn lắc đầu, "Không cần!".
Tôi chặc lưỡi, lườm chàng: "Người ta chủ động giảng hòa còn làm bộ!".
Chàng thở dài: "Thôi được!".
Có Mộ Ngôn đứng canh, căn phòng tối đã thăng lên thành mật thất, tôi hoàn toàn yên tâm.
Vừa bấm phím đàn, đã thấy Oanh Ca chấn động, dây đàn dệt bằng tóc Oanh Ca gửi gắm tất cả thần thức của Dung Viên về cô, những mảnh quá vãng cô không chỉ có thể nhìn thấy, còn hiểu được Dung Viên nghĩ gì, tôi là người đánh đàn đương nhiên cũng biết.
Trên tầng không dần xuất hiện cảnh trong điện Chiêu Ninh đêm tân hôn, bên ngoài điện những cánh hoa lê mỏng manh bay trong tuyết, anh đào y hẹn cũng ra hoa. Lần trước chúng tôi cũng nhìn thấy cảnh này nhưng không biết Dung Viên nghĩ gì, lần này có thể hiểu ý nghĩ của Dung Viên từ ánh mắt đầu tiên nhìn thấy Oanh Ca.
Lần đầu nhìn thấy Oanh Ca, Dung Viên không biết cô gái xiêm y màu tím ngồi bên mép giường cúi đầu vuốt ve con báo gấm không phải là người chàng muốn cưới. Chuyện đó cũng không có gì lạ, ấn tượng của chàng về Cẩm Tước thực ra rất mờ nhạt, trên bãi săn cũng không nhìn kỹ, chỉ nhớ khi đưa con báo gấm bị thương cho chàng tay cô run run. Bàn tay thon thả trắng ngần không có dấu vết đao kiếm, không phải thích khách.
Cho dù Oanh Ca và Cẩm Tước không giống nhau, chàng cũng chưa hẳn nhận ra, sở dĩ lấy Cẩm Tước là chẳng qua là do Vương thái hậu nghe một thầy bói thân tín nói, trong buổi đi săn hôm đó chàng sẽ gặp một người con gái trong định mệnh của chàng.
Còn mãi đến đêm tân hôn, từ khoảng cách nửa điện Chiêu Ninh chàng mới lần đầu nhìn kỹ cô gái sẽ trở thành phu nhân của mình. Cô có hàng lông mày thanh dài, đôi mắt đen thẳm, dưới ánh nến đầy vẻ ấm áp dịu hiền, nhưng lại ngấm ngầm tỏa ra hàn khí, giống như món bánh tráng miệng bằng kem trong yến tiệc, lớp nước mai chua hoa quế rưới bên ngoài khiến món bánh trông như bốc hơi nghi ngút, nhưng bên trong lại là lớp lớp kem lạnh.
Chàng nắm tay cô, nhìn thấy vẻ hoảng loạn vừa lóe lại tắt trong mắt cô, đoán là cô sợ, nhưng đó là vẻ sợ hãi có bản lĩnh, cơ thể cứng đờ là phản kháng, nhưng tay lại không có ý vùng ra, cố tỏ ra nhu mì phục tùng nhưng lại không biết nhu mì phục tùng thật sự không phải là trấn tĩnh chấp nhận, mà là hoàn toàn tự nhiên bộc lộ nỗi bất an trong lòng.
Thân là quân vương, chàng chưa gặp một cô gái nào mà vẻ ngoài và nội tâm lại mâu thuẫn như vậy. Khi chàng hôn, cô cũng vẫn mở to mắt, đó là một đôi mắt rất đẹp, đen thẳm khi chăm chú nhìn chàng. Sau đó chàng nhìn thấy ánh nước hiện ra trong đôi mắt đó, ngón tay chàng vuốt ve đuôi mắt cô, bỗng như vừa chạm vào nguồn nước, cô bật khóc.
Cô khóc cũng tốt, trong khoảnh khắc đó chàng cảm thấy thích bộ dạng này của cô hơn, giống như khuôn mặt mất đi lớp phấn son che phủ, mọi bi hoan lộ ra chân xác nhất.
Mắt cô đỏ hoe, như có nỗi tủi rất lớn, lòng căng thẳng lại cố làm ra vẻ ung dung, nhìn thật đáng thương. Chàng an ủi cô, "Nếu sợ thì ngủ đi", lời vừa dứt, cô đã xiêm áo lộ nửa người ngồi lên người chàng.
Trong chuyện này, chàng chưa bao giờ ở thế hạ phong, bản năng muốn nhổm dậy lấy lại quyền chủ động, vì nghĩ cô gái trên người trói gà không chặt, lực khí đã giảm đi nhiều, nhưng cũng đủ đảo vị trí lật cô xuống dưới. Nhưng sự thực là chàng không dậy nổi, nhưng vẫn cảm nhận được tấm thân áp vào mình đang run rẩy thế nào. Chàng nghĩ cô nhất định rất căng thẳng, căng thẳng đến mức không nhận ra một nữ nhi yếu ớt sao có thể bạo phát lực khí lớn như vậy.
Tóc cô rất dài, bàn tay nuột nà, óng mịn không có bất kỳ dấu vết nào, ngay bảy vị phu nhân xuất thân quý tộc chính thống trong hậu cung cũng không bằng. Nhưng trừ hài nhi mới sinh, ai có thể có đôi bàn tay không dấu vết như vậy, huống hồ nghe nói ở Dung phủ cô rất thích làm việc nhà.
Tóc cô quệt vào tai chàng nhồn nhột, chàng nghe thấy giọng cô: "Nhất định có ngày như thế này với bệ hạ, chi bằng ngay đêm nay, bệ hạ thấy có đúng không?". Chàng thầm nghĩ cô gái này thật yếu đuối cũng thật kiên cường, vừa âm thầm nhẫn nhịn vừa gan góc đương đầu.
