Kỳ X
Lưu Nhảy Vọt bắt đầu uống rượu kể từ đấy. Hễ uống là say. Trước và sau lúc say, gã là hai con người khác hẳn. Say, cũng chẳng sao. Say vui quá đi chứ, quên tất tần tật mọi thứ. Nhưng sáng hôm sau tỉnh lại, tự dưng thấy đau đớn cả cõi lòng.
Muốn khóc, mà chẳng được. Ngồi bần thần, nghĩ. Nghĩ mãi, nghĩ mãi, bỗng muốn tự sát. Tự sát chẳng phải vì đã xảy ra chuyện, cũng chẳng phải vì cái lý ấy, mà vì cái lý ấy nó đã siết vặn Lưu Nhảy Vọt ghê gớm quá, chẳng thể nào trở lại được với hình hài ban đầu. Trước đây, nghe bảo người khác tự sát, thấy ghê sợ quá.
Giờ, bản thân muốn tự sát, lại thấy đây là một sự giải thoát. Có nhiều cách tự sát, hoặc uống thuốc trừ sâu, hoặc lấy dao cắt đứt mạch máu, hoặc nhảy xuống sông, hoặc sờ vào điện, nhưng Lưu Nhảy Vọt chỉ muốn mỗi treo cổ. Cứ nghĩ đến treo cổ là cả cái cổ lại ngứa ngáy. Nghĩ đến cảnh sợi dây thừng chạm vào cổ, cổ cứ thấy ngọt lịm. Có đêm đang ngủ, Lưu Nhảy Vọt hét toáng trong mơ:
Mọi bi kịch đều không có chỗ cho sự lựa chọn. Trong bi luôn có hài.
Lưu Chấn Vân
- Có ai không, cho tôi sợi dây thừng.
Tự sát kể cũng hay thật, nhưng Lưu Nhảy Vọt cuối cùng vẫn không tự sát. Không tự sát không phải vì Lưu Nhảy Vọt có gan nghĩ, nhưng không có gan làm, mà vì gã có một thằng con trai.
Xì-căng-đan của mụ vợ cũng liên lụy đến thằng con. Năm đó, nó mười hai tuổi. Cái hiện tại sờ sờ của Hoàng Hiểu Khánh khiến người ta bắt đầu hoài nghi về cái quá khứ của mụ. Mọi người đều bảo, thằng con chắc đếch gì đã là của Lưu Nhảy Vọt. Lưu Nhảy Vọt lôi con trai vào bệnh viện huyện. Hai bố con làm xét nghiệm DNA. Kết quả, hai người là quan hệ bố con máu mủ. Ba tháng sau, Lưu Nhảy Vọt ly dị vợ. Lúc ly dị, Hoàng Hiểu Khánh muốn con ở với mình, nhưng Lưu Nhảy Vọt cứ một mực, thà lấy gậy đập chết thằng con, còn hơn là để nó theo mẹ. Hoàng Hiểu Khánh biết mình có lỗi, nên cũng không nằn nì, chỉ bảo:
- Anh nuôi cũng được. Hàng tháng, tôi sẽ gửi anh tiền nuôi dưỡng.
Cơn tức đang lên tới đỉnh đầu, Lưu Nhảy Vọt buột miệng nói luôn:
- Người đĩ, thì tiền cũng đĩ. Kể cả có phải chống gậy đi ăn mày, bố con tao cũng không thèm đồng tiền đĩ điếm.
Khi ấy nói, thấy đã lắm. Lão Hồ viết giấy ly hôn ở xã còn giơ ngón tay cái về phía Lưu Nhảy Vọt ra chiều tán thưởng. Nhưng, nói thế là quá đà. Sáu năm nay, Lưu Nhảy Vọt biết mình đã bị hố nặng. Vì câu nói đó, Lưu Nhảy Vọt đã buộc thằng con vào mình, cõng đến oằn lưng. Đồng thời, cũng cảm thấy mình tiền hậu bất nhất. Đã biết tiền của chúng nó là đĩ điếm, nhưng trước khi ly dị, kết thúc chuyện này với Lý Canh Sinh, Lưu Nhảy Vọt lại đòi hắn bồi thường sáu vạn tệ. Tiền chỉ là tiền, làm đếch có chuyện đĩ với không đĩ. Với tiền, Lưu Nhảy Vọt đã nói câu quá đà.
Nghiêm Khắc là Tổng giám đốc Tổng Công ty phát triển nhà đất Đại Đông Á. Quê ở Lễ Lăng, tỉnh Hồ Nam. Trước 30 tuổi, Nghiêm Khắc gầy nhẳng. Sau 30 tuổi, bạn bè xung quanh đều phát tướng, bụng gã nào cũng phưỡn ra, nhưng Nghiêm Khắc vẫn gầy. Trước 32 tuổi, Nghiêm Khắc nghèo. Bố mẹ gã đều là nông dân vùng làm nông Lễ Lăng. Nghiêm Khắc lên Bắc Kinh học đại học. Người ta một ngày ăn 3 bữa, nhưng hồi đại học, Nghiêm Khắc ngày chỉ ăn hai bữa. Mà cũng chẳng phải hai bữa. Buổi trưa mua một món, ăn một nửa. Buổi tối, mua xuất cơm, ăn tiếp thức ăn còn thừa từ lúc trưa.
Tốt nghiệp đại học xong, làm quần quật mười năm vẫn chưa nên cơm cháo gì. Mười năm chuyển mười bảy công ty. Năm 32 tuổi, Nghiêm Khắc gặp quý nhân. Khi người ta gặp vận đen đủi, đêm tối dường như không có điểm tận cùng. Nhưng khi đã đổi vận, thì phất lên chẳng cần mấy tí. Nghĩ lại cái sự phát tích của mình, Nghiêm Khắc thường liên tưởng đến nhân vật Cao Cầu đời nhà Tống. Đương nhiên, cũng không phải giống Cao Cầu hoàn toàn. Kể từ khi gặp quý nhân đến nay, cũng chỉ độ mươi năm hơn, vậy mà Nghiêm Khắc đã từ kẻ không một xu dính túi trở thành người giàu bạc tỷ.
Chuyên ngành của Nghiêm Khắc hồi học đại học không phải nhà đất, không phải xây dựng, không phải kinh tế, cũng chẳng phải tài chính-tiền tệ, mà là luân lý học. Nói luân lý không mang lại lợi lộc gì. Thế nên, Nghiêm Khắc chẳng bao giờ nói chuyện luân lý, chỉ xây nhà trên quả đất của nhân loại, việc mà ngay từ hồi còn bé tí gã đã nhìn thấy ở quê. Nhờ việc này mà gã thoắt cái trở thành người thuộc tầng lớp trên của xã hội. Ảnh gã chễm chệ trên tấm biển quảng cáo bên đường vành đai bốn. Trong ảnh, mắt gã như lồi ra để nhìn ngắm cơ man nhà và đất của chính gã. Thế giới này làm quái có cái định luận nào. Hồi còn khổ sở, Nghiêm Khắc không bao giờ kể chuyện ngày xưa, ngày xưa. Thế nhưng bây giờ, những lúc gã vô tình nhắc lại chuyện ăn thức ăn thừa hồi đại học, mọi người đều phá lên cười, bảo, Nghiêm Khắc rõ là người hài hước.
Sau khi phất lên, Nghiêm Khắc cũng có nhiều phiền toái. Cái sự phiền toái này chẳng liên quan gì đến chuyện giàu nghèo, mà liên quan đến những người xung quanh gã. Sau 40 tuổi, Nghiêm Khắc phát hiện Trung Quốc có hai sự thay đổi lớn