Đội quân ngầm không phải nuôi chơi, chuyện này rốt cuộc thế nào lập tức được làm rõ. Kết quả như dự đoán, thì ra Cẩm Tước không phải là Cẩm Tước mà là Oanh Ca, sát thủ Thập Tam Nguyệt, chàng nghĩ đến người cháu của mình, xưa nay vốn hành xử tỉ mỉ cẩn trọng nhất lại có thể không hiểu một điều, giấy sao bọc được lửa. Thà mắc tội khi quân cũng không chịu đưa Cẩm Tước thật vào cung, tất là yêu quý vô chừng. Từ cổ chí kim, các bậc minh quân, thánh chủ tối kỵ tranh giành với hạ thần hai thứ, một là tài sản, hai là đàn bà.
Chàng chậm rãi ngẩng đầu khỏi trang sách, liếc thị vệ đang quỳ dưới đất: "Hôm nay quả nhân không nghe thấy gì".
Thị vệ trẻ thật thà cúi đầu: "Bệ hạ nói phải, hôm nay thuộc hạ cũng không bẩm báo gì".
Chàng gật đầu, ý bảo lui ra, khi thị vệ ra đến cửa chàng lại gọi: "Vừa rồi ngươi nói, Dung Tầm làm thế nào xóa hết mọi vết sẹo trên người khi cô ta làm sát thủ?".
Thị vệ ngập ngừng, mặt lộ vẻ xót xa: "Tâu bệ hạ, thay da", nước trà trong cốc sánh ra rơi trên sách, chàng cúi đầu nhìn những dòng phê chú bằng mực đỏ ngấm nước trà lan ra, thầm nghĩ lúc đó nhất định cô ấy rất đau.
Đêm đó, phê xong chồng tấu chương trước án đã gần canh ba. Chàng không buồn ngủ, thong thả men theo Dụ Cảnh viên đi dạo, bất giác đi tới điện Chiêu Ninh lúc nào không hay, cả ngôi điện lớn phía đông hầu như không có bóng người, vắng vẻ cô quạnh, trước cửa điện có hai cây anh đào, một tiểu thái giám ngủ gật dưới gốc cây.
Trong điện có ánh đèn, chàng thong thả đến gần, cách năm bước liền dừng lại, tiểu thái giám thức giấc định hô báo, chàng ngăn lại. Từ chỗ đứng có thể nhìn qua ô cửa sổ chạm hoa văn quên chưa đóng, thấy cảnh trong phòng, Oanh Ca vẫn xiêm áo màu tím co gối ngồi trước ngọn đèn nhỏ, tay cầm quả cầu bằng lông khổng tước xoay xoay ngắm nghía dưới ánh đèn.
Một quả cầu như thế đứa trẻ nào hồi nhỏ chẳng được chơi, cho dù không phải làm bằng lông chim khổng tước nhưng niềm vui cũng như nhau. Chẳng có gì lạ, nhưng cô cầm quả cầu như cầm một vật quý, lặng lẽ nhìn hồi lâu, sau đó tung lên cao, ống tay áo phất lên làm ngọn đèn chao đảo, khi quả cầu rơi xuống cô đã đứng lên, khẽ nâng đùi dưới chiếc váy sát đất, quả cầu ngũ sắc bay vọt từ dưới lên theo đường cánh cung, vút thẳng lên sà ngang, cô nghiêng đầu ngắm nghía, đột nhiên bật cười, trông rất đỗi thơ ngây.
Quả cầu lại từ từ rơi xuống trúng đầu gối, cô hất nhẹ, lại bay lên không, cô xoay người muốn đón bằng gót chân, nhưng "bốp" một tiếng, quả cầu đã rơi xuống đất. Chàng lặng lẽ nhìn, lúc này cô đang ngạc nhiên ngoái đầu, mắt mở to nhìn quả cầu trên nền đất, vẻ mặt nghiêm túc đến buồn cười, nhìn một lát mới mấp máy môi gọi hầu nữ, đứng dưới bóng cây bên ngoài chàng nghe thấy cô nói với người hầu: "Đem vứt cái này đi".
Cô hầu ngạc nhiên: "Vứt đi, phu nhân nói không cần nữa sao?".
Cô trở gót đi vào trong: "Vứt đi, nó không thích ta, ta cũng không thích nó".
Đèn trong cung đã tắt, bên tai lại vẳng lên những lời thuộc hạ bẩm báo về quá khứ của Oanh Ca, cô được nuôi lớn, học giết người, sống đến hai mươi tuổi trong ánh đao ánh kiếm, bị thương, bị Dung Tầm vứt bỏ, cuối cùng bị coi là vật thế thân vào cung thay cô em thế nào, từng đoạn trường thuộc hạ đều nói rõ.
Chàng không sành đánh giá vẻ đẹp của phụ nữ, nhưng cảm thấy khi Oanh Ca đá cầu dưới ánh đèn vừa rồi nhẹ nhàng như con bướm tím chao lượn, duyên dáng như tiên nữ du xuân. Dặn dò tiểu thái giám mấy câu, chàng trở bước, theo đường cũ quay về, gió thu hiu nhẹ, hải đường chớm trổ hoa. Chàng thầm nghĩ Dung Tầm đã ngốc khi vứt bỏ cô, nhưng đưa cô vào cung hóa ra lại tác thành cho mình, đây quả là duyên phận.
Không phải vừa gặp đã yêu, từ thương xót đến yêu chỉ vẻn vẹn ba ngày, có thể người đời sẽ nghĩ ba ngày quá ngắn, nhưng có thể người ta chưa hẳn biết, đối với mối tình định mệnh, một cái nhìn cũng là dài, huống hồ ba ngày, huống hồ nhiều cái nhìn như vậy, chàng xót xa yêu.
Chuyện sau đó như đã nhìn thấy trong giấc mơ của Oanh Ca. Dung Viên hỏi cô có biết tình yêu của bậc quân vương là gì, cô trả lời, tình yêu của quân vương rộng lớn như hải hà, ân trạch ban khắp nơi, chàng không tán thành, như vậy sao có thể gọi là yêu, đó chỉ là bổn phận của quân vương đối với muôn dân.
Chàng không giống những bậc quân vương chỉ ban ơn mưa móc. Ở ngôi cao thường lạnh, hiểu cô, chàng muốn có cô bên mình, vị trí đó ba người quá chật, một người quá cô đơn, chàng chỉ muốn con người duy nhất đó, con người vừa yếu đuối vừa kiên cường, vừa âm thầm nhẫn nhịn, vừa gan góc đương đầu, từng là sát thủ, nhầm lẫn vấp váp thế nào cuối cùng trở thành người của chàng.
Chàng biết cô muốn bỏ đi, tìm mọi cách giữ cô lại, ngoài tự do những gì cô muốn chàng đều có thể cho cô. Chàng cũng biết, con người cô đã phủ lớp băng dày, cho dù được tự do, cô cũng không thể sung sướng, quá khứ đớn đau khiến cô ngay cả khi khóc cũng không biết khóc thật lòng.
Chàng muốn trân trọng cô, muốn cô sung sướng vô lo, giống mọi cô gái nhỏ thơ ngây không bận tâm thế sự, để chàng nâng niu trong lòng bàn tay.
Chàng đã tính xong tất cả, nhưng lại sơ suất quên một điều, đó là số mệnh. Trong kế hoạch của chàng, cô sẽ chung sống lâu dài bên chàng, chàng sẽ bảo vệ cô, giống như bảo vệ mỗi tấc đất của lục địa dưới chân, khi trăm tuổi họ sẽ nằm trong một chiếc quan tài, dẫu trong lăng tẩm lạnh lẽo, hai người cũng không cô đơn.
Nhưng khi số mệnh đến chàng mới thấy cuộc đời mình không dài như đã nghĩ, nói chi đến trăm năm.
Dung Viên sinh thiếu tháng, lúc nhỏ nhiều bệnh tật, phụ thân chàng đã mời danh y khắp nơi, đa phần dự đoán tiểu công tử nếu được chăm sóc chu đáo có thể sống qua tuổi mười tám, nếu muốn sống lâu hơn, chỉ có cầu xin ông trời.
Lão Trịnh hầu vương không còn cách nào khác, dứt khoát đưa chàng đi học đao thuật, mong qua đó có thể bồi dưỡng tăng cường sức khỏe. Không biết cơ duyên thế nào, ở chỗ sư phụ dạy đao thuật, chàng lại gặp thánh dược Bách Lý Việt người vốn thoắt ẩn thoắt hiện, không biết bằng cách nào vị thánh dược đó đã chữa khỏi mọi bệnh tật hồi nhỏ của chàng, từ đó cả Trịnh vương thất tôn Bách Lý Việt là thượng khách.
Từ khi lão Trịnh hầu qua đời, tám năm chàng không gặp lại Bách Lý Việt, lần gặp lại chính là vào dịp cuối năm khi Oanh Ca được phong Tử Nguyệt phu nhân. Bạn vong niên tái ngộ, câu đầu tiên Bách Lý Việt sắc mặt nghiêm trọng, hỏi: "Một năm trở lại đây bệ hạ có bị trúng độc gì không?".
Đến nước này chàng mới hiểu, chất độc chàng bị ngấm từ móng vuốt con báo gấm khi chàng chế ngự nó trong đêm trừ tịch năm trước mặc dù không phải là chất kịch độc, nhưng với riêng chàng lại là đòn chí mạng. Thì ra, năm xưa Bách Lý Việt trị bệnh cho chàng dùng rất nhiều độc vật để luyện thuốc, vạn vật tương sinh tương khắc, một khi đã dùng những thuốc đó, cả đời tuyệt đối không thể chạm đến ba cây thuốc là, tử quỳ vân anh, tương mộ cúc, đông hoặc thảo.
Nghe đồn trên đất Cửu Châu này đông hoặc thảo đã tuyệt diệt, người thiên hạ không biết hình dạng thế nào, tính chất ra sao, nhưng chất độc bôi vào vuốt con báo lại chứa không ít đông hoặc thảo. Ngự Cẩm viên lạnh giá, mái hiên cong của Dung Nguyệt cung thấp thoáng dưới tán cổ thụ, chàng nhìn đăm đăm về hướng đó hồi lâu, thong thả hỏi Bách Lý Việt: "Quả nhân còn sống được bao lâu?".
"Khoảng ba tháng nữa bệ hạ bắt đầu thổ huyết, một năm sau...".
"Một năm sau?".
"... sẽ thổ huyết mà qua đời".
Mặt chàng tái nhợt, giọng vẫn bình thản: "Ngay cả tiên sinh cũng bó tay sao?".
Bách Lý Việt là thánh dược, không phải là thần. Đông hoặc thảo vào cơ thể chàng đã gần một năm, không thể hóa giải. Lần đầu tiên chàng tự dối mình, hy vọng thánh dược Bách Lý Việt chưa bao giờ nhầm lần này sẽ nhầm, chàng chẳng trúng độc đông hoặc thảo, hạ hoặc thảo nào hết, chỉ là cơ thể hư yếu sau chấn động mà thôi.
Mãi đến ba tháng sau, trong khi chàng đang phê duyệt tấu chương, bất ngờ thổ ra huyết, chàng mới tin cái gọi là số mệnh, tính chàng vốn lạnh, xưa nay hỷ nộ không thể hiện ra ngoài, đêm hôm đó chàng đã nổi cơn thịnh nộ, đập nát mọi thứ trong ngự thư phòng. Nhưng sự đã thế, đành thu xếp hậu sự.
Mười ngày sau, chàng hạ lệnh giam Oanh Ca ở núi Đình Hoa với tội khi quân để ăn năn sám hối, ngày hôm sau ra chiếu bố cáo với thiên hạ Tử Nguyệt phu nhân lâm bệnh qua đời. Bách Lý Việt chơi cờ với chàng, cầm lên một quân trắng, nói: "Đến ngày cuối, nhớ lại hôm nay, nhất định bệ hạ sẽ hối hận".
Nhưng không còn cách nào tốt hơn, chàng nghĩ, sau khi chàng quy thiên, Oanh Ca chỉ có hai con đường, một là tuẫn táng theo chàng, hai là cô quả một mình trong thâm cung. Nếu để cô lựa chọn, với tính cách của cô nhất định Oanh Ca sẽ tự đâm vào ngực mình trước long sàng của chàng. Con người cô tưởng chừng phức tạp nhưng thực ra rất đơn giản, yêu một người là sống chết cùng nhau, còn giả sử đêm đó khi nhìn thấy cô chàng không thích cô, liệu Oanh Ca có thể sống tốt hơn?
Chàng giam cô mười năm, Đình Hoa sơn cách biệt thế gian, mười năm sau cô sẽ quên chàng, mặc dù tuổi xuân không còn, cô vẫn có thể tự do sống cuộc sống ngày xưa cô muốn. Còn việc giao giang sơn này vào tay ai, bằng cách nào, chàng sẽ tự cân nhắc.
Mấy ngày sau trong cung có tin truyền ra, Hồng Châu phu nhân có tin vui, nói là Bách Lý Việt đích thân xem mạch, chẩn đoán là con trai.
Hồng Châu phu nhân có tin vui là thật, nhưng không phải cốt nhục của chàng, đã hơn hai năm chàng không gặp Hồng Châu phu nhân, đứa trẻ đó là của phu nhân với một thị vệ thân tín của cô ta.
Bách Lý Việt xem mạch chẩn đoán là đúng, chàng đích thân đưa thánh dược đến am Phương Trúc, Hồng Châu phu nhân quỳ dưới đất run lẩy bẩy, thị vệ dan díu với phu nhân bị xử tử ngay trước mặt cô ta. Hai tin đầu trong lời đồn là thật, nhưng chẩn đoán hài nhi là trai lại đầy hồ nghi, đương nhiên cho dù Bách Lý Việt y thuật cao siêu, cũng tuyệt đối khó có thể biết đích xác hài nhi chưa thành hình rốt cuộc là trai hay gái, nhưng do chính miệng Bách Lý Việt nói ra mọi người ai cũng tin, mà như vậy là đủ. Chàng chỉ muốn quần thần đều hiểu, chàng sắp có một người nối dõi, sau khi chàng băng hà người thừa kế ngôi Trịnh hầu vương sẽ không phải là Dung Tầm, nhất là để cho Dung Tầm hiểu.
Bách Lý Việt đắn đo: "Đây vốn là đại sự của Trịnh quốc không liên quan đến hạ thần, nhưng bệ hạ đã định nhường ngôi cho Dung Tầm sao lại sắp đặt như vậy để ép ông ta soán vị cướp ngôi?". Chàng nhấc chén trà lên, dung sắc lạnh lùng: "Nếu quả nhân có thể thọ trăm tuổi, nếu Tử Nguyệt phu nhân có thể sinh cho quả nhân người nối dõi, ông cho là Dung Tầm sẽ nhẫn nhịn đến lúc nào mới chống lại quả nhân? Dung Tầm có tài trị quốc, nhưng quá dã tâm, nuôi hắn như nuôi mãnh hổ, quả nhân từng nghĩ có đủ thời gian mài bớt móng vuốt của hắn, hôm nay...". Chàng cau mày, hừ một tiếng, đặt chiếc chén trà trở lại bàn, "Quả nhân đã nhường ngôi cho hắn, lẽ nào lại tặng hắn cả Tử Nguyệt?".
Đây là thâm ý của chàng. Chàng biết Dung Tầm có tình với Oanh Ca, chuyện của mười năm sau chàng đã không thể nhìn thấy, nhưng chàng biết chỉ cần hôm nay Dung Tầm bức cung chống lại chàng, sau này Dung Tầm không thể có Oanh Ca.
Bách Lý Việt ngạc nhiên: "Bệ hạ đã không muốn Tử Nguyệt phu nhân tuẫn táng, muốn phu nhân được sống, cũng nên lường trước có ngày phu nhân lấy người khác".
Chàng nhìn phía chân trời: "Lấy ai cũng được, Dung Tầm không được".
Lần cuối cùng gặp Oanh Ca là trên đường trường hoang vắng vào một đêm có sao. Nghe tin cô trốn khỏi Đình Hoa sơn, chàng vô cùng lo lắng, không biết cô có bị thương, lấy cớ bị bệnh, chàng hủy bỏ mấy buổi thiết triều, mang theo thị vệ vội vã rời cung. Không biết đi bao nhiêu dặm, cuối cùng nhìn thấy Oanh Ca mình đầy thương tích đứng trước mặt chàng, tay cầm đao, mặt tái nhợt, gấu váy loang lổ máu.
Chàng nghĩ, chàng nên bất chấp tất cả kéo cô vào lòng, nhưng sao có thể. Cô đau đớn hỏi chàng: "Sao thiếp có thể tin chàng như vậy, những người trong vương thất đâu có hiểu sự quý giá của nhân tâm".
Chàng nhìn mái tóc rối tung của cô, nước mắt tràn ra từ những ngón tay đè trên mắt, từng giọt lớn lăn xuống, răng cắn chặt vào môi, chàng muốn nói câu gì, nhưng máu đã ứ trong miệng, nỗi đau của cô là vũ khí lợi hại nhất có thể đối phó với chàng. Nhưng chàng vẫn đưa cô về núi.
Nhìn bóng cô đi xa dần dưới ánh trăng, chàng muốn gọi tên cô, Oanh Ca, Oanh Ca, cái tên đó đã vang trong lòng chàng cả trăm, cả ngàn lần, nhưng chưa một lần thốt ra trước mặt cô.
"Oanh Ca". Chàng khẽ gọi. Nhưng cô đã đi xa.
Không lâu sau, Dung Tầm quả nhiên bức cung. Trận cung biến diễn ra lặng lẽ và mau lẹ, bởi vì chàng không định kháng cự. Như lời đồn, Dung Tầm hùng hổ áp trường kiếm vào cổ chàng, khàn giọng hỏi: "Tôi trao nàng nguyên vẹn cho thúc, tại sao thúc lại giày vò nàng tan nát?".
Còn chàng hơi ngẩng đầu, lạnh lùng: "Dù có nát, Tử Nguyệt cũng nên nát trong lòng ta". Kiếm của Dung Tầm rung rung, ép vào cổ chàng lộ ra vệt máu nhỏ, chàng lại không để ý: "Bao nhiêu năm qua, những việc ngươi làm có hai việc khiến ta hài lòng nhất, một là trao Tử Nguyệt cho ta hai năm trước, hai là bức cung hôm nay".
Dung Tầm nhìn chàng rất lâu, toàn thân như rã rời, lát sau cay đắng nói: "Nàng ra đi thế nào, có phải chịu đau đớn không?".
Chàng cười nhạt: "Cho dù đau đớn, cuộc đời này còn đau đớn nào nàng không chịu được".
Sau đó Dung Viên nhường ngôi, Dung Tầm lên ngôi. Sau khi nhường ngôi, Dung Viên lánh về dưỡng bệnh ở hành cung Đông Sơn, đó là vào tháng năm khi mùa hoa anh đào đã tàn. Tất cả đều được chép vào sử, thời đại thuộc về Trịnh Cảnh hầu đã trôi qua, để lại cho hậu thế hai trang giấy mỏng.
Năm sau, khi hoa anh đào nở tràn trên núi, cái ngày cuối cùng mà Bách Lý Việt nói cuối cùng đã đến, tôi có thể biết bởi vì máu trên dây đàn từng giọt nhỏ xuống theo ngón tay tôi, chứng tỏ cảnh đã kết thúc.
Trước mắt là suối nước nóng màu ngọc bích bốc hơi ngùn ngụt, phía sau là một rừng hoa anh đào. Đông hoặc thảo cơ hồ không giày vò Dung Viên bao nhiêu, ít nhất thần sắc vị quân vương xem ra khá tốt, chỉ có thân hình hơi tiều tụy, nhưng đây là ngày cuối cùng, khí sắc khác thường đó có lẽ là hồi quang phản chiếu.
Ánh nắng cuối cùng của ngày tàn hắt ra dệt thành dải lụa đỏ ối ở chân trời, cả rừng anh đào sau suối nước nóng sáng rực như tuyết đỏ. Chàng lơ đãng sai tiểu đồng đằng sau: "Hôm nay ta khỏe ra nhiều, đi lấy cho ta cuốn sách, ta muốn tắm suối nước nóng".
Tiểu đồng nhanh nhẹn chạy về phía thư phòng. Chàng khép tà áo bước xuống hồ nước, tựa vào bờ, lấy trong ống tay áo ướt một con xúc xắc xinh xắn. Con xúc xắc Oanh Ca tặng chàng vốn đã bị bóp vụn, lẫn vào gió đêm trên đường trường hoang vắng, giờ đây trong buổi hoàng hôn đỏ ối này lại lặng lẽ nằm trong bàn tay chàng.
Chàng chăm chú nhìn nó, đôi mắt đen dường như lấp lánh xuân tình, ngọt ngào êm lắng, một lúc lâu sau, chàng nắm chặt tay, nhắm mắt mỉm cười. Một con chim đâu đó bỗng kêu một tiếng, rừng anh đào phía sau đột nhiên bốc cháy, thế lửa rùng rùng như mãnh hổ nhanh chóng lan ra, rừng cây cháy nổ lép bép, hoa anh đào màu đỏ nhảy múa trong biển lửa, giống như vô vàn con bướm hồng, lửa chiếu sáng khuôn mặt tuấn lãm khác thường của Dung Viên, nhưng trong làn hơi nóng cuồn cuộn, đôi mắt chàng không mở ra nữa.
Khi Oanh Ca lao đến, cơ thể Dung Viên tựa bờ hồ trượt dần xuống nước, toàn thân run rẩy, cô muốn ôm chàng, không để chàng trượt xuống, nhưng lại quên rằng núi này, lửa này, hoa anh đào này, hồ nước này, bao gồm cả Dung Viên đều đã là quá khứ được tôi tái hiện bằng cây thất huyền cầm làm bằng tóc của cô.
Hàng lông mày đen như mực, đôi mắt nhắm nghiền, sống mũi cao, đôi môi mỏng, tất cả từ từ chìm xuống nước, mặt nước dềnh lên một chút rồi trở lại phẳng lặng, tịch mịch chỉ còn lại rừng anh đào trên núi cháy ngợp trời, còn Oanh Ca đứng lặng nhìn mặt hồ yên ả trước mắt, lát sau, vai rung rung, bật khóc đau đớn như một con thú nhỏ cô đơn.
Khung cảnh dần biến mất, Dung Viên quả thực đã chết.
Đó là toàn bộ câu chuyện, Oanh Ca ít nhiều đoán được nhưng vẫn không muốn tin.
Nhìn lại, mối thâm tình này tựa như một làn pháo hoa, nở bừng sáng rực rồi lập tức phai tàn, cuộc đời Dung Viên quá ngắn ngủi, chàng quyết dùng cách riêng của mình để bảo vệ cô, đó chính là tình yêu của bậc quân vương như chàng nói.
Trong thời loạn thế, trên đại lục rộng lớn này có bao nhiêu vương cung, trong đó âm thầm chôn vùi bao nắm xương khô của những bậc hồng nhan, vậy mà lại chứng kiến một mối thâm tình như vậy, giống một đóa hoa duy nhất nở trong đêm tối mênh mông đột nhiên bị gót sắt của số mệnh giẫm đạp, vẫn kiên cường nảy mầm đâm rễ.
Oanh Ca ngất đi trong cảnh đêm tối tiêu tan, Mộ Ngôn đỡ cô lên chiếc giường nhỏ bên cạnh, cúi đầu nhìn tôi.
Những giọt máu từ phím đàn nhỏ xuống nhuộm đỏ cây đàn gỗ phong, tôi trở tay nhìn ngón tay mình, mới phát hiện ngón tay tôi cũng loang lổ máu. Giống như năm xưa nhảy từ trên tường thành xuống, cảm giác từng tấc từng tấc sinh mệnh mình mất đi, muốn đứng lên nhưng không còn sức lực. Đây là lần đầu tiên tôi nhận thức rõ không có tính mệnh viên giao châu ban cho, tôi chỉ là một cái xác tàn.
Giọng Mộ Ngôn từ trên vọng xuống: "Một vũng máu lớn thế này, làm sao đây?".
Ngẩng đầu như vậy nhìn chàng hơi khó khăn, tôi mấp máy môi, ý bảo chàng ngồi xuống.
Chàng ngồi xuống bên tôi, sắc mặt đột nhiên rất khó coi: "Là máu của cô hay của Oanh Ca?".
Tôi lắc đầu, nói nghiêm túc: "Là tiết gà".
Thấy chàng không nói gì, lại bổ sung: "Bắt đầu nghi thức này cần tế trời, cho nên chúng tôi giết một con gà".
Mộ Ngôn cau mày: "Đừng nói bừa, nói thật đi. Hay là cô muốn tôi nhốt cả hai người vào y quán".
Tôi vùng ra: "Tiết gà thật mà...".
Chàng lườm tôi: "Thử nói dối nữa xem".
Tôi cúi đầu: "Bởi vì trông huynh có vẻ lo lắng, muốn nói thực ra huynh không cần lo lắng, không có gì đâu, tôi có nhiều máu, hơn nữa vết thương cũng không đau, tôi không muốn đến y quán, tự băng bó cũng được".
Chàng chống tay lên trán nhìn tôi hồi lâu, thở dài: "Cô đúng là luôn khiến tôi đau đầu".
Tôi dè dặt nhìn chàng, đặt tay lên hai bên Thái Dương chàng, chàng ngẩn ra: "Làm gì vậy?".
"Đừng giận nữa, tức giận dễ già đi đấy, nào để tôi xoa cho, còn đau đầu nữa không?".
"...".
Không biết sau này Oanh Ca sẽ đi đâu làm gì, nhưng bất luận cô lựa chọn thế nào, chúng tôi cũng không thể can thiệp.
Nhớ lại khi cô đến tìm tôi, ánh mắt ảm đạm và những lời quyết tuyệt lại thấy mủi lòng. May lúc đó một con bồ câu nhỏ màu nâu vừa đậu vào cửa sổ bay thẳng vào tay tôi.
Đây là bồ câu đưa thư của Quân sư phụ.
Tôi ngây ra, không ngờ nhanh như vậy lại có một vụ khác.
Mở thư xem, không kìm nổi, giơ bức thư nói với Mộ Ngôn: "Huynh nói Dung Tầm đi khắp nơi trong thiên hạ tìm danh y có thể cứu sống Cẩm Tước quả nhiên không sai, lần này đã tìm đến sư phụ tôi".
Chàng đang lau cây đàn, nghe vậy ngẩng đầu: "Sao? Hoa Tư dẫn lại còn có cả công năng đó nữa sao, có thể làm người chết sống lại?".
Tôi do dự: "Không hẳn làm người chết sống lại, chỉ là mạng đổi mạng".
Nghĩ một lát bổ sung: "Đối với những người bình thường thì không cứu được, chỉ có thể cứu sống người đã mất tính mạng trong cuộc sống hiện thực do lựa chọn Hoa Tư mộng, nhưng với điều kiện có một người cùng huyết thống bằng lòng đổi mạng".
Chàng trầm ngâm: "Cho nên, sư phụ cô gửi thư bảo cô dùng tính mạng của Oanh Ca cô nương đổi lấy tính mạng của Cẩm Tước cô nương?".
Tôi gấp lá thư, lắc đầu: "Sư phụ hoàn toàn không biết Cẩm Tước còn một người chị gái đang sống trên đời, chỉ bảo tôi thử đi một chuyến, bởi vì Trịnh vương đích thân đến tìm, sư phụ quả thật khó chối từ".
Nói xong đi tìm bút mực: "Phải hồi âm cho sư phụ, ngày mai lên đường tìm Quân Vỹ và Tiểu Hoàng, làm gì có thời gian. Cẩm Tước đã một lòng muốn chết, hà tất phải khổ công tìm cách cứu sống như vậy, người được cứu chắc gì đã cảm kích chàng ta".
Lúc đó đang đến gần chiếc giường thấp, khi chạm vào người Oanh Ca, đột nhiên bị một bàn tay nắm chặt. Tôi ngạc nhiên cúi đầu: "Cô tỉnh rồi sao?".
Oanh Ca nhắm mắt, vẫn nắm tay tôi, lát sau nói, "Quân cô nương, nếu có thể cứu được em tôi, xin hãy cố cứu".
Tôi nhìn cô: "Sao cô ngốc nghếch thế? Trừ phi dùng tính mạng của cô đem đổi. Nếu quả thật vừa nhìn thấy phu quân cô đã sung sướng muốn từ bỏ tính mạng, thà cho tôi tính mạng đó, tôi sẽ dệt giấc mộng cho cô để cô và Dung Viên mãi mãi bên nhau".
Cuối cùng Oanh Ca cũng mở mắt, đôi mắt đen thẳm nhưng hoàn toàn trống rỗng, có lẽ là tim cô đã chết vì đau khổ, thoạt nhìn còn giống người chết hơn tôi.
Một lúc lâu sau hình như mới hiểu lời tôi nói, cô nghiêng đầu nghi hoặc nhìn tôi, trong mắt vẫn một màu trống rỗng: "Điều đó phỏng có ích gì, là mộng đâu phải là thật".
Tôi mới nghĩ ra xưa nay cô luôn là người sống thật, thà đau khổ rõ ràng còn hơn hạnh phúc lơ mơ, trong toàn bộ câu chuyện này, người tỉnh táo nhất là cô.
Còn tôi không biết nói sao.
Cô xoay người nhìn lên xà nhà, giọng bình thản: "Năm nay tôi hai mươi sáu tuổi, cảm thấy cuộc đời mình rất tốt, rất dài, không còn gì lưu luyến nữa". Ngừng một lát, lại tiếp: "Chỉ có một nguyện vọng, sau khi tôi chết, hãy chôn tôi cùng với phu quân tôi".
Tháng bảy, vài cánh hoa đỏ thưa thớt, trên cành cây, lá đã mọc sum suê.
Vội vàng trở về Trịnh quốc.
Nơi làm phép thuật được chọn là một gò đất cao phía đông thành Tứ Phương chuyên dùng để tế lễ. Tôi nghĩ có lẽ Oanh Ca không muốn gặp Dung Tầm, lấy cớ không thể bị quấy rầy khi thực hiện nghi thức, không cho ai đến gần trong vòng năm dặm, chỉ để lại Mộ Ngôn uống trà dưới chân đài.
Giờ Dậu, quan tài của Cẩm Tước được đưa đến tế đàn. Đã gần một tháng, nhưng cơ thể vẫn nguyên vẹn như xưa, chỉ có sắc mặt hơi nhợt nhạt, có thể thấy Dung Tầm đã bỏ không ít công sức.
Cuối giờ Dậu, Oanh Ca là người đến cuối cùng, tấm rèm sa vén lên, nhìn thấy mái tóc dài chấm thắt lưng, một gương mặt không thần sắc. Tôi đưa nước trà pha huyết cho cô: "Bây giờ hối hận vẫn kịp". Cô liền uống ngay. Tôi nhìn cốc trà đã uống cạn, vẫn muốn thuyết phục cô: "Chuyện này quả thật tôi cũng không chắc chắn".
Tôi chỉ cho cô thấy hai cây đàn trên bàn: "Tôi phải đồng thời tấu Hoa Tư điệu của cả hai chị em cô, không được sai một nốt, còn phải khởi động viên giao châu dẫn dụ tinh thần cô...". Cô ngắt lời tôi: "Nếu thất bại, liệu có gây hậu quả xấu gì đối với Quân cô nương?". Tôi lắc đầu: "Không, chỉ là cho dù có thể cô không sống được, cũng không cứu được em cô". Oanh Ca liếc Cẩm Tước trong quan tài, ánh mắt mơ màng: "Như vậy cũng không sao, Quân cô nương bắt đầu đi".
Đứng trên đài cao, toàn bộ thành Tứ Phương đều thu vào tầm mắt, ánh nắng cuối ngày trải vàng trên những mái ngói nhấp nhô như vảy cá, đây đó đã có khỏi bếp bốc lên từ những mái nhà đó, hạnh phúc bình thường trong những ngôi nhà bình thường.
Tiếng đàn lành lạnh, gió lồng lộng trên đài cao, Oanh Ca nằm trên một tảng đá, từ từ nhắm mắt, mảnh sa tím trên chiếc váy dài bay phấp phới, giống như thân cây lớn dần, cuối cùng trùm lên người cô. Tạm biệt, Thập Tam Nguyệt.
Tôi nhắm mắt, đang tập trung tinh lực khởi động viên giao châu, khi mở mắt, một thanh kiếm đã cắm trên cây đàn thất huyền trước mặt, dây tơ đứt tung, gió lớn ù ù lập tức dừng lại. Tôi sững người, ngẩng đầu nhìn tế đài bằng đá phía trước, thấy thân hình rất thẳng của một người đàn ông vận áo chùng tím, hoa liễu phất phơ bay lả tả như ai cắt lông ngỗng tung lên trời. Tôi ôm cây đàn đứt dây vội đi đến, người đàn ông cúi người mở tấm rèm sa trùm trên mặt Oanh Ca, những ngón tay dài run run vuốt ve mắt cô, giọng nói lại vô cùng bình tĩnh: "Nàng ngủ rồi sao?".
Tôi thi lễ, lại trùm tấm sa lên mặt cô, chèn chắc các góc, kéo ống tay phủ hết bàn tay lạnh của cô: "Hai vị phu nhân chỉ có thể một người sống, bệ hạ muốn cứu Nguyệt phu nhân, tôi đã tìm Tử Nguyệt phu nhân để đổi mạng. Tử Nguyệt phu nhân không chết, Nguyệt phu nhân không thể sống. Hai vị phu nhân chỉ có thể giữ lại một, xin bệ hạ suy xét".
Tôi chờ Dung Tầm trả lời, nhưng chưa được bao lâu, tấm rèm khẽ lay, Oanh Ca dần dần tỉnh lại, vốn tưởng cô sẽ hôn mê, nhưng đôi mắt đen như nhân hạnh đào lại từ từ mở ra. Lúc sau, đôi mắt đó đột nhiên ánh lên ngàn tia sáng, cô nhìn người đàn ông áo tím nét mặt trầm tư đó, đột nhiên lao vào lòng chàng ta, giọng thơ ngây như trẻ nhỏ: "Cuối cùng chúng ta đã được bên nhau". Chàng ta sững người, giơ tay ôm cô, cô vùi đầu vào lòng chàng ta: "Cuối cùng chúng ta lại được bên nhau, Dung Viên". Sắc mặt chàng ta đột nhiên trắng bệch.
Từ từ kéo cô ra, giữ cô trong tay, chàng ta mở to mắt nhìn cô: "Ta là ai?".
Mắt cô đỏ hoe, long lanh nước, đăm đăm nhìn mặt chàng ta, rồi lại vòng tay ôm cổ chàng ta, gục đầu vào vai chàng ta nghẹn ngào: "Họ nói chàng đã chết, thiếp không tin, nếu chàng chết, thiếp sẽ ra sao?".
Tay Dung Tầm cứng đờ, buông thõng xuống, một lúc lâu sau, cất giọng khản đặc: "Nguyệt nương...".
Tôi thong thả xen lời: "Bệ hạ đừng ngại, chắc là cô ấy bị điên, thuật huán mệnh tối kỵ gián đoạn, e là sẽ... nếu bệ hạ vẫn muốn cứu Nguyệt phu nhân, Tử Nguyệt phu nhân như thế này cũng không sao, chỉ phiền bệ hạ cho tôi một cây đàn khác".
Dung Tầm như không nghe thấy lời tôi, trên dung sắc trắng bệch hiện ra nụ cười đau khổ: "Cho dù nàng bị điên, cuối cùng ta cũng có được nàng".
Tôi nhìn chàng ta: "Nếu cô ấy tỉnh lại, việc đầu tiên cô ấy làm sẽ là tuẫn tiết cùng Cảnh hầu vương".
Bông liễu rơi lả tả đầy trời như những bông hoa tuyết rơi trên tế đài, Dung Tầm ôm cô vào lòng, bước từng bậc đi xuống: "Vậy cứ để nàng mãi mãi không tỉnh lại".
Mũ sa của cô rơi xuống đất, gió cuốn bay đi, như một con bướm gãy cánh.
Tôi đứng mãi trên tế đài, băn khoăn không biết nên thế nào, bây giờ xem ra tất cả đều tốt, mọi người cầu được ước thấy, Dung Viên muốn Oanh Ca sống, cô ấy đã sống. Dung Tầm muốn có Oanh Ca, bây giờ họ đã ở bên nhau, Oanh Ca muốn có Dung Viên, trong ý thức của mình quả thực cô đã có được chàng. Giống như một giấc mộng Hoa Tư viên mãn hư ảo.
Đi xuống tế đài, nhìn thấy Mộ Ngôn đang ung dung đun trà, tôi bực mình nói: "Vừa rồi sao huynh không ngăn Dung Tầm?".
Chàng ung dung nhìn tôi: "Tôi đã gọi chàng ta đến, sao lại ngăn chàng ta?".
Tôi trợn mắt. Mộ Ngôn đưa cốc trà nóng cho tôi: "Nên để mỗi người có cơ hội lựa chọn, cô thấy đúng không, A Phất".
Tôi không biết có đúng hay không, chỉ biết bao nhiêu người chìm đắm trong Hoa Tư mộng hư ảo, đắm đuối trong tình yêu, muốn giữ mãi cho mình tình yêu đó, kỳ thực đều là những người yếu đuối.
Con người ta điều quý nhất là gì? Không phải là tình yêu, mà là lòng can đảm tiếp tục sống vì tình yêu. Nhưng những người tôi gặp không ai hiểu đạo lý này.
Ít lâu sau, chúng tôi rời khỏi thành Tứ Phương, nghe nói Cẩm Tước được hậu táng, vào giờ tốt ngày lành tháng này Oanh Ca sẽ thành hôn cùng Dung Tầm, khi nghe được những tin đó tôi lại không có cảm giác gì đặc biệt. Nhưng sáng ngày thứ chín, lại nghe nói Oanh Ca mất tích đúng đêm hôn lễ, Dung Tầm đi tìm khắp thành Tứ Phương không thấy. Mộ Ngôn hỏi tôi: "Theo cô, Oanh Ca sẽ đi đâu?".
Lúc này tôi đang viết thư cho Quân Vỹ, hẹn rõ địa điểm gặp nhau, nghe Mộ Ngôn hỏi, lơ đãng trả lời: "Có lẽ đã tỉnh lại, đi hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của mình thôi".
"Sau khi tôi chết, hãy chôn tôi cùng với phu quân tôi". Tôi còn nhớ lúc đó Oanh Ca đã nói vậy, đó là ý nguyện cuối cùng của cô.
Mộ Ngôn trầm ngâm hồi lâu, đi đến tiện tay mài mực giúp tôi.
Đêm đó, Mộ Ngôn xưa nay vốn phong độ ngời ngời lại xuất hiện trong phòng tôi với bộ dạng hơi nhếch nhác. Gió đêm đập vào cánh cửa lạch cạch. Tôi vừa giơ tay đóng cửa vừa kinh ngạc hỏi chàng: "Ăn vận thế này, huynh vừa ở đâu về?".
Chàng rút trong ống tay áo một mảnh sa tím, mỉm cười, thong thả nói: "Nhặt được ở lăng mộ Dung Viên".
Tôi ngẩn người, dừng tay rót trà, lát sau hỏi: "Oanh Ca ở trong lăng mộ Dung Viên sao?".
Chàng cầm ấm trà trong tay tôi, tự rót cho mình: "Chính xác hơn là trong quan tài của Dung Viên".
Tôi sững người hồi lâu: "Chẳng trách bọn họ không tìm thấy cô ấy".
Mộ Ngôn cười: "Không ai dám động đến lăng mộ của Cảnh hầu vương, bọn họ mãi mãi không thể tìm thấy cô ấy". Ngừng một lát, lại thêm một câu, "... trừ tôi".
Tôi gật đầu tán đồng: "Đúng, trừ huynh". Rồi chỉ ống tay áo chàng, "Hình như huynh bị thương".
Chàng thản nhiên rụt tay lại: "Không sao".
Tôi kéo tay Mộ Ngôn, vén ống tay áo bôi thuốc vào vết trầy xước, phát hiện người chàng chợt cứng lại, tôi ngẩng đầu nhìn chàng, ngượng nghịu: "Có những lúc tôi quá bướng phải không?".
Chàng một tay chống lên trán nhìn tôi, mủm mỉm cười: "Không, như thế là được".
- Chương mở đầu
- Phần 1 - Tận kiếp phù du - Chương 1
- Phần 1 - Chương 2
- Phần 1 - Chương 3
- Phần 1 - Chương 4
- Phần 1 - Chương 5
- Phần 2 - Thập Tam Nguyệt - Chương 1
- Phần 2 - Chương 2
- Phần 2 - Chương 3
- Phần 2 - Chương 4
- Phần 2 - Chương 5
- Phần 2 - Chương 6
- Phiên ngoại 1 - Khúc biệt ly
- Phần 3 - Tuyết ở Bối Trung - Chương 1
- Phần 3 - Chương 2
- Phần 3 - Chương 3
- Phần 3 - Chương 4
- Phần 3 - Chương 5
- Phần 3 - Chương 6
- Phần 4 - Trọn đời bình an - Chương 1
- Phần 4 - Chương 2
- Phần 4 - Chương 3
- Phần 4 - Chương 4
- Phần 4 - Chương 5 - Hoàn
- Phiên ngoại 2 - Quân cờ
- Phiên ngoại 3 - Khúc nhạc bình an
- Phiên ngoại đặc biệt - Khi có thai